dịch: Uyên Uyên
Chương
"Dám lấy trộm con dấu của bố, ai cho con cái gan đó vậy hả?!
"Mối quan hệ mật thiết với nhà họ Thịnh ở Giang Nam được thiết lập từ thời ông cố của con, lô nguyên liệu này liên quan đến việc kinh doanh hai năm tới của nhà họ Lâm ta. Con nghĩ con đắc tội với nhà họ Thịnh thôi sao? Đứt mất nguồn cung, lấy tiền đâu trả cho mấy chục thợ thầy của nhà họ Lâm? Con có đền nổi uy tín với khách hàng đã làm ăn cùng mấy chục năm không?! Con đã chặt đứt gốc rễ của nhà họ Lâm này rồi có biết không hả."
"Nói! Tại sao lại làm vậy?!"
Thường ngày từ đường của nhà họ Lâm cũng không mở cửa, nhưng hôm nay cả cổng ngoài cũng đóng chặt.
Mọi người đứng đầy trên khoảng đất trống ngoài sân.
Dương Hoài Ngọc dựa vào Từ Tuệ, mắt đỏ ửng, đến đứng còn không vững.
Bà cụ hối hả bước từ bên ngoài vào, quan sát tình hình rồi đập cửa: "Lâm Bách Tòng! Anh mở cửa ra ngay! Có chuyện gì từ từ nói với con với cháu, anh học đâu cái thói đánh con thế hả!"
Tiếng Lâm Bách Tòng vọng ra: "Mẹ, mẹ đừng can thiệp vào chuyện này."
Lâm Bách Tòng quyết tâm phải bắt Lâm Du nói cho rõ ràng mọi chuyện.
Trong từ đường rất tối, Lâm Du quỳ trên đất trước một hàng bài vị, còn không được dùng đệm lót gối.
Mấy năm trôi qua, Lâm Du bây giờ đã mười một tuổi, không còn là cục bột bé xinh như ngày nhỏ, cằm nhọn hơn, vóc dáng cao gầy, nhưng đôi mắt ấy vẫn đẹp mãi như ngày trước.
Hiện tại cậu chỉ mặc bộ áσ ɭóŧ mỏng, cúi đầu để lộ những vết voi nổi hằn rõ trên chiếc ót trắng nõn gầy gò.
Là vết roi mây mà Lâm Bách Tòng đánh.
"Nói chuyện!" Lâm Bách Tòng đứng cạnh, nổi trận lôi đình.
Lâm Du cúi đầu, bắt đầu nói: "Con không gì để nói, bố, bố muốn đánh thì cứ đánh đi."
"Được, được lắm!" Lâm Bách Tòng gật đầu, "Bố thấy mấy năm nay người trong nhà chiều hư con rồi, làm con không còn biết trời cao đất dày nữa."
Bao năm nay Lâm Bách Tòng thật không nỡ lòng đụng đến một ngón tay của đứa con trai này.
Trong nhà không ai không cưng chiều cậu. Cậu ngoan biết chừng nào, thường ngày gặp ai cũng cười tít mắt, được yêu chiều như đồng tử dưới tòa Quan Âm. Cũng có chút tật xấu, khi bệnh lười phát tác thì không chịu ra ngoài, cả ngày lòng vòng trong nhà. Nhưng bản thân cậu cũng có chí tiến thủ, lúc phải tự mình làm việc thì không cần bố mẹ phải phiền lòng đôn thúc một lời nào.
Bình thường Lâm Bách Tòng không hay khen cậu ra miệng, nhưng sự tự hào qua mỗi năm lại mỗi tăng.
Nhưng đứa con ngoan ngoãn đó, đã lẳng lặng ném hẳn một quả bom.
Lâm Bách Tòng đi vòng qua Lâm Du, lấy một cây thước rộng bằng ngón tay để dưới cùng trên tủ thờ bài vị ra. Đây là gia pháp thật sự của nhà họ Lâm, nghe nói lần gần nhất được lấy ra là lúc chú ba của cậu ra ngoài vận chuyển đồ dưới lòng đất với người khác bị ông cụ biết, giờ Lâm Du thành công thành trường hợp tiếp theo.
"Con biết lỗi chưa?" Lâm Bách Tòng hỏi lần cuối cùng.
Lâm Du nhìn ánh mắt phức tạp của cha mình, cậu cụp mắt, lựa chọn im lặng.
"Xem ra con không thấy mình làm sai." Lâm Bách Tòng vừa dứt lời là "chát" một tiếng, cây thước giáng thẳng xuống sống lưng gầy gò của cậu.
Cả người Lâm Du run rẩy, thầm nghĩ, đau thật đấy.
Kiếp trước cậu cũng từng chịu trận đòn này, nhưng lúc đó là vì cậu nói với Lâm Bách Tòng mình thích đàn ông.
Cậu cũng từng thế này, thẳng lưng, sống chết không nhận sai.
Nhưng nếu thời gian có thể quay lại, Lâm Du sẽ nói với Lâm Bách Tòng, con sai rồi, sai lầm gần như triệt để.
Có điều riêng lần này cậu không thể.
Cậu không có cách lẫn không dám chắc mình có thể thuyết phục Lâm Bách Tòng rằng nửa năm sau nhà họ Thịnh ở Giang Nam sẽ đổi chủ gia đình. Người mới lên nắm quyền cực kỳ không đáng tin, làm lụi bại gia nghiệp trong một quãng thời gian ngắn ngủi, còn trực tiếp đắc tội chính quyền địa phương.
Việc quản lý gỗ sẽ chỉ càng lúc càng nghiêm, nhà họ Thịnh đã vào đường cùng.
Một khi ký kết hợp đồng mới, nhà họ Lâm sẽ thật sự gặp họa bật gốc, không còn con đường nào để quay đầu.
Lâm Du còn quá nhỏ, dù cậu cố gắng mấy thì danh tiếng của thầy cả bé Du cũng chưa đủ để cậu tiếp quản nhà họ Lâm vào thời điểm này.
Cậu chỉ còn một lựa chọn duy nhất.
Tiếng thước đánh chan chát cứ không ngừng vang lên trong từ đường, người bên ngoài nghe qua một lớp cửa cũng thấy hãi hùng trong lòng.
Dương Hoài Ngọc không kiềm được nữa, chạy thẳng lên đập cửa, "Lâm Bách Tòng anh đủ rồi đấy! Anh muốn đánh chết con luôn có đúng không? Con mà có mệnh hệ gì tôi cũng liều mạng với anh!"
"Chị cả." Từ Tuệ vội giữ cô lại, "Chị đừng sốt ruột, anh cả sẽ tự biết canh nương tay mà, bình thường anh ấy thương Tiểu Du chừng nào mọi người đều biết mà."
"Lần này khác." Dương Hoài Ngọc cũng biết chuyện lần này lớn đến mức nào.
Trộm con dấu cũng chẳng có gì, quan trọng là cậu dùng danh nghĩa của Lâm Bách Tòng để hủy hợp đồng hợp tác. Vào thời điểm quan trọng mà nguồn cung lẫn thành phẩm đều đã kí kết như thế này, cậu đã đẩy nhà họ Lâm ra trước lưỡi dao.
Số tiền liên quan đến sự việc này rất khổng lồ, nhưng tiền vẫn chưa phải thứ quan trọng nhất, mà là uy tín.
Cả đời người nghệ nhân xem danh dự uy tín còn quan trọng hơn tiền bạc và tính mạng.
Đứa nhỏ này chọc thủng cả trời rồi.
Âm thanh bên trong vẫn vang lên liên tục nhưng lại chẳng nghe được tiếng nào của Lâm Du.
Dương Hoài Ngọc sụp đổ hoàn toàn, con trai yếu ớt đến mức nào cô là người rõ nhất, mọi khi bị đứt tay một tí cũng phải giơ ra trước mặt để mọi người trong nhà thổi hết một lượt mới chịu thôi. Giọng cô nghẹn ngào, tay đập cửa: "Tiểu Du, em bé, mẹ xin con đó, nhận lỗi với bố con đi có được không?"
Rồi lại gọi Lâm Bách Tòng: "Lâm Bách Tòng, anh dừng tay cho tôi! Đừng đánh nữa!"
Bà cụ đứng cạnh thấy vậy cũng cuống lên, cả nhà rối tung hết cả.
Đến lúc này Từ Tuệ cũng chẳng kịp nhớ thường ngày Lâm Du luôn át mất hào quang của con mình nữa, cô nhìn hai đứa con đang đứng ngây ra trong sân giục: "Đừng có đứng đực ra đó, tới trường gọi anh cả mấy đứa về đây."
"Đúng, chắc chắn anh cả sẽ có cách!"
Hai đứa nhỏ Lâm Thước và Lâm Hạo lập tức quay đầu chạy vội ra ngoài.
Một năm trước Văn Chu Nghiêu đậu vào trường cấp ba trọng điểm Nhất Trung của Kiến Kinh với thành tích đứng đầu.
Lâm Thước không nhỏ hơn Văn Chu Nghiêu là mấy, nhưng kết quả học tập luôn không sáng sủa mấy, miễn cưỡng vào được trường thường ở cách vách. Trường cậu chàng không quản lý nghiêm, nên không cần học thêm liên tục như Nhất Trung.
Sau khi dẫn Lâm Hạo xông vào cổng trường Nhất Trung, Lâm Thước túm bừa được ai đó là hỏi ngay: "Văn Chu Nghiêu đang ở đâu?"
Cũng khó trách sao Lâm Thước hỏi thẳng như thế, anh cả bọn họ thật sự cũng xem như người nổi tiếng ở đây.
Lâm Thước chưa từng nghĩ, Văn Chu Nghiêu mồ côi cha mẹ từ nhỏ được bác cả dẫn về nhà họ Lâm ăn nhờ ở đậu giờ lại nổi tiếng hơn các anh em bọn họ.
Mấy năm nay luôn luôn giữ hạng nhất, Olympic Toán gì đó cũng như trò trẻ con, đồng thời gia nhập các câu lạc bộ bắn súng, võ thuật của thành phố, giấy khen với cúp treo đầy một mặt tường trong nhà.
Lên cấp ba một năm đã nổi tiếng đến mức các nữ sinh trường Lâm Thước suốt ngày chạy sang Nhất Trung.
Hơn nữa từ khi biết cậu chàng gọi Văn Chu Nghiêu là anh cả, tên tuổi hai anh em Lâm Thước cũng lên như thuyền theo nước, các nữ sinh vây quanh càng lúc càng đông. Đặc biệt là Lâm Thước, vừa đau vừa suиɠ sướиɠ làm sao.
Người bị Lâm Thước giữ lại là một bạn nữ, nghe hỏi Văn Chu Nghiêu thì giật mình a một tiếng rồi chỉ chỉ ra phía sau nói: "Ở sân bóng, hai người biết đường không? Tớ có thể dẫn các cậu đi."
"Không cần đâu người đẹp, chuyện gấp!" Lâm Thước vỗ cánh tay người ta, chạy được mấy mét rồi mới nhớ rống lên: "Cảm ơn nha."
Cách thật xa đã nghe thấy tiếng hò hét đinh tai nhức óc từ sân bóng.
Một nhóm thiếu niên đều đã cao lớn, mặc đồ thể thao mang giày bóng chạy qua chạy lại trên sân bóng trong một ngày tháng Năm. Sóng nhiệt bốc lên từ sân bóng hòa cùng bầu không khí đầy mùi hoóc môn tuổi thanh xuân làm ngày tháng Năm hôm ấy tràn ngập sức sống phồn thịnh.
Trên sân có hai đội, một xanh một đỏ.
Trong đó nổi bật nhất là người đã gần một mét tám, dáng cao chân dài, tóc cắt ngắn gọn gàng, mặc áo đội màu đỏ đen. Màu da người đó trắng hơn bạn bè xung quanh, nhưng là màu trắng đẹp vô cùng khỏe mạnh, đường nét khuôn mặt sắc nét, ngũ quan có thể nói thêm một tí thì thừa thiếu một chút lại khuyết, vừa đủ đẹp hoàn hảo.
Đứng giữa đám đông thật sự bắt mắt, khi người đó nhảy lên, mặt dây chuyền đeo trên cổ cũng đong đưa theo.
Mặt dây hình con dao khắc từ gỗ, màu đậm gần giống với gỗ thô, bề mặt bóng loáng, hẳn đã khá lâu năm.
Sau tiếng hét hô cố lên, một cú ném ba điểm đúng chuẩn, tư thế khá là đẹp mắt.
"Anh cả!" Ngay lúc ấy, có tiếng gọi vọng tới từ dưới bảng rổ.
Văn Chu Nghiêu lập tức quay đầu.
Lâm Thước thở phì phò: "Anh mau về nhà xem đi, Lâm Du sắp bị bác cả đánh chết rồi!"
Thế rồi mọi người xung quanh chỉ kịp thấy người được hâm mộ nhất trên sân bóng cau chặt mày, nghiêng đầu nói gì đó với hai nam sinh chơi chung rồi quyết đoán rời sân một mạch.
Bước nhanh tới hàng rào của sân bóng lấy áo khoác rồi bảo hai anh em Lâm Thước: "Vừa đi vừa nói.
Tiếng thảo luận xì xầm sau lưng càng lúc càng nhiều, nghe kĩ mới biết không câu nào rời ba chữ Văn Chu Nghiêu.
Lúc Văn Chu Nghiêu bước vào cửa nhà họ Lâm, tiếng nhốn nháo trong nhà vẫn chưa lắng xuống.
Dương Hoài Ngọc vừa nhìn thấy là lập tức túm lấy cánh tay anh bảo: "Chu Nghiêu, con mau khuyên Tiểu Du với chú Lâm của con đi, hai bố con ấy không ai chịu nhường ai nữa rồi. Cứ thế này dì sợ Tiểu Du bị đánh có chuyện gì mất."
Văn Chu Nghiêu dìu cô dậy, lên tiếng: "Dì Lâm, bà nội, mọi người đừng sốt ruột, con đã nghe bọn Lâm Thước nói rồi."
Mấy năm nay Văn Chu Nghiêu đã lớn lên ra dáng một cậu thiếu niên trưởng thành. Nếu anh em Lâm Bách Tòng hoặc chú Phú không có nhà, sự tồn tại của Văn Chu Nghiêu cũng tương đương với một người lớn.
Anh chững chạc, thông minh, đáng tin cậy.
Bà cụ cũng luôn tin tưởng anh, vội giục: "Vào khuyên đi con, không biết Tiểu Du nó làm sao nữa, trước đây có bao giờ thấy nó cứng đầu thế đâu."
Hiện tại trong từ đường không còn nhiều tiếng động nữa, Văn Chu Nghiêu bước tới gõ cửa.
"Chú Lâm, con Chu Nghiêu đây."
Không có phản ứng, Văn Chu Nghiêu chờ vài giây rồi lại cất tiếng: "Chú Lâm, hai người không sao chứ? Con tông cửa vào đây."
Lần này Văn Chu Nghiêu vừa dứt lời là cửa từ đường chủ động mở ra từ bên trong.
Sắc mặt Lâm Bách Tòng trông có phần đau buồn, nhìn Văn Chu Nghiêu đã cao ngang bằng mình, vỗ vai anh bảo: "Thôi vậy, bình thường nó cũng nghe lời con, vào xem nó đi."
Cửa mở rộng làm mọi người đều thấy được tình hình bên trong.
Lâm Du vẫn còn quỳ, nhưng hiển nhiên với cậu mà nói tư thế quỳ bây giờ là chuyện hơi khó khăn, tay cậu chống xuống đất, vệt máu loang lổ trên lưng, đủ thấy bị đánh không hề nhẹ.
Dương Hoài Ngọc bụm miệng khóc nấc lên, chạy tới đánh Lâm Bách Tòng: "Anh còn có tim không vậy? Sao lại nặng tay đến thế!"
Lâm Bách Tòng đứng yên không quay đầu, để mặc cho vợ kéo mình phát tiết.
Chú nói lớn với Lâm Du: "Nếu lần này con đã không chịu nhận lỗi, thì bố cũng không giúp con được. Con quỳ một đêm trước mặt tổ tiên nhà họ Lâm, ngẫm cho kỹ xem mình sai ở đâu đi."
Lúc này Văn Chu Nghiêu đã vào trong.
Anh giũ chiếc áo khoác trong tay ra choàng lên lưng người bên chân.
Văn Chu Nghiêu ngồi xổm xuống cạnh cậu, nhìn mái tóc đẫm mồ hôi của bé con, hỏi: "Sao thế này? Anh mới không về mấy ngày em đã thành nằm vùng của hệ điêu khắc nhà khác phái tới rồi à? Hay là cuối cùng em cũng thấy chán ở mãi trong nhà, quyết định đập bảng hiệu nhà họ Lâm trước?"
Lâm Du không để tâm đến lời anh đùa.
Cậu cắn chặt đôi môi không còn màu máu khẽ gọi: "Anh."
"Hửm?" Văn Chu Nghiêu tiến lại gần hơn.
Lâm Du: "Đỡ em với, không quỳ nổi nữa rồi."
Lâm Du vừa dứt lời là cả người thoát lực ngã nhào xuống, Văn Chu Nghiêu kịp thời đưa tay đỡ cậu lên, nhưng tay không dám đặt tay lên lưng cậu mà luồn qua dưới mông, ôm gác cậu lên ngực như bế trẻ con.
Lâm Du đã không còn là đứa bé tay chân ngắn cũn ngày trước nữa, người cao lên, thịt mềm tiêu mất, sống lưng bắt đầu có sự gầy gò tuổi thiếu niên.
Lâm Du thở phào, dựa trong lòng Văn Chu Nghiêu, dụi cằm vào vai anh nói: "Lần này bố già giận quá chừng."
"Em biết vậy còn dám chọc chú ấy?" Văn Chu Nghiêu hỏi.
Lâm Du thở dài, "Trốn không thoát mà, sớm muộn gì cũng gặp cảnh này thôi."
Cậu đã chờ chuyện lần này mấy năm rồi, cũng lên kế hoạch từ lâu. Đây là phương pháp đơn giản và trực tiếp nhất. Chọn thời điểm trông có vẻ như sẽ gây rắc rối lớn cho nhà họ Lâm, nhưng chỉ cần dốc sức thì khôi phục nguyên khí chỉ là vấn đề thời gian.
Chứ không như kiếp trước, sẩy một bước, lỡ một đường.
Văn Chu Nghiêu cảm nhận hơi thở nhẹ nhàng phả trên cổ mình, duy trì tư thế ấy không nhúc nhích.
"Lâm Du." Văn Chu Nghiêu gọi cậu.
Lâm Du ậm ờ hửm một tiếng.
Văn Chu Nghiêu: "Mệt rồi à?"
"Không, hơi khó chịu thôi." Lâm Du lại gọi: "Anh ơi."
"Sao nào?"
"Em không muốn làm bố già giận đến vậy đâu, cũng không định làm mẹ với bà nội khóc."
"Ừm." Văn Chu Nghiêu bóp nhẹ sau cổ cậu, "Anh biết mà."