Ngược Về Thời Minh

chương 148: khoác vỏ tiểu nhân

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Bến cảng Thiên Tân.

Nhìn từ xa đã có thể thấy được lá long kỳ màu vàng sẫm của thiên tử.

Phương bắc vào tháng mười một đã rất lạnh. Hôm nay tiết trời âm u, mây đen giăng kín, lá cờ phần phật trong gió táp. Nhìn lá cờ chữ "Dương" to lớn phái xa xa, khoé miệng Trương Tú thoáng lộ một nụ cười chua chát.

Kẻ này được mình một tay nâng đỡ, vốn nghĩ rằng có thể gây dựng cho Cẩm Y vệ và Đông xưởng một người thân tín bên cạnh tân đế. Nào ngờ vận làm quan của y lại thuận lợi phi thường, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi mà y đã "phản khách vi chủ", uy hiếp đến quyền lợi của mình. Mình có thể lệ thuộc vào Đông xưởng, nhưng sao có thể khom lưng uốn gối trước mặt thuộc hạ cũ chứ?

Lão đưa mắt nhìn quanh, trên hai chiếc tàu chiến lớn cập trên bến tàu là bốn khẩu hỏa pháo được phủ kín bằng vải bố dầy cộp, chuẩn bị một khi Dương Lăng tháo chạy sẽ bắn tan thuyền của y. Đằng sau bức tường sau lưng lão là bốn mươi tay Cẩm Y vệ cầm nỏ, mười tay cầm súng đang mai phục, chỉ cần Dương Lăng vừa lộ diện bọn chúng sẽ lập tức đồng loạt khai hoả, cho dù y có bản lĩnh cỡ nào cũng đừng mong sống sót. Còn như hai ngàn tên Cẩm Y Vệ tinh nhuệ mai phục ngoài bến cảng là nhằm chuẩn bị vin tội danh phản loạn để tiêu diệt hai trăm thị vệ của Dương Lăng.

Những việc còn lại sẽ là chuyện của đám quan văn triều đình. Lão có thể tưởng tượng được khi mình đưa hơn hai trăm thi thể đã thối rữa không còn nhìn ra hình dạng về kinh, đám quan viên đó sẽ gán bao nhiêu tử tội cho Dương Lăng, kẻ có miệng mà đã không thể giải bày này.

Trương Tú thở ra một hơi thật dài. Trong lòng lão căm ghét cái đám quan văn này không thôi. Cảm giác này hình thành từ sự bất đồng về lập trường và lợi ích đôi bên, tuyệt đối sẽ không vì đôi bên có việc cùng hợp tác mà thay đổi.

Thuyền đã cập bờ, Trương Tú cười nhạt, chắp tay sau lưng nhìn tấm ván trên thuyền đang chầm chậm hạ xuống: rốt cuộc kẻ tự tìm cái chết đã đến.

Lão là thượng cấp cũ của Dương Lăng, nay tuy không còn quan hệ bề trên và thuộc hạ song địa vị lão cũng không hề thấp hơn y. Thấy lão đến đón chào, nhất định Dương Lăng sẽ chủ động xuống thuyền nghênh tiếp. Chỉ cần y vừa đạp chân xuống đất, hai trăm thanh nỏ thép sẽ găm đầy người y.

"Cộp", tấm ván hạ xuống đất, cơ thịt Trương Tú thoáng rút lại, giống như trông thấy Dương Lăng cả người đầy máu, trố mắt kinh ngạc nhìn lão rồi ngã lăn quay xuống đất.

Trên đầu thuyền xuất hiện một bóng người chạy "cộp cộp" xuống thuyền. Từ thật xa người đó đã chợt quỳ một gối xuống đất, ôm quyền thi lễ:

- Ô kìa, Trương đề đốc sao lại đến vậy? Hạ quan Liễu Bưu bái kiến đại nhân.

Trương Tú vốn cảm thấy người này rất quen mặt, vừa nghe gã tự báo tên họ mới nhớ ra đây là một tên hiệu uý nho nhỏ trong Cẩm Y Vệ, nay lại đã trở thành Thiên hộ của Nội xưởng. Lão đưa tay đỡ hờ, hỏi:

- Thì ra là ngươi à? Đứng lên đi! Dương đại nhân đâu, sao không thấy y?

Liễu Bưu tươi cười bước tới nghênh tiếp, rồi gật đầu khom lưng đáp:

- Dương đại nhân phải vội vào kinh gặp Hoàng thượng, giữa đường đã xuống thuyền đi đường bộ rồi. Ha ha ha! Đại nhân không phải người ngoài, hạ quan cũng không sợ ngài biết, có vị đại nhân nào làm việc mà không tiện đường mang theo chút hàng lậu chứ?

Trên thuyền toàn bộ đều là hàng hoá phương nam, mấy ngày trước đã chuyển vào kinh một thuyền rồi. Nếu lại đưa mấy thứ này vào kinh nữa, sẽ rất dễ khiến cho người khác chú ý cho nên mới đỗ ở bến Thiên Tân. Chốc nữa tiểu nhân sẽ thông báo cho thương gia bản địa đến nhận hàng trước, nghỉ lại hai ba ngày rồi mới sẽ về kinh.

Trương Tú thầm nghĩ: "Quả nhiên y giương đông kích tây, âm thầm đi đường bộ." Lão lướt mắt nhìn, thấy trên thuyền lưa thưa lớt thớt cũng không thấy mấy người, Trương Tú cười nhạt, khoát tay nói:

- Nếu đã như vậy thì ngươi đi làm việc đi! Bản đốc cùng Dương đại nhân lâu ngày không gặp, ta vốn định đãi rượu để chuyện trò, giờ đành phải đợi vào kinh mới nói tiếp vậy.

Liễu Bưu nhìn theo bóng lưng lão, cũng thở dài tự đáy lòng: "Tai ách do Trời thì còn tránh được(). Trương đại nhân ơi Trương đại nhân! Ông vội vã hồi kinh đưa tiễn tiền đồ tính mạng của mình như vậy, ấy là tự làm tự chịu, đừng trách ti chức không độ lượng nhé.”

Đi khỏi một hồi, Trương Tú ám thị cho cung tiễn thủ mai phục hai bên rút lui. Chỉ huy thiêm sứ Hạ Lạc thấp giọng hỏi:

- Đại nhân! Không thừa cơ xử lý bọn chúng à?

Trương Tú trừng mắt:

- Để bọn chúng buôn bán đồ vật của chúng đi. Dương Lăng không có mặt trên thuyền, xử lý mấy tên tôm tép này thì có ích gì? Mà ngược lại còn bị người ta nắm thóp cho!

Lão suy nghĩ một lúc, rồi quay đầu nhìn đám phiên tử nhàn nhã trên thuyền, thấp giọng căn dặn:

- Nhiều người rối mắt. Ta mang hai ngàn người chia làm bốn tốp về kinh tụ hợp với nhân mã của Bắc trấn phủ ty. Chỉ cần Dương Lăng vừa chết, sẽ lập tức xin thánh chỉ san bằng Nội xưởng. Nơi này giao cho ngươi, chú ý động tĩnh trên thuyền.

Rốt cuộc tin tức ngay sau khi Vương Quỳnh đấu khẩu cùng Dương Lăng trên bàn tiệc thì gặp phải độc thủ cũng được dịch trạm truyền vào kinh sư. Quan viên Đốc Sát viện, Hàn Lâm viện và Lục Bộ khí thế sục sôi, ùn ùn tề tụ trong phủ đại học sĩ Lưu Kiện.

Chiếc kiệu nhỏ của Lý Đông Dương dừng trước cửa phủ. Vừa bước vào sân, quan viên các bộ liền đã vây quanh ông, nhao nhao kêu gào:

- Lý đại học sĩ! Dương Lăng xem thường vương pháp, không kiêng nể ai; giống hung bạo này không trừ, triều đình sẽ không yên đâu. Lý đại nhân, ngài phải chủ trì công đạo cho Vương lão thượng thư à!

Mặt nặng như chì, Lý Đông Dương liên tục chắp tay vái chào mọi người, chân vẫn bước thẳng đến thư phòng của Lưu Kiện, trông thấy ngoài thư phòng đã có Lục Bộ Cửu Khanh đang ngồi. Những người này lại vẫn bình tĩnh, thấy lão chỉ hơi gật đầu.

Lý Đông Dương gật đầu chào rồi bước vào trong thư phòng. Lưu Kiện và Tạ Thiên đang buông thõng hai tay ngồi đối diện nhau, không ai mở miệng nói một lời nào.

Thấy ông bước vào, Lưu Kiện mới chậm rãi lên tiếng:

- Tân Chi, ông nghe nói rồi chứ?

Lý Đông Dương gật đầu nhè nhẹ, đáp:

- Có nghe, nhưng mà... Cho dù Dương Lăng có ngang ngược hơn đi nữa, liệu y sẽ vì tranh cãi mà hành hung giết người, mưu hại trọng thần triều đình không?

Tạ Thiên cười khổ một tiếng, nói:

- Ai sẽ thanh minh cho y đây? Là ông, hay là tôi? Kẻ này vốn là hạng người chúng ta cần phải loại trừ, giờ đây mọi người khí thế bừng bừng, chúng ta vốn là kẻ đứng đầu bá quan, nếu như lúc này dừng lại hoặc thay đổi phương hướng thì chính chúng ta cũng sẽ bị bọn họ giẫm dưới chân thôi! Tình hình... đã không còn do chúng ta khống chế được nữa.

Trong mắt Lý Đông Dương loé lên hai đốm lửa nhàn nhạt, ông trầm giọng:

- Đông xưởng còn nóng lòng muốn giết Dương Lăng hơn cả ông và tôi. Tôi chỉ hoài nghi...

Lưu Kiện kiên quyết:

- Vương lão thượng thư bị giết đã là sự thật không thể chối cãi, hung thủ không phải Dương Lăng thì là Đông xưởng. Nhưng lúc này đây, thời và thế như vậy, chúng ta còn có thể khai chiến với Đông xưởng sao? Huống hồ ai sẽ thuyết phục bá quan đây? Nếu như áp chế bọn họ, làm cho mọi người nổi giận thì e rằng ông và tôi... đều sẽ tự rước lửa thiêu mình đấy.

Lý Đông Dương không nói gì. Ông cũng biết mặc kệ là ai đã giết Vương Quỳnh, một người muốn làm nên đại sự đều phải thuận theo thời thế mà diệt trừ Dương Lăng trước. Về phần Đông xưởng... một khi Dương Lăng bị diệt trừ, quyền thế ngoại đình sẽ lên cao, sau đó từ từ thu thập bọn chúng cũng không muộn. Lúc này mà muốn khai chiến với cả hai mặt thì thật không khôn ngoan chút nào.

Tạ Thiên vịn bàn nói:

- Khi nãy, tôi cùng Lưu đại nhân đã bàn bạc qua với Lục Bộ Cửu Khanh. Chỉ cần ông cũng đồng ý, chúng ta sẽ liên danh dâng sớ cầu xin hoàng thượng giết Dương Lăng, trừ Bát Hổ. Ý ông thế nào?

Lý Đông Dương trầm ngâm hồi lâu rồi cười khổ sở, giọng yếu ớt:

- Giờ đây, chúng ta còn có thể lựa chọn phương cách khác hay sao?

- Hoạn quan, hoạn quan! Chẳng lẽ triều đình đều do hoạn quan gây hại sao? Xưa nay số triều thần gây chuyện xấu xa chiếm đến sáu bảy phần, vậy mà lúc nào cũng lôi hoạn quan ra nói!

Chính Đức đang ngồi trên long án, vừa giở một bức tấu chương ra xem sơ một lượt thì đã giận dữ quẳng đi. Rải rác khắp thư phòng toàn là những bức tấu chương đã mở. Ở trên hắn ném, ở dưới hai tiểu thái giám quỳ mọp sát đất, trán mướt mồ hôi.

Lúc này, một tên tiểu thái giám run rẩy khẽ giọng:

- Hoàng... Hoàng thượng, đại học sĩ nội các có tấu chương khẩn.

- Trình lên đi!

Chính Đức đỏ mặt hổn hển, nghe nói lại có tấu chương thì hắn không khỏi phẫn nộ vỗ bàn đánh bộp.

Tấu chương vương vãi đầy trên mặt đất. Tên tiểu thái giám nọ cũng không dám sơ ý đạp lên, đành phải lập tức nhón chân lách qua lách lại như múa đến bên cạnh Hoàng thượng, trình lên một quyển tấu chương dày cộm.

Chính Đức vừa giở ra xem, liền không khỏi sững người. Đại học sĩ Hoa Cái điện, đại học sĩ Cẩn Thân điện, đại học sĩ Vũ Anh điện, các bộ Lại, Hộ, Lễ, Binh, Công, Hình, còn có Đô Sát viện, Thông Chánh sứ, Đại Lý tự, Lục Bộ Cửu Khanh, ngự sử của Lục khoa thập tam đạo... phía sau là một dãy các loại tên tuổi bút tích. Chính Đức đã không thể tiếp tục xem được nữa.

Trước mắt hắn dường như đang có mấy trăm cái đầu chen chúc, kêu gào với hắn:

- Giết Dương Lăng, trừ Bát Hổ, thanh lọc bầy tôi bên cạnh vua! Bằng không chúng ta sẽ giũ áo từ quan, giao cho ngươi cái giang sơn to đùng như vầy để ngươi tự đi mà quản lý lấy!

Chính Đức đặt mông ngồi phịch xuống ghế, buồn rầu nhìn về phía trước. Trong điện, mấy tên tiểu thái giám nhận thấy thần sắc Hoàng thượng không tốt, lập tức hành động đã nhẹ lại càng nhẹ nhàng hơn, thậm chí thở cũng không dám thở mạnh.

Khuôn mặt béo tròn tươi cười của Cốc Đại Dụng ở ngoài cửa nhìn vào một lúc, sau đó lão rón rén bước vào, vẫy tay ra hiệu cho mấy tên tiểu thái giám trong điện. Như được đại xá, mấy tên này lật đật lui ra.

Cốc Đại Dụng bước đến bên cạnh Chính Đức, nhún nhường mỉm cười hỏi:

- Hoàng thượng lại vì chuyện trong triều mà ưu sầu à? Không phải là còn có đám lão thần của Lục Bộ Cửu Khanh sao? Bọn họ đều là thần tử mà tiên hoàng để lại cho người, một lòng trung thành. Hoàng thượng tuổi còn nhỏ, có việc gì cứ giao cho bọn họ làm là được rồi. Đã ăn bổng lộc của triều đình, có lý nào lại không san sẻ lo âu cho vua chứ?

Chính Đức ngơ ngác đưa mắt nhìn lão:

- Đại Dụng, ngươi đến rồi à?

Cốc Đại Dùng khom lưng thưa:

- Dạ, lão nô đã sai người ở Báo phòng (phòng nuôi báo) thuần phục thêm được hai con báo, định để khi Hoàng thượng lo phiền về quốc sự có thể đến đó tìm vui...

Đoạn lão trộm liếc nhìn những tấu chương chưa được nhặt lên, khoé mắt thoáng giần giật, rồi đổi giọng:

- Từ nhỏ, Hoàng thượng đã được lão nô hầu hạ, khi đó mỗi khi thấy người cười, trong lòng lão nô như có hoa nở vậy. Giờ đây mắt thấy người lên làm Hoàng thượng rồi, là thiên tử Đại Minh, chủ của cả thiên hạ, ấy vậy mà lại không vui vẻ gì, trong lòng lão nô...

Lão vừa nói mà vừa không nén được lệ rơi, bèn vội quẹt nước mắt, tự trách:

- Lẽ ra lão nô phải làm cho người vui, thế nào lại khóc rồi. Lão nô đáng chết, lão nô đáng chết!

Vừa nói lão vừa vả mạnh vào miệng mình mấy cái.

Chính Đức nhìn thấy, bỗng nhiên đứng bật dậy khóc lớn. Thấy vậy, Cốc Đại Dụng vội vã quỳ mọp xuống đất dập đầu lia lịa:

- Lão nô đáng chết! Lão nô đã làm cho Hoàng thượng không vui!

Chính Đức kéo lão dậy, khóc nấc:

- Đại Dụng, đứng lên cho trẫm. Trẫm còn nhớ, lúc trẫm còn nhỏ nghịch ngợm trèo cây, ngươi đứng dưới gốc cây cầu xin ta leo xuống, sợ đến túa cả mồ hôi. Trẫm vừa trượt tay ngã xuống là ngươi đã lao tới đỡ cho trẫm. Giày của trẫm cào một vết dài trên cổ ngươi, máu chảy ròng ròng, thế mà ngươi chỉ cố ôm trẫm mà kêu lên "Thái tử gia bình an vô sự". Trẫm... trẫm...

Rồi hắn lại khóc rống lên, đập bàn gào lên như một con thú bị nhốt trong cũi:

- Nghĩ ra mấy trò chơi cho trẫm, làm cho trẫm vui, sao lại thành gian thần thập ác bất xá() chứ hả?

Nước mắt giàn giụa, tiểu hoàng đế lại than trách:

- Còn Dương thị độc nữa, bọn họ nói y tham quyền tự quyết, dã tâm bừng bừng, ta khinh! Bọn họ mù hết rồi hay sao, công việc đó không phải là trẫm kiên quyết phái cho y sao? Thậm chí là đường đường chức thượng thư mà y cũng không chịu làm, còn nói y dã tâm bừng bừng?

Chính Đức kể tiếp, giọng nhão nhoẹt:

- Trẫm muốn dùng người của mình, lại không để y can dự triều chính, vậy mà cũng không được sao? Vậy mà cũng không được sao? Bọn họ ức hiếp trẫm như vậy, hở một tí là dọa bãi quan không làm. Rốt cuộc bọn họ muốn trẫm phải như thế nào đây?

Khoé mắt Cốc Đại Dụng giần giật, lão cười nịnh:

- Hoàng thượng đừng khóc! Hoàng thượng đừng gào thét! Người là thiên tử, mọi người trong thiên hạ đều phải nghe người. Nếu bị nhìn thấy há sẽ chẳng khiến người ta chê cười ư?

Lão chưa dứt lời, lời nói của lão nào chỉ như dầu châm vào lửa, Chính Đức vừa nghe liền lập tức nổi giận quát:

- Ai nghe trẫm chứ? Ai nghe trẫm chứ? Toàn là trẫm phải nghe bọn họ, trẫm giao toàn bộ quốc sự cho bọn họ, vậy mà vẫn chưa đủ.

Trẫm muốn ăn gì, mặc gì, lúc nào thì ngủ, lúc nào thì dậy đều phải nghe theo bọn họ. Ngươi nói thiên hạ là của trẫm ư? Ngay cả ở trong cung đây, bọn họ cũng quy định nơi nào trẫm có thể đi, nơi nào không thể đi. Thiên hạ này rốt cuộc là của ai?

Thấy Chính Đức nổi cơn tam bành, Cốc Đại Dụng cũng không dám khích thêm, bèn rụt rè tâu:

- Hoàng thượng bớt giận. Bọn họ dâng tấu chương cũng không phải là một lần hai lần, người cứ phong hoàn() lại cũng được rồi, chớ để tổn hại đến thân thể mình.

Chính Đức lau nước mắt, rồi cầm quyển tấu chương trên bàn lên, cười như mếu:

- Phong hoàn? Lần này Tam công của Nội Các, Lục Bộ Cửu Khanh, bá quan văn võ bức trẫm đến thoái vị đến nơi rồi, ngươi muốn trẫm phải làm sao đây?

Ngoài cửa, đám người Lưu Cẩn sớm đã lặng lẽ đứng chờ ở đấy. Nghe đến đây, rốt cuộc cả bọn đã tin việc văn võ cả triều có ý định chém đầu tất cả bọn họ mà Dương Lăng kể là thật, và việc mình được những thái giám quản sự nọ tâng bốc quả thật chính là gian kế của Đông xưởng.

Trước đó Dương Lăng cùng Mã Vĩnh Thành ngồi chung một kiệu bí mật vào cung, hẹn mời Bát Hổ bàn về việc này. Không ngờ tám tên thái giám kiêu ngạo quyền lực ngút trời trong lịch sử này lại nhát như cáy, vừa nghe mình đã khiến cho mọi người phẫn nộ liền sợ cụp cả đuôi. Mấy ngày nay mặc cho đám thái giám quản sự nọ ba hoa khoác lác ra sao, bọn họ cũng không dám xúi giục Chính Đức rời cung nữa, chỉ mong sao các triều thần có thể tha mạng cho bọn họ.

Giờ nghe nói thậm chí cả Tam công và Lục Bộ Cửu Khanh đều ra mặt, tuy rằng bọn họ không có học nhưng cũng biết rõ mức độ nghiêm trọng của tình hình. Bọn họ bèn giở chiêu "chúi nhủi" bò vào, rồi theo cách Dương Lăng dạy cho mà vừa tru khóc vừa kể lể, nào là đã hầu hạ mọi việc ỉa đái của Chính Đức từ lúc hắn còn bú tí thế nào, rồi tận tâm tận lực làm cho hắn vui ra sao.

Tên nào tên nấy khóc lóc kể lể như đỗ quyên than mất nước, thực khiến kẻ thấy đau lòng, người nghe rơi lệ. Hoàng đế Chính Đức cũng không thèm nghĩ vì sao bọn họ lại hay tin mà chạy đến đây, hắn nghe mà chỉ thấy đau lòng, càng khóc lớn: trừ Tiên hoàng ra, có thể nói những kẻ trước mặt này là những người gần gũi với hắn nhất. Đám đại thần kia nói bọn họ giống như là yêu ma quỷ quái mặt xanh nanh vàng thì làm sao mà vị thiên tử trẻ tuổi này chịu tin kia chứ?

Dương Lăng lặng lẽ đứng bên ngoài, thấp giọng hỏi Miêu Quỳ:

- Đã khống chế hết mọi người rồi chứ?

Miêu Quỳ gật nhẹ đầu, đáp:

- Dương đại nhân yên tâm. Bắt đầu từ bây giờ, những người bên cạnh Hoàng thượng đều đã có thân tín của Ngự Mã giám bố trí theo dõi sít sao, đừng hòng có ai tiếp cận với bọn chúng. Có điều... nếu như Hoàng thượng vẫn không đưa ra quyết định thì làm thế nào? Chúng ta đã ra tay, nếu lại xếp cờ dẹp trống tất sẽ khiến cho bọn chúng chú ý.

(: ý nói đình chỉ mọi hoạt động)

Dương Lăng khẽ thở dài một hơi rồi đáp:

- Hoàng thượng còn nhỏ, phải dựa vào văn võ cả triều để trị vì giang sơn. Muốn người mạo hiểm chấp thuận lời từ quan của tất cả bá quan, quả thực là làm khó cho người.

Rồi y thoáng nhếch môi cười nhạt:

- Tuy nhiên... Dương mỗ cũng là người sớm đã lăn lộn trên quan trường. Ngoại trừ quyền lực thì quan trường lớn và quan trường nhỏ cũng chẳng có gì khác biệt. Bọn họ có thể xin từ quan, Hoàng thượng có thể không đồng ý.

Nghĩ đến hiện trạng những học sinh cực khổ đọc sách mười năm vào kinh thi cử, nhớ đến khung cảnh Nghiêm Tung vì để vào được trường thi mà dập đầu như giã tỏi, Dương Lăng khẽ nhếch mép khinh thường:

- Công danh và lợi lộc không dễ có. Ta thấy số người biết thời biết thế ở lại tiếp tục làm quan chắc chắn sẽ chiếm đa số, tiếp theo sẽ lung lạc bọn họ thêm một chút nữa. Chỉ cần chúng ta cầm chân được những người làm việc cụ thể, trực tiếp xử lý công việc thì khi đó mấy vị thượng thư, mấy vị học sĩ có muốn đi thì cứ để bọn họ đi đi thôi.

Lúc này Lưu Cẩn thấy Hoàng thượng chỉ lo khóc rống mà không có vẻ gì là có biện pháp để chống lưng cho bọn họ, bèn lau nước mắt bẩm:

- Hoàng thượng! Việc trong cung của người, sao ngoại thần lại biết tận tường như vậy? Đó là vì có ty Lễ Giám, Đông xưởng và Cẩm Y Vệ chống lưng đằng sau đó. Bọn họ vốn phải là tai mắt của người, nhưng lại đi làm thám tử cho ngoại thần, đem kể toàn bộ những chuyện của người cho bọn họ biết, kích động ngôn quan làm khó Hoàng thượng!

Nguỵ Bân vội hùa theo:

- Phải đó Hoàng thượng! Nô tài đích thân nghe thấy Vương Nhạc Vương công công nói với ba vị đại học sĩ rằng: ”Hoàng thượng nhỏ tuổi, các vị tiên sinh thấy Hoàng thượng có chỗ nào không đúng thì cứ nói thẳng, không cần phải sợ.”

Chính Đức vừa nghe thì giận đến run người:

- Tên... tên nô tài to gan!

Mã Vĩnh Thành vì vụ đánh chết nữ quan nọ mà sinh ra hiềm khích với Dương Lăng. Song đó chỉ là việc nhỏ, giờ đây đã cùng ngồi trên một con thuyền, nếu chìm thì cùng chìm, nếu vượt qua được thì sẽ cùng vượt qua, cho nên lão cũng cật lực phối hợp mọi người, kể tội:

- Hoàng thượng! Phạm công công của Đông xưởng thường kêu nô tài đi hỏi Hoàng thượng mua những thứ gì, sau đó kể lại cho ngoại đình. Ngay cả nội khố () là của riêng Hoàng thượng mà bọn họ cũng nhúng tay vào, bọn họ còn để Hoàng thượng vào trong mắt không?

Sắc mặt Chính Đức trắng bệch, hắn lạnh lùng nói:

- Thường có câu "một đời vua một đời thần". Nhưng từ lúc trẫm kế vị đến nay có đụng đến chúng không? Các ngươi theo trẫm lâu năm, thế mà đến giờ cũng chưa từng ngồi lên chức vị quan trọng nào trong nội đình. Trẫm chỉ có mỗi Dương Lăng là quan viên trẫm tự thân đề bạt, lại là lập ra Nội xưởng mới, cũng chưa từng đoạt quyền của chúng. Bọn chúng lại đang làm cái gì vậy?

Trong đám người này thì Trương Vĩnh là kẻ đọc sách nhiều nhất, trông thấy Hoàng thượng sắp mất kiên nhẫn, lão bèn ôn tồn tâu:

- Hoàng thượng! Người còn nhớ vở kịch đèn chiếu mà lão nô và Khâu Tụ diễn cho người xem không? Bọn họ đang liên kết đại thần trong triều, khi dễ Hoàng thượng nhỏ tuổi, muốn biến Hoàng thượng thành con rối gỗ đó.

Bọn họ dắt tay người, thì người sẽ động tay, bọn họ dắt chân người, thì người sẽ động chân. Tóm lại, bọn họ muốn Hoàng thượng làm cái gì, Hoàng thượng sẽ phải làm...

"Bộp!" Một quyền đấm mạnh lên mặt bàn, sắc mặt Chính Đức đã từ đỏ chuyển thành tím ngắt, ngực hắn phập phồng lên xuống, gân xanh hằn rõ trên trán, hơi thở hổn hển như ống bễ lò rèn. Một lúc lâu sau, hắn mới cất giọng khàn khàn nói:

- Lòng dạ ấy thật đáng chém! Các ngươi nói thử xem trẫm phải làm sao đây?

Nghe đến câu này, Dương Lăng khép hờ mắt: "Cuối cùng Hoàng thượng đã bị thuyết phục rồi. Một câu này đã hỏi ra, hồi phong ba lớn sẽ không thể tránh nữa, mình cũng đã bị quy kết là gian thần lộng quyền, còn ai hiểu cho mình đây?

Nhưng... sao mình lại nhất định phải làm cho người ta hiểu chứ? Kỳ hưng dã bột yên, kỳ vong dã hốt yên(), mình cũng chỉ là một quân cờ bị vận mệnh sắp đặt đến nơi này mà thôi. Mình phải giở thủ đoạn chớp giật nhưng vẫn giữ tâm địa Bồ Tát, chỉ cần mình không thẹn với lòng còn mặc kệ người khác nhìn mình như thế nào!"

Nghĩ đến đây, Dương Lăng bèn mở mắt, ánh mắt trở nên kiên nghị.

Lưu Cẩn vừa nghe Chính Đức nói vậy, tinh thần bất giác phấn chấn, bèn vội bò tới phía trước tâu:

- Thân khuyển ưng chó ngựa sao có thể tổn hại đến chính sự chứ? Xưởng vệ là do Hoàng thượng người lập ra, muốn dùng ai loại ai, còn không phải bởi một câu của người ư?

Nghĩ đến một dãy tên dài dằng dặc trên quyển tấu chương nọ, dũng khí xuất phát từ sự phẫn nộ khi nãy của Chính Đức không khỏi vơi đi mấy phần. Hắn lo sợ:

- Nhưng mà... Bọn họ nắm giữ mười hai đoàn doanh, sẽ gây bất lợi với trẫm không? Hơn nữa... những quan viên ngoại đình đó, nếu thật sự đều giận trẫm mà đi, vậy... vậy trẫm sẽ phải làm sao?

Trương Vĩnh mỉm cười đáp:

- Hoàng thượng yên tâm! Dương Lăng Dương đại nhân nhận lệnh của người, đốc sát (quản lý và giám sát) bá quan, vẫn luôn tận trung với chức vị, không dám có chút lơ là. Nghe nói nội đình và ngoại đình liên thủ bức bách Hoàng thượng, y đã chạy suốt đêm ngày về kinh, xả thân hộ giá. Dương đại nhân tất có kế hay.

Vừa nghe, liền như có được phương cách giải quyết vấn đề, Chính Đức kinh ngạc mừng rỡ reo lên:

- Dương thị độc hồi kinh rồi à? Y đang ở đâu? Mau! Mau gọi y vào gặp trẫm!

Từ dưới bóng râm cửa cung, Dương Lăng lách người bước ra, rảo bước về phía trước. Y vừa vén áo bào định nghiêng người quỳ xuống, Chính Đức đã ôm chầm lấy y, giọng run run mừng rỡ:

- Dương thị độc, Dương thị độc! Khanh thật đã trở về rồi. Trẫm bị bọn họ ức hiếp đến khổ, có khanh ở đây trẫm không phải sợ nữa.

Bắc trấn phủ ty.

Hoàng hôn vừa buông xuống, Trương Tú đã dẫn năm trăm tên Cẩm Y Vệ chạy về đến nơi. Mâu Bân vội vã ra nghênh đón:

- Đại nhân! Sao muộn thế này mà đại nhân còn chạy từ Thiên Tân vệ đến đây vậy?

Trương Tú thấy lão vận quân trang thì không khỏi thoáng ngẩn ra, hỏi:

- Không phải là ngươi thường hay mặc thường phục trong nha môn sao? Mới vừa đi ra ngoài à?

Ánh mắt Mâu Bân thoáng lóe lên, lão đáp:

- Đâu có! Mấy ngày nay tình hình căng thẳng, ti chức nào dám lơ là. Từ lúc đại nhân đến Thiên Tân vệ để chờ thuyền của Dương Lăng, trong kinh ti chức lúc nào cũng gối giáo mà chờ. Thế nào rồi ạ, có bắt được Dương Lăng không?

Trương Tú khoát tay, ra hiệu cho năm trăm tên Cẩm Y vệ nọ giải tán vào trong các phòng xá sau hậu viện nghỉ ngơi, rồi vừa bước vào trong phòng vừa thở dài:

- Ngươi xem ta giống như đã bắt được y lắm sao? Y chọn đi đường bộ, có điều Đông xưởng đã phái ra gần hai vạn năm ngàn người bày thiên la địa võng dọc đường. Y muốn vào kinh, trừ khi lắp cánh mới bay về được thôi!

Trương Tú đã quen thuộc từng ngóc ngách trong thư phòng của Mâu Bân cho nên không chút câu nệ bước thẳng vào, rồi đi ra sau bàn ngồi. Thấy Mâu Bân bước theo vào nhưng lại đứng cạnh cửa, lão không khỏi cười lớn:

- Không phải là ngươi chưa từng làm đại sự, không cần phải căng thẳng như vậy. Đâu phải chúng ta chưa từng bắt quan lớn nhất nhị phẩm đâu? Huống gì đây chỉ là con chó nhà có tang Dương Lăng!

Mâu Bân cười nói:

- Quan lớn nhất nhị phẩm của triều đình, ti chức đương nhiên đã từng bắt, nhưng ti chức lại chưa từng bắt Đề đốc Cẩm Y vệ bao giờ, sao có thể không căng thẳng chứ?

Trương Tú nghe vậy lập tức đứng bật dậy, không chút suy nghĩ liền chụp lấy thanh bội kiếm treo trên tường. Chỉ nghe một tiếng "choang", lưỡi kiếm ngân lên, tiếng ngân dằng dặc rung lên còn chưa dứt, Trương Tú đã cầm kiếm búng người phóng qua chiếc bàn, nhẹ nhàng như én lượn trên mặt nước.

Ngẩng đầu nhìn lại, Tiền Ninh đã từ ngoài cửa lách vào, trên tay cầm hai cây nỏ thép, mỉm cười nhìn lão. Nỏ đã lên dây, trên nỏ lắp một loạt những mũi tên đen nhánh. Lúc này bức bình phong bên trong cũng đổ rầm xuống, bốn tay Cẩm Y Vệ cầm nỏ đang đứng phía sau. Trương Tú thấy vậy thì không khỏi chán nản buông tay.

Mâu Bân dằn đao cười nói:

- Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt. Đại nhân rốt cuộc cũng đã thức thời. Huynh đệ một nhà cả, đừng động đao động thương làm tổn thương hoà khí là tốt nhất. Lúc này ti chức chỉ hy vọng người của Đông tập sự xưởng cũng biết thức thời, bằng không sẽ khiến người của ngoại đình nhìn vào chê cười.

Trương Tú vừa kinh hoảng vừa giận dữ, quát to:

- Mâu Bân, ngươi muốn tạo phản hay sao? Dám bắt giữ bản quan! Trong Đông tập sự xưởng lúc này đang có tám ngàn phiên tử đồn trú, chỉ với một ngàn nhân mã của ngươi mà cũng dám lấy đá chọi trứng ư?

Mâu Bân tặc lưỡi:

- Đại nhân! Ti chức vừa khen ngài thức thời, sao giờ lại đã hồ đồ rồi. Đông xưởng ấy à, dĩ nhiên tự có vị Dương đại nhân lắp cánh bay về kinh đi bắt quân phản nghịch đó rồi. Ti chức nào dám tranh công đầu với y chứ?

Trương Tú lùi về sau mấy bước, kinh hãi thốt lên:

- Y... y đã về kinh rồi?

Mâu Bân nhìn lão ta bằng ánh mắt thương hại:

- Không biết mình không biết người thì sao có thể thắng được đây? Ti chức cũng mới vừa biết đây thôi. Dương đại nhân đổi ngựa không đổi người, cải trang làm thương nhân buôn ngựa từ Kim Lăng đi vội suốt ngày đêm, đã về kinh được năm hôm rồi!

Trương Tú nghe vậy, sắc mặt lập tức trắng bệnh. Mâu Bân thở dài một tiếng rồi quay người thong thả bước ra khỏi phòng, khoan thai:

- Tiền Ninh! Tuyên khẩu dụ của thánh thượng đi!

Mâu Bân bước ra khỏi phòng khách, nghe tiếng của Tiền Ninh vẳng lại bên tai:

- Điều tra được Đề đốc chỉ huy sứ Trương Tú của Cẩm Y vệ cấu kết với ty Lễ Giám và Đông xưởng mưu hại đại thần, có ý đồ làm loạn. Nay hạ lệnh lập tức bắt giữ, chờ ngày thẩm vấn!

Chú thích:

() nguyên văn "Thiên tác nghiệt, do khả hoạt" trích trong Kinh Thư "Thiên tác nghiệt, do khả vi. Tự tác nghiệt, bất khả hoạt". Ý nói "hoạ do ông trời gây ra thì mình còn tránh được, chứ tội do mình gây nên thì mình sẽ phải gánh lấy (chết)."

() nguyên chỉ mười tội ác không thể tha thứ thời phong kiến. Bao gồm: mưu phản, đại nghịch, phản quốc, ác nghịch, bất đạo (tàn ác, hung bạo...), đại bất kính (trộm đồ, dối gạt vua), bất hiếu, bất mục (mưu giết, bán người thân), bất nghĩa, loạn luân. Sau chỉ chung các tội ác tày trời.

() niêm phong trả lại thì gọi là phong hoàn. Thường dùng cho chiếu, sắc.

() nội đình có kho riêng, để vua trực tiếp chi dụng, gọi là nội khố

() tạm dịch "nơi ấy bỗng dưng hưng thịch, nơi ấy bất chợt diệt vong", ý nói sự thay đổi giữa thịnh vượng phồn vinh và diệt vong mất nước luôn không ngừng thay đổi. Câu này được trích từ trong "Tả truyện", chép rằng: "Vũ, Thang tội kỷ, kỳ hưng dã bột yên; Kiệt, Trụ tội nhân, kỳ vong dã hốt yên." (tạm dịch: Vua Vũ vua Thang tự trách bản thân, nơi ấy bỗng chốc thịnh vượng phồn vinh; vua Kiệt vua Trụ trách tội người khác, nơi ấy đột ngột suy tàn diệt vọng."

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio