Khoảng giờ sáng, ba chúng tôi mới ra khỏi Sở công an. Nếu không gọi điện cho Trần Trọng thì có lẽ chúng tôi chưa thể nhanh chóng được ra về như vậy. Trần Trọng cùng ba chúng tôi vào một quán nhỏ đối diện với Sở công an. Câu đầu tiên anh nói là: “Tôi cảm thấy các cậu chẳng khác gì trong truyện khoa học viễn tưởng! Lần trước gặp một quái nhân, còn lần này thì gặp một xác chết!”
Mông Nhân kể lại toàn bộ sự việc trước sau cho Trần Trọng nghe. Trần Trọng gật đầu nói: “Vừa nãy tôi đã nghe cảnh sát nói, họ sơ bộ nhận định rằng Vương Cường tử vong do ngộ độc; nhưng là chất độc gì thì hơi phức tạp, chất độc bao gồm nhiều thành phần, phải ngày mai thì mới có kết quả xét nghiệm. Mấy hôm tới đây, các cậu đừng đi đâu xa, có thể cảnh sát sẽ gọi bất cứ lúc nào...” Trần Trọng ngừng lại một lát, rồi hỏi nhỏ: “Chuyện về cuốn sách mà các cậu nói lúc nãy... có thật thế không?”
Tôi đáp: “Kìa, anh Trọng! Sự việc đã đến nước này, đã có người chết, lẽ nào chúng tôi lại nói dối anh? Đây đâu phải là chuyện đùa?”
Lúc ngồi trong Sở công an, lão Phó đã kể lại câu chuyện về cuốn sách, nhưng về những điều đã tra được là gì hoặc lịch sử của cuốn sách, đều không nói; chỉ nói rằng đó là cuốn sách cổ do các cụ truyền lại, nhờ Vương Cường giám định giúp, nhưng phát hiện thấy cuốn sách đã bị đánh tráo, cả ba anh em bèn đến gặp Vương Cường để hỏi xem sao, khi đến nơi thì thấy anh ta đã chết trong nhà.
Khỏi phải bàn, lão Phó đương nhiên là nghi phạm hàng đầu. Thử nghĩ mà xem: có một cuốn sách trị giá bạc triệu nhưng bị người ta đánh tráo thì tức điên lên và rất có thể làm đủ thứ chuyện. Nhưng thời gian tử vong của Vương Cường cách xa thời gian lão Phó vào khu chung cư đó; trong phòng khách của Vương Cường chỉ tìm thấy dấu vân tay của lão Phó trên ghế đi-văng, các nơi khác không hề có; ngoài ra, cảnh sát cũng loại trừ khả năng lão Phó hành hung Vương Cường.
Sau khi chúng tôi bàn với Trần Trọng về chuyện Vương Cường, Trần Trọng nói anh phải về nhà đi ngủ, nếu không sáng mai đi làm sẽ biến thành con gà rù thì gay, nói rồi anh ra về. Tôi và Mông Nhân lại kéo lão Phó ra một góc quán ngồi xuống, sau đó Mông Nhân mở ví lấy ra mẩu giấy mà anh lấy từ tay Vương Cường, đặt lên bàn nhưng chưa mở ra vội, Mông Nhân hỏi: “Có biết đây là cái gì không?”
Tôi và lão Phó lắc đầu. Lão Phó sốt ruột thò tay ra cầm lên mở ra xem, mặt anh ta bỗng biến sắc, sau đó anh đưa cho tôi xem. Trên giấy chỉ viết tên vị thuốc bắc, viết bằng chữ phồn thể[] nhưng vẫn đọc được một cách dễ dàng. Phía dưới còn vẽ một cái bùa, giống hệt cái bùa mà khi trước chúng tôi đã nhìn thấy trong vụ việc Dương Sạn. Lão Phó nói: “Vụ việc này giờ đây đã thành to chuyện, và có cả người chết nữa.”
[] Chữ Hán viết đủ số nét như truyền thống, chưa lược bớt số nét. Một số chữ Hán đã quy định lược bớt số nét, gọi là chữ giản thể.
Mông Nhân đưa tay sờ cằm, nói: “Tôi đoán rằng Vương Cường đã ăn mấy thứ đó rồi lăn ra chết. Thử nghĩ mà xem hỗn hợp cả bốn vị thuốc đó, ăn không chết mà được à?”
Tôi gật đầu tán thành, nhưng tại sao Vương Cường lại biết về bốn vị thuốc và lá bùa ấy? Lão Phó thì bảo mình chưa từng nhắc đến những thứ ấy với Vương Cường. Lúc này tôi cảm thấy may mắn vì lúc ở hiện trường Mông Nhân đã lấy mẩu giấy đó từ tay Vương Cường. Nếu không, cảnh sát sẽ tìm thấy, tuy chúng tôi sẽ nhanh chóng bị loại ra khỏi diện tình nghi nhưng nếu gặp tay cảnh sát có đầu óc, thì họ sẽ lật lại vụ án Dương Sạn để đối chiếu, nhận thấy cũng có bốn vị thuốc và lá bùa; cả hai vụ án đều dính dáng đến tôi, Mông Nhân và lão Phó, thì chắc chắn ba chúng tôi dù thanh minh kiểu gì cũng không ai tin. Cảnh sát sẽ không cho rằng tất cả chỉ là ngẫu nhiên, nếu họ đi sâu vào chuyện cuốn sách thì chúng tôi sẽ bị rắc rối to...
Cả ba chúng tôi ngồi nghệt ra đến hơn nửa giờ, người nọ nhìn người kia, rồi thở dài lắc đầu. Mông Nhân bỗng hỏi lão Phó: “Lão Phó à, cậu nhớ lại xem, lúc cầm sách đến triển lãm đã xảy ra những chuyện gì?”
Lão Phó: “Ý cậu là sao?”
Mông Nhân nói lão Phó nên nhớ lại mình đã đi như thế nào, lúc đó Vương Cường ở đâu, sau đó xảy ra những chuyện gì. Lão Phó nghĩ ngợi rồi nói: lúc giờ sáng, Vương Cường gọi điện đến hẹn anh giờ có mặt ở quán trà vỉa hè bên cạnh cổng triển lãm để gặp nhau, anh đã đến đúng giờ, và thấy Vương Cường và hai người nữa đã ngồi trong quán trà chờ anh. Một người già, mặc áo Tôn Trung Sơn, không hay cười, thấy lão Phó bước đến, ông ta cũng chỉ khẽ gật đầu; một người trung niên mặc quần áo bộ đội cũ, ông ta cùng Vương Cường đứng lên, chủ động chìa tay ra bắt tay lão Phó. Sau khi Vương Cường giới thiệu, lão Phó biết ông già tên là Chung Sênh, hội trưởng Hội những người yêu thích cổ vật dân gian; còn vị trung niên kia là Chu Văn Thắng, trưởng ban tổ chức hoạt động lần này ở bảo tàng. Cả hai đều thích nghiên cứu các văn bản cổ đại. Chung Sênh tuy ít nói nhưng mỗi câu ông nói ra đều rất rõ ràng súc tích, lúc đó lão Phó có cảm giác Chung Sênh là một nhân vật rất có uy tín.
Thoạt đầu, Chu Văn Thắng mở xem cuốn sách của lão Phó, vừa xem vừa trầm trồ kinh ngạc nhưng ông ta nói rất khẽ, lão Phó không nghe thấy gì; và cũng vì anh đang tập trung kể cho Chung Sênh nghe về lai lịch của cuốn sách.
Mông Nhân ngắt lời lão Phó: “Cậu kể tất cả lai lịch cuốn sách cho ông ta nghe à?”
Lão Phó lắc đầu: “Tôi có chế biến lại, tôi nói cụ nội tôi là nhà buôn, trong khi đi buôn đã cứu một người, người ấy lúc sắp lìa đời đã để lại cho cụ nội tôi cuốn sách. Các chi tiết khác tôi cũng lựa theo đó mà nói chệch đi. Tôi không kể về chuyện cụ nội, ông nội và cha tôi bỏ nhà ra đi. Tôi vẫn nhớ mục đích của mình là tìm họ để nghiên cứu cuốn sách, các tình tiết khác là chuyện riêng của gia đình tôi, không cần phải nói ra.”
Khi mở xem cuốn sách, sắc mặt của ông già tên là Chung Sênh hơi tái nhợt. Đây là nguyên văn câu nói của lão Phó. Lúc đó anh nghĩ bụng, có lẽ Chung Sênh phát hiện ra điều gì đó trong sách? Cuối cùng, sách trở lại tay Vương Cường, lát sau Chung Sênh lại nói muốn xem lại cuốn sách, Vương Cường đưa cho ông ta. Cuối cùng Chung Sênh đưa ra kết luận: đây là cuốn sách làm giả. Một lúc sau có vài nhà nghiên cứu khác đến, họ cũng mở xem và nói là sách giả, tuy trông rất giống sách cổ nhưng vẫn là đồ giả. Sau đó lão Phó cầm cuốn sách gọi điện cho chúng tôi, tiếp đó là các sự việc chúng tôi đều đã biết rồi.
“Trong khoảng thời gian ấy cậu có nhìn thấy họ cầm sách đem đi đâu không?” Mông Nhân hỏi lão Phó. Lão Phó nghĩ ngợi rồi khẳng định: "Tuyệt đối không! Không có ai rời quán trà cả. Tôi luôn luôn không rời mắt khỏi cuốn sách của mình, nó là báu vật của tôi thì tôi phải theo dõi chặt. Cho nên, rất kỳ lạ, tại sao nó bị người ta đánh tráo được? Tôi rất băn khoăn, vì hoàn toàn không có cơ hội để có thể đánh tráo."
Mông Nhân nằm kềnh ra đi-văng ở phía sau, dụi mắt, rồi anh ta bỗng nhổm dậy hỏi lão Phó: “Cái bàn ở quán trà, trông như thế nào?” Lão Phó giơ tay diễn tả. “Cao hơn bàn này của chúng ta một chút, ghế mây thì thấp hơn ghế chúng ta đang ngồi. Là thứ bàn ghế mà các cậu vẫn hay nhìn thấy ở các quán trà.”
Mông Nhân lại hỏi: “Còn họ, họ xem sách như thế nào?”
Lão Phó hỏi lại: “Xem như thế nào, là sao?”
Mông Nhân làm các tư thế. "Tức là cách họ cầm cuốn sách, như thế nào?”
Lão Phó vội thể hiện một tư thế ngồi, và cầm tờ quảng cáo của quán trà lên nhìn. Mông Nhân ngắm nghía rồi nói: "Tôi hiểu ra rồi, tại chúng ta đã nghĩ phức tạp về một sự việc đơn giản.”
Tôi và lão Phó đồng thanh: “Gì cơ?”
Mông Nhân mỉm cười: “Các cậu có còn nhớ hồi đi học, lúc lên lớp chúng ta thường lén đọc truyện tranh hoặc đọc các thứ khác không? Hoặc là, khi làm bài thi chúng ta đã gian lận kiểu gì không?”
Tôi thử làm động tác rồi hiểu ra ngay: quá đơn giản, ba người ấy, ngoại trừ Chu Văn Thắng, thì Chung Sênh và Vương Cường đều cầm sách thấp hơn mặt bàn để đọc, tuy lão Phó vẫn nhìn chằm chằm nhưng chỉ có thể nhìn thấy bàn tay họ; và, hoặc Chung Sênh hoặc Vương Cường đã đánh tráo cuốn sách giả mà họ đã chuẩn bị từ trước giấu sẵn dưới gầm bàn. Hoặc nói cách khác là, cả ba đã hợp tác để đánh tráo cuốn sách. Trước hết, tư thế xem sách của họ là như nhau, có thể là Chu Văn Thắng xem xong thì đưa cho Chung Sênh, Chung Sênh xem xong khẳng định đúng là cuốn sách quý bèn ra ám hiệu với Vương Cường; cuốn sách giả đã giấu sẵn trong người Chung Sênh, cho nên ông ta đưa cuốn sách thật cho Vương Cường, Vương Cường cầm sách thấp hơn mặt bàn để xem, trong lúc đang xem thì cùng Chung Sênh bí mật làm động tác đánh tráo luôn. Sau đó Vương Cường lại đưa sách (giả) cho Chung Sênh, Chung Sênh cầm cuốn sách (giả) rồi bắt đầu phán xét kết luận...
Mông Nhân gật đầu, nói: “Cậu phân tích cũng na ná tôi, tôi chợt nhớ đến câu nói của một nhà văn nước ngoài danh tiếng: một chuyên gia uy tín nào đó nói về một thứ là chính xác thì có thể ông ta đã đúng, nhưng nếu ông ta bảo thứ đó là tuyệt đối sai thì chắc chắn ông ta đã nhầm... Không có thứ gì trên đời là tuyệt đối cả, vì chúng ta đã nghĩ về sự việc một cách quá phức tạp, nên bây giờ chúng ta không thể đi chệch hướng đó. Lúc nãy khi tôi nghĩ Chung Sênh là kẻ đáng ngờ, thậm chí tôi còn nghĩ Chung Sênh đã giở thủ đoạn để trừ khử Vương Cường nhằm độc chiếm cuốn sách, nhưng tôi nghĩ lại thấy rằng ông ta không cần thiết phải làm như vậy. Chúng ta cần tìm người điều tra kỹ về con người Chung Sênh.”
Mông Nhân nói xong, cả ba chúng tôi cùng nghĩ đến Trần Trọng. Anh ta là cảnh sát, điều tra tư liệu về một con người thì dễ dàng hơn hẳn chúng tôi.
Gọi điện cho Trần Trọng, thấy ở đầu dây bên kia anh ta càu nhàn rằng vừa nằm ngủ một lát thì bị đánh thức, có phải chúng tôi hóa rồ rồi không, anh ta rất xúi quẩy vì đã gặp chúng tôi v.v... Mông Nhân vội vỗ về Trần Trọng mấy câu, rồi nói trăm sự nhờ anh điều tra về con người Chung Sênh. Trần Trọng đã hết bực mình, và lập tức nhận lời, ngày mai sẽ thông báo cho chúng tôi biết. Nhưng anh cũng cảnh báo rằng, điều tra về nhân thân một ai đó là vi phạm pháp luật, nhất là sử dụng tư liệu đó để làm việc gì đó thì là mắc tội to. Mông Nhân vội nói không có ý đó, chúng tôi là những công dân nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, khi rỗi rãi chúng tôi thường ngồi đầu phố đến khuya, nếu thấy kẻ cướp giật hoạt động, chúng tôi sẽ xông ra tấn công, chúng tôi không bao giờ làm chuyện tệ hại cả...
Rời quán, tôi và Mông Nhân trở về nhà đi ngủ; cũng rủ luôn lão Phó về, để ngày mai cùng chờ tin tức, khỏi cần gọi điện cho thêm phiền hà. Lão Phó nhìn đồng hồ, nói rằng đã giờ rưỡi sáng, lát nữa Mễ Đâu ngủ dậy, anh sẽ mua đồ ăn sáng đem đến cho cô ấy. Tôi và Mông Nhân định nói kháy lão Phó mấy câu thì anh ta lại bảo, giờ đây, sách đã mất, có tìm lại được không là một chuyện, nhưng nếu lại mất nốt vợ thì đời anh ta coi như con số không.