Tô Tử Lâm đặc biệt tự tin vào khả năng“nam công gia chánh”của mình, ít nhất là cho đến khi Vãn Hướng Khuê hỏi:
- Anh cho bao nhiêu đường vào đây vậy?
Cô vừa nuốt xuống, vừa chỉ vào bát thịt kho trên bàn ăn:
- Ba thìa?
Anh lắc đầu oan uổng. Cô đoán tiếp:
- Bốn?
Tô Tử Lâm vẫn lắc đầu. Không muốn quá tam ba bận đều trật lất, Vãn Hướng Khuê trực tiếp yêu cầu:
- Khai mau! Anh cho bao nhiêu đường vào rồi?
Anh nhẩm tính, sau đó đặt đũa xuống, giơ năm ngón tay lên:
- Gấp đôi chỗ này cơ!
Vãn Hướng Khuê kìm nén, nhìn chằm chằm vào tô thịt, vẫn cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó:
- Còn gì nữa không?
- Mật ong, mật mía, nước cốt dừa. _ Tô Tử Lâm bổ sung bằng vẻ mặt thản nhiên.
Lần đầu tiên trong đời, Vãn Hướng Khuê biết rằng có người còn hảo ngọt hơn cả cô, cho hết những thứ ngọt vào đồ ăn mặn. Sau đó, nghĩ đến mọi khi nấu ăn cô vẫn theo phương thức quen thuộc mà làm, chưa hề hỏi xem anh khẩu vị ra sao, đáy lòng có chút thương cảm. Chưa kể, anh không một lời chê bai, đều ăn hết đồ cô nấu nữa.
- Sau này cứ nấu vậy đi, em thích ăn ngọt hơn. _ Cô nói _ Trước đây ăn theo khẩu vị ba mẹ nên quen tay. Giờ thì tốt rồi, coi như chúng ta là đồng chí chung chiến tuyến.
Kết thúc vấn đề về khẩu vị, Tô Tử Lâm nhanh chóng tranh thủ gắp một miếng thịt vào bát Vãn Hướng Khuê, bắt đầu câu hỏi về chủ đề mà anh thắc mắc từ ban nãy:
- Hình như trước đây em có học võ?
- Ừm, nhưng chỉ là quá khứ thôi.
- Tại sao không tập võ nữa? Em thật sự có thiên phú mà.
Vãn Hướng Khuê ngước đầu lên, nhìn thẳng vào mắt Tô Tử Lâm:
- Đã bao giờ anh từ bỏ chuyện mình thích vì người khác chưa?
Nhớ tới mình chạy từ văn phòng về nhà với cô, bất chấp công việc, đối tác, đam mêm kinh doanh, anh gật đầu:
- Không hối hận!
- Chính là như vậy đó! _ Vãn Hướng Khuê nhún vai, nhàn nhạt kể _ Ba năm cao trung nằm trong danh sách đội tuyển quốc gia, ba mùa quân sự huấn luyện riêng. Ai cũng biết, em được nhìn trúng, được bồi dưỡng để gia nhập đặc chủng.
Cô gắp một miếng rau cho vào miêng, nuốt xuống rồi tiếp tục:
- Ba em từng là đặc công, anh cũng biết rồi đấy. Nhưng chẳng ai muốn em nối tiếp con đường mà ông ấy từng đi, cả ông ấy, mẹ em, lẫn bà đều thế. Cho nên, em đăng ký nguyện vọng một trường năng khiếu khác, đồng thời đỗ trường sĩ quan trong mơ nhưng lại đi học mỹ thuật.
Vãn Hướng Khuê kể lại câu chuyện nhẹ nhàng như đang kể chuyện phiếm về ai đó xa lạ, cắt bỏ hoàn toàn những chuỗi ngày khổ sở mà mình nếm trải.
Thuở bé, vì ham thích học võ, cô không ít lần trèo tường vào doanh trại quân đội xem lén duyệt quân. Bao nhiêu lần thành công cũng là bấy nhiêu lần thật bại, đến lúc trèo tường quay về đều bị giáo quan tóm được. Cô cứng đầu, ngang bướng, không chịu khai tên tuổi, ỷ lại vào việc bản thân có dấu vân tay mờ mờ tỏ tỏ, cái có cái không, khiến doanh trại vô phương trao trả cô về nơi sản xuất.
Dùng lời dỗ dành ngon ngọt không được, biện pháp cứng rắn cũng có. Từ nhẹ đến nặng, ban đầu là tạm giam chờ bảo lãnh, bắt chống đẩy,... về sau cô táo tợn vào trường bắn xem thì nâng đến phạt roi: năm cái, mười cái, nhiều nhất là bao nhiêu cũng chẳng nhớ nữa.
Vãn Hướng Khuê bản lĩnh, gan dạ năm ấy không ngán đến doanh trại bao giờ, phạt thì phạt, quan trọng chính là cô học được rất nhiều thứ có ích. Trường hợp của cô trở thành vấn đề nan giải trong công tác bảo mật của doanh trại. Cứ bắt được cô một lần, họ lại phát hiện ra một lỗ hổng. Này thì cái cây trồng cạnh doanh trại quá cao, quá sát, chỉ cần đu lên cây, trèo ra cành xa nhất rồi tụt xuống sẽ tới mái chuồng lợn của các anh nuôi; này thì bức tường phía tây quá thấp, lại sát địa điểm kinh doanh buôn bán dịch vụ của dân, nếu lên tầng hai của một quán cafe có thể nhảy sang lan can ký túc xá chiến sĩ hay cửa sau lúc bận rộn cho xe đi qua rất khó quan sát, khói bụi mù mịt, cô cứ nhân đó đường đường chính chính bước vào...
Có lẽ là duyên phận, cô được đưa đến trình diện ở văn phòng đại tá để xử lý. Vị đại tá già đó thế nào lại đánh giá cô rất cao, ký lệnh đặc cách, cho phép cô được tùy ý ra vào doanh trại để cùng học võ.
Tất nhiên, những chuyện này là cô lén lút ba mẹ gây rối, họ một chút cũng không biết. Nhờ học ké duyệt quân cho nên cô mới có thành tích cao trong kỳ thi võ thuật quốc gia cũng như đứng đầu danh sách thành tích quân sự - quốc phòng suốt ba năm cuối thời học trò, thường xuyên nhận lệnh kiến tập để huấn luyện riêng. Lại là do ông trời sắp đặt, hằng năm trường Vãn Hướng Khuê đều được phân tới doanh trại nọ để tập quân sự, cô thật sự giống như hổ mọc cánh.
Kỳ thi đại học tới, nguyện vọng đầu quân của cô đương nhiên bị gia đình kịch liệt phản đối. Điểm số Anh ngữ của Vãn Hướng Khuê luôn cao chót vót, bọn họ hi vọng cô thi vào ngành Kinh tế hoặc Quan hệ quốc tế đang rất được ưa chuộng hơn.
Đỉnh điểm ấy à... tuyệt thực, rạch tay, rạch cổ, uống thuốc ngủ,... cái nào cũng phải thử qua vài lần. Như đã nói, ba Vãn từng là đặc công, tinh thần thép không kém gì con gái, thẳng tay đuổi cô ra khỏi nhà.
Vãn Hướng Khuê suốt một tháng trời ở doanh trại, cùng ăn ở cùng huấn luyện với quân đội, không về nhà lấy một lần. Vị đại tá kia đến gặp ba mẹ cô thuyết phục cho cô đầu quân cũng vô dụng. Dẫu sao thì, trên đơn nguyện vọng của thí sinh bắt buộc phải có chữ ký gia đình. Đến đường cùng, Vãn Hướng Khuê giả chữ ký ba Vãn, đăng ký nguyện vọng là trường sĩ quan quân đội cùng đại học mỹ thuật – một chuyên ngành chẳng liên quan chỉ để chặn hết đường lui.
Kết quả thi được gửi về nhà, ba của cô quả nhiên tức tới sôi máu, mang giấy thi đến cổng doanh trại đòi gặp người. Vãn Hướng Khuê bấy giờ đang ở trường bắn cùng đại tá và mấy vị trưởng quản doanh trại khác kiểm tra năng lực quân sự, đành tạm hoãn phát đạn cuối, chạy hộc tốc ra cổng đại bản doanh. Tới nơi đúng lúc nghe được câu nói này của ba Vãn:
“Nếu hôm nay mày không về nhà thì tao sẽ xé tờ giấy này đi, xé cả giấy khai sinh, xé cả học bạ của mày, xé hết những thứ có liên quan tới mày! Thà rằng coi như tao chưa từng có một đứa con bất hiếu như mày hay để mày học cái trường mỹ thuật chết tiệt kia còn hơn tao để mày đi làm đặc công!”
Mây trời ngừng trôi, gió ngừng thổi, Trái Đất càng như ngừng quay, giấc mộng của cô cũng chẳng bay lên quá vọng gác doanh trại.
Vãn Hướng Khuê không nhớ cô đã khóc bao lâu. Chỉ nhớ, trong cái đêm mưa tầm tã ngày hôm ấy, cả doanh trại thắp sáng đèn tiễn cô lên xe trở về. Hàng người rất dài, dài hệt ba năm thanh xuân của cô, trải từ thao trường qua nhà ăn tới văn phòng chỉ huy – địa điểm chẳng còn xa lạ với cô và kết thúc khi đi quá cổng doanh tại gần nửa cây số. Vị đại tá kia đứng cuối hàng, im lặng nhìn cô rời đi.
Cô quả thực đã quyết định từ bỏ. Song, trước khi cô kịp nói ra điều ấy với ông, thì ông đã bảo với giáo quan sắp xếp xe, nói nơi này không chào đón cô. Cô biết ông không muốn cô khó xử, cố ý đóng thành vai ác, gìn giữ hình tượng Vãn Hướng Khuê kiên cường bất khuất trong mắt các chiến sĩ ở doanh trại.
Ba mẹ Vãn đón người về cũng không nhắc lại chuyện này một lần nào nữa, cứ thế đem doanh trại và những chuyện xảy ra xoay quanh nó cho vào một xó xỉnh tối tăm nào đó trong ký ức mà bọn họ vĩnh viễn không bao giờ muốn động tới. Sau này, Vãn Hướng Khuê có tìm về gặp đại tá, nhưng người gác cổng nói, sau khi cô đi rồi, ông ấy đã từ chức, không biết ẩn cư ở đâu.
Mảnh ký ức đẫm màu sương gió ấy hiện lên khiến Vãn Hướng Khuê không khỏi chua xót. Giá như ba mẹ cứ như thường lệ chì chiết và nhai đi nhai lại chuyện điên cuồng ấy của cô giống những lúc cô bị điểm kém thì tốt. Ít nhất, cô còn nhận thức được, những chuyện đã qua trong ba năm ấy là có thật.
Vãn Hướng Khuê bất mãn khịt mũi, cảm thán:
- Đau lòng quá!
Tô Tử Lâm mím môi, nhìn biểu cảm tự nhiên như đang đùa giỡn của cô, lồng ngực ẩn ẩn đau.
Trước khi cưới, anh có tra qua về cô, cũng biết chuyện cô đồng thời đỗ đầu trường sĩ quan quân đội cùng đại học mỹ thuật, cho rằng đó chỉ là lựa chọn nhất thời vừa vặn với năng khiếu và sở trường của cô mà thôi. Không ngờ rằng, dưới những dòng chữ ngắn gọn giản đơn ấy còn có nội tình, hơn nữa, nội tình ấy còn là thứ mà Vãn Hướng Khuê không muốn chia sẻ với anh.
Đột nhiên, Vãn Hướng Khuê lấy hai tay ôm mặt. Tô Tử Lâm nghe thấy tiếng nức nở khe khẽ của cô, hai bờ vai gầy run lên theo từng tiếng nấc nghẹn. Nước mắt chảy xuống, ướt đẫm bàn tay nhỏ, rơi xuống trên mặt kính bóng loáng. Bữa cơm trưa ấm áp và ngọt ngào bởi vì giọt lệ của phụ nữ mà nguội lạnh.