Lam Hạo Nguyệt nằm sau lưng người nọ, tử đằng hai bên xẹt nhanh qua người. Dưới chân người kia như có gió, chẳng dừng lại một khắc nào. Một hồi sau, Lam Hạo Nguyệt đã mê man thiếp dần, chỉ cảm thấy cả người như bồng bềnh trong mây, cố gắng mở hai mắt thì chỉ thấy một màn trắng xóa phía trước, như sương như khói, cả không khí hít vào cũng có phần ẩm ướt.
Người đàn ông kia cõng nàng vào sâu trong rừng, Lam Hạo Nguyệt ngẩng đầu, xung quanh toàn tùng bách lâu năm, cao vút, che kín cả trời, lại có tiếng suối róc rách vắt ngang. Qua hết khu rừng thăm thẳm này, đột nhiên trước mặt hiện lên một căn phòng tường trắng ngói đen, một hàng trúc xanh lẻ loi đứng thẳng, gió thổi qua khiến những giọt nước còn đọng lại trên lá trúc rơi xuống, xào xạc, vi vu, chẳng nhiễm bụi trần.
Trước nhà có một tiểu đạo đồng đang chờ sẵn, chính là Tố Hoài nàng đã gặp ban sáng. Thấy người đàn ông kia đang lướt đến, vội vàng chạy tới.
“Tố Hoài, con còn phải đi đâu nữa?” Người kia thấp giọng hỏi.
“Đi quét dọn phòng ạ…”
“Ta e xương chân của cô ấy đã bị thương, trước hết cứ để ở trong này. Con mau mang hòm thuốc tới đây.” Người kia vừa dứt lời liền nghiêng người mở cửa phòng, cõng Lam Hạo Nguyệt vào gian phòng nhỏ, nhẹ nhàng đặt nàng lên giường.
Mắt cá chân nàng vừa chạm tới mép giường thì đau đến mức ứa mồ hôi lạnh. Người đàn ông kia xoay người tới cạnh bàn, như nhớ ra điều gì, quay ra ngoài cửa gọi với theo Tố Hoài đã đi xa: “Đừng quên mang đèn tới!”
Tố Hoài đáp lại từ xa. Người kia cũng không vào nhà, đi tới hướng khác. Lam Hạo Nguyệt nằm trên giường, cả người đau nhức mãi thôi, quần áo đã được gió núi thổi khô nay càng cảm thấy khó chịu. Trong phòng tối mực, ngoại trừ tiếng gió thổi qua hàng trúc thì chẳng còn động tĩnh gì khác. Cửa phòng mở rộng, bóng mờ lay lay, khiến nàng co rúm người mãi.
Một hồi lâu sau, Tố Hoài vội vàng mang đèn đi tới, lúc vào phòng rón rén, nhón chân mà bước, đặt ngọn đèn lên bàn. Ánh đèn mờ chập chờn, soi tỏa phần nào hình dạng của căn phòng này. Lam Hạo Nguyệt chống mình ngồi dậy thì thấy có bóng người vụt qua ngoài cửa, một người đàn ông mặc đạo trang bước vào.
Nương theo ánh sáng của ngọn đèn dầu, lúc này Lam Hạo Nguyệt mới nhìn rõ dáng dấp của vị đạo trưởng này. Khoảng chừng ba mươi tuổi, khung xương gầy, ngũ quan đoan chính nhưng vẻ mặt nghiêm nghị, khiến người ta chỉ có thể nhìn mà không dám tiếp cận. người sạch sẽ chỉnh tề, không vấy chút bụi, hẳn là đã thay áo lẫn giày sau khi rời khỏi đây.
“Sư phụ, cần nấu nước không ạ?” Tố Hoài đưa hòm thuốc cho anh ta, hỏi.
“Đương nhiên rồi.” Anh ta nhận hòm thuốc, vén áo dài ngồi bên giường, “Con đi gọi Tố Hoa tới đây.”
Tố Hoài dạ vâng rồi lại ra ngoài. Lam Hạo Nguyệt co người nhìn anh ta. Khuôn mặt người nọ vẫn không có chút biểu cảm, ngồi xuống rồi đưa tay sờ chân trái của nàng. Anh ta lấy một chiếc khăn trắng từ trong tay áo, đổ thuốc bột lên, cũng không nói chuyện với Lam Hạo Nguyệt mà vỗ một tiếng ‘pạch’ vào chỗ bị thương trên mắt cá chân của nàng.
Lần này Lam Hạo Nguyệt kêu thất thanh, chân phải đạp tới, suýt nữa đá bay lọ thuốc trong tay anh ta.
Người kia lập tức né tới bên giường, cau mày: “Sao vậy?”
Lam Hạo Nguyệt đau đến phát run, ngã xuống giường nói: “Tôi bị gãy xương!”
“Nếu gãy thật thì sao tôi lại làm vậy?” Anh ta không vui nói, lúc này, có người chạy như bay tới trước phòng, thấy vậy, người đàn ông nói với Lam Hạo Nguyệt, “Tố Hoa tới chăm sóc cô, cô cố gắng kiên nhẫn, năm ngày sau mới được xuống giường đi lại.”
Dứt lời, cứ thản nhiên như vậy mà đi.
Lam Hạo Nguyệt chịu đựng cơn đau, cố gắng chống người ngồi dậy, thấy một nữ đạo đồng chừng mười ba mười bốn tuổi đang đứng trước giường, da trắng như tuyết, đôi mắt trong veo, nàng không kiềm được thở ra một hơi thật dài, cố hết sức hỏi: “Đây là Thần Tiêu cung sao?”
Tố Hoa cởi vớ giúp, sau đó đưa cho Hạo Nguyệt một cái áo dài sạch sẽ màu lam, cười khanh khách đáp: “Chính điện không phải ở đây, đây là sau núi ạ.”
Lam Hạo Nguyệt thầm nghĩ tới mục đích của chuyến này, nhưng lại không biết mở miệng thế nào, Tố Hoài thấy cả người nàng lấm lem, nhíu mày, xoay người nói: “Tôi đi múc nước cho chị rửa ráy một chút nhé.”
“Cám ơn…” Lam Hạo Nguyệt yếu ớt đáp, lại hỏi, “Vị vừa rồi là?”
“Đó là sư phụ của tôi và Tố Hoài, tục gia họ Trình, tục danh Tử Nguyên.” Tố Hoa bưng chậu nước lên, thở dài, “May mà khi Tố Hoài về có kể với sư phụ là chị đang tìm Thần Tiêu cung, lúc ấy sư phụ tôi truy hỏi Hoàn Nhi thì mới biết chị ta để chị ở sau núi, không thì chị gặp nạn rồi.”
Cô bé dứt lời liền định ra ngoài, Lam Hạo Nguyệt vội gom hết dũng khí hỏi: “Vậy… sư thúc của Hoàn Nhi có ở đây không?”
Tố Hoa dừng chân, quay đầu, ngạc nhiên hỏi: “Sư thúc? Chị muốn tìm ai cơ?”
“… Chính là tiểu sư thúc của cô bé ấy.” Bỗng dưng nàng ấp úng, không muốn nói tên của chàng.
“À.” Tố Hoa nhàn nhạt đáp, hơi khựng lại rồi nói, “Thúc ấy không ở đây.”
“Không ở đây?!” Lam Hạo Nguyệt gần như la lên.
Tố Hoa bị nàng làm cho giật mình. Mới đầu Lam Hạo Nguyệt còn tưởng Trì Thanh Ngọc đã rời khỏi núi La Phù, sau khi nghe Tố Hoa giải thích thì mới biết, thường có nhiều người đến Thần Tiêu cung dâng hương xin được phù hộ, mà đệ tử trong am cũng thường xuyên bố thí thuốc thang chữa bệnh cho dân nghèo. Hôm qua Trì Thanh Ngọc đã cùng Cố Đan Nham vào núi, đến giờ vẫn chưa về.
“Vậy bao giờ anh ấy mới về đây?” Trong giọng nói của Lam Hạo Nguyệt hơi có vẻ thất vọng.
Tố Hoa cười đáp: “Núi La Phù có bốn trăm ba mươi hai đỉnh lớn nhỏ, mười tám động, bảy mươi hai u cảnh, chị hỏi vậy thì tôi biết trả lời thế nào?”
Lam Hạo Nguyệt ôm nỗi thất vọng và buồn bã vượt qua đêm đầu tiên ở Thần Tiêu cung.
Sáng hôm sau, chân trái vẫn đau đớn đến mức không thể cử động, sau khi mặt trời lên, nàng tự nhìn hai tay của mình, chằng chịt vết thương, không còn mấy chỗ nguyên vẹn. Nàng thê thảm nép mình trên giường, nghe tiếng suối róc rách bên ngoài, bỗng trong lòng cảm thấy sao chán nản, muộn phiền.
Từ sáng đến tối, Tố Hoa và Tố Hoài có thay nhau đến mấy lần, đưa cơm thay thuốc cho nàng. Lam Hạo Nguyệt nhìn hai người mặc trang phục đạo giáo đúng quy củ, đồ ăn trong hộp đều không dính món mặn tanh, lúc này mới thật sự ý thức rằng mình đã đến một nơi xa lạ.
Nàng lặng lẽ nằm im trong căn phòng nhỏ, muốn đi đâu cũng không được, chỉ đành nhìn hàng trúc biếc qua khung cửa sổ trước nhà. Trong phòng lạnh lẽo vắng lặng, trừ bàn và giường thì hoàn toàn không có món đồ trang trí nào, ngay cả màn che cũng chỉ mỗi một màu xanh, không hoa văn trang trí, lặng lẽ rũ xuống, giản dị hơn khuê phòng của nàng ở Hành Sơn nhiều.
Trước sau trong phòng trống rỗng, chỉ có suối trong róc rách chảy từ rừng thẳm, vòng qua cửa sổ, ngày đêm vang tiếng réo rắt trong trẻo.
Ban đầu, nghe tiếng vang ấy có thể khiến người ta vui vẻ thoải mái, nhưng một hồi lâu, cũng chẳng có gì khác hơn. Nhất là vào ban đêm, vì cả người Lam Hạo Nguyệt vốn nhức mỏi khó ngủ, nay lại còn tiếng suối chảy róc rách không dứt, khiến đầu đau như muốn nứt ra.
Nàng khó chịu mở to mắt, dè dặt cuộn mình, bỗng dưng sờ thấy cái gì đó từ chỗ giáp giữa tường và thành giường. Đã nằm ngủ trên giường này suốt một ngày, nhưng nàng vẫn không dám động đậy lung tung, nay bất ngờ chạm vào thứ lành lạnh kia, lần theo mép trúc lôi ra, hóa ra là một cây sáo nhẵn bóng.
Lam Hạo Nguyệt giật mình, dựa vào ánh trăng ngoài cửa sổ kia để quan sát thật kĩ, đuôi sáo được tô điểm bằng dải tua rua màu trắng, từng sợi buông rũ tự nhiên. Trong dải tua rua kia là một mặt ngọc màu xanh trông như hình giọt nước, không chút tì vết, như thể tự nhiên đã vậy.
Nàng cầm cây sáo trúc trong tay, lòng thầm cả kinh.
Cây sáo này chính là vật Trì Thanh Ngọc luôn giắt bên hông.
Lam Hạo Nguyệt nhìn xung quanh, bỗng dưng nhớ tới khi Trình Tử Nguyên đưa nàng vào phòng, liền bảo Tố Hoài đi lấy đèn ở chỗ khác tới.
— Thì ra, đây vốn là nơi ở của Trì Thanh Ngọc?!
Tim nàng đập dồn, hơi loạn nhịp.
Lam Hạo Nguyệt nắm chặt cây sáo trong tay, nhớ lại đêm hai người lần đầu gặp nhau, khúc nhạc du dương ấy như trôi lững lờ dưới trăng. Ca khúc kia như đánh thức đất trời tĩnh mịch, kêu gọi sen nở đầy một hồ. Nhưng từ đó về sau, lại chẳng nghe thấy chàng thổi bao giờ nữa.
Dưới ánh trăng, món đồ trang sức bằng ngọc dưới đuôi sáo kia trong vắt thanh u, nàng không kiềm được nhẹ nhàng nâng lên, quan sát tỉ mỉ, phát hiện trong mặt ngọc có một đường vân màu trắng, những đường vân kia chồng lên nhau, trông như đóa sen nở rộ, lặng lẽ một mình trong viên ngọc xanh biếc.
Nàng u mê ngơ ngác đưa cây sáo trúc lên môi mình, vừa chạm vào, cảm giác lành lạnh khiến một đợt run rẩy dâng lên tự đáy lòng, vội vàng đặt nó về chỗ cũ.
Có cơn gió nhẹ thổi qua từ ngoài cửa sổ, khẽ khàng thổi mành xanh bay phất phơ, tựa như một giấc mộng tinh khiết, không chút hoa mỹ.
Đêm ấy, nàng cũng trằn trọc hồi lâu, mãi đến khuya mới chìm vào giấc ngủ. Buổi đêm trên núi La Phù mát rượi, nàng trở mình lăn qua lăn lại mà không đắp chăn, đến khi hừng sáng thì cổ họng đau nhức, sờ trán thì thấy hơi sốt.
Lúc Tố Hoài mang bữa sáng tới, thấy nàng nằm uể oải, tinh thần không tốt, liền hỏi: “Lam cô nương, chân cô vẫn còn đau lắm à? Có muốn tôi đi mời sư phụ đến không?”
Lam Hạo Nguyệt lắc đầu, nói: “Không cần.” Nàng lại nhìn Tố Hoài, thấy bên ngoài không có ai, mới nhỏ giọng hỏi, “Căn phòng này vốn là nơi ở của ai vậy?”
“Của tiểu sư thúc.” Cậu không giấu diếm, nói thẳng, “Vốn muốn để chị ở tạm trong viện của đại sư bá tôi, nhưng đó sư phụ sợ chân chị bị gãy xương nên liền đưa tới nơi gần hơn. Bọn tôi ở trước núi, thế nên không qua đây nhiều.”
Lam Hạo Nguyệt nhíu mày hỏi, “Vì sao lại để một mình anh ấy ở đây vậy? Không ai chăm sóc sao?”
Tố Hoài kinh ngạc nói: “Thúc ấy không cần người khác chăm sóc, hơn nữa chẳng phải ở trong này thanh tịnh lắm sao?”
Lam Hạo Nguyệt rầu rĩ không vui, cảm thấy như thể bọn họ quan tâm đến Trì Thanh Ngọc.
Đang nói chuyện, bỗng nghe tiếng Tố Hoa gọi ở ngoài: “Tố Hoài, cùng tỉ ra quét dọn trước điện nào!”
Tố Hoài đặt lồng cơm trong tay xuống, vội vàng rời đi. Qua khung cửa, Lam Hạo Nguyệt nhìn bóng hai người hấp tấp chạy mất, lòng thấy sao băn khoăn.
Tố Hoài đi mãi lâu sau vẫn không quay lại, Lam Hạo Nguyệt đau bệnh tự chống mình ngồi dậy, dần cảm thấy không còn chống đỡ nổi, mơ màng nghiêng đầu sang thành giường thiếp đi.
Cũng không biết đã bao lâu, loáng thoáng nghe thấy tiếng người nói chuyện với nhau ngoài cửa, nàng dụi mắt, cảm giác nửa người mình bị đè đến tê rần. Lúc này, tiếng nói chuyện bên ngoài đã khuất hẳn, Lam Hạo Nguyệt không hiểu nội dung, nhưng trong đó có giọng nói trong như suối, ấm áp đôn hậu, khiến tim nàng khẽ run rẩy.
Nàng vội vàng bám vào thành giường, chân trái vẫn đau đến mức không thể bước, chỉ có thể nhịn đau, dùng chân phải nhảy lò cò đến bên cửa sổ. Thời tiết ấm áp, cửa sổ vốn đang được mở, có người đã đi vào rừng trúc trước phòng, chỉ để lại bóng lưng nhàn nhạt. Nàng cắn răng lấy thanh bảo kiếm trên bàn, dùng nó để chống ra ngoài cửa. Lúc này người kia đã khuất hẳn nơi bìa rừng.
Dù vậy, bóng lưng vừa quen thuộc vừa xa lạ kia vẫn khiến tâm trạng Lam Hạo Nguyệt bất khuâng không dứt. Nàng bước từng bước dọc theo đường mòn vào rừng trúc. Đi chẳng được lâu mà đã cầm cự không nổi, lúc này nhìn thấy ngoài bìa rừng có một hành lang bằng đá trắng. Ven hành lang có trồng hoa đăng tiêu, lá xanh rũ đất, hoa đỏ điểm xuyến ở giữa, có hai người đang đứng dưới bóng hoa, trò chuyện với nhau.
Lam Hạo Nguyệt dè dặt đến gần hàng lang đầy hoa, đối diện nàng là một chàng trai trẻ, khuôn mặt tuấn lãng, khóe môi hơi kéo lên, là Cố Đan Nham. Còn người đối diện Cố Đan Nham ăn mặc như anh ta, từ đầu đến cuối vẫn không hề xoay người.
Nàng khập khiễng đi tới, Cố Đan Nham đã nhìn thấy nàng từ lâu, khẽ vuốt cằm. Lam Hạo Nguyệt vịn lên lan can để trụ người, nhẹ giọng nói: “Cố đạo trưởng.”
“Lam cô nương, không ngờ cô lại tới núi La Phù thật rồi.” Cố Đan Nham cười, nhìn nàng, sau đó đỡ lấy vai người đang đứng đối diện, ý bảo xoay người lại.
Gió thổi hoa rơi, dây leo phất phơ, Lam Hạo Nguyệt lại được gặp Trì Thanh Ngọc.
Chàng vẫn thanh tú xuất trần như trước, hai mắt như có điều suy nghĩ mà nhìn thẳng, mang vài phần tiêu điều. Lúc này, quả nhiên chàng không mặc trang phục như trước mà mặc đạo bào màu xanh vạt áo lệch, đầu đội mũ mạng đen, cài trâm hình hạc bằng ngọc trắng.
Chỉ một thứ duy nhất không đổi chính là chiếc đai bằng bạc sau lưng, cùng gậy trúc xanh biếc trong tay.
Dưới bóng hoa, trang phục này càng khiến chàng trông như thượng tiên trên mây, cách xa bụi trần, xa rời thoát tục.
Nhưng trong mắt Lam Hạo Nguyệt, tuy rằng đã có chuẩn bị tư tưởng từ trước, nhưng nay thấy chàng ăn vận như vậy, trong lòng động nhiên trầm xuống, nhất thời không biết nói lời nào.
Hai mắt Trì Thanh Ngọc vẫn như đang nhìn mây xa, rõ ràng ban nãy chàng vẫn đang nói chuyện với Cố Đan Nham, vậy mà bây giờ lại không nói một lời, dù trên mặt không hề có vẻ tức giận, thế nhưng lại lạnh như băng.
Tay chân Lam Hạo Nguyệt luống cuống, kinh ngạc nhìn chàng một thân đạo phục, bao nhiêu mong mỏi và nhiệt tình trên đường đi, nay nguội lạnh hẳn.