Sớm tinh mơ A Cố đi gánh nước, đến khi trời sáng vẫn chưa thấy về.
Fabbi Atonado xuống hầm hỏi Trương Ngọc Mặc có nói cho A Cố biết đường đến hồ nước không. Trương Ngọc Mặc nói đã nói rất rõ, hơn nữa A Cố còn nói cũng biết, cái hồ đó thuộc từ đường của một nhà giàu, để mùa hè thả sen.
Fabbi nói: “A Cố đi ba tiếng đồng hồ rồi chưa thấy về!”
Fabbi chọn lấy cái áo mới hơn một chút trong hai cái, lấy khăn lau mặt. Anh đi tìm A Cố, nếu chẳng may A Cố bị người Nhật gây khó dễ thì mặc thế này sẽ giúp anh có tư thế ăn nói hơn. Không thể không tìm A Cố, chẳng còn ai gánh nước, trẻ tuổi như George Trần sẽ bị người Nhật cho là tù binh lôi đi bắn hay chém đầu ngay. Hai phóng viên người Mỹ vừa mới rời Nam Kinh nói rằng, lính Nhật xếp thành dãy những cái đầu lâu người Trung Quốc để chụp ảnh, trưng bày ở đất Nhật như chiến tích.
Theo chỉ dẫn của Trương Ngọc Mặc, Fabbi đi theo con đường nhỏ lên phía bắc, đến ngõ thứ hai thì rẽ vào, đi đến tận cuối ngõ. Cảnh tượng trên phố vẫn như lần trước anh ta thấy, tường đen nhiều hơn, có nhà không còn nữa, bảy tám con chó chạy nhông nhông qua bên cạnh. Bốn ngày nay lũ chó béo lên, lông óng mượt. Cứ thấy lũ chó xúm xít lại chỗ nào là anh nhìn đi chỗ khác, vì ở đấy tất phải có cái xác người bị xé tanh bành.
Fabbi tay xách cái xô, sẵn sàng quật vào lũ chó quen ăn xác chết đã có thói thích ăn thịt người sống. Ra khỏi ngõ, anh ta thấy hàng loạt tường đổ. Sau một chỗ khuyết nhìn thấy một hồ nước lấp lánh dưới nắng sớm. Bên hồ, chẳng thấy người cũng chẳng thấy xác A Cố đâu. Biết đâu anh ta gặp may bỏ lại ông linh mục già với đồng lương còm đi mất rồi. Cũng có thể bị người Nhật bắt đi sung vào đội chôn xác rồi. Xác người ngày càng nhiều, số lượng nhân công xử lý cũng phải tăng lên theo.
Trên mặt hồ cọng sen khô nổi lềnh bềnh. Đây là bức tranh yên tĩnh và thanh bình mà Fabbi đã quen mắt từ lâu rồi. Anh vục lấy nửa xô rồi xách về. Tí nước này cho mười mấy người là muối bỏ bể, phải dùng chiếc Ford cổ quí giá của linh mục Engman để chở nước thôi.
Về đến nhà thờ, Fabbi dỡ ghế ngồi phía sau ra, nhặt nhạnh thùng, chậu, nồi xếp lên đó.
Chuyến đầu tiên về. George Trần nấu một nồi cháo to, mỗi người được chia một bát cháo và một đĩa nhỏ dưa muối có mùi của giẻ lau, vị của bã rượu nhưng ai cũng cảm thấy được ăn một món ngon hiếm có.
Đám đàn bà dưới hầm và nữ sinh mấy ngày chưa đánh răng rửa mặt, bây giờ mỗi người một cốc nước ngồi dưới mái hiên, nhúng khăn tay rửa mặt, còn lại súc miệng đánh răng.
Trương Ngọc Mặc dùng chiếc băng buộc tóc nhúng nước cọ sau tai, cổ gáy. Có tí nước, cô tiếc không dám dùng khăn tay, cô cởi cúc cổ áo, vẫn dùng băng buộc tóc thò sâu vào lau phần trên ngực. Cô vô tình phát hiện Fabbi đang nhìn cô như phát dại. Cô bỗng thấy sởn gai ốc. Một sợi tình cảm len lỏi bò giữa hai người tựa như một nhánh dây leo đội lên từ khe đá không biết gốc ở đâu.
Đến lần thứ ba đi lấy nước Fabbi mới phát hiện tung tích của A Cố. Một đại đội lính Nhật đóng quân ngay trước hồ, chính họ bắn chết A Cố. Fabbi đoán đầu đuôi câu chuyện là A Cố gánh đôi thùng đến hồ nước gặp mấy người lính Nhật, họ muốn lấy hai cái thùng nhưng A Cố không hiểu họ hò hét cái gì. Lính Nhật cảm thấy để cho người Trung Quốc này hiểu được thì mất công bèn đòm một phát giết chết A Cố. Anh này trúng đạn cắm đầu chạy nhưng thế nào lại chạy ra giữa hồ, hai viên đạn đuổi theo dìm chết anh ta.
Cái hồ nước rất nông, Fabbi chở đi ba chuyến nước, xác của A Cố mới lộ ra trong bùn. Fabbi lội bùn đến đầu gối kéo xác anh ta vào bờ, kéo mãi kéo mãi, anh cảm thấy có người nhìn: Hơn chục lính Nhật xuất hiện phía sau từ bao giờ, hơn chục mũi súng lăm lăm chĩa vào anh. Nhưng Fabbi quay mặt đi, những mũi súng lần lượt chúc xuống. Bộ mặt người da trắng khiến anh được đãi ngộ không giống với A Cố.
Lần này xe của Fabbi không chở nước mà chở xác A Cố. Con người đen gầy trương lên béo trắng, linh mục Engman làm một lễ tang đơn giản cho anh ta và chôn ở khu mộ sau nhà thờ.
Bây giờ thì các nữ sinh biết rằng hai ngày nay uống nước ngâm xác A Cố, rửa bằng nước ngâm xác A Cố, George Trần dùng nước đó nấu cháo nấu mì…
Thư Quyên cảm thấy ruột gan cuộn lên, hai bên hàm ê ẩm, rồi cô nôn thốc ra mật xanh mật vàng.
Cô đi xuống gác định ra ngoài thở hít không khí mát mẻ cho đỡ buồn nôn.
Bất chợt cô trông thấy Từ Tiểu Ngu, Tô Mạc, và Lưu An Na đứng trước lỗ thông hơi, cô bé này là trẻ mồ côi. Từ hôm Từ Tiểu Ngu phản bội Thư Quyên trước mọi người, Thư Quyên xa lánh, đêm nằm quay lưng về phía Từ Tiểu Ngu. Nhưng Từ Tiểu Ngu chẳng thiếu bạn thân, lập tức lấy Lưu An Na thế chỗ. Thư Quyên đoán nếu bây giờ bố Từ Tiểu Ngu đến đón con gái thì Từ Tiểu Ngu sẽ xin bố đón Lưu An Na chứ không phải cô. Cho dù vậy, Thư Quyên vẫn quyết tâm sắt đá, không chịu làm lành trước.
Thư Quyên phát hiện thấy mấy bạn đang xem cái gì đó. Từ lỗ thông hơi dài và hẹp cao hơn mặt đất hai thước nhìn xuống hầm kho có thể thấy lưng người đàn ông, tuy chiếc áo len Fabbi cho anh ta mượn vừa dài vừa rộng, vậy mà cổ và vai vẫn kín. Đây là một người đàn ông có thể mặc bất kỳ quần áo gì cũng thành quân phục. Các nữ sinh đều biết viên thiếu tá tuổi tên là Đới Đào, đã từng tham gia chặn đứng quân Nhật khi chúng tấn công Thượng Hải, suýt nữa thì đẩy một lữ đoàn quân Nhật xuống sông Hoàng Phố. Linh mục Engman biết được điều đó khi nói chuyện với viên thiếu tá. Đới Đào rất ấm ức và khó hiểu với chuyện rút khỏi Thượng Hải và bỏ rơi Nam Kinh. Khi từ Thượng Hải rút về Nam Kinh, công sự bê tông cốt thép dựng lên theo chỉ đạo của viên tướng người Đức Falkenhausen không được sử dụng lần nào, quân đội cứ thế lếch thếch chạy về Nam Kinh. Nếu cuộc rút lui qui mô lớn của quốc quân() là để bảo vệ dân, bảo toàn lực lượng quân đội thì quyết định của Hội đồng Bảo an về cuộc thương lượng ba ngày đình chiến giữa hai phía Trung Nhật để quốc quân an toàn rút khỏi Nam Kinh, chuyển giao thành phố một cách an toàn cho phía Nhật, tại sao gặp phải sự cự tuyệt của Tưởng Giới Thạch? Kết quả là quân Trung Quốc không ra tử thủ cũng chẳng ra rút lui, khiến quân tâm rối loạn. Linh mục Engman và Đới Đào cùng chung mối quan tâm đến đề tài này.
Chú lính Vương Phố Sinh được các ả điếm choàng cho áo lông báo, băng y tế không đủ, họ thay bằng các băng lụa màu. Cậu bé vốn đẹp trai biến thành con gái, cậu ta dựa vào tấm thảm, bên cạnh là Đậu Hoàn, mỗi người tay cầm một nắm quân bài tú-lơ-khơ, một tờ tạp chí cũ đặt ở giữa làm bàn chơi.
Qua lỗ thông hơi không nhìn được toàn cảnh nhà kho, ai đi vào “ống nhòm” thì các cô trông thấy người đó. Bây giờ là Trương Ngọc Mặc đi đến, cô nói gì với viên thiếu tá không ai nghe thấy, cho dù cô Thư Quyên của tôi có căng thần kinh ra cũng không nghe được gì. Cô hơi thất vọng, thiếu tá Đới Đào lại đầu mày cuối mắt với loại đàn bà như Trương Ngọc Mặc khiến cô bé Thư Quyên tuổi vô cùng đau khổ.
Vì cô Thư Quyên của tôi không biết họ nói gì với nhau, cho nên tôi đành phải dùng trí tưởng tượng để lấp vào chỗ trống. Trong thời khắc quân Nhật đang say sưa với cuộc tàn sát thì những câu nói giữa một ả điếm nổi tiếng với chàng sĩ quan trẻ tuổi, có chí lớn sẽ phải như thế này:
“Lần đầu gặp anh tôi đã thấy quen quen,”
“Chắc không phải vậy? Cô lại không phải người Nam Kinh.”
“Anh cũng không phải người Nam Kinh chứ? Anh đã ở Thượng Hải à?”
“Ừ, sinh ở Tô Châu, đã ở Thượng Hải bảy tám năm.”
“Gần đây cô có đi Thượng Hải không?”
“Có đi đến mấy lần kia.”
“Đi với ai? Có đi với quân nhân nào không? Vào tháng bảy năm nay?”
“Đúng là cuối tháng bảy, đang mùa nóng.”
“Nhất định là ông sĩ quan đó đưa cô đến Câu lạc bộ Không Quân, tôi hay la cà đến Câu lạc bộ đó mà.”
“Tôi làm sao mà nhớ được?”
Ngọc Mặc cất tiếng cười, chứng tỏ cô nhớ rất rõ nhưng không được phép thừa nhận, danh dự và sự hòa thuận gia đình của ông sĩ quan nọ rất quan trọng.
Sự náo loạn hò hét của Hồng Lăng cắt ngang câu chuyện tâm tình của hai người.
“Chúng tôi quê mùa lắm, chỉ có Ngọc Mặc đã đi Bách Lạc Môn ở Thượng Hải, chị ấy nhảy đẹp lắm.”
Hồng Lăng đang trả lời Lý Toàn Hữu khi anh ta yêu cầu cô ta nhảy cho xem.
Tất các các ả đều tán đồng Hồng Lăng: “Ngọc Mặc mà nhảy thì tượng đất Bồ Tát cũng phải nhảy theo!…”
“Đâu chỉ có nhảy theo, tượng đất Bồ Tát phải động lòng nữa!”
“Ngọc Mặc mà nhảy thì tôi chỉ muốn bế cô ấy lên giường!”
Câu nói ấy là của một ả được gọi là hắc tinh tinh.
Thiếu tá Đới nói: “Tiểu thư Ngọc Mặc, người anh em chúng tôi từ cõi chết trở về muốn tiểu thư nhảy cho xem, tiểu thư cũng nên nể tình chút chứ?”
“Đúng đấy, sống ngày nào biết ngày ấy. Biết đâu tối nay người Nhật đến thì chúng ta chẳng ai có ngày mai cả.” Hồng Lăng nói.
Lý Toàn Hữu cảm thấy mình không đủ tầm để nói chuyện trực tiếp với Ngọc Mặc, anh ta chỉ nói nhỏ vài câu với Hồng Lăng rồi nhe mấy cái răng bàn cuốc ra cười hề hề nhìn Hồng Lăng nói lại hộ ý của mình.
“Ai chẳng biết Nam Kinh có Tàng Ngọc Lâu(), trong đó có cất một loại ngọc tên là Ngọc Mặc, mau mau cho các anh các em no mắt đi nào!” Hồng Lăng kêu gọi thay cho Lý Toàn Hữu.
“Người già ngọc úa, làm sao nhảy được nữa!” Ngọc Mặc nói vậy nhưng vẫn đứng lên.
Thư Quyên luôn luôn phải dịch người mới xem được Ngọc Mặc múa, lúc đầu chỉ nhìn thấy cái lưng vừa thon vừa dẻo như lưng con chồn nâu uốn éo gây sự với đôi vai và cặp mông, rồi sau đó thấy cả ngực và cằm, đó là mảng đẹp nhất của cô ta, không hề rẻ tiền chút nào. Mái tóc dày đổ đống trên vai, khi nhảy, mái tóc điên hơn cả người.
Thư Quyên phát hiện ra mình đang ngồi xếp chân vòng tròn từ lúc nào, mông đặt trên nền đá ẩm lạnh ngắt, người nghiêng sang một bên. Cô bé khác béo hơn và cứng hơn chẳng ngồi được như thế. Cô còn phát hiện ra rằng, mấy cô bạn “xem ống nhòm” ở hai lỗ thông hơi bên cạnh không còn ở đó nữa, có thể Từ Tiểu Ngu lôi đi cho Thư Quyên ở lại trơ trọi một mình.
Cặp mông tròn đầy rắn chắc của Ngọc Mặc nảy lên cuồn cuộn sau lớp áo lụa. Thư Quyên cảm thấy đó là động tác rẻ tiền. Thực ra cô biết đó là điệu Rumba rất phổ biến trong giao tiếp của lớp người như bố mẹ nhưng Ngọc Mặc múa thì khó coi. Cặp mắt rực lửa của ả điếm cao cấp cứ xoáy thẳng vào Đới Đào. Lúc đầu viên thiếu tá có nhìn đáp lại nhưng rồi không chịu nổi, ánh mắt của chàng trai trẻ lộ ra vẻ xấu hổ và cam chịu đuối thế. Nhưng Ngọc Mặc kéo lại, đúng là cái hồn yêu tinh bên trong lớp da thịt mỡ màng.
Thư Quyên ngày càng thất vọng với Đới Đào. Một người đàn ông con nhà tử tế, biết cô này xuất xứ từ đâu, biết cô ta múa may quay cuồng chẳng dẫn đến cái gì hay ho mà còn đứng đấy cười cợt? Không những chẳng nên cười mà phải đi chỗ khác luôn đi. Như mẹ Thư Quyên đã dặn bố Thư Quyên rằng, khi thấy bất kỳ kẻ mạt hạng nào lộ rõ ý đồ chèo kéo là người đàn ông như bố Thư Quyên phải bỏ đi ngay không chút nể nang. Ban đêm Thư Quyên nghe tiếng bố mẹ cãi nhau hầu hết là vì “kẻ mạt hạng” nào đó, nhưng cô vẫn không sao biết được “kẻ mạt hạng” là cô thư ký của ông, cô học trò của ông hay cô ca sĩ nào đó. Mong sao “kẻ mạt hạng” mà hàm răng trắng muốt đều tăm tắp của mẹ nghiền nát rồi nhổ ra đó không mạt hạng đến mức như Trương Ngọc Mặc.
Thư Quyên nhìn phía bên của Ngọc Mặc mà khâm phục: cơ thể con người mà kẻ mạt hạng này vặn được thành tám khúc, trông như con sâu.
Bây giờ Ngọc Mặc lùi ra xa hơn, Thư Quyên nhìn thấy được toàn thân cô ta: mi mắt cụp xuống, mặt đỏ như say, mỉm cười chỉ ở đôi môi, giọng hát mượt mà đang ngân nga một ca khúc để phụ cho múa, đôi chỗ hát lạc điệu vì lười biếng hay khê nồng do vừa ngủ dậy. Tóm lại, ca khúc đó khiến người ta liên tưởng đến một người đang ú ớ nói mơ.
Cô ta lại lượn đến chàng sĩ quan, liếc nhanh môt cái rồi làn mi lại cụp xuống che cặp mắt sáng rực. Tôi có thể tưởng tượng bộ điệu của Trương Ngọc Mặc lúc đó, chắc cô phải mặc đồ nhung đen hay chiếc xường xám màu mận chín, làn da thiếu nắng trắng đến mức hắt ra một thứ ánh sáng lành lạnh. Cô ta đạt đến bậc ca kỹ năm sao không phải không có lý do, cô ta có dáng điệu thục nữ, đĩnh đạc khoan thai và đọc nhiều biết rộng, chỉ một khoảnh khắc ánh mắt phóng ra tia sáng chói lóa cũng đủ để người đàn ông cảm nhận được cô gái cao sang đang gợi tình.
Vậy mà cô Thư Quyên tuổi của tôi chỉ biết ghen tức: Nhìn kẻ mạt hạng kìa, ưỡn ẹo không ra làm sao!
Ngọc Mặc di chuyển đến trước mặt Lý Toàn Hữu. Anh này quê mùa thô lậu, tấm thân đàn bà lượn qua lượn lại cách có vài gang tay, chỉ được nhìn mà không được đụng vào, với anh ta thật là một sự hành hạ. Anh ta cười hềnh hệch che giấu đi cơn thèm khát điên dại. Chỉ có Đậu Hoàn vẫn vô tư chơi bài với Vương Phố Sinh, chơi mãi chơi mãi cuối cùng cậu lính trẻ con mới tí tuổi đầu cũng bị vũ điệu của Trương Ngọc Mặc bắt làm tù binh.
“Ra bài đi!” Đậu Hoàn nhắc. Quay lại nhìn, cô ta phát hiện phần khuôn mặt lộ ra bằng bàn tay sau lớp băng lụa sặc sỡ đủ màu đang hướng về phía Ngọc Mặc, ánh mắt găm thẳng vào ngực vào eo người đàn bà. Đậu Hoàn phát mạnh vào lưng Vương Phố Sinh.
Cái đêm Lý Toàn Hữu và Vương Phố Sinh được đưa đến đây, Đậu Hoàn đã nhường đệm của mình cho Vương Phố Sinh. Khi rửa vết thương trên bụng cậu lính trẻ, Đậu Hoàn thấy Vương Phố Sinh gầy đến mức da bụng mỏng như tờ giấy, rách ra một vết dài tấc rưỡi, vết thương như cái miệng đùn bọt đỏ, cái gì mềm mềm màu xám lộ ra. Lý Toàn Hữu kể rằng anh ta muốn nhét ruột cậu lính vào nhưng hãy còn một ít ở ngoài, phải chờ Fabbi Atonado hay linh mục Engman mời bác sĩ ở khu an toàn đến xử lý. Từ hôm đó Đậu Hoàn trở thành hộ lý riêng của Vương Phố Sinh, cho ăn cho uống, dọn cứt dọn đái.
Vương Phố Sinh bị phát một cái, định thần lại nhoẻn miệng cười nhìn cô ta.
Theo cô Thư Quyên tả lại, tôi tưởng tượng Vương Phố Sinh là một đứa bé mắt to miệng rộng vùng An Huy, quê cách Nam Kinh một hai trăm dặm, từ nhỏ đã đi làm cho nhà giàu, cho nên quân đội đến mộ lính, thì nhất định những người như cậu ta phải đi vì chẳng có ai bảo lãnh cả. Tối tháng năm , cậu lính trẻ cười với cô gái tên là Đậu Hoàn, mép chui cả vào lớp vải băng. Đậu Hoàn nhìn mà yêu đến thắt ruột. Hai người tuổi sàn sàn nhau, Đậu Hoàn chẳng nhớ mình mang họ gì, hình như họ Thẩm, một người Hoài Bắc múa trống kiếm ăn gánh cô bán cho nhà chứa.
Bảy tuổi đầu, Đậu Hoàn đã cực kỳ xinh đẹp, cô thuộc loại đầu ngu miệng vụng, lại xấu tính, chơi bài thua thì cáu, thắng thì đòi tiền. Làm một năm, khách toàn loại phu kiệu, đầu bếp, lính tráng. Năm năm đòn roi học được ngón gảy đàn tì bà. Mặc quần áo toàn đồ thừa của chị em, chẳng cái nào vừa lại còn vá víu. Má mì bảo: “Con này chỉ biết ăn.” Cô chẳng thấy động lòng, nói ngay: “Vâng, em chỉ biết ăn,” Cô được mỗi cái tính là hợp ai thì hầu hạ người ta hết lòng hết dạ.
Muốn làm quen với ai, cô nói: “Chúng ta là đồng hương mà!” cho nên thiên hạ đều là đồng hương của Đậu Hoàn, muốn nhận quà của khách hay của đồng nghiệp, cô nói: “Ôi, quên béng mất, hôm nay là sinh nhật của em!” Cho nên mỗi năm Đậu Hoàn có sinh nhật.
Đậu Hoàn hỏi: “Tại sao anh cứ nhìn cô ấy mãi thế?”
Vương Phố Sinh cười: “Tại tôi chưa thấy bao giờ cả.”
“Khi nào cậu khỏi hẳn em đưa anh đến vũ trường lớn nhất tha hồ xem.”
Vương Phố Sinh nói: “Biết đâu ngày mai tôi chết.”
Đậu Hoàn đập tay vào miệng Vương Phố Sinh và nhổ nước bọt chân di ba lần: “Nói dại! Anh chết em cũng chết!”
Câu nói của Đậu Hoàn bị Hồng Lăng nghe được, cô ta gào lên: “Kinh thật, chúng mình ở đây tòi ra một cô Trúc Anh Đài()
Mọi người đều im lặng. Ngọc Sênh hỏi: “Ai đấy?”
Hồng Lăng không nói, cô hỏi Vương Phố Sinh: “Vừa rồi Đậu Hoàn nói với cậu cái gì?”
Vương Phố Sinh mặt đỏ gay.
Đậu Hoàn nói: “Đừng làm khó cho anh ấy, mới từng ấy tuổi đầu.!”
Mọi người cười ầm lên vì câu nói lên mặt bà chị của Đậu Hoàn. Lý Toàn Hữu bảo: “Đậu Hoàn ơi, tại sao cô biết nó là đứa con trai?”
Chỉ còn Ngọc Mặc là đang nhảy, mặt cô mỗi lúc một đỏ thêm, cơn mê dại đắm đuối như tráng thêm lớp phấn cho đôi má.
Ngay cả cô tôi tuổi cũng mê mẩn.
Viết đến đây, trong trí tưởng tượng của tôi, Ngọc Mặc không chỉ mê dại đắm đuối mà còn hoài cựu. Cô đang nhớ đến một người đàn ông, một người cuối cùng khiến cô khao khát đàn ông nhưng cũng khiến sự khao khát đó cạn kiệt, không còn nữa. Người đó họ Trương, tên là Quốc Mô, nhưng người ta hay gọi anh ta là Thế Khiêu. Mấy đời nhà Trương Thế Khiêu đều làm nghề buôn bán, đến đời anh thì ông bà nội quyết định cho anh theo con đường học hành. Thế Khiêu học ở nước ngoài trở về Nam Kinh làm vụ trưởng trong Bộ Giáo dục. Đó là bộ mặt mà gia đình rải tiền ra để phấn đấu cho được. Nếu hôm đó Thế Khiêu không tham gia “Đêm Đàn Ông” thì đã không gặp Triệu Ngọc Mặc, nếu không gặp Triệu Ngọc Mặc thì anh ta đã không sa đọa. Nếu anh ta gặp những cô như Hồng Lăng, Đậu Hoàn thì anh chẳng thèm nói câu nào. Tất nhiên loại như các cô này thì làm sao mà vào được vũ trường sang trọng. Vũ trường China ở đường Trung Sơn không lớn, biểu diễn Cabbalah đều là những ca thủ vũ công hạng nhất, vé nhảy cũng rất cao. Thường thường các tiểu thư công tử nhà giàu đưa cả nhà đến đó chơi. Đó là nơi Triệu Ngọc Mặc ôm cây đợi thỏ. Hôm đó Triệu Ngọc Mặc cực kỳ trang nhã, cô đeo một chuỗi ngọc trai màu trắng, thoáng nhìn biết ngay là đồ thật, tay cầm cuốn tạp thi “Hiện đại”. Cô vào vai cô gái đến tuổi lấy chồng thậm chí là muộn chồng của một đại gia. Hội của Thế Khiêu vừa bước vào đã thấy một tiểu thư ngồi tay vịn thành ghế. Con mồi săn của đàn ông trong “Đêm Đàn Ông” là những tiểu thư loại này, trong đám họ, có người nghĩ cô đang chờ các bạn học hoặc đồng sự, có người lại nghĩ cô đang nghỉ chân sau khi nhảy mấy bài. Trương Thế Khiêu nhìn hai bạn đến mời cô nhảy, cả hai đều bật trở lại vì đụng phải đinh nằm sau nụ cười dịu dàng. Mọi người chọn Trương Thế Khiêu đi thử vận may.
Thế Khiêu hỏi cô có thể ban cho ân huệ cùng đi uống cà phê, cô nhìn lên, e lệ nhưng vẫn đứng dậy. Cô đứng thẳng chờ anh ta giúp cởi áo khoác như rất hiểu phép lịch sự phương Tây.
“Quý danh tiểu thư?”
“Em là Triệu Ngọc Mặc. Còn quý ông?”
Trương Thế Khiêu nói tên và nghĩ, một cô gái rất thanh lịch đàng hoàng. Khi uống cà phê anh chàng hỏi cô đọc gì. Cô kể lại điều cô đọc được trên tạp chí. Tiêu đề các bài trên tạp chí “Hiện đại” đều hiện đại, chính trị, kinh tế, lối sống, sức khỏe, chuyện về các ngôi sao điện ảnh. Tuy cô đoan trang thanh nhã nhưng anh cảm thấy cô không chỉ có vậy; thỉnh thoảng ánh mắt của cô lóe lên sáng chói khiến anh toát mồ hôi, lưỡi cứng lại, tim như phình to ra. Những người con gái đã từng bên cạnh Thế Khiêu là những người chưa bao giờ phát ra năng lượng của giống cái, hơn nữa họ rất coi thường những người đàn bà như thế. Theo truyền thống, đàn ông xây dựng một gia đình cùng với người đàn bà là người vợ của mình nhưng về tâm lý và thân lý họ đều cảm thấy thiệt thòi quá lớn. Những người đàn ông từng trải hiểu rõ người đàn bà giàu nữ tính đến đâu, lẳng lơ đến đâu một khi lấy chồng là họ bóp chết sự đòi hỏi đáp ứng khát vọng về thể xác. Đưa cái đẹp của gái nhảy vào con gái nhà lành là không tưởng, nhưng ngược lại đem nết hiền thục choàng lên cô gái nhảy để cho cô ta dùng tính cách hiền thục cư xử với bên ngoài nhưng dùng tính cách gái nhảy cư xử với riêng anh thì lại có thể được. Thí dụ như Triệu Ngọc Mặc. Cô ta là người đàn bà có tính cách rất mạnh mẽ, cô ta có ít nhất một vạn tính khí. Đối với tam giáo cửu lưu, cô có ngôn ngữ tác phong tam giáo cửu lưu(). Từ nhỏ cô đã biết mình đầu thai nhầm chỗ, lẽ ra phải là châu báu của một gia đình quí phái. So với những cành vàng lá ngọc, cô còn kém chỗ nào? Tứ thư ngũ kinh() cô đã đọc, cầm kỳ thi họa cô thông hiểu, dòng dõi cha mẹ cũng không thấp hèn, họ đều thuộc thế hệ đọc nhiều biết rộng, chẳng qua cha cô là bại gia chi tử mà thôi. Hơn mười tuổi, cô bị cha cầm cố cho ông chú họ trùm cờ bạc. Chú chết, thím bán cô vào thuyền hoa().
tuổi, Ngọc Mặc đã lãnh đủ sóng gió Tần Hoài, lệnh hầu rượu đều là những câu trong cổ thi nhưng cô nghe và nói đâu vào đấy. Năm tuổi, gặp Trương Thế Khiêu, cô tính toán trong đầu: Chưa vội nói thật, quyến rũ anh ta cho quên nhà quên cửa hẵng hay. Cô gái nhảy siêu hạng tuổi tính kế lâu dài, đời ngắn lắm, chuốc rượu cho khách được mấy chén nữa đâu. Khi cô kể về thân thế thì hai người đã ở trong căn phòng của khách sạn. Thế Khiêu vừa mới biết làm đàn ông, anh nghĩ, ba mươi năm qua hoàn toàn bỏ phí. Nằm bên cạnh là lý tưởng của anh: Cô gái đầy khát vọng thể xác bên trong cái vỏ thục nữ. Khi đó anh còn chưa biết Triệu Ngọc Mặc là một ả điếm cao cấp, xuất sắc, chuyên nghiệp từ đầu đến chân.
Kể về mình, cô trộn vào đó một nửa dối trá, cô nói mười chín tuổi vẫn còn trong trắng, chỉ chuốc rượu, cặp nhảy, cho đến khi cô gặp một kẻ phụ tình. Người ta hứa cưới, cô mới ngã lòng, mấy năm sau người ta cao chạy xa bay. Cô tháo nhẫn cưới, ốm một trận liệt giường tưởng chết. Người đẹp đầm đìa nước mắt ngả vào lòng Thế Khiêu, chẳng ai chịu nổi ánh mắt thấm đẫm những cay đắng cảnh đời, nói gì đến Trương Thế Khiêu trái tim mềm như bún và sẵn tấm lòng cứu nhân độ thế. Thế Khiêu không những không ghê sợ những điều Ngọc Mặc thổ lộ mà còn thề non hẹn biển, Trương Thế Khiêu đây quyết không phải là người thứ hai phụ tình trong đời Triệu Ngọc Mặc.
Người lật ra bộ mặt thật của Triệu Ngọc Mặc là vợ của Thế Khiêu. Cô thấy trong túi áo vét của chồng có danh thiếp của chủ nhà trọ. Nghĩ mãi không ra Thế Khiêu đến khách sạn làm gì, nhà thiếu gì buồng, đi khách sạn thì hay ho gì? Cô Trương gọi điện cho nhà trọ. Mở đầu cô hỏi ngay: “Ông Trương Thế Khiêu có đấy không?” Chủ trọ thưa: “Cô Triệu đấy ạ”. Cô Trương rất nhanh trí đóng luôn vai “Cô Triệu”.
“Ừ, ừ…” và không nói gì nữa.
Chủ trọ nói: “Ông Trương bảo tôi nhắn với cô, ông ấy sẽ đến vào lúc giờ chiều, trễ một tiếng, xin cô cứ đợi trong buồng.”
Cô Trương chỉ cần nửa ngày là lật tẩy được Triệu Ngọc Mặc. Khi cô lật ra con chủ bài cho chồng thấy, Thế Khiêu khăng khăng nói cô ta không phải gái điếm. Cô Trương nhờ tất cả bạn bè của Thế Khiêu nói hộ, anh mới tin rằng cả Nam Kinh chỉ có một Triệu Ngọc Mặc và là ả điếm nổi tiếng ở Tàng Ngọc Lâu trên sông Tần Hoài. Khi đó đã quá muộn. Tài ăn nói và kỹ năng giường chiếu của Triệu Ngọc Mặc khiến Thế Khiêu dính bùa mê. Anh ta bảo Triệu Ngọc Mặc là người con gái xinh nhất và bất hạnh nhất trên đời, các anh kỳ thị cô ta, căm ghét cô ta vậy mà các anh vẫn cho mình là những người thuộc giới trí thức ư?
Thực ra người đàn ông lãng tử như Trương Thế Khiêu quay đầu cũng chẳng khó gì, thôi thì cứ cay đắng mà nhấm nháp hậu quả, ấm ức mà chấp nhận thực tế, một lòng một dạ chăm sóc người già và con cái. Thế Khiêu ở châu Âu sáu năm, đức tính tốt đẹp nhất trong con người anh là chủ nghĩa nhân đạo, không bao giờ làm tổn thương người khác, nhất là kẻ yếu, nhất là kẻ yếu đã từng bị tổn thương. Cô Trương không những dằn lòng chịu đựng mà con ốm lên ốm xuống, thở ngắn than dài, ánh mắt thẫn thờ tuyệt vọng, nhưng không nói một câu khiến Thế Khiêu khó xử, kể cả tối tối Thế Khiêu đi đâu cũng không hỏi. Tất cả những cái đó khiến Thế Khiêu thông cảm. Ngọc Mặc vùng vằng giận dỗi, làm mình làm mẩy, trách móc làm cho anh không còn thấy đáng yêu nữa, anh chán ngán. Các cơ quan chính phủ có sự điều chuyển, trước đó Thế Khiêu đã từng nói sẽ chuộc thân cho Ngọc Mặc, mua vé tàu cho cô để cô lặng lẽ theo anh đến Trùng Khánh. Đêm trước hôm xuất phát, Thế Khiêu viết một bức thư, nói anh bị thương trong trận oanh tạc của máy bay, chưa đi Trùng Khánh được, vợ anh sẽ đưa anh về quê miền núi Huy Châu dưỡng thương. Cùng với bức thư, anh gửi cho Ngọc Mặc hai lượng vàng và năm mươi đồng đại dương(), không bằng kẻ phụ tình trước đã tặng cô chiếc nhẫn kim cương. Vị quan chức tin vào điều đã được dạy rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng này coi Ngọc Mặc bằng hai lượng vàng và năm mươi đồng đại dương.
Lúc này cô Thư Quyên của tôi ngộ ra rằng, biết đâu cha mẹ cô rời khỏi Nam Kinh là để cách ly “kẻ mạt hạng” nào đó rồi bỏ lại cô, đi Mỹ. Mẹ cãi nhau với bố mấy tháng, rồi thấy rằng chỉ có cách bỏ đi mới có thể cắt đứt tơ tình của bố cô với kẻ mạt hạng, bà bắt bố cô viết đơn xin một cơ hội khảo sát bằng tiền riêng của mình, dù biết rằng cuộc “khảo sát” hoàn toàn vô ích và vô nghĩa. Lúc đó cô còn nghĩ rằng cuộc sống của bố mẹ cô không có người đàn bà kiểu như Triệu Ngọc Mặc. Nếu không có chiến tranh thì cha mẹ cô không bao giờ để lộ ra trước mặt cô. Những gì để lộ ra trước kẻ mạt hạng, người đàn ông không bao giờ để lộ ra trước mặt vợ con, đó là đức tính và cũng là nhược điểm của họ. Những người đàn bà đẹp sống gửi trên nhược điểm đó của đàn ông lúc này gây cho Thư Quyên một mối thù hận. Lính Nhật chém giết đốt phá bên ngoài bức tường nhà thờ là kẻ thù, nhưng đối với cô bé tuổi, cho đến lúc này, chúng vẫn là kẻ thù trừu tượng, mà những ả điếm xanh xanh đỏ đỏ dưới hầm kia, đối với Thư Quyên là cụ thể, là thù địch sờ sờ trước mặt. Đến như viên thiếu tá anh hùng chúng cũng không bỏ qua, cũng khai thác nhược điểm của anh ta.
Thế là cô quát vào lỗ thông hơi: “Bọn gái điếm! Không biết nhục!”
Căn hầm bỗng im ắng.
“Ai ở bên ngoài?” Ngọc Mặc hỏi.
Thư Quyên đã né mình khỏi lỗ thông hơi, lưng tựa vào phía ngoài tường nhà bếp.
“Bọn điếm thối tha! Không biết nhục!” Cô đổi sang một giọng khác. Dù sao bên trong cũng không nhìn thấy cô.
“Cho dù mày có phải điếm hay không, bọn Nhật cũng coi mày là điếm!”
Thư Quyên nhận ra giọng của Ngọc Sênh da đen.
“Chúng mày tưởng chúng mày khác gái điếm à. Tụt quần ra như nhau cả!”
Đó là giọng Hồng Lăng.
Thư Quyên lai giả giọng: “Bọn điếm mặt dày!”
“Chúng mày nghe đây, người Nhật thích điếm trẻ con! Linh mục Engman đã trông thấy mười mấy tên lính Nhật xếp hàng hiếp một đứa bé gái, ông già cầu xin chúng rủ lòng thương, suýt nữa bị chúng bắn chết! Ai biết nó có phải ngọc ngà châu báu của bố mẹ hay không!” Đó là giọng ả điếm có tên là Nan Ni.
Thư Quyên phát hiện mình đang hé miệng, lâu quá rồi chưa nuốt nước bọt. Điều Nan Ni nói ra có thật không? Nhất định không phải, nói bịa ra như chuyện ma để dọa mình đó.
“Khu an toàn cũng bị người Nhật lôi ra mười mấy chục đứa bé gái!” Hồng Lăng hoan hô có vẻ khoái trá.
Thư Quyên nghĩ, thì ra cái đáng sợ không chỉ là sự cường bạo mà còn ở chỗ trước cường bạo, đàn bà con gái đồng loạt như nhau, không phân biệt sang hèn; bộ phận riêng tư thầm kín trong trắng nhất hoặc ô uế nhất của đàn bà đều bị coi như nhau, đều phải chịu cực hình.
Cô bỗng nhiên càng căm ghét lũ điếm này; chúng nó khoái trá chính ở chỗ cường bạo đã xóa nhòa ranh giới phân biệt cao sang với hèn hạ. Thư Quyên xúc một xẻng tro từ phía sau bếp, trong đó còn những đốm than hồng. Cô đến trước lỗ thông hơi, ước lượng: Cứ cho là chỉ một nửa chỗ tro này rơi vào trong lỗ thì sẽ có mấy cục than hồng rơi trúng mặt bọn mạt hạng sống bám vào nhược điểm đàn ông, như vậy cũng đủ cho cô hả dạ và ít nhiều cũng giúp cho các bạn mình trút cơn tức giận. Nếu bọn này không vào đây thì chỗ nước rửa tội đủ để mười sáu đứa sử dụng. Chính vì bọn điếm ăn cắp nước để giặt giũ, để rửa mặt, rửa đít, thì cô và các bạn mới phải uống nước ngâm xác A Cố, nếu như đủ nước thì A Cố đã không phải đi gánh nước và bị bắn chết… Khi chúng nó leo tường vào, cái nhược điểm đàn ông của A Cố bị chúng nó nắm lấy cho nên anh ta mới trở giáo, mở cửa cho chúng nó vào.
Bây giờ đến vị anh hùng trong mắt cô, thiếu tá Đới Đào cũng dùng nhược điểm của mình để chiều chuộng chúng, chấp nhận chúng. Thiếu tá đã buông tuồng suồng sã, anh ta sẵn sàng chịu đựng đau đớn của vết thương để cho mụ điếm nổi tiếng ôm ấp.
Thư Quyên phát hiện Ngọc Mặc ôm viên thiếu tá vừa đung đưa vừa thỉnh thoảng nhìn lên lỗ thông hơi, cô ta biết Thư Quyên chưa đi khỏi đó, cô ta như muốn ra oai với cô bé: Trong lúc mày chửi, Ngọc Mặc tao đây đã chinh phục một tấm thân cao giá. Cô ta cố tình cho Thư Quyên thấy rằng cô ta cũng có thể làm những trò đê tiện như Hồng Lăng, Đậu Hoàn cho cô xem. Triệu Ngọc Mặc tì cái cằm đẹp lên bờ vai rộng của viên thiếu tá, đôi tay mềm mại ôm lấy tấm lưng vạm vỡ của anh ta. Vết thương bị cô ta ghì chặt, anh ta đau đớn nhưng đau đớn một cách tự nguyện. Đột nhiên cô ta tặng viên thiếu tá một nụ cười tình tứ, anh chàng đành trơ trẽn đáp lại. Ngọc Mặc cảm thấy ngọn lửa dục vọng của anh ta bùng cháy, cái cười trơ trẽn của anh ta nói với cô rằng: Cô đã gây họa rồi đó.
Mọi người trong hầm đều biết ánh mắt hai người đang nhìn nhau có nghĩa gì. Họ đều cười khoái trá, chỉ có Vương Phố Sinh không hiểu, cậu kéo tay Đậu Hoàn hỏi, họ cười gì. Đậu Hoàn ghé tai nói: “Chỉ có chú bé trinh trắng như anh mới hỏi ngớ ngẩn thế!” Cô tưởng mình nói khẽ nhưng thực ra ai cũng nghe thấy, họ càng cười to.
Thư Quyên nhìn độ dài chiếc xẻng, nghĩ xem làm sao hắt cho trúng hơn.
“Cô làm gì ở đó?”
Chiếc xẻng đầy tro rơi xuống. Thư Quyên quay lại nhìn, thấy Fabbi Atonado. “Cô định làm gì?” Anh ta nhìn đống tro còn lập lòe mấy đốm than hồng.
Thư Quyên không trả lời, chỉ đứng tựa lưng vào tường, có bị cô giáo phạt cũng không đứng thẳng đến thế. Fabbi cao lớn tất nhiên không thể nhòm qua lỗ thông hơi được.
Dưới hầm càng huyên náo hơn, bước nhảy nhanh hơn như muốn trêu tức kẻ vừa chửi họ là “đồ đĩ điếm”.
Fabbi đi về phía cửa bếp. Thư Quyên biết anh ta đến chỗ đám người này để ngăn chặn, nếu không ngăn chặn thì cái nghề làm ăn trên sông Tần Hoài sẽ lan vào nhà thờ. Fabbi vừa quay đi Thư Quyên đã lom khom trên cái lỗ thông hơi.
Điệu nhảy của ả điếm cao cấp thay đổi, tư thế và thần thái trong xã giao thượng lưu không còn nữa, Ngọc Mặc nhảy rất đàng điếm. Đó là điệu nhảy jitterbug() rất thích hợp với sự phóng đãng ma quái của cô. Nhảy đến gần ai Ngọc Mặc dùng vai hay khuỷu tay hích người đó. Khuỷu tay Ngọc Mặc hích vào Đới Đào, anh này sướng quên cha quên mẹ bật ra cái cười rất lính tráng. Triệu Ngọc Mặc không thèm giữ gìn nữa, cô muốn khúc ruột cong queo bây giờ duỗi thẳng ra, cô biết kẻ chửi cô là đồ đĩ điếm vẫn đang là khán giả của cô, thế thì cô sẽ đàng điếm cho mà xem, cái đàng điếm của cô có người mua đấy, tất cả đàn ông trong thiên hạ ai cũng muốn mua.
Thư Quyên thấy trong hầm bỗng im ắng, mọi người đều nhìn lên cửa thông lên bếp. Thư Quyên biết rằng Fabbi đang bảo mở ra.
Ngọc Mặc chỉ dừng một chút rồi lại nhảy tiếp. Không biết ai mở nắp hầm cho Fabbi. Khi Fabbi xuống đến hầm, Ngọc Mặc liếc nhìn anh và cười.
Linh mục dùng tiếng Anh nói: “Yên lặng!”
Không biết anh nói gì, Hồng Lăng bảo: “Xin chào linh mục. Mời em nhảy đi cho ấm người ạ!”
Về sau Thư Quyên biết được chính Tiểu Ngu, đưa An-na và Sô-phi đi mách Fabbi, muốn anh đến can ngăn những ả điếm “phục vụ bộ đội”.
Fabbi không dùng tiếng Giang Bắc ra lệnh như mọi lần mà chỉ dùng tiếng Anh có âm điệu Giang Bắc, nhắc lại: “Yêu cầu dừng lại.” Da mặt anh vàng vọt yếu mệt, hoàn toàn vô cảm, tựa như tỏ rõ cho những ả điếm biết rằng nếu anh có chút giận dữ thì còn là tôn trọng họ. Anh đang biểu hiện sự cao quý thần thánh, thản nhiên như một vị thần nhìn đám dòi bọ.
Quả nhiên, sự thản nhiên không chút biểu cảm của Fabbi khiến mọi người co lại, Ngọc Mặc dừng lại trước tiên, tìm một điếu thuốc đàn bà bị vặn cong queo châm vào ngọn nến, hít một hơi dài. Đới Đào đến bên mượn thuốc châm điếu của mình.
“Xin mọi người giữ tự trọng, chỗ này không phải Tàng Ngọc Lâu, Mãn Đình Phương” Fabbi nói.
“Ôi, thưa ông linh mục, ông rất rành những biển hiệu sông Tần Hoài của chúng em!” Nan Ni không biết điều, vẫn còn nỏ mồm.
Bọn đàn bà cười ầm lên.
Fabbi đưa mắt về phía Triệu Ngọc Mặc, ý nói: thì ra sự thanh cao trang nhã của cô chỉ là đồ giả. Bây giờ bản tính của cô đã lộ ra, cũng tốt, đừng tiếp tục giả bộ với tôi nữa, và cũng đừng nghĩ chuyện tung mạng nhện yêu ma lên đầu tôi nữa.
“Xin lỗi, thưa ông linh mục, vừa rồi mọi người lạnh quá mới uống chút rượu nhảy nhót tí chút cho ấm người.” Thiếu tá Đới Đào giữ lòng tự trọng phân bua cho mình và cho mọi người.
Fabbi nói: “Tình hình bên ngoài mỗi lúc một tồi tệ, khi mới vào thành, lính Nhật chưa dã man đến thế này, bây giờ chúng giết người không thèm chớp mắt. Chúng còn sục sạo khắp nơi tìm đàn bà, bắt được là…” Anh nhìn Ngọc Mặc, đưa mắt sang nhìn Hồng Lăng và Nan Ni đang đầm đìa mồ hôi. Anh bỏ lửng câu nói, tùy họ hiểu.
Đi ra đến lối lên, anh quay lại nói: “Đừng để người ta nói các người ‘Thương nữ bất tri vong quốc hận’.”
Cặp mắt đen láy của Ngọc Mặc lại chiếu thẳng vào vị linh muc trẻ.
Hồng Lăng tiếp lời bằng giọng Dương Châu: “Cách giang do xướng hậu đình hoa.”()
“Hồng Lăng thêu gối đấy à!” Một ả cười to: “Trong bụng không chỉ có cám bã mà có cả thơ!”
“Em chỉ biết có hai câu đó.” Hồng Lăng lại cười.
“Người ta dùng thơ chửi mình, mình phải học thuộc kẻo bị chửi mà không biết.”
Nan Ni nói: “Tôi chẳng biết gì, Đậu Hoàn chắc chắn cũng không biết. Đảm bảo rằng ai chửi nó nó sẽ gảy tì bà cho nghe.”
“Gảy cái con mẹ mày!” Đậu Hoàn nói.
Fabbi nói: “Nếu các người tận mắt nhìn thấy Nam Kinh bây giờ thế nào, nhìn thấy số dân Nam Kinh mỗi phút mỗi giây lại ít dần đi, thì các người sẽ không làm những điều đáng xấu hổ thế này.” Nói xong anh quay người bước lên bậc thang, thiếu tá Đào thấy vương vướng trong cổ họng.
Ra đến bên ngoài, Fabbi im lặng phẩy tay bảo Thư Quyên trở về căn gác.
Chú thích:
() Chỉ quân đội Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch – ND.
() Nghĩa là ngồi lầu cất giấu ngọc.
() Nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng Lương Sơn Bá – Trúc Anh Đài. Hai người yêu nhau rồi cùng chết bên nhau. Câu chuyện được gọi là Romeo và Juliet của Trung Quốc – ND.
() Tam giáo là Nho, Đạo, Phật; Cửu lưu là nho, đạo, âm dương, pháo, danh, mặc, tung hoành, tạp, nông. Sau mang nghĩa rộng là các loại tôn giáo, học thuật, các tầng lớp xã hội, các hạng người… - ND.
() Tứ thư: Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh Tử; Ngũ kinh: Chu Dương, Thượng thư, Kinh thi, Lễ ký, Nghi lễ, Xuân Thụ. Sau mang nghĩa rộng là các trước tác kinh điển – ND.
() Ổ điểm trên sông, ở đây là sông Tần Hoài – ND.
() Tương đương ngàn tệ bây giờ - ND.
() Điệu nhảy của cao bồi miền Tây nước Mỹ, do lính thủy Mỹ truyền vào Trung Quốc – ND.
() Thương bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng hậu đìn hoa.
Hai câu trong bài thơ Bạc Tần Hoài của Đỗ Mục, có nghĩa là: Con hát không biết cái hận mất nước, bên kia sông còn hát khúc Hậu Đình Hoa – ND.