Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm

cùng hoài nam, vương phi giãi bày uẩn khúc

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Nguyên Huân đang tọa công, điều tức dưỡng thần thì Bảo Thư và Hoài Nam bước vào. Đôi mắt vẫn nhắm nghiền, nghe bước chân của hai người, Nguyên Huân hỏi :

- Quận chúa! Ngoài trời lạnh lắm phải không?

Không nghe tiếng trả lời, Nguyên Huân mở mắt nhìn. Trước mặt chàng là ánh mắt đọng buồn của Hoài Nam, phía sau nàng là Bảo Thư. Chàng chưa kịp bàng hoàng, Bảo Thư đã chạy ùa đến, ôm lấy cánh tay Nguyên Huân nghẹn ngào :

- Huân đệ, em tiều tụy đến thế này sao?

- Thư tỷ! Sao chị lại ở đây?

Bảo Thư cười đau đớn :

- Huân đệ, em còn nhớ ta là Ngoại tôn nữ của Dương vương không? Em có thù hận ta không?

Nguyên Huân xúc động :

- Thư tỷ, không đâu, sao tiểu đệ lại thù ghét Thư tỷ cho được?

- Nguyên Huân, ta đau lòng lắm, ta đã dặn đệ không được khinh xuất, sao không nhớ lời ta, khiến xảy ra nông nổi này! Huân đệ, trong người em cảm thấy thế nào?

Nguyên Huân mỉm cười, cố làm vui lòng Bảo Thư và Hoài Nam :

- Mười phần đã bớt được sáu, bảy, chỉ còn đau nhức đôi chút thôi! Gặp lại em, ta mừng lắm!

Nguyên Huân chợt nhớ đến tâm sự của Bảo Thư, chàng lại hỏi một cách vô tình :

- Thư tỷ, Thư tỷ đã gặp được người ấy chưa?

Sự chân thật đến vô tình của Nguyên Huân như động đến quả tim đau, Bảo Thư bật khóc :

- Có, ta đã gặp chàng, bởi chàng luôn ở trong ta, nhưng chàng tệ lắm!

Nói xong, Bảo Thư bấm chặt năm ngón tay vào cánh tay Nguyên Huân, nàng dụi mắt vào bả vai chàng, nước mắt như mưa. Nguyên Huân an ủi :

- Thư tỷ y tệ như thế, Thư tỷ nhớ đến y làm gì! Y không xứng đáng với tấm lòng của Thư tỷ đâu!

Lời nói vô tình nhưng đầy ý nghĩa này lại làm cho Bảo Thư càng bi lụy và đau đớn hơn. Hoài Nam thấy vậy, ngồi xuống tấm thạch bàn, ôm lấy vai Bảo Thư, dịu dàng :

- Bảo Thư ơi, có chuyện gì vậy? Nói cho Hoài Nam biết đi đừng bi lụy nữa!

Bảo Thư gục đầu lên vai Nguyên Huân, nước mắt nàng ướt đẫm vai áo chàng, Bảo Thư biết đây là giây phút duy nhất trong đời nàng có được, “Huân lang, chàng vô tình đến vậy!” nhưng đồng thời trong lòng Bảo Thư bỗng dưng nẩy sinh một niềm an ủi...

Nguyên Huân trả lời thay cho Bảo Thư :

- Hoài Nam hiền muội, Thư tỷ đau lòng và người ta đối xử với Thư tỷ chẳng ra gì!

Hoài Nam ngơ ngác, ngây thơ hỏi :

- Người ta là ai vậy? Ai đối xử với Bảo Thư tệ bạc vậy, Bảo Thư nói đi!

Bảo Thư lắc đầu :

- Hoài Nam ơi, Bảo Thư cũng chẳng biết chàng là ai nữa!

Hoài Nam càng ngơ ngác hơn, nàng nhìn Nguyên Huân thầm hỏi, chàng nhè nhẹ lắc đầu. Nguyên Huân được biết Hoài Nam đã liều mạng cứa mình, chàng thọ ơn cứu tử mà không biết phải nói thế nào để tạ ơn nàng, bởi vì nếu nói ra miệng, thì lời nào cũng chẳng đủ được. Đôi lần chàng định nói với nàng: “Ơn cứu tử của hiền muội, suốt đời cho đến khi nhắm mắt, ta ghi khắc mãi trong xương cốt...”, chỉ có bấy nhiêu mà không tài nào chàng nói được; vì chàng thấy rằng, lời nói, dẫu có súc tích đến đâu cũng không đủ tạ ơn nàng trong muôn một.

Mỗi lần thấy Hoài Nam bước chân vào thăm chàng, lòng Nguyên Huân bất chợt ngây ngất một niềm vui kỳ lạ, mọi nỗi lo toan, nỗi đau đớn trong thân xác tự khắc như tan biến.

Ôi đôi mắt nàng, có phải như vực sâu chôn chặt linh hồn chàng! Niềm vui ấy, nỗi xôn xao ấy, chàng chưa hề được hưởng một cách êm ái như thế bao giờ. Một niềm hoan lạc như nở bừng trong trái tim chàng, như nụ hoa vừa hé nở ngây ngất hương say, chàng như quên cả đất lẫn trời, và nhịp tim chàng hầu như ngừng đập, khi hình ảnh nàng vừa hiện ra trước khung cửa thạch thất.

Cũng có lúc Nguyên Huân nhớ về Uyển Thanh và nhớ về quê hương giờ xa vời vợi, chàng tự trách mình. Nhưng làm sao được, Nguyên Huân chẳng thể cưỡng nỗi niềm vui bừng dậy khi Hoài Nam có mặt, hoặc là nỗi buồn rầu, quạnh vắng khi nàng rời xa... Hoài Nam như ánh sáng rực rỡ trong hồn chàng. Và Hoài Nam, nàng dường như đọc được điều đó trên gương mặt, trong đôi mắt của Nguyên Huân mỗi khi nàng đến. Chính nàng, có phải chính nàng cũng từng đợi mong bóng chiều mau phủ xuống, để từng bước chân nàng xôn xao dẫm đạp trên lớp tuyết lạnh mà tưởng như vừa băng mình qua một bãi cỏ non...

Khi ở bên Nguyên Huân, ngồi im nhìn chàng luyện công, một nỗi ấm áp dịu dàng len lỏi vào trái tim nàng, tâm hồn nàng như một dòng sông mơ êm đềm gợn sóng. Nàng nhố đến giấc mơ đêm nào đã làm nàng thao thức. Nàng thoắt buồn thoắt vui, nghe như có một điều gì đang nhen nhúm trong nàng. Hoài Nam sợ cái cảm giác kỳ diệu ấy. Nàng thấy mình ngơ ngác, lẻ loi khi rời xa chàng, cùng lúc nàng cảm thấy như chưa bao giờ nàng có được niềm vui, xao xuyến diệu kỳ mỗi khi nhìn thấy Nguyên Huân.

Bảo Thư hình như ngủ thiếp đi trên vai Nguyên Huân, một điều gì rất mơ hồ bất giác nẩy sinh trong lòng Hoài Nam như một sự hờn giận. Nàng yêu Bảo Thư như một người chị, như một người bạn quý, vậy cớ sao Hoài Nam lại có cái cảm giác khó chịu khi nhìn thấy khuôn mặt u buồn của Bảo Thư áp trên vai chàng, dù nàng biết rằng Nguyên Huân coi Bảo Thư như chị, và ngược lại Bảo Thư ân cần với Nguyên Huân cũng bằng tấm lòng ấy, ít ra trong cách xưng hô của hai người.

Vương phi đã vào từ lúc nào. Bà đứng lặng nhìn. Tất cả không qua khỏi con mắt tinh đời của bà. Bà hiểu hết, bà đã nhìn thấu rõ mọi ngóc ngách trong tâm hồn hai thiếu nữ. Bà mỉm cười buồn bã.

Trong suốt cuộc đời bà, bà đã sống tận cùng trong u uẩn của nỗi khổ đau, bà thương cảm cho Bảo Thư. Bà biết rằng nàng đã chuốc lấy mối tình câm nín ấy, là chuốc lấy nỗi sầu lụy đọa đày nàng cho đến hết cuộc đời.

Bảo Thư như tỉnh cơn mê, nhưng mắt nàng vẫn nhắm nghiền, “Huân lang, hãy cho em sống với giây phút này, một lần rồi mãi mãi. Hãy cho em cái ảo tưởng của một hạnh phúc đời người, suốt đời em sẽ chỉ sống bằng đó dù với cõi lòng cay đắng. Một chút hồi tưởng cho mai sau...”. Bảo Thư ngây ngất trong cơn ảo tưởng tuyệt vời, nàng thở nhẹ, và hít đầy lồng ngực hương nồng tình yêu. Ôi, một lần đến cuối đời, Huân lang ơi, Huân lang ơi!

Bảo Thư gọi thầm tên chàng trong trí, nàng quên bẵng thực tại. Toàn thân nàng như có mật ngọt, như có men nồng. “Ôi, Huân lang, em gởi cho chàng tất cả, tâm hồn em, thể xác em...”, cả người nàng ngất ngây trong một cảm giác hết sức lạ lẫm, nước mắt nàng lại âm thầm tuôn rơi trên vai áo Nguyên Huân.

Vương phi nhẹ nhàng gỡ lấy bàn tay của Bảo Thư vẫn đang bấu chặt vai Nguyên Huân, những ngón tay móng nhọn cắm vào da thịt chàng. Nguyên Huân cắn răng chịu đau, vì chàng biết Thư tỷ đang mang trong lòng nôi đau buồn mà chàng không hiểu được vì đâu. Vương phi ân cần ôm lấy Bảo Thư, Bảo Thư gục đầu vào ngực bà :

- Ôi con khổ lắm!

- Ta biết, ta biết con ạ! Nhưng chính nỗi câm lặng âm thầm sẽ làm cho ta trong sáng hơn con ơi. Ta thương con lắm Bảo Thư, hãy nguôi ngoai đi, giữ cho lòng thanh tĩnh, đừng để đớn đau sầu muộn làm vẩn đục hồn con. Con có nghe ta không?

Bảo Thư biết Vương phi thấu hiểu được lòng nàng, trong thoáng chốc, nỗi buồn như vơi đi; nàng được cảm thông, nàng được chia sẻ... Vương phi nói :

- Các con không còn nhớ đêm nay là đêm trừ tịch. Pháo đang nổ rộn rã ngoài kia dù trời đêm còn lạnh giá. Mùa xuân đã tới, khởi đầu năm Quý Mão. - Giọng bà như ấm lại - Mười tám năm, một đời người, hãy xin mùa xuân nở đầy lộc mới, ta chúc mừng các con!

Bảo Thư lau nước mắt còn đọng trên mi, nàng mỉm cười ôm lấy Vương phi :

- Con chúc Tổ mẫu một năm mới hạnh phước tràn đầy!

Vương phi cười :

- Cảm ơn con, cả con nữa nhé!

Giọng Bảo Thư thoảng nhẹ :

- Vâng, cả con nữa, cho đến bao giờ...

Hoài Nam ngước nhìn mái tóc lốm đốm bạc của mẹ, nàng ngậm ngùi :

- Mẹ ạ! Tóc mẹ bạc nhanh quá, mà mùa xuân thì đến muộn màng, đầy trời tuyết phủ...

- Không đâu các con, mùa xuân chẳng bao giờ đến muộn, cũng chẳng bao giờ đến sớm. Chỉ có riêng ta, riêng cuộc đời là muộn màng đấy thôi. Nguyên Huân, giờ này ở quê hương, trống, chiêng và pháo nổ dậy trong đình làng. Sáng mai là mùng một, nêu cao, pháo đỏ, bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành và câu đối. Cứ mỗi mùa xuân tới, ta có được một đời...

Thôi nhé, mùa xuân còn đó, ta đi vào việc chính. Bảo Thư đã liên lạc được với Tâm Hư sư thái và Kiến Nghiệp đại sư; ngày mai, tuy Thánh thượng xuất chinh, nhưng Nhiếp chính Thành vương chủ tế ở Thái Miếu, nên tất cả văn võ bá quan phải có mặt. Ta và các con, khi Vương gia vào triều, chúng ta cùng đi lễ Phật ở Sơn Quang tự. Nguyên Huân, con phải cải trang mới được!

Nguyên Huân băn khoăn :

- Giữa ban ngày, làm sao có thể cải trang dễ dàng?!

Bảo Thư lên tiếng :

- Huân đệ người tầm thước, dung mạo còn hơn cả bọn nhi nữ bình thường, ta và Hoài Nam sẽ dễ dàng hóa trang cho Huân đệ. Chỉ khó là cách đi đứng, Huân đệ chịu khó cố gắng, chỉ cần qua khỏi cổng thành. Bọn thể nữ đi theo là những người tâm phúc!

Vương phi nói :

- Vả lại chẳng ai để ý đến đâu!

Hoài Nam che miệng cười, mắt nàng long lanh nhìn Nguyên Huân :

- Huân ca, Bảo Thư mà vẽ mắt, tô son, Huân ca sẽ biến ra là một mỹ nhân ngay. Khéo có chàng công tử nào đi theo thì mệt đấy!

Vương phi mắng át con gái :

- Hoài Nam, không được đùa thế. Bây giờ phải ra về thôi, các con cứ nói sang vấn an ta đầu năm và cùng ta hái lộc ở Bích Thảo cung. Có thể Vương gia cũng ghé đến đây! Không được để cho sự nghi ngờ nào xảy ra, nhớ đấy!

Ba người ra khỏi thạch thất. Mùa xuân đã về, tuy trời rét lạnh, nhưng tuyết đã ngừng rơi. Trời đầy sao lấp lánh. Bảo Thư và Hoài Nam theo Vương phi vào khu hoa viên, ngắt những chồi nụ biếc. Vừa ra khỏi khu vườn hoa, đã thấy một toán người cầm đèn lồng đi đến, Vương phi nhận ra ngay Dương vương. Bà mím môi, dằn lòng tiến lại. Dương vương thấy Vương phi, con gái và cháu ngoại, tay mỗi người cầm một chồi lộc non, bèn rẽ đám tùy tùng, tiến đến. Vương phi cúi đầu ra mắt :

- Năm mới, thiếp xin kính chúc Phu quân một năm an khang!

- Hài nhi kính chúc Vương phụ, năm mới tràn đầy niềm hoan lạc mới!

- Con kính chúc Ngoại tổ may mắn trong năm mới này!

Dương vương cười ha hả, nói :

- Ta sang chúc mừng hiền thê, chưa kịp chúc thì đã được nhận. Năm nay ta đã bảy mươi bảy tuổi rồi, ba năm nữa là tròn tám mươi. Ta cầu chúc hiền thê và con cháu mãi mãi có mùa xuân! Sáng mai ta phải vào triều, cùng bá quan văn võ hầu tế điện Thái Miếu và chúc thọ Thái hậu và Hoàng hậu, Vương phi cùng đi chăng?

- Thiếp hủ lậu, không quen nghi lễ, xin Phu quân thứ cho, khỏi phải vào chốn cung đình. Nhân tiện ngày mai, xin Phu quân cho thiếp cùng Hoài Nam và Bảo Thư đi lễ Phật, để cầu cho Phu quân mãi mãi an khang!

Dương vương cảm động nói :

- Tùy ý hiền thê định liệu, chiều ngày mùng hai, Bất Hối và Vân Hạc sẽ tới Yên Kinh.

Bảo Thư reo lên :

- Má má và huynh trưởng con về thăm Ngoại tổ, vui quá. Ngoại tổ có vui không?

Dương vương nói :

- Đã mười bốn năm qua nó không muốn nhìn ta, lần này lai kinh là do mi mà ra cháu ạ! Nhưng dù sao ta cũng mừng, ta sửa soạn để nó cằn nhằn. Hiền thê, đỡ cho ta với nhé. Hoài Nam, con sẽ được gặp đại tỷ và thằng cháu Vân Hạc, lần trước mày còn nhỏ xíu!

Hoài Nam cười nói :

- Tạ ơn Vương phụ, con mừng lắm!

- Ừ ai cũng mừng hết. Ta với Bất Hối thường xung khắc nhau, ta thương nó nên ráng nhịn. Chắc lần này là lần cuối cùng cha con gặp nhau!

Bảo Thư nói :

- Ngoại tổ, má má con thương Ngoại tổ lắm, đêm nào niệm Phật, cũng cầu xin Đức Thế Tôn độ trì cho Ngoại tổ. Má má con không về luôn được là vì đường sá xa xôi, Má má con sức khỏe lại không được tốt, đi lại vất vả lắm!

- Ta cũng biết, con nào chẳng thương cha mẹ, cha mẹ nào không thương con cháu. Ta đã phái người đi đón Má má con và Vân Hạc từ tháng trước, khi được thư của Bất Hối gửi về Ta không muốn nói, sợ mày mong!

- Ngoại tổ, Ngoại tổ lì xì cho A di và con đi chứ!

- Tao sẽ lì xì cho mày một Thân vương, chịu không?

Bảo Thư nói :

- Ngoại tổ, con đã nói là con đi tu, con không muốn chuyện ấy. Ngoại tổ cho A di đi, con già rồi!

- Mẹ mày, hai mươi mấy tuổi mà già nỗi gì. Thôi được, không muốn thì ông không ép, nhưng rồi sau này đừng trách ông đấy!

- Ồ con ở vậy hầu hạ ông, có được không?

Dương vương cảm động gắt :

- Đừng có lẻo mép, rồi lại quên ngay đấy!

Sau khi khám nghiệm cho Nguyên Huân, Kiến Nghiệp đại sư nói với Sư thái :

- Cơ thể của Trần thí chủ thật kỳ lạ, nhưng cũng nhờ vậy mà thí chủ không chết ngay dưới tay Dương Tiêu. Toàn bộ kinh mạch cũng như bộ vị lục phủ, ngũ tạng đều hoán đổi cả, không như người bình thường như chúng ta. Tuy nhiên, ba trọng huyệt trên người: Đan Điền huyệt ở dưới rốn một thốn, Bách Hội huyệt ở đỉnh đầu, Sinh Tử Huyền Quan ở sau ót vẫn giữ nguyên vị thế. Ba trọng huyệt này bị tổn thương rất nặng, bị khí âm hàn làm ngưng trệ, chiếm ngự, rất khó lòng khu trừ, phân hóa. Tuy nhất thời chưa đến nỗi tử vong, nhưng nếu không chữa trị sớm, e sau này công lực bị tiêu tán, âm độc hàn khí phát tác, toàn thân sẽ không còn thân nhiệt. Việc này không thể coi thường được.

Tâm Hư sư thái lo âu hỏi :

- Trên thiên hạ có môn thần công chân lực nào chữa trị được chăng?

- Hàn Ngọc âm chưởng thuộc loại cực âm, sở dĩ gọi là Hàn Ngọc là bởi Ngọc là tinh chất được kết cấu bởi cái âm hàn muôn nghìn năm của đất trời. Nếu xử dụng cực dương thuần khiết chân khí mà xung phá, thì chẳng khác chi hai cao thủ đánh nhau trong căn nhà kính, bày toàn những thú mỏng manh, liệu có toàn vẹn chăng? Việc này, Trương giáo chủ với tài hoa tuyệt học y tánh của Hồ Điệp tiên sinh năm xưa may ra có thể chữa trị được, ngoài ra không còn cách nào khác!

Tâm Hư sư thái hỏi :

- Các linh vật trong thiên hạ mang tính cực dương có ích gì cho sự khu trừ âm hàn chăng?

- Những linh vật cực dương đệ nhất trong đất trời là: Chu Cáp mãng cổ, Linh Hỏa điểu, Hản Huyết bảo câu, Hỏa Xà huyết, và nhất là Chu Hùng Trường Đảm, nhưng từ xưa đến nay chưa ai thấy gấu lông đỏ tía bao giờ. Mật gấu tía là đệ nhất. Nhưng bao giờ cũng thế, có lợi tất sinh hại, cái gì đến chữ thái, tất phải biến, nên cái lợi và cái hại rất khó phân lường. Người làm thuốc sở dĩ được tôn xưng là Thần y vì thấu đáo cái sinh hóa của muôn vật, và cái dung hòa của dược tính.

Tâm Hư hỏi :

- Đại sư tính thế nào?

- Bần tăng buộc lòng phải mang Nguyên Huân đi xa một chuyến. Đường sá xa xôi, Trần thí chủ còn đang cơn bạo bệnh, bần tăng muốn nhờ Thượng tọa chủ trì Sơn Quang tự thuê cho một chiếc xe và cặp ngựa tốt!

Nguyên Huân lên tiếng :

- Bạch Đại sư, vãn bối hiện có mang theo người một ít vàng bạc và bảo ngọc, ta nên mua đứt thì hơn!

Kiến Nghiệp đại sư nhìn Nguyên Huân, cái nhìn như dò xét, Nguyên Huân hiểu ngay, chàng nói :

- Xin Đại sư yên tâm, vãn bối không làm gì tệ hại. Mấy phen ra vào cung cấm, muốn lấy gì chẳng được, nhưng vãn bối chẳng làm thế bao giờ. Đây là do một lần vãn bối lạc vào một mật động ở vùng Nam Sơn, ở đấy vãn bối phát hiện một số đá quý và vàng bạc, vãn bối lấy một ít để chi dụng trên đường!

Nói xong, Nguyên Huân đưa chiếc túi chứa những viên ngọc quý. Tâm Hư sư thái cầm xem, nói :

- Chỉ một viên nhỏ này đã là một gia tài lớn. Thí chủ có phước, nhưng nếu không biết dùng vào việc nghĩa, tất sinh bất nghĩa. Nhìn tướng mạo Trần thí chủ, bần tăng quyết thí chủ không phải là hạng người đó. Vàng bạc tuy quý, nhưng lúc đói lòng, nó chẳng bằng một nắm xôi. Cứ như thế suy ra, tất sẽ hiểu ngay vật gì cũng có cái quý giá của nó. Trời đất sinh ra muôn vật, mọi thứ đều có chỗ đắc dụng!

Lúc Nguyên Huân rời khỏi y phòng, Vương phi lễ Phật vừa xong. Thiện nam tín nữ đông như kiến, nhận ra bà, người nào cũng cố chen đến gần Vương phi để lạy mừng; trong số đó có những người Đại Việt bị bắt sang Kim Lăng thuở trước, họ kín đáo đến chúc mừng bà, chúc mừng Hoài Nam và Bảo Thư. Nhìn bà với mái tóc đã pha sương, lòng họ đầy thương cảm. Hoài Nam quận chúa dịu dàng, nàng giản dị và gần gũi chào hỏi mọi người, không tỏ ra một chút gì kiêu sa của một nàng Quận chúa lá ngọc cành vàng. Lúc đầu, mọi người còn e dè vì có sự hiện diện của Bảo Thư công nương, nhưng thấy nàng cũng tỏ ra bình dị không khác gì Hoài Nam nên vây quanh chẳng muốn rời.

Bảo Thư chứng kiến cảnh này, nàng cảm động vô cùng, và lòng kính trọng vì phẩm chất của Vương phi và Hoài Nam càng tăng thêm trong lòng nàng. Bảo Thư cảm thấy hết sức xót xa, nàng nghĩ, nếu Ngoại tổ của nàng cũng có được sự thương yêu chân tình của dân chúng ở mọi nơi như thế này thì nàng sung sướng biết ngần nào! Vua quan, Vương hầu nào có gì khác họ, quyền uy, phú quý chẳng qua là thời vận cả mà thôi.

Vương phi cùng Hoài Nam và Bảo Thư phải khó khăn lắm mới vào được đến trai phòng. Bà không mang theo quân hầu, chỉ có vài nàng thị nữ. Nhìn những người ăn xin rách rưới, áo mỏng quần tưa rét mướt vạ vật, kiếm miếng ăn ở chốn thiền môn, lòng Vương phi quặn thắt. Bà đã đem hết niên bổng dành cho một bậc Vương phi để cứu giúp đám ân nghèo khó chốn Kinh thành. Lòng bà thì như biển lớn, à khả năng thì có hạn. Không nghĩ ngợi, bà tháo nốt vòng ngọc thạch trên cổ ay, món nữ trang cuối cùng của riêng bà, bà thưa với ngài hượng tọa chủ trì, dùng đổi lấy thực phẩm và vải mặc để uôi dưỡng họ trong những ngày đầu xuân. Nguyên Huân iết việc làm ấy, chàng giữ lại một ít vàng bạc đủ chi tiêu rên đường bôn tẩu, giữ lại hai viên ngọc quý tặng Hoài Nam và Bảo Thư, số còn lại, chàng dâng lên Thương tọa, in bảo bọc cho những người khốn khổ, già nua và bệnh tật. Chàng mong muốn nhà chùa xây cất những dãy nhà để nuôi dưỡng họ, không lang thang rét lạnh ngoài trời.

Đại sư hết sức hài lòng về việc làm của Nguyên Huân, ông quay sang mẹ con Vương phi nói lời tạ từ. Trước lúc ra về Vương phi dặn bảo Nguyên Huân từng chút. Hoài Nam, Bảo Thư nắm lấy tay chàng bịn rịn, Hoài Nam buồn bã :

- Huân ca, tất cả chờ mong Huân ca từng ngày, đừng quên!

Bảo Thư nước mắt đọng đầy bờ mi :

- Không biết ngày nào mới gặp lại, Huân đệ ráng bảo trọng lấy thân. Hãy nhớ đến ngu tỷ. Vĩnh biệt!

Nói xong, nàng quay bước đi như chạy trốn.

- Tội nghiệp!

Vương phi thầm nói.

Hoài Nam không nỡ rời chân. Nàng đứng im với cõi lòng hiu hắt. Ngày mai chàng đi, bao giờ gặp lại! Nghĩ đến những ngày xa vắng ấy, Hoài Nam đã thấy lòng mình ngẩn ngơ ngay tự lúc này. Và trên hai gò má thanh xuân, từng giọt lệ nồng ấm đầu đời của thời con gái nàng, đã tuôn rơi, long lanh như châu ngọc. Hoài Nam thốt nhiên lên tiếng, giọng nàng nhẹ như hơi thở :

- Huân ca, khi nào Huân ca chữa khỏi bệnh, Huân ca có trở lại nơi đây không?

Nguyên Huân cầm tay nàng, nhìn sâu vào đôi mắt ướt :

- Nhất định, nhất định ngu huynh sẽ trở lại, có thể lâu lắm là hai năm. Làm sao ngu huynh không trở lại cho được!

Vương phi nói :

- Nguyên Huân, ta còn muốn nói cùng hiền điệt nhiều điều nhưng hiện giờ chưa tiện. Ta cũng mong chờ con trở lại đừng để ta mong đợi?

Vương phi và Hoài Nam quay gót, người nữ tỳ thưa :

- Bảo Thư công nương nói với nô tỳ bẩm lại, Công nương nhức đầu nên xin phép về trước!

Vương phi gật đầu không nói gì, Hoài Nam hỏi :

- Má má, Bảo Thư có điều gì buồn phiền vậy?

Vương phi thở dài :

- Bảo Thư rất quý mến Nguyên Huân, coi y như... em ruột, và nó cũng rất yêu thương ông Ngoại, giữa hai người thân yêu ấy lại có mối hận thù, nó không buồn sao được?

- Mẹ, con cũng buồn lắm chứ, đáng lẽ còn buồn hơn là khác. Nhưng con nghĩ rằng, nếu cha con biết Huân ca là cháu của mẹ, chắc chắn cha con cũng yêu quý Huân ca; vả lại Huân ca là người khoáng đạt, rộng lượng, mối thù chắc cũng nguôi ngoai, có gì trầm trọng đâu mẹ?

Vương phi chau mày suy nghĩ, một lúc nói :

- Việc này không giản dị như con nghĩ, về Vương phủ, mẹ sẽ nói cho con biết!

Từ lúc lên kiệu, suốt quãng đường về, lòng Hoài Nam trĩu buồn. Nàng nhớ Nguyên Huân. Sáng ngày mai chàng lên đường, bao nhiêu năm chàng mới trở lại? Nghĩ đến quãng thời gian dằng dặc trước mặt, lòng nàng héo hắt. Và rồi, một ngày chàng trở lại, mà giữa cha mình và chàng, mối hận thù trói buộc biết làm sao cởi? Nàng biết sẽ chọn ai? Cha nàng, đối với người ruột thịt thì ân cần, dịu dàng, thương yêu, nhưng đối với kẻ thù thì lại vô cùng tàn độc. Chỉ đối với lương dân thôi, mà ông còn khắt khe như thế. Phận làm con nàng biết nói sao đây! Cõi lòng Hoài Nam tràn ngập u sầu. Hoài Nam chợt băn khoăn, mẹ nàng chưa thổ lộ với nàng điều gì?

Không phải mới hôm nay, mà Hoài Nam đã thắc mắc tơ khi nàng có đủ trí khôn để nhận xét và phán đoán. Nàng luôn thấy mẹ có nét buồn u uẩn trên gương mặt. Nỗi sầu đau nào luôn dai dẳng trong lòng bà? Nhất là từ ngày bà gặp Nguyên Huân, bà càng tỏ ra câm nín hơn.

Trước đây, thấy mẹ buồn phiền, nàng chỉ cho rằng bà buồn vì những việc làm độc ác, bất nhân của chồng mình. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn ngủi sau này, tâm sự nào, nỗi đau đớn nào, đã khiến bà trở nên u uất, và làn tóc mây đã chóng đổi màu. Nàng theo mẹ về Bích Thảo cung. Vào phòng riêng, Hoài Nam nắm lấy tay mẹ :

- Mẹ, mẹ hãy cho con biết mẹ có điều gì đau lòng, mẹ có điều gì giấu con?

Vương phi không nói, bà nhìn sâu vào đôi mắt Hoài Nam, cái nhìn như vừa thương xót, vừa yêu dấu, vừa như đang chìm đắm trong suy tư :

- Hoài Nam! Đã mười tám năm nay, mẹ không tỏ lộ cùng ai thân phận đau buồn của mẹ, nhưng giờ này, với con, mẹ không có quyền để che giấu nữa. Mẹ phải nói thật, dù có làm con đau lòng, con phải can đảm mà nhận lấy. Sự thật có làm con xót xa, tủi cực thì cũng vẫn là sự thật. Hoài Nam, con có biết, tại sao con mang cái tên này không?

- Có mẹ ạ! Mẹ đã nói với con, là mẹ đặt tên con như thế để tưởng nhớ đến phương Nam, nơi mẹ sinh ra, nơi quê hương của mẹ!

- Đúng vậy, nhưng đó chỉ là một phần... Hoài Nam! Con hãy nghe đây: Con không phải là người họ Dương?

Đôi mắt Hoài Nam mở to, nàng nhìn mẹ như không hiểu bà nói gì. Lát sau nàng lên tiếng, giọng thoảng thốt :

- Mẹ! Mẹ vừa nói gì? Mẹ nói sao? Con không là... Vương phụ... Dương vương không là cha con?

Đôi mắt nàng nhìn mẹ ai oán, vừa như tuyệt vọng, vừa như oán trách, vừa như đổ vỡ; cái nhìn như từ một tấm gương soi rạn vỡ. Vương phi đau đớn nói :

- Đúng vậy Hoài Nam, con quả thật không phải là con đẻ của Dương vương, nhưng điều này chỉ có mình mẹ biết. Ông ấy đã cướp mẹ từ tay của cha con?

Giọng bà cay đắng :

- “Ngày ấy, ngày ấy mẹ vừa hoài thai con chưa đầy tháng, và mẹ đã mang thai con dài gần mười hai tháng con mới ra đời. Vì con, mẹ kéo dài kiếp sống đến ngày hôm nay. Việc Dương vương làm điều tàn độc ấy, đến gần đây mẹ mới hiểu. Ông ta đã đóng kịch là một người ơn, là kẻ đã cứu, đã giải thoát cho mẹ. Cũng vì cảm tấm lòng ơn nghĩa, vả lại ông ta đối xử rất tốt với mẹ, chưa bao giờ làm điều gì phật ý mẹ, mẹ gượng sống vì con, chính vì con, chú không vì mẹ!

Hoài Nam, cha con và cha của Nguyên Huân là anh em kết nghĩa, tình thân hơn ruột thịt, cùng trong “Bát đại danh gia” nổi danh lừng lẫy một thời. Cha con là một Vương tủ họ Đoàn, nước Đại Lý, là người đứng hàng thứ sáu trong số tám người. Tam ca, cha của Nguyên Huân, thuộc dòng dõi anh hùng đệ nhất thiên hạ, mà hơn một trăm năm trước, đã khiến cho đạo quân khét tiếng tàn bạo và hùng mạnh của con cháu Thành Cát Tư Hãn, vị chúa tể phải vỡ mật bay hồn. Nguyên Huân là đời thứ năm của vị anh hùng đệ nhất ấy: Thượng phụ, Thượng Quốc công Bình Bắc đại nguyên soái Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn của Đại Việt.

Trần tam ca nhận mẹ làm em nuôi, và gả cho Lục đệ của mình, họ Đoàn tên Chính Tâm. Và một đêm xưa...”

Vương phi nước mắt tuôn tràn, bà đau đớn kể hết cho con nghe cái đêm thảm sát đó, và số phận đắng cay bà chịu đựng cho đến ngày nay...

- Sự thật là như vậy, và con có tin hoặc không tùy ở con!

Hoài Nam nức nở, Vương phi đau đớn. Bà nhìn thấy trong đôi mắt của đứa con hiền hậu của bà ánh lên tia căm thù. Bà biết Hoài Nam đau đớn còn hơn bà.

- Mẹ, con đã nhận giặc làm cha...

Vương phi Lý Phi Yến vuốt tóc con :

- Con không có lỗi gì cả, lỗi là ở mẹ. Hoài Nam, tuy ông ta không phải là cha của con, nhưng lại là người có công nuôi nấng con suốt mười tám năm nay...

- Mẹ, con đâu có muốn điều đó, con đâu có cần điều đó?

Vương phi tái mặt :

- Con tha lỗi cho mẹ!

Hoài Nam biết nàng vừa nói một câu vô ơn với mẹ. Chính vì nàng, bà đã kéo dài sự sống trong nhục nhằn cay đắng. Nàng quỳ xuống chân mẹ, ôm bàn chân nhỏ nhắn của bà nức nở :

- Mẹ, mẹ tha lỗi cho con, mẹ đừng nói thế, con lạy mẹ!

Vương phi đỡ con dậy :

- Hoài Nam, mọi việc con đã rõ. Con phải nghe lời mẹ.

Nếu mẹ biết trước ông ta là kẻ thù, mẹ quyết cùng con mà chịu chết. Mãi gần đây, Nguyên Huân nói ra, mẹ mới hiểu tất cả ngày ấy mẹ có biết gì đâu, giờ đã lỡ!

Hoài Nam, bằng mọi giá, mẹ sẽ đem con về quê hương, con phải gặp lại cha con và chị Uyển Thanh của con.

- Con muốn đi ngay, rời khỏi nơi này lập tức!

- Không, không thể hồ đồ như thế được. Phải chờ một cơ hội. Mẹ đã dặn dò Nguyên Huân, và con, con đừng để lộ ra cho ai biết việc này, con phải coi như không có gì xảy ra, vẫn như trước, đừng để cho ông ta nghi ngờ, nếu không, mẹ con ta không thể thoát thân được, con có hiểu không?

Hoài Nam sụt sùi :

- Vâng, con xin nghe lời mẹ, nhưng con... mẹ ơi, làm sao con có thể giữ được sự bình tâm trước con người... khó cho con quá...!

- Không, Hoài Nam, con phải giữ đúng vai trò của con, con vẫn phải sống bình thường, không được thay đổi dù một chút nhỏ nào, con hứa với mẹ không?

- Con... con hứa với mẹ!

- Mẹ tin, mẹ tin ở con. Tổ quốc của cha con, nhẫn nhục đã gần hai trăm năm, sự nhẫn nhục chảy trong huyết quản của con, mẹ tin ở con của mẹ!

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio