Ngục Thánh

quyển 5 chương 21: yêu

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Phương đông luôn khó hiểu.

Sách vở mô tả phương đông chẳng thiếu, Liệt Giả đọc nhiều, thậm chí nhẵn mặt vài quyển. Anh có thể gọi tên những vị tà thần từng ngự trị xứ sở này, những vương quốc cổ không còn chút bụi di sản, những vị anh hùng vốn xa lạ với người phương tây, những cuộc chiến đẫm máu ngang Trận Sông Đỏ ở Hoa Thổ. Chúng làm anh tự hào, thậm chí có quyền lên mặt trước bọn thánh sứ thực tập ngày ngày đau khổ vì bài tập luận văn, mà đại thánh sứ Tây Minh luôn giao cho chúng nhiều bài tập. Dù rằng anh mới đặt chân tới Đông Thổ dăm ba lần.

Mèo Hen thì khác. Gã không đánh giá cao mấy loại kiến thức đó.

Ba tháng trước, Mèo Hen tới mặt trận phương đông. Trước giờ lên phi thuyền, gã gặp Liệt Giả, cười nói huyên thuyên đủ thứ chuyện. Liệt Giả nghe hay không, gã vẫn nói. Mèo Hen coi anh như vật cầu may.

“Cậu biết quy trình làm giấy chứ?” – Mèo Hen nháy mắt – “Xẻ gỗ, lột vỏ, nghiền nhỏ, ngâm với nước rồi quậy lên thành hỗn hợp nhão nhoét. Rồi từ thứ nhão nhoét bốc mùi thối hơn phân đó, chúng ta có giấy trắng sạch sẽ, đẹp đẽ, thơm phức. Vậy cậu biết sách được viết thế nào không?”

“Tập hợp tư liệu, nghiên cứu, lựa chọn ngôn từ, sắp xếp đoạn văn, rồi viết.” – Liệt Giả trả lời.

“Vậy đấy!” – Mèo Hen nhún vai – “Trước khi viết, những ngôn từ được lựa chọn cẩn thận, bỏ vào cái nồi chứa đầy sự thật rồi quậy lên, thối um! Từ cái nồi thối hết phần phân này, ta có những văn bản ngọt ngào say đắm. Hà!”

Liệt Giả cười:

“Ít ra sách vở cũng giúp chúng ta hiểu biết phần nào đó.”

“Phần nào đó chứ không phải tất cả, mà cái “tất cả” lại là phương đông.” – Mèo Hen tiếp lời – “Tôi đã tới Đông Thổ mười lần. Mỗi lần ra về, tôi cảm giác mình thật thông thái, thật hiểu biết. Nhưng mỗi lần trở lại, tôi nhận ra mình chỉ là thằng ngu bước vào nhà người khác. Người phương đông khác chúng ta, bạn tôi. Họ thân thiện nhưng không hợp tác, dễ mến nhưng khó gần, thông thái nhưng trẻ con, cởi mở những thứ chẳng đáng và giấu rịt những thứ cần nói. Họ yêu con trai và điên cuồng vì con trai, trong lĩnh vực này, một vị vua phương tây phải xách giày chạy theo một gia đình nông dân phương đông. Họ thích an phận, bình lặng nhưng khát máu; tựa con quái vật say giấc dưới tán rừng xinh đẹp đầy nắng. Lòng báo thù của họ không tính từ đầu xuống đất, mà tính từ đầu lên trời. Sách vở ư? Thơm tho đấy, nhưng thử nhúng tất cả vào nước xem, chúng sẽ…”

“Nhão nhoét và mềm oặt như phân vậy!” – Liệt Giả nói tiếp – “Nhưng ít nhất là không thối.”

Mèo Hen cười phì phì:

“Dù sao thì sách vở rất tốt ở chiến trường phương đông. Hãy mang theo vài quyển. Rồi cậu sẽ biết ơn chúng khi hết giấy vệ sinh. Hà!”

Gã lính cười nham nhở. Đôi lúc, Liệt Giả tin rằng cây mẹ đã trao nhầm linh hồn của một tên láu cá chớt nhả vào thân xác Mèo Hen có vẻ ngoài thư sinh dễ mến.

Nhưng Liệt Giả không để tâm lời cảnh báo từ người bạn. Chiến trường ở đâu cũng giống nhau, từ Thượng Cổ thơ mộng đến Băng Hóa khắc nghiệt. Trong guồng quay chiến tranh, máu thịt loài người đều chung một dạng. Giống như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, thịt cừu, thịt cá… chúng khác nhau, nhưng đều xuất ra một loại thành phẩm sau khi bỏ vào máy xay. Liệt Giả không tin máu thịt của người phương đông khác biệt. Anh nghĩ Mèo Hen nói quá. Từ ngày làm đội trưởng Thổ Hành, gã thư sinh dễ mến đó thích bi hài hóa mọi vấn đề. Hoặc nếu là cố tình dọa dẫm Liệt Giả thì Mèo Hen chỉ phí công.

Năm năm đi chiến trường, Liệt Giả không chắc còn điều gì có thể làm anh sợ hãi. Anh vô cảm. Sự vô cảm bất đồng điệu với chức nghiệp thánh sứ – một sứ giả mang niềm an ủi cho loài người. Nhưng quả thực anh vô cảm. Những lời cầu nguyện trở thành bài học thuộc lòng, lễ ban phước trở thành thủ tục và giáo điều được nhắc đi nhắc lại như một đoạn quảng cáo sản phẩm tiêu dùng. Liệt Giả dợm nghĩ Thánh Vực là một công ty, bản thân anh là nhân viên lao ra ngoài chiến trường, chào bán các mặt hàng “hy vọng” và “an ủi”. Sự thật là sau mỗi cuộc chiến tranh, người ta lại đến giáo đường nhiều hơn, tham gia thi tuyển thánh sứ nhiều hơn, tất cả đều nhờ những nhân viên tài năng như Liệt Giả.

Ở thời đại này, chiến trường là thị trường.

Ba tháng sau, Liệt Giả đến phương đông, đặt chân lên Xích Quỷ quốc. Chiến Tranh Tài Nguyên chưa kết thúc. Anh cũng không biết bao giờ chiến tranh kết thúc. Người ta đồn đại về một hiệp ước chừng như sẽ được ký kết ở đâu đó tại lục địa Thượng Cổ. Một bản hiệp ước đầy những thỏa thuận, không có bên chiến thắng đích thực cũng chẳng có phe chiến bại rõ ràng. Vài người thông thái tin rằng Phi Thiên quốc đã thắng.

Liệt Giả chẳng tin lời đồn. Chiến thắng có thể đã xuất hiện ở đâu đấy nhưng không phải ở nơi anh đang đóng quân. Nơi này từng có nhiều ngôi nhà gỗ trên từng bậc đồi, chiều chiều ngả bóng bên đường mòn. Những cái bóng xiêu xiêu, cà rỡn với bóng tán rừng trong niềm hạnh phúc nhỏ nhắn của khói củi, mùi thức ăn đun nấu lẫn tiếng trẻ con cười đùa. Liệt Giả từng tới đây, rảo chân trên đường mòn bao quanh quả đồi, bước vào từng ngôi nhà và thậm chí nếm thử đồ ăn. Thức ăn xứ bản địa vừa mặn vừa cay lại nặng mùi, Liệt Giả phải ăn với một bộ mặt gượng cười như bị táo bón. Và lần đó anh bị táo bón thật. Nhưng sự bất tiện khôi hài ấy chân thật. Người bản địa đối tốt với Liệt Giả bằng chính con người họ, không ngại phô bày những điều có thể khiến anh khó chịu. Người phương đông là vậy.

Nhưng đấy là vài năm trước. Quả đồi bây giờ trọc thốc lốc, không cỏ cây, không chim chóc. Mọi thứ bị thổi bay sau vô số trận oanh tạc. Những đường mòn vụn vỡ vì bom đạn. Hàng ngàn hàng vạn đá sỏi lổn nhổn, mềm oặt, cháy sém như món thịt băm quá lửa cháy khét dưới đáy nồi. Khi mưa xuống, nồi thịt băm khổng lồ đó chảy nhão và bốc mùi như một bãi phân khổng lồ. Liệt Giả đang ở đó, ngay trên bãi phân của phương đông. Đơn vị của anh được lệnh giữ chặt cứ điểm này bằng mọi giá. “Có huân chương không? Khi trở về Phi Thiên, chính phủ có trao huân chương cho chúng ta vì kiên trì ôm đống cứt này không?” – Vài gã lính tếu táo với Liệt Giả. Anh không đáp, chỉ cười.

Hai tháng kế tiếp như màn tra tấn. Từ quả đồi thịt băm hoặc “quả đồi cứt” mà đám lính hay gọi, giàn pháo điện từ được triển khai và ngày đêm nã xuống khu rừng phía đông. Rừng cháy xơ xác ngùn ngụt khói đen che mặt trời. Kẻ thù không phản ứng; Xích Quỷ là một nước nghèo, thiếu thốn đủ thứ song chưa tới mức bị đồng minh bỏ rơi. Có điều động thái của họ khiến người Phi Thiên khó hiểu. Đôi lúc Liệt Giả nghĩ khu rừng chẳng hề có người, hoặc nếu có thì đã nằm sâu dưới ba tấc đất.

Hai tháng ấy, trời mưa tầm tã. Những cơn mưa xứ nhiệt đới mang theo cả tá ruồi muỗi lẫn bệnh tật. Mưa một tí lại nắng. Cả ngày nắng chang chang, tối mưa gió đùng đùng. Hơi đất hơi bùn bốc lên làm thể xác ngứa ngáy khó chịu khôn tả, da dẻ sưng rộp lên vì dị ứng. Rồi những cái chết xuất hiện dù thuốc men thừa mứa. Tất cả chỉ vì thiếu giấy vệ sinh; chúng hết nhanh hơn cả đạn dược hay thực phẩm. Hết giấy vệ sinh, mọi quyển sách bị lôi ra. Giáo điều Vạn Thế, tài liệu chiến tranh, lịch sử phương đông… từng trang sách bị xé dần để nhét dưới mông. Họa may giấy tờ công văn sống sót trong cuộc thảm sát giấy vệ sinh đó. Liệt Giả nhận ra Mèo Hen đùa cợt một cách chân thật, thật từng chút một. May thay, anh mang theo khá nhiều sách.

Hai tháng đó, mọi thứ diễn ra một cách tẻ nhạt trong tiếng ồn ào của đạn pháo. Trời quang đãng hơn vì khu rừng phía đông chẳng còn gì để bốc cháy. Mỗi tối, Liệt Giả lại ngồi bên máy chiếu cá nhân đợi thư. Vì đợi thư, anh mới bám trụ mặt trận và tiếp tục dấn thân vào cuộc chiến. Sự kiên nhẫn của Liệt Giả đến giới hạn và anh bắt đầu chán ngấy chiến trường.

Hai tháng ấy không có thư.

Tháng thứ ba trên quả đồi thịt băm, người Phi Thiên mệt mỏi. Trong khi đó, người Xích Quỷ bắt đầu phản công. Chẳng dùng pháo kích hay không lực, họ đánh bằng người. Biển người.

Tháng thứ ba, các đại đội Xích Quỷ tiến đánh quả đồi. Không xe thiết giáp, không pháo yểm trợ, không phi thuyền cường kích, người Xích Quỷ chỉ có kiếm, súng, lựu đạn, bất cứ vũ khí tự chế nào và chính họ. Chính bản thân họ. Máu thịt của họ. Người Phi Thiên ban đầu cười nhạo vì họ có pháo điện từ. Và quả thực kẻ thù không chịu nổi. Bốn đại đội, hơn ba trăm người Xích Quỷ nằm lại ở bìa rừng vốn đã tan xác. Xác người chồng xác rừng.

Nhưng rồi người Xích Quỷ vẫn đánh, các đại đội vẫn tụ tập về đây, hôm sau đông hơn hôm trước. Và dường như họ biết cách tránh đạn, ít thương vong hơn, tiếp cận quân doanh Phi Thiên quốc gần hơn. Mỗi ngày một gần. Họ không nghỉ, đánh từ sáng sớm đến đêm khuya, hết lớp này tới lớp khác. Dù vậy toàn đơn vị Phi Thiên chưa chết một ai, chỉ có xác chết chất đầy trước mắt họ. Liệt Giả không tham chiến. Anh chỉ xuất hiện khi trận pháo kích kết thúc, mang theo bộ áo trắng thánh sứ cầu nguyện cho những người lính Xích Quỷ. Rất khó để tìm ra người sống giữa biển xác chết. Nhưng người sống lại chẳng cần Liệt Giả dẫn đường tới cái chết. Họ trả lời anh bằng giọng trọ trẹ:

“Cút về phương tây đi, thằng mắt xanh mũi lõ! Tao không cần Tụ Hồn Hải, tao sẽ ở đây, trở thành oan hồn và bóp cổ mày! Đây là đất Xích Quỷ, không phải đất của chúng mày!”

Liệt Giả không thể thốt ra lời cầu siêu nào cho tới khi người lính đó chết hẳn. Người phương đông không cần cầu siêu. Họ sẵn sàng làm ma để báo thù.

Người Phi Thiên bắt đầu sợ. Pháo điện từ không chịu nổi, các thanh ray phát điện chập mạch, lõi nam châm nóng bỏng rát. Tử thi chồng chất và đầy mầm bệnh dịch nhưng không ai dám ra dọn dẹp, trong khi máy xúc không thể lên đỉnh đồi. Ngày đó chưa có những cỗ máy vượt địa hình như hai thập niên sau đó.

Một ngày nọ, người Xích Quỷ ngừng tấn công. Cứ như vậy khoảng một tuần. Nhiều ngày mất ngủ, toàn đơn vị Phi Thiên rã ra như cục đường ngâm nước. Họ không còn nhạy bén. Rồi một buổi sáng, người ta phát hiện lính gác bị giết, họ bị cắt cổ bởi một tên chơi dao có nghề. Đơn vị ra lệnh canh gác nhiều hơn, đi tuần dày đặc hơn. Nhưng kể từ hôm ấy, đêm nào cũng có người bị cắt cổ. Người Phi Thiên lại chẳng thể ngon giấc.

Tồi tệ hơn, cơn ác mộng biển người lại tiếp diễn. Lần này, những trận đấu kiếm đấu súng đã lan vào doanh trại, ngay cả Liệt Giả cũng phải chiến đấu. Ban ngày đánh nhau, ban đêm nơm nớp vì sợ bị giết, toàn đơn vị suy sụp. Nhiều cuộc truy lùng diễn ra nhưng chẳng ai tìm ra bóng ma cắt cổ đó. Bấy giờ, người Phi Thiên mới biết dân Xích Quỷ quốc vẫn thờ phụng những vị tà thần của họ, trong ấy có vị thần thích ăn thanh quản của người sống.

-Nếu là tà thuật thì các ông không thể làm gì, tôi sẽ xử lý vụ này. – Liệt Giả nói với vị thống lĩnh chỉ huy – Nhưng tôi nghĩ là con người chứ chẳng phải tà thuật. Có lẽ các vị thần từng tham gia chiến tranh, nhưng họ bị con người giết cả rồi.

Đêm hôm ấy, Liệt Giả không ngủ. Anh sắp xếp bùa chú khắp nơi và cả máy dò tầm nhiệt. Và như anh dự đoán, chẳng tà thuật hay vị thần nào tham gia chiến tranh, ở đây chỉ có con người. Nửa đêm, người Phi Thiên phát hiện gã sát thủ nhỏ thó lẻn vào doanh trại cùng lưỡi dao sắc nhọn. Nực cười thay, con dao đó chẳng to hơn dao gọt hoa quả là mấy. Chẳng ai biết gã mò vào doanh trại bằng cách nào.

Liệt Giả xuất hiện trước khi tên sát thủ kịp giết người. Binh lính cùng chó săn tràn tới, bủa vây như giăng lưới nhưng tên sát thủ vẫn lọt qua mắt lưới nhỏ nhất. Liệt Giả chạy bộ đuổi theo, từ đỉnh đồi qua biển xác chết ngập các đường mòn. Dù chưa được công nhận nhưng anh đã đẳng cấp đại thánh sứ và có thể bay, nhưng ở chiến trường, anh dễ trở thành mục tiêu của lũ bắn tỉa và pháo phòng không.

Liệt Giả truy đuổi theo kẻ thù đến tận khu rừng trọc lá. Vừa lúc ấy trời đổ mưa, khu rừng trở nên nhão nhoẹt, sùi bùn và sình trương xác chết. Mưa dữ dội nhưng không thể rửa trôi mùi hôi thối bốc lên. Xác chết quá nhiều, đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con, cứ như thể toàn bộ người Xích Quỷ đều ở đây. Họ nhìn Liệt Giả bằng đôi mắt người chết, trống rỗng nhưng đầy hận thù. Liệt Giả bất giác sợ hãi. Đã lâu lắm anh mới có cảm giác này.

Từ bóng đêm, một thứ mảnh dẻ vun vút lao đi. Nó xé gió, xé nước mưa, xé toác da thịt Liệt Giả. May thay, nó chưa găm vào xương mà cắm chặt vào khúc cây sau lưng anh. Đó là một mũi tên được mài giũa cẩn thận như thể sinh ra chỉ có một mục đích là găm vào thân thể đám “mắt xanh mũi lõ” phương tây. Không còn cách nào khác, Liệt Giả rút thánh giới. Một thanh trường kiếm dáng cổ điển, đốc kiếm có những bánh răng ăn khớp nhau và liên tục xoay đều, chúng sẽ xoay tới chừng nào Liệt Giả còn cầm kiếm. Anh gọi thánh giới của mình là Thu Lôi.

-Đừng vào đây! – Liệt Giả gọi bộ đàm – Tôi sẽ tìm hắn, không ai được vào!

Đó là một trận chiến trên mảnh đất bầy nhầy nhão nhoẹt như hố phân khổng lồ, hai con người trườn qua biển tử thi và lần tìm nhau dưới cơn mưa tầm tã. Ở nơi cây mẹ bỏ quên ấy, những mũi tên và đạn súng ngắn găm chi chít trên thân cây lẫn xác chết. Bốn tiếng đồng hồ là bốn tiếng mà Liệt Giả sống trong nỗi lo bị tên cắm lủng đầu, bốn tiếng lần mò giữa bãi lầy đầy nội tạng lẫn phân người. Anh chưa từng trải qua trận chiến nào tồi tệ hơn thế. Có lúc anh muốn chết.

Cuộc chiến đi tới hồi kết bằng một tiếng nổ. Thánh giới Thu Lôi tích tụ năng lượng, bùng ra một khối cầu lửa lẫn lôi điện thổi tung mảng rừng. Liệt Giả đi về hướng đó và tìm thấy tên sát thủ. Vừa thấy kẻ nọ, Liệt Giả chợt nhớ về ngôi nhà nhỏ đầy tiếng trẻ con và đồ ăn cay mặn. Anh vô thức lên tiếng:

-Là ông?

Gã sát thủ chẳng phải tà thần, chẳng phải chiến binh, cũng không phải cựu binh. Người đàn ông đó từng sống trên quả đồi xanh mướt nay tan tác thành đồi thịt băm, cả đời cúi gằm mặt xuống thửa ruộng để cày cấy, có mười đứa con, chuyên nấu món ăn cay mặn. Người đàn ông đó từng mời Liệt Giả uống rượu và ngủ cùng giường với ông ta. Thuở ấy ông ta còn trung niên, giờ đã thành ông già bạc trắng râu tóc. Liệt Giả bật cười. Cười vì gặp người quen, cười vì kẻ thù chỉ là một nông dân, mà cuộc chiến gian khổ nhất đời anh cũng vì ông nông dân này.

Như nhận ra Liệt Giả, người đàn ông cũng cười thay vì phỉ nhổ vào mặt anh như bao người Xích Quỷ khác:

-Ồ, cậu thánh sứ tóc đỏ…?

-Ai dạy ông bắn cung? – Liệt Giả hỏi – Bắn tên trong mưa và đêm tối, thời nay chẳng còn ai làm được như thế. Là ai dạy ông?

Người đàn ông thều thào với bộ mặt cháy sém quá nửa:

-Tự học… tự ta học lấy. Người Phi Thiên các anh phá quả đồi… vợ con ta không còn nữa… những đứa trẻ. Ta quá tuổi, không thể tham gia quân đội. Vậy nên ta tình nguyện chiến đấu. Không có vũ khí… ta tự làm… tự học lấy.

-Vợ con ông chết cả? – Liệt Giả nhíu mày.

-Chỉ còn một đứa con trai. – Người đàn ông đáp.

Mưa rơi tầm tã, Liệt Giả im lặng một hồi. Anh từng chơi với bọn trẻ. Rồi anh cất lời:

-Ông báo thù bằng cách cắt cổ đồng đội của tôi? Họ vừa mới đến trận địa. Họ không biết chuyện gì đã xảy ra.

Người đàn ông cười, ho bục máu. Ông ta đang hấp hối. Liệt Giả niệm chú ngữ, sau lưng tỏa đôi cánh trắng rực rỡ giữa đêm mưa. Anh lầm rầm lời cầu nguyện:

-Cầu xin Vạn Thế toàn năng, cầu xin Nữ Thần Tiên Tri chứng giám, cầu xin đấng…

-Cậu nghĩ ta báo thù? – Người đàn ông cắt ngang lời Liệt Giả – Không… không phải vậy… Đồng đội của cậu, những người bị ta cắt cổ, họ không thể làm vợ con ta sống lại. Dù rằng… ta thừa nhận là… vợ con ám ảnh ta trong giấc ngủ, nhưng không phải báo thù.

Liệt Giả nhăn trán:

-Vậy thì vì cái gì? Vì quốc gia? Hay như đám người các ông nói chúng tôi là bọn ác quỷ mắt xanh mũi lõ xâm lược mảnh đất này? Đây là Chiến Tranh Tài Nguyên, đất Xích Quỷ các ông có mỏ quang tố nào khiến chúng tôi thèm muốn? Các ông gán mọi tội lỗi mà chúng tôi chưa từng làm!

Người đàn ông lắc đầu:

-Không, chỉ vì con trai ta ghét các cậu. Vậy thôi… Nó ghét người Phi Thiên, bởi vậy ta cũng ghét người Phi Thiên… Nó muốn người Phi Thiên chết, ta sẽ chiến đấu cho nó. Chừng ấy là đủ. Còn trách nhiệm quốc gia? Xâm lược? Mấy thứ đó lớn lao quá, ta không hiểu…

-Người đàn ông làm theo trái tim mình chứ không phải nghe lời ai khác.

-Cậu yêu bao giờ chưa? – Người đàn ông hỏi – Yêu thương đủ nhiều để cậu tiếp tục chiến đấu ở cái hố phân bốc mùi này? Yêu thương đủ nhiều để cậu tiếp tục lăn lộn nơi đây và chờ ngày trở về?

Liệt Giả á khẩu. Anh là thánh sứ, anh yêu thương con người bất kể đồng đội hay kẻ thù. Ngay cả gã sát thủ đang chìm sâu dưới bùn lầy này – kẻ đã cắt cổ hơn chục mạng lính Phi Thiên, anh cũng yêu thương. Đó là trách nhiệm của Liệt Giả. Nhưng anh không chắc có ai yêu thương và đợi mình trở về. Mẹ đã ở lại chốn Thượng Cổ vĩnh hằng, thầy Tây Minh chưa phải là “cha” và thầy cũng chưa coi anh là “con”. Năm năm trước, ngày đi chiến trường, anh muốn về nhà. Năm năm sau, anh chẳng thiết tha về nữa bởi chiến trường là nhà anh, là nơi anh trưởng thành. Lớn lên ở đâu thì chết ở đấy.

Người đàn ông già kéo cổ áo để lộ một chiếc dây chuyền gỗ khắc hình kỳ quái. Người phương đông vẫn thường gọi thứ này là bùa cầu may. Ông ta thều thào:

-Khi chiến tranh kết thúc… gửi cho con trai tôi… có địa chỉ… túi áo…

Rồi ông già chết. Liệt Giả lần túi áo ông ta, móc ra một xấp thư. Thư nào cũng nguệch ngoạc những lời lẽ của một đứa trẻ khoảng năm, sáu tuổi, hỏi rằng cha của nó ăn uống đầy đủ hay không, rằng cha của nó đã giết bao nhiêu kẻ địch, rằng nó được dạy phải căm thù bọn mắt xanh mũi lõ Phi Thiên quốc. Nước mưa làm nhòa chữ viết, sấm chớp lúc nhá lúc không, Liệt Giả đọc câu được câu chăng. Anh nhận ra lâu lắm rồi mình không có thư.

Chiếc máy chiếu cá nhân trong túi Liệt Giả rung nhẹ. Anh nghĩ cấp trên gửi công văn nhưng không phải. Mà là thư. Liệt Giả có thư. Dưới cơn mưa tầm tã, luồng sáng xanh máy chiếu rọi lên những dòng chữ nhỏ:

“Gửi Liệt Giả,

Xin lỗi vì biên thư muộn. Tôi muốn lắm, nhưng ở đây lắm việc quá, thời gian rảnh hiếm lắm. Chiến trường mà! Tôi vừa trở về từ trạm xá. Người bị thương nhiều lắm!

Bên đó thế nào? Tôi nghe nhiều người đi chiến trường Xích Quỷ bảo nơi ấy khổ sở khắc nghiệt gấp trăm lần bình thường, có người giải ngũ vì phát điên. Tôi thấy lo. Anh vẫn ổn chứ, tóc đỏ? Vết thương cũ sao rồi? Tôi đoán nó đã lành hẳn, nhưng không phải vì thế mà anh tự cho mình cái quyền liều lĩnh. Không ai bắt thánh sứ phải trở thành anh hùng, tóc đỏ, và thánh sứ không phải anh hùng. Đây là năm , kỷ Vạn Thế thứ ba, không phải thời xa xưa khi mà các thánh sứ phải làm mọi việc từ dọn chuồng trại, khám bệnh, đỡ đẻ cho tới làm anh hùng. Tin tôi đi, tóc đỏ, mọi người trong đơn vị của anh cũng mong anh như thế.

Đừng làm tôi lo lắng, tóc đỏ. Chúng ta có giao kèo đấy nhé!

Tôi đang ở miền trung Thượng Cổ. Đơn vị của tôi đóng quân ở một thành phố bỏ hoang, nơi này đã như vậy khoảng nửa năm rồi. Không còn ai ở đây nữa, dân chúng bỏ chạy hết. Cũng đúng thôi, làm sao mà họ có thể ở lại khi nhà cửa bị phá hết và vườn tược cháy rụi? Tôi chẳng muốn mô tả đâu, tóc đỏ à, cảnh đổ nát nơi nào cũng giống nhau thôi, mà anh chứng kiến còn nhiều hơn tôi.

Nhưng liệu anh có đồng ý với tôi rằng chốn đổ nát cũng có cái đẹp của riêng nó? Tôi không có ý tôn vinh sự hủy diệt đâu, tóc đỏ. Những mái nhà thủng nóc, những con đường bị lật tung bê tông lẫn nhựa… chúng chẳng có gì hay ho. Nhưng khi ngày ngày phải chứng kiến cái chết và bệnh tật trong lán cứu thương, đọc lời xá tội cho người hấp hối, băng qua trận pháo kích từ kẻ thù, tôi bỗng yêu sự đổ nát. Bởi vì chúng im lặng. Chúng lặng lẽ đổ bóng dưới ánh chiều tà đỏ như món trứng lòng đào, không la hét, không kêu ca, gợi cho chúng ta nhớ về những ngày tháng vui vẻ, rằng thành phố nơi quê nhà vẫn bình yên, rằng cha nuôi vẫn mạnh khỏe. Khung cảnh ấy chỉ tồn tại trong nửa tiếng thôi, tóc đỏ. Nửa tiếng bình yên nhất trong một ngày, không phải lúc ngủ. Bởi vì khi ngủ, tôi gặp ác mộng nhiều hơn.

Tháng rồi, liệu chúng ta có thể về Phi Thiên quốc trước lễ năm mới không? Tôi nhớ Phi Thiên thành quá.

Ngày tháng năm

Dạ Bích

Cho tôi gửi lời hỏi thăm ống khói và con mèo chết trôi. Tôi nhớ họ.

Lần trước, anh nói sẽ làm hộ vệ cho tôi. Một thánh sứ làm hộ vệ cho thánh sứ khác, tôi nghe kỳ cục sao đó?! Nhưng nếu được thì tôi không từ chối đâu.

Tôi nhớ anh nữa, nhớ rất nhiều.”

Thư vỏn vẹn vài chữ nhưng Liệt Giả đọc đi đọc lại. Anh ngồi bên cái xác của người đàn ông, ngắm nghía mãi không thôi. Anh cười rồi khóc. Anh khóc gục đầu, đôi cánh thánh sứ rủ bóng trên vũng bùn của phương đông. Anh chưa nói lời cầu nguyện cứu rỗi kẻ thù, nhưng kẻ thù đã gửi lời cứu rỗi anh.

Rốt cục anh cũng có nhà để về.

Một năm sau, Chiến Tranh Tài Nguyên chấm dứt.

Mặc dù những ngăn kệ ký ức đã đổ nát nhưng Liệt Giả vẫn nhớ như in câu chuyện hơn hai mươi năm trước ở quả đồi thịt băm xứ Xích Quỷ. Gã không biết tại sao nó lại xuất hiện trong tâm trí mình, ngay lúc này, khi mà gã đang hướng đến Vạn Thế. Chỉ vài bước chân nữa, gã sẽ chạm vào cây mẹ.

Hoặc bởi vì chắn giữa gã và Vạn Thế là một thánh sứ. Người đàn ông đó quỳ trên đất, áo choàng trắng ướt đẫm màu đỏ, khắp thân thể cháy sém vì Oán Hồn Dạ Hỏa. Anh ta còn trẻ, còn đầy khao khát giống như Liệt Giả hơn hai mươi năm trước. Liệt Giả thở phì:

-Tránh ra.

Vị thánh sứ đó lắc đầu, anh ta gắng gượng cất lời dù linh hồn đang bị Oán Hồn Dạ Hỏa tàn phá:

-Chúng ta từng gặp nhau, ngài vẫn nhớ chứ?

Nói rồi người ấy kéo cổ áo, một chiếc dây chuyền gỗ rớt xuống. Nhìn nó, Liệt Giả im lặng hồi lâu, sau bật cười như gặp chuyện thú vị. Gã hất hàm:

-Cậu kết hôn chưa?

-Đã, thưa ngài. – Vị thánh sứ trả lời – Tôi có một đứa con trai.

-Cậu yêu thằng bé chứ?

-Nhiều hơn những gì tôi có, thưa ngài. – Vị thánh sứ trả lời – Nhiều tới mức để tôi tiếp tục chiến đấu. Nhiều tới mức để tôi trở về. Tôi không chiến đấu cho Vạn Thế hay giáo điều; mấy thứ đó xa vời quá, tôi không hiểu.

-Tốt – Liệt Giả cười.

Gã tóc đỏ bước tới, trên tay xuất hiện thánh giới Thu Lôi. Gã đâm một đường nhanh gọn vào ngực vị thánh sứ đó, nhìn thẳng vào đôi mắt đang trợn trừng của anh ta. Rồi gã bước qua cái xác, đặt một tay lên rễ cây Vạn Thế, đôi cánh thánh sứ rủ bóng dưới bầu trời đất thánh đầy lửa và bom đạn.

Liệt Giả sắp về nhà.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio