Chương : Dùng mưu kế giao phong một lần nữa
Nam Cung Nhượng vui mừng nói: "Những gì Uy nhi làm ở Lạc Bắc khiến lòng trẫm rất an ủi, thưởng một đôi ngọc như ý. Sau khi bãi triều, Nội đình ty đến phủ Nhị hoàng tử để kiểm kê kho phủ, sao chép hết thảy những thứ Nhị hoàng tử đã bán rồi trình báo lên trên. Hộ bộ có nhiệm vụ quy đổi những món mà Nhị hoàng tử đã bán sang tiền mặt để bù vào."
"Tuân chỉ."
Các quan viên đồng loạt ca tụng: "Bệ hạ anh minh."
Nam Cung Vọng nghe triều thần khen ngợi Nam Cung Uy thì sắc mặt trắng bệch.
Lúc này hắn hối hận đến phát điên, hận không thể lập tức mọc ra một đôi cánh, bay trở về phủ tìm Tề Nhan để thương lượng đối sách.
Nam Cung Nhượng hạ chỉ tổ chức cung yến cho Nam Cung Uy đón gió tẩy trần.
Nhưng trưa hôm đó, hắn đột nhiên truyền thêm một thánh chỉ: Hôm nay trẫm không khoẻ, hoãn cử hành cung yến.
Mấy ngày sau, Nam Cung Nhượng vẫn chưa thể lên triều. Hắn chỉ lệnh các triều thần viết tất cả sự vụ vào tấu chương, nộp cho hắn thay vì bẩm báo.
Lại qua mấy ngày, Nam Cung Nhượng lại lần nữa hạ chỉ: Tấu chương của các quan viên sẽ giao cho trưởng quan ba tỉnh phê bình, sau đó mới nộp cho hắn phê đỏ lại.
Nam Cung Nhượng ngã bệnh, bệnh tình tới quá nhanh chóng.
Trên dưới triều đình đều bị một đám mây đen ngưng trọng bao phủ, ngay cả người vẫn luôn dưỡng bệnh ở Thanh Tuyền sơn như Lục Quyền cũng chạy về kinh thành khi nghe được tin tức.
---
Ngự y nói: Nam Cung Nhượng vất vả lâu ngày nên sinh bệnh. Hơn nữa, hắn đã lớn tuổi, căn cơ không bằng lúc trước, điều dưỡng một ít thời gian thì có thể khỏe lại.
Nhưng có vài lão thần lại đổ tội việc này cho Nhã phi, người đang được hoàng đế hết lòng sủng ái.
Rốt cuộc thì Thương Đế tiền triều cũng bởi vì sủng hạnh gian phi nên cuối cùng mới bị thiêu chết ở tẩm cung Vạn Quý phi.
Những lão hủ này vốn có rất nhiều thành kiến đối với người dị tộc, không ít người đều nộp tấu chương, uyển chuyển khuyên can Nam Cung Nhượng bảo trọng long thể.
Đương nhiên còn có một chuyện khác lại được trình lên thêm lần nữa, đó là việc sắc lập Thái Tử.
Nhân sinh thất thập cổ lai hy, người đến tuổi năm mươi mốt như Nam Cung Nhượng đã tới lúc phải suy xét đến việc lập trữ quân. Trước đây, hắn còn có thể dùng nhiều lý do đè chuyện này xuống, nhưng lần này hắn đổ bệnh mà nửa tháng vẫn không thấy chuyển biến tốt đẹp, các triều thần trung thành và tận tâm đều nóng nảy không thôi.
Tình huống Nam Cung hoàng tộc rất đặc biệt. Nam Cung Nhượng không có đích tử, tuy trưởng tử Nam Cung Bình thân phận thấp kém nhưng cổ ngữ có câu: Lập đích lấy trưởng không lấy hiền...
Từ xưa đến nay, đã có rất nhiều ví dụ phế trưởng lập ấu, cuối cùng thì đều gây thành đại họa.
Xét về huyết thống, các hoàng tử đều bình đẳng với nhau. Nếu như không lập trưởng tử thì các hoàng tử khác tất sẽ oán hận, quốc bản xã tắc mà bệ hạ xây dựng cũng sẽ dao động trong trăm năm sau.
Các triều thần cũng chia làm mấy phái. Một phái là các đại thần tuân thủ nghiêm ngặt cổ lễ đại nho, bọn họ cho rằng bệ hạ nên lấy nền tảng lập quốc làm trọng, cứ chấp thuận Hoàng trưởng tử Nam Cung Bình vào triều thảo luận chính sự trước, sau đó lại quan sát kỹ một phen.
Một phái khác là "phái thực tế" do Hình Kinh Phú cầm đầu. Hắn cho rằng nên chọn một vị hoàng tử có năng lực xuất chúng nhất, coi trọng bồi dưỡng rồi lại xem hiệu quả sau này.
Phái cuối cùng là "phái ngoại thích", nhìn tên đoán nghĩa thì đã có thể biết bọn họ là thế lực mẫu gia của các phi tử trong cung. Bọn họ chủ trương: Hậu vị bỏ không nhiều năm, cứ việc sắc lập một vị nương nương đã sinh hạ hoàng tử làm Hậu, như vậy vừa giải quyết hậu vị vừa có thể có được một vị đích tử, một công đôi việc.
Vô luận là xuất phát từ mục đích nào, lời nói của triều thần đều nhất định có đạo lý. Nhưng ở trong mắt Nam Cung Nhượng, những lời này lại có hàm nghĩa khác.
Hắn bị bệnh, nhưng bọn triều thần này không đi hỏi thăm danh y, không đi tìm thuốc hay cầu nguyện hắn sớm ngày khỏe mạnh, mà lại dám "bức" hắn lập Hậu lập đích!
Lục Quyền trở về cũng chạm vào thần kinh mẫn cảm của Nam Cung Nhượng. Hắn càng ngày càng sợ chuyện xảy ra trên người Thương Đế năm đó sẽ tái diễn lên mình.
Hắn thật vất vả mới khỏe hơn, nhưng bị kíƈɦ ŧɦíƈɦ như vậy thì lại một lần nữa đổ bệnh.
Tuy nhiên, người được lợi nhiều nhất lần này chính là Nhị hoàng tử Nam Cung Uy.
Mẫu thân của hắn là Huệ Quý phi, là nữ nhân có phân vị lớn nhất toàn bộ hậu cung. Lần này hắn lại lập được rất nhiều công lao cho triều đình, vô luận là dân gian hay là trong triều thì danh vọng của hắn đều cao chưa từng có.
Có không ít triều thần ngầm ca tụng Nam Cung Uy có phong thái như hoàng đế, lòng mang thiên hạ, nhân đức cẩn thận.
Nam Cung Uy cũng biểu hiện đặc biệt hiếu thuận. Sáng sớm mỗi ngày, hắn đều sẽ vào cung thỉnh an, ban đêm còn sẽ ở lại hầu bệnh. Nghe nói hắn còn trải chăn nằm ở ngoài điện, để tiện cho Nam Cung Nhượng có thể gọi hắn đến bất cứ lúc nào.
Tin tức này vừa được truyền ra, Nam Cung Uy lại một lần nữa được triều thần khen ngợi.
Một ngày sau khi Nam Cung Nhượng ngã bệnh, Nam Cung Tĩnh Nữ cũng vào cung. Vị Ương cung đã trở thành phế tích, vì vậy nàng ở lại cung điện trước khi xuất giá của Nam Cung Tố Nữ.
Nàng mỗi ngày đều làm bạn với Nam Cung Nhượng, nói một ít chuyện thú vị ở dân gian khiến cho Nam Cung Nhượng vô cùng thoải mái.
Có một vị đích nữ và trưởng tử trên danh nghĩa hầu bệnh, dường như những người còn lại đều có chút dư thừa...
Nam Cung Vọng mệnh Tạ An mang theo hậu lễ, tới tư trạch của Tề Nhan.
Quản gia Tiền Nguyên mang bái thiếp đến phò mã phủ bẩm báo, mời Tề Nhan đến.
Tạ An đi thẳng vào vấn đề, nói: "Hiền đệ, mấy ngày trước đây ngu huynh có được một bức tranh chữ, nghe nói là bút tích của Nhan Chân Khanh. Hiền đệ có thể giúp ta giám định hay không?"
"Mời Viễn Sơn huynh đến thư phòng. Tiền Nguyên, ngươi bảo nhà bếp chuẩn bị tiệc tối đi."
"Vâng."
Vào thư phòng, Tề Nhan cầm quyển trục, khi nàng sắp mở nó ra thì Tạ An lại đè tay nàng xuống: "Hiền đệ không cần nhìn, bức tranh chữ này đúng là bút tích của Nhan Chân Khanh."
Tề Nhan khẽ cười một tiếng: "Vậy thì Viễn Sơn huynh còn muốn ta giám định và thưởng thức cái gì?"
Tạ An nặng nề thở dài một hơi, hắn nâng tay vái lạy Tề Nhan ba lần, xin lỗi nàng: "Hiền đệ tốt của ta, phò mã gia! Ngươi tạm tha cho ngu huynh đi! Đều đã đến thời điểm mấu chốt rồi, ngươi còn đánh đố ta nữa sao?"
Lúc này Tề Nhan mới thu liễm nụ cười: "Đây là lời Tam điện hạ muốn nói?"
"Đúng là vậy. Tam điện hạ cực kỳ yêu thích bức họa này, người tốn một số tiền lớn mới mua được, vẫn luôn giấu ở trong kho phủ và xem như là trân bảo. Điện hạ nói chữ ngươi rất có khí khái của Nhan công nên tặng bức tranh chữ này cho ngươi, làm...lễ vật bồi tội!"
Đối với Nam Cung Vọng mà nói, hai chữ 'bồi tội' này đã xem như là cái cúi đầu lớn nhất.
Tề Nhan cũng thở dài, cảm khái: "Điện hạ như thế quả thực là chiết sát Tề Nhan."
"Hiền đệ không tức giận là được!"
Nói xong, hắn lấy một phong thư từ lồng ngực ra: "Đây là thư điện hạ tự tay viết, mời hiền đệ xem qua, điện hạ ở trong phủ chờ tin lành."
Tề Nhan xé mở phong thư, nàng nhìn lướt qua, sau đó ném lá thư vào trong chậu nước.
Trong thư, Nam Cung Vọng bảo rằng hắn xin lỗi Tề Nhan, ngoài ra còn hứa sau này sẽ thành khẩn đối đãi nàng, tuyệt đối không thất lễ.
Dòng cuối cùng, hắn nói: Khi nào Tề Nhan rảnh rỗi thì đến Tạ phủ một chuyến, hắn có chuyện quan trọng cần thương lượng.
Tề Nhan hẹn Tạ An vào trưa ngày hôm sau. Sau khi dùng cơm tối xong, Tạ An lập tức trở về.
Nàng ở lại tư trạch một đêm, đúng buổi trưa hôm sau mới đến Tạ phủ.
Đi vào thư phòng, Nam Cung Vọng đã chờ ở bên trong. Tạ An mời Tề Nhan vào, còn hắn thì tự mình đóng cửa và canh giữ ở bên ngoài.
"Tham kiến điện hạ." Nam Cung Vọng nâng cánh tay Tề Nhan lên: "Muội phu không cần đa lễ, mau tới đây ngồi đi."
"Tạ điện hạ."
Nàng vừa mới ngồi xuống, Nam Cung Vọng đã vội vàng nói: "Muội phu cứu ta..."
Nam Cung Vọng kể những chuyện lớn nhỏ đã xảy ra trong triều dạo gần đây, lại nói rõ mối nguy hiện tại của hắn.
"Hiện tại, vô luận là ở dân gian hay trong triều thì uy vọng của lão Nhị đều vượt qua ta, lần này phụ hoàng đổ bệnh ngược lại còn thành toàn hắn. Thế lực mẫu gia của Huệ Quý phi rất lớn, lão Nhị còn có huynh đệ đồng bào là lão Tứ bôn tẩu giúp hắn. Cũng không biết hắn đổi tính từ lúc nào, vậy mà noi theo 'quạt gối ấm chăn' [], trải chăn ở ngoài tẩm cung của phụ hoàng để ngày đêm phụng dưỡng, làm cho đám lão thần kia cảm động đến rối tinh rối mù."
[] Quạt gối ấm chăn: Một trong hai mươi bốn tấm gương hiếu thảo. Hoàng Hương là người sống ở đời Hán, lúc lên chín tuổi thì mẹ mất. Hương thương mến quyến luyến, gào khóc thảm thiết, người trong làng khen là đứa con có hiếu. Từ đó, Hương tự mình lo liệu trong ngoài, cần cù khổ cực một lòng hầu hạ, phụng dưỡng cha không dám xao lãng.
Mùa hạ trời nóng bức, Hương lấy quạt làm mát gối chăn, chiếu giường rồi mới mời cha lên giường. Mùa đông khí trời lạnh lẽo, Hương nằm ủ vào chăn mền cho ấm trước khi cha vào ngủ. Quan thái thú đầu quận là Lưu Hộ biết được lòng hiếu thảo của Hoàng Hương làm tờ biểu tâu lên vua, được vua ban cho tấm biển vàng là người con hiếu hạnh.
Nam Cung Vọng càng nói càng tức, hắn giơ tay đấm lên bàn hai cái.
Tề Nhan yên lặng lắng nghe, nàng cong ngón tay nhịp nhàng gõ lên đùi: "Hiện giờ thanh thế của Nhị hoàng tử càng lúc càng lớn, theo thần thấy, cứ cố gắng kháng cự thì không phải là cách khôn ngoan. Không bằng điện hạ cứ yên tĩnh xem biến?"
"Bản cung thật sự chờ không nổi nữa. Chẳng lẽ bản cung phải nhìn lão Nhị càng lúc càng lớn mạnh, nhìn hắn nghiền chết ta trước sao?!"
Ánh mắt Tề Nhan trầm xuống: "Nếu như điện hạ thật sự chờ không kịp, vậy thì người giúp Nhị hoàng tử một tay đi."
Nam Cung Vọng lập tức đứng lên, trong mắt hắn tràn đầy lửa giận, nhưng cuối cùng hắn vẫn ngồi về chỗ của mình.
Tề Nhan rất vừa lòng: Xem ra lần này Nam Cung Vọng ngoan ngoãn không ít...
"Muội phu có ý gì?"
Tề Nhan cao thâm nói: "Xin điện hạ thử nghĩ một chút xem. Nếu người là hoàng đế, cũng chỉ mới đổ bệnh một lúc mà lão thần trong triều đã không kìm lòng được, khuyên nhủ người lập Thái Tử, người sẽ nghĩ như thế nào? Các triều thần như vậy thì cũng thôi đi, rốt cuộc thì giang sơn có như thế nào đi chăng nữa thì cũng không tới phiên bọn họ lên ngôi. Tuy nhiên, nếu có một vị hoàng tử biểu hiện phi thường tích cực, ước gì người lập tức long ngự quy thiên thì người sẽ làm thế nào?"
"Ta..." Ánh mắt Nam Cung Vọng từ kinh ngạc chuyển sang mừng như điên: "Muội phu là nói...?"
"Cái gọi là 'quạt gối ấm chăn' chỉ có thể xảy ra ở dân gian. Đặt ở trong cung đình này thì cũng chỉ là thủ đoạn các tiểu nương tử tranh sủng thôi. Thử nghĩ mà xem, bệ hạ là ngôi cửu ngũ, há dung người khác ngủ ngáy bên cạnh giường mình? Bên cạnh bệ hạ còn có một vị Tứ Cửu công công trung thành và tận tâm, hầu hạ người hơn bốn mươi năm. Dù cho không có thì đây cũng là công việc của nội thị. Nhị hoàng tử thân là hoàng tự mà lại làm ra mấy chuyện như tiểu nương tử. Theo ta, bệ hạ đã chán ghét Nhị hoàng tử đến cực điểm."
"Muội phu nói có lý, ha ha ha ha! Lão nhị ơi là lão Nhị, bản cung còn tưởng rằng ngươi tiến bộ, thì ra ngươi lại đi biến thành tiểu nương tử rồi!"
"Theo thần, nếu điện hạ không muốn yên tĩnh xem biến thì chi bằng khiến cho 'mặt trời ban trưa' như Nhị điện hạ sáng hơn một chút..."
"Ngươi mau nói đi, bản cung nên làm thế nào?"
"Xin điện hạ cứ duy trì thái độ bình thường, không cần đi gặp bệ hạ ngay lúc này. Dẫu cho tất cả mọi người đều thỉnh an, nhưng nếu không cần thiết thì điện hạ cứ việc miễn. Ngày nào bệ hạ chưa khỏe lại thì điện hạ không cần xuất hiện ở trước mặt bệ hạ."
"Đây là vì sao? Thỉnh an thường lệ cũng miễn à? Có khi nào phụ hoàng sẽ trách tội ta hay không? Hoặc có khi đám triều thần đó lên án bản cung bất hiếu cũng không chừng?"
"Triều thần nghĩ gì không quan trọng, hiện tại quan trọng nhất chính là tâm tư của bệ hạ. Nếu có một ngày bệ hạ hỏi việc này, điện hạ hãy nói: Người từng đến Ngự y viện để dò hỏi, ngự y nói bệ hạ cần phải tĩnh dưỡng. Lòng người tràn đầy nhớ mong, vừa hận không thể lấy thân mình gánh bệnh thay bệ hạ vừa không dám tới quấy rầy. Vì vậy người chỉ có thể sao kinh tụng Phật ở trong phủ, khẩn cầu thần minh phù hộ bệ hạ sớm ngày khỏe lại."
Nam Cung Vọng cực kỳ vui mừng: "Hay, ta đều nghe theo lời muội phu. Sau đó thì sao?"
Tề Nhan cười lạnh một tiếng: "Sau đó à? Vậy thì mời điện hạ biên soạn một bài ca dao tán dương Nhị hoàng tử. Người hãy tìm vài vị tử sĩ trung thành, lệnh bọn họ đi đến nhiều nơi rồi dạy cho bọn trẻ con ở đó xướng, một đường xướng tới kinh thành. Bệ hạ cũng chỉ mới tĩnh dưỡng có một tháng, không chỉ triều thần mà ngay cả bá tánh thiên hạ này đều dồn dập ca tụng Nhị hoàng tử. Thử hỏi, người làm đế vương sao mà nhịn được?"