Hai người Cố Cửu đến nhà họ Trương lúc gần trưa, tới giờ ăn cơm Trương Ngọc Đường tự mình ra tiếp khách, trông bộ dạng hắn còn ủ rũ mất tinh thần hơn ban sáng nữa.
Trương Ngọc Đường năm nay ba mươi hai tuổi, cưới vợ là Trần Oanh đã xấp xỉ mười ba năm.
Người khác ở độ tuổi này đã làm cha làm mẹ từ lâu, nhưng cho đến bây giờ hai người vẫn chẳng có nổi một mụn con nào.
Lần nào Trần Oanh mang thai chưa được bao lâu cũng đều xảy ra tai nạn dẫn đến sảy thai rồi sinh non.
Đến lần này, vì tuổi đã không còn trẻ nên hai người phải chạy chữa đủ đường Trần Oanh mới có thể mang thai lần nữa.
Để đảm bảo an toàn cho thai nhi, từ lúc được báo là có thai đến nay, Trần Oanh hầu như ngày nào cũng nằm trên giường chẳng dám đi đâu.
Nào ngờ đã cẩn thận đến thế mà tai ương vẫn ập đến.
Mới trưa nay thôi, cô ta vừa thϊếp đi một chốc đã gặp phải ác mộng, vì hồi hộp lo sợ quá độ nên bị động thai, cuối cùng cứ thế mà mất đi đứa bé.
Cố Cửu hỏi Trương Ngọc Đường: “Phu nhân của ngài từng mang thai mấy lần rồi?”
Trương Ngọc Đường đau lòng nói: “Tổng cộng tám lần.”
Hắn và Trần Oanh đã đi khám không biết bao nhiêu thầy thuốc, lúc đầu thầy thuốc nào cũng nói rằng thân thể hai người rất khỏe mạnh, không có vấn đề gì.
Nhưng kì lạ là Trần Oanh không bao giờ giữ được thai quá lâu, hai lần đầu tiên chỉ đi bộ bình thường, không hề vận động mạnh mà vẫn bị sinh non, về sau thì càng ngày thai càng dễ sảy.
Trương Ngọc Đường nói: “Việc này làm tôi thực sự bế tắc, có khi nào có liên quan đến phong thủy của nơi này chăng? Hay là sẵn dịp hai vị giúp tôi nhìn qua một lượt thử xem sao?”
Rõ ràng đây là lần đầu tiên Trương Ngọc Đường tiếp xúc với đạo sĩ nên không biết xem bói và xem phong thủy vốn là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, nhưng vừa may là xem bói, bắt quỷ hay xem phong thủy bọn Cố Cửu đều biết cả nên bèn nhận lời hắn đi một vòng.
Đi hết một vòng quanh nhà họ Trương, Cố Cửu không phát hiện ra âm khí mà chỉ có oán khí, nhưng oán khí không nhiều.
Điều này cũng không lạ, vì phàm là nơi có đông người ở thì không thể tránh khỏi xích mích va chạm, cho nên oán khí sinh sôi là bình thường.
Nhà họ Trương vẫn còn giữ lại căn phòng mà Triệu Bản ở lúc còn sống.
Trương Ngọc Đường nói Triệu Bản là người bạn thân thiết nhất của hắn, hai người lớn lên bên nhau, cùng nhau học tập chơi đùa.
Cha mẹ của Triệu Bản qua đời từ khi y còn nhỏ, toàn bộ chi phí sinh hoạt và học hành của Triệu Bản đều do nhà họ Trương chu cấp.
Nhà họ xem Triệu Bản như con ruột, Trương Ngọc Đường cũng xem y là anh trai mình.
Lúc Triệu Bản lâm bệnh nặng, Trương Ngọc Đường còn dọn qua khu nhà của Triệu Bản ở để tiện bề chăm sóc.
Gian phòng này luôn được Trương Ngọc Đường giữ gìn cẩn thận, thường xuyên cho người quét tước trong ngoài, từ lúc hai người Cố Cửu đi vào đến giờ vẫn không hề phát hiện điều gì bất thường.
Tuy rằng gần đây Triệu Bản thường xuyên báo mộng cho Trương Ngọc Đường nhưng trong khu nhà này lại không hề có âm khí, chứng tỏ hồn phách của y chưa từng trở về đây.
…
Nơi cuối cùng ba người dừng chân là khu nhà sau.
Còn chưa bước qua cửa, Cổ Cửu đã nhíu mày.
Những chỗ đã xem qua dù cho có chút oán khí đi nữa thì vẫn có thể xem là sạch sẽ hơn so với nhiều nhà khác.
Vậy mà chỉ riêng khu nhà sau này lại chất chồng đầy oán khí, còn nhiều hơn tất cả những chỗ khác trong nhà gộp lại nữa.
Đối với người trong giới huyền học như Cố Cửu, nơi người sống ở thì thà có âm khí chứ đừng nên để có oán khí, bởi vì âm khí thường sẽ không thay đổi, nhưng oán khí thì lại tăng lên từng ngày, dần dần gây nên ảnh hưởng tiêu cực đến tính tình và tâm trạng của người sống.
Trương Ngọc Đường không có con cái, nhưng cũng không có vợ lẽ.
Khu nhà này chỉ do một mình Trần Oanh làm chủ, cô ta sinh non tận tám lần, muốn không có oán khí cũng khó.
Cố Cửu và Thiệu Dật là nam giới, lẽ ra không nên đi vào nhà sau, nhưng bọn họ là đạo sĩ nên dường như Trương Ngọc Đường không cảm thấy có gì không phải phép, cứ thế mời bọn họ vào.
Trần Oanh biết Trương Ngọc Đường đến bèn sai nha hoàn hầu cận ra đón tiếp.
Nha hoàn kia mặt mày thanh tú, cứ chốc chốc lại liếc nhìn Trương Ngọc Đường đầy e lệ.
Cố Cửu nhạy bén lanh lợi, vừa nhìn một cái là biết ngay chuyện gì xảy ra rồi, nhưng mà khổ nỗi hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình, cô nàng này chẳng khác gì đang liếc mắt đưa tình với một người mù cả.
Trương Ngọc Đường chẳng hề nhìn ra tâm tư thầm kín của cô nàng, chỉ mải mê lo nói chuyện với Thiệu Dật và Cố Cửu.
Nha hoàn kia thấy vậy thì bực bội cắn môi, ai oán liếc Trương Ngọc Đường một cái, bất đắc dĩ đành phải tỏ vẻ nề nếp trở lại.
Cố Cửu khẽ lắc đầu, ai oán thì cũng là oán, chẳng trách khu nhà sau này lại oán khí đầy trời.
Trần Oanh buông màn nằm trên giường, lại còn ngăn một tấm bình phong trước giường nên hai sư huynh đệ có thể thoải mái ra vào xem xét.
Bọn họ dạo quanh phòng và cả dãy nhà một lần, chỉ phát hiện ra vài vấn đề nhỏ nằm ở những đồ vật trang trí, nhưng chúng đều không gây ảnh hưởng gì đến việc sinh con đẻ cái cả.
Trương Ngọc Đường nghe Cố Cửu giải thích xong tỏ vẻ vô cùng thất vọng.
Cố Cửu suy nghĩ giây lát rồi hỏi: “Lúc Triệu Bản qua đời ngài đã kết hôn chưa?”
Trương Ngọc Đường buồn bã đáp: “Đêm A Bản qua đời chính là đêm tân hôn của tôi.
Tôi còn chưa kịp uống rượu hợp cẩn thì đã nhận được tin dữ, tức tốc chạy qua, nhưng cuối cùng vẫn không kịp nhìn mặt huynh ấy lần cuối.”
Thiệu Dật nghe vậy ngước mắt lên nhìn, Cố Cửu trông thấy liền hiểu ngay sư huynh cũng đang thắc mắc giống mình.
“Ngày hôm đó là ngày tốt đã chọn trước từ lâu sao?”
Trương Ngọc Đường lắc đầu: “Không phải.”
Cố Cửu nghe vậy thì cảm thấy rất ngạc nhiên.
Theo như lời của Trương Ngọc Đường thì Triệu Bản là người bạn thân nhất của hắn, thậm chí hắn xem y như anh trai ruột thịt của mình.
Nay Triệu Bản đang trong lúc thập tử nhất sinh, sao hắn lại còn có tâm tình đi tổ chức lễ cưới nữa kia chứ? Huống chi ngày cưới còn không phải là ngày tốt đã định sẵn không thể thay đổi.
Có vẻ Trương Ngọc Đường cũng biết vì sao hai người Cố Cửu lấy làm lạ, khuôn mặt hắn đầy vẻ bối rối ngượng ngùng, nhưng cũng không nói thêm gì.
Cố Cửu thấy vậy bèn đoán được trong chuyện này nhất định có ẩn tình khó nói.
Cậu nói: “Người chết không bao giờ vô duyên vô cớ báo mộng, chẳng lẽ ngài chưa từng hoài nghi việc mình hiếm muộn có liên quan đến Triệu Bản hay sao?”
Trương Ngọc Đường vừa nghe xong đã phản bác ngay không do dự: “Không thể nào!”
Hắn nói với hai người Cố Cửu rằng Triệu Bản lớn hơn hắn ba tuổi, rất khiêm tốn nhã nhặn, tính tình hiền hòa ngay thẳng.
Hai người lớn lên cùng nhau nên vô cùng hiểu nhau.
Từ nhỏ đến lớn, hắn mới là người chăm sóc cho người anh trai này.
Y không phải là người nhỏ mọn hay thù dai, chết đi rồi còn ở lại quấy phá chốn dương gian.
Sắc mặt Trương Ngọc Đường sa sầm lại, dường như hắn khó chịu vì lời suy đoán của Cố Cửu.
Cậu cũng không nói thêm gì về việc đó nữa, chỉ yêu cầu:
“Ngài đưa ngày sinh tháng đẻ của Triệu Bản cho chúng tôi, tối nay chúng tôi sẽ chiêu hồn, hỏi Triệu Bản xem y có nguyện vọng gì chưa hoàn thành.”
Trương Ngọc Đường trầm ngâm gật đầu.
Cố Cửu và Thiệu Dật cùng nhau quay về phòng mình.
Hai sư huynh đệ ngồi uống trà bàn chuyện, Cố Cửu nhìn vào bát tự của Triệu Bản, tính toán một hồi: “Số mệnh long đong, cầu mà không được.”
Thiệu Dật miết tay vào chén trà đang cầm, ra chiều suy tư: “Ta có xem qua tướng mạo của Trương Ngọc Đường, thông thường nếu nhân trung đầy đặn thì mới là biểu hiện của khó có con cái nối dòng.
Nhưng hắn ta thì tam dương đều đầy đặn, lệ đường có hình con tằm nằm, không bị khô hay trũng sâu, nhưng lại ngả sang màu đen.”
Nhân trung đầy đặn và tam dương đầy đặn là hai tướng mạo hoàn toàn tương phản.
Người có nhân trung sâu sẽ giàu đường con cái, còn nhân trung đầy là dấu hiệu hiếm muộn hoặc không có duyên con cái.
Trên khuôn mặt mỗi người đều có tam âm tam dương, mắt trái thuộc dương, mắt phải thuộc âm, đại diện cho cung nam nữ.
Người chưa lập gia đình thì xem tam âm tam dương để biết nhân duyên, còn người đã lập gia đình thì xem đường con cái nối dõi.
Cố Cửu không chú ý xem tướng cho Trương Ngọc Đường nhưng cậu biết tam dương đầy đặn tức người này sẽ có con cháu thịnh vượng, đời sau được phúc lộc vinh quang.
Dựa theo những gì Thiệu Dật thấy thì rõ ràng lẽ ra Trương Ngọc Đường phải có con cháu đủ đầy.
Nhưng bây giờ lệ đường hắn xuất hiện màu đen nghĩa là hắn đã gặp phải trở ngại gì đó khiến cho vận mệnh bị lệch khỏi quỹ đạo ban đầu.
Nếu Thiệu Dật chỉ xem tướng sơ qua mà đã thấy rõ như vậy thì chứng tỏ số mệnh của Trương Ngọc Đường đã thay đổi rồi, dẫn tới tướng mạo hắn cũng bị thay đổi theo.
Bọn họ tới không đúng lúc, ngay khi Trần Oanh vừa mới sinh non phải tịnh dưỡng không ra chào khách, nếu không có lẽ họ có thể dựa vào tướng mạo của Trần Oanh mà đoán thêm được gì đó không chừng.
…
Tối đến, Thiệu Dật mở pháp đàn chiêu hồn.
Trúc xanh gọi được âm hồn, Thiệu Dật cầm thẻ bài làm từ trúc xanh có ghi sinh thần bát tự của Triệu Bản lên, đốt cháy, rồi bắt quyết niệm chú: “Thổ địa thần chốn này mời hiển linh, lên trời xuống đất ra vào cõi u minh…”
Thiệu Dật hỏi một lượt các nơi phụ trách âm hồn.
Trước khi vào tới âm phủ, bất cứ quỷ hồn nào cũng phải đăng kí danh tính.
Thiệu Dật hỏi thăm Triệu Bản đã xuống âm phủ chưa thì nhận được câu trả lời là linh hồn vãng sinh Triệu Bản còn ở dương gian, không thấy tên đăng ký.
Thiệu Dật lại hỏi thổ địa, thổ địa là thần cai quản hàng chục ngàn quỷ hồn ở vùng này, thổ địa xác nhận rằng linh hồn của Triệu Bản vẫn còn ở dương gian.
Thế nhưng Thiệu Dật lại không chiêu được hồn của Triệu Bản.
Thiệu Dật thực hiện nghi thức chiêu hồn chứ không phải gọi hồn, là cưỡng chế chứ không phải mời thỉnh, trừ phi quỷ hồn của Triệu Bản quá mạnh, nếu không sẽ không xuất hiện trường hợp như thế này.
Thiệu Dật mím môi, lấy bát tự làm vật dẫn, đốt Khiên Dẫn Hương lên, đáng tiếc Khiên Dẫn Hương cũng không có tác dụng, làn khói dẫn đường từ từ bay lên không trung, bay tán loạn rồi tan mất, không chỉ ra được một phương hướng nào cả.
“Sư huynh, thế này không bình thường chút nào.” Cố Cửu nói.
Trương Ngọc Đường ngơ ngác hỏi: “Cái gì không bình thường?”
Thiệu Dật đanh mặt nói: “Chiêu hồn không được.
Hoặc là Triệu Bản quá mạnh, không thể cưỡng chế tới, hoặc là có cái gì đó ngăn cản không cho y tới.”
Trương Ngọc Đường vội hỏi: “Ngăn cản? Ai ngăn cản huynh ấy?”
Thiệu Dật đáp gọn lỏn: “Không biết.”
Trương Ngọc Đường lảo đảo một cái, buồn bã than van: “Tôi biết mà, bao nhiêu năm nay huynh ấy chưa từng báo mộng cho tôi.
Vậy mà gần đây lại tìm đến, muốn nói mà không nói nên lời.
Tôi đã đoán huynh ấy gặp chuyện chẳng lành rồi.
Lẽ nào huynh ấy bị ai đó làm khó dễ nên mới cầu cứu đến tôi? Hai vị đạo trưởng, bây giờ tôi đốt thêm nhiều tiền giấy cho huynh ấy thì có giúp được huynh ấy không?”
Cố Cửu nhìn thấy Trương Ngọc Đường bối rối tới mức suy nghĩ lung tung cả lên bèn trấn an: “Ngài đừng gấp gáp mà làm hỏng chuyện.
Để chúng tôi nghĩ cách đã.”
Trương Ngọc Đường chùi qua loa lên đôi mắt đã ửng đỏ: “Vâng.
Kính nhờ hai vị giúp đỡ.
A Bản là người tốt, thế mà lúc sinh thời không được yên vui, bây giờ chết vẫn phải chịu khổ chịu cực thì thật đau lòng quá.”
Cố Cửu gật đầu, hứa sẽ tìm cách, sau đó cậu tiễn Trương Ngọc Đường đi, giúp Thiệu Dật dọn dẹp pháp đàn.
Hai người thu dọn xong thì chuẩn bị đi ngủ.
Sau khi tắm rửa sạch sẽ, Cố Cửu thả người lăn một vòng lên giường.
Tiểu Đệ đi theo nhảy lên bụng Cố Cửu, thấy mềm mụp ấm áp thích quá bèn cong chân giẫm giẫm đi tới đi lui nghịch ngợm.
Cố Cửu hỏi vọng vào trong: “Sư huynh, chúng ta làm gì tiếp bây giờ?”
Thiệu Dật đang tắm phía sau bình phong, nghe vậy thì thản nhiên đáp: “Mời sư cha.”
Sư cha của hai người, Bùi Dữ, là một âm sai.
Trong tay hắn có một cái Tỏa Hồn Liên, chỉ cần biết được sinh thần bát tự của người chết thì có thể lấy đó làm mồi dẫn, câu hồn phách cần tìm đến.
Nếu âm sai không phải là người thân thuộc thì Thiệu Dật còn lâu mới thèm dùng đến cách này, hắn không muốn mắc nợ quỷ thần.
Cái này có tính là nhất quan hệ nhì tiền tệ không nhỉ?
Cố Cửu trở mình, xốc Tiểu Đệ lên đặt xuống đệm, vùi mặt vào cái bụng lông ấm áp đen tuyền kia hít một hơi đầy thỏa mãn rồi mới ngẩng đầu nói tiếp: “Nhắc mới nhớ, cũng lâu rồi mình chưa gặp sư cha.”
Năm xưa khi vừa gặp Bùi Dữ lần đầu tiên, Cố Cửu có nhờ hắn hỏi thăm tung tích của bà nội mình, sau đó Bùi Dữ cho cậu biết rằng bà nội của cậu đã dùng những khổ cực đời này để hoàn trả nợ nghiệt còn lại của kiếp trước, đời này tuy không có công cán gì lớn lao nhưng cũng không làm điều thất đức.
Bà đã sớm gia nhập hàng ngũ những người xếp hàng ở cầu Nại Hà, chờ uống canh Mạnh Bà để đi đầu thai.
Bà nội Cố Cửu không có nguyện vọng gì muốn hoàn thành, đã quên hết mọi chuyện ở đời này, vì vậy Cố Cửu cũng không xin gặp bà lần cuối làm gì, chỉ cần biết bà an ổn tốt đẹp là được rồi.
Bùi Dữ thường xuyên báo mộng cho hai sư huynh đệ, thông báo tình hình hoặc căn dặn gì đó, nhưng còn ở hiện thực thì đúng là hai người đã lâu không gặp hắn, lần gặp cuối cùng là vào một tháng trước, khi đó Bùi Dữ đến đưa một quỷ hồn về âm phủ.
“Để đệ hỏi khi nào sư cha rảnh.”
Cố Cửu nói xong bèn lấy ra một lá bùa trống, viết vài dòng lên đó, đại khái là hỏi thăm sức khỏe, bảo sư cha khi nào rảnh thì nhớ ghé thăm con với sư huynh, con nhớ sư cha lắm, vân vân và mây mây.
Viết xong, Cố Cửu gấp lá bùa lại rồi châm lửa đốt.
Cậu cầm bùa đứng dậy bước vài bước trong phòng, vừa đi vừa niệm chú.
Khói từ lá bùa bị đốt bay lên, dần dần tản ra rồi biến mất, chỉ còn lại một mớ tro tàn vương lại trên tay cậu.
Cố Cửu đứng yên, cầm mớ tro đó không nhúc nhích, qua khoảng một nén nhang(p), bụi tro đen sì đột nhiên bay lên, hóa thành một chữ xiêu xiêu vẹo vẹo trên không trung.
“Sửu.” Cố Cửu thì thầm: “Sư huynh, sư cha nói giờ Sửu(-h sáng) sẽ đến.”
Giờ Sửu là hơn nửa đêm lận, Cố Cửu ngáp một cái, ngủ một giấc cái đã..