Lấy Vợ Lấy Phải Thái Thượng Hoàng

chương 97: cái kết viên mãn

Truyện Chữ
Trước
Sau
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Bùi Thanh Hoằng tiến cung mà không gặp phải bất kỳ trở ngại gì, thuận lợi vào cung điện của Thái Thúc Lan, Thường Tú vẫn đích thân dẫn đường cho hắn như mọi khi. Lúc vào cung, Thái Thúc Lan không sứt đầu mẻ trán như trong tưởng tượng của hắn. Đối phương đang giải quyết những sổ sách tồn đọng trong lúc y không có ở kinh thành.

Có một phần sổ sách lục bộ không có tư cách phê duyệt, Thái Thúc Lan lại không ủy quyền cho Thái Thúc Việt nên bây giờ y phải tự tay phê duyệt sổ sách bị trì hoãn đã lâu. Bùi Thanh Hoằng bước vào, điều đầu tiên hắn làm là hỏi chuyện của Thái Thúc Việt: "Vi thần là lão sư của Hoàng đế, chí ít là đã từng. Về tình về lý, ta đều nên gặp một lần mới phải."

Sau khi đóng cửa chỉ còn lại hai người, Thái Thúc Lan nói chuyện tùy ý hơn hẳn: "Dù sao cũng chỉ là người đã chết. Thi thể Hoàng đế đã nhập quan rồi, Mộc Chi có đi cũng chỉ có thể thấy một chiếc quan tài."

"Sao lại nhập quan nhanh vậy chứ?" Bùi Thanh Hoằng kinh ngạc, tốc độ này không tương xứng với lễ pháp mà hắn biết.

"Thi thể của Việt nhi đã bị hủy hoại hoàn toàn, nếu không nhập quan sớm thì lúc ấy mặt mũi của hoàng gia cũng bị hủy theo." Thái Thúc Lan gác bút son trong tay xuống, đứng dậy nói. Một khi đã liên quan đến mặt mũi của hoàng thất, ngay cả lễ pháp cũng có thể thay đổi.

"Ta có một phỏng đoán, hy vọng bệ hạ có thể giải đáp giúp vi thần." Nói rồi Bùi Thanh Hoằng lặp lại suy đoán hắn từng nói với Bùi Diên.

Thái Thúc Lan gật đầu tán dương: "Đúng là như vậy. Mộc Chi quả nhiên là người thông minh, lần này ngươi cũng đoán đúng tám chín phần mười. Chỉ có một điều Mộc Chi đoán không đúng, Tiết Thành chỉ mới nhận được mệnh lệnh cách đây không lâu. Bị thúc ép liên tục nên y đã mưu sát Hoàng thượng, sau đó cũng chết theo Việt nhi. Thi cốt hai người đều thối rữa một chỗ, nếu để lâu bộ dạng sẽ càng khó coi hơn, vì vậy cô gia mới cho người nhập quan thi thể Hoàng thượng gấp như vậy."

Chắc hẳn tình cảnh còn khó coi hơn Thái Thúc Lan miêu tả nhiều, vì vậy Bùi Thanh Hoằng không hỏi thêm nữa, thay vào đó đề cập đến Bùi gia: "Còn hai điều, vi thần hy vọng bệ hạ có thể hứa với vi thần."

Hắn hy vọng Thái Thúc Lan có thể phê chuẩn cho Bùi Diên từ quan, đồng thời cùng ông thuyết phục Diệp thị bỏ ra bốn phần năm sản nghiệp. Nếu không giữ được Bùi gia, đừng nói là một phần năm, ngay cả một phân tiền bọn họ cũng không cầm nổi. Không có gì quan trọng hơn so với việc giữ được Bùi gia.

"Nương ngươi đồng ý sao?" Thái Thúc Lan tương đối tán thưởng thái độ của Bùi Diên, nhưng y không nghĩ rằng Diệp thị cam lòng bỏ ra nhiều như vậy. Đặc biệt là lúc Bùi Diên thuyết phục bà, lý do kia thực sự không dễ mở miệng.

"Cha sẽ khiến nương đồng ý thôi." Dù Bùi Diên luôn nghe theo Diệp thị, nhưng mội khi đã là đại sự thì bà không tài nào lay chuyển được Bùi Diên. Cho dù không giải thích cặn kẽ, chỉ cần nhắc tới Bùi gia, nhắc tới hoàng thất, Diệp thị không phải loại người không hiểu chuyện.

Thái Thúc Lan chăm chú nhìn hắn nửa ngày rồi mới nói: "Nếu đã vậy, cô gia cam đoan với Mộc Chi. Dưới gầm trời này không một ai có thể rung chuyển Bùi gia."

Bùi Thanh Hoằng mỉm cười: "Đã có bệ hạ đảm bảo, vi thần đương nhiên tin tưởng."

Sự trở lại của Thái thượng hoàng và cái chết của Thái Thúc Việt đã tạo thành xáo trộn cực lớn cho trên dưới triều chính. Tả tướng Bùi Diên từ chức, Thái thượng hoàng nhiều lần tỏ ý muốn giữ lại, cuối cùng cũng lựa chọn đồng ý.

Thê tử của Bùi Diên – Diệp thị - đã hiến tặng bốn phần năm gia sản cho triều đình để cứu tế khắp nơi, phát triển giáo dục, thành lập nhiều trường tư, lấy danh nghĩa của triều đình để miễn chi phí học tập cho những học sinh nghèo khó.

Thái thượng hoàng cũng hào phóng không kém, ban thưởng cho Diệp thị một tấm kim bài miễn chết. Có người nói Tả tướng Bùi Diên có quan hệ với dư nghiệt tiền triều, thậm chí còn có tin đồn nói con trai thứ ba của Bùi gia Bùi Thanh Lân chính là dư nghiệt tiền triều.

Thái thượng hoàng đã bác bỏ lời đồn vô căn cứ, hạ chỉ cho tiền Tả tướng Bùi Diên tới Quốc Tử Giám dạy học. Mọi tin đồn đã bị y dập tắt hoàn toàn với thái độ cứng rắn.

Đối với bách tính, Bùi Diên có dính dáng tới dư nghiệt tiền triều hay không không quan trọng. Ông không làm việc gì phản quốc, lại giúp bọn họ có cuộc sống tốt hơn, ông là con người tuyệt vời đã tặng hết gia tài cho nhân dân. So với những quan viên miệng treo toàn lời hay ý đẹp mà lại âm thầm vơ vét mồ hôi nước mắt của nhân dân thì tốt hơn gấp trăm lần. Đế vương đã không để ý thì tin đồn trong dân chúng cũng nhanh chóng lắng xuống.

Sau đó Thái Thúc Lan đã bắt được không ít thế lực của dư nghiệt tiền triều, đồng thời y cũng cho thiên hạ biết thiên tử Thái Thúc Việt đã bị dư nghiệt tiền triều Tiết Thành sát hại. Thái Thúc Lan nhân cơ hội này rút sạch đinh gỉ trong triều đình, phái bảo thủ chịu tổn thất không nhỏ, mấy lão già vô dụng luôn chống lại Thái Thúc Lan cũng vì lần này mà trọng thương.

Cuộc đại thanh trừng triều đình thành công mỹ mãn, vì lần biến động này ảnh hưởng cực lớn đến Đại Lam, năm này lại là năm Ất Mùi nên lịch sử gọi là "Biến cố Ất Mùi".

Tiền Thái hậu Chương thị vì mất đi ái tử nên bi thương quá độ, tích tụ tâm bệnh, sau nửa năm cũng đi theo Tiên đế. Chương gia mất đi hai hậu thuẫn lớn nhất, lúc này những người không vừa mắt bọn họ nhưng kiêng kị Thái hậu và Hoàng đế liền thừa cơ bỏ đá xuống giếng, thêm vào đó còn bị Thái Thúc Lan chỉnh đốn lại.

Nhất thời Chương gia tan đàn xẻ nghé, ngày trước kiêu căng phách lối là thế giờ lại rơi vào kết cục thê lương, Chương phủ không một bóng người, hoàn toàn không còn dáng vẻ quang vinh trước kia.

Thái Thúc Lan chấn chỉnh triều đình, Bùi Thanh Hoằng thân là một thần tử rất được Thái thượng hoàng coi trọng, do đó gần như bước đi nào của y cũng có sự tham gia của hắn. Cái chết của Chương thái hậu đương nhiên không chỉ là cái gọi là ưu tư quá nặng. Phàm là người hiểu biết đôi chút về Chương thị đều biết nàng là một nữ tử có dã tâm cực lớn, khát vọng sinh tồn mạnh mẽ hơn người thường rất nhiều. Quyền thế trong tay Chương thị không kém gì con trai nàng Thái Thúc Việt, nếu không có Thái Thúc Lan thúc đẩy sau lưng, nhất định nàng vẫn sẽ sống tốt dù phải chịu nhục nhã.

