Lẳng Lơ Tao Nhã

chương 270-2: sơ long (2)

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Đây là đánh đồng Trương Nguyên với Đổng Kỳ Xương, tri nhân tri diện bất tri tâm, đồng nghĩa với việc mắng Trương Nguyên là gian tà rồi.

Trương Nguyên cũng giận, lạnh lùng nói:

- Nếu nàng đã cho là thế, vậy ta cũng không còn gì để nói. Ta không có ý định “sơ long” nàng, cũng sẽ không ỷ thế bức nàng. Nàng đi đi, cũng mời Tuyết Y cô nương về cho.

Vương Vi cắn chặt môi đến rướm máu, qua loa thi lễ với Trương Nguyên rồi xoay người rời đi, vạt áo nhanh như chớp lướt qua mép cửa.

Lý Tuyết Y có chút kinh hoảng. Trương Nguyên là khách quý của Hình thái giám, Vương Vi đắc tội với Trương Nguyên, chuyện này không xong rồi, nếu người của Giáo Phường Ti làm khó thì hai nàng sẽ không gánh nổi. Thấy Vương Vi tức giận đi mất, nàng vội vàng tạ lỗi với Trương Nguyên:

- Trương công tử, Tu Vi tuổi nhỏ vô lễ, Trương công tử đừng để bụng. Tu Vi rất ngưỡng mộ Trương công tử, nhiều lần nhắc đến người với tiện thiếp.

Trương Nguyên phất tay nói:

- Được rồi được rồi, đừng nói nữa, hai người cứ yên tâm về đi, ta không trách cứ đâu. Hình công công cũng có việc, không cần hai nàng phải hầu rượu. Đi đi, Trương Giới Tử này dù xấu xa đến mấy cũng không ra oai với hai nữ tử yếu đuối.

Trương Nguyên cùng Lý Tuyết Y xuống đầu thuyền, thấy người của Giáo Phường Ti đang hỏi Vương Vi, liền lên tiếng:

- Hai vị công công bận chuyện, không cần hai nàng ấy hầu hạ, để họ đi đi.

Vương Vi bị tiểu quan lại của Giáo Phường Ti hỏi đến mức tiến thoái lưỡng nan, may nhờ lời nói Trương Nguyên mới thoát thân, không khỏi càng cảm thấy uất nhục. Trước kia Vương Vi có dưỡng mẫu Mã Tương Lan chiếu cố, vì nhỏ tuổi nên chưa chính thức tiếp khách, có thể nói là chưa từng chịu uất ức. Hôm nay nàng thật sự cảm giác được nỗi bi ai khi mang thân nữ lang phong trần, chợt nhớ tới sự tự do mà Trương Nguyên từng nói qua với nàng. Khi ấy Vương Vi nói chỉ muốn không bị ràng buộc, gởi tình sơn thủy, thơ họa, ti trúc, tự do tự tại làm theo ý mình, muốn làm cái gì thì làm cái đó

Hôm nay ngẫm lại thấy mình quá ngây thơ, chỉ có Trương Nguyên nhìn thấu suốt. Trương Nguyên nói tự do thật sự chính là không bị người khác ép buộc mình làm bất cứ điều gì, mà hôm nay tại hồ Huyền Vũ, hệt như là Trương Nguyên đã sắp xếp để nàng lĩnh hội được đạo lý này.

Vương Vi ngồi lên kiệu, rơi lệ mà đi.

……

Trương Nguyên đứng ở đầu thuyền nhìn theo hai đỉnh kiệu, lòng nghĩ hiểu lầm này khó giải quyết rồi. Hắn lại không thể cố ý đến tận nơi giải thích, dù sao Vương Vi không phải Thương Đạm Nhiên, càng không phải Vương sư muội. Nếu hai nàng ấy hiểu lầm hắn, hắn nhất định phải tìm cách giải thích. Nhưng Vương Vi và hắn chỉ là bèo dạt thoáng qua, một đoạn duyên cùng thuyền, chuyện qua đi đã là dĩ vãng, có tiếc nuối cũng là thường tình, giải thích nhiều cũng vô ích.

- Trương công tử, Trương công tử, mời lên bờ nói chuyện.

Chung thái giám đứng trên bờ vẫy tay với Trương Nguyên ở đầu thuyền. Trương Nguyên lên bờ, chắp tay với hai vị công công:

- Hai vị công công có gì căn dặn?

