Chuyện nhỏ như vậy đương nhiên Bùi Thanh Dật sẽ đồng ý: "Nhị đệ mau viết đi, vi huynh nhất định sẽ đem bức thư về tận tay Lan lang quân."
Trước khi tiểu Hoàng đế dẫn các đại thần xuống núi, Bùi Thanh Hoằng đã viết xong bức thư rồi tự tay giao cho Bùi Thanh Dật, ngoài phong bì là bốn chữ mạnh mẽ hữu lực: "Tử Giác thân khải."
Thân khải: tất cả mọi người ngoại trừ người nhận không nên mở thư để đọc và cũng yêu cầu người nhận không công khai bức thư.
Một nhóm người đông đúc nối tiếp nhau rời khỏi hành cung, Bùi Thanh Hoằng đứng trên sườn núi nhìn theo phụ thân và huynh trưởng mình, mãi đến khi bóng lưng của hai người khuất khỏi tầm mắt mới xoay người trở về hành cung. Buổi đi săn được tổ chức rất gần với lễ cúng tế mùa thu, để tránh phải đi đi về về mất công, Hoàng đế đã xây dựng một hành cung sâu trong ngọn núi.
Hơn nửa số người lên núi đã rời đi, nửa còn lại hầu hết là những binh lính ưu tú nhất. Họ vô cảm đứng canh gác ở mọi nơi trong hành cung, thân hình thẳng tắp như từng cây tùng bách cao ngất.
Sau khi trở về hành cung, Bùi Thanh Hoằng phát hiện có người đang chờ hắn trong gian phòng của mình. Gương mặt gầy gò, khí chất nhã nhặn, miễn cưỡng có thể xem là dung mạo quen thuộc – đó là Thường Tú công công hầu hạ bên cạnh Thái thượng hoàng, có phần được sủng ái.
"Sao Thường công công lại chờ ở đây?" Bùi Thanh Hoằng nghi hoặc hỏi.
Người sau giương phất trần trong tay lên, ý cười ôn hòa như Phật Di Lặc: "Điều này tạp gia cũng không rõ lắm, tóm lại là bệ hạ cho mời. Nếu Trường Tín có thời gian, thỉnh cùng tạp gia đi một chuyến."
Tạp gia: người có kiến thức rộng.
Lời này tuy rất khách khí, nhưng dù thật sự không rảnh đi chăng nữa Bùi Thanh Hoằng vẫn buộc phải đi cùng. Hắn gật đầu: "Phiền công công dẫn đường."
Sau khi đưa Bùi Thanh Hoằng đến phòng của Thái thượng hoàng, Thường Tú thức thời lui ra ngay lập tức. Không lâu sau khi hắn rời khỏi căn phòng mà chủ tử và Bùi đại nhân đang ở riêng, một nam nhân mặc quân phục Ngự Lâm bước về phía Thường Tú. Bước chân của gã rất vững vàng, đi thẳng một mạch lướt qua hắn. Quân sĩ đang canh gác ở lối đi vẫn nhìn thẳng về phía trước không hề chớp mắt, như thể hoàn toàn không phát giác ra hai người.
Sau khi Thường công công đến một nơi bí mật, hắn rút một bức thư ra từ tay áo. Đó là một lá thư rất bình thường, phong bì không phải loại gì đặc biệt, được dán kín bằng sáp ong. Bên trên lá thư còn có bốn chữ mạnh mẽ hữu lực: "Tử Giác thân khải".
Hắn có được bức thư này một cách rất tự nhiên khi "vô tình" đụng phải nam nhân mặc quân phục Ngự Lâm ban nãy. Đương nhiên Thường Tú cũng không có tư cách mở bức thư, hắn chỉ có thể đợi đến khi Bùi đại nhân rời đi rồi mới tận tay đưa cho Thái thượng hoàng.
Nghĩ đến thanh niên anh tuấn kia, Thường Tú không khỏi thở dài. Vị Bùi đại nhân kia sao có thể biết, còn chưa kịp xuống núi thì bức thư mình gửi nhờ huynh trưởng đã bị đánh tráo trong nháy mắt. Có điều khi đánh tráo, bức thư sẽ được gửi đến người mà hắn thật sự muốn gửi.
Đây là một điều rất hiển nhiên. Thái Thúc Lan dùng thân phận Thái thượng hoàng ở lại hành cung, y còn cố ý giữ Bùi Thanh Hoằng lại, nhưng ngay từ đầu y cũng không có ý định để kẻ giả mạo ở nhà đụng đến bức thư hắn gửi về.
Thường Tú hiểu rất rõ chủ tử của mình. Mặc dù dưới trướng Thái Thúc Lan hắn chưa từng nếm phải cay đắng gì, nhưng tin đồn Thái thượng hoàng hỉ nộ vô thường đúng là sự thật. Những cung nữ hoặc nội thị hầu hạ Thái thượng hoàng thường xuyên bị đuổi khỏi cung chỉ vì một lỗi nhỏ, nếu nghiêm trọng thậm chí còn bị phạt mấy chục trượng, những cung nhân thân thể gầy yếu có thể trực tiếp mất mạng.
Đồng thời hắn cũng rất rõ ràng, ngoại trừ hỉ nộ vô thường chủ tử mình còn một tật xấu cực kỳ nghiêm trọng – ham muốn độc chiếm đặc biệt mạnh mẽ. Từ khi Thái Thúc Lan mới tiến cung hắn đã bắt đầu bầu bạn với chủ tử của mình, đương nhiên biết rõ Thái Thúc Lan có tính độc chiếm ghê gớm với những thứ thuộc quyền sở hữu của mình. Hồi nhỏ y thà phá hủy món đồ mình từng dùng còn hơn là đưa cho bất kỳ ai, huống chi là người mà y coi trọng. Điểm này càng được thể hiện rõ ràng hơn qua Bùi Thanh Hoằng.
Cũng vì tính độc chiếm này, lại có cái vỏ bọc thư cục nên ảnh vệ rất ít khi tồn tại dưới thân phận của Lan Mân. Bình thường Thái Thúc Lan đều cởi mặt nạ đi từ hoàng cung đến thư cục, sau đó lại dùng thân phận Lan Mân để về Bùi phủ. Chỉ khi nào Thái thượng hoàng và ảnh vệ nhất định phải xuất hiện cùng lúc, ảnh vệ mới xuất hiện dưới tư cách là một trong hai.
Mọi cử chỉ hành động của ảnh vệ hoàn toàn được bồi dưỡng dựa theo thói quen của Lan Mân. Ngoại trừ Bùi Thanh Hoằng là phu quân ở chung với Lan Mân cả ngày lẫn đêm, người trong Bùi phủ căn bản không thể nhận ra người giả mạo. Những cung nữ hầu hạ Thái thượng hoàng trong cung cũng vậy, các nàng hoàn toàn không hề hay biết người mình đang hầu hạ không phải Thái thượng hoàng thật sự.
Dù vậy nhưng nội tâm Thường Tú vẫn còn cảm giác bất an mơ hồ. Khi ở trước mặt Bùi công tử, chủ tử nhà mình thực sự là có phần quá bất thường. Nếu Thái thượng hoàng thật sự không muốn dính líu gì đến Bùi gia, y hoàn toàn có thể hủy bỏ mối hôn sự giữa Bùi gia và Lan gia dễ như trở bàn tay. Thế mà y lại đồng ý, mà một khi đã kết hôn thì chắc chắn phải dùng chân thân để xuất giá - điều này hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của Thường Tú.
Thật là chẳng giống Kiến Long đế đã về cõi tiên chút nào. Từ khi còn là phôi thai Kiến Long đế đã phong lưu hết mực, tuy tôn trọng chính thê nhưng ông không coi hôn nhân như thứ gì thiêng liêng lắm, hậu cung chỉ là công cụ để ổn định triều thần, sinh con nối dõi mà thôi.
Mà Nhị hoàng tử Thái Thúc Lan lại đặc biệt coi trọng hôn nhân. Lan Mân là một thân phận được Thái Thúc Lan thừa nhận, nếu y đã đồng ý với mối hôn sự này thì người làm trượng phu - Bùi Thanh Hoằng – sẽ chính là phu quân chân chính của y. Người có tính chiếm hữu mạnh đến mức khiến người khác tức sôi máu, lại chú trọng hôn nhân thì đương nhiên không thể để ảnh vệ anh anh em em, thân mật da thịt với bạn lữ của mình. Vì vậy hắn hoàn toàn có thể lý giải vì sao Thái thượng hoàng lại không ngại khổ cực, suốt ngày đổi đi đổi lại thân phận.
Khi Thường Tú đang suy nghĩ cẩn thận về địa vị và sức nặng của Bùi Thanh Hoằng trong mắt chủ tử mình, Bùi Thanh Hoằng đã đứng cạnh Thái thượng hoàng được nửa ngày. Khi hắn đi vào Thái Thúc Lan đang chuyên tâm phê duyệt tấu chương, tiếng thông báo của Thường Tú cũng không thể khiến đối phương dừng bút son trong tay lại. Bùi Thanh Hoằng là một thần tử tốt, tuyệt đối không kiêu căng, đứng thẳng tắp trước mặt Thái thượng hoàng, ánh mắt vô tư không hề sợ hãi, tấm lưng rắn rỏi như núi cao đồ sộ.
Người đang cúi đầu phê duyệt tấu chương cũng không để hắn chờ quá lâu. Ước chừng qua khoảng một khắc đồng đồ, phê tấu chương xong xuôi, Thái thượng hoàng như thể mới phát hiện ra sự tồn tại của Bùi Thanh Hoằng: "Ái khanh đến khi nào vậy? Người đâu, còn không mau ban ghế ngồi!"
Y vừa lên tiếng, ngay lập tức có người chuyển một chiếc ghế được lót nệm êm đến rồi nhanh chóng rời đi, để hai người lại một mình.
"Đa tạ bệ hạ đã ban ghế. Không biết bệ hạ phái người đến mời vi thần là vì chuyện gì?" Bùi Thanh Hoằng từng gặp riêng vị Thái thượng hoàng này không ít lần, nhưng mỗi lần đều là để giải quyết việc công. Bùi Thanh Hoằng không e ngại, nhưng cũng không thấy mình và đối phương có bao nhiêu thân thiết.
"Thế nào, không có việc công thì cô gia không thể tìm ái khanh tâm sự sao?" Cũng không biết có phải do ảo giác của Bùi Thanh Hoằng hay không, hắn cảm thấy hình như đối phương cố ý nhấn mạnh hai chữ "ái khanh" thì phải.
Từ khi hắn cứu vị bệ hạ này đến giờ, đây là lần đầu tiên hai người gặp nhau, hơn nữa còn gặp trong riêng tư. Đã vậy còn không phải vì việc công, điều này khiến hắn có hơi lúng túng. Bùi Thanh Hoằng đương nhiên không tin đối phương tìm mình đơn thuần chỉ vì muốn nói chuyện phiếm, vì vậy hắn chú ý đến từng cử chỉ giơ tay nhấc chân của mình, trước khi nói gì cũng phải uốn lưỡi bảy lần.
Bùi Thanh Hoằng nhanh chóng điều chỉnh lại trạng thái, thu vẻ mất tự nhiên trên mặt lại rồi nở nụ cười tựa gió xuân như thường ngày: "Bệ hạ nói đùa, ngài muốn trò chuyện cái gì, thần đương nhiên cực kỳ vui lòng tiếp chuyện. Chỉ sợ thần tử kiến thức nông cạn, đa phần chỉ hiểu bề nổi, không dám khoe khoang trước mặt bệ hạ, e là khiến bệ hạ tức giận."
Bùi Thanh Hoằng luôn luôn tự tin nhưng khiêm tốn là đức tính của người Lam quốc, tự cao tự đại cũng không phù hợp với dáng vẻ quân tử đoan chính của hắn.
"Kiến thức nông cạn, ngươi đây là nghi ngờ cô gia không biết nhìn người?"
Bùi Thanh Hoằng ngước mắt nhìn Thái Thúc Lan. Ngữ điệu của thanh niên mang ý chế nhạo nhưng đôi mắt lại không hề giận dữ, hiển nhiên là đang nói đùa. Hắn thu ánh mắt về: "Thần không dám. Nếu bệ hạ nguyện cùng vi thần đàm luận về thủy lợi đồn điền, vi thần đương nhiên sẽ cố gắng mà nói cho đĩnh đạc, chỉ sợ lại thao thao bất tuyệt khiến bệ hạ chán ghét."
"Được rồi, cô gia không muốn nói mấy lời khách sáo này với ngươi. Ngươi hài lòng với phần thưởng của cô gia chứ?" Lần này Thái Thúc Lan hỏi đến là thẳng thắn khiến Bùi Thanh Hoằng không khỏi ngạc nhiên.
Có lẽ Thái thượng hoàng ở trong hành cung thật sự hoảng loạn vì điều gì đó nên mới tìm hắn đến tâm sự. Hoặc cũng có thể là đối phương muốn thăm dò ý nghĩ của hắn khi làm thần tử, cũng có thể là vì nguyên nhân khác... Chỉ trong một cái chớp mắt ngắn ngủi, trong đầu Bùi Thanh Hoằng đã trăm xoay ngàn chuyển.
"Giải cứu bệ hạ là trách nhiệm và cũng là vinh hạnh của thần. Phần thưởng của bệ hạ khiến thần có phần kinh hoảng, nhưng cũng vô cùng vui mừng." Quân muốn thần chết, thần không thể không chết. Hộ giá đương nhiên có công, nhưng nếu Bùi Thanh Hoằng không cứu chắc chắn sẽ bị buộc tội. Bởi vậy, chỉ một lần cứu giá mà Thái Thúc Lan đã phong hầu ban thưởng hoàn toàn nằm ngoài dự liệu của hắn. Nhưng tóm lại đây vẫn là chuyện tốt, hắn đương nhiên vui vẻ từ tận đáy lòng.
"Hôm qua ta nghe thái y nói, thân thể Bùi ái khanh thận lửa hơi thịnh, nhưng có thể điều trị bằng đơn thuốc của thái y."
"Hả?" Đối phương thay đổi chủ đề quá nhanh, hơn nữa còn liên quan đến vấn đề sức khỏe của chính mình. Nhất thời Bùi Thanh Hoằng không kịp phản ứng, ngẩn người ngu ngơ hệt như một đứa trẻ.
Phản ứng của hắn khiến Thái thượng hoàng khẽ bật cười một tiếng. Bùi Thanh Hoằng trung thực trả lời: "Hành cung này có hơi bất tiện, phương thuốc kia thần đã đưa cho gia huynh. Sau khi xuống núi thần sẽ cố gắng điều trị, khiến bệ hạ phải hao tâm tổn trí rồi."
Điều khiến Bùi Thanh Hoằng thở dài nhẹ nhõm là, sau đó Thái Thúc Lan lại hỏi thêm vài câu, nhưng tất cả đều là việc công. Hắn có thể nói chuyện đỡ lúng túng hơn hẳn.
Cho đến khi đối phương có phần không tự nhiên mà chuyển chủ đề lần nữa: "Cô gia nhớ, hình như ái khanh đã cưới một nam phu nhân phải không?"
Mặc dù Bùi Thanh Hoằng không hiểu vì sao đối phương lại quan tâm đến chuyện nhà của mình nhưng vẫn gật đầu: "Thê tử của vi thần quả đúng là thân nam nhi, giống vi thần."
Nam nhân mặc long bào hoàng kim nhìn thẳng vào đôi mắt của Bùi Thanh Hoằng: "Vậy ngươi cảm thấy tính cách nam thê của ngươi thế nào? Cô gia vẫn nhớ, năm đó ái khanh đã thỉnh cầu thánh chỉ từ Tiên hoàng. Thánh chỉ cho phép ngươi tự do lựa chọn, nhưng chỉ được cưới duy nhất một người. Nam tử không thể sinh hạ dòng dõi cho ngươi, nếu cô gia cho phép ngươi nạp thiếp sinh con – coi như phần thưởng lần này, ái khanh có thấy vui vẻ hay không?" Thánh chỉ năm đó của Tiên hoàng thực chất không có điều cuối cùng, câu cuối kia thuần túy chỉ là y nhất thời hứng khởi nên tùy tiện thêm vào.
Bùi Thanh Hoằng thấy vẻ mặt của Thái Thúc Lan ngày càng kỳ lạ.
Bên kia Thái thượng hoàng đang đợi Bùi Thanh Hoằng trả lời, bên này gian phòng của Thường Tú vang lên tiếng gõ cửa: "Cha nuôi, bệ hạ bảo ta tới tìm ngài lấy vài thứ rồi chút nữa mang sang cho bệ hạ."
"Ngươi vào đi." Sau khi kiểm tra thấy lá thư vẫn còn đó, Thường Tú đặt lá thư vào tay áo lần nữa rồi để người tiến vào.
Người gõ cửa là một tiểu thái giám mi thanh mục tú, môi hồng răng trắng, ước chừng mới khoảng mười ba mười bốn tuổi. Trên người cậu là y phục của thái giám đại biểu cho vị trí quản sự, giọng nói thanh thúy còn mang theo vài phần mềm mại của thiếu niên.
Mặc dù không hề nguyện ý nhưng Thường Tú cũng phải thừa nhận rằng hắn đã già rồi. Người dân Lam quốc sống được đến bảy mươi đã có thể coi như trường thọ, vì không còn cái đó nên tuổi thọ của thái giám còn ngắn hơn người bình thường. Hắn đã ở bên Thái thượng hoàng đã lâu như vậy nhưng chắc chắn là không thể cùng y đi đến cuối cùng, phải bắt đầu bồi dưỡng người nối nghiệp từ sớm.
Bên cạnh đó, hắn là một thái giám, tuy đã tích lũy được rất nhiều vàng bạc châu báu nhưng lại không có người thân nào để cho đi. Đây là đứa con đầu tiên mà Thường Tú nhận nuôi trong cung, sau này sẽ giúp hắn lo hậu sự, theo họ của hắn, tên là Thường Kim. Những thái giám có cấp bậc cao và chủ tử hay gọi Thường Kim là Tiểu Kim tử.
Thường Kim cầm một bầu rượu ngon đến chỗ Thường Tú, miệng lưỡi mềm dẻo nịnh nọt Thường Tú đến là vui vẻ. Sau đó cậu nhỏ giọng hỏi cha nuôi mình những chuyện xưa mà hắn chưa kể hết.
Thường Tú vô cùng thoải mái khi được cậu xoa bóp bằng kỹ thuật hết sức thông thạo, híp mắt lại chậm rãi kể tiếp câu chuyện lần trước: "Nếu Tiểu Kim tử thích nghe, vậy ta sẽ kể tiếp chuyện lần trước. Thật lâu trước kia có một triều đại, có vương gia nọ..."
"Đoạn này lần trước cha nuôi kể rồi." Thường Kim ngắt lời Thường Tú. Cậu cũng biết không ít chuyện, Thường Tú lại kể rất dài dòng, cậu thật sự không muốn phải nghe lại đoạn này thêm lần nữa.
"Vậy lần trước tạp gia kể đến đâu rồi?"
"Cha nuôi kể đến chỗ hoàng tử bị Hoàng đế bỏ bê lạnh nhạt và một vị công chúa rất được sủng ái cùng tranh nhau một con thú cưng được vương gia gửi đến. Bọn họ còn xảy ra tranh chấp vì một thái giám rất hoạt bát đáng yêu."
"Phải phải, là đoạn đó." Thường Tú nói tiếp: "Kết thúc của câu chuyện là, con thú cưng kia và thái giám cùng chết, hơn nữa còn chết ngay trước mặt công chúa. Sau khi được gả đi, rốt cuộc vị công chúa kia vẫn chẳng thể có được kết cục tốt đẹp, mối tình si ấy là một sai lầm. Về sau nàng đã phát điên."