Bùi Thanh Hoằng không có cảm giác gì với cái chết của Chương thị. Còn Diệp thị, trước đây quả thực bà có âm thầm tỏ thái độ về việc phải hiến dâng tài sản, nhưng sau khi thấy kết cục của Chương gia bà hoàn toàn không còn cảm giác bất mãn nữa. Đặc biệt là lúc tin đồn Bùi gia có liên quan tới dư nghiệt tiền triều nổi lên bốn phía, bà càng cảm thấy biết ơn vì trượng phu đã thuyết phục mình thực hiện hành động sáng suốt này.

Có tiền mà mất mạng thì để làm gì, không có tiền thì kiếm lại là được. Nếu không chịu bỏ số tiền kia ra thì lúc này bà đã trở thành tội nhân của Bùi gia rồi. Còn về mấy lời đồn kia, dù không ai trong nhà thẳng thắn cho bà biết chân tướng, nhưng trực giác cho Diệp thị biết những lời đồn kia không hoàn toàn sai sự thật.

Cho dù mơ mơ hồ hồ đoán được chân tướng, nhưng Diệp thị chưa từng vì vậy mà ghét bỏ con trai Bùi Thanh Lân. Một là vì đã bỏ ra tình cảm hơn mười năm, không thể nói vứt bỏ là vứt bỏ, hai là vì chính Bùi gia. Nếu bà không để tâm đến Bùi Thanh Lân nữa thì chẳng phải càng khẳng định lời đồn hay sao? Chính vì vậy Diệp thị chỉ có thể đối xử càng tốt hơn với Bùi Thanh Lân chứ không phải lạnh nhạt.

Về Kiều An Nhiên, một phần vì hổ thẹn, một phần vì tình thương của một người mẹ, bà đã vui vẻ đồng ý với đề nghị nhận cậu làm nghĩa tử của Bùi Diên. Cho cậu cái danh nghĩa tử rồi gọi cha gọi mẹ, cũng không khác là bao. Kiều An Nhiên chắc chắn không thể nhận tổ quy tông, nhưng bà nhất định sẽ tận tâm tận lực cưới cho cậu một cô nương tốt. Thấy hai người con trai đều sống hạnh phúc, cuối cùng bà cũng có thể yên lòng.

Đất nước không thể không có vua dù chỉ một ngày, Thái Thúc Việt đột tử, vị trí quốc quân đương nhiên phải có người khác ngồi. Đại thần đề ra hai giải pháp, một là Thái Thúc Lan chỉ định một người thích hợp trong dòng tộc đăng cơ, hai là Thái Thúc Lan đăng cơ lần nữa.

Nếu Thái thượng hoàng vẫn còn thì tân đế chỉ có thể làm bù nhìn, triều đình lại mới đổi một nhóm người mới nên Thái thượng hoàng hài lòng hơn ban đầu rất nhiều. Dưới sự khẩn cầu bức thiết của bách quan, cuối cùng Thái Thúc Lan cũng đáp lại lòng dân, nhân cơ hội này đăng cơ lần nữa.

Tình cảm của hai người chập chững tiến về phía trước, phải mất một thời gian dài Bùi Thanh Hoằng mới bị Thái thượng hoàng Thái Thúc Lan làm cho động tâm.

Khi tình cảm của hai người ngày càng bền chặt, Bùi Thanh Hoằng bắt đầu có một vấn đề mới phải sầu lo. Bên người Thái thượng hoàng không có nữ tử, vị trí Hoàng hậu và phi tần trong hậu cung bị bỏ trống đã lâu, vì vậy quan viên dồn hết sức lực để nhét nữ nhân vào cung Thái Thúc Lan. Thái Thúc Lan cản hết lần này đến lần khác nhưng ít nhiều gì cũng tốn biết bao nước bọt, cưới một nữ tử để chặn miệng những người này vẫn là cách giải quyết tốt nhất.

Bùi Thanh Hoằng thường xuyên lại cung bàn chuyện thâu đêm suốt sáng với tân hoàng Thái Thúc Lan, khó tránh khỏi việc nhìn thấy một hai tấu chương giục y nạp phi. Khi đứng trong triều đình, bản thân hắn cũng không phải hoàn toàn không biết đồng liêu của mình nghĩ gì.

Bùi Thanh Hoằng cũng biết giang sơn xã tắc phải có người kế thừa, nhưng từ sâu thẳm trong trái tim hắn vẫn không thể nào chấp nhấn được việc bên người Thái Thúc Lan có nữ tử khác. Sự lo lắng này vô tình thể hiện qua lời nói hành động thường ngày của hắn. Thái Thúc Lan vốn dĩ tâm tư tinh tế thấu hiểu lòng người, nhân lúc rảnh rỗi liền dùng một tấu chương đề cập đến vấn đề Thái tử với hắn.

Trước câu hỏi thẳng thắn của Thái Thúc Lan, Bùi Thanh Hoằng cũng cực kỳ thẳng thắn mà bày tỏ suy nghĩ của mình: "Ta biết bệ hạ cần có người thừa kế, nhưng ta không muốn chấp nhận bên cạnh ngươi có nữ tử khác, nam tử cũng không được!"

Đây là lần đầu tiên Bùi Thanh Hoằng trực tiếp thể hiện tính chiếm hữu sau khi hai người làm hòa. Khóe miệng Thái Thúc Lan cong cong thỏa mãn, y nghiêm túc nói: "Cô gia sẽ không nạp phi. Trước kia không, hiện tại không, sau này cũng sẽ không."

Y nói được thì làm được. Về vấn đề người kế thừa, Thái Thúc Lan nhận một huyết mạch Thái Thúc trong hoàng tộc làm con nuôi, sắc phong làm Thái tử Đại Lam, đồng thời khiển trách những quan viên tối ngày nghĩ cách nhét mỹ nhân vào hậu cung của y. Chuyện nạp phi cứ như vậy mà khép lại.

Sau khi chôn cất Hoàng đế Thái Thúc Việt, Thái Thúc Lan bắt tay vào tu kiến hoàng lăng. Công nhân tham dự tu kiến hoàng lăng thường không có kết cục nào khác ngoài cái chết, nhưng lần này Bùi Thanh Hoằng lại tham gia một phần đáng kể. Phần lớn thiết kế do hắn tự tay vẽ, bởi lẽ đây là nơi hắn sẽ ở cùng Thái Thúc Lan trăm năm về sau.

Thực ra Bùi Diên tương đối áy náy vì Bùi Thanh Hoằng không thể nhập mộ tổ Bùi gia, có điều trứng không chọi nổi đá, Bùi gia không thể trái lệnh hoàng thất. Vì vậy ông chỉ có thể cố gắng đền bù cho thứ tử ở những mặt khác, Bùi Diên đối tốt với Bùi Thanh Hoằng hơn trước kia những ba phần.

Khi việc tu kiến hoàng lăng gần như đã hoàn thành, Bùi Thanh Hoằng cùng Thái Thúc Lan đi xem thử. Mưa bụi tí hon tung bay khắp trời, hắn mặc trường bào lam đậm che ô giấy dầu cho đối phương, còn Thái Thúc Lan mặc một bộ thường phục đen tuyền, toàn thân tuấn lãng như ngọc.

Hai người đứng trên cao nhìn xuống hoàng lăng bên dưới. Thỉnh thoảng Thái Thúc Lan lại nghiêng đầu liếc nhìn hắn, khi mưa càng lúc càng nặng hạt y không nhịn được mà hỏi lại: "Trăm năm về sau Mộc Chi sẽ an táng cùng cô gia trong hoàng lăng này sao?"

Bùi Thanh Hoằng gật đầu: "Một khi đã hứa với bệ hạ, vi thần tuyệt nhiên sẽ không nuốt lời."

Nói rồi hắn thưởng thức bộ dáng thở phào nhẹ nhõm của đối phương. Giọng nói của Thái Thúc Lan tràn ngập niềm vui sướng: "Vậy là Mộc Chi sẽ ở bên cạnh cô gia, đời đời kiếp kiếp cùng nhau ngắm nhìn giang sơn đẹp như tranh vẽ."

Bùi Thanh Hoằng ít khi hứa hẹn, vì một khi đã hứa hắn nhất định sẽ thực hiện. Cho dù không tin vào số mệnh luân hồi, nhưng thấy vẻ mặt vui vẻ của đối phương hắn cũng cười rộ theo, nhẹ nhàng đáp lại.

"Được."

- Hoàn -

Truyện Chữ
Trước
Sau
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio