(Giải thích tựa chương: Hồn đi vạn dặm Tôn Sách về trời…)
Lũng Tây, tháng Mười Một, sau trận sương giá đầu tiên, toàn thành chìm trong niềm vui sướng bội thu.
Lương thực chất cao như núi, nho như biển, qua một ngày hái nho, từng hộ dân Lũng Tây nâng bồn gỗ lớn ra ngoài, đem nho đặt vào trong bồn.
Nam nhân đa phần đã ra ngoài săn thú, nữ nhân ôm theo con trẻ ngồi ngoài cửa nói chuyện phiếm, chờ đợi.
“Ù—” Tiếng tù và vang lên bên ngoài thành, vọng khắp toàn thành.
Trần Cung đang nói chuyện phiếm với Hoa Đà, mỗi người cầm một ly nước ép nho, nghe tiếng tù và, Trần Cung hỏi: “Chủ công về à?”
“Chủ công về rồi!” Lính liên lạc chạy nhanh như bay theo các tuyến đường, khắp thành ngay lập tức náo nhiệt hẳn lên.
Quân đội lên thảo nguyên săn bắn được mùa bội thu mới quay về, Lã Bố đưa theo Kỳ Lân vào thành, phía sau là gần ngàn xe da thú, thịt thú chất thành một ngọn núi nhỏ.
Lã Bố nói: “Về rồi đây!”
Kỳ Lân mặt một bộ áo dài da nai, cổ đeo kim châu, từng nhà kiểng chân ra nhìn.
Kỳ Lân cười nói: “Nhưỡng rượu hả? May quá, còn kịp, Thái Văn Cơ đâu?”
Thái Văn Cơ trong giáo trường trước Hầu phủ đợi thật lâu, đứng dậy nói: “Chờ hai người các ngươi cả ngày rồi đấy.”
Trang sức trên người nàng vang lanh canh lanh canh, như cô gái mùa thu hoạch trong chuyện thần thoại Tây Vực, Kỳ Lân cởi áo ngoài, vén tay áo nói: “Bắt đầu đi! Nhưỡng rượu, xem một năm qua chúng ta thu hoạch được gì, ngươi vào đạp trước đi.”
Văn Cơ ngại ngùng cười nói: “Không không… không được đâu.”
Kỳ Lân lên tiếng: “Các cô gái! Vào bồn gỗ đi nào! Đừng có ngại!”
Văn Cơ đành phải vấn tóc, Lã Bố cầm sáo Khương tới, tiếng nhạc vang vọng tận mây trời, Thái Văn Cơ để chân trần bước vào trong bồn, nước nho văng khắp nơi.
Các cô gái toàn Lũng Tây tùy ý vui đùa, chân trần đạp nho, giống như những bước nhảy rực rỡ, Lã Bố cũng ham vui muốn thử: “Ta cũng đạp!”
Kỳ Lân nói: “Nho ngươi đạp, ngâm ra rượu ngươi tự uống.”
Lã Bố hết dám.
Tiếng nhạc văng vẳng lúc xa lúc gần, khắp thành người người nhưỡng rượu, cô nương nhà nhà đạp nho, ép cả nước cả vỏ để được nước nho màu đỏ tươi đầy bồn lớn, đưa xuống hầm ủ.
Quân Lương Châu đi săn cũng có thu hoạch, lại một mùa Đông nữa đến đây, năm nay, chắc chắn là một năm cơm no áo ấm.
Thái sư phụ thân ái:
Năm nay là năm thứ sáu Lã Bố chiếm lĩnh Lũng Tây, căn cứ vào tin tức thám tử các nơi truyền về, so sánh Lũng Tây và các thành ở Trung Nguyên, định mức sản xuất toàn thành vào loại giàu có nhất Thành Đô đất Thục, thậm chí còn hơn cả Kiến Nghiệp.
Nhưng bởi vì Lã Bố liên tục bát bỏ đề nghị tăng thuế, cho nên quan khố của chúng con không hơn đám Tôn Sách, Tào Tháo là bao, chỉ ngang ngửa với Lưu Chương.
Mặt hàng chủ yếu của chúng con là thép và rượu nho, sau trận Quan Độ, ba thành bắt đầu trồng dâu nuôi tằm, mùa Thu hái nho, mùa Xuân nuôi tằm, từ lúc đó, mỗi mùa trong thành đều bận rộn.
Cách đây ba năm, Con đường tơ lụa đã khôi phục thông thương, buôn bán thông thuận thẳng đến Hàm Cốc quan, mang theo rượu nho và thép của chúng con đến các vùng Trung Nguyên Cửu Châu, thu về lượng lớn vàng và bạc ròng. Lã Bố trấn giữ đoạn quan trọng của Con đường tơ lụa, giao dịch từ Tây Vực đến Lũng Tây được miễn thuế, sau khi xuất quan vào Trường An mới thu.
Sau trận Quan Độ, Cửu Châu tiến vào giai đoạn tương đối hòa bình, va chạm nhỏ rất nhiều nhưng kế hoạch quân sự lớn thì không thấy.
Sáu năm nhanh chóng qua đi, nhân khẩu Tây Lương tăng tổng cộng ba vạn, phần lớn là ấu nhi mới sinh và thiếu nhi, đây là con cái của tướng sĩ Tịnh Châu theo Lã Bố cùng với Khương nữ, Hán nữ Tây Lương sinh được.
Con lai thật sự rất xinh đẹp, phụ thân chúng sắp theo chân Lã Bố ra ngoài chinh chiến, nhất thống thiên hạ, con cái trưởng thành ở Lương Châu.
Con có nên lợi dụng ít của để dành, dụng binh với hai nơi Hán Trung, Ích Châu không? Vấn đề này chúng con từng họp lại tranh luận rồi, Khổng Dung dốc hết sức chủ trương không ngưng chiến – hậu phương êm ấm ổn định, còn có vợ con bên cạnh, sẽ khiến các tướng sĩ quen với cuộc sống an nhàn, trở nên lười biếng, nhát gan.
Trần Cung lại kịch liệt phản bác, cho rằng không nên lại xuất chinh, một khi đánh vỡ thế cân bằng hiện có, tướng lệnh Trung Nguyên lại lần nữa rung chuyển.
Trong khi Lã Bố chỉ nói: Sói vĩnh viễn là sói, không phải vì nuôi trong nhà lâu ngày mà thành chó nhà.
Con hy vọng Lã Bố đúng, trong vấn đề này, một lần nữa con phải nhìn Lã Bố bằng cặp mắt khác, bất kể là có chủ động xuất binh hay không, kết quả này vẫn quyết định kết cục sau cùng của các địa khu Trung Nguyên.
Đối mặt với tương lại mù mịt, dù là con cũng không dám dễ dàng hạ quyết định, không phải Lã Bố ham sống an nhàn, mà là hắn có tự tin, không cần biết chừng nào mới xuất chiến, thực lực của bọn con cũng không bởi vì thời gian trôi qua mà yếu đi.
Cũng may có vị Võ Thần này tọa trấn Lương Châu, bọn con mới có thể đổi được thời gian bốn năm hòa bình.
Lưu Bị còn lao đao chạy Đông chạy Tây, trước mắt đang dựa vào Lưu Biểu ở Kinh Châu; Tôn Sách đã lâu lắm rồi không có tin. Con hy vọng hắn vẫn sống tốt.
Lúc dạo trên các con đường ở Lũng Tây, nghe hai bên đường văng vẳng tiếng học trò đọc sách, hoàng hôn ngắm nhìn từng chùm nho nặng trĩu trên giàn, đêm xuống muôn nhà thấp sáng ánh đèn, chiến hỏa đã rời xa Tây Lương, chỉ mong sắp tới chiến tranh sẽ qua nhanh, để cho thế giới này lấy lại được hòa bình an ổn.
Nhưng trước khi các việc đó xảy ra, con muốn nghe ý kiến của người, con chờ thư hồi âm.
—– Đồ tôn: Tiểu Hắc.
Kỳ Lân đốt thư, im lặng ngồi trong thư phòng, khói nhẹ trong lư hương lượn lờ bay lên, trong phòng yên tĩnh, sau lưng treo một bức tranh chữ Kỳ Lân thuận miệng đọc chơi, Lã Bố đích thân viết: Say nằm chiến địa người đừng mỉa, Xưa nay chinh chiến mấy ai về()
Hắn nhìn về phía cửa phòng, sau rèm có bóng người đang đứng, người này rất cao, phong độ nổi bật, võ bào xanh, eo đeo bạch ngọc, cổ tay buộc dây đỏ.
Mặt mày như ngọc, môi như tô son, mày kiếm chạm tóc mai, đôi mắt bao la như thiên không, nhớ năm đó sơ ngộ bên bờ Hán Thủy.
Giọng nói nam tử mang theo ý cười: “Gần đây thế nào?”
Kỳ Lân đáp nhỏ: “Rất tốt, ta cứ nghĩ không biết tại sao lâu như vậy mà ngươi không viết thư cho ta, còn giận à?”
Tôn Sách chầm chậm thở dài: “Ta không nghe lời khuyên của ngươi. Ngày ấy sau khi rời khỏi Quan Độ, ta bắt Công Cẩn đến Đan Dương, bốn năm rồi chưa từng gọi hắn trở về. Trong mấy năm này, ta giết người nhiều lắm, đã đến lúc nhận quả báo.”
Kỳ Lân hỏi: “Tôn Quyền thế nào?”
Tôn Sách đáp: “Tôn Quyền vẫn mạnh, là người lớn rồi.”
Ánh mắt Kỳ Lân nhìn chằm chằm lồng ngực Tôn Sách, lẩm bẩm: “Ngươi vẫn không thoát được.”
Tôn Sách gật gật đầu, trên ngực là vết máu đen sậm: “Ta giết Hứa Cống, Ngụy Đằng, hai năm trước, chỉ cần các quận Giang Đông không phục, ta đều tự tay treo cổ.”
Kỳ Lân nói: “Ta có viết thư để lại cho ngươi.”
Tôn Sách cười: “Ta không làm theo, giận ngươi lại hại chính mình. Hôm trước, ta ra khỏi thành Thu săn, đuổi theo một con hưu cái trắng muốt, rời khỏi đội ngũ, không biết ai nấp trong bụi cỏ bắn ta một tên.”
Kỳ Lân thở dài: “Ngươi tội tình gì phải như thế?”
Tôn Sách lại nói: “Công Cẩn đang trên đường chạy về Kiến Nghiệp, năm nay Tôn Quyền mười lăm, Ngày sau nếu quân Tào có Nam hạ, Lưu Biểu xâm phạm phía Đông, xin ngươi nhớ lại tình thủ túc ngày xưa, thuyết phục Ôn hầu ra tay giúp đỡ, bảo vệ sinh linh cho đất Giang Đông.”
Giang Đông cách Tây Lương xa vạn dặm, hồn phách Tôn Sách rời thân thể, tức là đã đến lúc hấp hối, giờ phút này có mời Hoa Đà cưỡi Xích Thố đến cũng không còn kịp nữa.
Kỳ Lân không lên tiếng, mắt dần đỏ lên, Tôn Sách mỉm cười nhè nhẹ, sau lưng, Lã Bố vén rèm bước vào, hư ảnh của Tôn Sách nháy mắt tan ra, hóa thành muôn ngàn điểm sáng bay lượn dưới hoàng hôn.
Lã Bố nói: “Vừa rồi ta uống rượu ngoài phòng khách, nằm mơ.”
Kỳ Lân đáp: “Không phải mơ đâu.”
Hai người nhìn linh hồn trong phòng chầm chậm bay đi, như bầy đom đóm truy đuổi nhau uốn lượn rồi bay ra ngoài cửa sổ, tụ lại một chỗ cùng bay về bầu trời Đông Nam.
Kỳ Lân đi ra sân, đứng sóng vai cùng Lã Bố, nhìn xa xa phía chân trời.
Một vì sao rơi kéo chiếc đuôi bạc, bay ngang trời hoàng hôn.
Kiến An năm thứ mười, Tôn Sách về trời, sáu quận, bốn mươi tám thành Giang Đông, vạn dặm để tang.
Chu Du ngựa không ngừng vó ngày đêm kiêm trình, chết hai con ngựa mới về đến Kiến Nghiệp, trước mắt hắn là cỗ quan tài đen nhánh.
Văn võ bá quan dưới quyền Tôn Sách mặc đồ tang. Tôn Quyền khóc đến ngất đi, được đưa vào phòng trong.
Chu Du quỳ gối trước linh đường, nhìn quan tài gỗ nặng nề trước mặt.
Ba ngày trước, Tôn Sách dẫn quân Thu săn, ngực trúng tên, mũi tên tẩm kịch độc, được thuộc hạ đưa về nằm một đêm, thuốc hay châm đều vô dụng, Đại Kiều lập tức phái người đi Đan Dương báo cho Chu Du, lại phái tín sử đến Tây Lương đưa thư cho Kỳ Lân.
Chu Du nhận được lá thư đầu tiên vào sáng sớm: Tôn lang bệnh tình nguy kịch, về nhanh.
Chu Du nhanh chóng tìm người giao lại chính sự ở Đan Dương, vội vàng lên ngựa.
Đến cửa thành lại nhận được phong thư thứ hai: Tôn lang đi rồi.
Chu Du mất hồn lạc phách đối diện linh đường, Đại Kiều nhỏ giọng kể: “Tôn lang… cố gắng một đêm, chờ ngươi đến nói lời từ biệt, nhưng độc quá mạnh, chịu không nổi… sáng sớm đã đi rồi.”
Chu Du nói: “Đều ra ngoài hết đi, ta có lời muốn nói với hắn.”
Đại Kiều gật đầu, bảo mọi người ra khỏi linh đường.
Gió Thu thổi vào phòng, linh đường vắng vẻ, vãn liễn() lay động, những điểm trắng như sao trở về Kiến Nghiệp, tụ lại bên người Chu Du, bay lượn khắp chung quanh, một ngọn gió từ đâu thổi qua làm lung lay hai hàng đèn bên cạnh linh đường, ánh sáng nhảy múa chập chờn.
“Công Cẩn.” Từng điểm sáng linh hồn tụ lại thành hình hài Tôn Sách, dừng lại trước mặt Chu Du, cười khẽ: “Ta cũng có điều muốn nói với ngươi.”
Ánh mắt Chu Du xuyên thấu bóng dáng Tôn Sách, không có tiêu điểm, mờ mịt nhìn vãn liễn.
Chu Du đứng dậy, lê bước chân mỏi mệt, đi đến trước giá đèn, tự tay lấy que sắt, khều cái bấc đèn đầu tiên, nhỏ giọng thì thầm: “Giang Đông gió lộng, huyện Thư năm sau Xuân về hoa nở, hồ Sào vẫn thế, sóng biếc mênh mông, trời xanh không gợn mây.”
Tôn Sách nói: “Ta không đi, ở lại làm bạn với ngươi.”
Chu Du vẫn thủ thỉ: “Đợi chừng nào về được, bên hồ Sào lấy chén rượu tế vong linh ngươi.”
Tôn Sách rì rầm an ủi: “Công Cẩn, ta biết ngươi không giận ta, phong cảnh hồ Sào tất nhiên là rất đẹp rồi, chúng ta đây không phải quen biết bên hồ đó sao.”
Chu Du tuần tự khơi tỏ ngọn đèn, nhìn chăm chú vào ngọn lửa, chầm chậm nói: “Ngươi trên trời có thiêng, hãy phù hộ cho Tôn Quyền, bảo vệ ta giúp ngươi gây dựng cơ nghiệp, đợi Tôn Quyền có thể gánh vác được trách nhiệm, ta cũng bỏ được gánh nặng, lập tức đến bầu bạn với ngươi.”
Tôn Sách vẫn nói: “Công Cẩn, ta không đi.”
Dưới ánh đèn tỏa sáng, trên mặt Chu Du lấp loáng ánh nước, Tôn Sách nâng tay lau hai gò má, nước mắt rơi xuống đất, vang lên một tiếng rất nhỏ.
Tôn Sách nhắm mắt, tay từ sau lưng Chu Du vòng qua, ôm hông hắn, ngả đầu tựa vào vai hắn.
“Ta còn ở bên cạnh ngươi đây, không đi đâu.”
Khuôn mặt anh tuấn của Tôn Sách mang theo một chút niềm vui, rồi ba hồn bảy vía tan ra, lại tụ lại thành một luồng điểm trắng, bay vòng quanh Chu Du.
Đèn trong sảnh đường đều đã sáng tỏ, Chu Du đến trước áo quan, nâng vạt áo quỳ xuống.
Hắn cứ ngơ ngác nhìn thật lâu, cuối cùng phun một búng máu, rồi lịm đi.
Lũng Tây.
Trời Thu bao la, chim di trú bay về phương Nam.
“Bá Phù—”
Kỳ Lân đội khăn tang, quỳ gối ngoài thành khóc thương, hướng mặt về Đông Nam lễ bái.
Lã Bố nâng chung rượu cao lương, hai mắt đỏ hồng, rót rượu vào đất.
“Bá Phù, hẹn ở Suối Vàng.” Lã Bố từ tốn nói: “Một chung rượu nhạt, ngày sau vi huynh tẫn số, sẽ có ngày gặp lại.”
Phía sau, mấy trăm tướng sĩ trang nghiêm đứng thẳng, một tuấn mã từ trong thành phi nhanh ra, là người mang tin của Tào doanh.
Tín báo xoay người quỳ lạy: “Chủ công nhà ta sai ta tới, có thư trình Ôn hầu!”
Lã Bố nhẹ nhàng nói: “Kỳ Lân, sống chết có số, đừng quá đau lòng, ngươi xem xem thế nào?”
Kỳ Lân nước mắt lã chã, cố gắng đứng dậy.
Lã Bố hỏi: “Chuyện gì, nói.”
Tín báo chưa kịp lên tiếng đã nghe sau lưng một khoái mã đang đến.
“Báo— ta là tín báo từ Giang Đông! Có thư trình Hầu gia!”
Kỳ Lân nhận ra con ngựa đang lao về phía này toàn thân màu xám tro, bờm trắng xỏa qua một bên, chính là tọa kỵ năm xưa của Tôn Sách.
Vào lúc hắn khó khăn nhất, cùng đường thoái chí nhất, nhờ Giang Đông che chở, Tôn Sách thu nhận. Trong loạn thế Tôn Sách không để lòng nghi ngờ, dùng lễ đãi khách đón tiếp hắn, tình nghĩa không khác gì lúc mới đến chỗ Lã Bố. Đến khi Kỳ Lân phải quay về, Tôn Sách bao phen lấy minh châu, ngựa yêu ra tặng, nghĩa tình như thế, kết cục, lại đổi lấy một lần chia tay ở Quan Độ rồi âm dương cách biệt.
Nay thấy vật nhớ người, Kỳ Lân kiềm không được lại khóc lớn.
Lã Bố ôm Kỳ Lân vào lòng, vỗ vỗ lưng hắn, Kỳ Lân nén bi thương, dựa trong ngực Lã Bố, không ngẩng đầu, nức nở nói: “Có chuyện gì?”
Tín sử đến sau nôn nóng nói: “Trần Công Đài tiên sinh nói Ôn hầu và quân sư ở ngoài thành, ta đến đưa thư!
“Ta đến từ Kiến Nghiệp theo lệnh của Chu Đô đốc, vạn dặm đưa tin khẩn, mong Hầu gia nhớ tình xưa, trên dưới Giang Đông sẽ trọn đời ghi nhớ thịnh đức của Phấn Vũ tướng quân!”
“Ta đến từ Hứa Xương! Có chiếu thư của thiên tử và mật thư của Tào Mạnh Đức!” Tín sử đến trước cũng tranh lên tiếng.
“Đọc.” Kỳ Lân bình tĩnh trở lại, nức nở nói: “Tín sử của Tào Tháo đọc trước.”
“Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết…”
Lã Bố lệnh: “Lôi xuống chém, dám đọc thánh chỉ với ông mày?!”
Tín sử sợ hãi luôn miệng xin tha, vội lấy thư của Tào Tháo ra, do dự một hồi, mới đọc lên.
Tôn Sách bỏ mình, Tào Tháo nhắm thấy cơ hội, sắp xuất binh đến Giang Đông, triệu tập tám mươi vạn binh mã, mời Lã Bố xuất binh trợ giúp, cùng hướng về Giang Đông.
Sau khi thành công sẽ báo đáp bằng bốn thành Ba Trung, Hán Trung, Hán Nam, Hán Bắc, tám trăm dặm từ Hàm Cốc quan đến Hán Trung, lấy núi Định Quân làm ranh giới.
Kỳ Lân không có ý kến, chỉ nói: “Đọc thư Chu Công Cẩn.”
Tín sử lấy thư Chu Du ra, lớn tiếng đọc: “Đại ca không còn! Tứ đệ nhỏ tuổi! Ngày sau nếu có chiến trận, cả tộc chịu chết đã đành, Tào tặc cướp nước, mơ ước Giang Đông! Nhị ca có chết cũng không hàng!
“Ngày Giang Đông ngàn dặm đất khô! Mệnh tướng sĩ về nơi Suối Vàng! Chỉ trông mong tam đệ lần nữa vào Hàm Cốc quan, thay ta và Tôn Quyền báo thù rửa hận!”
Lã Bố trầm giọng nói: “Về nói với Tào Mạnh Đức, nếu hắn xuất binh, bản hầu sẽ không đánh hậu phương hắn, không cướp lương thảo của hắn. Nhưng, chỉ cần Tào Tháo nhón nửa bước qua Trường Giang, toàn bộ Tây Lương sẵn sàng dấy binh hiệp trợ Chu Công Cẩn, liên minh với Giang Đông, hầu Tào Tháo Nam hạ, quyết một trận tử chiến!”
Hứa Xương:
Tào Tháo nhận lời nhắn của Lã Bố, trên triều cười ha ha.
“Các ngươi thấy thế nào—” Tào Tháo nói.
Quách Gia, Tuân Úc, Tuân Du, chúng mưu sĩ được xem trọng nhất đều đứng bên trái.
Quách Gia lành lạnh nói: “Ước hẹn năm năm cũng hết rồi, nay chủ công có tám mươi vạn quân, hai vạn chiến thuyền, Tây Lương khô cằn, Ôn hầu không thiện thủy chiến, vừa không công phá hậu phương ta, nếu đánh một trận thì thế nào?”
Tuân Úc vuốt râu không đáp, lát sau mới lên tiếng: “E rằng không chỉ có vậy.”
Tào Tháo nói: “Lã Phụng Tiên là tên tự phụ, nói một thì không có hai. Để lại năm vạn binh ở Hứa Xương, muốn trông chừng thiên tử dễ như trở bàn tay.”
Quách Gia gật đầu, khom người nói: “Chủ công không cần e ngại hắn, nếu muốn giữ nguyên kế hoạch xuất chinh, Phụng Hiếu xin được theo quân đánh một trận.”
Tào Tháo quát: “Được! Ta muốn xem xem, Lã Phụng Tiên không có Tôn Sách Giang Đông làm thế nào cản bổn Tướng Nam hạ! Truyền lệnh, gấp rút chuẩn bị, luyện binh! Đầu Xuân, Nam chinh Kinh Châu, bình định Giang Đông!”
Thái sư phụ:
Mọi người lâu rồi không hồi âm cho con, còn đang ở trong thời không tìm đường ra ngoài ạ?
Trận chiến lớn nhất Tam quốc, trận Xích Bích sắp mở màn rồi, Tào Tháo xuất lĩnh tám mươi vạn đại quân, đầu Xuân sẽ xuôi Nam.
Lúc này, Tôn Sách vẫn phải chết, nhưng Quách Gia vẫn còn, điều kiện lịch sử lập lại trật tự mới, tự nhiên con cảm thấy thiếu tự tin vô cùng.
Quách Gia còn sống, trận này sẽ trở nên gian nan chưa từng có.
Dưới trướng Lã Bố chỉ có Cam Ninh với một vạn thủy quân và hai trăm chiến thuyền, hắn chưa nói gì cả, càng không trưng cầu ý kiến của bất kỳ ai, độc lập quyết định, chuẩn bị tháng Tư xuất binh thẳng tiến Giang Đông trợ giúp Chu du.
Con cần được tiếp thêm tự tin, mong chờ hồi âm.
—–Tiểu Hắc.
Chu Du lịm đi trên mặt đất, một trận gió từ bên ngoài thổi vào, đèn đuốc trong linh đường nháy mắt phụt tắt. Cạnh vãn liễn vang tiếng xột xoạt, lát sau hiện ra một lỗ đen sâu hoắm.
Không gian giống như bị một sức mạnh nào đó xé mở, dòng chảy thời không trở nên dị thường chậm chạp.
Hạo Nhiên: “Hình như là chỗ này thì phải?”
Thông Thiên: “Đồ đệ, xuyên không đâu phải chuyện đùa, lần trước ngươi vừa hạ cánh đã bị Hiên Viên đạp cho một cước…”
Văn Trọng: “Câm miệng.”
Hạo Nhiên: “Ủa… Quan tài của Tôn Sách đây phải không? Chu Du đâu? Xem ra chúng ta đặt thời gian hơi sớm rồi, hơn nữa cũng không đúng địa điểm lắm…”
Thông Thiên: “Ê! Ta có ý này, các học trò, lấy Tôn Sách ra, mau.”
Đinh gỗ bên mép áo quan bị gỡ ra, một cánh tay vươn ra khỏi lỗ đen, cố sức đẩy nắp áo quan, bên trong đường hầm thời không bỗng vang lên tiếng vỗ tay, di thể Tôn Sách nhẹ nhàng trôi nổi giữa không trung, trôi về phía trước, cả người thẳng băng, đập bang bang vào thành đường hầm.
“Bang!”
Đầu Tôn Sách bị tính sai hướng va vào vãn liễn, rồi liên tiếp đụng ‘bang bang’ thêm vài cái nữa.
“Tử Tân, các ngươi muốn tạo phản phải không!” Văn Trọng không vui nói: “Tránh ra! Ta làm!”
Hạo Nhiên cố cãi: “Hắn cứng quá…”
Thông Thiên: “Không phải hắn cứng mà là cơ thể hắn cứng, ‘Hắn cứng’ và ‘Cơ thể hắn cứng’ là hai chuyện rất khác nhau…”
“Câm miệng!” Văn Trọng và Hạo Nhiên đồng thanh.
Thi thể Tôn Sách bay đi bay lại trên không, rốt cục đầu cũng hướng vào lỗ đen, chớp mắt hút vào.
Hạo Nhiên: “Sư huynh, giày, giày… rơi.”
Trong lỗ đen lại lòi ra một cánh tay, mò chiếc giày trên nắp quan tài, chụp lấy, sẵn tiện đậy kín nắp quan.
“Linh hồn đâu?” Văn Trọng hỏi.
Hạo Nhiên thăm dò, phát hiện hồn phách Tôn Sách vẫn vòng quanh bên cạnh Chu Du, cố gắng gọi Chu Du tỉnh lại.
“Suỵt… lại đây!” Hạo Nhiên ngoắc tay.
“Để ta để ta!” Thông thiên vén tay áo giành, Hạo Nhiên mới ló đầu ra nhìn một vòng lập tức bị lôi về.
Chốc sau, một cái vợt bắt muỗi vươn ra, ‘vụt’ một tiếng đánh cho dãy ánh sáng trắng tan ra, lại ‘vụt’ một tiếng nữa bắt trọn, kéo hồn phách Tôn Sách đi.
“Lại phải mở Thiên nữ Bạch Ngọc luân, ta ghét nghe tên yêu dã đó đàn Phục Hi Cầm muốn chết luôn…” Tiếng nói Hạo Nhiên ngày càng xa.
Lỗ đen từ từ đóng lại, linh đường vắng vẻ đìu hiu, Chu Du hôn mê bất tỉnh, hết thảy như chưa từng phát sinh.
——————————-
Lời tác giả:
Thiên nữ Bạch Ngọc luân là trận pháp làm người chết sống lại.
Cần hai thứ thần khí là đá Nữ Oa và đàn Phục Hi, trong ‘Chiến Thất Quốc’ Hoàng Đế dùng Thiên nữ Bạch Ngọc luân hồi sinh Thái tử Đan.
Long Dương Quân là đá Nữ Oa hóa thân, vì thế Long Dương Quân đàn Phục Hi Cầm có thể mở ra Thiên nữ Bạch Ngọc luân, hồi sinh Tôn Sách. (Tui: chắc Long Dương Quân đẹp quá mê hoặc Tử Tân nên mới bị Hạo Nhiên ghét =)))))
Tôn Sách: “Đến cùng thì đây là vụ gì?? Không phải ta diễn tuồng lịch sử sao?! Tự nhiên biến thành huyền huyễn rồi?!
——————————-
Chú thích:
Hai câu trong bài Lương Châu từ của Vương Hàn, ‘Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi’.
Vãn liễn: câu đối tang