Mật Mã Tây Tạng

chương 65: kẻ tôi tớ của núi tuyết

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Tổ của Trác Mộc Cường Ba phụ trách khảo sát xem khe núi nằm giữa đỉnh phụ phía Đông Nam Đa Kết Ngọc Trọng Mã và đỉnh chính có thích hợp để leo lên hay không, lối này vừa xa lại vừa khó đi, nên Mã Bảo đích thân dẫn đường cho bọn họ.

Dọc đường, qua chuyện trò Trác Mộc Cường Ba mới biết, Mã Bảo thực ra không phải là trưởng thôn gì cả, ngôi làng trên danh nghĩa này kỳ thực là một khu dân cư hình thành tự phát của đám dân du mục, trong thôn có bốn năm chục hộ gia đình, mọi người thân thiết như trong một nhà vậy. Ai gặp chuyện gì chỉ cần nói một tiếng, tất cả mọi người trong thôn đều sẽ giúp đỡ. Hơn nữa từ bao nhiêu năm nay, trong thôn làng này cũng chẳng có chuyện gì lớn lao xảy ra cả, những chuyện lớn nhất đều không ngoài mấy thứ tang ma hiếu hỷ.

Người trong làng đều là người Đạt Mã. Theo như Trác Mộc Cường Ba được biết, người Đạt Mã ở huyện Đạt Mã này đa phần đều từ Nepal di cư đến vùng giữa rặng Himalaya vào khoảng cuối đời nhà Thanh, nhưng bọn họ vẫn khăng khăng tin rằng mình là hậu duệ của người Tạng, cũng có người nói họ là con cháu của tộc Khắc Lạp Để. Họ không có chữ viết, trước giải phóng cũng sống theo lối hết sức nguyên thủy, đốt nương làm rẫy, thắt dây rừng để ghi nhớ lại sự việc. Vì nơi này là vùng tiếp giáp hai nước Trung Quốc và Nepal, nêu bọn họ cũng thường xuyên đi qua đi lại giữa hai nước, họ hàng thân thích của nhiều người Đạt Mã đều vẫn sinh sống ở Nepal, nhưng họ thì vẫn kiên trì cư trú trên lãnh thổ Trung Quốc, vì cho rằng đất nước Trung Quốc đang dần dần lớn mạnh, ngày tháng sau này sẽ ngày càng tốt đẹp hơn. Hiện giờ thì cuộc sống của người dân trong làng Mã Bảo về cơ bản không khác biệt gì so với người Tạng, cũng nói tiếng Tạng, ăn bánh bột mì Thanh Khoa, chỉ có điều các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng thì tương đối ít, chỉ có các hoạt động chuyển kinh chuyển sơn 1, hơn nữa còn đi theo chiều ngược chiều kim đồng hồ của Bản giáo.

Còn việc lên núi tuyết, Mã Bảo lắc đầu nói với họ, từ năm nọ năm kia nào đó, đội khảo sát của nhà nước cũng đến rồi, nhóm mười ba người đã vào núi, nhưng chưa đến một nửa số ấy sống sót trở ra; lại có năm, đội thám hiểm của Anh cũng đến, nhưng cuối cùng không thấy người nào quay lại; về sau có cả người Mỹ, người Đức, các loại thiết bị máy móc còn hiện đại tiên tiến hơn của họ bây giờ nhiều, nhưng lần nào cũng là mười người đi cùng lắm chỉ có một hai người về. Dải gió Tây chết chóc đâu phải chỉ là tên gọi, đỉnh Chomolungma (tức Everest, cao nhất trái đất: 8.848 m) có thể leo được, bởi đó là nữ thần nhân từ, còn Tử thần Tư Tất Kiệt Mạc lại là vị nữ thần có tính khí nóng nảy nhất, không ai có thể gánh chịu được lửa giận của Người.

Lúc họ đến được điểm quan trắc, đỉnh núi phủ mây mù, chỉ có thể nhìn thấy khoảng từ lưng chừng núi đổ xuống. Đội trưởng Hồ Dương chỉ liếc mắt nhìn qua một lượt, đã đoán định ngay: "Con đường này không thể đi được." Kế đó anh tiến hành đo đạc trắc địa hết sức thuần thục, đồng thời chỉ cho Trác Mộc Cường Ba và Nhạc Dương thấy những chỗ nguy hiểm. Anh cho rằng có ba nguyên nhân khiến con đường này không thể thông hành, một là khí hậu quá khắc nghiệt, hai là địa hình quá phức tạp, ba là độ dốc quá lớn. Với nhân lực và trang bị của họ lúc này, lên núi chính là tự lao đầu vào chỗ chết.

Mã Bảo cười cười nói với họ, những gì họ thấy đã là tương đối tốt rồi, bỏi trong truyền thuyết Đa Kết Ngọc Trọng Mã là vị nữ thần có tính nết khá tốt so với các thần linh khác. Lúc bình thường, nàng là vị nữ thần màu trắng vô cùng xinh đẹp, gương mặt luôn rạng rỡ nở nụ cười thân thiện, trên cổ nàng có vòng hoa kết từ bảo thạch, vàng bạc châu báu và hoa tươi, thường cưỡi một con sư tử màu xanh ngọc Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng khi nổi giận, nàng sẽ biến thành nữ thần mặt đen tính tình bạo ngược hung tàn, miệng nhểu máu, hai mắt tóe lửa, mũi phun khói mù mờ mịt, y phục của nàng cũng biến thành bộ áo da người lột từ tử thi, tay cầm bát đầu lâu đầy ắp máu người.

Trác Mộc Cường Ba cảm thấy câu chuyện sao mà quen thuộc, tưởng chừng như gã đã nghe qua ở đâu đó rồi, nhất định là không phải chuyện cổ được nghe kể hồi nhỏ, nhưng nhất thời không nhớ nổi. Chỉ nghe đội trưởng Hồ Dương hỏi: "Vậy ý của anh tức là, kết quả quan trắc của hai nhóm kia còn tệ hơn cả chúng tôi nữa ư?"

Mã Bảo gật đầu: "Chắc là thế đấy."

Nhạc Dương nghe xong phải nghĩ ngợi một lúc mới đại khái đoán ra được ý của Mã Bảo, lẩm bẩm cằn nhằn: "Mới chỉ đến lưng chừng núi mà đã khó đi như vậy rồi, không biết sau khi mây mù tan đi, đỉnh núi kia sẽ trông như thế nào nhỉ?"

Mã Bảo thì nghe hiểu được những gì Nhạc Dương nói, vội xua tay lia lịa: "Không thể nào đâu, sương mù trên đỉnh núi một năm bốn mùa lúc nào cũng có, tôi sống ở đây từ nhỏ đến lơn chưa thấy sương tan lần nào cả. Hồi trước nghe các bậc già lão nói, vì dẫu sao nữ thần cũng rất thích đẹp, nàng không muốn bị con người nhìn thấy bộ dạng dữ dằn hung ác của mình, thế nên đã che gương mặt mình đi. Đỉnh núi này mấy vạn mấy ngàn năm nay đều như vậy cả, chẳng bao giờ sương mù kia tan đi đâu."

Sắc mặt đội trưởng Hồ Dương lộ vẻ lo lắng, anh vân vê bộ râu xồm xoàm của mình nói: "Lần này thì hỏng bét rồi, nếu sương mù trên đỉnh núi quanh năm không tan, thì buộc phải tiến hành leo lên đỉnh trong khu vực mù rồi, tình huống này gọi là leo núi theo kiểu tự sát. Hơn nữa, dù sương mù có tan đi, với kiểu địa hình này, khó hơn leo lên đỉnh Chomolungma rất nhiều, chỉ sợ còn khó hơn cả leo núi Nam Ca Ba Ngõa ấy, nơi đây tuyệt đối có thể xếp vào độ khó leo treo cấp 5.12 trong hệ thống YDS 2 đó.

Trong thoáng chốc, cả ba người cùng chìm vào im lặng. Họ đều biết rõ, cấp 5.12 là cấp độ leo trèo khó nhất rồi, mà đội trưởng Hồ Dương thì tuyệt đối không ba hoa nói khoác. Lúc này Mã Bảo lại lên tiếng: "Cho dù mọi người có thể leo lên đến sườn núi, thì đoạn đường phía sau cũng không thể vượt qua được đâu. Chúng tôi hồi trước từng gặp rất nhiều người có thể leo vào màn sương mù, nhưng rồi không một ai trở về hết cả." Thấy sắc mặt bọn Trác Mộc Cường Ba càng khó coi hơn, Mã Bảo lại nói tiếp: "Trừ phi có Cương Nhật Phổ Bạc dẫn đường cho các vị."

