Hiếm có hồ nào lại có cả một trái núi hùng vĩ nằm giữa hồ như Ðộng Ðình.
Cổ nhân gọi Quân Sơn như “hậu đình của thần tiên động phủ”, vì thế hồ mới mang tên là Ðộng Ðình hồ.
Du khách đặc biệt thích ngắm cảnh hồ vào lúc chiều tà.
Ðứng ở bờ Nam ở phía Nhạc Dương ngắm nhìn những tia nắng chiều hắt lên mặt Ðộng Ðình hồ bao la nghìn dặm tiếp liền với chân trời hút xa tầm mắt như biển cả.
Dãy núi Quân Sơn với mười hai ngọn nhấp nhô đứng sừng sững giữa hồ chìm trong sương khói nhạt nhòa trông thật kỳ ảo làm say đắm lòng du khách.
Khách nhân đến viếng thăm Ðộng Ðình hồ chẳng mấy ai bỏ qua cơ hội tới Nhạc Dương lâu, nơi còn di tích Lăng Ngâm đài với hai câu thơ tuyệt tác của Lã Ðộng Tân.
Tam túy Nhạc Dương nhân bát thức.
Lăng Ngâm phi quá Ðộng Ðình hồ.
Tương truyền rằng khi vị tiên đó đang say, hào khí nổi lên mà giọng lâng lâng bay qua mặt hồ bao la tám trăm năm!
Lúc này từ phía hạ lưu có một chiếc hoa thuyền cực kỳ mỹ lệ đang ngược lên phía Ðộng Ðình hồ.
Giữa vô số thuyền bè xuôi ngược, chiếc hoa thuyền vừa lộng lẫy vừa hùng tráng trông chẳng khác nào con công giữa đàn gà.
Chiếc thuyền đi trong sóng cả mà không chút chao động như đi trên đất bằng.
Trong khoang lớn dùng làm phòng khách được bài trí rất tao nhã với vài bức tranh thủy mạc, vật dụng trong phòng đều thuộc hàng thượng phẩm.
Bấy giờ trong phòng khách có bảy người, ba nam bốn nữ, còn có thêm hai con khỉ lông đỏ ngồi vắt vẻo trên cửa sổ nhìn ra ngoài, vẻ rất thích thú nhìn cảnh trời mây sông nước.
Hai con khỉ đó là Kim Linh và Kim Lợi, không nói cũng biết người trong khoang, ngoài bốn vị chủ nhân của chúng là Thiên Long, Thiên Sơn Tử Phụng, Hắc Yến Tử và Kim Cương Thần, còn có chủ tỳ Gia Cát Minh Châu và vị Đà chủ trong Ðại Hồ thất thập nhị trại Giang Ngư Lưu Công Vinh.
Chiếc hoa thuyền rời dòng chính Trường Giang tiến vào Ðộng Ðình hồ bao la.
Giang Ngư Lưu Công Vinh thò đầu ra cửa sổ nhìn về hướng Quân Sơn rồi quay vào cười nói :
- Chư vị! Chúng ta ra ngoài khoang thôi! Ðích thân Tổng trại chủ ra nghênh đón đấy!
Mọi người lần lượt bước nhân ảnh ra ngoài.
Từ Quân Sơn, một đoàn thuyền tới cả trăm chiếc lớn nhỏ lướt nhanh về phía chiếc hoa thuyền, dẫn đầu là một chiếc thuyền rồng lớn, trên cột buồm bay phần phật lá cờ to như chiếc chiếu đại, thêu hình kim long xòe móng lướt trên mặt sóng.
Một lão nhân cao lớn đứng ở mũi thuyền, tóc bạc phơ nhưng da dẻ hồng hào, thân thể vẫn còn tráng kiện, sau lưng còn có hai tên trung niên hán tử bận thanh bào, dáng rất uy vũ.
Gia Cát Minh Châu chỉ tay vào bạch phát lão nhân ngoảnh nhìn Thiên Long và hai vị thư thư nói :
- Ðó là gia công công!
Nguyên lão nhân tóc bạc là Lão Long Thần Gia Cát Báo, Tổng trại chủ của Ðại Hồ thất thập nhị trại.
Khoảng cách giữa song phương gần lại rất nhanh.
Giang Ngư ra lệnh cho bọn thuyền phu :
- Hạ buồm! Giảm tốc độ!
Khi hai con thuyền lớn còn cách nhau chừng mười bốn mười lăm trượng, Gia Cát Minh Châu chợt kêu lên :
- Gia gia!
Chưa dứt lời đã tung minh nhảy lên cao năm sáu trượng lướt tới thuyền rồng, trông như một áng mây.
Bạch phát lão nhân nhìn lên người kia, ngạc nhiên hỏi :
- Châu nhi đó sao?
Mấy tiếng nói hòa theo :
- Tiểu thư!
- Ðúng là tiểu thư rồi!
Khi còn cách thuyền rồng năm sáu trượng, Gia Cát Minh Châu chừng như đã hết đà rơi xuống mặt hồ.
Người trên thuyền đều la lên kinh hãi.
Có mấy người lao xuống định cứu.
Nhưng khi còn cách mặt hồ mấy thước, Gia Cát Minh Châu chợt phất hai tay áo xanh, đồng thời rướn người vút lên cao ba trượng, đáp ngay xuống mũi thuyền rồng!
Trên cả trăm chiếc thuyền vang lên những tiếng hoan hô như sấm dậy!
- Thân pháp “Thanh Phụng Triển Dực”!
- Công phu thật ảo diệu!
- Tiểu thư luyện thành khinh công đó từ khi nào vậy? Thật chẳng khác gì chim bay vậy!
Nhưng Lão Long Thần không để ý đến điều này.Từ khi được tin tôn nữ lâm nạn, lão lo sợ cuống cuồng, mất ăn mất ngủ, tự mình suất lĩnh thuộc hạ đến Giăng Lăng tìm kiếm.
Nay gặp lại, Lão Long Thần thấy nàng vẫn bình an khỏe mạnh, lão mừng đến rơi lệ, nói gì đến chuyện khinh công thân pháp?
Lão giang tay ôm tôn nữ vào lòng nói :
- Hài tử! Vậy là con đã trở về!
Gia Cát Minh Châu cũng không ghìm được nước mắt, đáp :
- Dạ! Hài nhi đã về!
Lão Long Thần trầm giọng nói :
- Từ ngày con đi tới nay đã hai tháng, nhất là khi Hà Trần Chí về báo tin con bị bọn Thiên Ma giáo truy bắt, gia gia lo muốn chết...
Gia Cát Minh Châu nói :
- Hài nhi có nghe Lưu đà chủ nói gia gia đích thân tới Giang Lăng...
Lão Long Thần gật đầu :
- Không sai! Nhất là khi thấy hai nấm mồ của Trần Minh và Vương Thuận, ta càng lo. Ai cứu con vậy?
Bây giờ hai chiếc thuyền lớn đã xáp lại gần nhau.
Một trong hai trung niên hán tử dáng uy vũ đứng sau lưng Lão Long Thần nhìn sang hoa thuyền thấy Thiên Long và mấy người cùng đi, liền nhẹ giọng nói :
- Bẩm Tổng trại chủ, tiểu thư còn có khách...
Lão Long Thần sực nhớ ra, vội buông tôn nữ nói :
- Lão phu thật chểnh mảng! Châu nhi, hãy giới thiệu bằng hữu của con đi!
Lúc đó hai chiếc thuyền đã cặp sát vào nhau.
Gia Cát Minh Châu lau khô nước mắt, nhìn sang Thiên Long nói :
- Long ca và hai vị thư thư hãy sang bên này kiến lễ gia gia đi!
Ba người nhảy qua thuyền rồng, đến trước Lão Long Thần cúi người cung kính vái chào nói :
- Vãn bối là Âu Dương Thiên Long và hai vị tiện thê Thiên Sơn Tử Phụng Trần Vân Phụng và Côn Lôn Hắc Phụng Triệu Thanh Thanh tham kiến gia gia. Kính chúc lão nhân gia phúc như Ðông Hải, thọ tựa Nam Sơn!
Lão Long Thần Gia Cát Báo vuốt râu cười kha kha đáp :
- Rất tốt! Xin cám ơn lời vàng ngọc của tiểu ca! Xin mời ba vị vào trong thuyền nói chuyện!
Lão nhân uy vũ hỏi :
- Tổng trại chủ, chúng ta về trại thôi chứ?
Lão Long Thần gật đầu.
Lão nhân kia cao giọng ra lệnh :
- Hồi trại!
Ðoàn thuyền quay mũi, rầm rộ tiến về Quân Sơn. chiếc hoa thuyền cặp sát bên thuyền rồng, song song về trại.
Gia Cát Minh Châu quay mấy vòng giữa khoang thuyền, cười nói :
- Gia gia! Hài nhi bây giờ đã cải danh thành Ðộng Ðình Thanh Phụng, gia gia thấy có hay không?
Lão Long Thần thấy thái độ tôn nữ hồn nhiên vui vẻ khác hẳn trước đây, chợt nhớ lại nàng vừa biểu diễn khinh công bay qua khoảng cách mười bốn mười lăm trượng, lại phục sức rất giống hai vị phu nhân xinh đẹp kia, đoán rằng tất có nguyên do.
Nhưng vì bước đầu gặp gỡ, trước đông người lão chưa tiện hỏi ngay.
Nghe tôn nữ hỏi vậy, lão chỉ đáp :
- Ðộng Ðình Thanh Phụng... danh hiệu rất hay!
- Gia gia có thích không?
- Thích chứ! Nhưng trước hết hãy mời ba vị khách quý vào trong khoang đã, chúng ta sẽ nói chuyện!
Phòng khách trên thuyền rồng càng lộng lẫy như trong vương phủ, ghế bọc da hổ, bàn phủ gấm, đồ gỗ bóng lộn, quý phái bao phần!
Lão Long Thần ngồi ở ngôi chủ tọa, bên cạnh là Gia Cát Minh Châu, Thiên Long và hai vị phu nhân ngồi đối diện.
Chủ khách vừa an tọa, lập tức đã có người mang trà đến.
Lão Long Thần hỏi :
- Hài tử! Hãy nói xem con làm thế nào mà thoát khỏi bọn người của Thiên Ma giáo? Gia gia còn thấy Bát Quái trận của con bị phá.
Gia Cát Minh Châu đáp :
- Hài nhi và Thiên Long cùng hai vị Trần Vương đại thúc đang du ngoạn ở Kiến Dương thì gặp người của Thiên Ma giáo. Tên Thiếu giáo chủ Vô Thường Thái Tuế giở thói côn đồ bị hài nhi giam trong Bát Quái trận một ngày, nhưng sau đó không muốn lấy mạng hắn nên tha ra. Không ngờ tên dâm tặc đó không chịu hối cải, cho người truy sát, hài nhi tới Giang Lăng thì gặp chúng. Thấy đối phương quá đông, ngay lần động thủ đầu tiên, chúng đã hủy mất chiếc xe, Trần đại thúc bị thương liền ra lệnh cho Hà Trần Chí thoát vây về cấp báo, hắn vừa chạy đi thì đối phương lập tức vây công. Hai vị đại thúc tử nạn, hài nhi bố trận hộ thân nhưng lại bị ngất đi. Nếu đối phương tiếp tục vây công thì chỉ e không sống thêm nổi một ngày. May nhờ có Long ca, hai vị thư thư cùng Kim Cương Thần Tiền lão huynh kịp thời xuất thủ cứu giúp, tiêu diệt quần ma cứu được hài nhi và Tiểu Lan.
Lão Long Thần nghe tới đó, chắp tay cảm kích nói :
- Lão phu xin đa tạ ba vị đã cứu mạng Châu nhi. Ðại ân đại đức đó...
Thiên Long vội đáp :
- Xin tiền bối đừng nói thế! Người trong giang hồ với nhau, gặp hoạn nạn cứu giúp nhau là chuyện thường. Huống chi bọn vãn bối với Thiên Ma giáo có cừu hận.
Lão Long Thần hỏi :
- Nghe nói Thiên Ma giáo gần đây hành hung tác ác không coi giang hồ các phái vào đâu. Chẳng hay ba vị với chúng có cừu hận gì?
Thiên Long đáp :
- Một tên Đường chủ trong Thiên Ma giáo đã từng đánh tiện thê Trần Vân Phụng rơi xuống vực suýt chết, chỉ nhờ đại phúc mà thoát nạn.
- Tên Đường chủ đó là ai?
- Ðộc Thủ Thiên Tôn!
Lão Long Thần nhíu mày hỏi :
- Ðộc Thủ Thiên Tôn? Tên ma đầu này cũng đầu nhập vào Thiên Ma giáo hay sao?
Thiên Sơn Tử Phụng nói :
- Không chỉ Ðộc Thủ Thiên Tôn mà cả Càn Khôn Nhất Quái cũng đầu nhập vào Thiên Ma giáo!
Lão Long Thần kinh dị hỏi :
- Thế nào? Lão quái vật đó còn chưa chết?
Thiên Long gật đầu :
- Không sai! Hắn hiện giờ là Thiên Lôi đường Đường chủ của Thiên Ma giáo.
Lão Long Thần lẩm bẩm :
- Tên họ Thi này võ công cái thế, mấy chục năm không xuất hiện trong giang hồ, người ta cho rằng hắn đã chết. Nếu hắn còn sống thì ngay cả đến Thiên Ma giáo chủ võ công còn kém xa, làm sao hắn lại trở thành Đường chủ của Thiên Ma giáo? Chỉ có sự nhầm lẫn gì...
Thiên Sơn Tử Phụng nói :
- Lão tiền bối, không có nhầm lẫn gì đâu. Có lần bọn vãn bối suýt động thủ với hắn.
Lão Long Thần ngạc nhiên hỏi :
- Ba vị đã gặp Càn Khôn Nhất Quái?
Thiên Sơn Tử Phụng gật đầu :
- Phải. Cách đây chừng ba bốn tháng, trong một tiểu trấn gần Kinh Sơn, trong khi uống rượu ở tửu lâu, Kim Cương Thần Tiền Nhị nói phạm đến Thiên Ma giáo nên xảy ra xung khắc. Lúc đó bọn vãn bối còn chưa quen biết Tiền Nhị, nhưng thấy tên Phó đường chủ Tàn Tâm Nhân Ma Ðoàn Mộc định hạ độc thủ, Thiên Long liền xuất thủ khống chế tên này cứu mạng Tiền lão huynh. Lúc đó có cả Càn Khôn Nhất Quái...
Lão Long Thần nhìn Thiên Long hỏi :
- Tiểu ca dùng thủ pháp gì mà khống chế được Tàn Tâm Nhân Ma?
Thiên Long đáp :
- Trong lúc tình thế cấp bách, vãn bối đành thi xuất Ðạn Chỉ thần công...
Lão Long Thần nhìn chàng từ đầu đến chân, thầm nghĩ :
- “Làm sao thiếu niên này chỉ mới hai mươi hăm mốt tuổi mà có thể thi triển Ðạn Chỉ thần công khống chế được tên đại ma đầu Tàn Tâm Nhân Ma? Ngay chính mình đã luyện công phu sáu bảy chục năm mà chỉ e còn khó thắng được hắn...”
Nghĩ vậy nhưng không nói ra, lại hỏi :
- Càn Khôn Nhất Quái xưa nay nổi danh độc ác, giết người không chớp mắt. Làm sao tiểu ca khống chế thủ hạ mà hắn không xuất thủ?
Thiên Long lắc đầu đáp :
- Vãn bối cũng không biết vì sao...
Lão Long Thần nhíu mày thầm nghĩ :
- “Xưa nay gặp kình địch, Càn Khôn Nhất Quái không để ai sống sót bao giờ, vì sao lần này hắn không xuất thủ? Chẳng lẽ hắn sợ không thắng nổi thiếu niên này? Không có lý!”
Lão trầm ngâm nói :
- Lão phu vốn đã có ý định dốc toàn nhân mã trả thù cho Châu nhi, nhưng bây giờ xem ra...
Tới đó thở dài một tiếng.
Thiên Long nói :
- Lão tiền bối! Theo vãn bối thì hiện giờ Thiên Ma giáo thế lực rất lớn, đang có ý đồ bá chủ võ lâm, chỉ một vài môn phái khó mà thắng được chúng. Nên có cách gì huy động được toàn võ lâm mới tiêu diệt được mối đại họa này. Tiền bối nên tạm thời gác lại việc trả thù một thời gian, tin rằng võ lâm nhất định sẽ có phương sách. Thiếu Lâm là Thái Sơn Bắc Ðẩu, không dễ gì họ bỏ qua hướng cừu mà không báo đâu!
Lão Long Thần chợt nhớ tới sự thay đổi của tôn nữ, nghĩ rằng chỉ mới qua một tháng mà thân thủ nàng tăng tiến vượt bực như vậy, nhất định có liên quan đến vị thiếu niên thân hoài tuyệt học mà thân tàng bất lộ này, nghe nói vậy tin rằng chàng đã có kế hoạch nên thầm đồng ý.
Lão quay sang Gia Cát Minh Châu hỏi :
- Hài tử! Gia gia thấy con khỏe hơn trước nhiều, hình như không còn mầm bệnh nữa, vừa rồi ngươi lại lộ một chiêu tuyệt học, chẳng lẽ ngươi được ăn thần đan tiên quả gì?
Gia Cát Minh Châu chợt kéo tổ phụ đứng lên, nhìn Thiên Long và hai vị phu nhân nói :
- Long ca và hai vị thư thư tạm ngồi đây một lát, tiểu muội cùng gia gia ra ngoài một lát sẽ vào ngay.
Thiên Sơn Tử Phụng hiểu ý ngay, cười nói :
- Muội cứ đi đi, chúng ta ở đây nói chuyện được rồi! Chỉ cần gọi Kim Cương Thần vào đây, chúng ta có việc cần bàn.
Gia Cát Minh Châu nói :
- Ða tạ Phụng thư!
Lão Long Thần biết tôn nữ tất có việc rất quan trọng muốn bàn với mình, đành chắp tay nói :
- Làm thế này thì lão phu khiếm khuyết với quý khách quá...
Thiên Long đáp :
- Xin tiền bối đừng bận tâm!
Gia Cát Minh Châu nói :
- Ba vị là người nhà cả, gia gia đừng khách khí!
Nói xong ra ngoài, bảo một người trong trại mời Kim Cương Thần sang thuyền rồng, rồi cùng tổ phụ đến phòng riêng của mình.
Lão Long Thần cười nói :
- Nha đầu! Ði chậm thôi! Gia gia già rồi, xương cốt không được tráng kiện như bọn trẻ tuổi các ngươi đâu!
Mới vào phòng, chưa kịp ngồi, lão liền hỏi :
- Nào có chuyện quan trọng gì ngươi nói xem!
Gia Cát Minh Châu thản nhiên đáp :
- Hài nhi sắp lấy chồng!
- Úi chao!
Lão Long Thần kêu lên, nhìn tôn nữ trân trân như nàng vừa từ trên trời rơi xuống, một lúc lâu mới cười ha hả nói :
- Hay! Hay lắm! Gia gia chỉ chờ có việc đó nữa để an tâm xuống mồ gặp cha mẹ ngươi mà thôi!
Lão kéo tôn nữ ngồi xuống hỏi :
- Nói đi! Có phải con định lấy Âu Dương Thiên Long chứ gì? Hô hô! Ðược lắm! Mới trông thấy hắn gia gia đã ưng bụng rồi...
- Vậy gia gia không phản đối chứ gì?
- Sao lại phản đối? Hắn là long phụng giữa nhân gian, vừa nhìn qua ta đã biết ngay mà! Chỉ có điều...
Gia Cát Minh Châu hỏi :
- Gia gia băn khoăn vì chàng đã có thê tử phải không?
Lão Long Thần thú nhận :
- Quả có thế! Không những đã có mà tới hai cô nương! Xem ra hắn hơi tham lam đấy!
Gia Cát Minh Châu nghiêm mặt nói :
- Không phải chàng muốn thế đâu, đó là do hài nhi tình nguyện...
Lão Long Thần “à” lên một tiếng nói :
- Bởi vì con muốn trả ân cứu mạng chứ gì?
- Không phải! Ngoài chuyện đó ra, chàng còn giúp hài nhi chữa lành Tam Âm Tuyệt Mạch nữa...
Lão Long Thần hỏi :
- Cái gì? Hắn còn giỏi y lý nữa sao? Còn hơn cả cô tổ ngươi là Tĩnh Tâm sư thái?
Gia Cát Minh Châu đáp :
- Cái đó thì hài nhi không dám so sánh, nhưng chỉ cần xem qua mạch, chàng đã xác định được ngay căn bệnh. Không những thế, chàng còn dễ dàng phá giải Bát Quái trận. Còn về bệnh tình thì hiện giờ hài nhi đã trừ được bệnh căn rồi, gia gia không thấy sao?
- Ðương nhiên gia gia thấy rồi! Chỉ nhìn thần sắc và cử chỉ của ngươi cũng biết! Hãy nói xem, Âu Dương Thiên Long là môn hạ của ai mà có bản lĩnh thần thông như vậy?
- Chàng không có sư thừa môn phái gì cả, do kỳ duyên học được võ công thặng thừa và tinh thông y lý, trận pháp, kinh thư... Bây giờ thì gia gia không còn gì phản đối nữa chứ?
Lão Long Thần trầm ngâm nói :
- Thực tâm mà nói thì gia gia không có gì phản đối, chỉ cần một trong hai điều kiện là cứu con thoát chết và trị khỏi Tam Âm Tuyệt Mạch cũng đủ cho gia gia chấp nhận rồi, huống hồ Long nhi là vị trẻ tuổi tài hoa, võ công kiệt xuất và có nhân phẩm đủ cho con xiêu lòng? Gia gia chỉ băn khoăn một chút là hai nha đầu kia...
Gia Cát Minh Châu ngắt lời :
- Lão nhân gia cứ yên tâm, hai vị thư thư đối với hài nhi rất tốt. Thiên Long quyết không chịu nhận hài nhi đem cả đời mình để báo đáp ân đức, chính hai vị thư thư đó ra sức thuyết phục, chàng mới chịu nghe theo...
Lão Long Thần gật đầu nói :
- Vậy thì tốt! Gia gia rất mừng. Nhân dịp này chúng ta tổ chức hôn lễ luôn, con không phản đối chứ?
Gia Cát Minh Châu đỏ mặt đáp :
- Việc đó thì hài nhi xin nghe theo sự sắp xếp của gia gia.
Lão Long Thần biết rằng tôn nữ đã đồng ý, cười kha kha nói :
- Ðược rồi! Việc đó để gia gia sắp xếp. Chúng ta đi thôi, kẻo để Long nhi và hai vị thư thư của con chờ lâu.
Thiên Long và hai vị phu nhân cùng Kim Cương Thần đang ngồi nói chuyện thì chợt thấy Lão Long Thần sải bước đi vào, dáng vô cùng sảng khoái.
Gia Cát Minh Châu rụt rè bước theo, mặt đỏ ửng, trông khác hẳn với vẻ ung dung tự tại khi nói chuyện với gia gia.
Lão Long Thần mới vào đã cất giọng oang oang nói :
- Long nhi! Hai vị tiểu phu nhân! Vừa rồi Châu nhi đã nói rõ mọi việc với gia gia rồi. Như vậy chúng ta đã thành người một nhà, gia gia không cần khách sáo nữa. Bây giờ việc liên quan đến ngươi và Châu nhi, hãy giao quyền cho gia gia làm chủ được không?
Thiên Long còn chưa hiểu ngay lão Tổng trại chủ nói gì nhưng Thiên Sơn Tử Phụng lại hiểu rất nhanh, nhìn chàng khẽ nói :
- Chàng hãy đồng ý nhanh lên, còn chờ gì nữa?
Lúc đó thì Thiên Long cũng đoán ra được một phần, nhìn Thiên Sơn Tử Phụng và Hắc Yến Tử thấy cả hai cùng gật đầu, đành chắp tay nói :
- Xin gia gia làm chủ cho!
- Hô hô hô...
Lão Long Thần phá lên cười to một tràng rồi nói :
- Tốt tốt lắm! Không những từ nay tính mạng của Châu nhi được bảo toàn mà lão phu còn có thêm ba tôn nhi rất đáng yêu nữa! Ai ngờ Châu nhi từ nhỏ lận đận đáng thương như vậy mà có phúc khí lớn như thế? Phụ mẫu nó quả là khôn thiêng...
Lão cười to một tràng nữa rồi quay ra cửa quát :
- Náo Thủy Giao!
Ngoài cửa có tiếng đáp :
- Có thuộc hạ!
Tiếp đó một trong hai vị trung niên hán tử lúc trước đứng sau lưng Lão Long Thần xuất hiện trước cửa phòng hỏi :
- Tổng trại chủ sai bảo điều gì?
Lão Long Thần dõng dạc nói :
- Ngươi cùng Náo Ba Giao cử người đến các trại thông báo rằng mười ngày sau, đúng mười lăm tháng sáu bổn tọa sẽ cử hành hôn lễ cho Gia Cát Minh Châu với Âu Dương Thiên Long. Trong thời gian đó, gởi thiệp mời đến tất cả các môn phái, bang hội trong khắp giang hồ hắc bạch lưỡng đạo, lục lâm hào khách, các danh nhân ẩn sĩ. Bổn tọa cũng giao toàn quyền cho hai người cắt đặt mọi việc để tổ chức hôn lễ cho thật long trọng!
Náo Thủy Giao ngơ ngác hết nhìn Gia Cát Minh Châu lại nhìn sang Lão Long Thần hỏi :
- Tổng trại chủ nói gì? Tổ chức hôn lễ cho tiểu thư?
Mãi tới lúc đó y mới hiểu ra, chợt cười lên ha hả rồi hoa chân múa tay nói :
- À phải! Thuộc hạ hiểu rồi! Tổng trại chủ sắp có cháu rể! Hô hô!
Tới đó, y chợt quay đầu vừa chạy vừa gọi toáng lên :
- Lão Giang! Lão Giang! Ngươi mau tới đây!
Từ miệng Náo Thủy Giao, chỉ lát sau toàn trại đã biết tin đại hỉ của tiểu thư, lập tức sôi động hẳn lên.
Mọi người từ Trại chủ cho đến bọn thủy thủ đều hoa chân múa tay, cao hứng chẳng kém gì Náo Thủy Giao, vừa cười đùa vừa la hét làm náo động cả mặt hồ.
Từ thuyền rồng của Tổng trại chủ người thay nhau ra vào như con thoi, tiếng truyền lệnh vang inh ỏi. Toàn trại với hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ cắm tinh kỳ phất phới, nối đuôi nhau rời bến Quân Sơn tản đi các hướng, tới bảy mươi hai trại trên khắp Trường Giang.
Cũng ngay hôm đó, từ lưỡng ngạn Trường Giang có hàng trăm kỵ sĩ đưa thiệp hồng phóng đi các ngã.
Chỉ trong vòng năm ngày, hầu khắp các môn phái, bang hội, trang bảo toàn võ lâm đã nhận được thiệp.
Ðại Hồ thất thập nhị trại có hàng trăm Phân đà, Lão Long Thần Gia Cát Báo là người hào sảng nên giao du rất rộng, lão chỉ có một tôn nữ độc nhất, đương nhiên người của các môn phái nhận được tin đều đến dự.
Trong võ lâm có được mấy người quyền uy như Tổng trại chủ Ðại Hồ thất thập nhị trại?
Vì thế đến dự hầu hết là Chưởng môn nhân, chủ các trang bảo, giáo phái, bang hội.
Ngay cả quan phủ ở các trấn thành ven Trường Giang vì không dám đắc tội với Tổng trại chủ Lão Long Thần Gia Cát Báo nên đều tới chúc mừng, ngoài ra các loại chức sắc nhỏ hơn thì khỏi nói.
Ðã nhiều năm không tổ chức đại hội võ lâm, có lẽ đây là một sự kiện trọng đại bậc nhất trong giang hồ trong vòng mấy chục năm qua.
Cũng là một đại sự của các thường dân khắp vùng Ðại Giang nam bắc.
Ðại Hồ thất thập nhị trại kiểm soát cả vùng Nam Bắc đại giang, vì thế trong mấy ngày diễn ra hôn sự, hầu hết các khách điếm, tửu lâu lớn hai bên bờ Trường Giang đều được bao để đón khách.
Nhạc Dương là địa điểm chính, khắp thành đèn kết hoa giăng, khách thương nhộn nhịp, không khí náo nức như tết.
Mấy ngàn khách quý từ khắp giang hồ tới đây, lại có mấy nghìn người trong Ðại Hồ thất thập nhị trại đổ về, sẵn sàng tiêu tiền như nước thết đãi bằng hữu, đương nhiên là một dịp tốt cho những người làm ăn, càng là cơ hội hiếm có cho hành khất và giới bần cùng.
Trước khi hôn lễ diễn ra mấy ngày, dân số ở đây tăng gấp đôi gấp ba so với ngày thường, các khách điếm, tửu lâu, kỹ viện, quán sá đầy chật khách nhân.
Nhạc Dương lâu là nơi được chọn để tổ chức hôn trường, cả hai tầng lầu và tiền viện không đủ chỗ cho hơn hai nghìn bàn bàn tiệc nên phải dựng lều ra tận bờ hồ.
Ngày rằm tháng sáu, mới qua giờ thìn, khách nhân đã đến ngồi chật các bàn tiệc.
Thấy khách nhân đông quá dự kiến, hai vị quản giáo Náo Thủy Giao và Náo Ba Giao phải cho người sửa soạn sắp đặt thêm cho mấy trăm bàn tiệc dưới hàng liễu dọc theo bờ hồ cho khách nhân đến sau.
Chỉ căn cứ vào số bàn đã dọn cũng biết đã có trên một vạn khách nhân, thế mà trên phố xá Nhạc Dương, người vẫn ùn ùn kéo tới, cao thủ trong hắc bạch lưỡng đạo đều có.
Trong bàn tiệc, có người là bằng hữu lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng, có kẻ là cừu nhân kiến diện thấy đối phương mặt mũi sa sầm. Nhưng vì sợ uy chủ nhân nên đành cắn răng nuốt cừu hận lại.
Tiệc yến kéo dài suốt ba ngày.
Trong ba ngày đó tiền bạc đổ ra vô số, chảy vào túi thương khách điếm gia ở Nhạc Dương, quả ba ngày bằng cả năm làm ăn.
Ðối với những người cùng đinh, khất cái thì đó là một lễ hội lớn, mặc sức no say, còn hơn cả ngày tết!
Hoàng Hạc lâu tọa lạc trên đỉnh Hoàng Hạc sơn, lầu cao ba tầng, phi điềm cung ngõa, đường nét uốn lượn với những hình chạm khắc hết sức tinh tế trên những rường cột trên lầu, khiến cho tòa lầu nguy nga nổi tiếng này mãi mãi là chốn nên thơ của tao nhân mặc khách.
Ðược một lần đăng lâu thưởng cảnh nhìn mây khói quần tụ trên những rặng tùng, xa xa bên kia là bãi Oanh Vũ xanh ngắt nối tận chân trời, thực khiến cho người ta không khỏi ngây ngất quên cả lối về. Chính vì thế mà thi gia Thôi Hiệu đã sáng tác nên một tuyệt tác bất hủ Ðề Hoàng Hạc Lâu còn truyền mãi đến nay.
Xa xa bên kia bờ là ngọn Quy Sơn cũng tọa lạc một tòa lầu có tên là Tình Xuyên các, tuy không bề thế bằng Hoàng Hạc lâu nhưng cũng là một thắng cảnh nổi tiếng song song với Hoàng Hạc lâu.
Lúc này trời vừa tối, trên sông thấp thoáng ánh đèn chài mông lung huyền ảo tạo thành một cảnh sắc khác với ban ngày, cũng thu hút lòng người không kém một phân. Thiên Long dẫn ba vị thê tử đi ngao du sơn thủy suốt một ngày, đến đầu canh mới tận hứng quay trở về, bốn người cùng nhau vào trong thành bấy giờ đã sáng rực ánh đèn.
Vừa đến trước cửa Cao Tân khách điếm, Thiên Long đột nhiên dừng chân đứng lại, đồng thời giơ tay ngăn cản ba vị thê tử không cho vào.
Bọn Thanh Thanh ba người ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì lập tức nhìn thấy từ trong khách điếm bốn bóng đen vọt ra như chớp rồi biến mất trong bóng đêm, chỉ kịp nhận ra đây là bốn tên hán tử thân đều vận hắc y kiểu dạ hành.
Liền nghe từ trong nội điếm vọng ra tiếng quát tháo của Tiền Nhị :
- Lũ sâu bọ các ngươi mà dám đến đây kiếm chuyện hừ? Hạng lâu la tép riu các ngươi thì có thể bỏ qua, nhưng kẻ chủ mưu thì ta nhất định không tha, lần sau nếu các ngươi còn dám tới đây quấy rầy với công tử, phu nhân nhà ta thì chớ trách ta hạ thủ vô tình. Còn không nhanh cút đi?
Bấy giờ lại thấy từ trong hành lang khách điếm và từ đầu các bờ tường thành vọt ra thêm mười mấy tên hắc y hán tử thần thái hoảng hốt dìu dắt bốn tên khác vẻ như trúng thương kéo nhau cắm đầu bỏ chạy.
Trên đường trong trấn thành này về đêm khách nhân bộ hành không ít, bọn người kia cứ rẽ đám đông chạy như ma đuổi, nháy mắt cả bọn đã lẩn khuất trong đám khách bộ hành.
Nhìn Tiền Nhị xuất hiện ngay cửa điếm, Thiên Long vượt nhanh lên trước cất tiếng hỏi :
- Tiền Nhị, có chuyện gì thế? Trong thành mà gây náo thì khéo phiền đến quan đấy!
Tiền Nhị thoáng thấy công tử và ba vị phu nhân trở về thì vội chạy ra đón :
- Công tử! Tam vị phu nhân! Các vị dùng cơm rồi chứ? Ðể tiểu nhân sai người mang nước rửa mặt rồi dọn cơm tối...
Nhưng nhìn thấy công tử đầu mày chau lại, ánh mắt ngưng nhìn đau đáu vào mình thì Tiền Nhị chột dạ, vội cúi thấp người hạ giọng nói tiếp :
- Xin công tử và tam vị phu nhân vào trong ngồi nghỉ, để tiểu nhân tường tận thưa chuyện.
Không nói nửa câu, Thiên Long sải chân bước đi, ba vị phu nhân cũng theo chân ngay.
Tiền Nhị đưa chủ nhân vào trong độc viện sâu trong khách điếm, chờ an tọa xong mới tường tận nói :
- Công tử! Tam vị phu nhân! Thực ra cũng không có chuyện gì lớn, chỉ là bọn Thiên Ma giáo có một Phân đàn trong thành này, từ hôm qua khi chúng ta vào trọ trong khách điếm này thì chúng để tâm dòm ngó. Trưa nay chừng vào giờ Ngọ, chúng to gan lớn mật dám công nhiên vào hạch hỏi chưởng quầy và đám tiểu nhị, nộ nạt chúng vì sao chúng ta vào nghỉ trọ trong khách điếm mà không báo cho chúng biết? Tiểu bộc vốn nghĩ đó là chuyện giữa điếm gia và bọn đầu gấu ở đây nên cũng không để tâm đến chúng. Không ngờ bọn lâu la tà ác này ép buộc điếm gia phải đuổi chúng ta ra khỏi điếm. Ðiếm gia rơi vào tình thế quá bức bách không biết làm gì hơn đành vào gặp tiểu bộc nói tình thiệt cơ sự, tiểu bộc đương nhiên không đồng ý. Bảo chưởng quầy nói lại với chúng có bản lĩnh thì cứ đến đây mà đuổi khách, không nên ức hiếp làm khó cho người làm ăn lương thiện.
Ðến sau giờ Dậu, khi khách đã vãn thì chúng có đến mười mấy tên ngang nhiên xông vào khách điếm đòi đuổi khách. Tiểu bộc sợ bọn khỉ không biết khinh trọng đả thương nhân mạng thì lớn chuyện, mới tự ra dạy cho chúng một bài học. Tiểu bộc chỉ đánh vào tên cầm đầu là một tên Hương chủ và ba tên Hộ pháp, chấn thương vào Bách Hội huyệt và điểm trúng vào Khí Hải huyệt của chúng, nhưng không nguy hại đến tính mạng. Ðám còn lại thì tha cho chúng mang người về!
Hai con khỉ vốn trông coi hành lý ở trong phòng, khi thoáng nghe tiếng Thiên Long, chúng đã nhanh nhẹn chạy ra chào đón rất thân thiết, giờ nghe Tiền Nhị kể lại thì chúng cũng tranh nhau múa tay múa chân, nhe răng tru tréo tỏ ra rất phẫn nộ.
Thiên Long nghe xong, nét mặt tỏ ra không vui nói :
- Nói vậy là người của Thiên Ma giáo đã sớm theo dõi hành tung của ta, nhưng cần nhớ rõ một điều, tất cả mọi chuyện phải dùng lý trước tiên, thế mới tránh được miệng tiếng thiên hạ.
Tiền Nhị nghe thế mới yên tâm, cúi đầu đáp :
- Dạ! Công tử! Tiểu bộc xin ghi nhớ!
Thanh Thanh ở bên cạnh mặt hoa hiện nét giận nói :
- Sợ chúng làm gì? Võ lâm tà giáo có ai tin theo lời bọn chúng? Tiền Nhị! Lần sau nếu gặp chúng đến kiếm chuyện thì cứ nghiêm trị không tha, giết một tên cảnh cáo trăm tên, xem bọn chúng có còn dám ngông nghênh nữa không?
Rồi quay lại nhìn Thiên Long, Vân Phụng, Minh Châu ba người nói tiếp :
- Thiên Ma giáo bọn chúng vốn thuộc giáo phái tụ tập bọn hắc đạo, tà ma, thường ngày đi khi hiếp các bang phái nhỏ yếu Ðương sơ Hoa Hồ Ðiệp kéo một bọn đến xâm phạm nhà ta, sau đó vây bắt Châu muội, lại thêm tên phóng độc tiêu đại tỷ chính là Ðộc Thủ Thiên Tôn, Đường chủ Ðịa Sát đường của chúng, còn nữa... chẳng phải chúng ta cứu Tiền Nhị ra khỏi tay Càn Khôn Nhất Quái Tàn Tâm Nhân Ma hay sao? Ngoài ra Tiền Nhị đã ra tay giết nhiều giáo đồ của chúng, điều này khiến chúng căm hận chúng ta đến tận xương tủy làm sao lại để yên cho chúng ta được? Theo như muội thấy thì chuyện hôm nay chỉ là một phần nhỏ, sau này không chừng sẽ còn không ngừng kiếm chuyện, nếu như không nhân cơ hội cho chúng nếm mùi lợi hại thì chúng khi nào chịu thôi?
Vân Phụng và Minh Châu nghe Thanh Thanh nhắc lại chuyện này thì cơn hận trong lòng trồi lên, không ai bảo ai đều lên tiếng tán đồng, đồng thời còn trách móc Thiên Long không nên nhân từ với bọn ác đạo.
Thiên Long nghĩ lại thấy lời của Thanh Thanh nói có lý, thầm nghĩ trong lòng: Ba vị hiền thê của ta đều bị bọn Thiên Ma giáo bức hại, ta phận trượng phu lẽ nào lại không đòi lại công đạo cho kiều thê? Nếu như thế thì còn mặt mũi nào nữa chứ?
Trong lòng đã có quyết định, chàng nhìn ba vị kiều thê và Tiền Nhị nói :
- Thôi được! Sau này nếu như chúng còn đến gây hấn thì tên cầm đầu nhất định không tha, còn bọn lâu la giáp binh thì tùy theo hành vi của chúng mà trừng trị, nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì phế bỏ võ công.
Mấy câu này mới khiến cho ba vị phu nhân mãn ý, đương nhiên Tiền Nhị cũng hớn hở trong lòng vì thế nào cũng có ngày được ra tay báo thù rửa hận.
Tiền Nhị chợt nhớ ra điều gì “a” lên một tiếng, cúi người nói :
- Bẩm công tử, tam vị phu nhân, còn thêm một chuyện không biết có nên báo cho công tử và tam vị phu nhân?
Thiên Long nghe chỉ mỉm cười nói :
- Có chuyện gì thì cứ việc nói ra, hà tất phải ấp a ấp úng!
Tiền Nhị vội nói :
- Không, không phải là chuyện của tiểu nô! Mà là trưa nay tiểu nô phát hiện ra vị Phát Lạt Tĩnh Cô của Bách Phụng cung cũng vào thuê phòng trọ trong khách điếm này!
- Hừ! Bọn họ vì sao cũng đến Ngạc Châu? Nếu tính về thời gian thì lẽ ra bọn họ đã trở về Hoàng Sơn! Có lẽ bọn họ có chuyện gì khác nên mới ở lại?
Nói đến đó, chàng hạ giọng nói với Tiền Nhị :
- Tiền Nhị, nhịn họ một chút! Quan đạo khách điếm ai ai cũng có thể đi, chớ nhiều chuyện với họ, nhớ chứ?
Vân Phụng nghe thì không nghĩ như thế, nói :
- Tướng công, võ lâm chính đạo xưa nay thấy đồng đạo gặp khó khăn hoạn nạn đều tương trợ, cùng nhau bảo vệ công lý chính nghĩa, cũng không thể khoanh tay đứng nhìn trước khó khăn của người khác. Hơn nữa, Hoàng Sơn Tiên Ông có kết giao với tiền bối hai đời trước của các môn phái, giờ nếu chúng ta không ra tay tương trợ trước khó khăn của họ, chỉ e khó tránh khỏi lời trách móc của thiên hạ.
Thiên Long vội vàng giải thích :
- Phụng muội hiểu nhầm ý ta! Ðừng nói là chánh đạo hiệp nghĩa gặp khó khăn chúng ta phải trợ giúp, mà bất kỳ những chuyện hành ác tác ngược ức hiệp thiện lương hễ thấy thì không khi nào khoanh tay đứng nhìn. Ta chỉ khuyên Tiền Nhị không nên chọc đến bọn họ, nhịn họ một chút mà thôi!