Rồi y chạy vào trong, Trần sinh đồ cũng thất kinh, Trương Nguyên trước đó không nói chuyện này cho bọn họ, biểu hiện lúc này hiển nhiên rất thật.
Trương Ngạc kéo một a hoàn hầu rượu tới, hỏi:
- Sao Tuệ Nương lại tự vẫn?
A hoàn sợ đến mức đờ đẫn, nói lắp bắp:
- Tuệ Nương muốn được gả cho Phùng tú tài, không muốn Chúc Triều Phụng. Chúc Triều Phụng bỏ ra nhiều bạc, Lục ma liền ép Tuệ Nương, cô ấy khóc!
Trương Ngạc hỏi:
- Ai là Phùng tú tài?
A hoàn nói:
- Là người mới chạy vào trong.
Trương Ngạc đi ngang qua đạp đổ rương bạc, chỉ vào Chúc Triều Phụng mắng:
- Lão già đáng ghét, ỷ vào chút tiền thối nát này cưỡng ép chia rẽ tình nhân. Giờ thì có người chết rồi, đừng hòng đi, mau đến gặp quan, không phải ông muốn gặp Trần tri phủ ư, giờ đi nào!
Nói rồi y sai a hoàn vào trong xem Tuệ Nương có cứu được hay không.
Hôm trước khi Chúc Triều Phụng bàn việc chuộc thân Hầu Tuệ Khanh với Vương Lục Ma, lão đã biết có tú tài họ Phùng muốn chuộc thân cho nàng ấy. Phùng tú tài ra tám trăm lượng, Chúc Triều Phụng muốn có bằng được nên lập tức tăng lên một ngàn sáu trăm lượng. Tú bà yêu tiền, đương nhiên phải bức Tuệ Nương gả cho Chúc Triều Phụng rồi.
Chúc Triều Phụng chỉ cười lạnh, lão dễ gì bị dọa đến thế. Lão lường trước đây là Vương Lục Ma cùng mấy tú tài hợp kế lừa tiền lão, không sớm không muộn lại tự vẫn vào lúc này, lão nói:
- Vậy gặp quan nói rõ đi, ta không sợ ai hết.
Trần sinh đồ tức giận nói:
- Đồ gian thương, bức chết người ở phủ Tô Châu ta rồi còn dám lớn lối, ta đi gọi người tới.
Dứt lời y xoay người rời đi.
A hoàn khi nãy lao ra hét lên, mặt sợ đến tái nhợt:
- Tuệ Nương tắt thở rồi, người không động đậy gì hết!
Chúc Triều Phụng thấy thần tình a hoàn không chút giả dối, tức thì liền hoang hoang:
- Can gì đến ta, giờ đến quan phủ nói rõ đi.
Lão vừa nói vừa ngồi vào trong kiệu.
Trương Ngạc quát lên:
- Đừng để hung phạm chạy thoát!
Năng Trụ, Phùng Hổ không sợ đối phương đông người, liền xông vào ẩu đả với đám người hầu của Chúc Triều Phụng. Chúc Triều Phụng ngồi lên kiệu, chạy về phía Xương Môn trong sự bảo vệ của đám người hầu, có tên hầu tiện thể ôm luôn rương bạc chạy theo. Năng Trụ đuổi đến trước cửa, tung cước đá ngã, tên hầu lồm cồm bò dậy, mót lấy hai thỏi bạc rồi chuồn thẳng.
Mùng sáu tháng sáu nhã tiệc tổ chức tại Chuyết Chính viên, Phùng Mộng Long cùng anh là Phùng Mộng Quế đều đến tham gia. Phùng Mộng Long đương xuân phong đắc ý, tối qua Hầu Tuệ Khanh đến đến nhà y. Tú bà Vương Lục Ma của Lưu Phương quán bị dọa không nhẹ, nghe Hầu Tuệ Khanh treo cổ tự vẫn liền gấp gáp chạy vào. Bà thấy nàng ấy nằm trên mặt đất, đoạn lụa buông xuống từ xà nhà, vết đỏ hằn rõ cổ Tuệ Khanh, trước đó đã ngừng thở, nhờ Phùng Mộng Long hô hấp nhân tạo lại xoa ngực lắc tay mới cứu được. Tiếp đó mời thầy thuốc đến chẩn trị, thầy thuốc nói khi treo cổ đã làm gãy xương cổ, e là sau này bị liệt. Phùng Mộng Long vẫn không từ bỏ, nguyện chuộc thân cho Hầu Tuệ Khanh, đón về nhà chăm sóc. Vương Lục Ma dù sao vẫn là đàn bà, hoảng đến mức không còn chủ ý, thấy Phùng Mộng Long chịu ra tám trăm lượng chuộc thân liền viết ngay hôn thư, ký tên chấp thuận rồi giao cho Phùng Mộng Long. Sau khi thu dọn một số đồ dùng hàng ngày của Hầu Tuệ Khanh, ngay đêm đó y liền đưa nàng về nhà.
Tại đình Hà Phong Tứ Diện ở Chuyết Chính viên, Trương Ngạc bắt gặp Phùng Mộng Long liền thấp giọng cười hỏi:
- Tử Do huynh, đêm qua vui không?
Phùng Mộng Long lặng lẽ nói:
- Đa tạ hiền huynh dùng diệu kế giúp đỡ, ta xin ghi nhớ.
Hôm qua Phùng Mộng Long còn tưởng Hầu Tuệ Khanh treo cổ bị thương, ngờ đâu khi đón về thì nàng ấy tự xuống kiệu, quỳ xuống cảm tạ ân nghĩa của Phùng lang, rơi lệ vì hạnh phúc. Ngày trước nàng cùng Phùng Mộng Long phổ sơn ca, xướng Ngô khúc, xúc động vì câu “Tình chẳng hay đến từ đâu, ngày càng sâu đậm, người sống có thể chết, chết có thể sống” trong đề ký “Mẫu Đơn đình” của Thang Hiển Tổ. Còn hôm nay, Phùng Mộng Long vẫn muốn chăm sóc Tuệ Khanh khi tưởng rằng nàng bị thương ở cổ, thơ Ngư Huyền Cơ có viết: “Dễ cầu vật vô giá, lại khó cầu tình lang”, Hầu Tuệ Khanh thấy mình là nữ nhân hạnh phúc nhất thiên hạ, đối với sự dịu dàng của nàng dành cho Phùng Mộng Long đêm qua không nên nói cho người ngoài biết.
Tông Dực Thiện nói với Trương Nguyên:
- Giới Tử huynh, thương nhân đó vô cớ tổn hao một ngàn sáu trăm lượng, e là sẽ không bỏ qua.
Trương Nguyên nói:
- Bốn trăm lượng ở chỗ Vương Lục Ma, nếu bà ấy tham tiền không sợ phiền phức thì cứ giữ lại ngân lượng, còn nếu sợ thì sẽ trả lại, đó là chuyện của Vương Lục Ma, chúng ta hơi đâu mà quản… Còn một ngàn một trăm sáu mươi lượng kia, so với việc trả cho lão ta, chi bằng dùng làm việc thiện. Cứ xem như chúng ta nhặt được tiền quyên góp cho viện dưỡng tế Trường Châu, hơn nữa sự tình ở Lưu Phương quán cũng đã lan truyền. Thương nhân ỷ nhiều tiền chia rẽ người hữu tình, suýt nữa bức chết người, dân chúng Tô Châu rất thống hận hạng người này, ta đoán Chúc Triều Phụng chỉ còn nước ngậm bồ hòn, nào dám xuất đầu lộ diện ở Tô Châu nữa.
Trương Đại nói:
- Nhưng quan sứ ở viện dưỡng tế Trường Châu được lợi rồi, chắc chắn họ sẽ cắt xén.
Năm Hồng Vũ thứ năm, Chu Nguyên Chương lệnh các quận huyện cả nước thiết lập viện dưỡng tế, nhận nuôi người bần hàn, tàn tật không nơi nương tựa. Phủ Tô Châu có hai viện dưỡng tế, một ở huyện Ngô, một ở tây bắc lầu canh Trường Châu… Chập tối hôm qua, ba huynh đệ Trương Nguyên đi cùng với Phạm Văn Nhược, quyên tặng một ngàn một trăm sáu mươi lượng cho viện dưỡng tế Trường Châu. Tiểu quan lại quản lý viện dưỡng tế vừa kinh vừa mừng, y không quen biết ba tú tài này, nhưng lại nhận ra Phạm Văn Nhược Phạm Hiếu Liêm là nhân vật lớn ở huyện. Tiến sĩ đều đã làm quan, ở địa phương thì cử nhân là lớn nhất. Phạm Văn Nhược dặn dò tiểu quan lại mua gạo cứu tế và vải phân phát cho dân nghèo, các khoản phải rõ ràng, cuối năm y sẽ cùng ba vị quyên góp tổng duyệt lại, tiểu quan lại vâng vâng dạ dạ làm theo.
Trương Nguyên mỉm cười nói:
- Tham ô cắt xén khó mà tránh được, chỉ cần một nửa số bạc quyên góp đến tay dân nghèo thì không tệ rồi, đây là Tô Châu, không phải là kho lương Dương Hòa ở Thiệu Hưng của ta.