"Cương Nhật Phổ Bạc?" Trác Mộc Cường Ba và đội trưởng Hồ Dương cùng thoáng ngẩn người ra, trong ký ức của hai người đều có chút ấn tượng đối với cái tên này. Ý nghĩa của nó là kẻ tôi tớ của núi tuyết. Trác Mộc Cường Ba vẫn còn lờ mờ nhớ được, chẳng những gã từng nghe thấy cái tên này, mà còn tiếp xúc cả với con người ấy nữa. Nhưng nghĩ cho kỹ càng hơn, lại cảm thấy không phải thế, tựa hồ như thiếu mất mối liên hệ then chốt nào đó.

"Đúng," Mã Bảo gật đầu, "nghe nói, anh ta là người duy nhất biết đường lên núi."

Đội trưởng Hồ Dương nói: "Sao anh ta lại biết đường lên núi?"

Mã Bảo lại lắc đầu: "Không biết. Có điều rất nhiều năm trước, một đội khảo sát khoa học của nhà nước có đến đây một lần. Khi đó là vợ Cương Nhật Phổ Bạc dẫn đường cho bọn họ, lần ấy bị thất bại, nghe đâu cả đoàn không có người nào trở về được. Về sau lại có một số nhóm khác đến muốn tìm Cương Nhật Phổ Bạc dẫn đường, nhưng anh ta không bao giờ đáp ứng nữa."

"Tôi nhớ ra rồi," đội trưởng Hồ Dương nắm tay đấm vào bàn tay bên kia của mình thốt lên, "hồi tôi còn ở đội khảo sát sông băng Tây Tạng đã nghe nói đến người này rồi. Dạo đó nhà nước muốn đi đo đạc thăm dò một ngọn núi tuyết, chỉ vì Cương Nhật Phổ Bạc không chịu dẫn đường, vì vậy mãi vẫn không thể xuất hành. Hồi ấy thường hay thấy nhắc đến cái tên này lắm, ái chà chà, tôi đã bảo sao cái tên này nghe quen thế mà! Nghe bảo sông băng ở đây rất đặc thù, có thể sánh được với sông băng ở núi Nạp Mộc Ma Ni 3 đó. Nói đên đây, đội trưởng Hồ Dương mê mẩn dõi mắt ngắm nhìn dòng sông băng trắng toát khổng lồ vươn xuống từ giữa đám mù sương mờ mịt. Đó tựa như một thiếu nữ để lộ ra nửa cánh tay trắng muốt như tuyết đang vẫy gọi, toát ra thứ ma lực lạ lùng.

"Phải rồi, Mã Bảo, khi ấy mọi người làm sao biết Cương Nhật Phổ Bạc có thể tìm được đường lên núi? Ông ta cũng là người Đạt Mã à?" Trác Mộc Cường Ba hỏi.

Mã Bảo lắc đầu: "Không phải. Hồi xưa tôi nghe các bậc già lão trong làng nói, trước khi tổ tiên chúng tôi đến đây, tổ tiên Cương Nhật Phổ Bạc đã định cư ở quanh nơi này rồi. Vì vậy tôi nghĩ, đấy chính là nguyên nhân bọn họ biết nhiều hơn chúng tôi."

Ông ta lấy ngón tay chỉ hướng, đoạn nói: "Bọn họ trước nay vẫn cư trú ở phía Nam, còn phải đi lên thêm nữa. Môi trường ở đó không tốt như chỗ chúng tôi, rất ít người sống. Trước đây nơi đó cũng chỉ có một hai hộ gia đình, hiện nay thì chỉ còn lại một mình Cương Nhật Phổ Bạc thôi."

Trác Mộc Cường Ba đưa mắt nhìn Nhạc Dương; cả hai đều nghĩ đến những người dân sống trong thôn Công Bố, người tên Cương Nhật Phổ Bạc kia, liệu đám bọn họ có sứ mạng giống nhau hay không nhỉ?

Đội trưởng Hồ Dương nói: "Dẫn chúng tôi đi gặp người đó."

Mã Bảo nghĩ ngợi giây lát, rồi nói: "Vô dụng thôi, trước đây không phải là không có người đến tìm anh ta, nhưng từ khi người vợ bị mất tích, anh ta từ chối dẫn bất cứ người nào lên núi."

Đội trưởng Hồ Dương nói: "Anh cứ giúp chúng tôi tìm được anh ta đã, còn chuyện anh ta có sẵn lòng đưa chúng tôi lên núi hay không, chúng tôi phải nói chuyện với anh ta thì mới biết được, phải vậy không?"

Mã Bảo nhíu mày nói: "Được thôi, có điều tôi phải nhắc nhở mọi người, lại gần căn nhà của anh ta là một chuyện hết sức nguy hiểm. Cương Nhật Phổ Bạc nuôi một con chó rất lớn, rất dữ, hơn nữa ngoại trừ chủ nhân của nó ra, con chó đấy không nhận bất cứ người nào khác cả. Có lẽ nó không cắn tôi, nhưng mà các vị thì…"

"Chó lớn hả!" Trác Mộc Cường Ba liền sực nhớ ra, kêu toáng lên, "Cương Lạp! Cương Lạp Mai Đóa! Tôi nhớ ra rồi!"

"Hả?" Mã Bảo lộ vẻ kinh ngạc nói, "Sao anh biết tên nó vậy?"

Trác Mộc Cường Ba cười lớn nói: "Tôi đã bảo sao cái tên đó nghe quen quen vậy mà, Cương Lạp Mai Đóa, Cương Nhật Phổ Bạc, sao tôi lại không quen anh ta được cơ chứ, tôi đã ở nhà ấy cả nửa năm cơ mà!" Gã kéo tay Mã Bảo nói, "Anh không cần lo cho sự an toàn của chúng tôi đâu."

Nhiều năm trước gã và giáo sư Phương Tân từng đến huyện Đạt Mã tìm chó ngao, bất ngờ phát hiện ra ở nhà Cương Nhật Phổ Bạc có giống ngao cực kỳ quý hiếm Hải lam thú, chính là con Cương Lạp Mai Đóa đó; trong tiếng Tạng, Cương Lạp Mai Đóa nghĩa là hoa sen tuyết. Để thuyết phục Cương Nhật Phổ Bạc đồng ý cho gã dẫn Cương Lạp Mai Đóa ra ngoài, giới thiệu thần ngao Hải lam thú với toàn thế giới, gã đã ở lỳ nhà Cương Nhật nửa năm ròng, có điều từ đầu chí cuối gã vẫn gọi Cương Nhật là a quả (nghĩa là đại ca), giờ đột nhiên nghe tên đầy đủ của anh ta, đâm ra không kịp phản ứng nhớ ra.

Đội trưởng Hồ Dương và Nhạc Dương đều quay sang nhìn Trác Mộc Cường Ba, chỉ thấy gã kích động nói với hai người họ: "Hải lam thú! Cương Nhật có một con Hải lam thú cực kỳ quý hiếm, tên nó là Cương Lạp Mai Đóa, đóa sen tuyết diễm lệ đẹp mê hồn người. Nó còn ở đó không?" Câu hỏi cuối cùng gã là dành cho Mã Bảo.

Mã Bảo nhún vai đáp: "Vẫn còn." Ông dường như phải hạ quyết tâm lớn lắm, mới nói: "Đi theo tôi."

Nhạc Dương hiếu kỳ hỏi: "Hải lam thú là gì thế?"

Trác Mộc Cường Ba mỉm cười đáp: "Một giống chó ngao Tây Tạng. Thu hoạch duy nhất trong chuyến đi tới huyện Đạt Mã tám năm trước của tôi và giáo sư Phương Tân chính là tìm được con Hải lam thú này. Tôi ở nhà a quả suốt nửa năm, nhưng anh ấy không thể nào không có Cương Lạp, một ngày thôi cũng không được. Hiện nay những người biết đến chó ngao Tây Tạng, đa phần đều biết Thiết pháo kim, Tuyết ngao, Hồng ngao, Hắc ngao, những giống như Tượng kim sư, Lang thanh, Báo ban giờ cũng hiếm người gặp rồi, còn nếu là Hoàng kim nhãn, Hải lam thú thì chắc đến cả nghe tên cũng chỉ có mấy người thôi." Trác Mộc Cường Ba không kìm được mà nhớ lại sắc lam tuyệt đẹp ấy, sắc lam nhàn nhạt lấp lóa ánh bạc, đó là sắc màu mà bất cứ họa gia nào cũng không thể pha nổi. Bản thân Trác Mộc Cường Ba cũng không biết phải miêu tả thế nào, chỉ có thể tán tụng sự ban ân của đại tự nhiên mà thôi.

"Mười năm hiếm gặp Hoàng kim nhãn, trăm năm không có Hải lam thú." Trác Mộc Cường Ba không khỏi nhớ lại những thần ngao, bảo ngao lưu truyền trong lời kể của những cụ già du mục ở các vùng hoang vu nơi dấu chân con người hiếm khi đặt tới. Hoàng kim nhãn và Hải lam thú đều là biến chủng của chó ngao Tây Tạng phổ thông. Hoàng kim nhã chính là tên gọi đôi mắt giả của giống Thiết pháo kim; bên trên hai mắt một con ngao giống Thiết pháo kim còn có hai đốm vàng, thoạt nhìn trông rất giống có thêm một đôi mắt nữa, tục gọi là Thiết pháo kim bốn mắt. Đôi mắt giả của Thiết pháo kim bình thường màu vàng nhạt hoặc màu hạt dẻ, còn cả màu nâu đỏ nữa, nhưng có một giống biến chủng, cặp mắt giả ấy biến thành màu vàng kim, tương truyền con ngao loại này sau khi trưởng thành thì to hơn chó ngao thường một bậc, khỏe vô cùng, vuốt như vuốt hổ, tiếng gầm như tiếng sư tử. Đặc biệt là cặp mắt vàng kim hết sức nổi bật kia như tượng trưng cho thân phận tôn quý, lũ chó ngao tầm thường trông thấy đều tự thu vuốt cụp móng cúi đầu lẩn đi, ánh mắt lộ rõ vẻ nhún nhường. Truyện Tiên Hiệp - Truyện FULL

Hải lam thú thì là biến chủng của Tuyết ngao. Tuyết ngao thông thường toàn thân trắng tuyền, con nào lông tốt còn ánh lên sắc bàng bạc, gọi là "nhuộm bạc ánh tuyết". Hải lam thú bình thường không khác gì Tuyết ngao cả, điểm kỳ dị là khi nó chạy nhảy dưới trời xanh mây trắng, qua một khoảng thời gian, màu lông của nó sẽ dần biến thành sắc lam nhàn nhạt, không phải màu lam sâu thẳm của biển khơi, mà là sắc lam nhạt kỳ dị của những hồ nước trên cao nguyên Thanh Tạng dưới bầu trời xanh, lại cũng giống như màu lam nhạt ánh lên khi băng tuyết tích tụ quá sâu, quá dày, đồng thời còn óng ánh sắc bạc, rất nhạt, nhưng đẹp tuyệt trần, bởi thế nên có tên là Hải lam thú. Lời bàn về Hải lam thú trong truyền thuyết là, giống ngao này thông linh, có thể đọc hiểu ý người, thân thể nhẹ như lông nhạn, chạy nhanh như gió không để lại dấu chân trên tuyết, không sợ giá lạnh băng tuyết, có thểm tìm được đường ra chính xác trên núi tuyết mù sương, có thể phá băng xuống nước tìm thức ăn, thường làm tọa kỵ Độ Mẫu và Bồ Tát. Thể hình của Hải lam thú nhỏ hơn một chút so với đồng loại, thông thường những con xảy ra biết dị đều là ngao cái, địa vị của chúng trong lòng dân du mục gần như có thể so với Tử kỳ lân được, điểm khác biệt duy nhất chính là Tử kỳ lân chỉ xuất hiện trong truyền thuyết, còn Hải lam thú thì ngẫu nhiên cũng có xuất hiện trong hiện thực.

Trác Mộc Cường Ba còn nhớ, lần đầu tiên nhìn thấy Cương Lạp Mai Đóa gã đã từng kích động run rẩy nói với giáo sư Phương Tân: "Hải lam thú! Đó là Hải lam thú! Thầy giáo, thầy thấy chưa, đó chính là Hải lam thú, chúng không chỉ xuất hiện trong truyện thần thoại thôi đâu. Có Hải lam thú, thì cũng sẽ có Tử kỳ lân!"

Trác Mộc Cường Ba vừa lôi mình từ hồi ức trở lại hiện thực, vội vàng liên lạc với giáo sư Phương Tân; trông gã lúc này như một đứa trẻ đang ra câu hỏi đánh đố người lớn vậy:

"Thầy giáo, thầy đoán xem chúng tôi sắp đi kiếm ai nào?"

"Kiếm ai?" giáo sư Phương Tân thoáng ngẩn ra, rồi lập tức đáp ngay: "Cương Lạp Mai Đóa! Tôi đã bảo chỗ này sao quen thế rồi mà lại, các cậu sắp đi tìm Hải lam thú đúng không?

Lữ Cánh Nam trong bộ đàm lên tiếng hỏi: "Chuyện gì thế? Các anh đã thăm dò xong rồi à?"

Đội trưởng Hồ Dương đáp: "Phải, con đường này không thể đi được. Giờ chúng tôi sẽ đi tìm một người biết đường lên núi, hy vọng anh ta có thể giúp được gì đó cho chúng ta."

"Được rồi, chú ý an toàn, nhớ báo cáo lại cho tôi."

Trên đường, Mã Bảo nhắc đến Cương Nhật Phổ Bạc. "Tuy tính khí có hơi cổ quái một chút, nhưng anh ta là người tốt. Anh ta đã nhiều lần giúp chúng tôi tìm lại lũ bò dê đi lạc, hơn nữa còn cho chúng tôi biết khu vực nào là nguy hiểm, chớ dắt dê vào đó chăn thả. Cũng có khi người trong làng trông thấy, lúc nào không có người ngoài vào núi, anh ta sẽ lẳng lặng một mình đi sâu vào trong núi."

Lần này thì Nhạc Dương nghe lờ mờ hiểu được một nửa, liền hỏi: "Ý của anh là, anh ta sống một mình trên núi?"

Mã Bảo gật đầu. Nhạc Dương kinh ngạc thốt lên: "Một mình thì sống làm sao được?"

Mã Bảo nói: "Sao một mình lại không sống được? Anh ta nuôi một đàn dê lớn, có một căn nhà hầm to, đại khái một năm ra khỏi núi hai lần, dùng dê đổi lấy các nhu yếu phẩm cần dùng. Mỗi năm khi các đồng chí bộ đội đóng ở đây đến thăm chúng tôi, cũng chuẩn bị cho anh ta một phần các đồ dùng cần thiết. Người làng chúng tôi cũng đều sống như vậy cả."

Nhạc Dương len lén đưa mắt nhìn ngọn núi tuyết khổng lồ, thầm nhủ, sống một mình ở cái vùng lạnh khủng khiếp này làm sao mà chịu nổi? Đến cả người nói chuyện cũng không có nữa, thế thì cô đơn lạnh lẽo đến như thế nào chứ.

Vừa đi Mã Bảo vừa kể một số lời đồn về Cương Nhật Phổ Bạc nữa, được chừng nửa tiếng đồng hồ thì cỏ xanh dưới chân thưa dần, những viên đá cuội lớn bắt đầu nhiều lên, khí lạnh táp vào mặt người. Những viên đá cuội trơn nhẵn hết sức ẩm ướt, không dễ đi chút nào. Đội trưởng Hồ Dương lại ngước nhìn núi tuyết, chỉ tay vào đá, nói: "Nhìn thấy chưa, những tảng đá này chứng tỏ rằng, từ rất lâu rất lâu trước đây, sông băng vốn phủ kín cả khu vực mà chúng ta đang đứng đây, hiện giờ thì đã rút lên phía trên kia rồi." Nói tới đây anh ta lại bồi hồi cảm khái, "Tôi còn nhớ năm đó, kết quả khảo sát sông băng của chúng tôi là, không bao lâu nữa, trên dãy Himalaya này sẽ không còn sông băng nào nữa."

Cùng với tiếng thở dài của đội trưởng Hồ Dương, không khí càng lúc càng lạnh hơn. "Cường Ba thiếu gia, nhìn kìa!" Nhạc Dương chỉ tay vào một mỏm núi xa xa. Mỏm núi đen thui giống như một bức tường dựng trên lưng chừng núi, bên dưới có mấy hang động thiên nhiên; chỗ tay Nhạc Dương chỉ vào chính là những hang động thiên nhiên ấy.

Trác Mộc Cường Ba nói: "Ừm, trông thấy rồi. Tôi nhớ lần trước đến đây, thầy giáo có nói, đấy chắc là nơi cổ nhân thời Đồ đã cũ từng cư trú, nhưng kiểu hang động lộ thiên thế này dễ bị phá hoại lắm, nên bên trong chắc chẳng còn gì nữa cả. Huyện Đạt Mã có rất nhiều di chỉ Đồ đá cũ, đây cũng là một khi quần cư của cổ nhân."

Đội trưởng Hồ Dương cũng nói: "Không chỉ ở đây có, mà bên bờ sông Kim Sa kéo dài từ cực Tây đến cực Đông khu A Lý, nguyên một vòng cung tạo bởi mạch núi Himalaya đều có những hang động nham thạch thế này. Theo những suy đoán ban đầu, vào thời kỳ văn minh nhân loại mới manh nha khởi phát, dãy Himalaya đã trải qua một thời kỳ con người sống trong hang động rất dài."

"Ồ" Nhạc Dương hơi có chút thất vọng nói, "tôi còn tưởng đấy là do người Qua Ba bỏ lại chứ."

Trác Mộc Cường Ba thầm chấn động trong lòng, xem ra không chỉ mình gã có suy nghĩ như thế. Nhưng ý kiến của Nhạc Dương lại khiến gã nghĩ đến một ý, người Qua Ba và cổ nhân thời kỳ Đồ đá cũ trên cao nguyên Thanh Tạng liệu có phải là cũng một mạch truyền thừa, lưu truyền nền văn minh nguyên thủy từ một vạn năm trước đến tận thời hiện đại ngày nay? Trong đầu gã, chợt hiện ra cảnh tượng những người nguyên thủy mình quấn da thú, tay cầm gậy gỗ, đang vác vật săn trở về, sau lưng là một đàn… vân vân, sao lại xuất hiện hình ảnh như vậy được nhỉ? Ánh mắt Trác Mộc Cường Ba trở lại với những hang động nham thạch thiên nhiên đen thui kia, hình ảnh vừa này giống như đoạn phim chiếu lại, gã nhìn thấy rất rõ ràng, sau lưng những người sống trong hang động ấy là… một đàn sói!

Mã Bảo biết rất ít về người nguyên thủy, vẫn dẫn đường đi trước, miệng nói: "Vượt qua cửa thung lũng trước mặt, đi thêm nửa tiếng nữa là có thể trông thấy nhà của Cương Nhật Phổ Bạc rồi."

Gió ở cửa thung lũng rất lớn, thổi rát cả mặt, núi hai bên như hai người khổng lồ sừng sững đan chéo chân vào nhau, và lúc này bọn họ phải đi xuyên qua hai khúc chân gác chồng lên nhau ấy. Đột nhiên, gió dường như mạnh hơn, trong tiếng gió rít vù vù phảng phất toát ra khí lạnh rùng mình, cảm giác nhìn không thấy, sờ không được đó khiến cả bốn người cùng dừng bước. Cỏ khô run rẩy trong cơn gió cuồng loạn, tựa như cũng muốn lẩn trốn lực lượng thần bí vô hình kia.

Trác Mộc Cường Ba nhắm mắt lại, dựa vào trực giác nói: "Có thứ gì đó đang tiến về phía chúng ta, tốc độ rất nhanh!" Gã vừa nói dứt lời đã nghe Nhạc Dương kêu toáng lên, "Cường Ba thiếu gia! Cẩn thận!"

Trác Mộc Cường Ba mở to mắt nhìn thấy trong gió lóe lên một tia chớp màu xanh…

--------------------------------

1 Chuyển kinh chuyển sơn: Một trong những nghi thức kiền thành nhất của Tạng truyền Phật giáo, Ấn Độ giáo và Bản giáo. Tín đồ vừa bái lạy vừa đi vòng quanh ngọn núi thần Cương Nhân Ba Tề (Giang Riponche). Tạng truyền Phật giáo và Ấn Độ giáo chuyển sơn theo chiều kim đồng hồ; còn Bản giáo thì đi theo chiều ngược lại.

2 YDS (Yosemite Decimal System): hệ thống dùng để mô tả các cấp độ khó của hoạt động leo trèo. Cấp độ 5.12 là cấp độ khó nhất và chưa ai thực sự leo lên được.

3 Gurla Mandhata: đỉnh núi cao nhất dãy Nalakankar Himal, một nhánh của dãy Himalaya.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio