Lẳng Lơ Tao Nhã

chương 26: hậu sinh khả uý

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Trương Nguyên đứng cạnh Hầu Chi Hàn chờ Huyện tôn đại nhân đáp đề. Hầu Huyện lệnh đã suy nghĩ hồi lâu, vân vê sợi râu sắp dứt ra vài sợi rồi, ấy mà vẫn nghĩ chưa ra đối thế nào cho câu “Yên tỏa trì đường liễu” này, nhìn người đối diện là Vương Tư Nhâm cười khổ nói:

- Câu đối này quả là rất khó, thầy đã nghĩ ra cách gì đối lại chưa?

Vương Tư Nhâm mặt không đổi sắc nhìn Trương Nguyên, cười nói:

- Ai đeo chuông vào thì người đó phải cởi, Thiên Âm huynh hãy hỏi người ra đề kia kìa.

Hầu Chi Hàn liền hỏi:

- Trương Nguyên, ngươi đã suy nghĩ mấy ngày rồi, vậy đã nghĩ ra câu nào để đối lại chưa?

Vậy là quay đi quay lại một vòng, cuối cùng Hầu Huyện lệnh vẫn phải hỏi người ra đề là Trương Nguyên. Câu đối là của cậu, giám khảo thí sinh đều là cậu, không ăn gian thì đúng là đạo trời khó dung.

Trương Nguyên nói:

- Bẩm huyện tôn, học trò sau khi gặp câu đối này thì ăn cơm cũng nghĩ, đi đường cũng nghĩ, cuối cùng mới nghĩ ra được hai câu đối lại, tuy nhiên cũng không được ổn cho lắm.

Hầu Chi Hàn nói:

- Nói nghe thử coi.

Trương Nguyên bắt đầu ngâm:

- Đăng đôi ngân hán kiều.

(Đèn chất cầu ngân hà)

- Đăng —— đôi —— ngân —— hán —— kiều.

Hầu Chi Hàn và Vương Tư Nhâm cùng nhau ngâm nga thưởng thức, Hầu Chi Hàn nói:

- Ngũ hành thì đã có đủ rồi, nhưng ý cảnh thì kém xa. Còn câu kia thì sao?

Trương Nguyên lại ngâm:

- Đào nhiên cẩm giang đê.

Vương Tư Nhâm khen:

- Câu này hay, Tuy so với vế trên “ Yên tỏa trì đường liễu” vẫn còn kém xa, luật bằng trắc cũng chưa được ổn lắm nhưng ý nghĩa đại khái cũng khá.

Hầu Chi Hàn cũng gật đầu phụ họa:

- Yên tỏa trì đường liễu,

- Đào nhiên cẩm giang đê.

- Đối tuyệt, đối tuyệt!

Trương Nguyên khiêm tốn đáp:

- Hai vị đại nhân quá khen, câu đối khó như vậy khó tránh khỏi vế đối lại có phần gượng ép, làm hao tổn biết bao tâm sức và thời gian mà chẳng được ích lợi gì, học trò bây giờ chỉ chuyên tâm vào sách vở thôi, những thứ vô bổ như vậy, học trò đã không ngó ngàng tới từ lâu rồi.

Hầu Chi Hàn gật đầu liên tục. Bây giờ gã đã nhìn Trương Nguyên bằng một con mắt khác, ôn tồn hỏi:

- Đã học văn bát cổ chưa?

Trương Nguyên nói:

- Bẩm chưa ạ. Học trò trước kia ham chơi bỏ học, sau khi mắt bị tật mới hoàn toàn hối cải, hiện đang đọc “Xuân thu tam truyện”. Học trò cho rằng nếu chưa đọc xong Tứ thư Ngũ kinh mà đã tham học văn bát cổ thì đúng là lấy rượu độc để giải khát. Chỉ e trở thành một kẻ học vấn rỗng tuếch, cổ hủ, chẳng biết thời thế gì thôi.

Vương Tư Nhâm vỗ tay nói:

- Nói rất hay, đúng là diệu kế cho kẻ đọc sách. Tốt lắm, vậy ta sẽ kiểm tra “Xuân thu kinh nghĩa”, “Tả truyện” đã đọc qua chưa?

Trương Nguyên đáp:

- Bẩm đã đọc thông rồi ạ.

Đọc thông và đã đọc là hai việc hoàn toàn khác nhau. Đọc qua một lần là đã đọc, còn đọc thông nghĩa là đọc mà phải nắm được nội dung và ý nghĩa của tác phẩm.

Vương Tư Nhâm gật gật đầu, đang định ra đề thì bỗng bật cười, quay sang Hầu Chi Hàn nói:

- Thiên Âm huynh là chuyên gia về “Xuân thu”, bây giờ ta ra đề đúng là múa rìu qua mắt thợ rồi. Hay là Thiên Âm huynh hãy ra đề đi.

Năm đó Hầu Chi Hàn thi đỗ tiến sĩ, đề thi chính là về đề tài “Xuân thu” này.

Hầu Chi Hàn nhún nhường từ chối vài câu rồi cuối cùng cũng đồng ý ra đề. Biết Trương Nguyên học vấn cũng không đến nỗi nào, gã đương nhiên sẽ không chỉ cho Trương Nguyên đọc lại truyện một cách đơn giản. Suy nghĩ một hồi, Hầu Chi Hàn mới hỏi:

- Xuân thu kinh truyện, theo ngươi thì thiên về kinh hay về truyện?

Vấn đề này có thể trả lời một cách hời hợt, cũng có thể trả lời một cách sâu sắc. Câu hỏi này Hầu huyện lệnh đưa ra cốt để đánh giá lĩnh ngộ của Trương Nguyên về đạo lý và ý nghĩa của Xuân thu kinh truyện mà thôi.

Trương Nguyên ngẫm nghĩ một chút rồi mới đáp:

- Thánh nhân viết ra kinh, mặc dù ngôn ngữ tinh tế, ý nghĩa sâu xa, phải đọc đi đọc lại nghiền ngẫm thì mới thông suốt, nếu chỉ dựa vào lời dạy của thánh nhân trong kinh mà không chịu khó ngâm cứu nghiền ngẫm thì chẳng khác nào qua sông mà không có thuyền, càng nóng vội càng dễ chết đuối.

Hầu Chi Hàn nghe xong hai mắt sáng rực lên, Trương Nguyên này lí lẽ đâu ra đấy.Theo ý cậu thì nếu so sánh kinh với truyện thì vẫn thiên về truyện hơn, điều này không đồng nhất với cách suy nghĩ bình thường của những văn sĩ là chỉ coi trọng kinh mà xem thường truyện. Hầu huyện lên lên tiếng khen:

- Tuổi còn nhỏ mà đã có kiến thức và suy nghĩ như vậy, đúng là hiếm có. Tháng hai năm sau có kì thi huyện, ngươi hãy tới đây, bổn huyện sẽ chọn ngươi.

Trương Nguyên vội vàng cảm tạ huyện tôn đại nhân.

Vương Tư Nhâm cười nói:

- Như vậy coi như đã qua được vòng thi huyện rồi ư? Thiên Âm huynh không sợ người ta nói là thiên vị hay sao?

Hầu Chi Hàn cười to nói:

- Với một nhân tài như hắn thì thiên vị cũng đúng thôi. Ha ha… Đương nhiên kì thi huyện năm sau cậu ta vẫn phải tới tham gia.

Cô gái họ Vương đang ngồi bên kia theo dõi từ đầu chí cuối xem Trương Nguyên ứng khảo như thế nào, khóe miệng khẽ mỉm cười, chợt nghe Vương Tư Nhâm ho khan một tiếng thì vội ngồi thẳng người lên, giả vờ đang chuyên tâm ăn uống lắm.

Vương Tư Nhâm hỏi:

- Trương Nguyên, cậu đã ăn no chưa?

Trương Nguyên thẳng thắn đáp:

- Học trò vẫn chưa no ạ.

Hầu Chi Hàn cười nói:

- Chỉ lo kiểm tra mà quên mất cậu ta vẫn chưa ăn no. Được rồi ngươi quay lại ăn tiếp đi, không phải vội, lát nữa bổn huyện sẽ phái người đưa ngươi về.

Hầu Huyện lệnh trong lòng hết sức vui mừng. Phát hiện ra một nhân tài như Trương Nguyên cũng coi như đã lập được công. Sau này nếu cậu ta có đỗ đạt rồi nổi danh khoa cử, Hầu Huyện lệnh cũng được thơm lây. Dù cậu ta có làm quan lớn đến đâu, thấy Hầu Huyện lệnh vẫn phải kính cẩn nghiêng mình chào một tiếng “thầy”. Chốn quan trường Đại Minh có biết bao quan hệ rắc rối cũng chính từ đây mà ra.

