Nhặt Ánh Bình Minh

chương 5: 5: góp nhặt lần thứ tư quán trà

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Lý Kinh Trọc tức đến nghẹn họng, rõ ràng Liễu Tức Phong đang cố ý trêu cợt anh.

"Vì sao cậu không hỏi tôi lý do không thể cưới bốn cô vợ bé" và "Vì sao đàn ông không thể cưới bốn cô vợ" là cùng một chuyện sao? Đương nhiên không phải!

Nếu Lý Kinh Trọc là trai thẳng thì sự tình đã rẽ theo hướng khác, người thường gặp loại chuyện này cùng lắm chỉ đá đối phương một cái, ném thêm một câu "Cút m anh đi" là coi như thanh toán xong xuôi.

Nhưng anh lại không phải.

Đối phương còn đỏ mặt.

Liễu Tức Phong, anh đỏ mặt làm gì?

Lý Kinh Trọc không dám nhìn gương mặt kia thêm lần nữa, chỉ tay lung tung vào một cửa hàng: "Đi qua bên đó đi."

Liễu Tức Phong nhìn theo hướng chỉ, là một quán mì: "Không phải nói đi uống trà sao?"

Lý Kinh Trọc nói: "Ăn tô mì đã."

Liễu Tức Phong rất biết nghe lời phải: "Được, ăn mì trước.

Đúng lúc, quán này không tệ đâu, tôi hay tới ăn lắm."

Tấm bảng hiệu "Mì Tiểu Kiều" ngoài cửa sơn đỏ chữ trắng, trong quán không có điều hòa chỉ có quạt điện, bên ngoài kê năm sáu chiếc bàn gỗ vuông nhỏ không sơn màu, mỗi bàn đặt thêm bốn cái ghế dài gỗ thô, trên đầu căng một tấm bạt nhựa lớn có nắng che nắng có mưa che mưa, rất tiện cho khách vừa ăn vừa ngắm phố.

Ông chủ tiệm đang cầm một cái muôi lớn vớt mì trong nồi, thấy Liễu Tức Phong lập tức chào đón: "Đưa bạn tới rồi à? Tìm chỗ ngồi đi, ăn như cũ đúng không?" Lại nhìn Lý Kinh Trọc, "Bạn anh ăn gì?"

Ở Trấn Thái Bình này ai cũng nói tiếng địa phương, yêu đương kết giao không gọi là người yêu, mà gọi là "bạn".

Bạn bè bình thường gọi là bạn, mà nam nữ yêu nhau cũng giới thiệu là bạn.

Từ "bạn" này được dùng rất nhiều, rất mập mờ.

Trong lòng Lý Kinh Trọc đang suy nghĩ phức tạp, có lẽ anh không tự biết, hoặc có lẽ không chịu thừa nhận, tóm lại nghe thấy người ta nói một chữ "bạn" bỗng dưng cảm thấy cực kỳ không được tự nhiên.

Liễu Tức Phong ngồi xuống một cái bàn nhỏ, đáp lại: "Vẫn như cũ."

Lý Kinh Trọc nhìn thực đơn viết trên tường không nói tiếng nào, ông chủ lại hỏi: "Anh bạn này ăn gì? Mì tròn hay mì dẹt?"

"Cậu ấy cũng ăn mì dẹt bò cay." Liễu Tức Phong nâng cằm chỉ vào Lý Kinh Trọc, trả lời ông chủ tiệm.

Ông chủ hô một tiếng "Được" lập tức vớt mì đã chín ra, xếp thịt bò cay rắc gia vị, hai bát mì dẹt bò cay nhanh chóng được đặt lên bàn.

Liễu Tức Phong rút đôi đũa đưa cho Lý Kinh Trọc, mình lại không vội ăn, chỉ mải mê thuyết trình: "Thịt bò hấp chín cắt thành lát, để ráo nước rồi xào lửa lớn với dầu sa tế cay và hương liệu cho dai.

Cắn một miếng, nước cay từ miếng thịt trào ra, ăn kèm với sợi mì cực mỏng.

Thịt thơm, mì thơm, một thứ dai một thứ mềm, lại thêm nước dùng xương hầm cả một ngày với dầu ớt và hành thái nhỏ, dư vị đúng là bất tận."

Lý Kinh Trọc gắp một miếng thịt bò, lại gắp một gắp mì.

Lúc anh ngẩng đầu lên đã đụng phải ánh mắt vừa chờ mong vừa căng thẳng của Liễu Tức Phong, còn có một tia chuẩn bị tinh thần được khen che giấu chút kiêu ngạo, cứ như bát mì này do chính tay hắn tự làm: "Thế nào?"

Lý Kinh Trọc chưa kịp đáp, ông chủ tiệm đã đi ra ngồi xuống cùng bàn với bọn họ.

Bây giờ đã qua thời điểm dùng bữa sáng, giờ cơm trưa lại chưa tới, trên đường chỉ còn hai người Liễu Lý ăn mì, ông chủ đương lúc thoải mái nên chạy tới buôn chuyện cùng.

Người này là một vị tuổi trung niên cường tráng rắn rỏi nhưng đã hói đầu, người ở Trấn Thái Bình gọi ông ta là Chu Lang.

Hình như Chu Lang vẫn thường cùng Liễu Tức Phong nói chuyện phiếm, thái độ rất quen thuộc, ông ta lớn tuổi hơn Liễu Tức Phong nhiều nhưng lại gọi hắn một tiếng "anh Phong".

Lý Kinh Trọc nghe xong bật cười, cũng bắt chước theo Chu Lang gọi: "Anh —— Phong ——"

Chu Lang nói: "Anh Phong thích nhất là món bò cay ở quán này, mỗi lần tới ăn mì đều phải lấy thêm nửa cân thịt bò." Lại nói tiếp, "Miệng anh Phong xịn lắm, biết ăn, còn biết nói.

Tôi nấu được mì thịt bò, biết phục vụ, nhưng không thể miêu tả món ăn hay như anh ấy." Xong còn hỏi, "Anh bạn nhỏ của anh Phong này xưng hô thế nào?"

Lý Kinh Trọc ăn mì cay xé lưỡi, vừa hít hà vừa nói tên họ.

Liễu Tức Phong cầm cái ấm sứ béo tròn trên bàn rót một chén nước: "Uống nước đi."

Lý Kinh Trọc uống vào, là nước nóng, có lẽ vừa đun xong không bao lâu, uống vội một miếng suýt thì phỏng miệng, phối hợp với vị cay sẵn quả thực như sắp phun ra lửa.

Anh nhìn sang Liễu Tức Phong, miệng nhai thịt bò cay vẫn có thể nhàn nhã nhấp từng ngụm nước nóng, trên trán không rịn một giọt mồ hôi, thật sự không thể hiểu làm sao được như vậy.

Lý Kinh Trọc hỏi Chu Lang: "Anh có nước đá không?"

Liễu Tức Phong nói: "Ăn cay đừng uống nước lạnh, uống vào bụng nóng lạnh lẫn lộn khó chịu lắm.

Cậu học y mà sao không biết tự chăm sóc bản thân gì cả thế?"

Chu Lang gật đầu tán thành, đã tìm được xưng hô mới: "Hóa ra là bác sĩ Tiểu Lý, tôi phục nhất là bác sĩ đấy."

Lý Kinh Trọc đã thi đậu giấy phép hành nghề y, đúng là có thể xem như bác sĩ.

Nhưng ở bệnh viện trực thuộc trường anh, nếu muốn có suất ở lại thì yêu cầu cơ bản nhất là phải có bằng tiến sĩ cộng thêm ít nhất hai năm tu nghiệp nước ngoài, cho nên Lý Kinh Trọc luôn không dám tự giới thiệu với người ngoài mình là bác sĩ: "Chỉ là sinh viên học y thôi ạ."

Chu Lang gật gù: "Bác sĩ tương lai thì vẫn là bác sĩ." Lại nói, "Bạn bè của anh Phong nhiều, mỗi lần lại đưa tới một người khác nhau nhưng bác sĩ thì vẫn là lần đầu tiên, đúng là nhân tài hiếm thấy."

Lý Kinh Trọc muốn nghe tiếp là bạn bè kiểu gì, Liễu Tức Phong đã nhanh chóng chuyển đề tài: "Hôm nay Tiểu Kiều có ở đây không?"

Chu Lang thở dài, thò tay vào túi lấy một hộp thuốc lá Bạch Sa, châm thuốc hút một hơi: "Tiểu Kiều về nhà mẹ rồi, lần trước cãi nhau bà ấy còn giận tôi." Lại rút một điếu chìa ra cho Lý Kinh Trọc, "Bác sĩ Tiểu Lý hút thuốc không? Anh Phong không hút."

Thuốc lá Bạch Sa 白沙烟

Lý Kinh Trọc lắc đầu: "Cảm ơn, tôi cũng không hút." Anh nhìn thấy trên hộp thuốc in hai con hạc tiên, nhớ đến ngày nhỏ thấy cha mình hay hút loại thuốc này, liền lấy lại nhìn kỹ hơn.

Chu Lang nói: "Bác sĩ Tiểu Lý cũng thích tiên hạc à.

Anh Phong đã kể cho cậu nghe truyền thuyết tiên hạc chưa? Là chuyện về một thiếu nữ tên Bạch Sa do tiên hạc hóa thành, sau này chế phục ác long ý."

Lý Kinh Trọc chớp mắt, liếc nhìn Liễu Tức Phong một cái: "Chu Lang, thế anh Phong đã từng kể cho anh nghe truyền thuyết về người bước ra từ trong tranh chưa?"

Mưa rơi ngoài lều bạt càng lúc càng lớn, một tiếng sấm rền, đất trời biến sắc.

Liễu Tức Phong ngồi ngay ngắn, chỉ thản nhiên uống nước.

Chu Lang nói: "Cái này không cần anh Phong kể tôi cũng biết.

Tích Diệp Công hiếu long chứ gì.

Diệp Công cực kỳ yêu rồng cho nên vẽ rất nhiều hình rồng, mỗi ngày không ngừng ngắm nghía."

Tích Diệp Công hiếu long: Xưa có một người tên Diệp Công rất thích rồng, đồ vật trong nhà đều khắc, vẽ hình rồng.

Rồng thật biết được đến nhà thò đầu vào cửa sổ nhìn xem.

Diệp Công nhìn thấy sợ hãi vắt giò lên cổ bỏ chạy.

Tích truyện này dùng để chê cười những người luôn miệng nói yêu thích trên danh nghĩa nhưng thực tế lại không như vậy.

Lúc ông ta nói đến đoạn "cực kỳ yêu rồng cho nên vẽ rất nhiều hình rồng", Liễu Tức Phong lại liếc Lý Kinh Trọc một cái, sóng mắt lưu chuyển.

"Nhưng vào lúc rồng thật sự hạ phàm, thổi gió phun mây giống như hiện tại, Diệp Công lại sợ hãi bỏ chạy không dám nhìn thẳng." Chu Lang hỏi, "Bác sĩ Tiểu Lý, có phải chuyện này không?"

"Không phải." Lý Kinh Trọc cúi đầu uống nước, "Truyền thuyết của anh Phong kể anh ta là từ trong tranh bước ra ngoài."

Chu Lang tò mò: "Ai lại yêu cậu ta như vậy, còn vẽ cả tranh?"

Lý Kinh Trọc bị sặc nước, ho sù sụ không ngừng.

Cái trấn này bị ma nhập rồi, ai cũng xoay quanh mỗi Liễu Tức Phong.

Lý Kinh Trọc thanh toán tiền mì cho hai người rồi đi, Liễu Tức Phong buông chén xuống, vào chỗ Chu Lang mua thêm một cân thịt bò cay gói về nhà xong mới nhấc dù giấy dựng dưới chân bàn lên.

Một vị khách mới bước vào quán, Chu Lang vừa thả mì vừa giả vờ giận dỗi: "Hôm nay sao lại mua nhiều thế nhỉ? Thịt bò cay bị anh Phong mua đi hết rồi, người khác ăn cái gì đây?"

Liễu Tức Phong bung dù lên che cho Lý Kinh Trọc không bị ướt: "Chúng tôi có hai người lận."

Khách mới cũng giận lây: "Làm gì có chuyện mua theo đầu người?"

Chu Lang nghe thấy, chống chế hộ Liễu Tức Phong: "Thôi không hề gì, tôi làm nhiều thêm chút nữa là được.

Anh Phong là người am hiểu thịt bò nhà tôi nhất đấy."

Liễu Tức Phong cười nói: "Còn Chu Lang là người hiểu dạ dày tôi nhất."

Hắn cùng Lý Kinh Trọc đi được vài bước, lấy làm tiếc: "Hôm nay không nghe được chuyện nhà Chu Lang rồi, yêu hận tình thù của Tiểu Kiều và Chu Lang đáng để ngồi lâu thêm mấy tiếng đồng hồ."

Lý Kinh Trọc đánh giá: "Hình như anh rất thích nghe người khác kể chuyện."

Trên đường đi Liễu Tức Phong hỏi anh chuyện hồi nhỏ, hỏi chuyện ở trường y, tới quán mì Liễu Tức Phong lại chủ động hỏi Tiểu Kiều.

Liễu Tức Phong thích nghe chuyện của người khác, chỉ một phút bất cẩn người ta sẽ đem toàn bộ chuyện riêng phơi bày ra cho hắn xem; mà hắn trước mặt mọi người, bề ngoài xem như trò chuyện rất vui vẻ, kỳ thật không hề để lộ một câu hắn là loại người nào, quá khứ từng trải qua chuyện gì.

Ngoại trừ cái "truyền thuyết hạ phàm" và cuốn sách《 Cấm nói ra 》kia, Lý Kinh Trọc hoàn toàn không biết chút gì về Liễu Tức Phong.

Mưa hơi ngớt lại.

Liễu Tức Phong hạ dù, nói: "Chuyện xưa rất thú vị, con người càng thú vị hơn.

Phía trước có một quán trà tôi từng vào rồi, được lắm.

Muốn đi qua ngồi không?"

Lý Kinh Trọc đáp: "Tôi biết một nơi hay hơn.

Nói để tôi mời, đương nhiên phải là chỗ do tôi chọn."

Đi thêm mấy trăm mét dần dần ra khỏi khu chợ, không còn nghe thấy tiếng ồn ào huyên náo nữa, từ đường bê tông lớn rẽ vào một con đường nhỏ lát đá phiến, trước mặt là một mảng rừng trúc xanh ánh vào mi mắt.

Trời vừa đổ mưa làm cành trúc tỏa hương thơm nhẹ, mây tan nắng hiện chiếu lên lớp nước đọng trên tán lá trong suốt lấp lánh.

Liễu Tức Phong vừa đi theo Lý Kinh Trọc xuyên qua rừng trúc, vừa đọc lên: "Giang thôn nhập hạ đa lôi vũ, hiểu tác cuồng lâm vãn hựu tình."

(Xóm sông vào hạ nhiều giông tố, sớm vừa mưa to tối quang mây)

Lý Kinh Trọc chưa từng nghe qua câu này, Liễu Tức Phong giải thích: "《 Bạo vũ 》(mưa to) của Vi Trang."

Vi Trang - 韋莊 (-), tự Đoan Kỷ (端已); là nhà thơ, nhà từ nổi danh trong khoảng Đường mạt-Ngũ Đại ở Trung Quốc.

Đường đá quanh co, cuối rừng trúc có một con mương hẹp nước chảy trong vắt vờn quanh một tòa nhà hai tầng, lầu hai có hành lang gấp khúc, cửa sổ sát đất ở lầu một treo mành trúc sáng màu rũ xuống toàn bộ, trông rất mát mắt.

Liễu Tức Phong lại ngâm: "Trúc bách phong vũ quá, tiêu sơ đài điện lương.(Trúc tùng qua mưa gió, đài điện vắng lạnh theo)" Ngâm xong đoán là Lý Kinh Trọc vẫn không biết xuất xứ, "《 Hạ du Chiêu Ẩn tự bạo vũ vãn tình 》của Lý Chính Phong."

(Mùa hè đến chơi chùa Chiêu Ẩn gặp cơn mưa to rồi tạnh)

Lý Chính Phong - 李正封 tự Trung Hộ, danh nhân đỗ tiến sĩ dưới thời vua Đường Hiến Tông (khoảng năm )

Lý Kinh Trọc cảm thấy người này quá phiền, lúc nào cũng khoe khoang mình đọc nhiều biết rộng.

Anh cũng muốn ngâm một câu cho hợp thời, nhưng lại không nhớ ra nổi bài thơ phú nào tiệp với hoàn cảnh.

Nghĩ đến mùa hè trong đầu chỉ có duy nhất một câu "Tiểu hà tài lộ tiêm tiêm giác" (Lá sen mới nhú như sừng nhọn) ①, còn quên mất là thơ của ai, đành phải giữ im lặng đi nhanh về hướng quán trà.

Quán này không có bảng hiệu, vừa rồi từ ngoài đường lớn đi vào cổng nhà cũng không có biển chỉ đường hay bảng thông báo, nếu không phải người sống ở đây lâu sẽ không rõ chỗ này là chỗ nào.

Quán trà do một người phụ nữ họ Tông mở, dì Tông là bạn học của cha Lý Kinh Trọc.

Trước kia mỗi dịp về quê ăn Tết anh luôn phải hộ tống cha mẹ đến nơi này ngồi chơi nửa ngày, có điều sau khi bắt đầu học y, tết nhất năm nào cũng phải ở lại bệnh viện trực ban, mấy năm rồi chưa từng quay lại.

Nhưng anh biết rõ khoảng tháng ba tháng tư hàng năm, nhà anh vẫn đều đặn nhận được trà mới do dì Tông gửi biếu.

Ngoài quán trà, bà ấy còn quản lý một đồi trà, nguyên liệu dùng cho quán đều là hàng tự cung tự cấp.

Khi bọn họ bước vào dì Tông đang đánh bài, bà ngồi ở đầu bàn đối diện cửa chính, sờ một con bài chưa vội xem, ngón tay chỉ hơi nhấc lên một góc, ánh mắt sáng lên vì biết đúng là lá mình cần.

Đúng lúc này Lý Kinh Trọc và Liễu Tức Phong đi xuyên qua cửa.

"Đủ màu rồi, tới!" Dì Tông lật hết bài lên ném bộp xuống mặt bàn, giọng nói vang dội không thua gì tiếng ném bài, "Khách quý kìa! Kinh Trọc lâu rồi không ghé chơi, gần đây đúng là vận lên cao chót vót.

Hôm nay để dì mời! Vẫn uống loại cũ chứ?"

Lý Kinh Trọc xã giao vài câu xong mới nói: "Quân Sơn Ngân Châm năm nay đi ạ.

Dì Tông, hôm nay cháu đưa bạn tới, muốn ngồi phòng riêng, không ngồi dưới sảnh đâu."

Dì Tông gom hết tiền thắng bài trên bàn vào ngăn kéo tủ, đứng lên đáp cả hai tay lên vai Lý Kinh Trọc, miệng sai bảo: "Được, cho phòng riêng! Tiểu Trương, cậu này là cháu ruột tôi, còn thân hơn cả người nhà, đưa lên lầu hai cho yên tĩnh.

Chọn...!gian nào đây nhỉ, thôi để bọn chúng tự lo! À, hoa sáng sớm nay chở tới còn chưa đưa vào phòng đúng không? Mang vào chung với trà luôn nhé." Lại khen luôn miệng, "Kinh Trọc trưởng thành rồi, đẹp trai quá, bạn cũng xinh đẹp lắm.

Nếu có thể sinh hai nhóc con giống hai đứa thì càng tốt hơn."

Liễu Tức Phong nói: "Chị gái đây chắc không có con lớn thế này đâu nhỉ, gọi em là em trai được rồi."

Dì Tông cười đến không khép được miệng, mắng hắn miệng ngọt như phết mật, mau cùng Kinh Trọc lên lầu đi, trà bánh hôm nay không lấy tiền, toàn bộ đều bao hết.

Lên cầu thang, Lý Kinh Trọc thấp giọng mắng Liễu Tức Phong: "Mồm mép văn vở."

Liễu Tức Phong cãi: "Cậu em Kinh Trọc à, cái này người ta gọi là lịch sự."

Lý Kinh Trọc nói: "Lịch sự của anh ngang với miệng lưỡi trơn tru."

Liễu Tức Phong: "Miệng lưỡi trơn tru chính là phép lịch sự cao nhất."

Lý Kinh Trọc muốn hỏi: Chỉ là phép lịch sự thôi mà lời hay ý đẹp đã nói hết rồi, nếu yêu thích thật thì biết làm thế nào?

Nhưng anh không hỏi ra miệng.

Bọn họ đi lên lầu hai, tấm thẻ treo trước mỗi phòng đều viết tên một danh nhân, Lý Kinh Trọc chưa từng đặc biệt để ý đến ai ngoại trừ phòng "Lục Vũ" là tên một vị trà thánh, còn lại không biết người nào cả.

Liễu Tức Phong nhìn một lượt, cảm thấy rất thú vị, liền vòng tới vòng lui đọc mấy cái tên: "Lục Vũ, Triệu Cát, Chu Quyền, Hứa Thứ Thư..."

Lục Vũ ( - ): học giả uyên bác đời nhà Đường được biết với những đóng góp nổi bật nghiên cứu về trà đạo, tiêu biểu như tác phẩm "Trà kinh" là bộ sách lý luận Trà học chuyên môn đầu tiên trên thế giới.

Lục Vũ được người đời sau tôn lên là Trà thánh, một trong mười vị thánh trong lịch sử Trung hoa.

Triệu Cát 赵佶 (tức Tống Huy Tông): vị Hoàng đế thứ tám của triều đại Bắc Tống trong lịch sử Trung Quốc.

Ông trị vì từ năm đến năm , và trở thành Thái thượng hoàng từ năm đến khi Sự kiện Tĩnh Khang xảy ra vào năm .

Tống Huy Tông được hậu thế biết đến như một vị Hoàng đế chuyên về văn hóa nghệ thuật rất nổi tiếng, một tài tử phong lưu và một nhà thơ, nhà thư pháp, họa sĩ và nhạc công xuất sắc.

Chu Quyền 朱權 (còn gọi là Ninh Hiến vương), là Hoàng tử thứ của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.

Hoàng tử nổi tiếng với tài chỉ huy quân sự; là một sử gia cũng như một nhà viết kịch.

Ông cũng được biết đến là một người sành uống trà, một nghệ nhân chơi cổ cầm và là một nhà soạn nhạc.

Hứa Thứ Thư 许次纾 ( - ): học giả và bậc thầy trà đạo triều đại nhà Minh, nổi tiếng với tác phẩm "Trà thư".

Lý Kinh Trọc không hiểu, Liễu Tức Phong lần lượt giải thích: "Lục Vũ có《 Trà kinh 》, Triệu Cát có《Luận trà toàn cảnh 》, Chu Quyền có《 Trà phổ 》..."

Lý Kinh Trọc mặc kệ mấy cái tên, chọn một phòng có cảnh trí bên ngoài khá ưng mắt, Liễu Tức Phong nói: "Cậu em Kinh Trọc ánh mắt không tồi nhỉ, chọn ngay Triệu Cát."

Lý Kinh Trọc hỏi: "Triệu Cát thì sao?"

Liễu Tức Phong đáp: "Triệu Cát chính là Tống Huy Tông."

Lý Kinh Trọc: "Ồ, chọn trúng ông vua mất nước."

Liễu Tức Phong lắc đầu: "Huy Tông thi họa song tuyệt, thể chữ sấu kim do chính ông ta sáng chế, phải nói là cậu nhắm mắt chọn được một nghệ thuật gia."

Thể sấu kim - 瘦金体

Lần đầu Tiểu Trương vào phòng bày trà cụ lên bàn thấp, lần thứ hai bưng một khay trà bánh cao ba tầng, lần thứ ba ôm theo một bình hoa tươi lớn, cười nói: "Hai bó cắm vào một bình, ưu ái cho các cậu đấy, bà chủ nói uống trà xong có thể ôm hoa về luôn."

Bình hoa cỡ đại kia đủ để che khuất nửa thân trên một người trưởng thành, Tiểu Trương đặt hoa lên bàn xong Lý Kinh Trọc mới nhìn được mặt anh ta.

Những đoá hoa màu vàng nhạt, trắng hồng, lam nhạt lớn bé đan xen, Lý Kinh Trọc chỉ nhận ra một trong số đó hẳn là một loại hoa cúc, còn lại đều không biết tên, đành hỏi Tiểu Trương.

Tiểu Trương cũng không hiểu biết mấy thứ này, giải thích mình chỉ biết pha trà, hai tay nhanh nhẹn nấu nước tráng ấm.

Liễu Tức Phong cất tiếng: "Loại màu vàng nhạt và cánh trắng nhuỵ hồng phấn là hạ cúc.

Cụm hoa màu xanh lam kia là hoa lam tuyết.

Nhuỵ màu vàng cánh hồng, bên trong hơi ngả tím là cẩm quỳ.

Mấy tán lá tròn tròn xếp đan xen bên dưới là cỏ đồng tiền." Nói xong, hắn lại hỏi Tiểu Trương mỗi ngày pha trà ở quán có chuyện gì thú vị không.

Hạ cúc 夏菊

Hoa lam tuyết 蓝雪花

Cẩm quỳ 小木槿

Cỏ đồng tiền 铜钱草 (cây rau má)

Liễu Tức Phong nói rất tự nhiên làm Lý Kinh Trọc dần dần không cảm thấy hắn thích khoe khoang nữa.

Dường như cái gì hắn cũng biết, cho nên không cần phải khoe khoang.

Trong lúc chờ nước sôi, Tiểu Trương ngồi lại gần Liễu Tức Phong kể một ít chuyện vui của khách tới quán.

Có người dẫn theo tình nhân nuôi bên ngoài tới uống trà, lại không biết vợ cả nhà mình là chị em tốt với bà chủ Tông, bà chủ đánh một cuộc điện thoại, vợ cả lập tức phi sang bắt người.

Lý Kinh Trọc nói: "Dì Tông ở trấn trên rất có duyên với mấy chuyện thế này." Anh không cảm thấy chuyện nhà người ta có gì thú vị, nhưng Liễu Tức Phong lại nghe đến hăng say, còn hỏi bà chủ là kiểu người thế nào.

Tiểu Trương đáp: "Bà chủ Tông không chỉ đơn giản là có duyên tốt, mà phải nói là rất am hiểu lề thói đi với bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy, loại người gì bà ấy cũng kết giao được.

Nhà ai có việc gì không rõ phải đi đường ngang ngõ tắt nào, cứ việc tới tìm bà chủ Tông.

Chỉ cần bà ấy xếp một bàn rượu ra là mọi chuyện xong hết." Lúc anh ta kể về bà chủ nhà mình, giọng nói tràn đầy bội phục.

Nước sôi lăn tăn, Tiểu Trương cũng ngậm miệng lại không nói nữa, sợ phá hỏng không khí phẩm trà của khách.

Anh ta rót nước vào ấm, búp trà hình vỏ ốc nở bung thành một mảnh xanh non, khói trắng lượn lờ phiêu đãng, hương trà hương hoa đồng loạt tỏa khắp căn phòng yên tĩnh.

Lúc này Tiểu Trương mới lặng lẽ đi ra ngoài.

Lý Kinh Trọc nâng chén trà lên: "Liễu Tức Phong, có chuyện gì là anh không biết không?"

Liễu Tức Phong thổi thổi nước trà, thản nhiên nói: "Trừ những điều tôi biết ra, còn lại là không biết."

Cái câu này nghe mới phiền nhất.

Lý Kinh Trọc không để ý tới hắn nữa, tự mình cúi đầu phẩm trà, khóe miệng khuất sau chén trà lại nhếch cao.

Ánh nắng chiều len qua kẽ mành cuốn rải đầy sàn gỗ, Liễu Tức Phong lười biếng duỗi eo nghiêng người nằm xuống, tóc dài trải đầy đất.

"Thời này thật là tốt." Hắn nói, "Thời cổ đại, Quân Sơn Ngân Châm là cống phẩm dâng vua, người thường không thể uống được."

Uống đến khi nước sắp chạm vạch đáy, Lý Kinh Trọc châm thêm nước nóng vào bình trà.

Liễu Tức Phong cảm thấy thao tác của anh rất điêu luyện bèn tỉ mỉ nhìn kỹ, Lý Kinh Trọc nói: "Mấy năm trước hay tới đây, cũng học được chút ít, anh có muốn học không?"

"Được." Liễu Tức Phong lại nổi lên hứng thú, ngồi dậy ngay ngắn đối diện Lý Kinh Trọc.

Dường như hắn có hứng thú với tất cả những sự vật sự việc mình không biết, cái gì cũng muốn làm thử, nếm thử qua một lần.

Hắn cúi đầu làm mái tóc dài rũ xuống, đồng ý theo Lý Kinh Trọc đi lên trấn uống trà là quyết định nhất thời hứng khởi nên không mang theo dây buộc tóc, chỉ có thể vén gọn ra sau vành tai.

Dù vậy, vẫn luôn có vài lọn tóc ương bướng tuột xuống.

"Là như vậy." Lý Kinh Trọc vừa chỉ dạy vừa không nhịn được phân tâm nhìn lọn tóc bên tai Liễu Tức Phong.

Hắn chỉ một lòng muốn học nên không hề để ý, một lát sau đã có thể bắt chước thủ pháp pha trà của Lý Kinh Trọc.

Liễu Tức Phong quá chuyên tâm, không biết Lý Kinh Trọc đã lùi ra sau mấy bước lén ngắt một cành hoa cẩm quỳ, uốn thành một vòng hoa nhẹ nhàng đặt lên đầu hắn.

"Làm được rồi." Liễu Tức Phong vui vẻ nhìn Lý Kinh Trọc.

Anh vội vàng quay sang chỗ bình hoa: "Cái này nhìn một cái là học được ngay."

"Gì thế?" Liễu Tức Phong nhận ra dưới sàn nhà có thêm một vòng hoa cẩm quỳ nhỏ liền nhặt lên xem.

Hắn không biết hoa vừa từ trên đầu mình rơi xuống, chỉ cho rằng nó vốn ở dưới đất.

Lý Kinh Trọc nói: "Ngồi chờ anh rảnh rỗi nên thuận tay bện một cái."

Liễu Tức Phong nhìn vòng hoa, đội lên đầu mình rồi cười hỏi Lý Kinh Trọc: "Hợp không?"

Lý Kinh Trọc đáp: "Cũng tạm."

Liễu Tức Phong giữ vòng hoa lại trên đầu, không chịu gỡ xuống nữa.

Lý Kinh Trọc ngồi bên cửa sổ giả vờ ngắm cảnh, quay mặt qua hướng Liễu Tức Phong không thể nhìn thấy, cười.

Giọng Liễu Tức Phong vang lên phía sau: "Cậu đang nhìn gì thế, đẹp lắm à?"

Lý Kinh Trọc trả lời: "Anh không cần xem đâu, không phải lợn con chết."

Liễu Tức Phong: "Chuyện của mấy tiếng trước mà cậu vẫn ghim đến bây giờ."

Lý Kinh Trọc nói: "Trí nhớ của tôi cực kỳ tốt, có khi sáu mươi năm sau vẫn nhớ rõ." Thế nhưng điều anh đang tưởng tượng là dáng vẻ Liễu Tức Phong đội vòng hoa lên đầu mỉm cười với mình đến sáu mươi năm sau anh vẫn nhớ được, vì thế vội dời sang đề tài khác không liên quan, "Quán trà của dì Tông buôn bán khá thật." Đúng lúc thấy bên dưới lầu có một nhóm người đi qua rừng trúc, hẳn là đến uống trà.

Liễu Tức Phong nhìn theo hướng anh nói, gương mặt đang cười đột nhiên biến sắc.

Lý Kinh Trọc hỏi: "Có chuyện gì vậy?"

Liễu Tức Phong đứng lên, khuôn mặt hơi sầm xuống.

Lý Kinh Trọc hỏi dồn: "Rốt cuộc là có chuyện gì?"

Vừa nói xong đột nhiên anh nghe thấy tiếng ồn ào dưới lầu.

Phòng riêng trên lầu hai cách âm rất tốt, không dễ gì nghe được bên ngoài nói chuyện, vì thế bèn xuống lầu nhìn thử.

Người tới khoảng trên dưới ba mươi mặc áo ba lỗ: "Bà chủ Tông, thật sự không gặp người này? Sao tôi lại nghe có người bảo trông thấy hắn vào quán nhà bà nhỉ?"

Dì Tông rút một lá bài quay quay trong tay: "Anh Nham vào quán tôi uống chén trà làm ván mạt chược thì tôi hoan nghênh, lục soát tìm người thì không chào đón.

Cứ tìm đâu đâu không thấy rồi vòng vào chỗ này, chúng tôi không phải đồn cảnh sát, có cho người ta làm ăn buôn bán nữa không?"

Lý Kinh Trọc chưa xuống đến lầu một, chỉ đứng lưng chừng ở cầu thang đã nhìn thấy từ xa tấm ảnh chụp trên tay người được gọi là anh Nham.

Tấm ảnh cũ hơi nhăn nhúm, có lẽ vì bị vò nắm nhiều lần, mái tóc người trong ảnh không dài như hiện tại, khuôn mặt cũng khá non nớt, hoàn toàn không phải bộ dáng thành thục của bây giờ.

Nhưng không thể nghi ngờ, người trong ảnh chính là Liễu Tức Phong.

—--------------------------

Lời tác giả:

① Lấy từ bài 《 Tiểu trì 》(ao nhỏ) của Dương Vạn Lý, nguyên văn như sau:

Tuyền nhãn vô thanh tích tế lưu,

Thụ âm chiếu thuỷ ái tình nhu.

Tiểu hà tài lộ tiêm tiêm giác,

Tảo hữu tinh đình lập thượng đầu.

Dịch thơ:

Nước lạnh dường đang tiếc gợn trôi

Hàng cây êm tạnh bóng im soi

Lá sen mới nhú như sừng nhọn

Có chú chuồn chuồn đến đậu chơi

(bản dịch thơ của Vũ Minh Tân trên thivien.net)

Dương Vạn Lý 楊萬里 (-) tự Đình Tú 廷秀, hiệu Thành Trai 誠齋, người Cát Thuỷ, Cát Châu (nay thuộc Giang Tây, Trung Quốc), đỗ tiến sĩ năm Thiệu Hưng thứ () đời Tống Cao Tông.

—----------------------------

Thơ thẩn xuất hiện trong truyện nếu không được đánh số hay ghi chú rõ là bản dịch thơ của ai thì là do editor tự phiên theo ý mình, hoàn toàn không có cơ sở học thuật nào cả nên coi cho vui thôi nha~.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio