Những ngày ấy đại tự báo, biểu ngữ, khẩu hiệu dán đầy tường, đầy phố, dán kín cột đèn đường; không còn chỗ nào nữa, bèn viết ngay trên mặt các con lộ. Xe tuyên truyền chạy từ tinh mơ cho tới tối mịt, luồn lách hết mọi ngõ ngách, lắp loa phóng thanh cường độ lớn, hát ra rả những bài ca lời Mao Chủ tịch được phổ nhạc và rải truyền đơn bay lượn khắp trời, còn rộn ràng náo nhiệt hơn cả ngày lễ quốc khánh.
Lãnh đạo Đảng các cấp ngày xưa thường đứng trên lễ đài vẫy tay, chào đoàn duyệt binh và diễu hành thì nay đổi đời, vẫn đứng trên lễ đài, nhưng là sàn xe tải mui trần, bị phái tạo phản áp giải đi khắp phố phường cho quần chúng nhìn rõ, vị nào cũng phải đội những cái mũ làm bằng giấy báo hay bìa sách cao lêu nghêu, sợ gió thổi bay nên hai tay cứ khư khư giữ chặt, có vị chụp luôn cả sọt rác văn phòng lên đầu. Danh tính của mỗi vị viết mực đen, rồi gạch chéo màu đỏ, đeo lủng lẳng trước ngực. Khi cách mạng vừa mới bắt đầu, lúc ấy là những ngày vào hè, học sinh trung học đã đấu tố hiệu trưởng và thầy cô của mình bằng cách đó, đội mũ, treo biển, giải đi rêu rao làm nhục. Rồi sang thu, hồng vệ binh cũng vậy, lôi các phần tử “năm loại đen” ra ánh sáng, liệt họ vào danh sách kẻ thù. Còn nay, trọng đông tháng chạp, đối tượng bị đấu tố cuối cùng đến lượt những nhà lãnh đạo của Đảng. Phái tạo phản lấy việc đấu tranh giai cấp làm nghề nghiệp của mình, giống như lãnh tụ vĩ đại năm xưa khởi nghiệp ở Hồ Nam, từng phát động phong trào nông dân và đã dựng nên một tấm gương.
Ngô Đào bị Đại Lý ấn đầu xuống, lão bí thư đảng ủy vẫn rất quật cường, con người ai cũng có lòng tự trọng và chí khí, dễ gì đã chịu cúi luồn, vì vậy Ngô cứ hiên ngang. Lý tức quá cho một chưởng vào hông, Ngô ôm bụng đau thắt, mặt mày tím ngắt, thôi chẳng cần ngẩng lên làm gì. Anh ngồi trên bục chủ tịch đoàn, trước mặt là bàn dài phủ vải đỏ, đúng vị trí của Ngô Đào trước kia mỗi lần hội nghị, đại hội hay lễ lạt, để chủ trì một cuộc đấu tố lớn do liên hiệp các tổ chức quần chúng triệu tập. Đối mặt với những hành động càng lúc càng kịch liệt, anh tựa hồ như ngồi trên miệng núi lửa, chỉ cần hơi do dự một tí là sẽ bị hạ bệ ngay. Không khí hội trường nóng dần lên, họ tên các thành viên đảng ủy lần lượt được gọi tới, đến ai, người đó bước ra, cũng đã học cách cúi đầu, sợ hãi quay mặt trước quần chúng, rồi phát biểu tố cáo Ngô Đào, hình như họ đều thuộc một bài viết sẵn, chẳng ai nói khác một câu, rằng thừa nhận sai lầm, rằng tất cả là do chỉ thị cấp trên truyền đạt xuống. Phải đến lượt phó bí thư đảng ủy Trần, người đã gầy nhom lại cong lưng tôm, mới bổ sung ý mới, rằng Ngô đã từng nói thân mật với mấy thành viên hạt nhân của đảng ủy là “Mao Chủ tịch không cần chúng ta nữa rồi”. Hội trường bỗng như sục sôi, cùng hưởng ứng với người nào đó hô to: “Ai phản đối Mao Chủ tịch, kẻ đó sẽ bị tiêu diệt!”