– Cô Quân… dậy đi cô… cô ơi!
Từ trong cơn mê man tôi giật mình bừng tỉnh, cái đầu nặng trịch, người thì nóng ran, nghe tiếng kêu tôi cố gắng mở mắt gượng nhìn thì thấy bé Nhỏ đang nhìn tôi bằng ánh mắt lo lắng. Thấy tôi mở mắt, con bé vừa mừng vừa lo, nó hỏi:
– Cô, cô nóng lung quá, cô ngồi dậy nổi hông, để con đi kêu thầy lang tới coi bệnh cho cô nghen cô.
Tôi đưa tay xoa xoa đầu, cảm giác mệt mỏi kéo đến càng lúc càng nhiều, khẽ đưa tay sờ lên mặt, vài giọt nước mắt ấm nóng vẫn còn vương. Chợt nhớ tới giấc mơ khi nãy, lòng tôi thấy hoảng loạn vô cùng, giấc mơ kia… liệu có phải là sự thật hay không?
Kể từ khi xuyên về đây tới giờ, trong thâm tâm tôi luôn nghĩ rằng rồi sẽ có một ngày tôi nhất định sẽ quay trở về. Có thể ở đây, tôi có tình cảm với cậu Cả, có sự dây dưa với cậu Hai, nhưng những loại tình cảm ấy không nhiều bằng tình thương của gia đình, tình thương của ba mẹ tôi, những người đã hy sinh cho tôi bằng cả tuổi trẻ của mình. Tôi ở hiện đại đã tuổi rồi, cái tuổi chẳng còn trẻ con để gạt đi những sợi bạc trên tóc ba mẹ, cũng chẳng còn trẻ để rông rủi ở đâu đó mà quên mất ba mẹ đang chờ mình ở nhà. Cái tuổi báo hiếu, tuổi để trả công ơn cho đấng sinh thành. Tôi chưa từng nghĩ rằng ở nơi mà tôi được sinh ra, tôi đã hoàn toàn biến mất, tất cả những gì tôi có thể để lại… chỉ còn duy nhất một nấm mồ chôn. Cái cảm giác ấy… thật sự rất đau đớn, thật sự rất đáng sợ.
Người ta nói, con mất cha mẹ thì là mồ côi, vợ mất chồng thì là goá phụ, vậy còn cha mẹ mất con… thì được gọi là gì đây? Liệu có còn từ ngữ nào để diễn tả hết được nỗi đau của bậc làm cha làm mẹ?
Ông Trời ơi, tôi có mang tội nghiệt gì, mà ông nỡ đối xử với tôi như vậy? Nếu tôi có lấy cái gì của người ta, ông làm ơn nhắc tôi đi, nhắc tôi để tôi trả lại cho họ. Ông đừng bắt tôi đi, đừng bắt tôi rời xa cha mẹ của mình, tôi chịu không được, tôi nhớ họ tới phát điên lên rồi.
– Cô… cô đừng có khóc, để em đi kêu thầy lang tới coi cho cô, cô đợi em… cô đừng có khóc… đừng khóc nghen cô.
Bé Nhỏ vừa nói vừa lật đật chạy ra khỏi cửa, thấy con bé đi rồi tôi lại được phen khóc quên trời quên đất. Tôi khóc nhiều tới mức vú Chín phải chạy vào xem là có chuyện gì, cả nhà hội đồng vì tiếng khóc của tôi mà loạn hết cả lên.
Sau khi khóc xong một trận thì thầy lang cũng vừa tới, thầy lang tới coi bệnh thì bảo là tôi bị trúng gió nên cảm mạo, thầy kê cho mấy thang thuốc nam rồi vú Chín biểu bé Nhỏ đi nấu cho tôi uống ngay. Ăn được mấy muỗng cháo mà thấy không ngon miệng, tôi mệt mỏi bỏ cả chén không ăn nữa rồi uống cạn chén thuốc sau đó ngủ thiếp đi. Tôi hy vọng, tôi thật sự hy vọng, sau giấc ngủ này, mọi thứ tôi mơ thấy… có thể thay đổi… thay đổi.
Ngủ một giấc đến đầu giờ chiều mới tỉnh dậy, lúc tỉnh dậy, cảm giác hụt hẫng hoảng sợ lại thay phiên nhau chiếm đống tâm trí tôi. Tôi ngủ rất lâu, rất lâu nhưng đến một giây mơ về hiện đại cũng không có. Hay thậm chí là mơ về… ngôi mộ của tôi… một giây lướt sơ qua cũng không hề có. Giấc mơ khi sáng, giống như là một giấc mơ báo mộng, nó xuất hiện để báo cho tôi biết là thân xác tôi đã không còn trên thế gian này nữa… chỉ vậy rồi thôi…
Cảm giác lúc này, một lời thật sự không thể diễn tả được hết nửa rồi!
………………………..
Thấy tôi tỉnh dậy, bé Nhỏ liền đem nước rửa mặt, cháo với thuốc tới cho tôi. Rửa mặt cho tỉnh táo, tôi ngồi ngay ngắn trên ghế, nhìn chén cháo tôm khô giã nhuyễn thơm phức đặt trên bàn, kế bên là chén hành lá rau thơm cùng với hủ tiêu xay, có hơi ngạc nhiên tôi mới hỏi.
– Nhỏ, sao em biết cô thích ăn cháo tôm khô mà em nấu hay vậy?
Bé Nhỏ rắc cho tôi chút tiêu, chút rau hành, con bé cười cười:
– Ra là cô khoái ăn cháo tôm khô, để mơi mốt cô có bệnh em nấu cho cô ăn nghen.
– Ủa chớ cháo này ai nấu?
– Cậu Cả nấu đó cô.
Tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên:
– Cậu… Cả?
Bé Nhỏ rót cho tôi ly trà ấm, con bé thích chí kể:
– Nãy cô ngủ cô hổng biết chớ, cậu Cả xuống bếp nấu cháo đãi dân làng mình. Lát nữa dân tới coi hát là có cháo ăn, cậu Cả cho nấu nhiều lung lắm cô.
– Thiệt hả Nhỏ, sao hôm qua cô hông nghe nói gì hết chơn vậy?
– Dạ con cũng hổng biết nữa, thấy dưới bếp rộn ràng như đám giỗ con mới biết á chớ. Mà phen này đích thân cậu Cả đứng nấu luôn, sáng giờ rần rần vui lung lắm cô.
Nói xong, con bé đẩy chén cháo tới gần tôi hơn, nó nói:
– Cô ăn đi, ăn hết con xuống múc nữa cho cô, còn nhiều lắm.
Tôi khoáy khoáy mấy muỗng cho bớt nóng rồi mới nếm thử một chút, chà, cũng không tệ đâu, ngon á chứ.
Thấy tôi ăn được miệng, bé Nhỏ lại nói tiếp:
– Cậu Cả biết cô bệnh hông ăn được cơm, cậu múc chừa cho cô một nồi nhỏ đủ ăn hết ngày. Cậu Cả coi vậy mà tốt bụng ghê cô hen, vừa giàu có vừa thương dân nghèo nữa. Dân làng biết lát nữa có cháo ăn nên kéo tới đông lắm, cô ăn cho mau khỏe rồi ra coi hát nữa cô.
Tôi nhìn chén cháo trước mặt, múc một muỗng rồi lại múc thêm một muỗng nữa, không biết có phải là do cháo của cậu Cả nấu không mà tự dưng tôi ăn ngon miệng tới lạ. Cậu Cả coi vậy mà cũng biết thương dân ghê, cờ rút của tôi thì phải như vậy chớ.
Đang ăn chưa hết nửa chén cháo thì có chị Oanh tới thăm, thấy tôi ăn uống bình thường, chị Oanh dịu giọng hỏi thăm:
– Khỏe hơn chưa Út Quân?
Tôi rót cho chị tách trà nhỏ, cười cười trả lời:
– Dạ em đỡ nhiều rồi, ăn miếng cháo nóng nó ra mồ hôi nên khỏe á chị.
– Ừ, em bỏ tiêu nhiều chút ăn cho nó ấm bụng.
Chị Oanh vừa nói vừa nhìn chén cháo trên bàn, chị tò mò hỏi:
– Mà em ăn cháo gì ngộ vậy cà?
Tôi cười mỉm:
– Dạ cháo tôm khô, chị Oanh ăn hông, ăn miếng đi, em kêu bé Nhỏ đi múc cho chị.
Bé Nhỏ lanh miệng:
– Dạ cô Oanh ăn hông, em chạy xuống múc cho cô một chén, cháo em mới hâm nên còn nóng lung lắm.
Chị Oanh cười hiền nhìn bé Nhỏ rồi nói:
– Cái con bé này coi vậy mà thương chủ dữ hen, biết cô em nhạt miệng nên nấu cháo mặn cho cô em ăn hả? Cha, cái kiểu này mốt cô nói bà cho em theo hầu cô Quân luôn nghen?
Bé Nhỏ cười hề hề:
– Cô Oanh nói quá cho em, cháo này là cháo cậu Cả nấu á chớ, hồi sáng em nấu cháo thịt bằm mà cô Quân ăn hổng vô. Vậy… mơi mốt cô nói Bà cho em theo hầu cô Quân luôn nghen cô.
Chị Oanh có hơi sững sốt, chị hỏi lại:
– Em nói… cậu Cả nấu hả?
– Dạ đúng rồi cô, cậu Cả nấu quá trời luôn, nấu cho dân mình tới coi hát tuồng ăn á cô.
Chị Oanh lại nhìn chén cháo trên bàn, chị hỏi lại lần nữa:
– Cháo… tôm khô hả Quân?
Tôi gật đầu, chân mày khẽ nhíu:
– Dạ phải rồi chị, bộ… có chuyện chi hả chị Oanh?
Chị Oanh mặt hơi nhợt đi một chút, vài giây sau chị lại tươi cười trả lời tôi.
– Ờ hông có chi đâu em, lâu quá hông thấy cậu Cả nấu cháo nên chị giật mình vậy mà. Mà ngon chớ em hả, cậu Cả cũng có nấu cho chị vài lần rồi, cũng cứng tay lắm đa.
Tôi tiếp tục ăn cháo trong chén của mình, vừa ăn tôi vừa cười hề hề nói:
– Dạ ngon á chị, cậu Cả vậy chớ cũng đa tài ghê.
– Ờ…
Ngồi nói chuyện một lát, chị Oanh cũng đứng dậy đi về phòng, lúc ra tới cửa, chị có quay lại hỏi tôi:
– Mai em đi chùa không Út Quân, lâu rồi không có dịp chị em mình đi chùa với nhau.
– Dạ cũng được, chừng nào đi chị qua kêu em một tiếng nghen.
– Ừ, khi nào đi chị kêu hen.
– Dạ.
Đợi bóng lưng chị Oanh xa dần ra tuốt ngoài sân, tôi mới bỏ nụ cười trên môi xuống, quay sang bé Nhỏ, tôi khẽ hỏi:
– Nhỏ, cháo cậu Cả nấu đãi dân mình là cháo gì?
Bé Nhỏ suy nghĩ vài giây, con bé trả lời:
– Dạ cháo thịt bằm.
Tôi nhớ sở thích ăn cháo tôm khô này của tôi, ngoài bé Nhỏ biết ra thì người thứ hai biết được chỉ có cậu Cả. Nếu tôi nhớ không nhầm thì có lần nói chuyện bâng quơ, tôi có nói là mình khoái ăn cháo tôm khô giã nhuyễn. Lần đó nói thì nói vu vơ vậy thôi chứ cũng không có ý gì khác, bây giờ suy nghĩ lại… chả nhẽ…
– Nhỏ, bộ em kêu cậu Cả nấu cháo tôm khô cho cô hả?
Bé Nhỏ lắc đầu:
– Dạ có đâu cô, em đâu có nhớ là cô khoái ăn cháo tôm khô đâu, là cậu Cả nấu á chớ. Mà… bộ có chuyện chi hả cô? Sao em thấy cô Oanh…
– À có gì đâu, cô hỏi vậy á mà.
Bé Nhỏ kéo ghế ngồi sát lại gần tôi, con bé thì thầm:
– Mà cô nè, em thấy… làm như cô Oanh có tình ý với cậu Cả á cô…
Tôi cau mày, gằn giọng:
– Nhỏ, đừng có nói tầm bậy.
Bé Nhỏ sụ mặt vài giây, ấy vậy mà con bé vẫn nói tiếp:
– Thiệt là em không có nói bậy bạ đâu, tại cô quên rồi chớ, mấy năm trước cô Oanh từng đánh hôn thê của cậu Cả á cô.
– Đánh… hôn thê?
– Dạ, Bà ưng con gái lớn của ông cai tổng nên muốn hỏi cô lớn về làm vợ cho cậu Cả. Cô đó với cậu Cả cũng có gặp nhau ở đây mấy lần rồi, hai người có tình ý với nhau không thì em không biết nhưng còn chuyện cô Oanh đánh cô kia là có thiệt. Cái vụ đó làm Bà Nội với Bà Lớn cãi nhau một trận quá trời quá đất luôn, Bà Lớn phải đem quà sang biếu nhà ông cai tổng xin lỗi nữa á cô.
Tôi bị cuốn vào câu chuyện nên cứ hỏi tới:
– Nhưng mà làm sao mà đánh nhau, ai lại tự nhiên đánh người khác bao giờ?
– Thì bởi, chuyện này thì em cũng không rành nhưng có một chuyện em dám chắc là cô lớn kia hổng có cố tình làm đổ trà nóng lên người cô Oanh nhưng mà cô Oanh một hai cho là cô kia cố ý. Hai cô cãi qua cãi lại, cô Oanh “chát chát” cô kia mấy cái, cô kia muốn đánh lại nhưng trở tay hông kịp bị ở đây là địa bàn của cô Oanh mà. Sau vụ đó ha, Bà Lớn thì bắt cô Oanh đi xin lỗi, cô Oanh nhứt nhứt không chịu, Bà Nội thì bênh cô Oanh nên hai người đó cãi nhau búa lua xua luôn. Cũng bị vậy mà nhà ông cai tổng thà chết cũng hông thèm gả con gái cho nhà mình, thế là cậu Cả ở mình ênh tới giờ luôn.
Ố ồ ra là có chuyện kinh thiên động địa tới như vậy, nếu nói như bé Nhỏ thì…
– Mà em kể với cô cô đừng nói lại cho cô Oanh nghe nha, cô Oanh mà ghét em là em khó sống trong nhà này đó cô.
– Ừ cô biết rồi.
Ăn xong chén cháo, uống xong chén thuốc, tôi cho bé Nhỏ ra ngoài sân chuẩn bị coi hát, tôi thì ngồi trong phòng suy ngẫm một vài chuyện. Tạm thời bây giờ, gác tất cả mọi chuyện lại kể cả chuyện tìm hung thủ gϊếŧ chết Út Quân, chuyện tôi ưu tiên trước nhất là đi tìm thầy Trứ, vị thầy cao tay mà trong mơ Út Quân đã từng nhắc cho tôi biết. Chẳng có gì quan trọng bằng chuyện của bản thân mình, những chuyện khác, từ từ tính tiếp vậy.
Chỉ là, tôi không nghĩ là chị Oanh lại có tình cảm với cậu Cả. Nếu thiệt là như vậy, sao bao lâu qua chị ấy không tìm cách thổ lộ với cậu Cả mà lại để bản thân mình trở thành hôn thê của cậu Phú? Chẳng lẽ ở nhà này, có chuyện gì đó khiến cho chị Oanh không dám thổ lộ với cậu Cả chăng? Còn nữa, sao tôi cứ có cảm giác có cái gì đó rất kỳ lạ nhưng kỳ lạ ở đâu, kỳ lạ do ai thì tôi lại không thể giải thích được…
Thiệt là… mỗi một người ở nhà này, không ai là không có bí mật… kể cả là tôi!