Tình cảm
Tôi chợt nghĩ từ “tình cảm” đang bị cưỡng đoạt. Tình cảm dịch sang tiếng Anh là affection, sentiment, warm feel-ing inside… nhiều cách dịch, cách nào cũng để lại cảm giác ấm áp.
Nhưng mỗi lần nghe từ “tình cảm” trong tiếng Việt, tôi có cảm giác không ấm áp lắm.
“Anh ơi, tuần sau mình sang cơ quan thuế gặp chú Nhất, tình cảm tí,” cô trợ lý vừa nói với tôi hôm qua. Là trợ lý lâu năm nên tôi rất hiểu ý cô ấy. Tình cảm có nghĩa là phong bì, cộng vài phút nói chuyện xã giao, thể hiện (giả bộ) sự quan tâm. Trong những trường hợp đó, tôi thích lãnh cảm hơn. Giá mà tôi có thể lạnh lùng gửi phong bì, chú Nhất lạnh lùng nhận lấy, không ai nói câu gì hết. Không “Cháu đã có vợ chưa?”, không “Văn phòng mới của chú đẹp lắm ạ!”.
Tình cảm có nghĩa là phát triển quan hệ. Phát triển quan hệ có nghĩa là đi cà phê lúc không tiện, đi nhậu lúc không muốn, đi về lúc không giờ. Từ “hữu nghị” cũng gây cảm giác tương tự. Hữu nghị ít khi có nghĩa là “friendship”. Hữu nghị nhiều khi có nghĩa là: “Tôi sẽ làm miễn phí cho ông để… thôi, để sau này tôi mới nói”.
Tình cảm, quan hệ, hữu nghị. Tiền, tiền, tiền.
Công bằng mà nói, việc sử dụng từ đẹp là để mô tả điều xấu đang phổ biến khắp thế giới. “Mẹ” là một trong những từ thiêng liêng nhất của mọi ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong tiếng Anh lẫn tiếng Việt, từ “mẹ” là yếu tố không thể thiếu trong nhiều câu chửi. Chúng ta dùng từ dành cho người mình yêu nhất để chửi người mình ghét nhất. Con người ở đâu cũng đều mâu thuẫn như thế.
Vậy nên người Việt dùng từ “tình cảm” để mô tả các trường hợp không tình cảm chút nào là chuyện dễ hiểu. Nói cách khác, tôi không nên cảm thấy khó chịu. Nhưng có một sự khác biệt quan trọng ở giữa cảm giác của người Việt khi nghe từ “tình cảm” và cảm giác của tôi.
Đó là người Việt biết nghĩa đẹp từ hồi nhỏ; họ phải lớn lên, va chạm với cuộc sống mới biết thêm nghĩa xấu. Với họ, nghĩa đẹp đã có thời gian ổn định. Với tôi thì không. Tôi đã học cả nghĩa đẹp lẫn nghĩa xấu gần như trong một buổi sáng – thầy giáo đứng bên phải giải thích nghĩa đẹp, trợ lý đứng bên trái giải thích nghĩa xấu. Nghĩa đẹp có thời gian ổn định đâu; từ lúc mới quen, tôi đã có ác cảm với “tình cảm”.
Nếu có một người bạn thân hỏi vay tiền thì tôi sẽ cảm thấy bình thường, nếu giúp được tôi sẽ giúp. Nhưng nếu có một người mới quen hỏi vay tiền – sáng bắt tay làm quen, chiều khum tay làm bát – thì tôi sẽ cảm thấy khó chịu. Người bạn thân vay xong lâu lâu không trả lại thì thôi, cuộc sống nhiều chuyện, bỏ qua. Nhưng người mứoi quen vay xong lâu lâu không trả lại thì cảm giác khó chịu đó sẽ thành ác cảm. Có thể người ấy rất tốt, nhưng cái “tốt” ấy chưa có thời gian ổn định.
Giờ tôi chẳng muỗn có “tình cảm” với ai. Tôi cũng chẳng muốn tạo “quan hệ” với ai, chẳng muốn “chơi” với ai, chẳng hy vọng điều gì ở cái gọi là “hữu nghị”. Giá mà tôi có thể học lại tiếng Việt từ đầu, dành mấy năm ổn định hóa các nghĩa đẹp – rồi mới mang đầu óc ra bia hơi, mang trái tim ra cơ quan thuế.
Nhưng không ai có thể quay ngược thời gian. Giờ nếu nằm cạnh một em xinh đẹp dưới hàng ngàn ngôi sao, gió thổi nhè nhẹ, em ấy dịu dàng nói với tôi: “Anh ơi, em thấy em có tình cảm với anh đấy!” – thì tôi sẽ có cảm giác là phải nói lời cảm ơn xã giao rồi rút tờ . cộng photo công chứng giấy đăng kí kinh doanh.
“Thôi em cứ nói em có ‘tình bạn đặc biệt’ với anh đi.”
“Là sao hả anh?”
“Chuyện dài.”