Vì chuẩn bị vội vàng nên hôm nay chỉ có hơn sáu mươi người tham gia nhã tiệc tại Chuyết Chính viên, trong đó có ba mươi ba sinh đồ cùng đồng sinh (học trò nhỏ tuổi) của huyện Gia Định và Côn Sơn, mười ngày trước họ đã tham gia nhã tiệc tại Dự viên ở Thượng Hải. Vì biết Trương Nguyên chọn tuyến đường Tô Châu đi Nam Kinh, ba mươi ba người này mấy ngày trước đã đến phủ thành Tô Châu đợi sẵn, Phạm Văn Nhược thông báo tổ chức nhã tiệc ở Chuyết Chính viên vào ngày sáu tháng sáu, họ đều tới tụ hội. Lần trước nghe Trương Nguyên luận về văn bát cổ ở Dự viên, dư vị đọng qua mấy ngày, họ tiếp thu được rất nhiều. Nhưng hôm nay Trương Nguyên không luận giảng, chỉ đơn thuần giao tiếp ăn uống với mọi người.
Phần lớn người dự tiệc đều ngưỡng mộ danh tiếng Tiểu Tam nguyên của Trương Nguyên. Ngoại trừ Phạm Văn Nhược, còn có một người họ Văn tên Chấn Mạnh, tự Văn Khởi cũng là cử nhân, cháu cố của Ngô Môn đại họa gia Văn Chính Minh. Khi Phạm Văn Nhược giới thiệu Văn Chấn Mạnh, Trương Nguyên cười nói:
- Văn Hiếu Liêm, ngưỡng mộ đã lâu.
Văn Chấn Mạnh hơn ba mươi tuổi, dáng người cao lớn, ánh mắt sắc sảo ám chút ngạo khí, không thích khách sáo. Thấy Trương Nguyên xuất ngôn khách khí, y liền cất lời hàm ý chế nhạo:
- Trương công tử ngưỡng mộ ta ở chỗ nào?
Trương Nguyên cười đáp:
- Văn Hiếu Liêm gia học uyên thâm, say mê “Sở từ”, chuyên trị “Xuân Thu”, thư pháp tông Nhị Vương (tức Vương Hi Chi) của Đông Tấn, họa kỹ sánh với tứ gia cuối thời Nguyên, làm người cương chính cao thượng, tại hạ ngưỡng mộ Văn Hiếu Liêm đã lâu.
Văn Chấn Mạnh có chút kinh ngạc, hôm nay y đến Chuyết Chính viên chỉ vì nhất thời nổi hứng, xem thử Trương Giới Tử đảo Đổng rốt cuộc là nhân vật thế nào. Mới đầu Phạm Văn Nhược cũng không hay là y muốn đến, vốn nghĩ sự ngưỡng mộ của Trương Nguyên chỉ là thuận miệng nói ra, nào ngờ hắn lại hiểu rõ mình. Dù y có chút danh tiếng ở Trường Châu, nhưng rớt liên tiếp sáu lần thi hội, thanh danh thiếu niên tài tử cũng dần nhạt đi. Lúc này nghe thấy Trương Nguyên khen ngợi mình, y cười khổ tự giễu:
- Trương công tử hiểu rõ tại hạ như lòng bàn tay, chẳng qua còn một chuyện chưa nói. Tại hạ đến kinh thi hội lần thứ bảy, bảy lần đều rớt, việc này xem ra cũng nổi. Ca khúc trẻ con Tô Châu hát rằng: “Văn Văn Khởi, rớt bảy lần, đến thành đi thi gấp, trở về tay áo che mặt”, người đó chính là tại hạ.
Trương Nguyên thầm nhủ: “Rớt lần thứ bảy à, vậy còn phải thi thêm ba lần nữa.”
Trương Nguyên thuộc sử cuối thời Minh. Văn Chấn Mạnh này là nhân sĩ nổi tiếng chính trực vào năm Thiên Khải và Sùng Trinh, tính tình khá giống Tông Dực Thiện tiên sinh, cũng là nhân vật nổi tiếng của đảng Đông Lâm. Vào năm Thiên Khởi, y buộc tội thái giám Ngụy Trung Hiền, bị đình trượng cách chức. Vào thời Sùng Trinh, y nhậm chức giảng quan Diên nhật giảng (giảng luận kinh sử cho đế vương) trong cung. Có lần nghe giảng, Sùng Trinh ngồi bắt chéo chân, Văn Chấn Mạnh ngậm miệng không nói, trừng mắt nhìn chân của Sùng Trinh. Việc này khiến Sùng Trinh rất xấu hổ, ông liền dùng tay áo che đi đầu gối, sau đó từ từ hạ chân xuống. Còn có một nguyên do khiến Trương Nguyên có ấn tượng sâu sắc với Văn Chấn Mạnh, Văn Chấn Mạnh đậu Trạng nguyên Nhâm Tuất vào năm Thiên Khải thứ hai, ứng với năm Công Nguyên, mà hiện tại là năm , Văn Chấn Mạnh còn phải bị hai lần thi rớt tra tấn.