Dưới tán liễu chỉ có ba người họ, trợ tá trung niên nọ cũng lui qua một bên, những người khác không dám tiếp cận.

Hình Long tỏ vẻ lo âu, nhất thời do dự không nói.

Chung thái giám nói:

- Hình công công, Trương công tử đa mưu túc trí, làm người lại trượng nghĩa. Cậu ấy không giống những kẻ sĩ khác ngoài mặt tỏ ra tôn kính hoạn quan chúng ta, thực chất lại khinh miệt. Chúng ta ở Hàng Châu năm năm, lại kết giao với một bằng hữu tri tâm như Trương công tử. Chớ thấy cậu ấy còn trẻ mà xem thường, Đổng Huyền Tể thất bại thảm hại thế nào chứ, Hình công công có thể nói thẳng với cậu ta.

Trương Nguyên thầm kêu khổ. Khi nãy Vương Vi mượn chuyện lập miếu của Chung thái giám để châm chọc hắn, không hẳn chỉ có Vương Vi mới có cách nhìn này, không ít kẻ sĩ tự cho mình thanh cao cũng nghĩ tương tự. Tuy nói bây giờ không phải là cửu thiên tuế Ngụy Trung Hiền () cầm quyền, danh tiếng của thái giám vẫn chưa thối rữa, nhưng hắn giao du quá mật thiết với thái giám sẽ ảnh hưởng đến danh dự của bản thân. Nhưng sống ở thời này, muốn tham gia vào việctriều chính thì không thể tránh khỏi phải giao du với thái giám, giống như đảng Đông Lâm cùng hoạn đảng của thái giám như nước với lửa, cuối cùng dẫn đến kết cục nước mất nhà tan. Khẳng định là có mâu thuẫn, nhưng cần phải điều hòa. Vấn đề hiện tại là nếu hắn muốn hành sự thuận lợi với thái giám ở Đông Lâm thì khó như làm xiếc đi trên dây vậy, để nắm vững cách giữ thăng bằng thật không dễ. Không biết Nam Kinh Thủ Bị thái giám Hình Long này gặp phải chuyện khó khăn gì, đến cả Chung thái giám không thích quản chuyện người khác cũng bị kéo vào. Đây chính là chỗ đứng, ngươi muốn dựa vào bên nào thì phải nói tốt cho lợi ích của bên đó, ngươi không thể thuận lợi đạt được tất cả mà không phải trả giá.

() Ngụy Trung Hiền là một trong những đại hoạn quan nổi tiếng nhất. Ông là người cầm đầu "đảng hoạn quan" dưới thời Minh Hy Tông trong việc lũng đoạn triều chính. Vương triều Minh dưới thời Hy Tông suy tàn trầm trọng phần lớn là do Ngụy Trung Hiền.

Nam Kinh Thủ Bị thái giám Hình Long mặt hằn đầy nếp nhăn, ngẫm nghĩ hay là cứ mở miệng. Việc này không có gì là bí mật cả, sớm muộn gì thì người ta cũng biết, mà đến lúc đó lão muốn tìm người để kể cũng chưa chắc có ai chịu nghe lão nói.

Hình Long chắp hai tay hành lễ nói:

- Không dấu gì Trương công tử, cha gia (cách xưng hô của thái giám thời xưa) sợ là gây họa sát thân.....

Khi nói xong những lời này, mắt nhìn Trương Nguyên chằm chằm không chớp mắt. Nếu Trương Nguyên hoảng sợ, có ý nao núng thì lão sẽ không nói nữa. Nhưng Trương Nguyên không đổi sắc mặt, bình tĩnh nói:

- Xin công công cứ nói.

Giám sinh trẻ tuổi này quả nhiên không tầm thường, chỉ riêng khí chất trấn tĩnh này không phải ai cũng có được, Hình Long nói:

- Cha gia ở Nam Kinh nhiều năm, nhiệt tình vì lợi ích chung, rất có tiếng nói chính trị, nhưng cũng không khỏi đắc tội với một số người. Mấy năm trước ở Nam Kinh, quan Giám sát Ngự sử Khương Nhã Lượng lấy cớ "Không lo làm ăn, tranh giành lợi ích với dân" để buộc tội cha gia. May mà Vạn tuế gia gia anh minh lại bãi quan tên Khương Nhã Lượng kia. Cũng chính vì điều này mà có một số quan lại Nam Đô nhìn cha gia như kẻ thù, hận đến nỗi muốn trục xuất cha gia ra khỏi Nam Kinh mới vui lòng. Cha gia vừa được biết Nam Kinh Binh bộ Thị lang là Lâu Tính đã tố cáo cha gia lên trên, tội danh lần này là "Khai quật Bảo Sơn, tổn hại Hoàng lăng khí". Nếu cha gia bị buộc tội này thì chỉ còn con đường chết mà thôi.

Nói đến đây lão lại thở dài, khuôn mặt càng nhăn nhúm như quả quất bì già.

Trương Nguyên hỏi:

- Chuyện thật ra thế nào?

Hình Long chần chừ một lát rồi nói:

- Thật ra, chuyện này đã xảy ra mười năm rồi. Khi đó cha gia còn phụ trách thuế quặng, các thuộc hạ vì để thuận tiện đi lại nên đã mở đường ở án sơn cách Hiếu Lăng hai mươi dặm, cha gia không hề biết chuyện này. Nhưng đám quân hộ đó đâu có biết gì về cấm kỵ phong thủy Hoàng Lăng, cho rằng ở giữa quả núi cách Hiếu Lăng vài chục dặm mở một con đường nhỏ thì không động chạm gì. Bao năm nay mọi chuyện đều bình an vô sự, không ngờ chuyện cũ năm xưa một lần nữa lại được tâu trình lên Hoàng thượng, đây là rắp tâm muốn đẩy cha gia vào chỗ chết đây mà!

Trương Nguyên mặc dù không rành về phong thủy nhưng đã đọc nhiều sách cổ nên có biết một chút kiến thức thông thường. Án sơn này là quả núi nằm giữa huyệt mộ và Triều sơn, giống như thư án của quý nhân làm việc công. Huyệt mộ của dân thường đương nhiên không cầu kỳ như vậy, chỉ cần có mảnh đất là xong. Nhưng Hiếu lăng là mộ táng chung của Chu Nguyên Chương và Mã Hoàng hậu. Năm đó Lưu Bá Ôn và Từ Đạt đã tìm nơi có phong thủy tốt để an táng, trong phạm vi mấy trăm dặm, cuối cùng ở phía Nam Tử Kim Sơn đã tìm được mảnh đất quý có phong thủy tốt này. Án sơn cách huyệt mộ hai mươi dặm, có thể thấy được quy mô rất lớn. Quân sĩ mở con đường nhỏ để thuận tiện đi lại ở án sơn đối diện Hoàng Lăng. Việc này nếu không nhắc đến thì không sao, nhưng nếu bị nhòm ngó thì đó chính là tội phá hoại phong thủy Hoàng Lăng, sẽ bị luận tội rất nặng.

Trương Nguyên hỏi:

- Tấu sớ buộc tội công công đã gửi tới kinh thành chưa?

Hình Long nói:

- Tấu sớ của Lâu Tính vẫn chưa được trình lên, cha gia ở Nam Kinh có chút tai mắt nhưng không thể ngăn cản được, chắc cũng chỉ trong tháng này, sớ buộc tội sẽ được đưa đến nội các.

Trương Nguyên suy nghĩ một lát rồi nói:

- Hình công công định chuẩn bị ứng phó như thế nào?

Hình Long thấy Trương Nguyên vẫn điềm đạm như cũ, nên không khỏi có chút hy vọng. Nghe nói Trương Nguyên thông minh tài trí hơn người, nếu Trương Nguyên tham mưu cho lão không chừng lão sẽ có được diệu kế để hóa giải tai ương này, liền nói:

- Chỉ có hai con đường. Một là dâng sớ tự biện, Vạn tuế gia đã biết lão nô là kẻ trung thành, đời nào lại đi làm chuyện phá hoại Hoàng lăng. Hai là bắt những quân sĩ mở đường ở án sơn năm đó về hỏi tội. Trương công tử có biện pháp nào tốt hơn cho cha gia không?

Trương Nguyên nói:

- Việc này rất khó giải quyết, để vãn sinh đi nói với Chung công công vài lời, xinh Hình công công chờ một chút.

Dứt lời, Trương Nguyên kéo Chung thái giám đi qua một bên, lúc này mới cau mày nói:

- Sao công công lại kéo vãn sinh vào vụ này, động thổ Hoàng lăng là chuyện đại sự đến bậc nào, vãn sinh sao có cách gì giúp Hình công công được chứ!

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio