( Hồ mộng)
Bạn ta ( tác giả tự xưng), Tất Di Am, là người phóng túng ít ai bì. Khuôn mặt ông ta đẫy đà, râu rậm. Trong đám sĩ lâm đều biết danh tiếng.
Khi có việc, Tất hay đến nhà riêng ông chú làm quan thứ sử, lên trên lầu nghỉ ngơi. Người ta thường đồn đại trên lầu có nhiều hồ tinh. Trước đây, mỗi khi đọc truyện Thanh Phượng do ta chép. Tất tỏ ý rất hâm mộ, chỉ hận nỗi sao mình chưa một lần gặp được hồ. Nhân ở lầu này, ông lại càng đắm đuối tơ tưởng.
Ngày ấy, khi trở về buồng thì đã nhá nhem tối, trời nóng bức quá, ông nằm ngay trước cửa mà ngủ. Trong giấc ngủ, có người lay gọi, ông tỉnh dậy thấy một người đàn bà trạc ngoại tứ tuần nhưng còn có chiều phong vận lắm. Tất sửng sốt hỏi là ai, người ấy đáp:
- Tôi là hồ ly đây. Được ông mơ ước bấy lâu, tôi thầm cảm tấm lòng ấy mà đến.
Tất thấy nói thế mừng cuống, đã giở giọng trăng hoa. Nhưng người đàn bà cười bảo:
- Tôi đã luống tuổi rồi. Ví bằng người không nỡ chê, tự tôi đã hổ thẹn trước. Tôi có đứa con gái nhỏ đến tuổi cập kê, có thể nâng khăn sửa túi cho ông được. Đêm nay xin đừng để cho ai ở nhà này, nó sẽ đến. Tối hôm sau, Tất đốt lò hương ngồi đợi. Quả nhiên người đàn bà dắt đứa con gái đến. Thật là một tuyệt thế giai nhân. Người đàn bà dặn con gái:
- Tất lang có duyên túc thế với con. Vậy con ở lại đây. Sớm mai phải về sớm, đừng có ngủ quên.
Tất nắm tay nàng dắt vào màn, mây mưa vui thú. Xong rồi cô gái nửa đùa nửa thật cười bảo:
- Gớm chết! Chàng vừa béo nặng vừa cuồng si, ai mà chịu nổi.
Chưa sáng rõ cô gái đã đi, vừa tối lại đến, bảo Tất:
- Mấy chị em nhà mở tiệc định mời chàng rể mới. Mai chàng cùng đi với em nhé!
Mãi ở đâu?- Tất hỏi.
- Bà chị cả làm chủ tiệc. Cách đây cũng không xa.
Đêm sau ngồi đợi mãi không thấy cô gái đến. Tất cảm thấy người mệt mỏi, liền gục đầu lên bàn. Cô gái tới tỏ ý áy náy:
- Chết nỗi! để chàng phải đợi lâu quá!
Nói rồi nắm tay Tất dẫn đi, tới một nơi có nhà cửa nguy nga. Đi thẳng vào gian chính thất thấy đèn đuốc lấp lánh như sao sa. Giây lát chủ nhân bước ra, trang phục đơn giản nhưng đẹp tươi vô ngần, khép nép thi lễ mừng chàng rể mới. Sửa soạn vào tiệc, con hầu bảo cô Hai tới. Cô Hai trạc tuổi từ mười tám đến mười chín, vừa vào đã hướng vào cô dâu mới cười đùa:
- Em thế là biết mùi đời rồi nhé! Sao? Được anh chàng như vậy có vừa lòng không?
Cô em cầm quạt đập vào lưng chị, lơ lơ nhìn không bắt lời. Cô Hai cười, tiếp:
- Nhớ lại chị em mình còn bé hay chơi vật lộn nhau. Em sợ bị cù vào mạng sườn, người ta chỉ mới giơ ngón tay ra là đã cười lăn cười lóc. Em tức chị, nguyền chị sẽ lấy phải anh chồng lùn tịt. Chị trả đũa em: con oắt con thế nào cũng vớ phải anh chàng rậm râu, để khi hôn hít râu nó cù cho biết tay. Nay đúng thế chứ còn gì?
Chị cả cũng bật cười, giải hòa:
- Cái cô này! Chả trách em Ba nó cáu giận cũng phải. Ai đời rể mới đang ở dây mà ăn nói không giữ ý giữ tứ gì cả.
Kế đó, mọi người cùng ngồi vào bàn tiệc, trò chuyện vô cùng rôm rả. Bỗng nhiên một thiếu nữ bế mèo đến, tuổi chừng mười một đến mười hai, tóc chưa bím nhưng cốt cách đã lộ vẻ thanh tú. Cô cả đon đả:
- Em Tư cũng muốn xem mặt anh rể ư? Nhưng tiếc quá, đây hết ghế rồi, không có chỗ cho dì út.
Nói rồi bế em đặt lên đùi mình, lấy bánh trái cho nó ăn. Được một lát bế em vừa đặt vào lòng cô Hai vừa nói:
-Úi chà, nó đè lên đùi tôi đau quá không chịu được.
Cô Hai vội phân bua:
- Con nhỏ này mới bằng ấy tuổi mà thần xác đã nặng như cối đá. Tôi ốm o thế này chịu sao nổi? Nó muốn xem mặt ông anh rể, thì đây ngồi lên đùi anh. Ông to béo này mới chịu nổi mày.
Rồi xốc luôn em đặt vào lòng Tất. Tất ôm em vợ vào lòng hương thơm phưng phức mà cảm thấy nhẹ tênh như không, rồi cùng uống rượu chung chén với em. Cô Cả nhắc:
- Con ranh chớ có quá chén đấy, kẻo say mà luống cuống thì ông anh cười cho!
Cô bé nghe thế cười khanh khách, lấy tay nghịch mèo làm nó kêu eo eo. Cô Cả thét lên:
- Sao không vứt nó đi cho rồi? Cứ ôm lấy nó trêu ngậu lên.
Cô Hai bỗng nãy ý hay:
- Thôi cứ để cho nó ôm mèo. Mượn ngay nó làm tửu lệnh cho vui cuộc rượu thế này nhé: cái đũa này cứ chuyền tay nhau, đến tay ai mèo kêu thì người đó phải uống rượu..
Mọi người vỗ tay tán thưởng. Lạ quá đũa này cứ đến tay Tất là mèo kêu ré lên. Tất vốn là tay bợm rượu, phải uống liền mấy chum lớn, lúc ấy mới rõ: cứ đũa đến lượt Tất là cô bé lại bóp cho mèo kêu. Phát hiện ra mọi người cùng phá lên cười. Cô Hai bảo em út:
- Thôi! Em bé đi ngủ đi. Mày ngồi đè nặng đùi ông anh lâu rồi, sợ chị Ba mày oán đó.
Cô bé vâng lời, ôm mèo quay ra. Cô Cả thấy Tất uống giỏi quá liền gỡ cái độn tóc ( ngày xưa phụ nữ TQ [hạng trung lưu] thường đeo tóc giả cuốn quanh một cái độn bằng gô, tựa như cái chén bên trong gắn sơn. Do đó có thể dùng cái độn ấy đựng rượu) rót rượu vào nàng mời. Tất ngó cái độn chỉ như cái chén con nhưng khi uống thì lượng rượu nhiều đến dễ bằng mấy đấu. Uống cạn rượu nhìn lại thì hóa ra tàu lá sen.
Cô Hai cũng tự mình chuốc rượu mừng. Chàng từ chối không thể kham được nữa. Cô ta lấy hộp son, bé tí như viên đạn, ân cần khuyên mời:
- Chú không uống được nhiều thì tôi chỉ mời một chút gọi là có thôi.
Tất nhìn cái hộp son bé tí, tưởng chỉ một hớp là xong. Ai ngờ tiếp đến hàng trăm hớp, rượu vần chưa hết.
Cô Ba- vợ Tất- ngồi bên cạnh thấy thế lấy cái chén hạt sen bé tí tẹo, thay thế cho cái hộp son, vừa cười vừa bảo chồng:
- Anh đừng để kẻ gian lường gạt!
Vừa nói vừa để cái hộp son lên bàn thì hóa ra là cái bát to tướng. Cô Hai chọi ngay:
- Việc gì đến cô! Anh chồng mới vài tối mà yêu thương thân thiết đến thế ư?
Tất cầm lấy cái cái chén hạt sen vợ vừa ý tứ đưa mời, ngửa cổ làm một hơi hết sạch, tay mân mê cái chén, thấy mềm nhũn, nhìn kỹ không phải chén mà là chiếc giày thêu (chân con gái phong lưu thường bó chặt từ thuở bé cho nên chân nhỏ và giày đi thường nhỏ xíu) cực kỳ khéo. Cô Hai vội giằng ngay lấy, mắng:
-Cái con ranh này! Mày đánh cắp giày tao tự bao giờ thế. Thảo nào chân cứ lạnh toát.
Rồi đứng dậy vào nhà trong thay giày.
Cuộc rượu đã tàn, vợ Tất nhắc chồng cáo biệt các chị, tiễn chân ra đến ngoài làng, bảo Tất hãy trở về một mình.
Tất tỉnh dậy thì hóa ra là một giấc mộng, nhưng lổ mũi lổ miệng còn thơm lừng mùi rượu, tự lấy làm lạ. Buổi tối nàng đến hỏi ngay:
- Đêm qua say rượu chưa chết ư?
Tất cho đó chỉ là giấc chiêm bao. Nàng cắt nghĩa:
- Chị em em sợ chàng say sưa ngông cuồng cho nên phải thác vào mộng như thế. Thực ra không phải là mộng đâu.
Nàng Ba cùng Tất đánh cờ, phần thua thường về chàng ta. Nàng cười bảo:
- Hàng ngày chàng vẫn ham đánh cờ em cứ tưởng chàng cao cờ lắm, nay xem ra cũng chỉ bình thường vậy thôi.
Tất nhờ nàng chỉ bảo thêm cho. Nàng nói:
-Nghệ thuật chơi cờ, mỗi người tự lĩnh hội tìm tòi lâý, em làm sao có thể giúp chàng giỏi lên được. Tốt nhất là ngày một thấm nhuần rồi sẽ khá lên.
Luyện tập theo cách ấy được vài tháng, Tất cảm thấy hơi khá lên một chút. Nàng thử lại, vẫn cười mà chê: “Chưa được, chưa được.”, Tất ra ngoài tỷ thí với những bạn cờ trước đây, ai cũng lấy làm lạ, vì chàng đánh lên tay rõ.
Tất là người ngay thẳng bộc trực, không giữ kín được điều gì trong bụng, cho nên đã hé lộ với chúng bạn đôi điều quan hệ với hồ nữ. Thế là nàng biết ngay trách rằng:
- Chả trách các bạn bè đồng tâm không chơi với anh chàng bô lô ba la như điên này cũng phải. Em đã bao lần dặn anh phải giữ mồm giữ miệng cho cẩn thận kín đáo, ấy thế mà sao cứ thông thốc tuôn ra hết vậy?
Rồi ra mặt giận định bỏ đi. Tất phải xin lỗi đi xin lỗi lại nàng mới nguôi. Song cũng do đó nàng đi lại ăn nằm thưa hơn trước.
Ăn ở với nhau hơn một năm, một tối nàng đến ngồi lặng nhìn Tất, rủ đánh cờ không đánh, kéo đi ngủ cùng không đi. Cứ thế rầu rầu hồi lâu, nàng mới độ nhiên hỏi:
- Chàng xem em với Thanh Phượng ai hơn?
- Em hơn chứ? Tất đáp.
- Không em tự thẹn là không được bằng Thanh Phượng. Song ông Liêu Trai với chàng là bạn văn chương, phiền chàng cậy ông chép cho một thiên tiểu truyện. Ngàn năm về sau, vị tất không có người ao ước như chàng hiện nay.
- Ấy, tôi cũng có cái ý ấy. Song vì buộc phải theo lời dặn của em nên còn giữ kín.
- Đành rằng trước đây em dặn thế, nhưng nay sắp sửa chia tay nhau, còn gì phải dấu giếm nữa.
Tất hỏi nàng đi đâu? Đáp:
- Em cùng dì Tư được Tây Vương Mẫu triệu đi làm Hoa điển sứ, không trở về được nữa.
Tất xin nàng đôi lời lưu tặng. Nàng đọc: “Dẹp bực tức bớt lỗi lầm” rồi đứng dậy, nắm lấy tay Tất, nàng âu yếm:
- Chàng đưa chân em một đoạn.
Cùng đi khoảng một dặm dài, đôi bên nhỏ lệ chia tay.
Nàng còn căn dặn trước khi đi hẳn:
- Đôi ta có chí, biết đâu chẳng có dịp tái ngộ.
Ngày ấy tháng chạp năm Khang Hy thứ , ông Tất cùng ta gác chân lên nhau đàm đạo ở Xước Nhiên Đường. Ông ta đã kể tỉ mỉ cho ta chuyện lạ này. Ta nói: “Cô Hồ tâm giao như thế thì bút lực Liêu Trai này cũng vẻ vang thay!”
Ta bèn chép lại chuyện này.
NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch.