(Chúc Ông)
Thôn Chúc, huyện Tế Dương, có ông họ Chúc, tuổi hơn năm mươi ốm chết.
Người nhà đang tất bật sửa soạn làm tang, bỗng nghe tiếng ông gọi gấp, vội chạy đến chỗ đặt thi thể thì ông đã sống lại. Mọi người mừng quýnh xúm quanh hỏi han. Ông chỉ bảo riêng bà vợ:
- Tôi vừa mới đi, đâu tính chuyện trở lại. Nhưng đi được mấy dặm đường, nghĩ đến cái thân già mình còn ở lại phải nhờ vả lũ con, khi nóng nực, lúc rét mướt đều trông cậy ở người, sống như thế còn thú gì, chẳng thà cùng đi với tôi thì hơn. Bởi vậy tôi phải trở về rủ cả mình cùng đi nốt.
Ai cũng cho là ông mới sống lại nói mê nói sảng, không tin. Ông lại nhắc lại. Bà vợ nể lời đáp:
- Kể như thế cũng hay. Nhưng đang sống khoẻ mạnh trờ trờ thế này, chết ngay sao được.
Ông lấy tay vẫy, giục đi nói:
- Có khó gì! Những việc nhỏ nhặt trong nhà, xếp đặt qua loa chốt lát nhanh thôi!
Bà vợ cười nấn ná không đi.
Ông ta lại giục.
Bà chiều ý, ra ngoài cửa chốc lát quay vào, nói quấy nói quá:
- Đã thu xếp ổn cả rồi.
Ông bảo đi thay quần áo tử tế. Bà chần chừ, ông lại giục gấp.
Bà không nỡ trái ý cũng phải làm theo.
Con cái trong nhà, con gái con dâu đều bịt miệng cười.
Ông đặt đầu mình lên gối, vỗ vỗ tay bảo bà nằm xuống bên cạnh. Bà sượng sùng:
- Con cái đứng cá đó chúng nó cười cho, nằm sóng đôi nhau sườn sượt còn ra cái gì!
Ông đập mạnh tay xuống giường gắt:
- Cùng chết với nhau, cười cười, có cái gì đáng cười!
Con trai con gái thấy bố nổi nóng quá cũng khuyên mẹ tạm chiều.
Bà đành phải nghe theo, ghé mình nằm xuống cạnh nhau gối chung gối.
Cả nhà cùng phì cười mà không dám cười lên.
Lát sau nụ cười bà dịu đi, mắt nhắm dần lại. Chút nữa, nằm im bằn bặt lịm dần như ngủ hẳn.
Các con thấy lạ, lại gần để coi thì da thịt bà đã lạnh, hơi thở tắt hẳn. Thăm đến ông cũng thế.
Năm Khang Hi thứ , người em dâu ông Chúc đến làm thuê ở nhà ông thứ sử họ Tất, kể lại chuyện rõ rành lắm.
NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch