Vạn Nhân đang suy nghĩ điều gì, Thuỷ Căn cũng lười chẳng buồn đoán, giờ phút này toàn bộ sự chú ý của cậu đều đặt cả trên mặt sông rồi.
Một đống xác chết nổi lên, nhưng không thấy bóng dáng Thiệu. Nước sông không ngừng dâng lên, càng lúc càng xiết, xuồng cao su lắc lư dữ dội trên mặt nước.
Quảng Thắng có nóng ruột nói: “Nhanh lên! Để quay lại tìm sau! Không thì lát nữa nước dâng lên, khéo nhấn chìm cả lũ bây giờ…”
Chưa nói dứt lời, xuồng cao su đã bắt đầu lao vùn vụt về phía trước, vách núi vĩ đại đã bị nước ngập đầy, mặt nước đổ về một hướng, nơi sâu nhất trong hang đá dường như có thứ gì đó đang hút nước sông về, người ngồi trên xuồng cao su tiến vào dòng nước xiết đáng sợ, lao xuống nơi sâu nhất trong hang đá cùng với những tiếng la hét kinh hoàng.
Khi tới nơi tận cùng hang đá, họ mới phát hiện ra phía dưới là vực sâu muôn trượng, còn trước mặt lại là một vách đá bị mài nhẵn. Chẳng biết dưới chân vách đá có khảm khoáng thạch gì, mà chiếu rọi một vầng sáng rực rỡ lóa mắt nổi bật giữa những gợn sóng nước, sáng bừng cả vách đá, và trên đó, dường như chạm trổ những hoa văn gì đó.
Ngay khi bọn họ lao xuống, Thuỷ Căn đang sợ hãi la hét thì tự dưng lại cảm thấy hoa văn trên vách đá chuyển động. Thật ra thì không phải những hoa văn chuyển động, mà là vì tốc độ rơi của họ quá nhanh, trong khi những hoa văn lại nối liền với nhau, nên nhìn chúng mới giống như đang chuyển động vậy.
Những hoa văn nọ dường như khắc họa hình ảnh một cộng đồng người nguyên thủy đang sản xuất sinh hoạt, có người đan lưới bắt cá, có người gieo mạ trồng lúa, còn có những người phụ nữ nuôi tằm dệt vải… Giữa những chuỗi hình ảnh, có một người luôn xuất hiện từ đầu đến cuối, người đó có thân hình cao lớn, sắc mặt như đất, dường như đang cai quản mọi người làm việc.
Ngay sau đó, hình cảnh bỗng chốc biến đổi, người đó cầm trường kiếm trong tay đánh nhau với một con quái vật tám chân, và làm nền cho họ là thiên quân vạn mã đang chém giết.
Sau đó là gì, Thuỷ Căn không thấy rõ được nữa.
“Ùm” một tiếng, xuồng cao su rơi xuống đáy vực.
Cũng may phía dưới tự dưng lại có một tấm lưới, nước lọt qua, mà người cũng không đến nỗi ngã dẹp lép thành cái bánh thịt, nhưng như vậy thôi cũng đủ sặc.
May mà Vạn Nhân vẫn luôn nắm tay Thuỷ Căn, nên cậu mới không bị văng ra quá xa.
“Ngươi có sao không?” Mũi tên vẫn cắm trên mông Thuỷ Căn chưa rút ra, cũng có tác dụng cầm máu. Có điều chấn động mạnh đến thế cơ mà, không có tí thuốc tê vào thì chịu không nổi.
Nhìn Thuỷ Căn đau đến không nói ra lời, Vạn Nhân ôm cậu vào lòng, rồi nhanh chóng quan sát tình hình xung quanh. Cái lưới lớn bên dưới bọn họ không biết được dệt bằng gì, vô cùng mềm mại mà vẫn mười phần dẻo dai.
Quảng Thắng lẩm bẩm: “Mịa nó không phải là tơ do băng tằm gì gì đó nhả ra đấy chứ?” Nghe gã nói thế, Thuỷ Căn cũng cảm thấy nó rất giống, nhưng hình như to hơn một chút.