Trương Nguyên quả thực rất đói, vì chuyện của Trương Đại Xuân mà cả buổi trưa vẫn chưa được ăn gì, vậy là yến tiệc này mặc dù đồ ăn đơn giản thanh đạm nhưng cậu lại cảm thấy rất ngon miệng. Cậu thiếu niên Trương Nguyên đang tuổi ăn tuổi lớn, mà bát sứ Thanh Hoa Chính Đức này lại nhỏ, thế là Trương Nguyên ăn liền năm bát. Người hầu bên cạnh phải xới cơm liên tục, cô gái họ Vương ngồi đối diện cũng kinh ngạc không khép được miệng. Trương Nguyên nhìn cô ta một cái, giải thích nói:

- Tôi có được ăn trưa đâu.

Cô gái họ Vương đầu tiên là sửng sốt, sau đó thì bật cười khúc khích, càng cười càng to, to đến mức không kiềm chế được nữa, gục cả lên bàn mà ôm bụng cười, làm đám người hầu cạnh đó cũng không nhịn nổi bật cười mãi không thôi.

Trương Nguyên thầm nghĩ:

“ Cười, cười, cười cái gì mà cười? Người ta ăn có gì đáng cười như vậy?”

Vương Tư Nhâm khẽ nhíu mày rồi mặt lập tức lại giãn ra:

- Trương Nguyên lại kể chuyện cười gì vậy, mau kể to ra cho mọi người cùng nghe.

Trương Nguyên đứng dậy đáp:

- Học trò đâu có kể chuyện cười gì đâu, chỉ bảo trưa nay không được ăn gì, chẳng biết câu đó thì buồn cười ở chỗ nào.

Vương Tư Nhâm và Hầu Chi Hàn nhìn nhau một cái rồi cũng cất tiếng cười to.

Vương Tư Nhâm cười nói:

- Trương Nguyên, chẳng phải cậu biết Thiệu Hưng có câu tục ngữ “Một ngày dự tiệc ba ngày no” hay sao? Sớm không ăn gì để khi dự tiệc ăn được nhiều, đến ngày kia cũng không sợ đói. Ha ha...

Trương Nguyên nghiêm trang đáp:

- Học trò không phải cố ý để bụng đói đâu, chỉ tại chuyện của gia nô kia mà quên mất ăn cơm. Thế nên giờ mới ăn liền mấy bát như vậy, không ngờ lại đúng với tục ngữ, thật hổ thẹn quá!

Nghe vậy, Vương Tư Nhâm, Hầu Chi Hàn đều đồng thanh bật cười. Hầu Chi Hàn lên tiếng:

- Đùa vậy cho vui thôi.

Rồi quay sang Vương Tư Nhâm nói:

- Có phần giống thân truyền của thầy đó.

Vương Tư Nhâm nói:

- Hậu sinh khả uý. Ta đang trốn vào đúng chỗ cậu ta xuất hiện.

Vương Tư Nhâm mượn câu nói ngày xưa Âu Dương Tu tán thưởng Tô Thức để đáp.

Cô gái họ Vương đã cười tới mức sắp rụng cả hàm dưới tới nơi, Vương Tư Nhâm liên tục ho khan cũng vô dụng.

Tất cả đã cơm no rượu say rồi, bữa tiệc kết thúc. Trương Nguyên thì cáo từ trở về còn hai người họ Vương thì ở lại huyện nha nghỉ tạm. Hầu Huyện lệnh cho một gã nha dịch đưa Trương Nguyên trở về.

Trương Nguyên bái biệt huyện tôn đại nhân, rồi bái biệt Vương Tư Nhâm:

- Chẳng biết lúc nào có thể lại được nghe Hước Am tiên sinh chỉ giáo?

Vương Tư Nhâm cười đáp:

- Ta sẽ ở vườn Kiến Tị tại Hội Kê sơn doanh, mời thúc tổ cậu lúc nào rảnh thì ghé chơi. Lúc đó cậu cũng đi cùng luôn nhé.

Cô gái giả nam trang họ Vương nhìn Trương Nguyên không chớp mắt, khóe miệng vẫn giữ nguyên nụ cười.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio