Sau khi kiên nhẫn lắng nghe một hồi, rốt cuộc Dương Lăng cũng hiểu được đại khái sự việc. Hoá ra vị Lý cử nhân này cũng là con cháu quan lại, phụ thân từng làm Hữu thị lang bộ Công, có anh trai hiện đang làm quan của bộ Lại. Ba năm trước sau khi đỗ đạt, có công danh ()Lý cử nhân mới đính ước chuyện hôn nhân. Sau khi từ hôn Cao Văn Tâm, được huynh trưởng tác hợp, hắn đã đính hôn với nhà Lưu ngự sử.
() có khi chỉ có nghĩa là thi đậu, có danh vọng (ví dụ đậu tú tài); ở đây vì đã đậu Cử hân nên được đưa vào danh sách chờ bổ nhiệm làm quan.
Không ngờ mấy ngày trước Lưu ngự sử lại đột nhiên sai người huỷ hôn. Hai nhà chưa lập hôn thú, chuyện này vốn cũng chẳng đáng chê trách gì, song Lý cử nhân lại nuốt không trôi, bèn tìm đến nhà để tranh luận phải trái. Lưu ngự sử chẳng nói gì nhiều, chỉ lạnh nhạt nói một câu tiểu nữ cứng đầu hư hỏng không dám trèo cao rồi đuổi hắn về.
Lý cử nhân bị hai tên gia đinh lôi ra khỏi cửa, nghe thấy bọn chúng trong lúc đóng cửa cười nhạo hắn đã đắc tội với Dương đại nhân của Nội xưởng mà còn vọng tưởng bám víu vào Lưu ngự sử. Do vậy hắn mới nảy lòng nghi ngờ Dương Lăng đã âm thầm gây chuyện phá đám, bèn tìm đến nhà để lý sự.
Dương Lăng nghe vậy mà bực cả mình, loại chuyện xúi quẩy này làm sao giải thích rõ ra đây? Y đảo mắt nhìn quanh, thấy đằng xa đã bắt đầu có nhiều thôn dân kéo đến xem náo nhiệt, bèn cười nhạt một tiếng rồi nói:
- Dương mỗ xuất thân ở chốn hoang vu, trong nhà mấy đời làm nông, mãi đến đời Dương mỗ, may được Tiên đế và đương kim Hoàng thượng tín nhiệm mới giao cho trọng trách. Thiên ân tẩy rửa thân phận, kẻ làm bề tôi nào dám không tận trung báo đáp?
Dương mỗ thân là tổng đốc Nội xưởng, lo nghĩ cũng là cho cả đất nước. Nơi nào có kẻ phạm thượng gây loạn, nơi nào có quan lại tham ô phạm pháp, nơi nào có thiên tai nhân hoạ, cần cấp báo về cho vua hay thì Dương mỗ mới nhúng tay vào. Ngươi nghĩ bản quan là ông tơ bà mối của nhà họ Lý à? Ngươi cưới vợ cũng được, nạp thiếp cũng được, chuyện đó có liên quan gì tới bản quan?
Thân là cử nhân, ngươi nên biết rằng kiện cáo vu vơ, nhục mạ bản quan là có tội. Ngươi đã biết tội chưa? Niệm tình ngươi có được công danh không dễ, bản quan cũng không muốn so đo. Nếu như có bằng chứng, ngươi có thể đến phủ Thuận Thiên kiện bản quan phá hỏng nhân duyên, nếu như không bằng không chứng, vậy mời ngươi về đi cho.
Dương Lăng dùng khẩu khí mà Lý cử nhân trả lời lúc trước trả lại hết cho hắn, ngay sau đó quay sang nháy mắt với gia nhân. Hai tên gia nhân đã biết gã Lý cử nhân này bạc tình vô lễ với tiểu thư nhà mình, vốn đã không ưa, vừa thấy lão gia ra hiệu liền xông lên cắp nách đẩy hắn đi một mạch thật xa.
Lý cử nhân biết Dương Lăng xuất thân văn nhân, vốn còn tưởng đến nhà đấu lý lẽ một phen, ai ngờ Dương Lăng lại không thèm đấu khẩu mà sai người đuổi hắn về, thế là giận run người mắng:
- Hổ thẹn cho kẻ văn nhân, thật sự là hổ thẹn cho kẻ văn nhân!
Dương Lăng cũng cảm thấy chán nản trong người. Chuyện này hoàn toàn không cách nào giải thích rõ ràng được, lại còn bị Hoàng thượng nhìn thấy. Nhưng giờ không phải là thời kỳ căng thẳng nên lại không thể điều phiên tử Nội xưởng về giữ cửa, e rằng sau này quan viên tới thăm càng lúc càng nhiều, bọn họ thấy được sự phô trương như vầy há chẳng sẽ chỉ trích mình sao?
Dương Lăng xoay người gượng cười nói với Chính Đức:
- Hoàng thượng! Thần và láng giềng có chút hiểu lầm đã khiến Hoàng thượng chê cười rồi.
Chính Đức cười lớn đáp:
- Vị cử nhân đó nghĩ khanh trộm búa() mà thôi, nào có liên hệ gì với ái khanh đâu? Được rồi, trời cũng không còn sớm nữa, trẫm phải về cung đây.
Hắn vừa nói vừa cười, vẫy tay chào Dương Lăng đang đứng ngây người; gia nhân đã mở cửa hông dắt ngựa ra ngoài.
Hoá ra khi nãy Lưu Cẩn đã đem hết sự tình kể từ đầu đến cuối cho Chính Đức. Đúng là trong triều có người thân thì dễ xử lý công việc: bản thân Dương Lăng không thể biện bạch, có người khác giải thích giùm mình sẽ dễ khiến người ta tiếp nhận hơn.
Số lần Lưu Cẩn lui tới Dương phủ hơn xa Chính Đức, cho nên lão đã nghe chuyện Lý cử nhân hủy hôn từ trước. Ngày đó Lưu Vũ đem một tấu chương khá quan trọng vào triều, trong lúc tán gẫu đã đề cập đến chuyện cưới hỏi của con gái mình, Lưu Cẩn buột miệng kể lại vài câu, ai ngờ Lưu ngự sử này ghi nhớ trong lòng. Vì muốn tránh nảy sinh khúc mắc với Dương Lăng nên lão đã hủy hôn.
Phải nói vị Lưu Vũ này cũng là một kẻ khôn khéo. Tuy lão ta giao hảo với Tiêu Phương nhưng đám lão thần chính phái trong triều chỉ ghét cay ghét đắng Tiêu Phương mà lại rất thưởng thức lão. Đỗ tiến sĩ năm Thành Hoá thứ tám, trước tiên lão làm Tri huyện rồi thăng làm Ngự sử, lại từng làm Án sát sứ tỉnh Sơn Đông.
Về sau Đại học sĩ Lưu Kiện đề bạt lão làm Hữu thiêm đô ngự sử. Sau khi hoàng đế Chính Đức kế vị, Thượng thư Mã Văn Thăng của bộ Lại tiến cử lão lên làm Hữu đô ngự sử, kiêm Tổng đốc quân vụ Tuyên phủ, Đại Đồng và Sơn Tây, cũng là một vị đại thần có thực quyền trong triều.
Quan hệ giữa Lưu Cẩn và Lưu Vũ cũng rất tốt, nên Lưu Cẩn không nói thật với Chính Đức rằng Lưu ngự sử e ngại ân oán giữa Dương Lăng và Lý gia, mà chỉ nói vị ngự sử này nghe nói Lý cử nhân là kẻ ném đá xuống giếng (dậu đổ bìm leo), hoài nghi phẩm hạnh của hắn nên bèn hủy hôn. Chính Đức lại là kẻ đầu têu gây nên chuyện này, nghe vậy đương nhiên chỉ cười bỏ qua.
(ý nói vì hắn nên Cao Văn Tâm mới bị phạt nô tịch và bị hủy hôn, dẫn đến ân oán hai nhà Dương-Lý)
Hiện Dương Lăng cũng chẳng có sức đâu mà lo bao đồng được nữa, bấy nhiêu quan viên trong triều còn đang tìm cách gây phiền phức cho y, kể chi là một tên cử nhân như thế này. Vả lại Cao Văn Tâm đã vì nhà họ Dương, vì mình mà bỏ ra rất nhiều công sức, mình mắc nợ nàng ấy rất nhiều.
Nay vì Lý cử nhân đến gây sự, Hoàng thượng đã mở kim khẩu ban cho Cao Văn Tâm kế thừa chức vị thái y của cha nàng, chẳng những mình đã thực hiện được lời hứa với nàng mà cũng đủ để nàng ấy an ủi linh hồn người cha già nơi chín suối.
Ngay khi đưa tiễn Chính Đức về, Dương Lăng phấn khích định chạy vào hậu viên. Luôn theo cạnh y, Thành Khởi Vận thấy thần sắc y như vậy liền khẽ thở dài bảo:
- Đại nhân không cần phải vội! Vừa rồi lão quản gia đã sai người vào hậu viện báo tin rồi.
Dương Lăng "ồ" lên một tiếng, rồi cũng cảm thấy mình hơi nóng vội, y không khỏi ngượng ngập cười trừ:
- Biết rồi thì tốt. Cô ấy vốn là thiên kim tiểu thư cao cao tại thượng, tuy nhà họ Dương chưa từng đối đãi với nàng ấy như thị tỳ, nhưng dẫu gì thì lớp thân phận ấy cũng khiến nàng ấy tự ti mãi. Giờ đây nỗi lòng của ta cuối cùng đã được giải quyết.
Nghĩ đến thân thế của mình, Thành Khởi Vận không khỏi cảm thấy xót xa, nàng lặng lẽ một lát rồi nói:
- Văn Tâm tiểu thư tuy rằng bất hạnh, nhưng gặp được đại nhân là vận phước của nàng ấy.
Nói đến đây ánh mắt nàng trở nên mê mang, dừng lại một chút rồi nàng mới nhỏ nhẹ nói tiếp:
- Nàng ta bị giáng thành quan nô, cha mình chết đi cũng không thể mặc áo chịu tang. Nếu đại nhân muốn giúp nàng một chút, vậy hãy lập linh đường cho Cao thái y trong nhà ngang ở dãy trước, rồi ngay mai cho phép thân quyến Cao gia đến phần mộ cúng tế cho tận lòng nhi nữ được không?
Dương Lăng mừng rỡ nhìn nàng tán thưởng:
- Vẫn là phụ nữ tinh tế! Sao ta lại không nghĩ đến việc này nhỉ? Quản gia, lão quản gia...
Phải xắn tay vào làm việc mới biết nó gian nan dường nào. Vốn Dương Lăng cho rằng khó khăn là ở chỗ làm sao thuyết phục bá quan đồng ý với việc giải trừ cấm biển, ai ngờ bản điều trần về việc thay đổi giống cây trồng mới đó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của bá quan.
Mặc dầu hiện tại Dương Lăng và Bát Hổ đã có thực quyền hơn Lý Đông Dương, có thể nói là “quyền khuynh triều chính”, và việc hai người Lưu Tạ bãi quan rời triều cũng được đa số quan viên đón nhận với thái độ trầm mặc, nhưng những việc lớn có liên hệ đến quốc kế dân sinh và giang sơn xã tắc như thế này thì bá quan lại không hề cẩu thả qua loa.
Giống cây trồng mới có thích nghi để sinh trưởng tại các nơi trên Đại Minh hay không, sản lượng như thế nào, những việc này chưa biết rõ ngọn ngành thì ai mà dám mạo hiểm? Bản điều trần vừa được trình lên, lập tức “quần chúng” liền ùn ùn tấn công tới tấp, triều đình mới vừa được chút yên ả lập tức lại nổi phong ba.
May mà Tiêu Phương đa mưu túc trí, không hề ra mặt ủng hộ kiến nghị của Dương Lăng. Ông ta chỉ bày vẽ ý tưởng cho hảo hữu là chủ sự Trương Thái ở bộ Lại dâng tấu chương lên. Vốn lời nói của Trương Thái không có trọng lượng, cho dù hắn có bị người ta mắng cho té tát thì vẫn dửng dưng như không. Dẫu gì thì hắn chỉ là một viên quan bé tí bằng hạt đậu, cùng lắm là bị người ta mắng cho là tùy tiện lỗ mãng là cùng, không đến nỗi khiến cho đám người Dương Lăng, Lưu Cẩn và Tiêu Phương rơi vào thế bị động trên triều đình.
Dương Lăng nghe trình báo của Tiêu Phương xong thì không khỏi chau mày. Việc này bá quan không sai, cho thứ không rõ nguồn gốc trồng trọt đại trà rộng rãi khắp toàn quốc, ở bất cứ triều đại nào cũng đều là chuyện không thể xảy ra. Do mình biết rõ đặc tính của những thứ lươn thực này cho nên mới có thể cho qua, nhưng liệu điều đó có thể được dùng làm chứng cứ thực tế để thuyết phục bá quan ư?
Dương Lăng nhìn sang Tiêu Phương. Thấy lão nhíu mày, tay vân vê chòm râu, vẻ như vô kế khả thi, y không khỏi cười ảo não. Trông bộ dạng đó của Tiêu Phương thì thứ này sản lượng cao hay thấp, có thích hợp để sinh trưởng hay không, e rằng lão cũng không tự tin cho lắm. Ngay cả bè đảng của mình còn chưa tin tưởng, khó trách bá quan lại cẩn thận như vậy.
Trầm ngâm hồi lâu, Dương Lăng mới từ từ nói:
- Chúc Chi Sơn mà bản quan có nhắc đến với đại nhân lần trước hiện đã về Tô Châu mang giống cây và thợ trồng vào kinh rồi, tạm thời sắp đặt cho y đến Đào Nguyên tỉnh Hồ Nam nhậm chức tri huyện, thử trồng ở một huyện trước.
Tiêu Phương đáp:
- Hay! Nhưng nếu chỉ trồng thử ở một huyện, cho dù có hiệu quả vẫn không thể chứng minh loại cây ngô và khoai lang này thích hợp với mọi đất màu mà.
Dương Lăng gật đầu:
- Không chỉ như vậy! Mà như thế thì chuyện giải trừ bế môn tỏa cảng mau nhất cũng sẽ phải đợi đến sang năm. Cho nên năm sau nhất định phải có thu hoạch của một tỉnh, hơn nữa phải chứng minh được thứ này thích hợp sinh trưởng ở nhiều nơi. Lúc đó, hai vị đại học sĩ Lý Đông Dương và Dương Đình Hoà và những người cùng phe với bọn họ mới sẽ ra mặt ủng hộ ta.
Y nghĩ ngợi một chốc rồi nói tiếp:
- Phó sứ Diêm vận ti Hải Ninh là Mẫn Văn Kiến trước đây chém chết vương tử Thát Đát, lại có công chống Oa, bảo người phe ta trong Ngự sử đài tạo chút thanh thế cho ông ta, thăng làm Phó chỉ huy sứ ty Chỉ huy sứ của Chiết Giang, để ông ấy phát động quân đội Giang Nam khai hoang, trồng thử ở những nơi cằn cỗi vùng đó trước.
Ngoài ra, chuyện nông canh không thể thiếu bộ Hộ. Chuyển Nghiêm Tung của Hàn Lâm Viện làm lang trung bộ Hộ, bảo y làm trung gian hoà giải mọi chuyện. Y chinh là cái vị hàn lâm cao gầy mà ngày trước đại nhân đến đã gặp đó.
Nhắc đến Nghiêm Tung, Dương Lăng không khỏi mỉm cười. Tính tình của vị “gian thần” nổi tiếng trong lịch sử này không ngờ lại cẩn thận thông minh. Mình hồi kinh lâu như vậy mà hắn vẫn chưa dám đến nhà thăm viếng, mãi đến khi trong triều yên ắng trở lại, thế lực của mình đã định hình, không còn có nguy hiểm gì nữa thì hắn mới chịu ló mặt. Có điều nếu hắn là người xem trọng quyền thế thì không sợ không có chỗ cho mình dùng.
Tiêu Phương liên tục gật đầu, âm thầm ghi nhớ. Dương Lăng chợt nhớ tới vị Trương Thái đáng thương đã thay y đứng ra làm bia đỡ đạn, bèn hỏi:
- Trương Thái bị bá quan chỉ trích, hiện tại vẫn có thể trụ được chứ?
Tiêu Phương cười ôn hoà đáp:
- Không sao! Có lẽ mấy ngày nay bá quan trong triều ấm ức đã lâu, nên lấy Trương Thái làm chỗ để trút giận mà thôi. Hắn chỉ là một chủ sự cỏn con, vua cũng thua thằng liều mà, đám người đó cũng không còn cách nào khác với kẻ phiền phức như hắn hết. Vả lại hắn và Lưu công công là đồng hương Thiểm Tây, rất được Lưu công công thưởng thức, nếu lão phu không khuyên nhủ thì Lưu công công còn muốn thăng quan cho hắn nữa đó.
Dương Lăng không nhịn được cười to một tiếng, đoạn hỏi:
- Người này có thể dùng không?
Sau một thoáng trầm ngâm, Tiêu Phương chậm rãi đáp:
- Người này xuất thân tiến sĩ, khôn khéo có tài, tuổi tuy trẻ nhưng rất am hiểu lẽ quan trường. Lần này, trước khi dâng tấu thăm dò hắn đã từng quả quyết với lão phu rằng nhất định hắn sẽ bị bá quan công kích, đích thực nhãn quan hắn rất độc đáo. Có điều hắn tham tiền háo sắc, đó là khuyết điểm lớn nhất của người này.
Dương Lăng thở dài một hơi. Những kẻ mà mình có thể dùng đều là dưa sâu táo xấu, có được người thiếu đức nhưng có tài đã là hiếm lắm rồi, cứ cố mà dùng tạm thôi. Đợi khi tranh thủ được sự ủng hộ của Lý Đông Dương và Dương Đình Hoà thì khi đó mình sẽ có nhiều người để dùng. Y bèn quyết đoán:
- Bản quan không dùng hắn thì Lưu Cẩn sẽ dùng hắn. Mượn cơ hội bá quan công kích mà giáng cho hắn làm Cấp sự trung bộ Hộ, ngoài giáng trong thăng(), vị trí này không nằm trong tay chúng ta nhưng thực chất là để kiềm chế bọn họ.
Tiêu Phương đồng ý rồi nói:
- Đại nhân vẫn nên lưu ý bộ Lại, nếu nắm quyền thăng chức bá quan trong tay thì mọi việc mới có thể thuận lợi, như cá gặp nước vậy. Hiện tại chúng ta chỉ điều chỉnh một ít quan viên nên Mã Văn Thăng vẫn chưa dám không nể mặt. Còn nếu đại nhân muốn phát triển thì không thể không bắt bộ Lại, bộ Lễ và bộ Binh phải nghe theo lời ngài.
Dương Lăng biết xưa nay lão vẫn không hợp với vị thượng cấp cũ đó, tuy là có ý tốt nhắc nhở y, song cũng có ý muốn mượn tay mình để trị Mã Văn Thăng. Nhưng mà Mã Văn Thăng tay nắm đại quyền, đức cao vọng trọng, hiện tại triều chính mới vừa yên ổn, vẫn chưa phải lúc thay đổi toàn bộ các cương vị quan trọng một lượt.
Vương Hoa của bộ Lễ là người theo chủ nghĩa trung dung, hành sự đều theo quy củ, đến giờ vẫn hoà thuận với mình. Hơn nữa, con trai lão vì đắc tội với Lưu Cẩn hiện đang bị nhốt trong lao, qua ít ngày nữa đợi Lưu Cẩn hết giận mình mở miệng bảo lão thả hắn ra, có được phần nhân tình này sẽ càng không sợ lão ấy làm khó mình.
Lưu Đại Hạ của bộ Binh tuy không xem trọng mình, nhưng đám võ quan của lão lại rất khách khí với mình, cộng thêm mình kiêm chức thống lĩnh thân quân thị vệ, ít nhiều cũng có thể can dự được vào chút việc của bộ Binh, nên trước mắt sẽ không cần thiết phải thu lấy nó.
Nghĩ đến đây, Dương Lăng lắc đầu đáp:
- Cứ từ từ thôi! Căn cơ còn chưa ổn định nên việc này không thể gấp được.
Đoạn y đứng dậy, mỉm cười:
- Đi thôi, bản quan cùng đại nhân về thành. Muốn thuyết phục Hoàng thượng cho trồng thử trước ở một tỉnh thì bản quan không thể không vào cung một chuyến.
Ngồi trong kiệu Dương Lăng vén rèm lên, nhìn những mảnh ruộng tiêu điều của mình, lặng lẽ chìm vào tâm sự của bản thân: sau khi nắm quyền lớn trong tay Lưu Cẩn đã bắt đầu âm thầm tự đề bạt tâm phúc của lão mà không thông báo cho mình biết.
Lưu Cẩn biết chữ không nhiều, phê duyệt tấu chương cũng gặp không ít trở ngại. Nhưng bây giờ lão ta trọng dụng cháu rể của mình là Tôn Thông và một tên tú tài thi rớt tên là Trương Văn Hoảng, không ngờ "ba anh thợ giày"() này cũng bắt đầu phúc đáp tấu chương đâu vào đấy. Người này là kẻ có dã tâm nhất trong Bát Hổ, hiện tuy là đồng minh, nhưng không thể không đề phòng.
Sau này nhất định phải chú trọng việc thân cận với mấy người Trương Vĩnh và Cốc Đại Dụng. Mình không thể thường xuyên ở cạnh Hoàng đế, chỉ cần mấy đại thái giám có thể chung vai chung vế với Lưu Cẩn này cùng hội cùng thuyền với mình thì có lẽ Lưu Cẩn sẽ ngoan ngoãn nghe lời thôi.
Giờ đây nếu muốn trồng thí điểm ở một tỉnh, e rằng việc này sẽ còn phải phụ thuộc vào Lưu Cẩn. Không phải là lão mới vừa đề bạt một tay Hữu phó đô ngự sử tên là Tào Nguyên làm Bố chánh sứ Thiểm Tây sao? Nơi đó là cố hương của Lưu Cẩn, ý thức về quê hương của Lưu Cẩn rất nặng, chỉ cần mình biết dùng công danh lợi lộc dụ dỗ, lại có thân tín mà lão ta đề bạt ở Thiểm Tây làm chủ trì, thì việc phát triển giống mới tất sẽ là chuyện làm chơi ăn thật.
Dương Lăng thở ra một hơi, dưới tiết trời lạnh lẽo hơi thở của y hoá thành một làn sương trắng. Bên đường đã không còn bao nhiêu màu xanh, gốc liễu gốc hoè chỉ còn trơ lại những cành cây khô tàn lụi, xa hơn, mảnh đất màu mỡ sau đợt thu hoạch nay đã biến thành một vùng cằn cỗi.
Trong lòng Dương Lăng nóng bừng, nếu như trồng thử trong hoàng trang() này thì sao? Khoai lang lớn nhanh, loại củ này có thể trồng một năm ba vụ, sau năm sáu tháng đã có thể thu hoạch một số lượng lớn. Đến lúc đó, mình có lương thực chất thành núi để bá quan văn võ trong triều tận mắt chứng kiến, há chẳng sẽ có sức thuyết phục hơn miệng lưỡi ư?
( xin nhắc lại: hoàng trang là thôn trang trực thuộc hoàng gia)
Thế nhưng ruộng đất thuộc hoàng trang cũng có địa chủ riêng, hoàng cung chỉ tự trưng thu thuế thóc không thông qua triều đình thôi; mình có thể thuyết phục được những địa chủ đó thay đổi trồng loại cây trồng sản lượng cao không? Dương Lăng suy nghĩ cặn kẽ một chút, vùng hoàng trang này được sở hữu bởi bảy đại địa chủ, trong đó nhà của Lý cử nhân chiếm mấy ngàn mẫu ruộng. Y có thể không cần phải lo lắng lắm về vị nhân huynh này, nhưng sáu vị địa chủ còn lại cũng đều là những người có bối cảnh, sẽ rất khó để thuyết phục, dùng thủ đoạn cứng rắn lại càng không khôn ngoan, nên làm thế nào mới tốt đây?
Dương Lăng suy nghĩ mãi cho đến khi đi vào kinh thành. Đến cổng cung, Dương Lăng và Tiêu Phương xuống kiệu, trình thẻ bài tiến cung. Tiêu Phương cáo từ trở về Văn Uyên các phê duyệt tấu chương, Dương Lăng đến cung Càn Thanh. Y thấy trong đấy vắng tênh, chỉ có mấy tên tiểu thái giám trực ban đang bó ống tay áo ngủ gật trên ghế.
Sau khi hỏi thăm bọn họ, Dương Lăng biết hoàng đế Chính Đức mới học được một vở hí kịch nên đã phấn khởi chạy đến hậu cung, mời hết Thái hoàng thái hậu, Thái hậu và các vị nương nương, công chúa xem đích thân mình lên sân khấu diễn.
Dương Lăng nghe mà dở khóc dở cười. Y ngồi đợi trong cung Càn Thanh một hồi, cảm thấy trong một khoảng thời gian ngắn nữa ắt Chính Đức sẽ chưa về, bèn đứng dậy đi thẳng đến ty Lễ Giám. Tiểu thái giám giữ cửa nơi này từng theo Lưu Cẩn đến Dương phủ mấy lần, vừa thấy Dương Lăng đến liền vội tươi cười hành lễ rồi quay vào trong cao giọng báo:
- Dương Lăng Dương đại nhân đến!
Dương Lăng cười bảo:
- Có kêu to cũng không có bạc thưởng cho ngươi đâu, sau này ta đến không cần thông báo nữa.
Dương Lăng bước vào trong phòng. Kê sát vào bức tường đối diện là bộ bàn ghế mũ quan bằng gỗ lim(), hai bên là thông phòng() được phủ rèm dày. Dương Lăng rẽ vào căn phòng bên phải, vén rèm bước vào, y thấy trong phòng châm bốn cây nến đỏ sáng trưng.
( 椅.jpg)
Trên chiếc giường đất kê một chiếc bàn lò bằng gỗ tử đàn, trên bàn sắp mấy chồng công văn. Lưu Cẩn đang tươi cười bước xuống giường xỏ giày, trông thấy y vào, lão liền cười lớn:
- Dương đại nhân, ngài đến thật đúng lúc. Ta đang chuẩn bị ngày mai đến thăm ngài đây.
Dương Lăng cười nói:
- Ta vốn không nghĩ công công sẽ ở đây. Nghe nói Hoàng thượng đang hoá trang diễn kịch trong hậu cung, còn đóng vai nữ nữa, công công không phải ở bên người hầu hạ sao?
Lưu Cẩn nghĩ đến bộ dạng hoang đường cải trang giả giọng làm con gái của tiểu hoàng đế Chính Đức thì cũng không khỏi bật cười. Lão xuống giường mời Dương Lăng ngồi rồi quay ra ngoài gọi:
- Thằng nhóc không có mắt đâu rồi, mau dâng trà lên coi!
Đoạn lão quay đầu cười nói với Dương Lăng:
- Bây giờ không giống như trước kia nữa rồi. Ta cũng muốn hầu hạ bên cạnh Hoàng thượng mọi lúc mọi nơi, có điều tấu chương cần chỉnh lý vẫn chưa xong. Đám quan viên nọ viết tấu chương cũng dài dòng hệt như hát tuồng vậy, lê tha lê thê, không đọc hết đến câu cuối cùng thì thật chẳng biết bọn họ muốn nói gì nữa, khiến người ta sốt ruột chết đi được. Hiện tại Mã Vĩnh Thành đang theo hầu Hoàng thượng đó.
Dương Lăng biết lão đọc những tấu chương đó không hiểu bao nhiêu. Thông thường lão sẽ mang chúng về nhà, trước tiên bảo tên tú tài mà lão rước về giải thích cho lão hiểu, sau đó lại mang kiến nghị của Lý Đông Dương, Tiêu Phương, Dương Đình Hoà ra cho cả ba người (thêm đứa cháu rể) vừa uống trà vừa thảo luận, sau cùng sẽ chọn xác nhận được xem là thích hợp nhất.
Những chuyện này là do Cốc Đại Dụng lúc đến thăm kể thành chuyện cười cho y nghe, đương nhiên Dương Lăng sẽ không nói toạc ra.
Hai người trò chuyện vài câu, Dương Lăng thấy trong phòng chỉ có hai người, thích hợp để khuyên lão trồng thử khoai lang ở quê nhà, bèn nói:
- Bản quan có một chuyện muốn bàn bạc cùng công công.
Không ngờ cùng lúc Lưu Cẩn cũng nói:
- Ta có việc muốn bàn bạc cùng đại nhân.
Hai người vừa nói xong, đồng thời cùng thoáng sững người, rồi cùng bật cười lớn. Dương Lăng xua tay cười nói:
- Chuyện của bản quan nói ra thực hơi phiền phức. Công công có việc gì xin hãy nói trước cho ta nghe thử.
Lưu Cẩn vươn người nhón lấy một bản tấu chương dày cộp ở trên bàn rồi nói:
- Hiện nay ta nắm giữ nội đình, không thể không có cống hiến gì cho triều đình. Đại nhân đề xuất việc giải cấm thông thương ích nước lợi dân, khiến ta có chút gợi ý, bèn trăn trở mấy đêm, nghĩ ra được một ít kiến giải bài trừ những tệ nạn hủ bại trong triều, muốn trình lên cho Hoàng thượng.
Dương Lăng sửng sốt, nhìn vẻ mặt nghiêm túc lẫn hưng phấn của Lưu Cẩn mà không dám cười, bèn ho khan vài tiếng rồi hỏi:
- Không biết công công muốn đưa ra kiến nghị về phương diện nào?
Lưu Cẩn hăng hái:
- Ta suy nghĩ ba đêm, tổng hợp những vấn đền liên quan đến năm bộ Lại, Hộ, Binh, Công, Hình, tổng hợp những mặt về luật pháp, liêm chính, trị lại, hộ tịch, đất đai, tiền lương đã đề xuất ra bốn mươi sáu kiến nghị.
Lão cười khiêm tốn nói tiếp:
- Thật ra... còn có mấy kiến nghị khác nữa, có điều ta vẫn chưa nghĩ ra được biện pháp thích hợp cho nên chưa nêu ra.
Dương Lăng vất vả nuốt ngụm nước bọt, trợn mắt nhìn vị “tiên phong về cải cách” mà không mở miệng nói được câu nào.
Chú thích:
() Nguyên văn "nghi lân đạo phủ" (nghi: nghi ngờ; lân: láng giềng; đạo: lấy trộm; phủ: búa/rìu), tạm dịch nghi ngờ láng giềng trộm búa của mình. Truyện kể rằng có một người bị mất cái búa, nghi ngờ đứa con nhà hàng xóm lấy trộm, nên cảm thấy bất cứ hành động dáng vẻ gì của đứa bé nọ cũng đều đáng ngờ. Vài hôm sau, ông ta tìm lại được cái búa bị mất, thế là không còn cảm thấy thằng bé nhà bên cạnh giống như kẻ trộm cắp nữa. Truyện dạy ta rằng: chớ nên dễ dàng nghi ngờ người khác, cần phải có chứng cứ thiết thực.
() Nguyên văn "minh hàng ám thăng": bề ngoài chuyển làm một chức vụ bé hơn nhưng quyền hạn thực tế lại cao hơn.
() Trích từ câu nói "ba anh thợ giày bằng một ông Gia Cát Lượng": đại ý nói nếu không có cá nhân giỏi thì tập thể cũng có thể làm nên chuyện (giống như "ba cây chụm lại nên hòn núi cao" vậy).
() Hai phòng liên thông với nhau.