Ở tỉnh Sơn Đông, phủ Duyên Châu, huyện Vấn Thượng có một làng gọi là làng Tiết. Làng này có độ một trăm gia đình đều sống về nghề nông. Ở cổng làng có am Quan Âm. Ngoài ba gian điện thờ, am còn hơn mười gian phòng trống, cửa sau nhìn ra sông. Hương lửa mười phương đều dồn cả về đây. Am chỉ có một vị hòa thượng. Có công việc, người trong làng đều đến đây bàn bạc.
Bấy giờ vào cuối thời Thành Hoá chính là lúc nước nhà giàu có sung túc. Ngày mồng tám tháng giêng, dân làng tề tập đến am để bàn về việc múa đèn rồng. Vào buổi ăn sáng, Thân Tường Phủ đi đầu, có bảy, tám người đi theo đến chùa lễ phật. Hòa thượng chạy ra chào. Tất cả đều đáp lễ.
Thân Tường Phủ trách hòa thượng:
- Đầu năm mới, hòa thượng cũng phải chăm hương đèn, lễ Đức Phật hơn nữa mới được. A di đà phật: Biết lấy tiền của thập phương thì cũng phải biết mua hương đèn chứ!
Lại nói:
- Các vị xem kìa, cái đèn lưu ly này chỉ có một nửa dầu thôi!
Và chỉ tay vào một cụ già, quần áo tề chỉnh, Thân nói:
- Chẳng nói ai xa lạ, chỉ xem cụ Tuân này thôi. Chiều ba mươi vừa rồi cụ Tuân mới đem lại cho cụ năm mươi cân dầu: Rõ ràng là cụ đem dầu đi xào rau chứ không lo gì đến việc kính phật hết!
Hòa thượng vẫn kính cẩn tiếp đãi. Đợi ông ta trách xong, hòa thượng mới lấy một bình thiếc, bỏ một nắm chè vào trong, đổ đầy nước, nấu sôi rồi đem lên mời các vị.
Cụ Tuân hỏi trước:
- Về lễ múa đèn rồng năm nay ở trong am, chúng ta phải bỏ ra bao nhiêu tiền?
Thân Tường Phủ nói:
- Đợi chút nữa đã! Chờ ông thông gia tôi đến ta hẵng bàn!
Ngay lúc ấy, một người ở ngoài bước vào, hai quầng mắt đỏ, má đen sạm, râu thưa và hói, đầu đội mũ miếng ngói, mình mặc áo xanh láng như một cái thùng dầu, tay cầm cái roi vái mọi người một vái và ngồi ngay lên cái ghế cao nhất. Y họ Hạ, chính là thôn trưởng làng Tiết. Thôn trưởng Hạ ngồi ở chiếu cao, bảo ngay hòa thượng:
- Hòa thượng, đem con lừa của tôi buộc vào chuồng sau vườn! Tháo yên cho nó, lấy cỏ cho nó ăn no. Tôi bàn xong công việc, rồi còn phải lên uống rượu mừng năm mới với cụ Hoàng ở trước cửa hiệu đấy!
Dặn hòa thượng xong, y vắt một chân lên, lấy nắm tay đấm vào sống lưng, vừa đấm vừa nói:
- Các ông làm ruộng còn sướng hơn tôi nhiều! Tết năm nay, nhận được thiếp mời của tất cả mọi người trong nha môn, tôi không đến mừng sao được? Hàng ngày cưỡi con lừa này hết lên huyện lại về làng, thật là đầu quáng mắt hoa. Rủi sao lại bị một thằng đui nào va phải làm tôi ngã xuống đường, sống lưng đau ê ẩm hết!
Thân Tường Phủ nói:
- Mồng ba tết, tôi đã soạn một bữa cơm đậu phụ mời ông, chắc là ông bận nên không đến được.
- Lại còn phải nói! Bảy tám hôm nay tôi có lúc nào rảnh đâu? Nếu có hai miệng thì cũng không ăn xuể! Đấy, cụ Hoàng hôm nay mời tôi đấy. Cụ là người đứng đầu cả ban, trước mặt quan trên. Cụ là người cất nhắc mình nếu mình không đến sợ cụ giận!
Thân Tường Phủ nói:
- Tôi nghe nói cụ Hoàng là người quan trên phái đi đâu từ đầu năm. Cụ lại không có anh em, con cái gì. Vậy ai làm chủ mà mời?
Thôn trưởng Hạ nói:
- Ông không hiểu gì cả! Bữa tiệc hôm nay là do cụ Lý mời. Vì cụ Lý nhà cửa chật hẹp, cho nên cụ lấy nhà cụ Hoàng để thết khách.
Nói chuyện hồi lâu, mới bàn đến việc múa đèn rồng. Thôn trưởng Hạ nói:
- Năm nay tôi cũng chán cái việc này rồi. Mọi năm, năm nào tôi cũng đứng ra lo liệu, mọi người đều ghi số tiền cúng mà chẳng chịu nộp, làm tôi phải bồi thường không biết bao nhiêu. Hơn nữa, năm nay các ban trên huyện ban nào cũng chơi đèn rồng, tôi xem không xuể còn thì giờ đâu mà về xem đèn rồng ở làng? Nhưng vì các ông đã nói, nên tôi cũng phải góp phần của tôi. Các ông phải tìm một người khác đứng ra lo liệu. Như cụ Tuân đây, ruộng đất nhiều, thóc tiền thừa thãi, bảo cụ góp nhiều hơn. Mọi người đều góp phần mình thì làm gì chả xong.
Mọi người không dám trái ý, bèn định cụ Tuân xuất nửa tiền, còn các nhà khác góp một nửa, tất cả được hai, ba lạng bạc và ghi vào sổ. Hòa thượng mang trà ra. Hòa thượng bầy táo, dưa, đậu phụ khô, kẹo, hạt dẻ trên hai cái bàn, mời Hạ ngồi ở ghế đầu và rót nước trà mời mọi người.
Thân Tường Phủ lại nói:
- Bọn trẻ con lớn cả rồi, năm nay phải mời một ông thầy. Am Quan Âm này có thể làm trường học được đây.
Mọi người đều nói:
- Nhiều nhà chúng ta có con phải đi học. Ngay con trai cụ Thân đây là rể cụ Hạ. Cụ Hạ thường nhận được giấy tờ trên huyện nên cũng cần người biết chữ. Tốt nhất là tìm một ông thầy ở huyện về đây.
Thôn trưởng Hạ nói:
- Thầy thì có rồi! Các ông thử đoán xem! Ông này dạy ở nhà cụ Cố làm Đề khống ở nha môn. Ông ta tên là Chu Tiến, đã ngoài sáu mươi. Quan huyện trước lấy ông ta đầu huyện, nhưng lên thi ở phủ không đỗ. Cụ Cố mời ông ta dạy học ở nhà đã ba năm nay. Con cụ năm ngoái thi đỗ tú tài, cùng đỗ một lần với ông Mai trong làng ta. Hôm ấy, ông ta thi đỗ về, mọi người ra đón tiếp. Ông ta đội trên đầu một cái mũ vuông, mang một cái áo rộng bằng trừu đỏ, cưỡi con ngựa lấy ở trong chuồng quan lớn ra. Thanh la đánh vang. Khi ông đến cửa nhà, tôi và những người trong nha môn đều ra rót rượu mời ở ngoài đường. Sau đó mời ông Chu đến. Cụ Cố thân hành rót ba chén rượu mời ngồi lên chiếu nhất. Kế đến diễn vở tuồng lấy tích Lương Hạo tám mươi tuổi đỗ trạng nguyên. Cụ Cố xem trong lòng không vui. Đến khi thấy học trò của Lương Hạo mười bảy, mười tám tuổi đỗ trạng, cụ Cố mới hiểu rằng vở tuồng này là để làm điềm tốt cho con mình, cho nên vui lòng. Các ông muốn mời ông thầy ấy thì tôi sẽ mời giúp.
Mọi người đều nói: - vâng
Uống trà xong, hòa thượng bưng canh miến thịt bò lên. Ăn xong mọi người ra về. Hôm sau, thôn trưởng Hạ nói với Chu Tiến. Tiền lương mỗi năm là mười hai lạng bạc. Ăn cơm tại nhà hòa thượng trả mỗi ngày hai phân. Định sau lễ múa đèn rồng là sẽ đến làng. Khai giảng hôm hai mươi tháng giêng.
Hôm mười sáu, mọi người góp tiền cho Thân Tường Phủ để dọn một bữa rượu, mời Mai Cửu là tú tài trong làng để tiếp khách. Mai Cửu đội mũ vuông đến từ sáng sớm. Mãi gần trưa, Chu mới tới. Nghe chó sủa bên ngoài, Thân Tường Phủ chạy ra mời vào. Mọi người thấy Chu Tiến đầu đội mũ lông chiên cũ, mình mặc áo rộng màu xám đã rách, ống tay phải và phía sau đều tả tơi, chân đi một đôi giầy đỏ cũ, da mặt đen và gầy, râu lốm đốm bạc. Thân Tường Phủ mời lên nhà. Bây giờ Mai Cửu mới dần dần đứng lên và ra gặp Chu. Chu Tiến hỏi:
- Vị này là ai?
Mọi người nói:
- Đó là ông Mai, tú tài làng chúng tôi.
Chu Tiến nghe vậy, không dám để Mai Cửu vái chào mình. Mai Cửu nói:
- Hôm nay là khác...
Chu Tiến hai ba lần không nhận. Mọi người nói:
- Về tuổi tác thì Chu tiên sinh cao hơn, vậy mời tiên sinh cứ tự nhiên.
Mai Cửu quay lại nói với mọi người:
- Các ông không biết quy củ nhà trường thế nào cả! Những người "bạn lớn" xưa nay bao giờ cũng hơn người "bạn nhỏ", không kể gì tuổi tác cả. Nhưng hôm nay là đặc biệt, xin mời ông Chu ngồi trên cho.
Số là thời Minh gọi học sinh thi đỗ tú tài là "bạn", đồng sinh gọi là "bạn nhỏ". Đồng sinh thi đỗ thì bất kì bao nhiêu tuổi cũng gọi là "bạn lớn", nếu không đỗ thì có tám mươi tuổi cũng gọi là "bạn nhỏ". Cũng như con gái đi lấy chồng, lúc mới lấy thì gọi là "cô" (tân nương), sau gọi là "mợ" hoặc "bà" chứ không gọi là "cô" nữa. Nhưng nếu làm vợ lẽ cho người ta đến khi bạc đầu cũng còn gọi là "cô".
Chu Tiến nghe Mai Cửu nói thế mới thôi, không nhường Mai Cửu nữa và để cho Mai Cửu vái chào mình. Mọi người vái chào xong, ngồi xuống. Chỉ có Chu và Mai có hai quả táo hồng trong chén trà, còn mỗi người thì chỉ uống trà suông. Uống trà xong, người ta bày ra hai cái bàn. Mọi người theo thứ tự tuổi ngồi xong, rượu rót ra. Chu Tiến tay cầm chén rượu cảm ơn mọi người rồi uống một hơi cạn chén. Mỗi bàn có bảy tám đĩa: có thịt thủ lợn, gà, cá chép, lòng, phổi, gan. Nghe một tiếng "mời", mọi người cầm đũa.
Như mây bay gió cuốn, phút chốc đã hết ngay một nửa. Bấy giờ Chu vẫn chưa gắp gì cả. Thân Tường Phủ hỏi: Tại sao hôm nay tiên sinh không dùng đồ nhắm? Hay là chúng tôi có gì làm phật ý chăng? Và chọn mấy miếng ngon đặt vào đĩa của Chu. Chu Tiến giữ tay lại, nói:
- Không phải tôi có ý gì đâu! Chỉ vì tôi ăn chay.
Mọi người nói:
- Quả thực chúng tôi sơ ý, không ngờ tiên sinh lại ăn chay.
- Chỉ vì ngày mẹ tôi bị bệnh, tôi có hứa trước phật Quan Âm. Đến nay tôi ăn chay đã mười mấy năm.
Mai Cửu nói:
- Nhân việc tiên sinh ăn chay, tôi nhớ đến một chuyện đùa. Chuyện này hôm trước tôi nghe ở nhà cụ Cố. Có người có một bài thơ từ nhất ngôn đến thất ngôn. Mọi người dừng đũa nghe thơ.
Mai Cửu liền đọc:
Ngây!
Tú tài,
Ân trường trai
Râu ria má đầy,
Sách vở không hề coi.
Giấy bút xếp bỏ một xó,
Sang năm sẽ đến không cần mời!
Ngâm xong lại nói:
- Chu tiên sinh là người tài giỏi không "ngây" như thế được.
Lại che miệng nói:
- Tú tài thì thế nào ông cũng đỗ, còn "ăn trường trai" và "râu ria đầy má" thì quả đúng hệt.
Nói xong cười khanh khách. Mọi người cười theo. Chu Tiến bực mình lắm. Thân Tường Phủ vội rót một chén rượu, nói:
- Xin ông Mai uống một chén rượu. Chu tiên sinh trước kia ngồi ở nhà cụ Cố đấy.
Mai Cửu nói:
- Thế mà tôi không biết! Xin lỗi, xin lỗi! Nhưng lời nói kia không phải là nhằm Chu huynh. Nó là nói các ông nhà nho. Dầu sao ăn chay cũng tốt. Trước đây tôi có một ông cậu chỉ ăn chay. Sau khi thi đỗ, nhà chủ đưa thịt tế thánh đến. Bà ngoại tôi nói: "Nếu không ăn thịt tế thì thánh nhân giận đấy! To thì sinh tai vạ, nhỏ thì mắc bệnh". Từ đó, ông cậu tôi thôi không ăn chay nữa. Chu huynh vào dịp tế thánh mùa thu năm nay, thế nào cũng có thịt tế đưa đến, chắc Chu huynh sẽ hết kiêng.
Mọi người cho đó là điềm tốt cùng rót một chén mừng Chu Tiến, làm cho mặt Chu Tiến lúc đỏ bừng, lúc tái nhợt chỉ còn cách vừa cầm rượu vừa cảm ơn mọi người. Ở dưới bếp bưng canh lên. Trong mâm có một đĩa bánh bao và một đĩa bánh nướng, mọi người nói:
- Món này điểm tâm tốt. Ông xơi vài cái!
Nhưng Chu Tiến sợ bánh không được tinh khiết, nên chỉ xin uống trà.
Lúc ấy có người hỏi Thân Tường Phủ:
- Ông thôn trưởng hôm nay ở đâu? Tại sao không đến tiếp ông Chu?
Thân Tường Phủ nói:
- Ông ta lại nhà ông Lý uống rượu rồi!
Có người nói:
- Ông Lý mấy năm nay gặp quan mới làm việc rất chạy. Một năm kiếm được đến trên ngàn lạng bạc. Nhưng phải cái ông ta hay đánh bạc, không như ông Hoàng. Ông Hoàng lúc đầu cũng ham đánh bạc, nhưng mấy năm nay đã tu rồi, nên nhà cửa đẹp chẳng kém gì cung vua.
Cụ Tuân nói với Thân Tường Phủ:
- Ông Hạ từ khi làm thôn trưởng là thời vận phát. Chừng hai năm nữa cũng được như ông Hoàng.
Thân Tường Phủ nói:
- Ông ta cũng là người biết tính toán đấy. Nhưng mơ ước được như ông Hoàng, thì còn lâu.
Mai Cửu đang nhai bánh rán cũng nói xen vào:
- Mơ cũng có khi đúng chứ!
Và quay về phía Chu Tiến, Mai Cửu nói: - Mấy năm nay, khi thi cử, ông có nằm mộng bao giờ không?
- Tôi không nằm mộng bao giờ. - Đấy, năm ngoái tôi gặp may, chính hôm mồng một tháng giêng, tôi mộng thấy tôi đứng ở trên một cái núi rất cao, mặt trời chính ở trên đỉnh và rơi thẳng vào giữa đầu tôi không chệch một ly. Tôi sợ toát mồ hôi. Tỉnh dậy, sờ lên đầu thấy còn nóng. Lúc ấy tôi không hiểu cớ gì. Nay nghĩ lại quả là đúng.
Bấy giờ bánh đã hết. Lại rót thêm một tuần rượu. Câu chuyện kéo dài cho đến khi thắp đèn lên, Mai Cửu và mọi người mới ra về. Thân Tường Phủ lấy ra một cái nệm bằng vải lam, dẫn Chu Tiến đến am Quan Âm nằm nghỉ. Ông ta bàn với hòa thượng dành hai gian phòng phía sau am làm nơi dạy học.
Đến ngày khai trường, Thân Tường Phủ và mọi người dẫn học sinh đến. Đứa lớn đứa bé, đến vái chào thầy. Sau khi mọi người ra về, Chu Tiến bắt đầu dạy. Buổi chiều, học sinh về nhà cả rồi, Chu mở phong bao xem tiền học, thì chỉ thấy cụ Tuân gửi một đồng cân bạc, còn thêm tám phân tiền trà, còn thì có người ba phân, người bốn phân bạc, lại có người chỉ có hơn mười đồng tiền. Tổng cộng lại chưa đủ tiền ăn một tháng. Chu Tiến giao tất cả số tiền phong bao cho hòa thượng, còn thiếu bao nhiêu thì tính sau.
Bọn học trò đều là bọn tinh quái, hễ Chu Tiến không nhìn đến là chúng chạy ra ngoài đá cầu và trêu chọc nhau. Chu Tiến chỉ có một cách là kiên tâm ngồi dạy.
° ° °
Hơn hai tháng qua. Trời bắt đầu ấm. Chu Tiến ăn cơm trưa xong, mở cửa sau đi ra ven sông. Tuy đây là nơi hương thôn, nhưng bên sông cũng có mấy cây đào, cây liễu, màu hồng xen màu lục xem rất đẹp. Mưa phùn rơi xuống. Chu Tiến quay vào nhà, nhìn ra, mưa rơi ngoài sông, bao trùm những đám cây xa tít, trông càng đẹp mắt. Mưa càng nặng hạt. Chợt thấy ở mạn ngược dòng sông một con thuyền lướt qua mưa gió tiến đến. Thuyền không to, lại chỉ có cái bồng bằng lau nên không chống nổi mưa. Thuyền đến gần bờ, khoang giữa có một người ngồi, đằng đuôi có hai người, đằng đầu có một gánh đồ ăn. Thuyền ghé bến. Người kia liền bảo lái đò cắm thuyền lại, rồi lên bờ, hai người đầy tớ đi theo. Chu Tiến thấy y đầu đội mũ vuông, mặc áo màu lam quý, chân đi giày đen đế trắng, râu ba chòm, tuổi trạc ba mươi. Đến cửa, y chào Chu Tiến và bước thẳng vào, nói một mình:
- Đây hình như là trường học.
Chu Tiến đi theo vái chào. Y chỉ đáp lễ qua loa và hỏi: - Ông là thầy đồ ở đây?
- Vâng.
Y nói với người đi theo:
- Tại sao không thấy hòa thượng?
Hòa thượng vội vàng chạy ra nói:
- Ngỡ là ai, té ra ông Vương, xin mời ông ngồi chơi, để tôi đi pha trà.
Và quay về phía Chu Tiến, hòa thượng nói:
- Đây là ông cử Vương vừa thi đỗ, mời ông ngồi tiếp để tôi đi pha trà.
Cử Vương không khiêm nhượng gì. Thấy đầy tớ kéo ra một cái ghế dài, y liền ngồi ngay vào ghế đầu. Chu Tiến ngồi tiếp. Vương cử nhân nói:
- Xin hỏi quý tính?
Chu Tiến biết y đã đỗ cử nhân, bèn nói:
- Vãn sinh họ Chu.
- Trước đây ông dạy ở đâu?
- Tôi dạy ở nhà cụ Cố trước cửa huyện.
- Thế có phải ông đã đỗ đầu trong kì thi do cụ Bạch là thầy tôi chấm không? Cụ Bạch nói mấy năm nay ông dạy ở nhà cụ Cố.
- Thế ngài có biết cụ chủ nhà tôi sao?
- Cụ Cố làm việc ở nhà tôi, lại là người anh em thân thiết với tôi.
Lát sau hòa thượng bưng trà lên, Chu Tiến nói:
- Quyển thi của ngài tôi đã đọc. Hai vế cuối cùng thật là tuyệt.
- Hai vế ấy không phải là của tôi.
- Ngài quá nhún mình, không ngài thì còn ai viết vào đấy nữa!
- Tuy không phải là của tôi, nhưng cũng không phải của người làm ra. Hôm thi đầu tiên là ngày mồng chín. Trời sắp tối tôi vẫn chưa làm xong bài văn thứ nhất. Trong lòng đang phân vân, nghĩ mình ngày thường đặt bút là viết được, tại sao hôm nay lại như thế này? Chính trong lúc suy nghĩ như vậy, không ngờ buồn ngủ, tôi nằm gục trên án viết mà ngủ. Tôi thấy năm người má xanh nhảy vào lều, trong đó có một người tay cầm một cái bút lớn, chấm một chấm trên đầu tôi rồi bỏ đi. Sau đó một người mang mũ sa, áo đỏ, thắt một cái đai vàng và nắm lấy tôi lay và nói: "Ông Vương tỉnh dậy". Tôi giật mình tỉnh dậy, cả người toát mồ hôi. Lúc tỉnh, tay cầm bút viết mà không biết viết gì. Cho hay người ta nói có ma quỷ ở trường thi, là có sự thực. Tôi đã đem việc này thưa với quan chánh phủ chủ khảo. Ngài nói tôi có số đỗ đầu khi thi điện thí.
Hai người đang nói chuyện, thì một học sinh đem vở viết tập vào để chấm. Chu Tiến bảo y để vở đấy. Cử Vương nói:
- Không can gì? Ông cứ chấm đi, tôi còn có việc khác.
Chu Tiến đến bàn chấm, cử Vương gọi người nhà bảo:
- Trời đã tối rồi, mưa mãi không dứt, các anh lấy quả đồ ăn ở dưới thuyền lên, rồi bảo hòa thượng nấu cơm giúp. Bảo ông lái hãy đợi đấy, ngày mai ta đi sớm.
Và quay về phía Chu Tiến, y nói:
- Tôi đi thăm mộ về, không ngờ gặp mưa, nên ngủ lại đây một đêm.
Vương đang nói bỗng quay mặt lại. Thấy một quyển vở tập có viết tên "Tuân Mai". Vương giật mình, mím môi, vẻ mặt suy nghĩ, như có điều gì lạ lùng. Thấy vậy, Chu Tiến không hỏi, cứ cúi xuống chấm bài xong rồi quay lại tiếp khách. Vương hỏi:
- Đứa học sinh vừa rồi mấy tuổi?
- Nó mới bảy tuổi.
- Năm nay nó mới vào học sao? Có phải ông đặt cho nó cái tên ấy không?
- Tên ấy không phải do tôi đặt ra. Lúc mới vào học, ông cụ của nó nhờ ông bạn Mai Cửu tú tài trong làng đặt tên cho. Ông Mai nói: "tên tôi là "Cửu", thôi cho chữ vương đứng bên cạnh tên để lấy điềm tốt, mong sau này nó cũng thành đạt như tôi" .
Cử Vương cười và nói:
- Chuyện này thực là buồn cười. Mồng một năm nay, tôi mộng thấy bảng thi hội. Tôi thi đỗ, cái đó không bàn nữa. Nhưng cái tên thứ ba lại là Tuân Mai ở huyện Vấn Thượng. Tôi nghi ngờ không biết ở huyện ta có ai họ Tuân mà thi đỗ cử nhân không. Không ngờ Tuân Mai lại là tên của đứa học sinh nhỏ này. Thế nào! Nó sẽ ở cùng bảng với tôi sao!
Vương nói xong, cười khanh khách mà rằng:
- Cho hay mộng cũng không đúng! Vả chăng cái việc công danh là cốt ăn nhờ vào văn chương chứ nào có ma quỷ gì ở đấy đâu?
- Mộng cũng có cái đúng chứ! Hôm mới đến đây tôi gặp ông bạn họ Mai ở trong làng. Ông nói hôm mồng một tháng giêng ông nằm mơ thấy mặt trời rơi đúng trên đầu. Quả nhiên năm ấy ông thi đỗ.
Cử Vương nói:
- Nói như thế càng không được. Chẳng hạn ông ta đỗ tú tài thì có mặt trời rơi trên đầu, như tôi thi đã đỗ cử nhân, không có lẽ đến cả trời cũng rơi trên đầu tôi ư?
Hai người đang nói chuyện suông, thì có người mang lên cơm rượu, gà, cá, thịt lợn, thịt vịt đầy bàn. Cử Vương cũng không mời Chu Tiến, cứ ngồi ăn. Ăn xong, hòa thượng bưng cơm lên cho Chu Tiến ăn, chỉ có một đĩa rau và một bát nước nóng. Chu Tiến ăn cơm xong, cả hai người đi nghỉ.
Hôm sau, trời mới sáng, cử Vương dậy rửa mặt xong, mặc áo quần, chào rồi xuống thuyền, để lại phòng học đầy cả xương đầu gà, đầu cánh vịt, xương cá, vỏ hạt dưa. Chu Tiến quét suốt một buổi, đầu quáng mắt hoa .
° ° °
Sau hôm ấy người làng Tiết nghe nói con trai cụ Tuân sẽ đỗ tiến sĩ đồng khoa với Vương cử nhân, đều cho là chuyện bông đùa. Có những đứa bạn học không gọi tên Tuân Mai nữa mà gọi là "Tiến sĩ Tuân". Phụ huynh các nhà nghe thế đều không bằng lòng. Họ đến mừng cụ Tuân là "cụ phong" , làm cho ông ta không biết nói gì và bực mình.
Thân Tường Phủ nói riêng với dân làng:
- Chắc gì ông cử Vương đã nói thế. Ông Chu thấy trong làng ta chỉ có cụ Tuân là có tiền, nên bịa ra việc đó nịnh nọt để khi nào có lễ tết thì cụ ta cho thêm. Hôm trước tôi nghe nói nhà cụ Tuân đem miến khô, đậu phụ đến chùa, lại còn đưa bánh bao, bánh nướng, chính là vì thế.
Mọi người đều không bằng lòng. Từ đó Chu Tiến sống không yên. Nhưng vì nể mặt thôn trưởng mời đến, nên họ không nỡ đuổi đi. Y nương náu qua một năm. Sau đó thôn trưởng Hạ cho y là người ngốc không biết đến nhà thôn trưởng mà cảm ơn. Vì vậy người ta không nuôi Chu Tiến nữa.
Mất chỗ dạy học, Chu Tiến trở về nhà. Ở nhà đời sống thực là chật vật. Một hôm người anh rể là Kim Hữu Dư đến khuyên:
- Này, cậu, tôi nói cậu chớ giận. Việc đọc sách để tìm công danh xem ra rất khó. Người ta sinh ra ở đời, khó lòng mà kiếm đủ cơm ăn. Nay tôi và mấy người bạn có lắm tiền sắp lên tỉnh mua hàng thiếu một người giữ sổ sách. Chi bằng cậu cứ đi với chúng tôi. Cậu có một thân một mình, chẳng lo gì thiếu ăn thiếu mặc.
Chu Tiến nghe vậy, tự nghĩ: "Thằng què rơi xuống giếng, có kéo lên thì cũng chỉ què là cùng, ta đi cũng chẳng thiệt thòi gì". Bèn bằng lòng.
Kim Hữu Dư chọn ngày lành tháng tốt cùng một bọn buôn lên tỉnh thành để mua hàng. Chu Tiến rảnh rang không có việc gì làm, đi chơi ngoài phố. Thấy một nhóm thợ kéo nhau đi qua, họ nói họ đi chữa cửa trường thi. Chu Tiến đến cửa trường thi xem, không được vào vì có người coi cửa cầm cái roi to tướng đập đuổi ra. Buổi chiều y nói với anh rể muốn vào xem, Kim Hữu Dư cho mấy đồng tiền, cả bọn con buôn cùng vào. Họ nhờ người chủ ngôi hàng dẫn đầu. Ông này chỉ việc cho anh coi cổng ít tiền là xong cả. Đi đến cửa Long Môn, người chủ ngôi hàng chỉ cái cửa và nói:
- Ông Chu! Đây là cái cửa những ông tiến sĩ đi vào! Bọn họ đi vào con đường hai bên là phòng thi, người chủ ngôi hàng nói:
- Đây là bàn đầu đây, ông vào mà xem.
Chu Tiến bước vào, nhìn thấy bàn đặt chỉnh tề. Nước mắt bỗng nhiên chảy giàn giụa. Y thở dài một cái, đầu đập vào bàn, nằm duỗi thẳng cẳng, bất tỉnh nhân sự. Chỉ nhân cái chết ấy, khéo hay cho: mấy năm lận đận, bỗng dưng thẳng bước công danh; nhiều lúc hẩm hiu, lại được treo cao phẩm giá.
Muốn biết Chu Tiến tính mạng thế nào, hãy xem hồi sau phân giải.