Không thấy chuông cửa kêu nữa. Tôi vớ ngay cây gậy đánh gôn dựng cạnh tủ giày trước khi tiến về phía cánh cửa bởi tôi vừa nhớ ra một chuyện, cửa không hề khóa. Nếu tên đó xông vào đây tôi sẽ hạ gục hắn, tôi không chắc tôi có làm nổi chuyện đó hay không nữa. Hoặc tôi chỉ cần tiến đến và khóa cửa rồi chạy lên phòng trùm chăn lẩn trốn là xong.
Không kịp. Tay nắm cửa đang xoay tròn, hắn sắp mở cửa, hắn sắp vào đây. Còn chân tôi thì mọc rễ xuống sàn rồi. Khi cánh cửa đang hé hờ ra, tôi nín thở, nắm chặt gậy đánh gôn trong tay. Mắt tôi không rời khỏi cửa, chỉ cần ai đó thò đầu vào hắn sẽ chết chắc với phản xạ tự nhiên có sẵn của tôi.
- Chào…
Tôi vung gậy lên, đập thẳng vào cái người vừa mới xuất hiện ngoài cửa kia. Cho tới khi chiếc gậy gần chạm vào vai anh ta tôi mới nhận ra đó là bác sĩ Quân. Anh ấy chẳng thể làm gì ngoài chịu trọn một gậy của tôi rồi gục xuống. Tay anh giữ chặt bả vai ra điều đau lắm.
- Xin lỗi. - Tôi buông thõng cây gậy đánh gôn, để mặc nó rơi dưới sàn mà lấy tay che miệng. - Em không cố ý.
Bác sĩ Quân được tôi đỡ dậy mà anh vẫn không hề bỏ tay ra khỏi cái vai vừa bị lãnh trọn một gậy kia. Đưa anh vào phòng khách, tôi loạng choạng tới mức suýt làm đổ đống đĩa trên bàn. Giờ tôi có khối việc để làm rồi đây. Như một cái máy, tôi bê hết chồng đĩa mọi người vừa ăn vào trong bếp rồi chạy đi lấy bình xịt hương xua tan cái mùi mỳ vẫn còn bay khắp phòng. Tôi rẽ qua phòng tắm xả vòi nước nóng làm ấm chiếc khăn bông rồi quay lại phòng khách đưa cho bác sĩ chườm lên vết thương chắc chắn đang sưng tấy kia.
- Cũng đau đấy. - Quân cười nhăn nhó. - Chắc em tập luyện ghê lắm nhỉ?
- Vâng, cũng tàm tạm. - Nhìn vết sưng trên vai anh sau khi anh vén áo ra tôi nghĩ là anh đang gắng chịu đau ghê lắm. - May là anh không ngất xỉu vì em khá chắc chắn với mấy cú đánh của mình.
- Anh có một cậu bạn khá nóng tính. - Quân đắp khăn lên chỗ bị thương. - Nhờ cậu ta mà anh được luyện đòn nhiều tới mức quên cả cách ngất xỉu khi bị đòn đau rồi.
- Thật dã man. - Tôi chê trách cậu bạn của anh trong khi hành động vừa rồi của mình cũng dã man không kém. - Chắc anh biết bố em là cảnh sát chứ vì anh có lưu số của ông mà.
- Anh không chắc đó là ý hay đâu. - Quân hé cái khăn ra xem vết thương của anh rồi lại đắp vào vai. - Cậu ta cũng là cảnh sát đấy.
- Không thể tin được. - Tôi ngạc nhiên thật sự. - Đơn vị nào mà lại nhận kiểu người như thế chứ.
Nhận ra bản thân đang nói chuyện phiếm với người mà tôi rất vui khi anh ta nhắn tin là hôm nay không đến nên tôi trở mặt ngay:
- Nghĩ lại thì đâu hoàn toàn là lỗi của em khi anh bấm chuông cửa mà không lên tiếng.
Quân bật cười khiến cả người anh rung lên:
- Nhớ hôm qua em định đóng sầm cửa trước mặt anh khi anh chuẩn bị hỏi thăm tình hình sức khỏe của em chứ.
- Được rồi, vậy tất cả lại là lỗi của em. - Tôi thừa nhận. Không chờ anh nói câu hỏi cửa miệng, tôi trả lời luôn. - Năm giác quan của em hiện giờ rất ổn và sẽ còn ổn cho tới khi răng em rụng hết. Vì thế anh không cần tiếp tục tới điều tra em đâu.
Khuôn mặt Quân bỗng nghiêm túc đúng với độ tuổi của anh (mặc dù không biết anh bao nhiêu tuổi nhưng tôi đoán các bác sĩ dù trẻ tới đâu cũng phải ngoài ba mươi):
- Con người thường hướng đến điều tốt đẹp bằng cách bỏ qua những dấu hiệu tồi tệ nhỏ nhất mặc dù họ đã phát hiện ra.
- Quy luật này có in trong đống tài liệu của em. - Tôi phỏng đoán. - Anh là bác sĩ chuyên về tâm lý à?
Quân nhún vai:
- Đã từng. Giờ anh làm trong khoa thần kinh, nghiên cứu não bộ.
Một trong những kiểu người mà tôi muốn trò chuyện là đàn anh, đàn chị cùng ngành. Cho dù Quân đã từng bị tôi xếp vào kiểu người rắc rối, nên tránh xa thì giờ đây tôi cũng có thể dễ dàng bỏ qua cho anh và ngồi trò chuyện một cách thoải mái với điều kiện anh đừng có nhắc tới câu chuyện muôn thuở về các giác quan.
- Vào vấn đề chính nhé. - Khi Quân sẵn sàng để trò chuyện, tôi liền ngồi xuống lắng nghe anh. - Có chắc là năm giác quan của em vẫn ổn cho tới giờ không?
Linh tính mách bảo tôi rằng nên kết thúc ngay cuộc trò chuyện với anh ta ngay tại đây:
- Có chuyện gì với anh vậy? Ngay cả khi một trong các giác quan của em có bị làm sao thì cũng đâu nghiêm trọng. Anh đang giấu em điều gì có phải không? Liệu có phải…
- Không. - Quân lắc đầu như thể anh biết là tôi nghĩ mình đang bị mắc một căn bệnh nan y nào đó. - Vấn đề của em không nguy hiểm tới tính mạng. Nói ngắn gọn thế này, đầu em bị va đập và điều đó có thể khiến não bất ổn sinh ra ảo giác hoặc ảnh hưởng lây đến các giác quan.
Não là một vấn đề khá nhạy cảm, ít nhất là đối với tôi. Tôi đang phân vân về việc có hay không nên kể cho bác sĩ nghe về chuyện tôi gặp ma trong bệnh viện, tôi nói chuyện với ma và các con ma rượt tôi một đoạn dài. Tôi sợ anh ta sẽ liên hệ tới biệt thự thần kinh rồi nhốt tôi vào trại tâm thần. Ban đầu tôi cũng nghĩ việc trông thấy ma là ảo giác do tôi mệt sinh ra tưởng tượng nhưng người đàn ông có đôi mắt xám mà tôi chưa kịp hỏi tên kia cũng thấy ma. Không chỉ vậy, mấy con ma còn chạy mất dép khi vừa bắt gặp anh ta và anh ta dạy tôi cách đóng cửa. Trời đất ơi, giờ tôi còn dùng khái niệm đóng cửa, mở cửa theo nghĩa bóng của các con ma nữa. Và các con ma đã nói gì nhỉ, những người trông thấy ma như tôi được gọi là nhà ngoại cảm sao. Thú thực, tôi còn chẳng hiểu người ta định nghĩa nhà ngoại cảm như thế nào nữa.
Thấy Quân nhìn mình với vẻ đăm chiêu tôi liền bật ti vi lên để anh có việc mà làm trong khi tôi bận việc riêng. Lấy di động ra, tôi lên trang tìm kiếm và gõ ba từ “nhà ngoại cảm” vào mục cần tra. Chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày mình lại tìm hiểu vấn đề lạ lẫm như thế này. Thứ tôi cần tìm đây rồi, định nghĩa về “ngoại cảm”. Trên mạng viết rằng: ngoại cảm là một khả năng đặc biệt của con người, mà cho tới bây giờ chưa được khoa học chứng minh. Người có khả năng ngoại cảm không sử dụng những giác quan bình thường, mà có khả năng cảm nhận bằng giác quan thứ sáu rõ ràng và liên tục hơn những người thường như khả năng nói chuyện với người chết, khả năng theo dõi con người, tiên đoán tương lai, biết được quá khứ của một thực thể nào đó.
Tôi cố giữ miệng mình khép lại, không há hốc ra vì ngạc nhiên. Tôi biết trên đời có nhiều việc lạ, cũng biết trên đời có nhiều người mang khả năng đặc biệt nhưng chẳng bao giờ biết tôi lại nằm trong số đó. Tôi rất muốn chối bỏ cái đêm ngồi trò chuyện với một hồn ma nhưng tôi không thể. Mà dù tôi có thể chối bỏ bản thân đi chăng nữa cũng không thể chối bỏ anh ta, người đàn ông có đôi mắt xám. Tôi không thể chối bỏ sự thật rằng anh ta và tôi đều nhìn thấy ma. Anh ta và tôi, là nhà ngoại cảm.
- Có lẽ anh phải về thôi.
Tôi cản Quân lại. Hỏi anh một câu ngớ ngẩn nhất mà tôi có thể nghĩ ra:
- Anh có hay đọc tin tức gì về những người đi tìm mộ không? Anh có nghĩ khả năng của họ, cái khả năng trò chuyện với người chết ấy, khả năng đó có thực không?
Có lẽ anh sẽ cười vào mặt tôi nhưng anh lại lý giải một cách thiết thực nhất cho tôi hiểu:
- Khi nghiên cứu về não bộ bọn anh biết được khả năng của loài người chúng ta là vô hạn. Em đã nói gì với anh nhỉ, em là kiểu người luôn chấp nhận sự thật đúng không. Giờ là phần của em đấy, hãy chấp nhận những điều lạ lẫm đó đi.
Tôi gắng nở một nụ cười, giúp bác sĩ lấy chiếc khăn bông giờ đã lạnh toát ra khỏi vai anh. Đúng lúc ấy, cửa ra vào mở toang. Đó là cách vào nhà quen thuộc của bố tôi. Ông không về nhà một mình mà dẫn theo khách. Tôi bất động khi người đó xuất hiện đằng sau lưng ông. Người đàn ông có đôi mắt xám mà tôi cứ ngỡ sẽ chẳng thể nào gặp lại nữa. Đôi mắt ấy khiến tôi chẳng tài nào cử động nổi. Giống như thể tôi bị hóa đá khi nhìn vào nữ hoàng rắn Medusa (tất nhiên tôi không có ý ví anh ta giống như bà nữ hoàng).
- Khả Ngân. - Giọng anh Quân có phần hơi lạ, không còn dứt khoát như lúc lý giải cho tôi nghe nữa. - Đưa anh cái điều khiển.
Tôi nhìn anh với vẻ mặt khó hiểu. Anh cần điều khiển làm gì trong khi anh sắp về tới nơi. Còn bố tôi và người đàn ông kia nữa, sao họ cứ đứng nhìn mà không cởi giày ra, bước vào nhà. Tôi đang chờ màn giới thiệu của bố về người đàn ông kia mà. Tôi nhận ra rồi, tay tôi vẫn còn đặt trên chiếc khăn bông chườm vai của bác sĩ còn áo của anh thì trễ xuống tận cánh tay.
Ngăn bố hiểu nhầm, tôi cao giọng như đang đọc bài thuyết trình trong phòng học hơn ba trăm sinh viên:
- Không. Bố đừng có hiểu nhầm. Tuyệt đối không được…
Mắt tôi hơi liếc về phía chiếc ti vi khi tôi lắc đầu. Đó là kênh chuyên phát sóng các chương trình đặc biệt dành cho người lớn vào khung giờ này và tôi nguyền rủa cái tay của mình vì đã bật ti vi lên. Điều khiến tôi đau khổ nhất là chương trình bắt đầu phát sóng nội dung nhạy cảm ngay khi bố và khách của ông bước vào, lại thêm cái động tác ngớ ngẩn tôi làm với bác sĩ nữa. Họ sẽ nghĩ gì về tôi đây. Đây là tình huống dù có giải thích cũng chẳng thể minh oan. Tôi lại tiếp tục bất động vì đang mải tìm một cái hố nào đó để nhảy xuống.
- Thôi được rồi, để anh tự tắt vậy. - Quân giúp tôi buông tay mình ra khỏi người anh. Trong bộ dạng khó xử, anh cầm điều khiển lên và tắt ngóm cái ti vi đáng chết. Xong xuôi, anh đứng dậy, rời khỏi ghế đệm để mặc tôi xấu hổ không thể nói lên lời. - Chào bác.
Bố tôi chắc cũng xấu hổ vì con gái của mình lắm. Ông vờ ho vài tiếng trước khi tặng cho tôi một bài giáo huấn:
- Bố biết con đã đủ tuổi nhưng kín đáo vẫn là từ được ưu tiên hàng đầu.
- Xin lỗi bác. - Quân thở một hơi thật mạnh để trút hết sự khó xử ra khỏi người anh. - Cháu xin phép về trước.
Bố tôi ậm ừ, mắt ông không rời Quân lấy một khắc khi anh di chuyển ra khỏi nhà tôi. Khi ánh mắt ấy chuyển sang nhìn mình thì tôi liền quay phắt đi, ngắm mấy bức tranh treo trên tường nhà, mấy bức tranh chẳng đời nào tôi ngắm từ khi bố mua về.
- Cậu vào nhà đợi tôi một lát. - Bố gõ tay vào thành cầu thang để gọi tôi trở về thế giới thực. - Bố chuẩn bị bàn công việc. Pha dùm bố hai tách cà phê.
Tới khi dáng vẻ của bố khuất hẳn khi ông lên cầu thang tôi mới dám hít thở. Tặng cho cái điều khiển và chiếc ti vi một ánh nhìn dữ tợn xong tôi liền hỏi xem vị khách của bố thích uống cà phê như thế nào thì anh ta đã buông người xuống ghế, chỉ tay vào màn hình ti vi:
- Tôi thích chương trình đó. Cô biết không, có ngày tôi phải “rung giường” với ba người trong khoảng thời gian cách nhau không nhiều. Cũng may chương trình này phát sóng đều đặn vào các khung giờ từ sáng tới đêm.
Không thể chối cãi rằng ánh mắt của anh ta rất có ma lực và cũng không thể chối cãi rằng tôi có ác cảm với anh ta ngay từ câu nói này. Anh ta trêu đùa tôi khi tôi không biết tìm cái hố nào để chui xuống cho đỡ xấu mặt. Và tôi tự hỏi làm sao anh ta có thể thản nhiên một cách lạ thường khi nói về các vấn đề nhạy cảm đó. “Rung giường” à, cái đầu anh thật sáng tạo đấy đồ lăng nhăng ạ.
Bằng cách nào đó, cái người kia đã giúp tôi quên đi cảm giác xấu hổ. Nhưng tôi sẽ không cảm ơn anh ta vì điều đó đâu, không bao giờ. Tôi sẽ pha cho bố loại cà phê mà ông thích nhất, cà phê sữa bỏ thêm một thìa đường và sẽ khiến anh ta bỏng miệng vì loại cà phê đắng ngắt trong trạng thái nóng hổi mà tôi nghĩ là chẳng có ai thích uống cả.
Mất hơi nhiều thời gian một chút để tôi chế biến xong các món cà phê mà mỗi món lại có hương vị khác biệt hoàn toàn. Khi tôi bưng hai chén ra ngoài phòng khách thì chiếc bàn ngoài đó đã trở nên bề bộn chẳng khác gì bàn làm việc của bố. Đống bề bộn đó đều là giấy tờ, chắc là tài liệu về vụ án mà ông đang điều tra. Chính là vụ về tên sát nhân tâm thần mà ti vi đưa tin. Biết rõ điều này, tôi lén xem tài liệu khi cố đặt các tách cà phê xuống bàn.
Hầu hết đều là thông tin về các nạn nhân bị sát hại. Mỗi hồ sơ đều dán ảnh chụp được khi họ chết, nhiều vụ chấn thương đầu, máu chảy lênh láng, một vài vụ tay chân nạn chân còn bị đứt rời. Nguyên nhân tử vong đều được xác nhận là mất máu mà chết. Tên sát nhân không muốn giết chết họ, mà muốn nhìn họ chết dần chết mòn.
- Có tất cả bao nhiêu đặc điểm chung trong các vụ án này?
Tiếng nói của người mắt xám kia khiến tôi rùng mình. Tách cà phê nghiêng ngả và đổ ngay vào đùi anh ta. Tôi biết mình sẽ bị bố mắng nhưng tôi vẫn thấy vui mừng vì anh ta đáng bị thế. Nhưng niềm vui tôi kiếm được chẳng được nhiều mấy bởi anh ta chẳng hề có phản ứng nào giống một người bị bỏng cả. Tôi đảm bảo cà phê rất nóng vậy mà anh ta vẫn ngồi nguyên tại chỗ, nhặt tách cà phê lăn lóc dưới chân đưa cho tôi.
- Chú ý một chút đi con. - Bố mắng tôi rồi phẩy tay ý bảo tôi đi pha cốc khác rồi hỏi han anh ta. - Cậu không bị bỏng chứ?
Anh ta tựa lưng vào ghế:
- Tôi chỉ muốn biết các đặc điểm chung trong những vụ án trước khi về nhà thay quần. Tối tôi còn có hẹn.
Khi nói về cuộc hẹn, anh ném nụ cười nửa miệng về phía tôi. Tôi đoán chắc đó là vẻ mặt của người chuẩn bị đi “rung giường” với cô gái xấu số nào đấy vào buổi tối. May cho tôi là được trông thấy bộ mặt thật của anh ta trước khi tôi định hỏi han về chuyện ngoại cảm. Đời tôi chắc chắn sẽ chấm hết nếu ngồi nói chuyện với anh ta một mình. Chạy vào trong phòng bếp, tôi đóng chặt cửa và dỏng tai lên nghe họ nói chuyện.
Sau tiếng sột soạt của giấy tờ, bố tôi giúp anh ta giải đáp thắc mắc:
- Nơi gây án vắng vẻ là một, nạn nhân đều tử vong vì mất máu là hai, còn một điểm lạ nữa không biết có nên cho vào các đặc điểm chung hay không.
Anh ta nói:
- Tôi đang nghe đây.
Giọng bố nhỏ lại:
- Một số vụ cảnh sát sắp tiếp cận thủ phạm khi hắn chuẩn bị rời khỏi hiện trường gây án thì y như rằng sẽ có điều gì đó xảy ra giúp hắn chạy thoát. Lúc thì cột điện đổ bất ngờ, lúc thì chiếc xe nào đó mất tay lái tông chắn ngang đường cảnh sát, lúc lại chính xe cảnh sát phát nổ.
- Tôi hiểu rồi. - Anh ta nói với cái giọng thờ ơ. - Xem ảnh thôi chưa đủ. Tôi cần tới hiện trường vụ án.
Ngoài phòng khác yên lặng một lúc lâu. Sau khi nghe tiếng cửa mở ra đóng vào tôi mới biết người đàn ông kia đã rời đi. Tôi mon men trở ra ngoài, ngồi cạnh bố trong khi ông vội thu lại tất cả tài liệu.
- Bố có gì cần hỏi con không?
Ông ngưng tay một lúc, rồi lại tiếp tục thu dọn tài liệu:
- Con chỉ cần ngoan ngoãn ngồi yên trong nhà mà dưỡng bệnh thôi.
Tôi biết ông đang giấu điều gì đó trong lòng và tôi buộc phải khiến ông nói hết:
- Bác sĩ nói bệnh của con không nghiêm trọng tới mức không được phép bước chân ra khỏi nhà.
Ông ngồi xuống ghế và ôm tôi vào lòng:
- Bố làm tất cả chỉ để bảo vệ con thôi.
- Bằng cách không cho con biết chuyện gì đang diễn ra mặc dù chuyện đó liên quan đến con sao. - Tôi nhìn thẳng vào mắt bố mà nói. - Con đã lớn rồi bố à. Con có thể giữ mình được an toàn mà.
Bố lục tìm trong đống tài liệu, lấy ra một tấm ảnh chụp hiện trường vụ án cho tôi xem. Khung cảnh trong tấm hình không đâu khác chính là ngay cổng trụ sở nơi bố làm việc:
- Có một nạn nhân của tên điên đó cố chạy tới đồn với thân mình đầy máu. Camera ghi lại được một kẻ mặc đồ kín mít xông tới chặt đứt chân anh ta. Khi cảnh sát phát hiện, anh ta đã chết vì bị mất máu. Xét nghiệm tử thi cho thấy, ngoại trừ vết chặt ở chân các vết thương còn lại đều đã có từ vài tiếng trước.
Tôi lờ mờ đoán định được bố muốn nói đến điều gì. Tôi hỏi ông:
- Ngay cả khi các nạn nhân may mắn qua khỏi lần hành hung đầu tiên thì cũng bị hắn tìm và giết cho bằng được với cách thức cũ.
Bố tôi gật đầu:
- Nếu vụ của con có liên quan đến tên tâm thần này và nếu hắn biết được con vẫn còn sống nhất định hắn sẽ tiếp tục ra tay.
Tôi lo lắng tới mức nổi giận với bố:
- Vậy mà bố để con ở nhà một mình với cánh cửa mỏng manh kia và bảo con đừng ra ngoài thôi sao. Bố có biết hôm nay khi nghe chuông cửa reo mà không có ai lên tiếng con đã sợ tới mức cầm cây gậy đánh gôn đập thẳng vào người ta rồi mới nhận ra đó là bác sĩ không.
Ông kéo tôi ngồi xuống, vỗ về tôi:
- Bình tĩnh nào, con gái. Chúng ta sẽ nhanh chóng bắt được tên này thôi. Bố đã nhờ được một nhân viên cảnh sát tới nhà bảo vệ con rồi. Bố không thể để nhiều cảnh sát lảng vảng bên ngoài nhà chúng ta được, nếu thế chẳng khác gì báo cho tên đó con là ai và con đang ở đâu.
Tôi nín thinh bởi bố đều đã lo xong mọi chuyện từ khi nào rồi. Còn con ngốc như tôi chỉ biết suốt ngày giận dỗi vô cớ với ông. Tôi ngừng nghĩ về những chiếc giày và tên hung thủ vì trong thâm tâm tôi mong rằng vụ tai nạn của tôi chẳng hề liên quan tới hắn. Tôi cũng ngừng nghĩ luôn về khả năng ngoại cảm mơ hồ của mình vì cho rằng dù tôi có là người bình thường hay là người phi thường thì cũng chẳng giải quyết được chuyện sống chết của bản thân. Dù tôi là ai đi chăng nữa tôi cũng chỉ muốn được quay lại cuộc sống yên bình trước kia, được tới trường, được gặp gỡ bạn bè, được tham gia các buổi tiệc tùng nhộn nhịp.
Quân bước vào một quán bar náo nhiệt. Len qua dòng người nhảy nhót với âm nhạc xập xình, đầu ngó nghiêng tìm kiếm ai đó. Anh ta chạy qua quầy rượu, tuy không tìm được người cần gặp nhưng anh lại mỉm cười. Anh tìm đến nhà vệ sinh nam, vừa mở cửa ra liền bắt gặp một cặp đang tận hưởng lẫn nhau trong đó.
- Một là ngồi uống rượu, hai là ở đây.
Thấy tiếng của Quân, người đàn ông mắt xám kia đẩy cô ả đang cào ngực anh như muốn xé toạc áo anh ra:
- Bạn bè thì không làm nhau mất hứng.
Quân mời cô ả kia ra ngoài để anh có thể nói chuyện riêng với người đàn ông mắt xám:
- Tiến sĩ nói nếu các giác quan của cô ấy vẫn bình thường sau khi trông thấy được thế giới bên kia thì khả năng cao cô ấy sẽ không được mời đến biệt thự. Vì sự giả dối.
- Vậy thì kệ cô ta. - Người đàn ông kia xả nước ở bồn rửa, cọ sạch mấy vết son trên mặt mình. - Cậu có vẻ quan tâm quá đấy. Hay là vụ cùng nhau xem phim nhạy cảm trên ti vi không phải hiểu lầm.
Quân phớt lờ câu nói của người đàn ông kia:
- Chắc chắn Khả Ngân nói dối về việc các giác quan vẫn bình thường. Cậu biết không, hôm nay cô ấy đả động đến chuyện ngoại cảm đấy.
Người đàn ông kia vỗ mạnh vào vai Quân:
- Tán tỉnh cô ta rồi tặng cho cô ta một đêm khoái lạc, đảm bảo có gì cô ta cũng nói hết cho cậu nghe.
Quân hất tay người kia ra:
- Mình không giống cậu.
Người đàn ông kia định nói gì đó nhưng phải ngưng lại để nghe cuộc gọi đến di động của anh ta.
- Phạm Hòa phải không. Nếu cậu đã xem qua hết hiện trường các vụ án thì có thể tới nhà tôi nghiên cứu tiếp tài liệu. Cậu không cần thấy bất tiện đâu bởi tôi định nhờ cậu để mắt tới con gái của tôi. - Một giọng già dặn phát ra từ di động.
- Không, không bất tiện đâu. - Anh ta tặc lưỡi. - Tôi sẽ tới, ngay ngày mai.
Phạm Hòa cúp máy, vỗ vai Quân với nụ cười nửa miệng trên môi:
- Để tôi giúp cậu khiến cô ta khai hết