. Tiếp đến người ta chỉ còn nghe ùng ùng như tiếng sấm, lúc “đả đảo”, khi “vạn tuế” “muôn muôn năm”, riêng anh lại nhận ra một chút bi ai, đấy là lời tâm huyết của đồng chí Ngô Đào. Hình như ông đã phát biểu ở đâu rồi thì phải, mãi mới nhớ nổi, rằng trước khi vị thủ trưởng ở cạnh Trung Nam Hải bỏ rơi bí thư đảng ủy Ngô Đào, quan chức cao cấp này từng thổ lộ nỗi bi phẫn tương tự, nhưng đến lúc câu nói đó phát ra từ cửa miệng họ Ngô thì tự nhiên trở thành sầu thảm. Là người chủ trì hội nghị đấu tố, nét mặt anh phải tỏ ra nghiêm khắc, dẫu biết một tí ai oán như thế này chưa đủ chứng cớ quy kết tội danh phản đối lãnh tụ vĩ đại, nhưng nếu không lật đổ lão già, thì một mai có cơ hội ngóc đầu dậy, lão sẽ không khách sáo gì mà không tố cáo anh là chống cách mạng. Hội nghị thông qua quyết định, lệnh Ngô Đào nộp cho quần chúng các biên bản họp đảng ủy và sổ công tác của ông. Sau đó, anh, Tiểu Vu và họ Đường leo lên xe con chuyên dùng của bí thư đảng ủy, kéo theo cả Ngô Đào chỉ đường về nhà ông ta lục soát.
Anh muốn giải quyết sự việc một cách phẳng lặng, hòa hoãn, nên không trực tiếp ra tay, yêu cầu lão Ngô tự mở hết tất cả các ngăn kéo và tủ đựng tài liệu công văn. Họ Đường, Tiểu Vu lật tung tủ quần áo và ra lệnh lão Ngỗ đưa chìa khóa để mở va li, hòm xiểng.
- Dạ thưa đó toàn là quần áo cũ - lão già có ý cự nự.
- Kiểm tra, kiểm tra tất, sợ cái gì, nếu có cất giấu sổ đen hãm hại quần chúng thì lão tính sao? - Họ Đường tay chống nạnh, rất oai vệ; hình như công việc lục soát đã trở thành một loại khoái cảm của y.
Lão Ngô xuống nhà bếp lấy chìa khóa nơi bà vợ, lúc này đúng vào tầm ăn cơm tối, mọi thứ đã bày sẵn trên bàn, cửa nhà bếp mở toang. Bà già Ngô luôn ở nhà với đứa cháu ngoại, là một bé gái, bà cứ đứng dưới bếp, cố ý nói chuyện gì đó với con bé. Anh nghĩ, chắc họ đang cất giấu những thứ gì quan trọng ở dưới ấy, nhưng lập tức xua tan tà ý, không ra lệnh khám bếp và cũng tránh mặt hai bà cháu họ. Hai tháng trước hồng vệ binh đã lục soát phòng anh ở chung với lão Đàm, một tuần sau đó vào buổi trưa thì có người gõ cửa, anh vội mở và nhác thấy cô gái nọ tựa người bên vách nhìn vào, da trắng, má hồng, mặt trái xoan với đôi hàng mi thật sáng, ánh nắng chiếu xiên góc càng làm cho vành tai nàng đỏ mọng và mái tóc lung linh. Cô ta nói cô là con gái chủ nhà, ở gần đây, thay mẹ đến lấy tiền thuê phòng. Anh chưa hề sang bên đó, chỉ biết chủ nhà là người quen thân với lão Đàm. Cô gái vẫn đứng ngoài cửa nhận tiền anh trả, hàng mi hơi nhăn lại, nhìn căn phòng một lượt rồi nói: “Đồ gia dụng trong đó như bạn, ghế, sôpha đều là của chúng tôi, đợi đến ngày sẽ dọn đi hết!”. Anh nói, xin sẵn sàng và sẽ giúp cô dọn sạch. Cô con gái bà chủ không thèm nghe, đôi mắt sáng long lanh, quét khắp người anh một cách lạnh lùng, tỏ ra thù hận, rồi quay đầu dời gót. Anh nghĩ, nhất định cô gái đã hiểu lầm, cho rằng anh từng tố cáo lão Đàm để độc chiếm căn phòng này. Nhiều tháng sau không thấy người thiếu nữ ấy đến lấy tiền phòng, và cũng chẳng nhắc nhở tới việc dọn sạch đồ gia dụng, bàn, ghế, sô pha của bà chủ. Mãi đến lúc bà già Hoàng ở cùng ngôi nhà thay mặt tổ quản lí nhà cửa của đường phố hỏi anh nộp tiền phòng thì anh mới biết tất cả nhà cửa tư nhân đều phải sung công. Anh không cần quan tâm công tư gì cả, ngược lại khắc cốt ghi xương cái nhìn lạnh lùng của cô gái.
Anh cố ý tránh nhìn bà lão Ngô và đứa cháu ngoại của ông bà. Bọn nhỏ tuy ít tuổi nhưng đã có trí nhớ, và mãi mãi sẽ không quên bao nỗi hận thù. Họ Đường bắt khui tất cả va li, hòm xiểng. Lão Ngô vừa mở khóa vừa nói, đây là chỗ áo quần của con gái và cháu ngoại chúng tôi, quả nhiên toàn thấy nịt vú với quần lót của phụ nữ. Anh bỗng đỏ mặt, thẹn thùng, nhớ lại cảnh tượng hồng vệ binh lục soát ngăn ké bàn viết của lão Đàm, lôi ra một gói toàn là bao cao su tránh thai, và khoát tay hạ lệnh, thôi đủ rồi. Họ Đường tiếp tục khám xét bàn ghế, sô pha, không bỏ sót bất kì một ngóc ngách, khe hở nào. Hắn thật có bản năng lục lọi, còn anh nhanh chóng kết thúc cái trò soát nhà như thế này, vội gói một bọc gồm thư tín, công văn tài liệu và sổ tay công tác của lão Ngô.
- Dạ thưa, đó đều là thư tín cá nhân, không liên can đến công tác hay chức vụ của tôi ạ - lão Ngô trình bày. Anh phản bác:
- Chúng tôi kiểm tra xem sao, đều qua đăng kí ghi sổ cả, nếu không có vấn đề gì thì sẽ trả lại ông thôi mà.
Anh còn định nói, như thế này là quá lịch sự rồi đó, ông Ngô Đào ạ, nhưng nghĩ lại, chẳng cần.
- Đây là bình sinh trong đời... lần thứ hai... - Ngô Đào ấp úng, chậm rãi nói ra.
- Hồng vệ binh đã từng đến? - Anh hỏi.
- Đó là chuyện của hơn bốn mươi năm về trước, lúc tôi đang hoạt động bí mật cho Đảng... - lão Ngô nhíu mắt dở cười dở khóc.
- Nhưng khi đảng ủy trấn áp quần chúng, các ông cũng lục soát nhà cửa của người ta kia mà, và chắc không lịch sự, khách sáo như chúng tôi hôm nay - anh gượng cười hỏi lại.
- Đều do hồng vệ binh cơ quan thực hiện, đảng ủy chúng tôi không hề có quyết định như vậy - Ngô Đào quả quyết phủ nhận.
- Nhưng cũng phải được ban chính trị cung cấp danh sách, nếu không hồng vệ binh làm sao mà biết lục soát nhà ai, và xin hỏi, lí do nào đã khiến họ không dám mon men đến cửa ngõ nhà ông? - Anh nhìn ông chằm chằm khi chất vấn.
Ngô Đào không đấu khẩu với anh nữa, dẫu sao cũng là một sự cố, tốt nhất là tiễn họ ra cửa, chuồn đi cho xong việc. Phần anh, anh hiểu rõ lão già này rất căm giận anh, đợi tới ngày phục quan nguyên chức “tao sẽ cho mày chết hỡi thằng nhóc kia”, vì vậy cần phải nắm chắc những chứng cứ, hồ sơ đánh gục lão Ngô, đẩy lão sang hàng ngũ kẻ thù. Suốt đêm ấy anh ở lại văn phòng cơ quan, nghiên cứu kĩ từng trang thư, trang viết của Ngô Đào và phát hiện lá thư của một người nào đó gọi Ngô là anh họ gửi cho ông. Thư viết, chính phủ nhân dân[] rất mở rộng tấm lòng, nhẹ tay ra lệnh, nhưng sinh kế hiện thời vẫn gian nan, bệnh tật đầy mình, nhà lại có người già con trẻ, chỉ còn cách nhờ anh họ nói giúp với chính quyền địa phương cho một tiếng. Điều này chứng tỏ người bà con quen thuộc này có vấn đề liên can chính trị đang cầu cứu Ngô Đào giải thoát. Anh liền nhét lá thư đó vào túi tài liệu của mình, kịp ghi lên dòng chữ “đã kiểm tra”, không cần truy hỏi, và trong lòng tự thấy có phần nào đó hơi trở ngại.
Mấy ngày nay anh hầu như không về nhà, đêm nào cũng ngủ lại văn phòng nơi dùng làm sở chỉ huy của tổ chức tạo phản, bởi hết đại hội đến tiểu hội, giữa các nhóm quần chúng, lúc đoàn kết, khi chia rẽ, nội bộ phe phái của các anh luôn luôn xảy ra tranh chấp. Mọi người giống như bầy kiến trong chảo rang, nóng quá bò lung tung, ai ai cũng tự xưng là tạo phản. Hồng vệ binh cũ tuyên bố tạo phản, lật đổ đảng ủy, nay đổi tên “Trung đội tạo phản cách mạng màu hồng”, đến như cán bộ công tác chính trị mà vẫn thành lập đội quân chiến đấu. Biến tấu, bán đứng, đầu cơ, cách mạng hay tạo phản, tất cả chẳng thể phân biệt rõ ràng gì cả, đua nhau tự đi tìm đường lối. Mạng lưới trật tự và quyền lực vốn có nay bị rối bời, cần phải sắp xếp lại và thế là văn phòng cơ quan giống như một tổ ong khổng lồ bắt đầu rào rào muốn vỡ tung, tất nhiên vô số mưu mô, chước kế không chỉ hạn chế trong ngôi nhà này. Nhưng bất kể là phe phái nào khi đấu tố đều không quên lôi cổ Ngô Đào ra hành hạ. Đại Niên giờ này trở mặt, đấu đá Ngô hung hăng nhất, không những bắt đội mũ, đeo biển, cúi đầu là hình thức nhẹ, mà còn trói chặt hai cánh tay, rồi bắt quỳ gối như bọn đầu trâu mặt ngựa mấy tháng trước đây, đổ mọi uy phong vừa thoát nạn bị tạo phản lên đầu Ngô Đào.
Đồng chí lão bí thư đảng ủy họ Ngô bị tổ chức bỏ rơi lúc này trở thành một con chó bất tài vô dụng, ai ai cũng sợ vấy phải mùi hôi của lão.
Sau một ngày rơi đầy tuyết anh gặp lão Ngô đang xúc dọn sân sau của cơ quan. Thấy bóng người từ xa đi tới, đồng chí lão bí thư đảng ủy giả bộ nhanh tay hốt tuyết, liên tục mấy xẻng. Anh dừng lại và hỏi “Thế nào ông Ngô?”. Ngô Đào được dịp chống xẻng, hổn hển trả lời “Dạ không hề gì, vẫn khỏe ạ, vẫn khỏe ạ”, đoạn hỏi nhỏ “Bọn họ luôn đánh người, sao chẳng thấy các ông ra tay?” Bộ mặt Ngô Đào thật tội nghiệp, đáng thương, ông ta như muốn thổ lộ với anh tất cả, lúc ấy anh chợt nghĩ, anh có cảm tình với con người mà gần như cả năm nay chẳng ai thèm ngó tới. Mỗi sáng tinh mơ lão Ngô khoác cái áo màu xanh bẩn thỉu, vá chằng vá đụp, cầm chiếc chổi tre, cần mẫn quét sạch sân vườn cơ quan. Nhân viên công chức cơ quan đi qua xem người lãnh đạo cũ của mình bằng nửa con mắt. Hai vai lão nhô lên, đầu lún xuống, mặt mày sa xệ, già nua, anh rất xót thương nhưng chẳng dám hé một lời.
Cuộc đấu tranh tao sống mày chết đẩy người ta vào thù hận, phẫn uất, hờn căm như băng vỡ như tuyết tan. Từng đợt từng đợt cuồng phong đã dồn anh phải đối mặt với bao quan chức của Đảng, nhưng giữa anh và họ nào có oán hận gì, mà nay lại nỡ biến họ trở thành kẻ địch. Chẳng lẽ tất cả họ đều là thù địch hay sao? Anh không tài nào tìm được lời giải đáp.
- Anh quá mềm tay, lúc bọn chúng trấn áp quần chúng của chúng ta có đời nào xót thương, tình cảm, thế thì tại sao không kéo bọn chúng ra tất cả, lôi lên đây đấu cho một trận? - Đại Lý đã chỉ trích anh như vậy trong một cuộc hội nghị nội bộ của phe tạo phản.
- Đều đưa ra đấu tố, lật đổ tất cả hay sao? - Anh trầm ngâm hỏi lại - liệu có thể đem tất cả những người từng chỉnh đốn, phê bình chúng ta nhốt chung một rọ, chụp lên cái mũ kẻ thù được chăng? Cũng phải để cho họ cải tà quy chính, cũng phải có sách lược phân biệt đối xử và cũng phải biết tranh thủ đa số kia mà.
- Sách lược, sách lược, các phần tử trí thức kiểu như anh thì chỉ mỗi lí thuyết suông! Đại Lý thô bạo, bá quyền, ngoác mồm một cách đê tiện.
- Ai cũng đoàn kết, ai cũng tranh thủ, phái tạo phản không phải là cái nồi tạp pí lù! Đây chính là đường lối của chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, muốn bán đứng cách mạng! - một bà chị đảng viên vừa mới lọt vào bộ chỉ huy phe tạo phản, đã học lịch sử Đảng, càng tỏ ra cấp tiến, xông tới anh và thế là cuộc đấu tranh về đường lối bắt đầu nổ ra trong nội bộ tổ chức tạo phản. Bà chị nói tiếp:
- Quyền lãnh đạo cách mạng phải nắm trong tay phái tả chân chính, kiên định, quyết không thể trao cho các phần tử cơ hội hữu khuynh! - Mụ ta mặt đỏ như gấc, trào sôi nhiệt huyết.
- Các người định bày trò gì đây? - Anh đập bàn quát lớn.
Sống với bọn người ô hợp riết rồi cũng biến thành dã thú, nhưng với anh, lại một lần nữa cảm thấy uất hận. Những cuộc tranh luận, cãi nhau, phẫn nộ, cao đàm khoát luận về ngôn từ cách mạng; những dục vọng quyền lực, mưu mô, chước kế, cấu kết, thỏa hiệp; những động cơ nấp đằng sau bao vẻ mặt khẳng khái, cao đạo, những hành động thiếu suy nghĩ, những tình cảm vô bổ, lãng phí... Anh nhớ không rõ chúng đã đi qua như thế nào trong những ngày tháng ấy, và bản thân anh đã chẳng còn là anh nữa, cứ thế trôi theo, vận hành theo trong một guồng máy; biện luận, xung đột với thế lực bảo thủ và tranh cãi không ngừng trong nội bộ phe tạo phản.
- Vấn đề căn bản của cách mạng là chính quyền, không cướp đoạt được quyền lực có nghĩa là chúng ta đã tạo phản trắng, uổng công! - Đại Lý cũng nộ khí xung thiên, đập bàn chứ chẳng vừa.
- Không đoàn kết được đại đa số quần chúng và cán bộ, thì cái quyền ấy anh có đoạt được chăng? - Anh hỏi lại Đại Lý.
- “Lấy đấu tranh mưu cầu đoàn kết thì đoàn kết mới tồn tại!” - Tiểu Vu giở “Mao tuyển”, rồi đọc thư vẹt và bình luận căn nguyên giai cấp yếu mềm bạc nhược của anh. - Không thể nghe theo anh, phần tử trí thức đều thế, cứ đến lúc cần phải quyết định dứt khoát là dao động, chần chừ!
Họ đều tự nhận mình là giai cấp vô sản huyết thống, và giang sơn màu đỏ này thuộc về họ. Bất luận là cách mạng hay tạo phản, suy cho cùng đều vì tranh giành quyền lực, chân lí rõ ràng, đơn giản như thế mà anh cũng không hiểu, vậy thì anh muốn gì, lúc ấy chẳng thể phân biệt, vì sự nghiệp tạo phản đã vào hồi chia rẽ.
- Các đồng chí, khi cách mạng bước vào giai đoạn quan trọng nhất mà không chịu cướp chính quyền, đấy là Trần Độc Tú, đấy là phần tử theo chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh. - Bà chị đảng viên nọ đã viện dẫn lịch sử Đảng, công khai kêu gọi mọi người tham gia hội nghị gạt bỏ anh.
- Không cách mạng, hãy mau cút sớm! - Người nào đó còn cấp tiến hơn bà chị đảng viên, đã không khách sáo gì mà hô lên như vậy.
- Ai muốn cầm đầu, thì làm đi! - Anh hét lớn.
Anh đứng dậy rời khỏi phòng hội nghị của mười mấy người ngập tràn trong khói thuốc, tìm một chỗ kéo ba chiếc ghế sắp tạm thành giường và ngủ ngon lành. Anh phẫn nộ, nói đúng hơn là hoang mang. Đã là người không cùng đường với cách mạng, nay lại thêm cái mũ phần tử cơ hội hữu khuynh trong tạo phản!
Đêm giao thừa không mong mỏi lần ấy đã qua nhanh, ra tết mọi cuộc hỗn chiến đều do Đại Lý cầm đầu, đội đấu tranh của họ tuyên bố tiếp quản đảng ủy và ban chính trị đã đến hồi tan rã.
- Hỡi tất cả các đồng chí cách mạng, đập tan đảng ủy cũ, đập tan ban chính trị, ủng hộ hay phản đối chính quyền đỏ vừa mới thành lập là ranh giới phân biệt cách mạng hay không cách mạng, tuyệt đối không được mơ hồ!
Tiểu Vu hét to trong trạm truyền thanh, và mỗi phòng làm việc đều mắc loa kêu oang oang, các khẩu hiệu đoạt quyền rền vang khắp tòa lầu, ngoài hành lang cho tới mọi xó xỉnh. Đại Lý, họ Đường và một số nhân viên tạp vụ hậu cần của cơ quan giải giáp cán bộ cũ, bí thư các chi bộ, ngực đeo biển tên bị gạch chéo, diễu hành trong tòa lầu văn phòng cơ quan, Ngô Đào đi đầu đập xập xình cặp thanh la và bọn Lý - Đường còn ra lệnh tất cả quần chúng cách mạng phải rời vị trí làm việc đứng ngoài cửa chứng kiến và hô vang khẩu hiệu do bà chị đảng viên nọ lĩnh xướng.
- Đả đảo phái đương quyền đi theo đường lối chủ nghĩa tư bản!
- Chính quyền đỏ vừa mới ra đời muôn năm!
- Thắng lợi của đường lối cách mạng Mao Chủ tịch muôn năm!
Họ Đường học đòi điệu bộ của các thủ trưởng vẫn tay chào mừng quần chúng cách mạng khiến người cười, kẻ khóc. Anh thầm nghĩ, chắc họ lại bày trò gì nữa đây, nhưng lẽ nào cách mạng lại được nhen nhúm lên từ những hành động lưu manh như vậy hay sao? Những cán bộ lãnh đạo từng một thời là hóa thân của Đảng, trang nghiêm là thế mà giờ đây lũ lượt bị lôi đầu ra, lang thang nhếch nhác, và một mụ già cũng từng là đảng viên phục tùng bỗng hóa thân của tạo phản huênh hoang, ngạo mạn, giơ tay lĩnh xướng hô khẩu hiệu...
- Chúng tôi biết anh phản đối đoạt quyền - một người trước đây mang quân hàm trung tá nói với anh.
- Không, tôi chỉ phản đối cái kiểu đoạt quyền mà họ đang tiến hành - anh đáp.
Vị thuyết khách này từ quân đội chuyển ngành về cơ quan làm công tác chính trị, nhưng cũng chỉ ở cấp phó trưởng phòng. Trong cuộc hỗn loạn, nhiễu nhương hiện nay, ông trung tá phục viên nọ chỉ đứng bên rìa hò la cho vui, rình cơ hội trở thành thủ lĩnh một thế lực. Ông cựu trung tá cười khì:
- Anh có ảnh hưởng trong quần chúng nhiều hơn bọn họ, nếu anh xuất đầu lộ diện, chúng tôi ủng hộ. Chúng tôi mong anh tổ chức thành lập đội ngũ và chúng ta sẽ hợp tác với nhau.
Cuộc trao đổi trên được tiến hành ngay trong phòng cơ yếu của ban chính trị mà trước đó anh chưa hề có dịp lọt vào đây, nơi lưu trữ các văn kiện của cơ quan và hồ sơ nhân sự của mọi cán bộ nhân viên, kể cả lí lịch của anh đã ghi vấn đề cha anh can phạm. Bọn Đại Lý khi đoạt quyền bèn niêm phong tất cả các tủ sắt đựng văn kiện, hồ sơ, nhưng cũng có thể tùy ý xé niêm phong, rồi dán lại, tuy vậy chẳng ai dám thiêu hủy những gì đang lưu trữ.
Ông cựu trung tá tìm anh ở nhà ăn cơ quan, nói rằng muốn trao đổi với riêng anh một số vấn đề nữa, không có dụng ý gì đâu, khi vào việc thì anh khắc rõ. Anh đã biết đứng đằng sau ông cựu trung tá là ai, mấy hôm trước phó bí thư đảng ủy Trần đã đặt bàn tay gầy guộc, khô khốc lên vai anh như muốn truyền đạt một tín hiệu gì đó. Trần vốn là người của đảng ủy phụ trách ban chính trị cơ quan, bình thường rất ít nói và không hề cười, sau khi bị đấu tố vẻ mặt của Trần lại càng sắc lạnh. Ông ta nhìn trước nhìn sau thấy không có ai trên cầu thang bèn khẽ gọi tên anh, kèm thêm hai chữ “đồng chí”. Trần đặt tay lên vai anh một cách thân mật đâu chưa tới hai giây đồng hồ, đoạn gật đầu, dời gót lướt qua. Cử chỉ của đồng chí phó bí thư đảng ủy có vẻ không bình thường, cố ý quên đi việc anh đã từng đấu tố ông ta. So sánh với đám ô hợp Đại Lý, Tiểu Vu thì bọn họ có kinh nghiệm chính trị lão luyện thâm độc hơn nhiều, thế mà nay lại chìa tay ra với anh. Còn anh, càng không phải là hợm chơi chính trị, mức độ giảo hoạt, tinh ranh sao sánh nổi với họ. Anh không muốn đứng cùng một đội ngũ với họ, nên cuối cùng phải tuyên bố:
- Tôi không tán thành kiểu đoạt quyền như những điều đó không có nghĩa là tôi phản đối chủ trương đoạt quyền. Tôi trước sau vẫn ủng hộ tạo phản đảng ủy.
Ông cựu trung tá trầm tư giây lát, rồi gật đầu:
- Tôi cũng tạo phản.
Câu nói của ông cựu trung tá rất khôi hài như chúng ta vẫn thường nói “chúng tôi cũng uống trà” đã khiến anh bật cười chứ chẳng thể nói gì hơn.
- Đây chỉ là trao đổi giữa hai cá nhân chúng ta, những gì vừa nói với anh có thể xem như chưa từng nói.
Anh rời khỏi phòng cơ yếu, cự tuyệt mọi đề nghị, cắt đứt luôn quan hệ với bọn họ. Mười ngày sau, lúc đó là tháng hai, hồng vệ binh cũ và một số cán bộ công tác chính trị phối hợp tổ chức lại đội ngũ, ra quân chống đoạt quyền, đánh chiếm trạm truyền thanh của phe tạo phản đặt trong tòa lầu văn phòng cơ quan. Cuộc võ đấu thứ nhất giữa hai phe bắt đầu, có người bị thương phải đưa đi cấp cứu, khi ấy anh không có mặt tại hiện trường xô xát đó.