Chị Loan lái xe đưa bà của Yeun thẳng tiến đến quán ăn Việt-Hàn khi mà nhiều xe cảnh sát vẫn còn đỗ ven đường. Tôi đã phải cúi đầu một cách khổ sở sao cho bố không thể trông thấy tôi qua cửa xe. Nhìn thấy ông tôi không chỉ sợ mà còn mừng bởi lát nữa thôi căn nhà sẽ tạm trở thành của riêng của tôi, để tôi có thể xử lý cái áo vấy máu bẩn thỉu mình đang mặc trên người, và cả chiếc áo vô tội của Yeun nữa.
Khi về tới nhà, tôi vội tạm biệt chị để nhanh chóng hoàn thành một lố công việc trước khi bố xử lý xong vụ đột nhập quán ăn. Biết là mình cần phải cởi ngay chiếc áo sơ mi ra nhưng khi trông thấy bộ ghế đệm quen thuộc tôi không kìm lòng nổi nữa mà đổ cả thân người xuống. Thật là dễ chịu khi được đặt lưng vào đâu đó sau khi mất cả một đêm để ngồi thiền nhưng chẳng mang lại kết quả gì hết.
Nằm vất vưởng trên ghế như thể vừa kéo một khối đá lớn lên đỉnh kim tự tháp, đầu tôi nghiêng sang một bên, nhìn chăm chăm vào điểm vô định nào đó. Trông thấy vệt cà phê màu nâu rất nhỏ bám trên thảm tôi liền nhớ đến một ký ức cũng nhỏ nhoi giữa tôi và Phạm Hòa. Đúng như tiến sĩ nói, giác quan phát triển cũng đâu có gì hay. Ngay tại chỗ tôi nằm, tại chiếc ghế này tôi vô tình làm đổ cà phê lên đùi anh ấy. Cứ như thể cảm xúc của anh đã mất hết, bị cà phê nóng bỏng bám vào da thịt mà anh không hề chớp mắt lấy một cái, tôi nhớ rất rõ thứ khiến anh để tâm chỉ là chiếc quần bị bẩn chứ không phải cơn đau. Anh ấy đã có khả năng ngoại cảm từ nhỏ, đáng lí ra cảm giác mà anh nhận được phải rất mạnh mẽ. Tôi có thể áp đặt các lý thuyết cứng cáp về ngành tâm lý mà mình đang theo học rằng cơn đau trong tâm hồn anh ấy có lẽ đã chiếm hết cơn đau về thể xác rồi.
Nhắc tới tâm lý học tôi lại hình dung ra các nhận định sống mà mình đúc kết lại được. Tôi luôn quan niệm trên đời này chẳng có người tốt cũng chẳng có người xấu, một con người được coi là tốt khi các hành động tốt của anh ta được nhiều người chứng kiến, một con người bị cho là xấu khi những hành động sai trái của anh ta luôn được phơi bày. Chính miệng tôi nói với Phạm Hòa như vậy thế mà tôi lại có thể đánh giá anh là một con quỷ khi anh đi theo tên quản gia. Tôi đã để tình cảm lấn át đi lý trí, tôi ghét bỏ anh và bỏ qua những điều tốt anh có quá dễ dàng.
Tay tôi sắp vắt lên trán để suy ngẫm thêm về Phạm Hòa và các hành động mà anh làm nhưng lại lỡ quệt vào chiếc quần, ngay túi bên đùi trái, túi mà tôi hay cất di động.
- Nguy rồi!
Động lực từ chiếc di động bị mất tiếp cho tôi sức mạnh để bật dậy. Tôi sờ soạng khắp cơ thể để tìm di động mặc dù một phần trí óc tôi biết rằng nó đã mất từ lâu. Không phải rơi ở đâu đó mà là rơi ở quán ăn Việt-Hàn. Sẽ ra sao nếu bố tìm thấy di động của con gái ông rơi ở đó. Rồi tôi sẽ bị dính vào vụ án lằng nhằng này cho mà xem. Tôi không thể đến đó kiểm chứng, tôi cũng không thể gọi cho ông để hỏi như một con ngốc được.
- Bà của Yeun.
Tôi nhấc hẳn chiếc điện thoại bàn đặt vào lòng mình mà quay số gọi cho Linh. Số của con bạn thân là một trong những dãy số duy nhất tôi nhớ mà không cần tra danh bạ. Mong rằng nó vẫn còn ngồi với Yeun ở nhà của cậu. Những tiếng tút liên hồi kêu bên tai khiến tôi chỉ muốn di chuyển tức thời tới chỗ của Linh để gặp nó.
- Ngày vui gì mà cậu dùng điện thoại bàn gọi cho bạn thân thế? Còn nữa, mình không đếm nổi số lần cậu bỏ rơi mình nữa rồi nhé. Từ hồi cậu có bạn trai… - Linh hậm hực.
- Cậu vẫn đang ở nhà Yeun chứ? - Tôi cắt đứt sự tức tối của nó.
- Cậu ấy còn ngắt lời mình này, Yeun. - Linh cằn nhằn.
- Đưa máy cho Yeun. Mình có chuyện rất gấp. - Tôi thúc giục Linh.
Chân tôi nhún đều nhịp xuống nền nhà trong khi chờ đợi Linh chuyển máy.
- Cậu và bà mình vội đi đâu vậy? - Yeun hỏi.
- Có nghĩa là bà cậu vẫn chưa về. Đọc cho mình số của bà được chứ. Bà đang ở ngoài quán ăn hợp tác điều tra với cảnh sát và mình cần hỏi bà một điều.
Chẳng có giấy bút nào xung quanh vì thế tôi cố gắng ghi nhớ dãy số mà Yeun đọc cho bằng cách nâng cao công suất hoạt động của bộ não. Để tránh việc quên bẵng đi, tôi dập máy ngay sau khi cậu đọc xong mặc dù biết hành động này thật khiếm nhã. Miệng tôi lẩm nhẩm lại số di động của bà còn tay thì quay số. Những tiếng tút liên hồi lại xuất hiện khiến tim tôi đập dồn dập. Khi bà vừa nhấc máy tôi liền giới thiệu ngay:
- Con là Khả Ngân. Bà có thể cho con hỏi…
- Khả Ngân? Con quen biết bà đây hả. - Giọng phát ra từ đầu máy bên kia không phải của bà.
Nhịp tim của tôi như khựng lại mất một giây khi giọng nói của bố phát ra:
- Chào…chào bố. Vâng, con biết bà, đó là bà của cậu bạn con quen trong trường.
- Hiện giờ bà của cậu bạn con không có mặt ở đây. Các đồng nghiệp của bố đang làm việc với bà ấy, con muốn nói gì bố có thể chuyển lời. - Bố nói.
- Con chỉ muốn trò chuyện với bà trong lúc rảnh thôi. Vậy…bố đang điều tra việc gì có liên quan đến bà thế?
- Một vụ trộm, một vụ giết người tàn nhẫn. Hiện trường chỉ có con dao gây án, ngoài ra chẳng có vật chứng hay nhân chứng nào chứng kiến cả. Có lẽ bố lại sắp sửa không quan tâm nhiều đến con được. - Bố nói một cách sốt sắng.
- Không sao đâu bố. Con ổn mà. Bố quên rằng con có bạn trai hả?
- Con cần một người bố hoặc một người chồng để dựa dẫm chứ không phải một người bạn trai. Phải, bố quên rồi, khi nào mối quan hệ của hai đứa phát triển hãy nhắc cho bố nhớ nhé. - Bố cho tôi lời khuyên chân thành
Giờ thì nhịp tim của tôi ổn định hơn bao giờ hết. Thậm chí tôi còn chẳng đôi co với bố về những người đàn ông mà chỉ chào bố rồi cúp máy luôn. Qua cuộc đối thoại ngắn tôi dám khẳng định di động của mình không có ở quán ăn. Có khi nào nó ở trong tay Phạm Hòa? Khả năng này là cao nhất bởi chiếc di động tôi lỡ tay làm rơi xuống nền không thể mọc cánh mà bay trước khi xe cảnh sát tới được.
Tôi đi đến quyết định khá mạo hiểm đó là thử gọi vào số của chính mình. Pin trong máy vẫn còn đầy, tôi nhớ rõ như thế. Nếu di động không bị tắt nguồn thì tôi có thể liên lạc được, với Phạm Hòa, hoặc với ai đó. Thật sự tôi mong người nhấc máy sẽ là anh ấy, tôi rất muốn nói chuyện với anh, nói cho anh hiểu việc làm của anh là sai trái trước khi anh tiếp tục sai thêm.
Có buồn cười không khi gọi vào di động của chính bản thân mà tôi lại run lẩy bẩy như vậy. Tôi chẳng biết tôi đang sợ điều gì nữa, sợ thuê bao không liên lạc được, sợ liên lạc được nhưng chẳng ai nhấc máy, sợ Phạm Hòa nhấc máy nhưng anh lại cư xử tồi tệ với tôi, cũng có thể tôi sợ tất cả.
Liên lạc được. Các tiếng tút đều đặn đang vang khắp tai tôi, tác động lên từng mạch máu của tôi. Tôi cứ đợi cho đến khi cuộc gọi kết thúc, chẳng có ai nhấc máy cả. Không bỏ cuộc, tôi tiếp tục gọi lại vào di động của mình liên tục, và liên tục.
- Cứu… - Đến lần gọi thứ tám, tôi nghe thấy giọng nói vừa lạ vừa quen.
- Chị Trang? A lô, có phải… - Tôi hỏi.
- Cô điên à? - Thêm giọng nói khác chen vào cuộc gọi.
Đó là giọng của Phạm Hòa. Anh ấy cướp máy từ tay chị Trang. Tôi không có nhiều thời gian để quan tâm tại sao anh và chị lại ở cùng nhau, tại sao anh lấy di động của tôi hay tại sao anh lại cướp máy. Tôi chỉ nắm bắt cơ hội mỏng manh này để trò chuyện với anh mà thôi.
- Phạm Hòa. Em cấm anh ngắt máy đấy. Trả lời em. Ngay!
Đầu dây bên kia hoàn toàn im phăng phắc. Phạm Hòa không nói gì, cũng không ngắt cuộc gọi. Tôi dám cam đoan rằng anh ấy nhận ra giọng của tôi và anh đang lắng nghe.
- Nghe em này, trở về với mọi người đi Phạm Hòa. Mọi người cần anh, em cần anh, em cần anh trở lại là Phạm Hòa xứng đáng với sự tha thứ của em. Em biết anh có chuyện khó giải quyết nên mới đi theo tên quản gia. Anh hãy nói rằng em đã đúng đi.
Cảm xúc của tôi đang dâng trào. Giống như tôi đang nói chuyện với một người bạn mười năm không gặp vậy.
- Anh chỉ…chỉ cần nói chút gì đó thôi. Xin anh…
Cuộc gọi với màn độc thoại của tôi chấm dứt bằng hàng loạt các tiếng tút dồn dập kéo dài. Điều gì đó vừa mách bảo tôi rằng đây là lần cuối tôi có thể liên lạc với di động của mình. Tôi biết rõ là thế vậy mà vẫn ngang bướng nhấn nút gọi lại để nghe đi nghe lại từng từ một trong màn thông báo thuê bao không liên lạc được của nhà mạng.
Nghe tới lần thứ ba thì tôi dập máy thật mạnh. Tôi chạy lên tầng hai giặt trôi hết mấy vệt máu khô bám trên áo trước khi thay lấy bộ đồ mới. Tôi cần tìm một ai đó để nói chuyện và tôi chẳng nghĩ ra ai khác ngoài chị Loan. Thật ngu ngốc khi vừa tạm biệt chị không lâu tôi đã phải cuống cuồng tới tìm chị. Cuộc sống không có di động xem ra vô cùng khó khăn, tôi chẳng nhớ số của chị, chẳng biết chị đã về biệt thự hay về nhà. Vì đôi chân của tôi chỉ đủ sức chạy tới quán cà phê nên tôi đành rẽ qua đó với mong ước sẽ trông thấy chị đang tựa vào lan can tầng thượng để nhâm nhi ly cà phê sữa.
Len lỏi qua vài dãy phố, tôi tìm đến quán cà phê nhưng không trông thấy chị như những gì tôi đã tưởng tượng. Chị có mặt ở ngay cửa ra vào, đang loay hoay với cái chốt cửa. Tôi có thể hiểu vẻ mặt bất ngờ xen lẫn hoài nghi của chị khi trông thấy tôi bước tới.
- Đoán là tin xấu. - Chị lúc lắc cái đầu. - Em gặp rắc rối với mấy chiếc áo vấy máu chăng.
- Máu thì em chỉ cần giặt thôi. Rất đơn giản. - Tôi nhún vai. - Em không biết chuyện này là tin tốt hay tin xấu nữa. Em bị mất di động, rồi em dùng máy bàn gọi vào số của mình. Chị đoán xem ai nhấc máy, là chị Trang đấy.
- Không thể tin được. - Chị Loan bỏ dở công việc để chuyên tâm nghe câu chuyện của tôi. - Đã có chuyện gì xảy ra. Tại sao di động bị mất của em lại ở chỗ Trang. Thế Trang có nói nó đang ở đâu không.
- Vụ trộm đột nhập quán Việt-Hàn. - Tôi chỉ vào xe hơi để giúp chị gợi nhớ về bà của Yeun. - Một trong số ba kẻ trộm đó là Phạm Hòa. Em đoán anh ấy đã nhặt dược di động khi em làm rơi. Điều này có thể giải thích tại sao chị Trang có thể nghe máy. Tiếc rằng chị ấy chẳng kịp nói gì cả.
- Điều duy nhất chúng ta biết được là Trang vẫn an toàn. - Chị Loan lấy di động ra. - Đây là tin tốt dành cho Phương. Con bé chắc sẽ an tâm hơn phần nào.
- Có chuyện này em chưa kể với ai cả. - Tôi cân nhắc thật kỹ trước khi nói. - Những tên trộm đã định giết em khi bọn chúng phát hiện mình bị theo dõi. Nếu không nhờ Phạm Hòa giết cả hai tên đó có lẽ giờ em đã là một linh hồn vảng vất ở thế giới bên kia rồi.
Chị nhấp nhổm tại chỗ hồi lâu:
- Đâu phải cứ cứu em có nghĩa là nó tốt với em, có nghĩa là nó còn hy vọng quay đầu. Em quên cái lần Phạm Hòa tìm thấy em trong nhà vệ sinh ở nhà chị rồi hả. Tại đây, nó cứu em, cũng tại đây vào mấy ngày sau nó dùng những lời lẽ khó nghe giễu cợt em và Quân.
- Nhà vệ sinh? - Tôi hỏi chị. - Chị đang nhắc tới cái lần tên quản gia nhập vào Quang để cắt cổ tay em hả.
- Cái lần mà chị phải bò lê lết trong phòng tắm để lau dọn máu. - Chị gõ vào cái chốt cửa. - Phạm Hòa đã phá hỏng cái cửa này để xông vào cứu em. Giờ thì chị đang cố làm quen với cái chốt mới mặc dù nó đã được thay nhiều ngày.
Tôi đã nghe rất kỹ và cũng đã hiểu rất thấu lời chị nói nhưng điều này khó tin tới mức tôi vẫn phải hỏi lại chị cho chắc chắn:
- Theo như em nhớ thì người cứu em là anh Quân. Khi tỉnh dậy em trông thấy anh ấy mà.
- Ồ, thế chắc là khi ngất đi em không trông thấy Phạm Hòa rồi. - Chị phì cười. - Em quên là ngày hôm đó Quân về trước mình hả. Phạm Hòa không biết cách cầm máu nên phải gọi Quân quay lại đấy. Nhưng điều này chẳng còn quan trọng nữa.
- Tại sao lại không? - Tôi đột nhiên mất bình tĩnh. - Anh ấy liên tục cứu sống em còn em thì luôn nhìn anh ấy bằng con mắt ghê tởm. Em là cái loại người gì chứ?
Chị nhắc nhở tôi:
- Bình tĩnh nào. Tự nhiên em làm sao vậy?
- Em cần chút thời gian để suy ngẫm. Tạm biệt chị.
Tâm trí tôi rối mù, bụng dạ tôi cồn cào khó chịu. Tôi cần phải chạy không ngừng nghỉ dọc theo con phố nếu không tôi sẽ gây sự với ai đó bất chợt đi ngang qua mất. Tôi không thể làm chủ được cơn tức tối trong lòng mình, nó cứ lớn dần, lớn dần lên theo từng giây trôi qua. Tôi đã từng mong mình chưa từng quen Phạm Hòa, tôi muốn xóa sạch hình ảnh của anh ấy đi trong khi không có anh chắc gì đã có tôi bây giờ, sống mạnh khỏe bên gia đình và người yêu. Không có anh có lẽ tôi đã chết khi gặp tai nạn xe hơi, đã chết khi bị cắt đứt cổ tay, đã chết trong khu rừng vắng vẻ, đã chết trong quán ăn của bà. Nói cách khác, cuộc sống mà tôi đang có đều là anh tặng cho. Lúc nào anh cũng trưng bao việc xấu xa ra cho người khác chiêm ngưỡng và giấu hết những điều tốt đẹp của bản thân đi. Lúc này tôi chẳng nghĩ được gì ngoài việc muốn gặp anh, muốn ôm anh thật chặt và điều khiến tôi khó chịu là tôi sẽ chẳng thực hiện được mong muốn của mình khi không biết được anh đang ở đâu.
Cảm giác có được từ năng lực ngoại cảm đáng ghét khiến tôi mệt rã rời khi chạy trên con đường chưa xác định đích đến. Theo thói quen tôi lại quệt tay vào túi quần để sờ được vào chiếc di động mặc dù tôi chưa biết phải làm gì với nó, xem giờ chăng, hay gọi ai đó. Tôi cần một chiếc di động, tôi không cố ý nhắc bản thân nhớ lại cuộc độc thoại khiến lòng dạ tôi bứt rứt, tôi chỉ chưa biết tiếp theo đây mình sẽ phải làm gì vì thế có chiếc di động bên mình sẽ khiến tôi bớt cô độc hơn theo một nghĩa hiểu nào đó.
Di động? Đầu tôi thoáng lên một ý nghĩ, tôi sẽ có di động ngay bây giờ chỉ bằng việc chạy ra quán sửa điện thoại. Tôi đã đem chiếc di động cũ của Phạm Hòa đi sửa và chẳng thèm đoái hoài đến nó khi anh ấy buông mấy lời lẽ khiếm nhã với tôi tại nhà chị Loan. Giờ tôi sẽ ra quán để lấy lại nó. Tại sao không chứ? Anh ấy đã có di động mới và có luôn cả di động của tôi trong tay, thật bất công khi tôi không được táy máy chiếc di động cũ của anh, bất công hơn khi tôi đã trả trước phí sửa chữa mà chưa nhận được đồ. Tôi quyết định rồi, từ lúc này di động của Phạm Hòa sẽ là của tôi, sẽ là như vậy cho đến khi anh ấy chịu gặp mặt và đem trả tôi chiếc di động cũ.
Quán sửa điện thoại đó cách nơi tôi đang đứng hai ngã tư. Khi đã có đích đến tôi chẳng cần dốc sức chạy thục mạng mà chỉ đi bộ như một công dân dạo phố bình thường, thoải mái ngắm cây cỏ ven đường, thoải mái ngắm mặt hồ trong veo. Khi tôi đến nơi, chủ quán trưng cái bộ mặt khó chịu vô cùng như thể ông ta nhớ tôi là đứa đã bỏ rơi chiếc di động bằng câu thét ghê rợn trong lúc bực bội vậy. Chắc tôi hoang tưởng thôi, làm sao ông ta nhớ được chứ.
- Cô gái, đừng có nói tới đây để lấy lại di động nhé. - Biết được mình không hoang tưởng mà tôi chẳng thấy vui chút nào. - Cô đã nói không cần nó nữa thì giờ nó là của tôi rồi.
- Tôi có nói vậy sao. - Tuy không giỏi nói dối lắm nhưng tôi vẫn muốn thử. - Chắc cô bạn tinh nghịch của tôi đã bày ra trò này. Ông biết đấy, nó thích chơi khăm tôi lắm.
- Chia buồn với cô khi có một người bạn như vậy. - Ông ta lấy chiếc di động có vẻ đã sửa sang xong lúc lắc trước mặt tôi. - Cô muốn mua chiếc này phải không. Tôi lấy nửa giá thật thôi.
Tôi ước gì Phạm Hòa có mặt ở đây để tự đi mà thương lượng lại cái di động của anh. Và chắc chắn anh sẽ thương lượng thành công bằng cách đấm thẳng vào mặt cái tên lừa bịp này:
- Bố tôi là cảnh sát đấy.