Ông Vọng mài xong mực, Sửu thì dọn dẹp cái bàn uống nước. Xong xuôi, cả hai lại tiếp tục hồi hộp chờ đợi xem thầy Lương sẽ làm gì tiếp theo. Thầy Lương đặt tay nải của mình lên bàn, tiếp đó ông lấy ra tấm bản đồ vẽ địa hình làng Văn Thái, đó chính là tấm bản đồ được cụ Cẩn giao cho con trai là ông Cung đưa cho ông Vọng cùng với quyển trục ghi chép lại một phần quá khứ thảm khốc của ngôi làng từ lúc Cao gia vẫn còn tồn tại.
Ông Vọng đã biết về tấm bản đồ, cũng chính nhờ tấm bản đồ này mà thầy Lương mới có thể xác định được vị trí long mạch trong làng, qua đó giúp dân làng thoát được tai kiếp, thanh tẩy được chất độc nơi mạch nước ngầm, phá bỏ được trấn yểm của Cao Côn.
Sửu thì có phần lạ lẫm, bởi Sửu chưa từng được thấy tấm bản đồ này bao giờ, Sửu ấp úng:
- - Đây là...?
Thầy Lương đáp:
- - Là bản vẽ rất chi tiết địa hình, cùng các vị trí trọng yếu trong làng này. Nhờ tấm bản đồ này mà chuyện nước giếng bị nhiễm độc mới được giải quyết.
Ông Vọng cũng hỏi:
- - Thầy không lấy ra tôi cũng quên bẵng đi mất.
Thầy Lương mỉm cười:
- - Trưởng làng yên tâm, sau khi dùng xong tôi sẽ trả lại tất cả mọi thứ cho làng. Không giấu gì hai người, mấy ngày nay tôi đã ngờ ngợ về chuyện đâu đó trong làng này vẫn còn ẩn giấu một bí mật của Cao Côn. Nhưng vì chưa chắc chắn nên tôi chưa dám nói ra. Cả đêm hôm qua tôi đã xem xét tấm bản đồ này rất kỹ, cuối cùng tôi cũng phát hiện một điều, một điều cực kỳ quan trọng. Đang định sáng nay sẽ đi xem lại tất cả các địa điểm một lần nữa thì làng bất ngờ xảy ra chuyện đáng tiếc. Nói có gì không phải mong hai người bỏ quá, nhưng cũng chính nhờ vào việc cậu Lực cùng bà thầy cúng chết ngoài miếu mà tôi càng chắc chắn rằng, khu đất nơi có ngôi miếu hoang đó có của, và đó là gia tài mà Cao Côn bí mật chôn giấu.
Ông Vọng và Sửu vẫn đang chăm chú lắng nghe, trải tấm bản đồ lên mặt bàn, thầy Lương đặt lên trên đó tờ giấy trắng, dùng bút lông chấm mực Tàu, thầy Lương bắt đầu chấm lên tờ giấy trắng đó những nốt mực đầu tiên. Vừa chấm, thầy Lương vừa nói:
- - Cây đa, giếng nước, sân đình, cây lộc vừng, huyệt mắt rồng, bãi hoang......và đây chính là vị trí của miếu hoang.
Sau khi đã chấm lên tờ giấy trắng điểm mực Tàu, Sửu đứng một bên, ông Vọng đứng một bên nhìn vào tờ giấy với những chấm mực ấy vẫn không hiểu gì cả. Ông Vọng thắc mắc:
- - Cái này là gì vậy thầy....?
Thầy Lương trả lời:
- - Đây là vị trí được cho là quan trọng nhất trong ngôi làng này, điểm liên kết địa mạch của làng Văn Thái......Không phải tự nhiên mà tấm bản đồ này lại lưu ý cặn kẽ, thậm chí là vẽ chi tiết từng chút về thứ này. Vì không thể làm tổn hại đến tấm bản đồ, cũng như muốn hai người hình dung rõ hơn nên tôi chấm những điểm chấm tương tự với những ghi chú quan trọng trong bản đồ ra tờ giấy này cho hai người nhìn.
Sửu nhăn trán suy nghĩ, nhưng quả thực, nhìn vào tờ giấy với cái chấm đen này, Sửu chẳng thể luận ra được điều gì cả. Càng nhìn lại càng không hiểu, phía bên này của thầy Lương, ông Vọng cũng không khá hơn là mấy, ông Vọng còn cúi sát xuống để nhìn tờ giấy cho kỹ hơn, nhưng kết quả cũng chỉ là cái lắc đầu ngao ngán.
Cả hai người đồng thanh hỏi:
- - Rốt cuộc thì mấy cái chấm này có ý nghĩa gì vậy thầy....?
Lúc này thầy Lương mới tiếp tục dùng bút lông, thầy Lương nối những điểm chấm đó lại với nhau, đột nhiên ông Vọng như nhận ra được điều gì đó, ông Vọng nói:
- - Nhìn rất quen, nhưng có gì đó không đúng lắm.....Sao lại thế được nhỉ..?
Sửu hỏi ông Vọng:
- - Bác thấy quen ở chỗ nào vậy....? Sao em nhìn đi nhìn lại vẫn không hiểu rốt cuộc thì đây là cái gì...?
Thầy Lương nói với ông Vọng:
- - Trưởng làng nhìn thấy quen thật sao...?
Ông Vọng không dám chắc chắn, nhưng ông đáp:
- - Tôi cũng không rõ, cứ mang máng nó là hình gì đó nhưng nhìn kỹ lại thì không phải.
Thầy Lương cười:
- - Vậy bác trưởng làng hãy thử đi sang đối diện bên kia bàn rồi nhìn lại một lần nữa xem sao.
Ông Vọng nghe theo lời thầy Lương, ông đi qua bên kia bàn, đứng đối diện với thầy Lương và Sửu, mặt Sửu lúc này vẫn ngơ ngác không hiểu điều gì, thầy Lương nói:
- - Đứng đó được rồi, giờ bác trưởng làng nhìn vào tờ giấy này xem bác thấy gì...?
Ông Vọng nuốt nước bọt, ông nhìn xuống tờ giấy trên bàn, trong đầu còn đang nghĩ không hiểu nếu đứng sang bên phía này nhìn thì liệu có gì khác hay không, bởi cơ bản trên tờ giấy đó vẫn là điểm chấm được nối liền lại với nhau mà thôi, đâu có thêm thứ gì khác......Nhưng không, khác với đứng bên kia, sau khi đi sang phía đối diện, lúc này nhìn xuống, hình vẽ thực sự đã khác. Điều mà ông Vọng cảm thấy quen quen khi nãy giờ đây không chỉ là mang máng nữa, ông Vọng thốt lên:
- - Là....là....sao....Bắc Đẩu......Chính là sao Bắc Đẩu.
Thầy Lương cười lớn:
- - Ha ha ha....Ha ha ha....Đúng vậy, đúng vậy.....Vậy là bác trưởng làng cũng đã nhìn ra. Chính xác, khi điểm được liên kết lại với nhau, ta sẽ có hình dạng của Bắc Đẩu Thất Tinh. Chỉ có điều phải nhìn từ hướng ngược lại mới nhận ra điều này. Đó là lý do vì sao khi đứng bên này, bác thấy nó quen nhưng không đúng, bởi vì trưởng làng đã nhìn ngược.
Ông Vọng có phần ngỡ ngàng, quả đúng là như vậy, chẳng trách tại sao ông Vọng đã ngờ ngợ khi điểm trên giấy được nối lại với nhau. Sao Bắc Đẩu, chòm sao luôn nằm ở phía Bắc. Nhắc đến sao Bắc Đẩu, ông Vọng lại nhớ đến bố ( nuôi) của mình. Ngày ông còn bé, những buổi tối trời cao thanh mát, ông hay ngồi vào lòng bố, trong lúc chờ đợi mẹ nướng vài củ khoai, ông Vọng hay nhìn lên bầu trời rồi chỉ tay về phía những vì sao đang lấp lánh. Như bao đứa trẻ khác, ông Vọng hỏi bố những câu hỏi ngô nghê như tại sao chỉ nhìn thấy sao vào ban đêm, tại sao những ngôi sao đó lại sáng......Ông nhớ lúc ấy bố ông nói, mỗi ngôi sao trên trời tượng trưng cho người đã mất, khi con người ta chết đi, linh hồn của họ sẽ biến thành những vì sao lấp lánh, những vì sao đó sẽ dõi theo những người thân đang sống và phù hộ cho họ. Buổi tối sao mới sáng là bởi vì những người thân đã khuất của chúng ta sẽ bảo vệ ta trong cả từng giấc ngủ. Và rồi theo ngón tay của bố, ông Vọng được bố chỉ cho vị trí của sao Bắc Đẩu, ngôi sao nhỏ nối lại với nhau sẽ ra hình dáng của một cái đấu, và nó luôn luôn nằm ở hướng Bắc. Ký ức tuổi thơ về sao Bắc Đẩu vẫn theo ông Vọng cho tới tận bây giờ, nhiều năm qua, mỗi khi nhớ đến bố mẹ, ngoài cây xoài bên ngoài vườn thì thi thoảng, ông Vọng vẫn nhìn lên bầu trời đêm để tìm sao Bắc Đẩu, như một lời tưởng tớ đến bậc sinh thành. Ông vẫn tin như ngày còn nhỏ, bố mẹ ông là hai ngôi sao đang lấp lánh ở đâu đó trong số muôn vạn vì sao trên bầu trời đêm lung linh, huyền ảo.
Nhìn ra những chấm vẽ trên giấy là sao Bắc Đẩu nhưng ông Vọng vẫn chưa hiểu, cuối cùng thì sao Bắc Đẩu có ý nghĩa gì...? Và thầy Lương đang muốn nói đến điều gì...?
Không để ông Vọng với Sửu phải chờ đợi thêm, thầy Lương dùng bút lông bắt đầu viết lên giấy, ngay bên dưới từng điểm chấm mực Tàu, vừa viết thầy Lương vừa nói:
- - Bắc Đẩu Thất Tinh là nhóm sao bao gồm ngôi sao với những cái tên riêng biệt. Hai người hãy nghe kỹ những gì tôi sắp nói sau đây. Theo như từng vị trí thì từng điểm sẽ tương ứng với tên của một ngôi sao trong Bắc Đẩu Thất Tinh. Bãi Hoang sẽ là Phá Quân, Huyệt Mắt Rồng sẽ là Vũ Khúc, Cây Lộc Vừng tương ứng với Liêm Trinh, Giếng Làng chính là sao Văn Khúc, cứ như vậy tiếp theo chếch xuống dưới, Đình Làng sẽ là Lộc Tồn, kế đến Miếu Hoang chính là Cự Môn, và cuối cùng Cây Đa đầu làng tượng trưng cho sao Tham Lang. Từng vị trí, từng địa điểm được đánh dấu trên bản đồ, khi nối chúng lại với nhau.......Chính là Bắc Đẩu Thất Tinh. Tấm bản đồ này không chỉ xác định Long Mạch của làng, mà nó còn liên kết toàn bộ các vị trí trọng yếu, liên kết địa mạch của làng lại thành một tấm bản đồ nhỏ khác. Quả thực càng biết về Cao Côn, tôi càng cảm thấy con người này là một thầy phong thủy đại tài, khả năng của ông ta vô cùng đáng sợ, chẳng trách tham vọng của ông ấy chính là độc giữ Long Mạch cho gia tộc họ Cao. Chỉ tiếc rằng, con người dù có bản lãnh lớn đến đâu, để có thể nghịch thiên vẫn là điều mộng tưởng. Bắc Đẩu Thất Tinh chính là bản đồ cất giấu kho báu của Cao Côn. ̉n ngay bên trong tấm bản đồ lớn, không thể ngờ được còn có một tấm bản đồ nhỏ. Như tôi đã nói với bác trưởng làng trước đây, tấm bản đồ này chắc chắn phải được một người cực kỳ tinh thông về địa lý, phong thủy vẽ ra. Nếu xét toàn bộ quá khứ của làng Văn Thái, không ai có thể vẽ được thứ này ngoài Cao Côn. Tôi đồ rằng, các cụ thời xưa, những người cùng thời với Cao Côn hẳn cũng đã nhận ra được điều gì đó cho nên họ mới truyền đời giữ tấm bản đồ, coi nó như một vật báu. Nhưng xem ra chưa có ai giải được bí mật giấu trong bản đồ. Dù đó không phải là của cải, kho báu thì di vật mà Cao Côn hao tâm tổn trí cất giữ cũng sẽ là kho tàng vô cùng quan trọng dành cho hậu thế, dành cho dòng máu của Cao gia.
Nói đến đây, thầy Lương khẽ nhìn sang phía ông Vọng, ông Vọng lúc này cũng đang đổ mồ hôi lạnh. Thầy Lương nói đến đâu, ông Vọng bất giác rùng mình đến đó. Sửu cũng đã dần hiểu ra được một chút vấn đề.
" Uỳnh "
Bên ngoài trời đã nổi giông, mây đen kéo đến, một tiếng sấm khan nổ lớn vang động, rung chuyển cả đất trời. Nhưng tiếng sấm động cũng không khiến cho những con người đang có mặt trong ngôi nhà này thấy bàng hoàng bằng những phân tích, lý giải của thầy Lương.
Ông Vọng đưa tay lau mồ hôi đang chảy trên trán, ông Vọng run run nói:
- - Là....kho....báu....thật sao....?