( Hồ hài)
Vạn Phúc - tự Tử Đường, người Bắc Hưng thuở nhỏ đã theo đòi nghiệp nho, của nả không có gì lắm mà vận lại chậm, đã hai mươi có lẻ mà vẫn chưa giật được mảnh tú tài. Theo lệ tục hương thôn lúc ấy, nhiều người bị khoác chức trưởng lý đến nỗi khuynh gia bại sản. Vạn bị ép sung chức ấy, sợ quá bỏ trốn đến Tế Nam, thuê quán trọ ở.
Ban đêm có cô gái lần tới, nhan sắc cũng khá. Vạn vừa lòng, cùng nhau tư tình. Hỏi họ tên, cô ta đáp:
- Thú thực tôi là hồ ly, nhưng không làm hại anh đâu.
Van mạùng, không nghi ngờ gì cả. Cô gái còn dặn Vạn chớ ở chung với ai, hàng ngày cô sẽ tới cùng ăn nằm một giường. Thế là từ đấy mọi chi phí hàng ngày của Vạn đều do cô ta cung cấp.
Được ít lâu, vài ba người quen biết đến thăm hỏi, rồi ở lì cả đêm không về. Vạn ớn họ quá, song không nỡ cự tuyệt, bất đắc dĩ phải nói thực. Khác ngỏ ý muốn được chiêm ngưỡng dung nhan người đẹp, Vạn nói thẳng với Hồ nữ. Hồ bảo khách:
- Xem tôi làm gì? Tôi cũng như mọi người vậy thôi! Nghe tiếng nói thỏ thẻ cứ như ở trước mặt, nhìn khắp bốn chung quanh lại chẳng thấy đâu.
Khách có người tên là Tôn Đắc Ngôn vốn giỏi khôi hài cố ý xin gặp mặt. Anh ta năn nỉ:
- Được nghe giọng oanh, hay bay phách lạc. Còn giấu dung nhan làm gì khiến người mới nghe tiếng đồn mà lăn ốm tương tư.
Hồ cười đáp:
- Cháu hiền muốn vì bà cụ tổ họa bức hình hành lạc ( bức họa về những biểu hiện khoái lạc, những động tác trong tình dục) chăng?
Khách có mặt lại cười. Hồ lại nói:
- Tôi là hồ, xin vì khách kể chuyện hồ, khách có vui lòng nghe không?
Mọi người đều vân dạ, hưởng ứng. Hồ kể:
- Xưa ở lữ quán nọ có nhiều hồ lắm, thường hiện hình làm hại khách. Khách qua lại biết, rỉ nhau đừng trọ ở đó. Nửa năm sau hàng quán tiêu điều, chủ nhân lo quá, rất kiêng nói đến Hồ. Bỗng có một khách phương xa, tự xưng là người nước ngoài, đến cửa quán ấy thì dừng lại nghỉ. Chủ nhân đon đả rước vào. Lập tức có người đi đường mách kín với khách: nhà ấy có Hồ đấy! Khách sợ, nói thẳng với củ nhân rồi định bỏ đi nơi khác. Chủ nhân ra sức biện bạch, đó là lời nói bậy. Khách ở lại, vào nhà,, vừa ngã lưng đã thấy đàn chuột rút rích dưới gầm giường. Khách sợ quá, chạy bổ ra đường, hét tướng lên: “Có hồ!” Chủ nhânn hoảng hỏi sự tình, khách oán trách:
- Tổ Hồ ở đây, sao nói dối ta không có?
Chủ nhân lại hỏi: “Hình thù nó thế nào?” Khách đáp:
“Ta nay mới thấy, nó nho nhỏ, không phải là Hồ con tất là Hồ cháu”.
Hồ kể xong, tất cả khách trong nhà đều không nhịn được cười. Tôn lại dọa:
- Nếu không cho xem mặt, bọn tôi ngủ lại; cũng xin ai đó đừng bỏ đi, bỏ lỡ cuộc hẹn đợi mây mưa.
Hồ lại cười:
- Các ông cứ nghỉ lại, không sao. Nếu có làm điều gì ngỗ nghịch một tý, xin các ông chớ có trệ bụng ra thôi. Khách sợ bị cợt nhã quá đáng, đều cùng nhau chia tay ra về.
Sau đó, cứ vài ngày họ lại đến, quần tụ, đòi Hồ trêu cợt. Hồ khôi hài thậm giỏi, hễ cất tiếng là khách cười ngả cười nghiêng, đến ngay những người có tài hoạt kê cũng không thể hơn được, mọi người gọi đùa nàng là “Hồ nương tử”.
Một hôm, bày rượu tụ hội vui mừng. Vạn ngồi ghế chủ, Tôn và hai khách nữa chia ngôi tả hữu. Còn đặt một cái giường để mời Hồ, Hồ kiếu từ vì không hay rượu. Tất cả đều mời Hồ cùng ngồi nói chuyện, Hồ nhận. Rượu được vài tuần, khách bày trò ném súc dắc làm tửu lệnh “qua man” ( dây dưa). Khách trúng màu dưa, phải uống rượu, liền đùa nâng chén đưa lên giường nói:
- Hồ nương tử, bậc đại tinh, xin tạm cạn một chén.
Hồ cười:
- Tôi vốn không uống, xin kể một câu chuyện để góp vui cho cuộc rượu.
Tôn đã bị nhiều vố, nên bịt tai lại ra vẻ không muốn nghe. Những người khác đều đồng thanh:
- Nếu còn trêu chọc người thì phải phạt.
Hồ cười:
- Nếu tôi trêu chọc Hồ thì sao?
Tất cả đáp “được”, rồi cùng nhau giỏng tay nghe. Hồ kể:
- Ngày xửa ngày xưa có một bậc đại thần đi sứ nước Hồng Mao (chỉ nước Anh hoặc Hà Lan) đội mũ lông hồ, vào yết kiến quốc vương nước ấy. Vua trông thấy cái mũ lạ, hỏi lông gì mà vừa dầy vừa mềm như thế? Quam đaị thần thưa: lông hồ. Quốc vương bảo: Bình sinh ta chưa được nghe nói tới, tự dạng chữ “hồ” như thế nào. Vị đại thần lấy tay vạch lên không tâu rằng: bên phải là chữ “qua” lớn, bên trái là chữ “khuyển” nhỏ (). Thế là chủ kahch cười ầm cả nhà.
Trong số ba người khách, ngoài Tôn ra, có hai anh em họ Trần một người tên Sở Kiến, một người tên Sở Văn. Họ thấy Tôn bị hố nhiều quá, liền nói chọc Hồ:
- Hồ đực đi đâu mà để Hồ cái ác hại thế này?
Hồ nói thêm:
- Ấy, câu chuyện còn chưa hết thì đã bị sủa loạn lên, giờ xin kể tiếp. Quốc vương Hồng Mao thấy sứ thần cưỡi một con la, cũng lấy làm lạ. Sứ thần thưa rằng: con này do con ngựa đẻ ra. Vương lại càng lạ lắm. Sứ thần giải thích: Ở Trung Quốc chúng tôi, con ngựa đẻ ra con la, con la đẻ ra con ngựa choai. Vương hỏi rõ hình dáng chúng. Sứ thần đáp: Ngựa đẻ la đó là Thần Sở Kiến; la đẻ ra ngựa choai đó là Thần Sở Văn (chú ý tên hai ông khách họ Trần là Sở Kiến và Sở Văn).
Cử tọa lại cười ầm ĩ.
Họ cho là không thể địch nổi mồm mép Hồ nữ. liền giao hẹn đây nếu ai khơi ra chuyện ngạo ngược nữa thì phạt làm chủ rượu, phải bỏ tiền khao.
Lát sau, rượu ngà ngà, Tôn nói đùa với Văn:
- Tôi có vế đối, thách các vị đối.
Hỏi như thế nào, Tôn đọc:
- “Kỹ giả xuất môn phỏng tình nhân, lai thời: vạn phúc, khứ thời: vạn phúc ().
Mọi người trên bàn rượu nghĩ mãi không ai đối được. Hồ lúc ấy mới khẽ cười:
- Tôi có câu đây.
Mọi người lắng tai nghe. Đọc:
- “Long vương hạ chiếu cầu trực gián, miết dã đắc ngôn, quy dã đắc ngôn. ()
Mọi người lại cười rũ ra. Tôn giận lắm, trách Hồ:
- Đã giao hẹn thế, sao còn dám phạm.
Hồ cười dàn hòa:
- Đúng là tôi có lỗi, song nếu không thế thì không thể đối cho sát được. Sớm mai xin đặc tiệc để chuộc lỗi.
Mọi người cười xòa ra về.
Hồ khôi hài như thế, không thể kể hết được. Ở với nhau được vài tháng. Hồ cùng với Vạn về quê. đến địa giới Bắc Hưng, Hồ bảo với Vạn:
- Ở đây tôi có người bà con xa, đã lâu không qua lại, không thể không vào thăm hỏi. Trời cũng đã tối, ta cùng vào nghỉ, đợi sáng mai lại đi.
Vạn hỏi ở khoảng nào? Hồ nói:
- Không còn xa nữa.
Vạn ngờ ngợ, trước đây chốn này làm gì có làng mạc nào, song cứ đi theo. Qua hai dặm đường quả thấy một trang trại mà Vạn chưa bao giờ đến. Hồ gõ cổn, một người hầu ra mở cửa. Vào trong thì cửa tiếp cửa, gác nối gác, ra dáng là cảnh thế gia. Lúc sau, chủ nhân ra, hai ông bà lão, bái Vạn mời ngồi bày tiệc linh đình, khoản đãi như họ hàng thân thích. Hai người nghỉ lại đấy.
Sáng sớm hôm sau, Hồ bảo Vạn:
- Tôi về ngay cùng với anh, sợ đột ngột cho mọi người. Anh cứ về trước, tôi đi tiếp sau.
Vạn theo lời, về nhà trước nói rõ với gia nhân. Lát sau Hồ cũng tới, nói cười với Vạn, mọi người đều nghe rõ, song không nhìn thấy người.
Năm sau, Vạn lại có việc đi Tế, Hồ cùng đi. Bỗng có mấy người tới, Hồ đi theo hàn huyên mọi nỗi. Sau đó Hồ nói với Vạn:
- Tôi vốn gốc ở Thiểm Trung, cùng chàng có mối túc duyên cho nên theo chàng gả ngã bấy lâu. Nay anh em tôi đã đến, tôi sẽ theo về, không thể ở chung vui trọn đời.
Vạn cố sức lưu lại không được.
NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch.
()Theo tự dạng chữ Hán, chữ “hồ” (狐) gồm có hai chữ “qua” (瓜) và “khuyển” (犭). Trong truyện, trò tửu lệnh này gọi là “qua man”: khách ngồi bên phải vừa bắt phải “màu dưa” (qua) còn khách ngồi bên trái bị ám chỉ là khuyển. Hồ lanh trí chơi chữ xỏ khách.
() nghĩa là: kỳ nữ ra khỏi nhà thăm tình nhân, lúc đến chữa “vạn phúc”l úc đi chữ “vạn phúc”. Vạn phúc: lời chào hỏi chúc tụng.
() chơi chữ, nghĩa là: long vương hạ chiếu cầu lời nói thẳng, ba ba cũng được, ruà cũng được. Chỗ hay và ẩn ý của câu này ở chỗ chữ “miết” (鼈) dùng nghĩa đen là con ba ba, “quy” (龜)là con rùa, thì có thể hiểu như trên. Song hai chữ ấy đối với vế trên được dùng như một động từ (đối với lai và khứ) thì lại có nghĩa khác: quy là thả rông cho vợ con đi lang chạ.