Mộng Đổi Đời

chương 16

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Mùa thu ở thôn Cốc Lý trên núi dưới làng chỉ có hai màu: vàng ra vàng, đỏ ra đỏ. Gió thổi rừng cây xào xạc, lá rụng khắp mặt sđất. Trời hình như cũng cao hơn, mây cũng đã nhạt hơn, nhiệt độ cũng bắt đầu giảm, khói bếp màu sữa đục lưu luyến những mái nhà một lúc rồi từ từ tản vào không gian. Những con trâu tụm năm tụm ba trên bờ đê tìm cái ăn. Con ngựa đen của nhà Trương Ngũ đang chạy tung tăng thong thả trong ruộng lúa đã gặt. Vuông Đông và Uông Đông ngồi dưới mái hiên bóc ngô, ngô vàng sậm chất thành đống gần đụng đến cằm của họ. Trước cửa sổ nhà Trương Tiên Hoa có phơi mấy bộ quần áo, mỗi lần gió thổi tới phát ra những âm thanh phành phạch. Nước trong hồ tuy đã vơi đi ít nhiều nhưng tiếng nước chảy qua những đường dẫn nước như rõ ràng hơn, réo rắt hơn như có ai đó đang gảy đàn…

Vườn rau nhà họ Uông đã bỏ hoang, những cọng rau còn sót lại đã tàn úa. Bên nhà chú Hai, những luống rau cải trắng đang phủ kín khu vườn. Mạng nhện giăng đầy cửa sổ cửa lớn nhà Uông Hòe, trên cửa lớn có một dòng chữ: " Uông Hòe, ông đã chạy đi đâu vậy? ". Dòng chữ này được viết bằng vôi trắng, trải qua mưa gió, nét chữ đã mờ nhưng thoạt nhìn cũng có thể nhận ra đó là do Quang Thắng, người ở thôn kế bên viết.

Họ đẩy cửa vào nhà, quét tước, chẻ củi, gánh nước, nhen lửa, rửa chén bát, phơi chăn màn… Lưu Song Cúc đến nhà chú Hai nhận lại hai con lợn đã nhờ nuôi hộ thời gian qua. Cuộc sống của họ đã sang một trang mới. Uông Trường Xích phát hiện trên cây lê ở góc vườn có mấy quả còn sót lại bèn trèo lên hái, nhét vào miệng Tiểu Văn. Mùi vị chua chua ngọt ngọt có vẻ kỳ lạ, giống như một loại sản phẩm nào đó đã được quảng cáo ở huyện mà cô đã được nếm qua.

Uông Hòe nhờ người chọn được ngày tốt, bày hai mươi bàn tiệc rượu, xem như Uông Trường Xích và Tiểu Văn đã thành vợ chồng hợp pháp. Đêm tân hôn, khi hai vợ chồng đã lên giường, Tiểu Văn mới hỏi:

- Có đúng là anh có thể đưa em lên thành phố không?

- Nếu anh nói là không đưa em đi thì sao nào?

- Thế thì anh là kẻ lừa đảo.

- Tại sao em lại đồng ý làm vợ một kẻ lừa đảo?

Tiểu Văn không đối đáp được, ngồi xích ra một góc giường, hai tay giữ lấy hàng cúc áo.

- Vừa bước vào phòng hoa chúc này là anh không muốn đi đầu nữa cả.

- Không thể được.

- Em chưa hề thử lần nào, sao biết là không thể?

Gương mặt Tiểu Văn đỏ bừng lên. Uông Trường Xích kéo nhẹ tay cô ấy, nói:

- Tiệc rượu đã xong, các thủ tục cũng đã tiến hành, em có hối hận cũng không kịp nữa rồi.

Tiểu Văn dí tay lên mũi Uông Trường Xích, nói:

- Anh thật hư hỏng.

- Cả đời này anh chỉ hư với mình em thôi.

- Anh lừa em.

Uông Trường Xích đưa tay lên trời như muốn nói lời thế nguyền, chưa kịp nói thì Tiểu Văn đã bắt đầu cởi hàng cúc áo. Kỳ thực, nếu Uông Trường Xích không thề, cô cũng đã muốn cởi quần áo ra lắm rồi, chẳng qua là cô chờ một cử chỉ thể hiện tình yêu của Uông Trường Xích để trước khi chuyện ấy bắt đầu có thêm một tí gia vị mà thôi. Việc Tiểu Văn cởi quần áo là nằm trong dự liệu của Uông Trường Xích, nhưng sau khi cô cởi xong, những gì troogn thấy lại nằm ngoài tưởng tượng của cậu. Làn da trắng nõn làm cho phòng tân hôn như rực sáng lên, khuôn ngực no tròn khiến phòng tân hôn trở nên thô kệch. Uông Trường Xích ngắm nghía cái thân hình tuyệt mỹ ấy rất lâu rồi mới luyến tiếc đưa tay tắt đèn.

Mỗi lần nghe thấy tiếng chiếc giường ở bên kia bức vách lay động là Uông Hòe lay tỉnh Lưu Song Cúc để vợ cùng nghe. Có lẽ ông ta nghĩ rằng, không cho vợ cùng nghe thì ông sẽ là người chẳng hiểu biết gì về cái gọi là nguyên tắc cùng nhau hưởng thụ. Một lần, hai lần, ba lần… Đếm trong trường hợp này có lẽ còn hưng phấn hơn, hạnh phúc hơn đêm tiền nhiều. Những âm thanh từ phía bên kia bức vách vọng sang khiến cả hai đột nhiên có ham muốn chung là nhanh chóng được bồng cháu nội.

Kể từ đêm đó trở đi, mỗi ngày thức dậy là Lưu Song Cúc chú tâm quan sát dáng vẻ của Tiểu Văn để đoán già đoán non có sự biến đổi nào không. Phát hiện Lưu Song Cúc thường nhìn mình một các chăm chú, mỗi lần chạm mặt là Tiểu Văn không dám ngước đầu nhìn mẹ chồng. Uông Hòe phải nhắc nhở vợ:

- Có lẽ nào bà lại quên rằng, sự thay đổi đâu có phải bắt đầu từ hình dáng mà bắt đầu từ nôn ọe.

Lúc này Lưu Song Cúc mới vỗ đùi nói:

- Xem tôi kìa, ham quá hóa hồ đồ. Ngày cả việc mình đã từng trải qua mà cũng quên phắt!

Họ dùng số tiền thu được từ quà chúc mừng đám cưới đẻ trả nợ cho chú Hai và Trương Ngũ. Chú Hai không nhận lại tiền mà chỉ yêu cầu Uông Trường Xích giúp ông ta xây nhà. Mỗi ngày, Uông Trường Xích đến nafh chú Hai để làm thợ xây. Những lúc trong nhà không có việc gì để động chân động tay, Tiểu Văn lại chạy sang nhà chú Hai lăng xăng pha trà, bê gạch. Đêm nào cũng thế, Tiểu Văn cứ nhắc Uông Trường Xích về chuyện lên thành phố và lần nào cũng giống nhau, Uông Trường Xích cứ ậm ừ rằng cứ xây xong nhà chú Hai rồi tính. Tiểu Văn nói, ngày nào cũng như ngày nấy nằm chết dí trong nhà, lâu lắm rồi không được trông thấy chiếc xe nào. Uông Trường Xích động lòng, xin phép chú Hai nghỉ một ngày để đưa vợ lên huyện để sắm sửa một số vật dụng như dầu mỡ mắm muối, quần áo, xà phòng, son phấn, giày dép. Tiểu Văn thích nhất vẫn là ngồi bên lề đường xem xe hơi chạy qua chạy lại. Thừa lúc Tiểu Văn đang say sưa với những chiếc xe, Uông Trường Xích lẳng lặng đến bưu điện gọi điện thoại. Cuối cùng, mỗi người ăn một bát mì rồi lên xe quay về. Ngồi trên xe, Tiểu Văn không ngừng hát những bài ca thời thượng đang lưu hành rộng rãi lúc ấy.

Ba ngày sau, khi Uông Trường Xích cùng với chú Hai đang xây nhà thì trông thấy hai viên cảnh sát xuất hiện một cách đột ngột từ dưới tán lá của hàng cây phong ngoài bờ đê. Nhìn hình dáng cũng như cách đi đứng của họ, Uông Trường Xích đã có cảm giác rất quen thuộc mặc dù khoảng cách hãy còn rất xa. Hai viên cảnh sát đang đi về hướng thôn, càng lúc càng gần, đến đập chứa nước đầu thôn họ dừng lại, đưa tay vốc nước uống rồi tiếp tục đi. Bóng họ khuất sau nhà Vương Đông, Uông Đông rồi đột nhiên hiện ra bên góc nhà Trương Tiên Hoa. Chính xác, đó là cảnh sát Vi và cảnh sát Lục. Uông Trương Xích nghĩ thầm, có lẽ họ đã giải quyết xong vụ án có liên quan đến mình nên nhanh như cắt nhảy xuống giàn giáo, chạy ra đón tiếp. Sắc mặt hai viên cảnh sát lộ vẻ nghiêm trọng, quét ánh mắt nhìn Uông Trường Xích từ đầu đến chân một cách chăm chú như thể đang tìm chấy rận trên người cậu. Uông Trường Xích lí nhí:

- Xin lỗi, tôi lôi thôi quá.

Vừa nói, Uông Trường Xích vừa cúi gập người đập mạnh lên quần áo. Bụi vữa xi măng bay lên như một lớp sương mù che lấp thân hình cậu, hai viên cảnh sát bịt mũi tránh ra xa. Chờ đến khi lớp bụi ấy bị gió thổi tản mát vào không gian, họ mới tiến tới bên cạnh Uông Trường Xích. Cảnh sát Lục lên tiếng:

- Tìm chỗ nào đó nói chuyện.

- Về nhà tôi vậy.

Cảnh sát Vi gật đầu.

Uông Trường Xích đưa họ về nhà. Uông Hòa, Lưu Song Cúc và Tiểu Văn đều nghĩ là họ mang tin tốt lành đến nên nhanh chóng chuẩn bị cơm trưa.

- Chúng tôi muốn một chỗ nói chuyện thật yên tĩnh – Tiếng cảnh sát Vi.

Uông Hòe đưa họ vào phòng ngủ. Cả hai cẩn thận kiểm tra cửa lớn, cửa sổ, phát hiện tường không thể cách âm trong khi bên ngoài phòng khách, người trong thôn đã kéo đến khá đông. Tất cả đều chú ý lắng nghe, quan sát, thậm chí có người còn áp tai vào vách tường để nghe ngóng. Cảnh sát Lục nói:

- Chọn địa điểm khác đi.

Uông Trường Xích đưa họ ra vườn chè phía sau nhà. Họ ngồi xuống giữa vườn, những người hiếu kỳ đang lấp ló từ phía sau nhà. Cảnh sát Vi phải ra xua từng người một rời khỏi vườn chè.

- Thời gian gần đây cậu làm gì? – Cảnh sát Lục hỏi – Có đi đâu không? Có tiếp xúc với ai không?

Uông Trường Xích trả lời từng vấn đề một nhưng sắc mặt của hai viên cảnh sát hình như không vừa ý, hỏi đi hỏi lại Uông Trường Xích có lên huyện lần nào không. Uông Trường Xích khẳng định:

- Không có thì tôi nói là không có, tôi đâu có gan giấu giếm các ông.

Thực ra, Uông Trường Xích đã biết lần này họ tới không phải mang lại niềm vui ngay từ khi cuộc đối thoại bắt đầu. Do vậy, trong khi trả lời, cậ cũng đoán già đoán non về thái độ của họ và trong lòng không thể giữ bình tĩnh được nữa. Cậu còn muốn bảo Lưu Song Cúc và Tiểu Văn không làm cơm trưa nữa nhưng không kịp, mùi cơm chín, mùi thịt từ nhà bếp đã thoảng tới. Mùi thịt thơm lừng làm phân tán sự tập trung chú ý của cả ba người. Cảnh sát Lục chun mũi hít hít, cảm thán rằng mùi thịt ở nông thôn sao mà thơm. Cảnh sát Vi gập cuốn sổ ghi chép lại, nói:

- Thôi, hôm nay hỏi như thế thôi.

- Suy cho cùng thì các ông muốn điều tra việc gì?

- Đến lúc cần thiết thì cậu sẽ biết. Nhưng yêu cầu cậu giữ bí mật cuộc trao đổi này cho đến khi công việc xong xuôi, nếu không thì hậu quả cậu phải gánh chịu đấy. – Cảnh sát Lục nói.

- Kẻ đâm tôi hai nhát dao đã bị bắt chưa?

Không hẹn mà cả hai đều đồng thời lắc đầu.

Ăn xong cơm trưa, Uông Trường Xích nghĩ rằng họ sẽ ra về, không ngờ rằng họ lại chia nhau ra, người gặp Tiểu Văn và Uông Hòe, người gặp Lưu Song Cúc và tiếp tục điều tra.

Hỏi hết người nhà họ Uông hình như vẫn chưa bằng lòng, họ tìm Trương Ngũ, Trương Tiên Hoa, Vương Đông và Lưu Bách Điều. Những câu hỏi nói chung là giống nhau, đại loại là sau khi trở về, Uông Trường Xích có rời khỏi thông trong thời gian gần đây hay không. Tất cả mọi người đều khẳng định là Uông Trường Xích đang làm nhà cho chú Hai nên không hề rời khỏi thôn. Chú Hai sợ hai người không tin nên chỉ căn nhà đang xây dở để chứng minh. Cả hai troogn thấy trên những bức tường xây dở có vạch những đường phấn trắng, bên cạnh các đường phấn ấy là những con số chỉ ngày tháng. Đó chính là những con số đánh dấu lượng công việc mỗi ngày của hai chú cháu. Họ đếm đi đếm lại các vạch phấn cũng như các con số ghi ngày tháng, phát hiện có một ngày không được ghi trên tường. Ngay lập tức họ gọi Uông Trường Xích quay lại vườn chè.

- Đó là ngày tôi cùng vợ lên huyện để sắm sửa đồ dùng – Uông Trường Xích giải thích.

Cảnh sát Lúc có vẻ rất tức giận:

- Lên huyện sao không nói ngay từ đầu? Có phải là cậu cố ý che giấu hay không?

Uông Trường Xích cũng nổi cơn điên:

- Có phải là ngay cả việc tôi đi ỉa cũng phải báo với các ông không?

- Tất cả những người chúng tôi hỏi đều không ai nói là cậu có lên huyện cả.

- Họ không nói, bởi vì họ không biết việc chúng tôi lên huyện với việc các ông đang điều tra liệu có liên quan gì với nhau.

- Đương nhiên có. – Cảnh sát Lục nói.

- Liên quan gì?

- Đúng vào ngày cậu lên huyện thì Hoàng Quỳ bị người ta mưu sát. – Cảnh sát Vi nói.

Đầu Uông Trường Xích như bất ngờ bị đập một gậy, choáng váng nhưng rất nhanh, chỉ vài giây, đầu óc cậu đã trở lại bình thường, chẳng choáng hay đau gì nữa, thậm chí lại phá lên cười một cách sảng khoái, cười như điên dại:

- Ha! Ha! Ha!... Cuối cùng thì nó cũng đã chết! Các ông không bắt nó thì trời giết nó!

- Chuyện này với cậu có quan hệ gì không? – Cảnh sát Vi lên tiếng.

- Tôi hy vọng là có quan hệ đến mình biết chừng nào. Nhưng tôi không có bản lính ấy, lá gan của thằng tôi không to đến mức ấy, tính cách của thằng tôi quá nhu nhược, tôi sống mà không bằng một con chó!

Cánh sát Lục chăm chú theo dõi từng lời nói, từng động tác của Uông Trường Xích và anh ta dường như không phát hiện ra bất cứ điều gì khả nghi. Cảnh sát Vi lật cuốn sổ ghi chép ra, nói:

- Hạ Tiểu Văn có khai báo rằng cậu từng có ý định mưu hại Hoàng Quỳ.

- Không chỉ là ý định đâu. Nếu không có họ ngăn cản, nếu không sợ không có người chăm sóc bố mẹ thì tôi đã làm chuyện ấy từ lâu rồi.

- Cậu đã có nghĩ đến cách thực hiện chưa? Cảnh sát Lục hỏi.

- Đã nghĩ ra rồi! Định phá hỏng phanh xe của nó, khiến cho hắn đâm xe vào cột điện mà chết!

- Đúng là Hoàng Quỳ chết vì nguyên nhân ấy. Tại sao cái chết của hắn lại phù hợp với ý tưởng của cậu thế? – Cảnh sát Vi hỏi.

- Có rất nhiều cách đề đền ơn đáp nghĩa, nhưng các báo thù thì thường giống nhau.

Mây trắng đùn lên từ phía chân trời, mặt trời đã xế về hướng tây, bóng của những cây trà càng lúc càng dài. Cảnh sát Lục nhìn về dãy núi phía xa xa, nói:

- Hắn đã sai người đâm cậu hai phát, phá nát chiếc ghế lăn của bố cậu, làm nhục cậu, coi thường cậu… Mỗi việc làm của hắn đều xứng đáng bị báo thù.

- Chuyện ông nói chỉ có thể chứng minh, tôi không phải là một con người, thậm chí không bằng một con vật. Con vật còn biết căm thù, không biết căm thù chỉ là một gốc cây, đúng hơn là không bằng một gốc cây đang sống mà là một gốc cây đã chết khô. Thằng tôi là một gốc cây chết khô.

- Từ sự tức giận của cậu có thể suy đoán rằng, cậu không hề là một gốc cây khô mà là một nhân tìa điển hình cho loại người thích bộc lộ, thích làm loạn, nếu điều chỉnh một tí thì có thể nói theo ngôn từ chính thống là nhiệt huyết. Người như cậu mà đưa đi giữ đảo là không có vấn đề gì. – Cảnh sát Lục nói.

- Tiếc thay, nhiệt huyết ấy đã bị các ông dẫm đạp lên, chôn vùi xuống tuyết mất rồi.

- Chuyện này với chúng tôi có liên quan gì? – Cảnh sát Lục ngạc nhiên hỏi.

- Các ông không bao giờ thừa nhận Hoàng Quỳ là hung thủ, lúc nào cũng nói không đủ chứng cứ để bắt nó, nhưng lúc này, để chứng minh là tôi hại chết Hoàng Quỳ, các ông lại mặc nhiên thừa nhận nó là hung thủ đứng đằng sau kẻ chọc hai nhát dao vào bụng tôi. Các ông đã biết Hoàng Quỳ là hung thủ, tại sao các ông không bắt nó?

- Chúng tôi chỉ bám vào lý mà suy đoán thôi. – Cảnh sát Vi nói.

- Cách suy đoán theo lý lẽ hại người như vậy thì ngay cả ông trời cũng không trả lời được cho các ông đâu.

Khi Uông Trường Xích đang nói thì bất ngời có một trận gió mạnh thổi tới, lá chè xào xạc. So với năm ngoài, đúng vào thời gian này thì trận gió hôm nay lạnh hơn, hắc ám hơn, đáng sợ hơn rất nhiều. Cả ba đều cảm thấy lạnh, đồng loạt run lên.

Thực ra là hai viên cảnh sát này đều chịu một áp lực rất mạnh. Họ đều biết là Hoàng Quỳ và Lâm Gia Bách đã xảy ra mâu thuẫn, đồng thời giữa Hoàng Quỳ và người đã từng bị gã chém đứt ngón tay ngày trước cũng xảy ra xung đột. Có điều, cả hai đều là hạng có máu mặt, đừng nói là ra lệnh bắt chúng mà ngay cả việc muốn hỏi han chúng vài câu thì cũng phải dùng chữ " mời gặp mặt ". Do vậy, muốn phá án, muốn lập công, cơ hội duy nhất của hai người là tập trung vào Uông Trường Xích. Họ đưa mắt nhìn nhau dưới tán lá vườn chè và dường như có một sự liên kết mơ hồ về tâm linh nào đó mà trong suy nghĩ của hai đồng thời ra một quyết định: Phải bắt Uông Trường Xích đưa đi.

Tất nhiên là Uông Trường Xích không chịu đi theo họ, hai tay cậu ôm chặt cây cột nhà. Trước sức kéo của hai viên cảnh sát lực lưỡng, cây cột chao đảo như muốn đổ, những viên ngói trên mái nhà đã rung rinh như bị những cơn gió lạnh làm cho rùng mình. Hai người đã bắt đầu sốt ruột, một người kéo còn người kia gỡ từng ngón tay đang ôm chặt cột nhà của Uông Trường Xích ra, nhưng gỡ được ngón này thì ngón kia lại bám chặt trở lại. Không nhẫn nại được nữa, một người dùng chiếc ghế băng đập mạnh vào người Uông Trường Xích. Đau quá, hai tay Uông Trường Xích nhũn ra và nhanh như chớp, cổ tay cậu đã chui vào chiếc còng số rồi hai người hai bên, xốc nách Uông Trường Xích lôi ra khỏi nhà. Lưu Song Cúc bổ nhào đến, chộp lấy chân trái Uông Trường Xích kéo lại. Tiểu Văn cũng xông lên chụp lấy chân phải Uông Trường Xích kéo lại. Thân thể Uông Trường Xích bị kéo về hai hướng như chiếc dây thừng trong hội thi kéo co: Thân trên thì bị kéo theo hướng lên cao và nghiêng về phía trước, thân dưới thì bị kéo xuống đất và nghiêng về phía sau.

Uông Hòe chỉ biết ngồi trên xe lăn ngắm cảnh tượng thương tâm ấy và gào lên:

- Chú Hai! Mau đến đây mà xem. Oan uổng quá! Trương Ngũ! Xin chú hãy cứu Trường Xích, Uông Hòe tôi quỳ lạy chú, Vương Đông! Chú đã từng đi đây đi đó, xin chú hãy nói phải nói trái với họ. Lưu Bách Điều! Bữa nay mà mày không giúp đỡ thằng Xích nhà tao thì ngay mai họ cũng sẽ gán cho mày là tội phạm rồi cũng bắt đi thôi… Bà con thân thích ơi, xóm giềng bên phải, xóm giềng bên trái ơi! Các người hãy ra đây để xem mặt mũi của công lý ra làm sao nào! Bà con ơi! Đừng để họ bắt thằng Xích đi! Thằng Xích mà bị bắt thì chỉ sau vài trận tra khảo là lập tức biến thành tội phạm giết người thôi! Làng xóm ơi!... Uông Hòe tôi lạy các nguời…

Vừa kêu, Uông Hòe vừa tuột xuống khỏi chiếc xe lăn, quỳ dưới đất.

Bốn năm người trong thôn chạy đến làm thành một bức tường nguời chắn mất lối đi. Cảnh sát Lục rút súng ngắn chĩa thẳng vào bức tường ấy, quát lớn:

- Ai dám cản trở người thực thi công vụ, tôi sẽ bắn chết người ấy.

Mũi súng hướng về Trương Ngũ, chuyển sang Vương Đông, chuyển sang Lưu Bách Điều… rồi cuối cùng hướng thẳng xuống đất. Chúc Hai lên tiếng:

- Thằng Xích không có thời gian gây án, ngay cả những người có đầu óc như khúc gỗ cũng nghĩ ra.

- Nhưng nó đã gọi một cú điện thoại. – Cảnh sát Vi nói.

- Là tôi gọi điện cho thầy chủ nhiệm lớp, nhờ thầy giữ giúp chiếc ghế tôi bỏ quên ở lớp học.

- Một chiếc ghế mà quan trọng đến thế sao? Rõ ràng là nói láo! Tất cả đều nói láo! Toàn thôn này đều là những kẻ nói láo. – Cảnh sát Lục nói.

Tất cả những người có mặt đều cảm thấy mình bị làm nhục, có ai đó đã lên tiếng hô hoán: Đánh! Đánh! Đánh chết mẹ chúng nó đi!

Hai viên cảnh sát đấu lưng vào nhau, súng ngắn lăm lăm trong tay chĩa vào mọi người. Uông Hòe lên tiếng:

- Xin mọi người bình tĩnh, bình tĩnh, chỉ nói phải trái, không động chân động tay.

- Thằng Xích có nói láo hay không, các người về hỏi thầy chủ nhiệm là biết ngay thôi mà, việc quái gì mà động một tí là đã ra tay bắt người. – Chú Hai nói.

- Chờ hỏi xong thầy chủ nhiệm quay lại thì Uông Trường Xích đã cao chạy xa bay rồi. – Cảnh sát Lục nói.

- Tôi không tham ô, không hủ bại, không phạm pháp, việc quái gì tôi phải chạy trốn.

- Cất sung đi. – Có ai đó quát lớn – Không cất súng thì lão đây sẽ thí mạng với chúng mày!

Cảnh sát Lục giơ súng bắn một phát chỉ thiên. Dưới ảnh hưởng của tiếng nổ chát chúa, không khí đột nhiên đặc quánh lại. Mọi người bừng bừng tức giận, đồng loạt lao vào, tước súng, mở còng tay cho Uông Trường Xích. Cảnh sát Lục quát lớn:

- Bọn điêu dân! Sớm muộn gì chúng tao cũng xử lý bọn mày!

- Đánh! Đánh! Đánh!

Cùng với những tiếng thét căm hận là những nắm đấm vung lên. Uông Hòe kêu lớn:

- Dừng tay! Giữ thằng Xích lại được là tốt rồi. Đừng động vào bọn chúng!

Hai viên cảnh sát vùng vẫy lọt ra giữa đám đông. Uông Hòe nói:

- Chú Hai, trả súng cho họ.

- Không trả! – Ai đó hét lên.

- Không trả sung cho họ là lôi thôi to đó.

Chú Hai ngần ngữ một lát rồi chìa hai khẩu sung ra, hai viên cảnh sát nhanh như cắt chụp lấy, dung lòng bàn tay chà xát lên khẩu sung. Lưu Bách Điều gào to:

- Cút!

Cả hai chăm chú nhìn Lưu Bách Điều, nhìn cho đến khi có cảm giác da thịt gã bị thiêu đốt mới quay người bỏ đi.

Gương mặt tất cả đều vẫn còn căng cứng, có người còn dùng tay vuốt ngực như cố gắng dìm sự bất mãn xuống ruột non ruột già. Có người lên tiếng chửi xương cốt của Uông Hòa là làm từ cỏ rơm. Uông Hòe nói:

- Đừng cho rằng lúc nào chúng ta cũng phải cứng, cứng chẳng giải quyết được vấn đề đâu. Nhiều khi mềm như cứt nhưng ai cũng phải tránh.

Mọi người ngẫm nghĩ thấy lời ông ta cũng có lý, im lặng vươn cổ nhìn theo bóng dánh hai viên cảnh sát mờ dần trên bờ đê, rời khỏi thôn và khuất hẳn.

Lúc ấy đã là hoàng hôn. Chút ánh sáng cuối cùng của mặt trời phủ lên toàn thôn một màu gần với màu máu.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio