Một ngày của bốn mươi ba năm sau, Kiều Tín Sinh đứng trước tấm gương trong phòng ngủ, chớp chớp cặp mắt đã vẩn đục, nhìn tấm thân đã hom hem rệu rã trong gương, ông cảm thấy bản thân thật già nua và mỏi mệt, cách ngày lìa đời chẳng còn bao xa nữa.
Ông nhìn ra ngoài cửa sổ, nhớ tới vô số đêm cô tịch, từng có một thiếu nữ mười bảy tuổi, một cô gái hai mươi tuổi và một phụ nữ ba mươi bảy tuổi đứng dưới đường ngóng vọng lên, chờ mãi đến khi ngọn đèn trong phòng ông vụt tắt mới rời đi.
Họ là cùng một người.
Lúc này, người giúp việc đến báo với ông:
“Cô Bạch đã tới rồi ạ.”
Ông ra lệnh:
“Mời cô ấy đến phòng vẽ chờ tôi.”
Ông chỉnh lại chiếc nơ đen bóng trên cổ, bộ comple đen cùng chiếc áo sơ mi trắng ở trong, rồi cầm lấy gậy, khoan thai rời khỏi phòng ngủ.
Ông đi về phía phòng vẽ.
Người kia là họa sĩ nổi tiếng ở Pháp mới về đề nghị vẽ tặng ông một bức chân dung, kỉ niệm ông – vị kiến trúc sư vĩ đại đã thiết kế nên nhà hát kịch sừng sững bên bờ biển.
Ông đi vào phòng vẽ, khi thấy người họa sĩ, mắt ông thoáng hiện vẻ kinh ngạc.
Người họa sĩ này trẻ hơn nhiều so với tưởng tượng của ông, thoạt nhìn nhiều lắm cũng chỉ độ hai mươi lăm tuổi. Dáng vẻ cô ta rất đẹp, trên người mặc chiếc váy dài màu lam, vành tai đeo một đôi bông tai ngọc trai, khi cô ta cử động thì chúng liền đu đưa theo, cặp mắt sâu đen nhìn ông như thể ngóng vọng từ thế giới bên kia.
Lúc này người họa sĩ kính cẩn chào ông “Ngài Kiều”, sau đó mời ông ngồi vào chiếc ghế dựa.
Phòng vẽ đã bày sẵn một tấm vải để vẽ tranh sơn dầu.
Ông run rẩy ngồi vào ghế, bình hoa đặt cạnh chiếc ghế dựa cắm đầy những bông hoa “Hôm qua” màu mận chín, tên người họa sĩ này cũng là hoa hồng, Bạch Công Côi.
Ông đặt cây gậy sang một bên, ngồi thẳng lưng.
Người họa sĩ thỉnh thoảng lại dùng ánh mắt yêu mến nhìn ông qua tấm vải vẽ, cách cô ta nhìn ông như thể đã quen biết ông từ lâu lắm rồi. Thời khắc đó, ông cảm thấy những chuyện đời trước vụt qua trước mắt. Nhưng ông đã già lắm rồi, rất nhiều ký ức đã trở nên nhòa nhạt.
Ông nhớ ra hôm nay là sinh nhật thứ chín mươi của mình, lòng ông khẽ gợn sóng, không hẳn là sầu cảm, chỉ thấy không hiểu được, bản thân ông vì lẽ gì lại muốn sống lâu đến vậy?
Máy hát khẽ đưa một khúc dương cầm của Chopin, giai điệu “Dạ khúc” lởn vởn trong phòng. Lúc này một trận gió bỗng thổi qua, ông dường như nghe thấy chuyện xưa nỉ non và những tiếng thở dài lẩn khuất trong đó, nhắc ông nhớ về một đêm rất lâu về trước, đã từng có một thiếu nữ ngây thơ đáng thương lõa thể nằm trên giường ông, chờ đợi ông về ân sủng cô.
Cô là nuối tiếc cả đời của ông.
——HẾT——