Kinh Thánh Của Một Người

chương 27

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Vì sao ông bị bắt? Và sau đó đã phản bội đầu hàng, có đúng không?

- Lý lịch của tôi đảng bộ đã thẩm tra, kết luận từ lâu rồi!

- Vậy có cần đọc tài liệu hồ sơ này để ông nghe lại cho rõ hay không?

Lão già bắt đầu căng thẳng. Anh đọc:

- “Vì tình hình chống Cộng cứu nước lúc này rối loạn, bản thân tôi mất cảnh giác, giao du kết bạn không cẩn trọng, nên đi lạc đường...” - anh hỏi - ông còn nhớ đoạn này đấy chứ?

- Tôi không nhớ! - Lão phủ nhận và lỗ mũi lão đã bắt đầu lấm tấm mồ hôi.

- Đó chỉ mới là mấy câu mở đầu mà thôi, xin hỏi đồng chí lão cách mạng - anh chế giễu - có phải đọc tiếp tục không đây?

- Thật tình mà nói thì không thể nhớ nổi, đều là sự việc của mấy chục năm về trước - lão có vẻ hơi mềm và húng hắng ho.

Anh cầm tập hồ sơ, liếc qua nhìn lại, nhác trông như một người ngán ngẩm với công việc tra hỏi này. Nhưng rồi anh nghĩ, đúng là trước nguy cơ bị người khác thẩm tra, xét hỏi chi bằng ra tay trước nhảy vào vị trí làm người xét hỏi, thẩm tra. Đoạn nói:

- Đây là bản sao, ở bản chính còn có danh tính, đóng dấu và điểm chỉ, tất nhiên là họ tên thời ấy của ông, ông ghê gớm lắm, dám cải danh, dám đổi họ, điều này chắc đồng chí lão cách mạng không quên chứ?

Lão già im lặng, nín thở.

- Phải đọc thêm vài câu nữa, để giúp ông nhớ lại - anh tiếp tục - “Cầu mong chính phủ khoan hồng, nay xin hứa, nếu gặp ai khả nghi ngưỡng mộ Cộng sản, có hành tung thân phỉ, là lập tức báo ngay”. Đây có phải là hành vi phản bội hay không? Và chắc ông biết, đối với hoạt động bí mật của Đảng, tội phản bội sẽ bị xử trí như thế nào rồi chứ?

- Dạ biết, dạ biết ạ - lão gật đầu mấy cái liền.

- Thế còn ông thì sao?

- Tôi không phản bội, tôi không bán đứng ai cả - trán lão già đã ướt đẫm mồ hôi.

- Tôi hỏi ông, hồ sơ này có phải là hành vi phản Đảng của ông hay không?

- Đứng dậy!

- Đứng dậy mà khai báo!

Lão già y lệnh:

- Dạ thưa... tôi... tôi được phóng thích...

- Tôi hỏi ông, vì sao được phóng thích, nếu ông không tự thú, bọn chúng cũng thả ông ra à? Hãy nói đi, có phản bội hay không?

- Nhưng sau đó tôi đã nối được liên lạc với Đảng.

- Vì tổ chức bí mật của Đảng khi ấy không biết đồng chí lão cách mạng đã tự thú.

- Đảng đã tha thứ, đã khoan hồng cho tôi... - lão già cúi đầu.

- Vậy lúc đấu tố người khác, ông có khoan hồng, có tha thứ hay không? Sao mà hung dữ thế, người ta đã viết kiểm thảo rõ ràng, ông vẫn không buông tha, ông đã chỉ thị cho chi bộ dưới quyền, hãy găm chết những tài liệu đó lại, quyết không cho bọn chúng lật án, ngóc đầu dậy. Ông có nói như thế hay không?

Cả bọn đồng thanh hô to “Có nói như thế hay không?”

- Dạ có, có nói, tôi phạm sai lầm - lão già thừa nhận ngay, lão nghĩ sai lầm so với phản bội, vấn đề sẽ nhỏ hơn nhiều.

- Đây đâu chỉ là sai lầm, ông nói sao mà dễ dàng thế, ông có biết bao nhiêu người đã bị ông bức tử, nhảy lầu tự sát hay không?

- Dạ thưa, không phải do tôi, đó là vấn đề chấp hành chỉ thị...

- Chính do ông chỉ thị, ông thân hành ra lệnh, hãy kết hợp giữa vấn đề lịch sử và biểu hiện hiện tại mà truy cứu rõ ràng, ông đã nói như vậy, có đúng không?

- Dạ đúng ạ, - lão già trở nên ngoan ngoãn.

- Ông hãy viết tất cả, ai phản Đảng, ông đã phản Đảng như thế nào:..

- Viết thế nào ạ? - Lão ngơ ngác hỏi lại.

- Yêu cầu thư ký nữa ư?

Cả bọn cười khì, nói chuyện lao xao, vui vẻ lạ thường giống như cả làng chài bắt được con cá lớn, còn lão già thì mặt mày trắng dã, ông lắp bắp:

- Tôi đau tim, xin ngụm nước, uống thuốc được không?

- Được! - Anh ra lệnh - ông có thể về nhà, sáng mai giao cho chúng tôi một bản tường trình, ghi rõ những gì đã trải qua khi ông đầu thú, phản bội Đảng, bị bắt như thế nào, vượt ngục như thế nào, người làm chứng, ở trong tù đã khai báo ra sao...

- Dạ vâng.

- Ông có thể đi được rồi đó!

Cả bọn cười vang khi lão già đi khuất. Anh nghiến răng giảo hoạt:

- Có hồ sơ này thì lão ta đừng hòng mà chạy thoát!

- Nếu lão già tự sát?

- Không có dũng khí như thế đâu, lão ta sợ chết, nếu không thì hồi ấy đã chẳng tự thú, đầu hàng, ngày mai nhất định lão sẽ nộp cho chúng ta bản nhận tội, các đồng chí có tin không?

Công việc của phe tạo phản là thế, lật án minh oan cho những người bị đấu tố, và đấu tố hạ bệ những kẻ vừa mới hành hạ quần chúng nhân dân.

Anh xin một tập giấy giới thiệu không chỉ và khoản tiền công tác phí, khăn gói lên đường đi thẩm tra lí lịch bao đối tượng tình nghi cũng như cần được minh oan, nhân thể du sơn du thủy, tìm hiểu thế giới và lẩn tránh cuộc cách mạng đang trùm lên mọi nơi trong thành phố. Anh đáp tàu đi Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông, nằm bên bờ nam sông Hoàng Hà, tìm đến một phường nhỏ dọc theo dãy phố cũ, đối tượng điều tra là phạm nhân lao động cải tạo đã được phóng thích. Người phụ nữ trung niên là cán bộ quản lí nhân sự, đeo bao vải bảo vệ ông tay áo cần mẫn dán hộp giấy gia công để kiếm thêm tiền cải thiện thì phải. Bà vừa làm việc vừa trả lời:

- Ông ấy không còn ở đây!

- Chết rồi?

- Không còn, cũng có thể là đã chết.

- Chết như thế nào?

- Đến mà hỏi người nhà ông ta!

- Nhà ông ta, còn ai?

- Anh muốn điều tra người nào?

Anh không thể giải thích với vị cán bộ phường này, rằng người quá cố mà anh muốn điều tra, từng là cán bộ, từng là bạn học cùng lớp thời đại học, đã cùng nhau hoạt động bí mật trong phong trào học sinh sinh viên, rồi cùng ngồi tù tại nhà lao Quốc dân đảng... nay theo quy định của cách mạng, muốn thanh toán tiền tàu xe và công tác phí thì phải có xác nhận đương sự điều tra đã qua đời...

- Thế thì ra đồn công an, bọn “choa” ở đây không cấp giấy chứng tử.

- Thôi đủ rồi, bây giờ “choa” muốn đến sông Hoàng Hà thì đi như thế nào? - Anh bắt chước tiếng “choa” của phương ngữ Sơn Đông mà người đàn bà vừa nói để hỏi chị.

- Hoàng Hà nào?

- Cả Trung Quốc bầy “choa” chỉ mỗi một Hoàng Hà. Tế Nam này nằm bên bờ con sông ấy!

- Nói gì “choa” không hiểu, “choa” chưa đến đó bao giờ - vị cán bộ phường tiếp tục bôi hồ, dán hộp giấy gia công, chẳng cần quan tâm anh, người khách viễn phương.

Thường nghe nói “Bất đáo Hoàng Hà tâm bất tử”, và anh bỗng nghĩ đến Hoàng Hà, một con sông mà anh đã nghe bao người ca vịnh, không phải bây giờ mà tự ngàn xưa. Nhiều lần đi tàu hỏa, hễ vượt qua Hoàng Hà là anh ngoái đầu ra bên ngoài, nhưng không nhìn thấy dòng sông vĩ đại ra sao, bởi bị thanh sắt dầm cầu che chắn. Anh lang thang trên các phố Tế Nam và hỏi đường đi đến Hoàng Hà. Người ta bảo còn xa, phải ngồi ô tô cho tới trấn Lạc Khẩu rồi đi bộ một quãng nữa thì mới đến.

Anh trèo lên con đê hoàng thổ, bao la không một điểm xanh nào, bờ bên kia cũng vậy, mênh mang đất đỏ, không xóm làng, không cây cối, nước sông đục ngầu cuộn chảy, lòng sông có vẻ cao hơn thị trấn trông thật hãi hùng. Nhẽ nào đây là Hoàng Hà mà ngàn năm qua từng truyền tụng, nhẽ nào văn minh cổ Trung Hoa từng phát tích từ chốn này? Chân trời xa xa, bất tận quá tầm nhìn chỉ là sông nước với phù sa, lấp lánh chơi vơi dưới ánh nắng mặt trời, may mà từ đâu đó bỗng xuất hiện một điểm đen, lớn dần lớn dần cho tới lúc trông rõ là cánh buồm, nếu không, nơi đây thật chẳng có một tí gì gọi là sinh khí. Những ai từng ngợi ca Hoàng Hà đều đã đến tận sông này, hay chỉ tin lời truyền miệng mà lừa dối lẫn nhau.

Con thuyền chở nặng, toàn là đá, mớm nước đã mấp mé mạn khoang, cánh buồm màu trắng xám, những mảng vá trông khá lớn, hai con người lèo lái giữa thiên nhiên hung dữ, trên là trời, dưới là nước mênh mông. Có lẽ họ là vợ chồng, hoặc ít nhất cũng tình nhân, chàng trai cởi trần giữ cho con thuyền đi đúng hướng, còn cô gái cũng phất phơ xiêm áo, đang làm gì đó trong khoang. Đá này chở về đâu, anh thầm hỏi và tự trả lời, có thể để đề phòng khi lũ to, đê vỡ.

Anh xuống bãi sông, càng lúc càng ngập trong bùn nhão, cởi giày, tháo vớ xách theo, cúi lưng giơ tay khỏa khỏa nước Hoàng Hà và bất giác nhớ tới câu thơ của một nhà thơ cách mạng nào đó “Cho con uống một ngụm sông của mẹ Hoàng Hà”. Thi nhân ca ngợi vậy thôi, đến như tôm cá mà còn khó sống với nước Hoàng Hà đỏ ngầu, huống chi là uống, hóa ra bần cùng và tai nạn cũng có thể ngợi ca. Ngắm nhìn dòng nước cuồng điên chảy xiết, sẵn sàng nhấn chìm ngàn vạn sinh linh mà cảm thấy lạnh người, mà cảm thấy thê lương. Nhiều năm sau nhân vật quan trọng nọ ở trung ương từng muốn xây dựng một công trình điêu khắc khổng lồ với tên gọi Hồn dân tộc tận trên vùng thượng du Hoàng Hà, anh nghĩ, nơi ấy vốn đã là một pho tượng, được dựng lên tự bao đời nay...

Lần ấy, anh rời miền Nam lên đường hồi Kinh sau một đợt công tác, nhưng khi tàu đến ga bên này sông Trường Giang thì phải dừng hẳn. Lý do đơn giản là ở phía trước đang xảy ra đụng độ, võ đấu giữa hai phe cách mạng, hành khách tạm thời tự xử lí, chưa biết đến lúc nào mới thông đường. Chính vì sự cố này mà một sự cố khác đã bắt đầu manh nha tượng hình, hãm hại cuộc đời anh, vẫy vùng mãi mới thoát khỏi bóng đen và tất nhiên phải trả giá đắt.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio