Đàm Vân Sơn quay gáy về phía Ký Linh và Phùng Bất Cơ nên họ không nhìn thấy vẻ mặt chàng, chỉ còn biết hai mặt nhìn nhau. Vừa mới nghe một giấc mộng xong lại nghe tiếp một giấc mộng nữa, Đàm phủ này tựa hệt một cái đài sen, cứ bẻ là lại rơi ra thêm một hạt sen một câu chuyện để kể.
“Buổi sáng hôm ấy, mẹ tôi gọi tôi tới nói rằng tôi ở trong phủ tù túng đã lâu, nên ra ngoài thay đổi không khí tiện thể chơi tết, ban ngày đi chơi, tối về có thể ngắm đèn, ăn bánh…”
Đàm Vân Sơn thực sự có quá nhiều sách, tìm tới tìm lui, chàng đi vòng ra sau lưng giá sách, giờ thì đến cái gáy Ký Linh và Phùng Bất Cơ cũng không thấy được nữa, chỉ còn nghe tiếng chàng nói vọng ra từ đằng sau giá sách, không biết có phải là tại sách chen chật kín nhiều quá không mà nói nghe chẳng ra hơi.
“Tôi thực sự rất vui vì đi chơi cả ngày nghĩa là có thể ngồi xe ngựa đi ngoại thành, nếu may mắn thì còn có thể nói bọn người dưới theo hầu cho xuống sông hộ thành chơi…”
“Tôi nhớ cực kỳ rõ là hôm ấy mẹ phái a hoàn thân thiết nhất của mẹ đi với tôi, mọi người đều gọi người đó là Thúy tỷ nhưng Thúy tỷ lúc nào cũng thích mặc váy vàng, tôi còn tính tranh thủ dịp này hỏi thử xem vì sao Thúy tỷ không mặc váy màu thúy cơ…”
màu thúy: màu xanh biếc như thân tre trúc, ngọc bích
“Nhưng đến lúc đi chơi thì tôi quên mất. Vì hôm ấy xe ngựa không đi vùng ngoại thành mà tới một ngọn núi rất rất xa tôi chưa từng tới đấy bao giờ. Chỗ đó hơi lạnh nhưng lá đỏ khắp núi, rõ ràng dưới đất đã rụng một lớp dày nhưng trên cây vẫn đỏ lá như lửa, còn có rất nhiều loài chim lạ tôi chưa từng thấy bao giờ đậu hót trên cành, vừa xuống khỏi xe là tôi liền đi chơi…”
“Tiếc là đường tới đó quá xa, chơi chưa được bao lâu thì trời đã sẩm tối, tôi rất muốn chơi tiếp nhưng vẫn nhớ mẹ nói tối về nhà được ngắm đèn ăn bánh nên đắn đo, lưỡng lự một hồi tôi mới nói với Thúy tỷ tôi muốn về nhà. Với tôi lúc ấy, đấy thật là một quyết định chẳng dễ dàng gì…”
“Thúy tỷ đồng ý, dặn tôi đứng nguyên đó chờ, Thúy tỷ đi gọi xe ngựa lại…”
Mới đầu Ký Linh nghe rất say sưa vì không biết có phải chìm sâu vào hồi ức thuở nhỏ không mà trong quá trình kể Đàm Vân Sơn thường hay dùng giọng điệu trẻ thơ, hết sức đáng yêu. Thế nhưng nghe một lúc liền thấy không ổn, tới lúc Đàm Vân Sơn kể Thúy tỷ bảo chàng chờ, trong lòng nàng cũng bất an theo.
Song, với chuyện đã xảy ra rồi, nỗi bất an của nàng thật bất lực biết bao…
“Tôi ngoan ngoãn đứng nguyên đó chờ nhưng thật là lạ, tới tận khi trời tối hẳn, Thúy tỷ vẫn không quay lại. Tôi hơi sợ, bắt đầu gọi Thúy tỷ, mỗi lần gọi đều có tiếng vọng lại của chính tôi nhưng không có tiếng Thúy tỷ.”
Đàm Vân Sơn đã tìm được quyển sách chàng muốn, nhàn nhã thong thả đi vòng ra trước, thấy vẻ mặt Ký Linh và Phùng Bất Cơ đều nặng nề, chàng buồn cười bảo: “Nét mặt hai người vậy là sao.”
“Bớt nói linh tinh.” Giọng Phùng Bất Cơ rất gay gắt như thể bực ai đó mà lại không thể nổi nóng được: “Tiếp đi!”
Người qua loa như Phùng Bất Cơ còn đánh hơi được mùi bất ổn nữa là Ký Linh.
Nhưng nàng không nỡ hỏi, dè dặt nhìn vào mắt Đàm Vân Sơn những mong tìm được, dù chỉ là đôi chút, nỗi lòng chân thực trong đôi mắt bình thản ấy.
“Tiếp đó à,” Đàm Vân Sơn nở nụ cười, niềm vui lan tỏa từ khóe môi tới đôi mắt, giọng trở nên mềm mại hơn kèm theo một chút tinh nghịch trẻ thơ, “tiếp đó trời rất lạnh, tôi bèn nằm luôn xuống đất, lấy lá cây đắp lên người, khỏi phải nói, quả là rất ấm áp. Sau đấy tôi nằm nhìn trời. Tôi nhớ cực kỳ rõ ràng là hôm ấy là rằm, trăng vừa to vừa tròn như chiếc mâm ngọc, tôi vừa ngắm vừa nghĩ trên đó có phải có thần tiên ở thật không…”
“Sau đó nữa thì sao?” Ký Linh thực sự không chịu nổi, chỉ mong sao Đàm Vân Sơn kể liền một lèo cho xong, đừng có thủng thà thủng thẳng như thể đang kể hồi ức gì tốt đẹp lắm vậy. Chàng càng làm như không có việc gì thì lại càng làm người nghe thấy đau lòng, không phải đau lòng vì chàng của hiện tại mà là đau lòng thương cho Đàm Vân Sơn sáu tuổi bé nhỏ.
“Sau đó nữa thì tôi ngủ, tới lúc dậy thì đang nằm trên giường của mình ở Đàm phủ.” Đàm Vân Sơn nhún vai, bỗng đổi sang cách kể nhanh gọn, hiển nhiên là đoạn sau không còn kỷ niệm nào đáng nhớ: “Mọi người nói là tôi bị cảm lạnh, nằm trên giường ngủ li bì cả ngày. Tôi nói không, tôi lên núi ngắm lá đỏ, mọi người nói đấy không phải thật, là mộng thôi.”
Ký Linh ngớ ra, không biết đâu hư đâu thực, ngơ ngác hỏi: “Vậy, là mộng thật à?”
Đàm Vân Sơn không đáp mà đi vòng qua Ký Linh và Phùng Bất Cơ ngồi vào bàn, để quyển sách mình mới tìm được lên mặt bàn.
Quyển sách đó nhìn là biết đã xưa lắm rồi, trang bìa hư, mép giấy sờn nhưng rõ ràng là được vật nặng ép phẳng hoặc là chồng sách đè lên một thời gian dài, giữa các lớp giấy không có khe hở, tựa một tấm ván gỗ ố vàng nằm trên bàn.
Đàm Vân Sơn bắt đầu nhẹ nhàng lật giở, từng trang từng trang, thong thả khoan thai.
Chàng lật đầy nghiêm túc và dịu dàng, mặt mày giãn ra như chứa đựng một sức mạnh nào đó làm người ta bình tĩnh, Ký Linh và Phùng Bất Cơ cũng nhẫn nại theo, im lặng chờ đợi.
Cuối cùng, Đàm Vân Sơn dừng lại ở một trang nọ, liền đó, chàng đè những trang đã lật lại để giữ quyển sách mở, không cần chàng phải giũ, một mảnh gì đấy màu đen đã rơi ra khỏi trang giấy.
Đó là một chiếc lá mỏng manh đã khô hoàn toàn màu đỏ tía hơi đen, đường mép lá lạ mắt, có lẽ vì kẹp lâu trong sách nên không còn chút hơi nước nào, các đường gân mạch nổi gồ lên trên mặt lá.
“Lạ thật, lúc tôi kẹp vào rõ ràng là màu ráng đỏ như lửa.” Đàm Vân Sơn nhíu mày lẩm bẩm lấy làm lạ.
Chiếc lá nhẹ vô cùng, khẽ khàng đáp xuống bàn không tạo ra chút tiếng động nào nhưng lại làm lòng Ký Linh đau.
“Dính dưới đế giày của tôi, không ai phát hiện ra.” Đàm Vân Sơn ngẩng đầu, khôi phục dáng vẻ thường ngày, Đàm Vân Sơn ngây thơ tinh nghịch tan biến mất, chàng vẫn là nhị thiếu gia biếng nhác của nhà họ Đàm: “Mọi người nói là mộng thì tôi tin đó là mộng. Sau khi kẹp chiếc lá này vào đây, tôi không hề lật lại xem quyển sách này, một thời gian sau thì gần như quên luôn.”
“Quên khỉ gì!” Phùng Bất Cơ cáu, “Quên thật thì sao lão đệ có thể dẫn bọn huynh đi một mạch tới thư phòng? Rồi nhanh chóng tìm được quyển sách đã bị đè bên dưới mười mấy năm? Đến a hoàn mặc váy màu gì mà lão đệ còn nhớ rõ mười mươi!”
Đàm Vân Sơn cười, để quyển sách xuống, xòe tay đầy vô tội: “Đầu óc quá nhanh nhạy đâu phải lỗi của tôi.”
Phùng Bất Cơ cười nhạt, một chút đồng tình vừa gom góp được bị vị thiếu gia này thổi bay hết: “Còn chuyện xưa năm cũ gì nữa thì lão đệ nói một mạch làm rõ luôn đi, đừng để huynh và Ký Linh phải đoán già đoán non như hai đứa ngốc nữa.”
Đàm Vân Sơn nghiêng đầu ngẫm nghĩ một hồi rồi kể ra từng chuyện một thật…
“Thiếu gia Trần gia nhà bên nói lúc tôi mới sinh đã bị lấy máu nghiệm thân, kết quả chứng minh đúng là của cha tôi nên tôi mới được bế về Đàm gia, đương nhiên huynh ấy cũng là nghe cha huynh ấy nói, thật hay giả khó nói chắc…”
“Người hầu cao tuổi trong phủ nói Đàm phu nhân… Mà thôi, nghe đến lạ, vẫn tiếp tục gọi là mẹ vậy, nói mẹ tôi ngoại trừ từ đầu chí cuối không chịu cho cha tôi nạp thiếp thì hồi đầu vốn cũng không muốn đón tôi về nhà, nhờ Đàm lão phu nhân, tức là bà nội tôi khăng khăng, dù sao nhà họ Đàm đã mấy đời không có nam đinh thứ hai, mẹ tôi mới chịu cho tôi về Đàm gia, tất nhiên vì cũng là nghe nói nên không loại trừ khả năng có người xuyên tạc đơm đặt, chuyện này tiếp tục khó nói chắc…”
“Hai người đừng lườm tôi, chuyện cuối cùng là thực. Tôi nhớ rất rõ ràng, bắt đầu từ năm tôi sáu tuổi, vì đại khái đã nhìn ra được đường nét ngoại hình mà không may là ngoại hình tôi không mấy giống cha, nghe nói cũng không giống mẹ ruột cho nên bà nội không mấy thích tôi, mấy lần hỏi tôi có muốn đổi tên không, không để chữ “Thế”, gọi luôn là Vân Sơn mới hay. Sau tết Trung thu qua đi thì tôi bị sửa tên thật, hồi đó tôi còn sợ mãi, cực kỳ hối hận vì đã không đồng ý từ trước, kết quả sửa thì vẫn bị sửa mà lại còn mang tội không nghe lời.”
Đàm Vân Sơn nói xong, Phùng Bất Cơ cảm thấy bất ngờ.
Huynh ta chỉ thuận miệng bảo thế thôi, đâu ngờ Đàm Vân Sơn lại thực sự nhớ nhiều chuyện như vậy. Phùng Bất Cơ bất giác nhìn sang Ký Linh, muốn tìm một “người cùng khổ” cùng nhau ngạc nhiên thì mới yên lòng: “Ký Linh… thấy thế nào? Những chuyện nghe nói này nghe nói kia đó có thể tin được mấy phần?”
“Tôi tin.” Ký Linh gần như gật đầu không hề do dự.
Chốn Hòe Thành này căn bản chẳng có gì là bí mật, thứ gọi là “nghe nói” chẳng qua là phủ thêm một tầng sa che mông lung huyền ảo lên “sự thật” mà thôi.
Phùng Bất Cơ thấy lòng bối rối, vừa lo vừa buồn thay Đàm Vân Sơn: “Lão đệ chỉ có sáu tuổi, có cần phải nhớ rõ vậy không chứ!”
Đàm Vân Sơn hờ hững, cười khẽ mà rằng: “Đúng vậy, chỉ có sáu tuổi, sao họ nhẫn tâm.”
Cuối cùng Ký Linh cũng tìm thấy trong đôi mắt Đàm Vân Sơn thoáng vụt qua nỗi chua xót khổ sở.
Cho dù rất nhạt nhòa nhưng dẫu chỉ là chớp mắt, người này cũng thực sự từng ấm ức khó chịu.
Phùng Bất Cơ thở dài, lại gần vỗ vai chàng: “Đừng nghĩ nữa, đã qua cả rồi.”
Đàm Vân Sơn ngửa đầu lên nhìn Phùng Bất Cơ, chân thành đáp: “Tôi vốn cũng không hề nghĩ gì.”
Phùng Bất Cơ trợn mắt, chút tình cảm dịu dàng hiếm có vứt hết cho chó nhai, tiếp đó huynh ta nói: “Giờ hết thảy đều hợp lý, vì sao thần tiên không đến sớm hơn mà phải tới Trung thu mười bốn năm trước, là vì Đàm gia muốn vứt bỏ đệ, nếu không ngăn họ lại, tiên duyên của lão đệ phỏng chừng đã đứt đoạn năm sáu tuổi.”
Đàm Vân Sơn gật đầu, từ lúc dẫn hai người họ tới đây, chàng đã hiểu rõ đầu đuôi ngọn ngành.
Ký Linh im lặng hồi lâu bỗng hỏi: “Cuối cùng là người nhà họ Đàm thấy áy náy lương tâm nên đón huynh về hay là thần tiên đưa huynh về?”
Đàm Vân Sơn hỏi ngược lại nàng: “Có quan trọng không?”
Ký Linh không đáp, đột ngột nhặt chiếc lá khô nọ lên.
“Ôi…” Đàm Vân Sơn muốn ngăn mà chẳng kịp, chiếc lá khô cực kỳ giòn bị Ký Linh miết nát vụn.
Nhìn xác lá, Đàm Vân Sơn dở khóc dở cười: “Tôi cất giấu mười mấy năm vẫn lành lặn không hề gì…”
Ký Linh học điệu bộ thường ngày của Đàm Vân Sơn, vô tư nhún vai: “Dù sao cũng không quan trọng, hỏng thì có sao.”
Đàm Vân Sơn không nói lại được.
Mặc dù Phùng Bất Cơ cũng rất muốn cho vị nhị thiếu gia bất luận gặp chuyện nặng nhẹ thế nào cũng không để tâm một cước nhưng dẫu gì cũng mới được nghe câu chuyện đau lòng như thế, huynh ta hiếm lắm mới mở miệng nói đỡ: “Dù sao cũng đáng thương như thế, Ký Linh dịu dàng với đệ ấy chút đi.”
Đàm Vân Sơn gật gù chân thành trông mong nhìn Ký Linh.
Ký Linh thở dài bất đắc dĩ, nhặt hết xác lá mang lại chỗ cửa sổ xòe lòng bàn tay, thoáng cái, một cơn gió thổi qua cuốn bay những vụn lá đen đỏ, có mảnh rơi xuống đất, có mảnh bay tít lên trời không biết đi về nơi xa xăm nào.
Xoay người lại, nàng nói với Đàm Vân Sơn: “Chuyện tốt đẹp mới cần lưu giữ vật kỷ niệm để nhớ, chuyện kiểu này: không cần.”
Ký Linh đứng ngược sáng chẳng hiểu sao lại trông rất sáng ngời.
Đàm Vân Sơn lẳng lặng nhìn nàng một hồi, nhếch nhẹ khóe môi: “Ừ.”
Chuyện cũ đã xong, tiếp theo nên bàn chuyện vui.
Thực ra Phùng Bất Cơ đã muốn nhắc chuyện này từ lâu: “Đàm lão đệ phải chăng quên chuyện thần tiên nói đệ có tiên duyên mất rồi chăng?”
Đàm Vân Sơn đáp: “Không hề, nhớ rất rõ.”
Phùng Bất Cơ buồn bực: “Vậy sao đệ chẳng phấn khích chút nào thế? Tiên duyên cơ đấy, nó cho thấy đệ có tư chất tu tiên, đây là chuyện bao người cầu mà chẳng được!”
Ký Linh cho là Phùng Bất Cơ hâm mộ chuyện này nhưng nghe xong một hồi mới phát hiện trong lời của huynh ta ngoài ý “khó hiểu” ra thì quả chẳng có chút khát khao mong cầu.
Đàm Vân Sơn kiên nhẫn giải thích: “Lời vị tiên đó nói vị tất đã là thật, cho dù đúng thật thì cũng chỉ là có duyên, thế gian có biết bao chuyện hữu duyên vô phận, đâu riêng gì chuyện tu tiên.”
Phùng Bất Cơ hiểu ý: “Đệ cũng không muốn thành tiên à?”
Đàm Vân Sơn nhất thời chưa nghĩ ra: “Cũng?”
Phùng Bất Cơ chăm chú nhìn cô nương “phò trợ chính nghĩa” nào đó.
Đàm Vân Sơn hiểu ra, cười đáp: “Ừ, không muốn. Người người đều nói là thần tiên tiêu diêu tự tại nhưng rốt cuộc thần tiên sống thế nào, ai biết. Huống hồ cũng không phải cứ tu là thành tiên. Nhớ mong thấp thỏm một thứ mông lung, hư vô, thậm chí uổng phí tháng năm, không đáng phải thế. Hơn nữa…” Đàm Vân Sơn nói cực kỳ nghiêm túc, “huynh xem tôi có giống người có tiên duyên không?”
Phùng Bất Cơ nghiêm túc quan sát nhị thiếu gia nhà họ Đàm ba lượt từ đầu đến chân cuối cùng lắc đầu. Thay vì nói có tiên duyên thì chẳng bằng nói là có Phật duyên, quả thực là không gánh nặng, không ràng buộc, tứ đại giai không.
“Phùng huynh muốn thành tiên à?” Đàm Vân Sơn thuận đó hỏi ngược lại.
Phùng Bất Cơ lắc đầu ngay không cần nghĩ: “Làm thần tiên có gì tốt, Thiên Đế quản thúc, thiên pháp trói buộc, thành thử lại chẳng bằng làm người, đầu đội trời chân đạp đất, cũng tiêu diêu tự tại như ai.”
Tiếng nói vang dội lặng xuống, thư phòng vô duyên vô cớ trở nên tĩnh lặng.
Ba người nhìn nhau, cuối cùng đều cảm nhận được một sự ăn ý kỳ lạ.
Một người có tiên duyên, một người tu hành nhiều năm tiện tay bắt yêu, một người hàng yêu trừ ma phò trợ chính nghĩa. Trên đời này có rất nhiều người tu tiên nhưng thực sự có thể tu thành thì ít ỏi vô cùng. Trong số những người có thể tu thành này, người không muốn tu tiên lại càng ít hơn, thế mà, lại trúng ngay ba người họ.
Phùng Bất Cơ là người đầu tiên phá lên cười, tiếp đó là Ký Linh và Đàm Vân Sơn.
Cảm giác buồn bực bởi những chuyện mới rồi mang tới tan biến theo tiếng cười.
Làm rõ đầu đuôi ngọn ngành, xác nhận không thể lấp giếng, làm thế nào ép Ứng Xà ra trở thành vấn đề khá khó giải quyết.
Ứng Xà thích nước, cũng chỉ ở trong nước mới có thể phát huy yêu lực mạnh nhất, hiện giờ nó còn nuốt được bản thể của Xích Hà Tinh, có lợi thế thủ thế dưỡng sức chờ thời cơ, đâu dễ mà chịu ra khỏi giếng nước.
Hết đường xoay xở, Ký Linh và Phùng Bất Cơ tâm ý tương thông cùng chuyển mắt nhìn Đàm Vân Sơn.
“Không phải lại nữa chứ…” Đàm Vân Sơn tuyệt vọng muốn khóc. Ứng Xà bắt chàng một lần hai lần, đến lần ba thì chàng có thể vung dao phay chém nó nhưng bị chiến hữu cùng chung chiến tuyến bắt làm mồi câu lần thứ ba, lẽ nào chàng lại huynh đệ tương tàn.
Ký Linh thấy chàng trông đáng thương cũng chẳng hề thấy đồng tình thương hại chút nào mà chỉ thấy buồn cười: “Yên tâm đi, bị cùng một con mồi lừa bốn lần, cho dù huynh muốn, Ứng Xà cũng không chịu đâu.” Nói xong, nàng thôi cười, đổi giọng: “Tôi vẫn luôn lấy làm lạ. Xích Hà Tinh đã rơi xuống giếng từ hai mươi năm trước, Ứng Xà cũng bắt đầu từ hồi đó liên tục gây lụt làm ngập Đàm phủ, thế vì sao mãi tới lần này mới thành công?”
Phùng Bất Cơ thầm vỗ đùi trong lòng, lúc trước huynh ta cũng nghĩ vậy mà nói chuyện thế nào lại quên béng mất!
Đàm Vân Sơn trở nên nghiêm túc: “Trừ khi hai mươi năm nay có thứ gì cản trở nó nhưng sau đợt mưa to này thì thứ ấy đã biến mất.”
Ký Linh gật đầu: “Huynh nghĩ lại xem trước và sau đợt mưa này Đàm phủ có gì thay đổi?”
Phùng Bất Cơ không ôm hi vọng là bao: “Đàm phủ rộng như vậy, nhiều người qua kẻ lại như vậy, trận lụt này ngập bao ngày, chỗ thay đổi khác trước thì nhiều lắm, đâu dễ tìm.”
Đàm Vân Sơn nghĩ ngợi hồi lâu rồi bỗng đứng dậy đi ra ngoài: “Có tìm được không thì phải thử tìm mới biết được.”
Giọng chàng tự tin đến lạ, cũng bỏ luôn lối làm gì cũng uể oải, khiến cả Ký Linh lẫn Phùng Bất Cơ nhìn bóng lưng chàng đi xa vừa thấy bất ngờ vừa thấy mấy phần yên tâm.
Đàm Vân Sơn không để hai người thất vọng, sau một lúc lâu, chàng lấm lem trở về, bùn dính khắp mặt và cổ, ôm một pho tượng đá nặng trịch trong lòng.
Tượng đá đó cao chừng nửa cánh tay tạc hình một người thanh niên ngồi đánh đán, đầu hơi cúi, hết sức chuyên tâm nhìn cây huyền cầm, mái tóc dài vấn giản dị đầy tính phong nhã, tuy cúi đầu nhưng vẫn được khắc giản lược mặt mày khôi ngô, tuấn tú, thậm chí còn có thể cảm nhận được thái độ chuyên chú của chàng thanh niên này.
“Chính là thứ này,” Đàm Vân Sơn đặt pho tượng lên bàn, không cần hai người hỏi đã giải thích ngay, “hơn trăm năm trước, lúc Đàm phủ chưa cải tạo lại, do vấn đề địa thế, mỗi khi tới mùa mưa là lại khổ vì ngập lụt. Người đứng đầu gia đình khi ấy phải tới miếu xin rước pho tượng thần này về, xây điện thờ ven hồ phía Đông khoảnh sân giữa. Kể từ ấy, các đời nhà họ Đàm chưa từng ngưng hương khói.”
“Thế rồi giờ huynh… lại bê nó lại đây?” Ký Linh nhìn pho tượng thần dính bùn đất lấm lem, có cảm giác tổ tiên nhà họ Đàm sẽ chẳng lấy gì làm vui vẻ cho cam.
“Không phải bê, là móc.” Đàm Vân Sơn quệt mồ hôi trên mặt, kết quả lại quệt thêm bùn lên, còn hồn nhiên không biết, “Từ nhỏ tôi đã chơi đùa quanh nhà, chỗ nào như thế nào tôi đều ghi tạc trong đầu, ban nãy đi một vòng nhà cửa sân vườn, quả thực có rất nhiều chỗ bị nước ngập nên không còn được như cũ nhưng những chỗ ấy lần nào lụt cũng đều bị ngập, chỉ có cái này là ngoại lệ. Tôi nhớ rõ là ngày trước bất kể hồng thủy nặng cỡ nào thì điện thờ này cũng chưa bao giờ có chuyện gì. Song, vừa rồi tôi qua đó xem, điện thờ đã bị nước cuốn đổ và lại không thấy tượng thần đâu. Tôi phải lần mò dưới hồ nước quanh chỗ ấy một lúc lâu mới móc được pho tượng chìm sâu dưới đáy bùn lên.”
Ký Linh đi vòng quanh pho tượng ba vòng, lẩm bẩm không chắc chắn lắm: “Vật này thực sự có thần lực vậy sao?”
Đàm Vân Sơn nói: “Tôi không biết hiện giờ nó có còn thần lực không nhưng nếu như có vật gì đó giúp Đàm phủ cản bước Ứng Xà hai mươi năm thì ắt là vật này, không thể nào khác.”
“Cho dù nó vốn là tượng thần nhưng đã bị Ứng Xà phá, chìm xuống đáy hồ, e là không còn được mấy pháp lực.” Phùng Bất Cơ im lặng nãy giờ lên tiếng.
Đàm Vân Sơn không hiểu chuyện thần lực, tiên pháp, nhất thời không nảy ra được ý gì.
“Có pháp lực hay không, thử mới biết.” Ký Linh kéo cổ tay áo nhẹ nhàng lau sạch khuôn mặt và quần áo của pho tượng đánh đàn.
Hai canh giờ sau, Ký Linh và Phùng Bất Cơ ôm pho tượng đá tới chỗ giếng cổ cạnh Lê đình.
Hiện giờ Đàm phủ đã trống không, chỉ còn hai người họ và Đàm Vân Sơn đứng trên gác cao xa xa căng thẳng quan sát.
Rõ ràng là buổi chiều nhưng gió lại hơi lành lạnh.
Ký Linh ôm pho tượng tới gần giếng nước, bước chân vững vàng, tinh thần tập trung cao độ.
Phùng Bất Cơ đi sau lưng rút sẵn kiếm gỗ đào, cắn rách đầu ngón tay, hơi nhíu mày ráng nhịn đau bôi máu ở bụng ngón tay lên toàn bộ lưỡi kiếm, lưỡi gỗ biến thành lưỡi máu.
Sau đấy, Phùng Bất Cơ điềm tĩnh mà kiên quyết gật đầu với Ký Linh.
Ký Linh lập tức buông tay, pho tượng rơi ngay xuống giếng, nhanh chóng va chạm với mặt nước phát ra một tiếng vang trầm đục.
Sau tiếng pho tượng rơi xuống nước là một khoảng lặng dài dằng dặc.
Ký Linh và Phùng Bất Cơ đều hiểu là pho tượng vẫn đang tiếp tục chìm sâu xuống, chỉ có điều họ không rõ phải chìm bao lâu mới tới đáy và phải bao lâu mới ép được Ứng Xà ra.
Hoặc là, pháp lực còn sót lại của pho tượng thần tẩm thêm máu của hai người tu hành vẫn không thể ép được Ứng Xà ra…
Ục.
Tiếng bóng nước vỡ rất nhỏ, đối với Ký Linh và Phùng Bất Cơ lại chẳng khác nào tiếng sét đánh.
Ùng ục.
Ký Linh lùi lại đôi bước nhường chỗ cho Phùng Bất Cơ. Phùng Bất Cơ nhìn chằm chằm miệng giếng, mắt nheo lại, kiếm gỗ đào đã sẵn sàng vào thế công.
Rào ràooo…
Theo tiếng nước, Ứng Xà lao thẳng lên trời như một con rồng giật mình hốt hoảng!
Hiện giờ Ứng Xà chưa khôi phục trạng thái nửa người nửa rắn mà vẫn ở dạng nguyên hình, chẳng qua thân mình nó to hơn gấp bội, đầu rắn thè lưỡi kết hợp với đôi cánh trên lưng, trông tựa như ác quỷ!
Song có người còn nhanh hơn tốc độ của nó. Ngay khoảnh khắc nó lao ra khỏi miệng giếng, Phùng Bất Cơ đã hùng hổ vung kiếm gỗ đào nhằm chỗ bảy tấc của nó mà đâm!