Song những điều này đều không quan trọng, cậu vội vàng ngẩng đầu lên, trong lòng băn khoăn không biết liệu Thiệu có lao xuống đây luôn không. Nói cũng lạ, ngoại trừ ba người bọn họ ở đây ra, những cái xác đó cũng không thấy rớt xuống, chả biết có phải đã trở thành đồ ăn của oán chương cả rồi hay không… Thuỷ Căn không dám nghĩ tiếp nữa.
Quảng Thắng đến trước mặt Vạn Nhân và hỏi: “Chúng ta cứ rớt tùm tùm xuống thế này, tẹo nữa sẽ không xuyên thẳng qua tâm trái đất đến tận Mỹ luôn đấy chứ?”
Câu này thật hài hước, nhưng chẳng ai cười nổi, bởi vì nhờ loại khoáng thạch đặc biệt trên vách đã, nơi này được chiếu rọi sáng bừng.
Và vì vậy, mọi người có thể thấy rõ gần tấm lưới tơ này có rất nhiều những giàn giáo đổ nát.
Cẩn thận quan sát, họ phát hiện ra rằng nơi này giống như một toà kiến trúc đang được thi công dang dở. Những bức điêu khắc trên vách đá đến chỗ tấm lưới thì dừng lại, chỉ còn lại vài nét vẽ chưa thành hình.
Hình như khi ấy, một tai họa nào đó đã bất ngờ xảy ra. Công cụ đục đẽo tán loạn khắp nơi, những người thợ thủ công thậm chí còn chưa kịp thu dọn công cụ đã hoảng loạn chạy trốn.
Tô Bất Đạt ngẩng đầu nhìn nam tử hiên ngang được chạm trên vách đá kia hồi lâu, rồi thình lình quỳ xuống, thành kính lẩm bẩm: “”Ân Cổ Bao… Ân Cổ Bao…”
Khi Quảng Thắng đi theo người anh em dân tộc thiểu số này đến hầm băng, dọc đường Tô Bất Đạt cũng đã bái lạy không biết bao nhiêu lần. Với việc người anh em cứ gặp thần là lạy này, đại ca đã quen lắm rồi, đứng bên cạnh buồn chán hỏi: “Cái ông Ân Cổ Bao này lại là vị thần tiên nào nữa hả?”
Hơi bực mình trước giọng điệu đầy khinh thường của Quảng Thắng, Tô Bất Đạt dữ dằn trừng gã một cái: “Ân Cổ Bao là vị thần vạn năng của dân tộc Ngạc Luân Xuân chúng ta, ngài điều khiển sấm sét, gió mưa, thần thông quảng đại!”
Vạn Nhân thích thú hỏi tiếp: “Sao ngươi biết người trên tường đá này là vị thần Ân Cổ Bao của các ngươi?” Vốn rất tôn kính tiến sĩ Vạn, Tô Bất Đạt đáp ngay: “Trên quyển sách da dê gia truyền của chúng ta, có bức vẽ vị thần này mà.”
Tiến sĩ Vạn nhìn những hàng chữ thỉnh thoảng xuất hiện trên vách đá, và quay đầu cười với Thuỷ Căn: “Tự nhi, ngươi có biết người trên vách đá kia là ai không?”
Thuỷ Căn vừa mới bớt đau thương, cụp mắt nói: “Ai mà biết chứ! Mẹ nó, đừng hỏi ta!”
Tiến sĩ Vạn nhoẻn miệng cười, nhìn hình vẽ trên vách tường kia và nói: “Nếu ta không nhìn lầm, thì ông ta hẳn là thủ lĩnh của các tộc người Trung Hoa cổ đại, người đứng đầu Ngũ đế – Hiên Viên Hoàng đế.”
Tô Bất Đạt lập tức cãi lại, bất chấp tiếng Hán bập bẹ của mình: “Không phải đâu, ngài chắc chắn là Ân Cổ Bao của chúng ta mà!”
Tiến sĩ Vạn khoan thai nói: “Thật ra thì có rất nhiều con người, sự việc trong truyền thuyết của các bộ lạc khác nhau thì có cách gọi tên khác nhau, mặc dù vậy, cũng không thể nói họ không phải là cùng một người.”
Vốn thích nghe bình thư, nên Thủy Căn thật ra khá quen thuộc với câu chuyện Hoàng đế chiến đấu với Xi Vưu, đoạn đại chiến với quái vật tám chân cậu vẫn còn nhớ rất rõ.
Nhưng cậu vẫn nghi ngờ hỏi lại: “Sao hình vẽ của Hoàng đế lại ở trên vách tường này chứ?”
Vạn Nhân cũng chìm vào suy tư: “Thật ra thì cái họ ‘Thác Bạt’ có một ý nghĩa rất sâu xa. Trong ngôn ngữ Tiên Ti, ‘thổ’ phát âm là ‘thác’, mà ‘bạt’ có nghĩa là hậu duệ. Xưa kia người cháu trai tên Khổn của Hoàng đế được phong ở đất bắc, cũng chính là núi Đại Hưng An ngày nay. Và con cháu của hắn tự coi mình là hậu duệ của ‘thổ’. Lấy ‘Thác Bạt’ làm họ, đời đời thống trị Tiên Ti…”
Giờ thì Thuỷ Căn đã hiểu: “Ý ngươi là, tộc Tiên Ti thật ra là hậu duệ của Hoàng đế?”
Vạn Nhân gật đầu: “Lúc đầu, ta chỉ biết rằng nơi đây giam cầm Dát Tiên, kẻ đã nguyền rủa dòng máu Tiên Ti… Nhưng giờ đây cuối cùng ta cũng đã biết Dát Tiên là ai rồi… Tự nhi, hoá ra ngươi gọi họ tới là vì nguyên nhân này…”
Nếu cái mông Thuỷ Căn không làm sao, thì cậu đã nhảy dựng lên banh mồm Vạn Nhân ra rồi, nói năng kiểu gì mà cứ như táo bón thế hử, làm người ta sốt hết cả ruột!
Không phải Vạn Nhân cố ý thừa nước đục thả câu, dường như y đang sắp xếp lại mạch suy nghĩa của mình: “Hoàng đế lấy Luy Tổ, con gái Tây Lăng thị, làm vợ; bà là Chính phi Luy Tổ, người đã phát minh ra nghề nuôi tằm, có thể nói là có vai trò không thể thiếu trong sự nghiệp mở rộng bộ tộc của Hoàng đế. Bà có hai người con trai. Trong đó người con út Xương Ý lấy Xương Phó, con gái Thục Sơn thị, làm vợ, sinh một người con là Chuyên Húc.”
“Chuyên Húc? Ta biết đó cũng là một trong Ngũ đế, sau này kế thừa ngôi vị của Hoàng đế…” Thuỷ Căn nói tiếp.
Vạn Nhân gật đầu: “Thật ra, nói đến con trai của Xương Ý, người đời chỉ biết tới Chuyên Húc, mà lại quên mất một người con khác của ông – Khổn! Người này được phong vương ở đất bắc, nhưng thật ra là đi đày, rất có thể cũng chính là người đã hợp thể với oán chương mà chúng ta thấy lúc nãy – Dát Tiên.”
Thuỷ Căn nghe mà ngơ ngác, cậu khó hiểu nói: “Cho dù có bị đi đày, oán khí cũng không lớn đến thế chứ? Làm người không làm, vì sao lại muốn làm bạch tuộc khổng lồ kia?”
“Lúc đầu, Khổn cũng chẳng phải oán khí ngút trời gì cả, thoạt nhìn, hắn dường như rất vui vẻ tiếp nhận, nếu không hắn đã chẳng hăng hái xây dựng, ca tụng công đức của tổ phụ Hoàng đế, người đã cho lưu đày hắn như thế rồi. Nhưng sau đó không biết đã xảy ra biến cố gì…”
Đang nói dở, ánh mắt y bị một hàng chữ cổ ở một góc tường hấp dẫn, sau khi nhìn kỹ, vẻ mặt y liền trở nên vô cùng quái dị.
“Khổn và huynh trưởng hắn, Chuyên Húc, hình như… đã từng rất thân thiết…”