Chu hoàng đế nhìn hai đứa con đã thành niên của mình, bình thản nói:
- Các ngươi nhớ kỹ, có một số việc không tồn tại hai chữ “nên thế”. Chớ có nghĩ rằng bởi vì chúng ta là Hoàng tộc, tất cả thần dân cần phải cống hiến cho chúng ta. Bất luận là quyết sách quốc sự gì đều phải tận lực dựa trên ích lợi được mất mà cân nhắc.
- Vâng, chúng nhi thần ghi nhớ.
Thái tử cung kính nói.
Vẻ mặt của Chu hoàng đế lộ ra một chút mệt mỏi, ông ta bóp trán cho tỉnh táo lên, lại nói:
- Có mấy lời... trẫm không tính nói với các ngươi, lo lắng nói rồi sẽ có hậu quả xấu.
- Phụ hoàng mời nói, nhi thần muốn được nghe lời dạy bảo của người.
Thái tử cung kính nói.
Chu hoàng đế nhìn Tào Vương, nói:
- Hi Nhượng, ngươi luôn tưởng rằng Triệu Khuông Dẫn và Phụ hoàng thân như huynh đệ, nhưng ngươi lại không biết, Phụ hoàng và Triệu thúc thúc của ngươi vẫn luôn tranh đấu gay gắt rất nhiều năm rồi.
Tào Vương ngạc nhiên nhìn Chu hoàng đế. Chu hoàng đế cười cười, nói:
- Trẫm cần Triệu thúc thúc của ngươi phụ tá trẫm ổn định giang sơn Đại Chu, nhưng trọng dụng Triệu thúc thúc của ngươi cũng chính là dưỡng hổ thành họa. Triệu thúc thúc của ngươi văn võ song toàn, là một nhân vật hùng tài vô cùng hiếm có. Qua nhiều năm như vậy, một nửa giang sơn Đại Chu đã bị Triệu thúc thúc của ngươi nắm vào trong tay rồi, nhất là trong quân. Đừng nói ngươi không hiệu lệnh được nhiều tướng sĩ Cấm quân, mà chính thánh chỉ của trẫm đưa tới trong quân cũng không so được quân lệnh của Triệu thúc thúc ngươi.
Sắc mặt của Thái tử và Tào Vương đại biến, ánh mặt biểu lộ khó có thể tin. Chu hoàng đế nhìn Tào Vương lại nói:
- Ngươi tín nhiệm Triệu thúc thúc của ngươi, nhưng nếu Triệu thúc thúc ngươi phản Chu, y nhất định sẽ giết huynh đệ các ngươi. Có lẽ ngươi cho rằng Triệu Khuông Dẫn sẽ không phản Chu, nhưng Tiên Đế gia của chúng ta cũng đã từng là trung thần, nhưng khi tay nắm trọng binh thì đã soán vị lập nên Đại Chu. Cái gọi là trung thần, đa số đều là thế lực khó có thể xây dựng cơ nghiệp, cho nên mới không thể không thần phục.
Thái tử gật đầu, nói:
- Phụ hoàng lệnh Triệu thúc thúc đi Giang Nam là có thâm ý ngầm.
Chu hoàng đế gật đầu, nói:
- Chủ yếu là vì đối phó Tấn quốc, thứ hai là điệu hổ ly sơn.
Thái tử gật đầu. Chu hoàng đế lại nói:
- Nhiều năm qua, sai lầm lớn nhất của trẫm là quá mức trọng võ khinh văn. Trước kia Đường quốc là trọng văn khinh võ, cho nên hoàn toàn áp chế mối họa võ tướng tạo phản. Mà Đại Chu lại là quân hùng như rừng, trẫm chỉ có thể dựa vào sự kiềm chế để duy trì thống trị.
- Đó không phải là sai lầm của Phụ hoàng. Nếu Đại Chu cũng trọng văn khinh võ, chỉ sợ sẽ bị đe dọa bởi mối họa ngoại xâm. Từ xưa, Trung Nguyên là nơi tứ bề giao tranh.
Thái tử giải thích.
Chu hoàng đế gật đầu, nói:
- Mọi việc đều có nặng nhẹ, trị quốc càng phải như thế. Lục Thiên Phong là một hùng tài, nhưng hắn chiếm cứ Hà Tây và Bắc Đình thì chẳng khác nào là một Hạ quốc thứ hai. Đối với Đại Chu, nguy hiểm nhất chính là nội hoạn. Một khi trẫm không còn, huynh đệ các ngươi sẽ rất khó áp chế các lão thần quân hùng, cho nên trẫm mới tiếp tục dung túng Lục Thiên Phong, mục đích là vì hình thành một thế lực mới để kiềm chế. Bất luận là quân hùng nào muốn tạo phản, đều sẽ cố kỵ hậu quả may áo cưới cho người. Từ xưa đến nay, kẻ nghịch thần đi tiên phong tạo phản, đa số đều trở thành đá lót đường cho người khác.
Thái tử và Tào Vương gật đầu. Chu hoàng đế nhìn Tào Vương:
- Hi Nhượng, trẫm biết ngươi muốn có công tích, nhưng Phụ hoàng khuyên ngươi một câu, điều hiện tại ngươi nên lo lắng chính là ngày sau có thể sống sót hay không.
Tào Vương vẻ mặt nghiêm trọng, thi lễ nói:
- Phụ hoàng, nhi thần đã hiểu.
Chu hoàng đế gật đầu, nói:
- Trẫm đã quyết định tứ phong Triệu Khuông Dẫn làm Giang Ninh quận vương. Ngày mai ngươi mang theo thánh chỉ và công văn phong thưởng các công thần khác đi Giang Nam tuyên dụ đi.
Tào Vương ngẩn ra, lập tức kinh ngạc nói:
- Phụ hoàng muốn phong Quận vương?
Chu hoàng đế gật đầu, nói:
- Đúng vậy. Trẫm nhất định phải cùng Triệu Khuông Dẫn tranh đoạt lòng quân ủng hộ. Trẫm phải gia tăng hoàng ân thì mới có khả năng áp chế Triệu Khuông Dẫn mê hoặc và lung lạc quân tâm.
Tào Vương gật đầu, nói:
- Nhi thần đã hiểu.
- Ngươi đi Giang Nam rồi, có thể ở lại Giang Ninh, cũng có thể trở về trong quân của Trương Vĩnh Đức. Trẫm tùy ngươi lựa chọn.
Chu hoàng đế nói.
Tào Vương ngẩn ra, suy nghĩ một chút nói:
- Nhi thần nguyện đến trong quân của đại cô phụ (dượng cả).
Chu hoàng đế gật đầu, ôn hòa nói:
- Trí giả không đứng dưới tường sắp sập (). Nếu ngươi không muốn ngày sau trở thành con rối của Hoàng đế, vậy rời xa Triệu Khuông Dẫn một chút.
() nói tới thái độ làm người của trí giả là phải rời xa nơi nguy hiểm, phòng họa khi chưa xảy ra, một khi thấy mình rơi vào nguy hiểm thì phải đúng lúc rời khỏi.
Tào Vương nghe xong hơi biến sắc, tiếp đó im lặng gật đầu. Chu hoàng đế lại nói:
- Đại cô phụ của ngươi tuổi tác đã cao, hùng tâm đã nhạt, sau này trẫm sẽ mời y đến trấn thủ Khai Phong phủ.
Thái tử và Tào Vương đồng loạt gật đầu. Chu hoàng đế nhìn Thái tử, ôn hòa nói:
- Trẫm tính toán tứ phong Lục Thiên Phong làm Tây Tấn quận công. Hi Huấn, ngươi có nguyện tây tuần một chuyến không?
Thái tử giật mình kinh hãi, nhìn Chu hoàng đế, hơi chần chừ mới nói:
- Phụ hoàng muốn cho nhi thần đi Hà Tây gặp Lục Thiên Phong sao?
Chu hoàng đế ôn hòa nói:
- Trẫm không buộc ngươi đi. Mà là Hi Nhượng sắp đi Giang Nam, nếu ngươi cũng muốn ra bên ngoài một chút, thì có thể đến Tây bộ nhìn xem. Nếu không muốn thì cũng không sao.
Thái tử suy nghĩ một chút, thi lễ nói:
- Nhi thần không muốn đi ra ngoài. Nhi thần nguyện ở lại Khai Phong phủ vì Phụ hoàng phân ưu.
Chu hoàng đế gật đầu, nói:
- Cũng tốt.
Tào Vương chần chừ một chút, thi lễ lại nói:
- Phụ hoàng, nhi thần nguyện ra bên ngoài đi đây đó, muốn đến Tây bộ mở mang kiến thức về Hà Tây và Hà Hoàng, thuận đường thăm Lục đệ. Nhi thần nghĩ sau khi trở về từ Giang Nam, sẽ đến Hà Tây.
Chu hoàng đế hơi giật mình, lập tức ôn hòa nói:
- Ngươi nguyện đi, vậy thì đi đi. Tuyên chỉ đến chỗ của Lục Thiên Phong không cần phải gấp gáp.
- Vâng, nhi thần lĩnh mệnh.
Tào Vương cung kính nói.
Thái tử liếc nhìn Tào Vương một cái, chợt Chu hoàng đế nói:
- Các ngươi lui đi, trẫm mệt mỏi rồi.
Thái tử và Tào Vương hành lễ rồi rời đi. Chu hoàng đế dựa người trên long ỷ, nhắm mắt lại, sắc mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi, thật lâu sau, ông ta mới mở mắt, ngồi thẳng dậy, lấy thẻ tre đề bút.
- Tuyên chiếu, Phó sứ Ly Thạch quân Vân Cẩm Đông dẫn năm ngàn Ly Thạch quân quay về Khai Phong phủ, phòng ngự Thạch Châu báo cho Lục Thiên Phong đến tiếp quản.
Chu hoàng đế viết xong chiếu thư, đứng dậy rời khỏi điện Văn Đức, đi hậu cung dưỡng thần.
Bốn ngày sau, tín sử truyền chiếu đã phi ngựa tới Thạch Châu, gặp được Vân Cẩm Đông trấn thủ Thạch Châu. Vân Cẩm Đông tiếp chiếu thư hết sức bất ngờ, vội lệnh cho người đi Hà Tây truyền tin, cũng để lại một quan tướng tâm phúc trấn giữ. Y rút tuyển năm ngàn tướng sĩ rồi chỉnh quân, xuất phát rời khỏi Thạch Châu.
Vì sao Vân Cẩm Đông không chờ Lục Thất hồi âm, đó là bởi trước đó y đã cùng Lục Thất giao hẹn. Hẹn sẵn chỉ cần Vân Cẩm Đông nhận được mệnh lệnh của triều đình Chu quốc, thì phải độc lập hưởng ứng nghe lệnh làm việc. Chu hoàng đế không có hạn định ngày Vân Cẩm Đông quay về, nhưng Vân Cẩm Đông cũng không đợi hồi âm của Lục Thất, mà lập tức xuất phát, càng hiển lộ sự phục tùng tuyệt đối quân lệnh của triều đình.
Vân Cẩm Đông đi rồi, nhưng Thạch Châu còn có hơn một vạn quân nhu binh, cũng chính là công dũng dưới hình thức quân quản, nhiệm vụ chủ yếu là khai thác than đá. Thạch Châu bây giờ, từ sau khi Lục Thất rời khỏi, lục tục hấp dẫn hơn bốn vạn dân nhập cư. Đã không còn chiến tranh tàn phá bừa bãi, Thạch Châu lại phát triển thương nghiệp coi trọng nông nghiệp, nhất là than đá và luyện khí cụ bằng thiết đã mang đến của cải thật lớn. Người dân đương nhiên nguyện tụ tập đến địa phương giàu có, hơn nữa bốn vạn dân di dời có hơn phân nửa đến từ châu vực của Tấn quốc công.
Lục Thất nhận được thông báo của Vân Cẩm Đông cũng cảm thấy bất ngờ, ngờ vực Chu hoàng đế điều Vân Cẩm Đông đến Khai Phong phủ phải chăng là muốn giữ làm con tin. Tuy nhiên Chu hoàng đế lệnh Vân Cẩm Đông suất quân đi Khai Phong phủ còn có một loại khả năng khác, đó là Chu hoàng đế muốn thay đổi một bộ quận Cấm quân của Khai Phong phủ.
Đối với việc Chu hoàng đế vẫn không bổ nhiệm vị trí Thứ sử Thạch Châu, Lục Thất tuy có ngoài ý muốn nhưng vẫn hiểu được, Chu hoàng đế là muốn dùng hắn uy hiếp Tấn quốc công. Hà Tây cách Thạch Châu rất xa, nhưng nếu Tấn quốc công có tâm tạo phản, tất sẽ không muốn nổi lên việc binh đao với Lục Thiên Phong trước, mà hy vọng Lục Thiên Phong có thể xem chừng.
Bởi vì đã cùng Hạ quốc đạt thành ước hẹn chung sống hòa thuận, cho nên sau khi Lục Thất nhận được tin, chỉ điều năm trăm quân lực đi Thạch Châu, tượng trưng tiếp quản phòng ngự Thạch Châu. Sở dĩ Lục Thất không điều nhiều hơn quân lực đi Thạch Châu, một là không muốn quân lực Hà Tây rời đi, hai là không nghĩ tạo thành áp lực uy hiếp Tấn quốc công. Nếu Tấn quốc công có tâm đột kích Thạch Châu, thế thì hai vạn quân lực trú đóng tại Thạch Châu cũng sẽ đồng dạng tùy theo tình thế không ổn mà trốn chạy.
Đối với việc Vân Cẩm Đông tiếp chiếu làm việc, Chu hoàng đế cũng rất bất ngờ. Ông ta cho rằng Vân Cẩm Đông sẽ lấy Lục Thiên Phong như thiên lôi sai đâu đánh đó. Vân Cẩm Đông lĩnh quân đi rất nhanh, sáu ngày là đã tới Khai Phong phủ, trước đó cũng đã cho thuộc hạ cưỡi ngựa đi thông báo.
Xu Mật viện nhận được tin báo, lập tức thỉnh chỉ Hoàng đế. Hoàng đế hạ chỉ, Vân Cẩm Đông nhậm chức Phó đô chỉ huy sứ Bộ quân ti, tương ứng Hổ Dực tả quân thuộc biên chế Cấm quân kinh thành. Không lâu sau, từ Bình Lư Tiết Độ Sứ quân ở Thanh Châu, Vũ Ninh Tiết Độ Sứ quân Từ Châu, mỗi nơi điều đến hai ngàn năm trăm tướng sĩ, hợp thành năm ngàn tướng sĩ Hổ Dực hữu quân. Khai Phong phủ lập tức có hơn một vạn Cấm quân xa lạ.