Hàng Châu vào tháng tám, tất cả các nhà trọ lớn nhỏ kinh doanh rất thịnh vượng. Chả cần phải nói, hộ dân nào có phòng trống, cũng thường dán một tấm giấy đỏ ở trước cửa, rao đủ mọi lời tốt đẹp như "An ngụ thu nguyên" để thu hút sĩ tử vào ở. Nếu sĩ tử nào trẻ tuổi phong lưu, chủ nhà lại có thê thiếp xinh đẹp hoặc khuê nữ tuổi thanh xuân, có khi sẽ phát sinh một chút lộ thủy nhân duyên, nếu không cẩn thận bại lộ, hoặc việc xấu trong nhà không thể truyền ra ngoài, hoặc dắt nhau đến công đường bồi thường bạc, hoặc đã bỏ trốn cao chạy xa bay, đây đều là chuyện thường xảy ra. Mỗi lần thi Hương xong, ngõ khúc uốn lượn, có rất nhiều đề tài phong tình, cũng có nhà tiểu thuyết gia tưởng tượng nên "Hạnh Hoa Thiên", "Vu sơn diễm sử" các loại tiểu thuyết tình yêu để kiếm tiền.
Tri giao cố cựu của Trương Nhữ Lâm ở Hàng Châu rất nhiều, Trương Nguyên, Trương Đại muốn thuê phòng bỏ ra chút tiền là được, nhưng hai người lại không có ý định đi thuê phòng, cũng không tới phố Thanh Vân, bọn họ tính ở trên thuyền, trên thuyền càng tiện hơn. Trương Đại chuẩn bị một chiếc thuyền Tứ Minh Ngõa, Thương Chu Đức mượn một chiếc thuyền Tam Minh Ngõa cho em rể Trương Nguyên tới Hàng Châu đi thi.
Hai mươi bảy tháng bảy, Hoàng Tôn Tố, Nghê Nguyên Lộ đi tới Sơn Âm cùng Trương Đại, Trương Nguyên tụ hợp, còn có Kỳ Bưu Giai, Chu Mặc Nông và Vương Bính Lân. Nghê Nguyên Lộ tự chuẩn bị thuyền, Kỳ Bưu Giai, Hoàng Tôn Tố ở trên thuyền Tứ Minh Ngõa của Trương Đại. Vương Bính Lân và Trương Nguyên ở cùng thuyền.
Sáng ngày hai mươi tám, ba chiếc thuyền nối đuôi nhau rời khỏi cầu Bát Sĩ, trên bờ thân hữu đến tiễn đưa cùng hô lên chúc phúc:
- Hương vi tấu tiệp, hỉ đăng hiền khoa
Đầu cầu đốt pháo kêu "Lốp bốp".
Trương Nguyên đứng ở đuôi thuyền, dưới ánh dương chính ngọ, đầu cầu dâng lên một màn sương khói pháo, thầm nghĩ:
“Khoa cử thủ sĩ, thi hương mới là mở đầu. Lúc trước thí sinh chỉ là vì đạt được tư cách tham gia thi hương mà thôi, thi hương thi đậu, mới có thể xưng thân sĩ."
Lại nghĩ:
"Ta danh thanh tại ngoại, thời gian không đợi ta, lần thi hương này không thể để vuột mất.”
Trương Nguyên có niềm tin vào bát cổ văn của chính mình. Nếu không có gì xảy ra thì trúng cử là chuyện không nói chơi. Tộc thúc tổ Trương Nhữ Lâm nhìn các bài văn hắn làm ở Thiên Ngõa am, cũng cho rằng hắn lần này tất trúng, nhưng trong trường thi có rất nhiều nhân tố quyết định vận mạng của một người. Trương Nguyên không dám có bất kỳ sơ suất nào. Nói là lo nơm nớp cũng không đủ, tự tin cũng không thể thiếu, nhưng thái độ cẩn thận mới bảo đảm thành công.
Mục Chân Chân đứng bên Trương Nguyên, im lặng như thể sợ mình sẽ cười ra tiếng. Cô thích nhất là theo thiếu gia ra ngoài. Lần này đi Hàng Châu, thiếu gia vốn không có ý định mang cô đi theo, thái thái Lã Thị lại lệnh cho cô đi theo hầu hạ thiếu gia, dặn dò cô phải cẩn thận đề phòng, chớ để thiếu gia bị thương.
Trong mắt Trương mẫu Lã thị, hai năm qua đứa con này chọc vào không ít chuyện, Diêu gia, Đổng gia đây đều là các nhà có thì oán với con trai. Lần trước Diêu gia không phải thuê người ở bến tàu Vận Hà Hàng Châu muốn đánh gãy chân Trương Nguyên đó ư, nhi hành thiên lý mẫu đam ưu, cho nên nhất định phải sai Mục Chân Chân đi theo, tiểu bàn long côn cũng mang, như vậy bà mới yên tâm phần nào.
- Cười cái gì, Chân Chân, nhặt được tiền sao?
Trương Nguyên quay đầu nhìn Mục Chân Chân, thiếu nữ mười bảy tuổi này dáng người cao gầy, cao khoảng m, cũng gần bằng hắn, đang nở một nụ cười lay động trái tim.
Mục Chân Chân nghe Trương Nguyên nói nhặt được tiền, không nhịn được cười khanh khách ra tiếng, nói:
- Nhặt được của rơi, toàn bộ sẽ giao cho thiếu gia.
Nói xong, mở bàn tay ra, trong lòng bàn tay thật là có hai đồng tiền vàng sáng choang.
Trương Nguyên kỳ lạ:
- Đúng thật là nhặt được tiền rồi. Không đúng, ngươi lấy đồng tiền từ bên hông, tay chân nhanh nhẹn thật đấy.
Mục Chân Chân cười, nói tránh đi:
- Thiếu gia sau kỳ thi lần này có phải sẽ tới kinh thành không?
Trương Nguyên "hừ" cười, hắn biết ý của Mục Chân Chân. Mục Chân Chân chính là muốn vào kinh thăm phụ thân Mục Kính Nham của cô, Mục Chân Chân tưởng rằng Diên An vệ ở ngay cạnh kinh thành. Hắn nói:
- Nếu thi hương rớt, vậy còn tới kinh thành làm gì.
Mục Chân Chân nói:
- Sẽ không đâu, thiếu gia làm sao rớt được, thiếu gia nhất định có thể đỗ cao.
Trương Nguyên nói:
- Ừ, đỗ cao rồi sẽ dẫn ngươi tới kinh thành, tuy nhiên có thể gặp phụ thân ngươi hay không cũng không nói chắc, Diên An vệ cách kinh thành cũng có ba nghìn dặm thôi.
- A.
Mục Chân Chân há to miệng:
- Xa như vậy sao!
Tuy nhiên rất vui sướng khi thiếu gia đồng ý mang cô vào kinh, cách chỗ phụ thân gần hơn một chút, không phải sao.
Bởi vì Trương Nguyên dẫn theo Mục Chân Chân, Trương Đại cũng dẫn theo Tố Chi, nói là cho làm bạn với Mục Chân Chân.
Thuyền đến bến tàu nhỏ bên Hạnh Hoa tự của Hội Kê, Vương Bính Lân dẫn theo hai người hầu một già một trẻ đã ở trên bến tàu chờ. Vợ Phùng thị và Vương Tĩnh Thục, chị em của Vương Anh Tư đều ngồi kiệu đến đưa tiễn. Trên bến tàu người qua lại, ở bên trong kiệu cũng tiện hơn, bên cạnh Phùng thị có một bà vú ôm đứa trẻ, đây là đứa con mới sinh năm trước của Vương Bính Lân.
Trương Nguyên nhảy lên bờ, hành lễ với Vương Bính Lân, ánh mắt nhìn về phía hai chiếc kiệu kia, Vương Bính Lân liền nói:
- Tĩnh Thục tỷ và Anh Tư muội ở bên đó.
Chỉ về phía bên trái hướng chiếc kiệu.
Trương Nguyên liền đi tới bên cỗ kiệu kia hành lễ, người trong kiệu đi ra, Anh Tư sư muội mặt trái xoan, quả nhiên dung nhan gầy đi một ít, cằm nhọn hơn, tuy nhiên tinh thần vẫn tốt lắm. Đôi mắt to trong trẻo như nắng xuân. Còn nhớ ba năm trước đây, sau lễ vu lan một ngày, hắn ở Giới viên lần đầu tiên gặp Anh Tư đi theo sau thầy Vương, mặc áo đạo ra vẻ thiếu niên thư sinh, đôi mắt to hiếu kỳ nhìn quanh, còn hỏi mượn hắn "Kim Bình Mai". Khi đó Anh Tư linh động, hoạt bát như thiếu niên, không có chút gì thướt tha, yểu điệu. Giờ ba năm đã qua đi, dung mạo, thân thể của Anh Tư muội đã thay đổi, Anh Tư sư muội đã biến thành thiếu nữ mười tám như vậy rồi. Dung mạo của Anh Tư mặc dù không được coi là rất đẹp, nhưng phong trí sở sở, khí chất tuyệt giai, lời nói cử chỉ làm rung động lòng người.
- Sư muội khỏe hơn chưa?
Trương Nguyên cúi chào tỷ muội Vương Tĩnh thục, Vương Anh Tư ngồi song song bên trong kiệu.
Bên trong kiệu không tiện đáp lễ, Vương Tĩnh thục và Vương Anh Tư đều là hơi cúi người, làm tư thế vạn phúc, Vương Tĩnh thục mỉm cười không nói, Vương Anh Tư đáp:
- Bệnh nhẹ thôi mà, sớm đã khỏi rồi. Giới Tử sư huynh, chớ để mất Giải Nguyên nhé.
Nụ cười của Vương Anh Tư rất trong sáng.
Trên bến tàu người qua lại đông đúc, Trương Nguyên nói:
- Nhận cát ngôn của sư muội, không dám không cố gắng.
Khom người lui ra phía sau, cỗ kiệu kia cũng hạ xuống chỉ trong chốc lát.
Lai Phúc và người làm của Vương thị mang hành lý của Vương Bính Lân lên thuyền, Vương Bính Lân nói với thê tử vài câu, vuốt ve khuôn mặt mềm mại nhỏ nhắn của đứa con rồi quay người lên thuyền.
Ba chiếc thuyền nối đuôi nhau qua Tiền Thanh Yển, Tây Lăng, Tiêu Sơn. Buổi sáng mùng một tháng tám qua sông Tiền Đường tiến vào đường sông Đại Vận, theo hướng bắc đi vài dặm, rồi quẹo hướng tây đi được ba, bốn dặm đã thấy bên tả ngạn thuyền ô bồng, thuyền bạch bồng đã đậu dày đặc. Đều là thuyền của thí sinh, không còn chỗ đỗ, ba chiếc thuyền của Trương Nguyên cứ tiếp tục đi về hướng tây, chuyển hướng bắc tìm bờ để xuống. Trên bờ có một hàng cây phong và cây quế, quế tử phiêu hương, phong diệp kim hoàng, Nghê Nguyên Lộ đứng ở đầu thuyền nhìn lên bờ sông, khen:
- Nơi này rất tốt, đẹp như tranh.
Bèn đi lấy bút mài mực vẽ tranh. Nghê Nguyên Lộ chính là nhân tài thi họa trẻ tuổi kiệt xuất trong số các sĩ tử ở Giang Nam.
• Thuyền ô bồng và thuyền bạch bồng, vì không biết tên nên tạm gọi như vậy các bác nhé([散文]乌篷船·白篷船 - 马路天使的日志 - 网易博客)
Chỗ đậu thuyền cách trường thi Hàng Châu chỉ có hai dặm đường, cách Học Đạo nha môn có bốn, năm dặm. Sáng sớm hôm sau, Trương Nguyên, Trương Đại, Kỳ Bưu Giai, Vương Bính Lân, Hoàng Tôn Tố, Nghê Nguyên Lộ sáu người tới Học Đạo nha môn báo danh. Giáo thụ, giáo dụ mười một phủ của Chiết Giang đạo đều đến đây, giáo thụ của Thiệu Hưng phủ và giáo thụ của tám huyện cũng tề tụ tại Học Đạo nha môn. Danh sách thí sinh đã đưa lên Học Đạo, giờ thí sinh đến Học Đạo nha môn xem như báo danh, nhất định phải báo danh trước ngày bốn tháng tám, nếu không sẽ không sắp xếp được hào xá và chuẩn bị bài thi. Nhờ người thi hương là chuyện chưa từng nghe tới, dù sao tham gia kỳ thi đều là sinh đồ, ở quê hương coi như là người nổi tiếng, nhờ người thi hộ thì không thể che giấu, cũng không có người nào mình không đi thi lại đến thi thay cho người khác cả, đương nhiên, điểm danh nhận người cũng là bắt buộc, đây là chức trách của giáo thụ, giáo dụ các phủ, huyện, nếu xảy ra sai sót, duy chỉ có giáo thụ, giáo dụ bị hỏi tội.
Giáo thụ Thiệu Hưng phủ dặn dò bọn Trương Nguyên ngày bảy đến trước cửa trường thi xem thí sinh của Thiệu Hưng vào cửa nào, trường thi có ba cửa, thí sinh của phủ nào huyện nào vào cửa nào, lúc nào, sẽ được công bố vào ngày mùng bảy, đây là đề phòng lúc đó người đông hỗn loạn vào nhầm.
Trương Nguyên đến Hàng Châu tham gia thi hương, vốn không muốn giao tiếp cùng những người khác, thầm nghĩ lặng chờ khi Long Môn của cống viện mở ra, nhưng thanh danh là con dao hai lưỡi, hắn là thủ lĩnh Hàn Xã bây giờ muốn yên tĩnh cũng khó. Ở trên thuyền, khách tới thăm không dứt, có khi là Hàn Xã xã viên, có khi là sinh đồ muốn gia nhập Hàn Xã, ngưỡng mộ, bắt chuyện, từ sang đến tối, Trương Nguyên không được rảnh rang chút nào.