Lời Nguyền Lỗ Ban

quyển 4 chương 28: ẩn trong cỏ

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Nếu xuất phát từ cầu Hoả Linh, có lẽ phải mất đến mấy ngày trời mới tới được rừng Giá Trinh, chưa kể phải đảm bảo có thể thuận lợi băng qua khu vực giếng Hải Tế đã trở nên cực kỳ nguy hiểm. Nhưng Chúc Tiết Cao đã dẫn mọi người đi theo một con đường khác, một con đường mà người bình thường không thể đi qua. Mặc dù đoạn đường này rất gian nan, nhưng an toàn hơn nhiều. Vả lại đi theo đường đó, chưa tới hai ngày đã có thể đến được rừng Giá Trinh.Chúc Tiết Cao thoạt tiên cũng không nghĩ tới con đường đó. Nhưng khi nhìn thấy con thuyền đồng của Du Hữu Thích, gã đã sực nhớ ra.

-Con thuyền này có thể đi ngược dòng nước chảy xiết không? – Gã thợ đan hỏi.

-Vấn đề không phải ở con thuyền, mà cần có người khoẻ mạnh chèo thuyền, cần có một hoa tiêu tốt, và phải có mái chèo chắc chắn. – Du Hữu Thích thành thực trả lời.

-Mái chèo tôi làm được! – Gã thợ đan hiểu rõ về mái chèo, và cũng biết cách làm mái chèo. Gã bện mái chèo bằng cách ghép các thanh tre lại với nhau, kiểu mái chèo này rất mực dẻo dai, chịu lực tốt, hơn nữa khi gặp phải lực cản quá lớn, các thanh tre sẽ toẽ ra tạo thành khe hở cho dòng nước chảy qua, đảm bảo cho mái chèo không bị gãy.

Du Hữu Thích quét mắt nhìn khắp lượt đám người:

-Hãy thử xem sao!

Dám thử, thì chí ít hắn cũng đã chắc chắn được tám phần, nếu không, Du Hữu Thích sẽ kiên quyết từ chối. Hành tẩu giang hồ không phải trò đùa, tuyệt đối không được khinh suất. Hắn nhìn khắp lượt mọi người, là muốn xác nhận xem bọn họ có đủ để ghép đôi thành đội chèo và một hoa tiêu hay không.

Cuối cùng, Du Hữu Thích quyết định đích thân hắn sẽ làm hoa tiêu. Đi thuyền ngược dòng nước xiết, hoa tiêu có vài trò vô cùng quan trọng, hắn phải nằm rạp trước mũi thuyền, quan sát sự biến hoá của luồng nước và dòng xoáy, để đưa ra quyết định thật chóng vánh, chỉ huy lực độ của các tay chèo, điều chỉnh hướng của mũi thuyền, không để thuyền đụng đầu trực diện với luồng nước xiết; lại phải tránh né đá ngầm, lợi dụng khe hở giữa các luồng nước và dòng hồi lưu để giảm thiểu lực cản cho thuyền.

Các tay chèo thiện nghệ cũng tìm đủ bốn người, đó là hai đệ tử của Du Hữu Thích và người anh em kết nghĩa của hắn Hoàng Đại Giải, cộng thêm một tay chèo cứng cáp sức khoẻ như thần là Quan Ngũ Lang. Họ đã bàn bạc xong xuôi, khi nước chảy chậm chỉ cần một đôi chèo thuyền, thay phiên nhau nghỉ ngơi giữ sức; khi gặp phải dòng nước xiết, cả bốn sẽ hợp sức chèo chống.

Chuẩn bị xong xuôi, gã thợ đan liền dẫn mọi người băng qua một triền sông đá sỏi lổn nhổn, đến trước một con sông nhỏ chảy xuyên qua núi, rồi nói:

-Con sông này người bản xứ gọi là sông Quá Thiên, chúng ta sẽ xuất phát từ đây ngược dòng lên phía trên!

Chúc Tiết Cao đã làm xong mấy chiếc mái chèo, còn kết thêm một chiếc bè tre không to không nhỏ, phần đầu bè tre có lắp một ròng rọc tre cực kỳ kiên cố.

Con thuyền đồng của Du Hữu Thích ngược dòng đi trước, kéo theo sợi dây thừng do Chúc Tiết Cao bện từ các thanh tre. Sau khi đi được một đoạn, sẽ cố định đầu dây thừng vào một chỗ, những người phía sau liền quay ròng rọc để cuốn đầu thừng còn lại, kéo bè tre tiến lên. Như vậy, chiếc bè cũng có thể đi ngược dòng thuận lợi.

Sông Quá Thiên nước chảy rất xiết, nhưng vẫn không thể gây khó dễ cho mấy tay chèo cừ khôi. Song cũng có mấy khúc sông khiến họ sợ đến tim đập chân run, vã mồ hôi lạnh. Những đoạn đó, một bên là vách núi dựng đứng cao chót vót, bên còn lại, phía ngoài bờ sông là vực sâu hun hút, nước sông còn tràn cả qua bờ, đổ xuống vách đá, tạo nên những thác nước như tấm mành mành trải rộng. Con thuyền phải băng qua ngay mép bờ, cạnh dòng thác đang ào ào đổ xuống. Lại có hai khúc sông chảy qua ngay trên đỉnh sống đá, cả hai bên đều là vách núi dốc tuột sâu hoắm. Đi qua những nơi này, chỉ cần hơi sơ sẩy một chút, con thuyền đồng sẽ lao qua bờ sông nông thấp mỏng manh, trôi tuột xuống vực thẳm bất cứ lúc nào.

Chẳng trách gọi là sông Quá Thiên, hệt như một dòng sông chảy qua ngang trời. Đây cũng là nguyên nhân tại sao nhất định phải chèo thuyền ngược dòng mà lên, chứ không thể đi men theo bờ sông. Vì có sông mà chẳng có bờ, chỉ có thể di chuyển trên mặt nước.

Hơn nữa, nếu không có con thuyền đồng của Du Hữu Thích, cũng chẳng có cách nào di chuyển được trên dòng sông này. Chèo thuyền ngược dòng nước xiết, yêu cầu phải liên tục thay đổi phương hướng thuận theo dòng nước, rất khó tránh khỏi va chạm với đá ngầm dưới lòng sông và vách đá hai bên bờ. Hơn nữa, khi gặp phải những dòng xoáy cuồn cuộn đổ xuống, con thuyền còn phải nhờ vào vách đá để giảm bớt xung lực. Bởi vậy, thi thoảng lại thấy thân thuyền va chạm vào vách đá khiến hoa lửa bắn tung toé hàng chùm. Nếu là những loại thuyền khác, hẳn đã tan xác từ lâu.

Sau khi băng qua luồng nước xiết cuối cùng, đoàn người cũng đã tiến vào được một khúc sông phẳng lặng thêng thang. Lúc này, cả bốn tay chèo đều cơ bắp rã rời, tay chân bải hoải. Còn Du Hữu Thích, vì đôi mắt phải mở căng quan sát trong suốt một thời gian dài, không có lấy một giây phút nghỉ ngơi, nên mi mắt giờ cứng đờ không khép lại nổi.

Cảnh sắc nơi đây như một thế giới hoàn toàn khác biệt. Bốn phía núi non trùng trùng bao bọc, trên núi là rừng cây vạt xanh vạt đỏ, đá núi mảng nâu mảng vàng, sắc màu rực rỡ như gấm. Mặt nước thoạt nhìn phẳng lặng như gương, ngưng đọng một sắc lam biêng biếc. Nhưng kỳ thực ở xung quanh có tới hơn trăm khe suối, dòng chảy liên tục đổ nước vào, vì vậy nơi đây được gọi là hồ Tụ Lưu, cũng có người gọi là Chén Rượu Trời. Song vành miệng của “chén rượu” này không hề tròn trịa, mà ở phía nam có một vụng nước mềm mại. Tại sao lại nói là mềm mại? Vì trên bờ vụng mọc chi chít một lớp cỏ ngải dày đặc, gió nhẹ lướt qua, dập dờn như một mái tóc mềm.

-Trông nó giống vệt lông mày hơn. Nếu đứng từ trên núi nhìn xuống dưới, mặt nước nơi đây và bờ cỏ ngải trông giống hệt như con mắt và lông mày. Bởi vậy, vụng nước kia còn được gọi là vụng Mi Tử. - Đến được nơi đây, Chúc Tiết Cao tỏ ra hoạt bát hơn rất nhiều.

-Nếu mặt nước nơi này giống như con mắt, hẳn là một con mắt đang rơi lệ! - Thuỷ Du Bạo suốt dọc đường im thin thít, có lẽ vì chết khiếp trước đủ mọi cảnh tượng hiểm trở nguy ngập. Lúc này vừa mới định thần, lập tức chõ ngay miệng vào.

-Cũng đúng! Cũng đúng! – Chúc Tiết Cao quay đầu nhìn dòng chảy của sông Quá Thiên ở sau lưng, gật đầu lia lịa.

Lỗ Thiên Liễu chợt ngẩn người, vì lời nói của Thuỷ Du Bạo khiến cô cảm thấy có điều gì đó không được tốt lành. Cô quay đầu nhìn Chu thiên sư, phát hiện hai đầu lông mày của ông chau lại một cách kín đáo.

Bọn họ lên bờ từ vụng Mi Tử. Sau khi lên bờ mới phát hiện ra, đám “lông mày” này rậm rạp hơn và cao hơn nhiều so với khi nhìn từ xa lại. Tiến vào bãi cỏ ngải, mới cách một bước chân đã không nhìn thấy người bên cạnh.

Ở đây có đường đi không? Dù có đường chắc hẳn cũng không thể đi được!

Đường đi nằm ở trong “mái tóc” phía sau “lông mày”. Giống như người, phía trước trán thường có một ít tóc mai xoã xuống tận lông mày, phía sau vụng Mi Tử cũng có một khe Quải Phát. Đó là một khe núi mọc dày đặc cỏ ngải cao lút đầu, uốn lượn quanh co, thật giống như một món tóc mai mềm mại.

Nhưng làm thế nào để đi qua con đường này? Trong khe núi không những cỏ ngải san sát ken dày, mà chiều dài cũng không hề ngắn. Chưa nói trong đó có ẩn tàng nguy hiểm hay không, mà ngay cả phương hướng cũng rất khó xác định.

-Tôi đi trước phạt cỏ mở đường! – Ngũ Lang vừa nói vừa co duỗi cánh tay đã tê dại sau chặng chèo lái cật lực.

-Cỏ ngải chỗ này là loại cỏ ngải lồng ống, đi vào trong khe núi là hai loại cỏ ngải tám lớp cỏ và cỏ ngải ống xương, đều là những giống cỏ cực kỳ dai bền và cứng cáp. Chưa nói cậu có mệt hay không, chỉ với thanh đao kia e rằng có chặt đến mẻ lưỡi cũng chưa đi nổi trăm bước. Thời Nam Tống, Nhạc Phi đánh bại quân Kim ở vũng Hoàng Thiên, chính vì đã dụ được quân Kim sa vào bãi cỏ ngải rậm rạp như thế này.

Chúc Tiết Cao miệng nói, tay thoăn thoắt không ngừng, chặt lấy một cây trúc nhỏ chết khô dưới chân núi, sau đó dao pha tre dao chuốt nan cùng múa lên nhoay nhoáy, chớp mắt đã đan xong một khung vuông hình chữ thập. Sau đó, gã hái lấy một ôm lá, phiến lá rộng bản như của loài cây nhiệt đới, song không hiểu sao lại xuất hiện ở vùng này. Chúc Tiết Cao nói rằng người dân quanh đây quen gọi giống cây này là gai thi dệt, lúc còn xanh bền dai như vải, không dùng dao kéo rất khó rạch thủng, nhưng khi khô héo, chỉ một cơn gió nhẹ đã vỡ tan. Chúc Tiết Cao dùng dao pha nan cẩn thận lột lấy một lớp trên mặt lá gai thi dệt xuống, sau đó dùng nan tre xâu lấy buộc vào khung tre, làm thành một con diều hình phiến lá màu xanh biếc.

Ngay từ khi Chúc Tiết Cao bắt đầu đan khung trúc, Lỗ Thịnh Nghĩa và Lỗ Thiên Liễu đã nhận ra gã muốn làm diều. Vì kết cấu của bộ khung trúc có rất nhiều điểm giống với bộ khung của diều hâu gỗ do tổ tiên Lỗ gia thiết kế.

Chúc Tiết Cao lại dỡ lấy một đoạn dây thừng mà gã mang theo bên người, rồi xe thành một sợi dây nhỏ.

-Này cậu Chúc, cậu muốn thả diều à? Con diều bé tẹo thế kia làm sao có thể đưa được chúng ta vượt qua bãi cỏ. Hay là bảo Lỗ sư phụ làm lấy vài con chim gỗ. Chẳng phải người ta vẫn bảo chim gỗ do tổ tiên họ Lỗ làm ra chở được cả người ư? Chúng ta cưỡi lên chim gỗ bay vọt qua là xong! - Thuỷ Du Bạo nằm khểnh trên vạt cỏ, vừa lắc lư bầu rượu rỗng không vừa nói với Chúc Tiết Cao.

-Chim gỗ biết bay là sự thật, nhưng chưa chắc đã chở được người, vì bản thân nó đã rất nặng, động lực của máy móc lại có hạn. Hơn nữa, chim gỗ sau khi hoạt động sẽ không nhận được phương hướng! – Gã thợ đan lên tiếng trong khi vẫn cắm cúi xe thừng.

Lỗ Thịnh Nghĩa và Lỗ Thiên Liễu đưa mắt nhìn nhau, ý tứ rất rõ ràng: gã thợ đan kia thậm chí còn thông hiểu cả đặc trưng kỹ thuật cổ xưa nhất của nhà họ Lỗ, nhưng lại khăng khăng không chịu thừa nhận mình là truyền nhân của Lỗ gia, liệu bên trong còn có ẩn tình gì khác?

-Ha ha! Cậu nói thật nực cười! Chim gỗ của nhà Lỗ sư phụ không tìm được phương hướng, thế con diều bằng lá cây của cậu thì tìm được chắc? Vậy thì chắc cậu phải gắn cho nó đôi mắt cá hấp đấy phỏng! Ha ha! - Thuỷ Du Bạo lại châm biếm.

-Không cần gắn thêm mắt, chỉ cần chúng ta có mắt là được! - Giọng Chúc Tiết Cao vẫn bình thản như không. Mặc dù gã đối đãi với người khác không nhiệt tình, nhưng cũng ít khi tức giận. Có lẽ do sống lâu ngày trong chốn rừng sâu non xanh nước biếc, nên đã chung đúc được mấy phần phong thái của kẻ thoát tục.

-Xong rồi! Sợi thừng dài đúng một trăm đốt tre! – Rất lâu sau, gã thợ đan mới ngẩng đầu lên nói.

Lúc này trời đã nhá nhem, lại vừa phải cật lực chèo thuyền ngược dòng suốt một buổi chiều, nên bọn họ quyết định dừng chân nghỉ ngơi lấy sức.

-Hôm nay đã bắt mọi người phải mệt nhoài cả rồi, cái thân già của tôi cũng chịu không thấu. Không biết phía trước còn có chỗ nào phải lội ngược dòng như thế này nữa không? – Chu thiên sư ngồi xếp bằng bên bờ sông, nhưng tâm tư chồng chéo, không thể nào nhập định được.

-Hết rồi! Chặng đường tiếp theo đều phải tự đi bằng chân thôi. Đương nhiên, phải xem chúng ta có biết cách đi không, cũng phải xem con đường đó có chịu để chúng ta đi qua hay không! – Câu trả lời của Chúc Tiết Cao có vẻ huyền bí, song lạ lùng là chẳng có ai hỏi vặn, dường như mọi người đều hiểu rõ ẩn ý trong lời của gã.

Con diều đã được thả lên trời vào sáng sớm ngày hôm sau. Mặc dù con diều không biết đường, nhưng chắc chắn nó sẽ bay theo hướng gió. Mà gió trong khe núi chắc chắn sẽ thổi dọc theo khe, cho dù khe núi quanh co khúc khuỷu hay thẳng tắp.

Vì vậy, cho dù cỏ ngải có cao cỡ nào, người ở phía sau chỉ cần đi theo con diều sẽ không sợ bị lạc.

Nhưng mắt phải ngửa lên nhìn diều, nên bước chân sẽ không thể vững chãi. Cộng thêm cỏ ngải rậm rịt rất vướng víu, tốc độ di chuyển của mỗi người lại khác nhau, nên đoàn người càng đi càng phân tán, đội ngũ mỗi lúc một kéo dài.

Lỗ Thiên Liễu thoạt tiên đi song song với Lỗ Thịnh Nghĩa, ngay trước mặt họ là Chúc Tiết Cao, theo sau là Quan Ngũ Lang. Mặc dù khoảng cách giữa họ chỉ chừng ba bước chân, nhưng không thể nhìn thấy nhau, chỉ có thể nghe thấy âm thanh. Về sau, đến âm thanh cũng không nghe thấy nữa, vì bản thân mỗi người khi vạch cỏ mà đi cũng gây nên những tiếng sột soạt liên hồi, gây nhiễu loạn thính giác. Thứ nữa là khoảng cách giữa bọn họ cũng dần dần bị kéo giãn.

Nhưng vẫn có mấy người luôn bám sát nhau từ đầu chí cuối, vì bọn họ phải dắt nhau mà đi, đó là Du Hữu Thích và hai gã đệ tử. Bọn họ một người đẩy thuyền, hai người kéo thuyền, mặc dù bị rớt lại phía sau một đoạn, nhưng vẫn có thể theo kịp đội hình. Người anh em kết nghĩa của Du Hữu Thích là Hoàng Đại Giải không đi cùng bọn họ, vì Du Hữu Thích đã phái hắn coi chừng Thuỷ Du Bạo. Không thể lơ là với lão già này, lão biết quá nhiều chuyện, lại lắm mồm lắm miệng.

Đến đoạn cuối bãi cỏ ngải trong khe Quải Phát, Lỗ Thiên Liễu là người đầu tiên chui ra khỏi đám cỏ rậm rì. Ngay bản thân cô cũng không ngờ mình còn đi trước cả Chúc Tiết Cao.

Chui ra ngay sau cô không phải Ngũ Lang, mà là đệ tử của Chu thiên sư. Đi song song với cô đáng lẽ phải là Lỗ Thịnh Nghĩa, nhưng khi đi ra lại là Chu thiên sư.

Loạn rồi, vị trí của mọi người đã rối loạn hết cả! Nhưng không ai bị lạc là được. Chúc Tiết Cao đã cầm dây diều đi ra, theo sau gã là Lỗ Thịnh Nghĩa và Ngũ Lang. Ba người họ cao gần bằng nhau, bước đi cũng đồng đều, vì vậy nãy giờ luôn theo sát nhau.

Tiếp theo là một tiểu đồng của Chu thiên sư, sau nữa là ba thầy trò Du Hữu Thích cùng với con thuyền của họ.

Sau khi con thuyền đồng được lôi ra, đám cỏ ngải lại quay về với vẻ tĩnh mịch vốn có.

-Chậm thế nhỉ! Hình như không nghe thấy động tĩnh gì, người vẫn chưa ra đủ! – Ngũ Lang cất giọng ồm ồm. Thực ra chưa đợi anh ta lên tiếng, đám Chu thiên sư, Lỗ Thiên Liễu đã phát hiện ra điều bất ổn, chỉ có điều họ gắng giữ bình tĩnh, không biểu lộ ra nét mặt.

-Liệu có chuyện gì không? - Lỗ Thịnh Nghĩa hỏi.

Không ai trả lời. Không ai biết phải trả lời thế nào.

Lỗ Thiên Liễu đi ra một chỗ cách xa hẳn những người còn lại, rồi tĩnh tâm ngưng thần, dùng ba giác siêu phàm tìm tòi trong đám cỏ ngải dày đặc như một mái tóc rậm rạp khổng lồ. Một hồi lâu sau, các giác quan của cô vẫn không tìm ra bất cứ điều gì.

-Có chuyện rồi! Để tôi quay lại xem sao! – Du Hữu Thích nói đoạn, rút ngay đôi Nga Mi thích, kéo theo hai để tử phăm phăm lao vào bãi cỏ.

-Dừng lại! Nghe tôi nói đã! – Chúc Tiết Cao lên tiếng – Nếu thật sự đã gặp nguy hiểm, mấy người quay lại cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Nếu không phải gặp bất trắc, mà chỉ là đi lạc, tôi sẽ buộc diều ở đây, sớm muộn gì họ cũng tìm ra được!

-Cậu chẳng có anh em gì trong đó, nên nói cứ như không! – Du Hữu Thích mặt giận phừng phừng - Nếu có nguy hiểm thì anh em chúng tôi cùng chết!

-Cậu Du, hãy bình tĩnh, cậu Chúc nói đúng đấy! Tôi cũng còn một đứa tiểu đồng chưa ra được, cũng đang ruột gan như lửa đốt đây. Nhưng mọi việc phải suy nghĩ thấu đáo rồi mới được hành động. Cậu làm như vậy sẽ hỏng việc đấy! - Đứa tiểu đồng mà Chu thiên sư vừa nhắc đến do chính tay ông nuôi nấng từ nhỏ tới lớn, ông coi nó chẳng khác gì con đẻ.

-Yên lặng! - Lỗ Thiên Liễu đột nhiên kêu lên.

Mọi người ai nấy im bặt, cùng quay đầu nhìn về phía khe núi. Bãi cỏ ngải rộng ngút mắt bị gió thổi dạt nhấp nhô như sóng, nhưng là những con sóng bất động. Cả bãi cỏ không hề có chỗ nào xao động, chắc chắn là không có người đi qua. Song Lỗ Thiên Liễu đã nghe thấy một số thứ!

Có người rùng mình kinh sợ, có người siết chặt vũ khí. Thậm chí đệ tử của Chu thiên sư còn móc cả bùa chú ra.

-Đằng kia! - Lỗ Thiên Liễu hô lên, rồi chạy thẳng về phía vách đá ở một bên khe núi.

Ngũ Lang chỉ sải vài bước đã vượt lên trước mặt cô:

-Ở đâu? Để tôi đi!

Du Hữu Thích cũng vội vã chạy theo. Thế là trong lúc những người còn lại chưa kịp phản ứng, cả ba người đã mất hút trong bãi cỏ ngải xanh rì.

Từ trong bãi cỏ ngải nhấp nhô như sóng, thình lình vọt ra một cái bóng đen sì, kéo theo một tiếng rít khàn đặc lao thẳng lên trời. Tình huống bất ngờ khiến mọi người tóc tai dựng đứng, mồ hôi lạnh toát chớp mắt đã túa ra đẫm trán.

Khi định thần lại, mọi người mới phát hiện ra bóng đen chính là con chim sáo mắt đỏ. Vừa ra khỏi bãi cỏ ngải, nó lập tức lao vụt ra khỏi cửa khe núi. Thật kỳ lạ, con chim sáo từ khi bị lũ trẻ trước thôn đuổi bắt đã bay mất tăm, không còn thấy xuất hiện, lúc này đột nhiên lại vọt ra từ bãi cỏ rậm rì, thật không hổ danh là con chim tiên của chưởng giáo thiên sư, xuất thần nhập quỷ.

Cũng ngay lúc đó, ba người Lỗ Thiên Liễu cõng theo Thuỷ Du Bạo sõng sượt như con chó chết từ trong đám cỏ ngải lao ra. Lão bếp già mắt nhắm nghiền, mặt trắng bệch như sáp, tay vẫn nắm khư khư bầu rượu.

-Chuyện gì thế?

-Tại sao lại như vậy?

-Còn hai người nữa đâu?

Mọi người nhao nhao chạy xúm cả lại.

Chu thiên sư móc ra một chiếc bình nhỏ, đổ ra hai viên thuốc rồi nhét vào miệng Thuỷ Du Bạo, nhưng hai hàm răng lão đã nghiền chặt vào nhau, không sao tách ra được.

-Để tôi! – Chúc Tiết Cao tiện tay nhổ lấy một nhánh cỏ, rũ bỏ bùn đất bám trên gốc, để lộ ra chùm rễ trắng nõn. Sau đó gã bảo Chu thiên sư tránh ra, rồi ngồi thụp xuống trước mặt Thuỷ Du Bạo, nhét đám rễ cỏ vào lỗ mũi lão ta ngoáy loạn lên. Thuỷ Du Bạo bỗng hắt hơi thật mạnh một tiếng rồi bừng tỉnh dậy.

-Cái gì vậy? Có mùi hành, lẫn chút mùi hồi hương, cho vào món măng củ chao dầu được đấy! – Không biết Thuỷ Du Bạo đã tỉnh thật hay chưa, măng củ mà cũng mang chao dầu được?

-Đây là cỏ thông toàn, có thể tỉnh táo đầu óc chữa hôn mê. Nếu dùng để nấu ăn, có thể thông đường ruột, tốt hơn ba đậu nhiều! – Chúc Tiết Cao trả lời Thuỷ Du Bạo rất nghiêm túc.

-Ông Thuỷ! Ông có nhìn thấy người anh em của tôi đâu không? Tôi bảo hắn đi theo ông mà! – Du Hữu Thích nôn nóng hỏi.

-Anh hỏi tôi? Tôi mới phải hỏi mọi người kìa! Tại sao tôi lại ở đây? Lúc nãy tôi còn thấy mình đang nướng thịt muối diêm tiêu trên lò, đến nỗi mặt mày ám khói mũi sặc diêm tiêu, còn chưa kịp ăn thử miếng nào, đã ở đây rồi!

-Ông nằm mơ đấy! - Đứa tiểu đồng còn lại của Chu thiên sư nói.

-Chả nhẽ là mơ ư? Lúc ngửi thấy mùi thịt nướng hình như tôi vẫn đang đi mà! Không biết là tôi nướng thịt trước rồi đi ngủ, hay là đi ngủ rồi mới nướng thịt nhỉ? Ôi! Ôi! Tôi lú lẫn mất rồi!

-Thôi, đừng hỏi thêm nữa, ông ta chẳng trả lời được câu gì ra hồn đâu! Mùi khói và mùi diêm tiêu? Tôi đoán ông ta ngửi nhầm rồi, có lẽ không phải là mùi diêm tiêu, mà là mùi lưu huỳnh na ná như thế. Dùng bột lá cây mạn đà la hun với lưu huỳnh sẽ tạo thành thứ mê hồn hương, một loại độc dược hạ lưu trong giang hồ. Trong khe núi đầy cỏ ngải này, ngoài chúng ta ra, chắc chắn vẫn còn những kẻ khác. Ba người bọn họ có lẽ cách bọn ta khá xa, tụt hẳn lại phía sau nên mới bị kẻ khác hãm hại. Nhưng trước chuyến đi chúng ta không hề để lộ thông tin, ngay cả đường đi cũng chỉ mới xác định tức thời, tại sao lại gặp mai phục được? – Chu thiên sư dù gì cũng là người của Biện Vi đường núi Long Hổ, hiểu rộng biết nhiều, chỉ với mấy câu nói loạc choạc không đầu không cuối của Thuỷ Du Bạo đã phân tích ra đầu mối.

-Nếu có vấn đề, hẳn là vào buổi tối hôm qua. Thời gian một đêm đủ để ai đó lén lút truyền tin ra ngoài. Nếu như tối qua lập tức vượt khe, có lẽ chuyện này đã không xảy ra! – Chúc Tiết Cao nói.

-Ý cậu nói là trong số chúng ta có nội gián? Cậu nói thử xem trông ai giống kẻ gian? Người của tôi, tôi lấy mạng ra đảm bảo! – Du Hữu Thích vừa nói vừa vỗ ngực bồm bộp.

-Đêm qua đường tối, đi lại rất khó khăn! - Lỗ Thiên Liễu tuy nói thực tình, nhưng trong lòng cũng ngấm ngầm hối hận. Trên người cô có mang theo mắt bạch xà, treo thứ này lên cánh diều, vẫn có thể nhận ra đường để vượt khe Quải Phát ngay trong đêm.

-Thì thế! Chính anh đã dẫn chúng tôi đi theo con đường này, liệu có phải trước đó... - Đệ tử của Chu thiên sư đứng bên cạnh cũng nói xen vào, nhưng chưa kịp nói hết câu đã bị ánh mắt nghiêm khắc của Chu thiên sư chặn lại.

Mặc dù lời chưa nói hết, nhưng ý tứ đã rõ ràng, người khả nghi nhất chính là gã thợ đan.

-Còn con chim kia nữa! Ông Thuỷ là bạn thân của nó, dùng nó truyền tin thì còn gì tốt bằng. Ông tự dưng lăn ra ngất xỉu chẳng biết là thật hay giả? Đừng có diễn kịch đấy nhé! - Một đệ tử của Du Hữu Thích cũng lên tiếng. Thấy sư thúc tự dưng mất tích, họ đương nhiên không tránh khỏi lo âu.

-Ngươi nói ta là phường gian tế? Ngươi đi đất bằng tay cứt đái ngược lên đầu à? Dầu mỡ chiên đít gà đổ vào mắt ngươi à... - Thuỷ Du Bạo vừa nghe có kẻ chĩa mũi nhọn vào mình, lập tức tỉnh như sáo, chửi bới sa sả đến vuốt mặt không kịp. Nếu không có Du Hữu Thích can ngăn, tay đệ tử chắc hẳn đã lao lên tẩn cho lão bếp già một trận.

-Chúng ta đừng nghi ngờ lẫn nhau nữa, hãy nhanh chóng rời khỏi nơi này. Nơi đây địa thế hiểm yếu, chớ lừng chừng mà để đối phương ra tay tóm gọn! - Mặc dù Lỗ Thịnh Nghĩa cũng cảm thấy sự việc có nhiều điểm đáng ngờ, nhưng lúc này tuyệt đối không được để xảy ra chia rẽ nội bộ. Nếu không, việc chính còn chưa bắt đầu, đã bị một mánh khoé nhỏ của đối phương làm cho tan rã.

Hoàng Đại Giải và đứa tiểu đồng đang kẹt lại trong khe Quải Phát hẳn là lành ít dữ nhiều, nhưng trong tình thế này, không thể hành sự theo tình cảm. Mặc dù ai nấy đều ôm lòng ngờ vực, nhưng vẫn nghe theo lời Lỗ Thịnh Nghĩa, nhanh chóng rời đi. Chỉ để lại một tia hy vọng trong bãi cỏ dại hoang vu ngút mắt, chính là một con diều...

Hết tập

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio