Nho Lâm Ngoại Sử

chương 36: huyện thường thục kẻ chân nho giáng sinh đền thái bá bực danh hiền chủ tế

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Ở huyện Thường Thục phủ Tô Châu, đất Ứng Thiên có một cái làng nhỏ, gọi là làng Lân Phất. Làng có độ hai trăm nhà đều làm nghề nông. Chỉ có một người họ Ngu trong thời Thành Hóa (- ) có đi học đỗ tú tài đã ba mươi năm nay. Ông ta chỉ dạy học trò ở trong làng. Làng này cách thành phố mười lăm dặm. Ngoài lúc đi thi, Ngu tú tài không hề bước chân đến thành phố bao giờ. Ông ta thọ ngoại tám mươi tuổi. Người con thi hỏng, cũng sống bằng nghề dạy học. Lúc trung niên, vẫn chưa có con nối dõi. Hai vợ chồng đến điện Văn Xương đế quân để cầu tư. Ban đêm nằm mơ thấy Văn Xương tay cầm một tờ giấy đưa cho họ, trên có viết một câu ở Kinh Dịch "Quân tử dĩ quả hạnh dục đức" (Người quân tử nuôi dưỡng cái đức tốt bằng hạnh kiểm đứng đắn).

Sau đó, người vợ có mang, đủ mười tháng sinh được một đứa con trai. Người chồng đến tạ ơn và đặt tên cho con là Dục Đức, tự là Quả Hạnh, sau này là Ngu bác sĩ. Ngu Dục Đức lên ba tuổi mồ côi mẹ, người cha mang con theo đến nơi mình dạy học. Năm Dục Đức lên sáu, người cha bắt đầu dạy cho học. Năm Dục Đức lên mười thì người cha được mời dạy học ở một nhà cụ Kỳ trong làng. Thầy học và chủ nhà rất là tương đắc. Dạy học được bốn năm, cha của Dục Đức mắc bệnh mất. Lúc lâm chung có giao Dục Đức bấy giờ mười bốn tuổi cho cụ Kỳ. Cụ Kỳ nói:

- Con của ông không giống như con của người khác. Khi ông mất đi, tôi sẽ nuôi anh ấy để dạy con tôi học.

Cụ Kỳ liền viết ngay tên của mình là Kỳ Liên vào một cái danh thiếp, vào thư phòng cùng với đứa con lên chín tuổi lạy chào thầy học mới. Từ đấy Ngu Dục Đức dạy học ở nhà cụ Kỳ.

Huyện Thường Thục là một nơi có nhiều văn nhân nổi tiếng. Bấy giờ có một người là Vân Tình Xuyên nổi tiếng nhất trong thiên hạ về thơ, từ và cổ văn. Ngu Dục Đức mới mười bảy, mười tám tuổi thường theo Tình Xuyên học thơ văn. Cụ Kỳ nói:

- Ông Ngu, ông là học trò nghèo thì học thơ văn làm gì cho vô ích. Ông phải học cái gì để mà kiếm ăn chứ! Lúc nhỏ tôi có học địa lý, có học số tử vi. Tôi sẽ đem dạy lại ông để cho ông dùng khi nào cần.

Ngu Dục Đức ra sức học tập. Cụ Kỳ lại nói:

- Ông cũng nên mua mấy quyển sách thi cử để đọc. Sau này nếu thi đỗ, việc dạy học lại càng dễ.

Nghe lời cụ Kỳ, Ngu Dục Đức cũng lấy sách thi cử ra đọc. Năm hai mươi bốn tuổi, Ngu đi thi đỗ ở huyện. Năm sau, nhà họ Dương ở thôn Dương Gia cách đấy hai mươi dặm mời Ngu đến dạy, mỗi năm ba mươi lạng bạc. Đầu tháng giêng Ngu đến đó dạy học, đến tháng chạp lại trở về nhà cụ Kỳ ăn tết.

Được hai năm, cụ Kỳ nói:

- Cụ nhà ta khi còn sống đã tìm cho ông một đám ở thôn Hoàng. Nay nên cưới đi.

Ngu còn để dành được mười mấy lạng bạc tiền dạy học và mượn thêm mười mấy lạng tiền dạy học sang năm để cưới vợ. Cụ Kỳ cho hai vợ chồng ở nhờ nhà mình. Sau một tháng, Ngu lại đi dạy. Hai năm sau, Ngu dành dụm được hai, ba mươi lạng bạc, thuê một cái nhà bốn gian bên nhà cụ Kỳ để ở, và thuê một người đầy tớ nhỏ. Sau khi Ngu đã đi dạy, người đầy tớ mỗi buổi sáng đi ba dặm đường đến chợ để mua thức ăn, dầu, muối, rau đem về cho bà chủ. Sau khi sinh nở, vợ Ngu Dục Đức mắc bệnh, tiền dạy không đủ thuốc thang, mỗi ngày chỉ ăn ba bữa cháo trắng. Sau đó, sức khỏe dần dần bình phục. Năm ba mươi hai tuổi, Ngu

không có nơi nào mời dạy học nữa, người vợ nói:

- Năm nay làm gì đây?

- Không lo! Từ khi ta đi dạy học đến nay, mỗi năm chỉ được ba mươi lạng. Năm nào, tháng giêng họ chỉ trả hai mươi lạng thôi, thì trong lòng ta buồn rầu. Nhưng đến tháng tư, tháng năm, lại thêm mấy đứa học trò, thêm mấy bài văn để chữa có thêm mấy lạng bạc nữa để bù vào tức là đủ số. Năm nào họ trả thêm mấy lạng thì trong lòng ta vui mừng, nói "Tốt! Năm nay khá đấy". Nhưng trong nhà lại có việc xảy ra phải tiêu nhẵn số tiền. Cho nên xét cho cùng cái gì cũng có tiền định, không cần lo làm gì.

Quả nhiên, qua một thời gian, cụ Kỳ đến nói:

- Ở làng xa có cụ Trịnh muốn mời ông đến để cất mả.

Ngu Dục Đức mang la bàn cố ý tìm một chỗ đất tốt. Chôn cất xong, họ Trịnh đem mười hai lạng bạc ra tạ ơn. Bấy giờ vào khoảng giữa tháng ba, Ngu gọi một chiếc thuyền để về nhà. Hai bên bờ nào hào, nào liễu, lại có gió thổi nhẹ nhàng, trong lòng Ngu rất khoan khoái. Đến một nơi vắng vẻ, thấy một chiếc thuyền đang đánh cá trên sông, Ngu nằm trong thuyền nhìn ra ngoài cửa bỗng thấy ở bên kia hồ có một người nhảy xuống sông tự tử. Ngu giật mình bảo người lái bơi thuyền đến cứu. Khi lôi lên, thì người kia áo quần ướt sũng. Cũng may bấy giờ tiết trời ấm áp. Ngu bảo cởi quần ướt ra, bảo người chèo thuyền lấy một bộ áo quần khô cho người kia thay rồi mời vào khoang thuyền hỏi tại sao lại liều thân vậy. Người kia nói:

- Con vốn làm nghề cày ruộng ở làng này. Con cày ruộng cho người ta, nhưng kiếm được bao nhiêu thì bị chủ ruộng lấy mất hết. Cha mẹ con mắc bệnh chết ở trong nhà, con không có tiền mua quan tài. Con nghĩ rằng làm người đến thế thì sống làm gì nữa không bằng chết đi còn hơn

Ngu Dục Đức nói:

- Cái đó tỏ rằng ông là người con có hiếu, nhưng ông không nên nghĩ đến việc quyên sinh làm gì. Đây tôi có mười hai lạng bạc là của người ta cho tôi. Tôi không thể đưa cho ông hết vì tôi cần phải giữ một ít để sống vài tháng. Tôi xin đưa ông bốn lạng. Ông về nói với bà con thân thích trong làng giúp đỡ thêm. Như thế ông sẽ có thể chôn cất ông cụ được.

Ngu bèn cởi hành lý ra cân lấy bốn lạng bạc đưa cho người kia. Người kia nhận số tiền lạy tạ và nói:

- Ân nhân tên họ là gì?

- Tôi họ Ngu ở thôn Lân Phất. Chúng ta không nên nói chuyện ân đức làm gì. Anh mau mau lo liệu việc của anh đi.

Người kia cảm tạ rồi đi.

Ngu về nhà, nửa năm ấy, Ngu lại tìm được chỗ dạy học. Mùa đông, vợ Ngu sinh một đứa con trai. Để nhớ ơn cụ Kỳ đã giúp đỡ mình, Ngu đặt tên cho con là Cảm Kỳ (Cảm ơn đức của Kỳ). Ngu dạy học năm sáu năm nữa cho đến năm bốn mươi mốt tuổi. Năm ấy thi hương, cụ Kỳ tiễn Ngu lên đường và nói:

- Năm nay thế nào ông cũng đỗ cao.

- Tại sao bác biết?

- Bởi vì ông làm nhiều việc có âm đức.

- Thưa bác, nào tôi có làm được việc gì có âm đức đâu.

- Như việc ông thật lòng thật dạ tìm đất cho người ta. Tôi lại nghe đâu ông cứu người, giúp họ chôn cất cha họ như thế là có âm đức.

Ngu cười mà rằng:

- Âm đức là phải làm thế nào mà chỉ có người làm ơn biết mà thôi. Nay cụ đã biết việc đó rồi thì còn âm đức ở đâu nữa!

- Nhất định là có âm đức. Thế nào ông cũng đỗ.

Sau khi thi ở Nam Kinh về, Ngu mắc bệnh phong hàn không dậy được. Ngày treo bảng. Người báo tin đến làng; cụ Kỳ dẫn anh ta đến nhà nói:

- Ông Ngu, ông đỗ rồi!

Ngu đang ốm nghe tin, bàn với vợ đem cầm áo quần để lấy tiền nhờ cụ Kỳ tạ người báo tin. Mấy ngày sau, bệnh lành, Ngu lên Kinh, cung khai tam đại. Lúc trở về, bạn bè và chủ nhà đều đến mừng. Ngu thu xếp công việc để lên Kinh thi hội nhưng không đỗ tiến sĩ.

May mắn sao, ở Trường Thục có một ông quan họ Khang được bổ làm tuần vũ Sơn Đông. Khang hẹn Ngu đi Sơn Đông để làm việc ở nha môn của mình. Hai người đối đãi với nhau tương đắc lắm. Ở nha môn có người đồng sự họ Vưu tên là Tư, tự là Tư Thâm. Thấy Ngu Dục Đức là người văn chương và phẩm hạnh đều giỏi, Vưu liền xin làm học trò, cùng ở một phòng sớm tối học hỏi. Bấy giờ là lúc nhà vua cầu hiền. Khang tuần vũ nghĩ đến việc tiến cử một người. Vưu Tư Thâm nói:

- Nay theo phép lớn của triều đình, cứ như ý con thì cụ Khang tiến cử thầy là đúng nhất.

Ngu Dục Đức cười mà rằng:

- Tôi đâu xứng đáng để nhà vua mời ra. Cụ Khang muốn tiến cử ai thì tùy ý cụ. Nếu tôi lại đến nhờ cụ tiến cử thì còn đâu là phẩm hạnh nữa?

- Nếu thần không muốn làm quan thì đợi đến khi nào cụ Khang tiến cử lên hoàng đế, lúc ấy hoặc là thầy bệ kiến, hoặc là thầy không bệ kiến rồi thầy xin từ quan về nhà thì cũng tỏ là người cao thượng.

- Ông nói như thế là sai. Nếu tôi nhờ quan tuần vũ tiến cử tôi rồi thì được bệ kiến tôi lại từ quan xin về, thì không phải là thực tâm , không thực tâm trong việc cầu tiến cử, cũng như không thực tâm trong việc từ quan. Làm như thế để làm gì?

Ngu nói xong cười khanh khách. Ngu ở Sơn Đông hơn hai năm lại lên kinh thi hội, nhưng vẫn không đỗ. Ngu đi thuyền về Giang Nam dạy học như cũ.

Ba năm sau, Ngu Dục Đức năm mươi tuổi, nhờ một người họ Nghiêm vốn làm quản gia cho họ Dương cùng đi với mình lên kinh thi hội. Lần này Ngu đỗ tiến sĩ. Thi điện thí lại đỗ đệ nhị giáp. Triều đình định bổ vào hàn lâm. Trong số những người đỗ tiến sĩ cũng có những người năm mươi tuổi, những người sáu mươi tuổi. Nhưng lệ thường khi đi thi ai cũng đều bớt tuổi cả. Chỉ có một mình Ngu là viết đúng tuổi mà thôi. Nhà vua nhìn thấy danh sách bèn nói:

- Ngu Dục Đức tuổi đã già vậy cho ông ta làm một chức quan rảnh.

Cho nên Ngu Dục Đức được bổ làm bác sĩ trường Quốc Tử Giám ở Nam Kinh, Ngu mừng rỡ nói:

- Nam Kinh là nơi phong cảnh đẹp, nước non thanh tú, lại gần nhà. Lần này đến đấy ta đem vợ con cùng đi. Như thế còn hơn làm một anh hàn lâm xác.

Ngu bèn từ biệt các quan chấm thi và các bạn đồng hương của mình. Một người bạn họ Vương làm hàn lâm viện thị độc dặn:

- Trong trường Quốc Tử Giám ở Nam Kinh có một người tên là Vũ Thư tự là Chính Tự, là một người con rất có hiếu với mẹ và rất tài hoa. Ông đến đó nên chiếu cố anh ta một chút.

Ngu nghe lời, thu xếp hành lý đến Nam Kinh nhậm chức, sai người đến huyện Thường thục đưa gia quyến mình lên. Bấy giờ, cậu con trai là Ngu Cảm Kỳ đã mười tám tuổi cũng theo mẹ lên Nam Kinh. Sau khi đến thăm cụ Lý làm Tế tửu trường Quốc Tử Giám, Ngu bước vào công đường, học trò trường giám đều kéo nhau đến chào. Nhìn trong số danh thiếp thấy có đề tên Vũ Thư, Ngu hỏi:

- Ở đây ai là Vũ Thư?

Trong đám học trò, có một người thấp bé bước ra nói:

- Thưa con là Vũ Thư!

- Ở kinh tôi có được nghe nói anh là một người con có hiếu lại rất có tài.

Ngu cúi chào Vũ Thư và mời tất cả mọi người ngồi. Ngồi xong Vũ Thư nói:

- Tài văn chương của thầy sáng ngời như sao bắc đẩu. Chúng con hôm nay may mắn được học khác nào trời hạn được mưa.

Ngu bác sĩ nói:

- Tôi lần đầu tiên đến đây, mọi việc mong được chỉ giáo. Anh ở trường Giám mấy năm rồi?

Vũ Thư nói:

- Không dám giấu gì thầy, con mồ côi cha từ khi còn nhỏ, cứ lo ở làng phụng dưỡng mẫu thân. Vì cô độc một mình, không có anh em bà con, con phải lo liệu tất cả việc ăn mặc. Vì thế lúc mẹ con còn sống, con không có thì giờ học hành và đi thi. Không may mẹ con mất đi, tất cả mọi việc chôn cất đều nhờ ông Đỗ Thiếu Khanh ở Thiên Trường giúp đỡ hết. Con có học làm thơ với ông Đỗ Thiếu Khanh.

Ngu bác sĩ nói: - Trước đây tôi có được xem một tập thơ của ông Đỗ Thiếu Khanh ở trên bàn nhà ông Vưu Tư Thâm. Quả thực là một bậc kỳ tài! Ông Thiếu Khanh có ở đây không?

- Ông ta ở cái nhà bên bờ sông gần cầu Lợi Thiệp. - Lại còn một vị nữa là ông Trang Thiệu Quang được nhà vua cho hồ Nguyên Vũ. Ông ta có ở trong hồ không?

Vũ Thư nói:

- Ông ta hiện nay ở hồ Nguyên Vũ rất kén chọn trong việc tiếp khách.

Ngu bác sĩ nói:

- Ngày mai tôi sẽ đến thăm ông ta.

Vũ Thư nói:

- Con thật không biết viết văn bát cổ cho nên mấy lâu nay vẫn cứ nghèo khổ, không biết làm thế nào. Đi dạy học cũng không ai mượn. Sau đó con đành phải mua mấy quyển sách để học rồi cũng làm được vài bài. Nhờ vậy đi thi cũng đỗ, được vào trường. Các vị thầy ở đây không hiểu tại sao cho con đỗ đầu, có học bổng. Văn chương của con thực không hay nhưng thi lần nào cũng đỗ đầu. Lần trước đây có một vị tôn sư cho thi học sinh tất cả tám nơi, con cũng đỗ đầu, vì vậy con mới được vào trường này. Tuy vậy, con vẫn thấy văn chương của con còn kém lắm.

Ngu bác sĩ nói:

- Tôi cũng không chịu khó làm văn bát cổ. Vũ Thư nói:

- Vì vậy hôm nay con không đem văn bát cổ đến để thầy xem. Khi nào chép xong những bài thơ phú thường ngày vẫn làm cùng với quyển giải thích về cổ văn và những bài tản văn khác, con sẽ đem đến để nhờ thầy chỉ giáo.

- Như vậy đủ thấy ông lắm tài khiến cho người ta kính phục. Nếu có thơ phú và cổ văn lại càng tốt, tôi sẽ xem cẩn thận. À bà cụ nhà ta đã được sắc phong chưa?

- Mẹ con đáng lý được sắc phong rồi nhưng nhà con nghèo quá không sao có tiền đưa đến nha môn để lo liệu việc ấy. Cho nên cứ đành phải để chậm mãi đến ngày nay. Cái đó thực là lỗi ở con.

Ngu bác sĩ nói:

- Việc đó trì hoãn sao được?

Bèn bảo người lấy nghiên bút ra, và nói với Vũ Thư:

- Anh hãy viết một tờ khai kỹ càng về việc ấy.

Sau đó gọi người thư lại đến và dặn:

- Anh phải làm ngay một tờ trình về tiết hạnh và lòng hiếu của bà cụ ông Vũ để căn cứ vào đó làm một báo cáo tường tận, còn việc tiền nong cứ mặc tôi lo liệu.

Người thư lại vâng dạ rồi đi ra. Vũ Thư cúi đầu lạy tạ. những người khác cũng thay mặt Vũ Thư lạy tạ rồi từ biệt đi ra. Ngu tiễn họ ra cửa mới trở vào.

Hôm sau, Ngu đến hồ Nguyên Vũ thăm Trang Thiệu Quang nhưng không gặp được. Ngu lại đến thăm Đỗ Thiếu Khanh ở cái nhà bên bờ sông. Đỗ thân hành ra tiếp. Ngu kể lại rằng ông nội mình là học trò Đỗ trạng nguyên tức cố của Đỗ Thiếu Khanh, Đỗ bèn gọi Ngu bằng chú. Hai người kể lại chuyện cũ. Ngu nhắc đến việc mình đi thăm Trang Thiệu Quang nhưng vô duyên không được gặp mặt. Thiếu Khanh nói:

- Ông ta không biết chú là ai! Để cháu đến nhà nói với ông ta.

Hôm sau Thiếu Khanh đến hồ Nguyên Vũ gặp Trang Thiệu Quang. Thiếu Khanh hỏi:

- Hôm qua Ngu bác sĩ đến thăm anh tại sao lại không tiếp?

- Tôi đã đoạn tuyệt với những người áo mũ rồi. Ông ta tuy là quan nhỏ, tôi cũng không muốn gặp.

- Ông ta khác hẳn những người khác. Không những ông ta không có vẻ con người bác học, lại không có vẻ của một anh tiến sĩ. Lòng ông ta cao thượng và trong sạch, có thể so sánh với Bá Di, Liễu Hạ Huệ, Đào Uyên Minh Khi nào anh gặp sẽ thấy.

Trang Thiệu Quang nghe vậy bèn đến nhà thăm. Hai người mới gặp nhau đã xem nhau như bạn cũ. Ngu kính phục Trang là người điềm đạm, Trang kính phục Ngu là người nho nhã. Họ kết nghĩa làm bạn sống chết với nhau.

Nửa năm sau, Ngu cưới vợ cho con mình. Người con lấy cháu gái cụ Kỳ. Người con cụ Kỳ trước kia là học trò của Ngu, sau thành thông gia. Nhờ vậy, Ngu đã đền ơn cụ Kỳ đối với mình. Cụ Kỳ đưa cháu gái đến nhà Ngu bác sĩ để làm lễ cưới, đồng thời có một người a hoàn đi theo. Từ đó về sau, vợ của Ngu mới có một người đầy tớ gái để sai vặt.

Việc cưới vừa xong, Ngu lại đem người a hoàn gả cho con trai của người quản gia họ Nghiêm. Người quản gia đem mười lạng bạc đến làm tiền chuộc a hoàn. Ngu nói:

- Ông còn phải lo chăn màn giường chiếu chứ! Mười lạng bạc này là của ông. Ông cứ đem tiền về mà sắm sửa.

Người quản gia rập đầu lạy tạ đi ra.

Thấm thoát đến tháng hai, mùa xuân đã đến. Những cây hồng mai năm ngoái do tay Ngu bác sĩ trồng khi đến nhậm chức, nay đã nở hoa. Ngu bác sĩ mừng rỡ bảo người nhà sửa soạn tiệc rượu mời Đỗ Thiếu Khanh ngồi dưới gốc mai nói chuyện. Ngu nói:

- Anh Thiếu Khanh! Mùa xuân đã đến rồi! Không biết dọc bờ sông mấy mươi dặm hoa mai nở như thế nào rồi! Lúc nào tôi với anh mang theo rượu dắt nhau đi xem đi!

- Cháu cũng nghĩ như vậy. Phải hẹn với anh Trang Thiệu Quang cùng đi chơi suốt một ngày mới được!

Đang nói chuyện thì có hai người khách bước vào. Cả hai đều ở trước cửa trường Quốc Tử Giám và mấy năm nay vẫn học ở đấy, một người là Chư Tín, một người là Y Chiêu. Thấy hai người vào, Ngu bác sĩ vái chào và cùng ngồi. Hai người không dám ngồi trước Đỗ Thiếu Khanh. Rượu đem lên, họ bắt đầu uống. Chư Tín nói:

- Vào ngày đầu xuân, thầy cũng nên ăn mừng ngày sinh nhật. Lễ vật thầy nhận được có thể dùng hết cả mùa xuân.

Y Chiêu nói:

- Chúng con muốn thưa với thầy chúng con sẽ viết giấy để thông báo cho tất cả học trò.

Ngu bác sĩ nói: - Tôi sinh vào tháng tám, làm bây giờ để làm gì? Y Chiêu nói:

- Cái đó không ngại. Tháng hai làm, tháng tám lại làm nữa.

- Sao lại làm thế? Làm thế người ta cười cho! Xin mời hai ông uống rượu.

Thiếu Khanh cũng cười, Ngu bác sĩ nói:

- Anh Thiếu Khanh! Tôi có một việc muốn bàn với anh. Hôm trước đây trong phủ Trung Sơn Vương có một người liệt nữ, người ta nhờ tôi làm một bài văn bia, họ đưa cho tôi tám mươi lạng bạc hiện nay còn ở đây. Tôi nhờ anh làm hộ việc đó và cầm giúp số tiền này để dùng vào việc mua rượu, xem hoa.

- Chú cứ viết văn bia cũng được chứ sao? Chú sai cháu làm việc ấy để làm gì?

Ngu cười mà rằng:

- Tài của tôi làm sao bằng được tài của anh? Anh cứ làm đi.

Bèn lấy trong ống tay áo ra một tờ giấy có ghi sơ lược tất cả đời của người liệt nữ. Ngu đưa tờ giấy cho Đỗ rồi bảo người nhà mang hai gói bạc đến nhà Đỗ. Người nhà mang bạc đi. Lại có người vào báo:

- Ông Thang đã đến!

Ngu bác sĩ nói:

- Mời ông ta vào đây!

Ngu nói với những người khách:

- Ông Thang là cháu tôi, gọi tôi bằng cậu. Lúc tôi lên Nam Kinh tôi để nhà lại cho ông ta ở, vì vậy ông ta đến đây thăm tôi.

Đang nói chuyện thì Thang bước vào chào rồi ngồi xuống. Sau mấy câu chuyện suông, Thang nói:

- Thưa cậu, nửa năm nay vì thiếu tiền nên cháu đã bán nhà của cậu rồi.

- Cái đó không có gì lạ. Năm nay anh không có cách gì sinh sống, trong nhà lại phải ăn tiêu thì có cái gì mà chẳng bán. Nhưng đường sá xa xôi như thế mà anh đến mãi đây nói với tôi để làm gì.

- Thưa cậu! Sau khi bán nhà rồi cháu không biết ở vào đâu cho nên cháu đến đây thưa với cậu mượn cậu ít tiền thuê mấy gian nhà ở.

Ngu gật đầu: - Được! Bán đi rồi thì vào ở đâu! May quá hiện nay ta có ba bốn mươi lạng bạc đây, anh cầm lấy để ngày mai thuê một cái nhà mà ở.

Thang không nói gì nữa. Bữa tiệc xong, Thiếu Khanh từ biệt ra về. Hai người khách còn ở lai. Ngu bác sĩ ngồi tiếp. Y Chiêu hỏi:

- Thầy và ông Đỗ Thiếu Khanh quen nhau như thế nào?

- Ông ta là bạn cũ của tôi. Thực là một người tài hoa!

Y Chiêu nói:

- Theo ý con, con không nghĩ thế. Ở Nam Kinh người ta đều biết ông ta trước kia giàu có, bây giờ sa xút. Ông chỉ chuyên lừa người khác để lấy tiền chứ không có phẩm hạnh gì hết.

- Anh bảo ông ta không có phẩm hạnh như thế nào?

- Ông ta cứ đem vợ ra ngoài quán uống rượu, ai cũng chê cười.

- Cái đó chỉ tỏ rằng ông ta là người nho nhã phong lưu. Những người tục khách biết sao được!

Chư tín nói:

- Nói như vậy cũng đúng, nhưng lần sau thầy có thơ văn gì viết mà có tiền thì đừng giao cho ông ta. Ông ta không phải là người thi cử, vậy khó lòng viết được cái gì hay, sợ làm mất danh tiếng của thầy. Ở trường Giám có bao nhiêu người học sinh đã thi đỗ. Thầy bảo làm, chúng con sẽ làm, đã hay lại không mất tiền.

Ngu bác sĩ nghiêm nét mặt nói:

- Nói như vậy không được! Tài danh của ông Đỗ mọi người đều biết, văn thơ ông ta ai mà không phục. Mỗi khi tôi nhờ ông ta viết một cái gì, ông ta chỉ làm cho tôi thêm nổi tiếng. Vả chăng, người ta đưa cho tôi một trăm lạng bạc nhưng tôi còn giữ lại hai mươi lạng để cho người cháu của tôi kia mà

Hai người kia không biết ăn nói như thế nào bèn xin cáo từ ra về.

Hôm sau, Phủ Ứng Thiên đưa một anh giám sinh đến giao cho Ngu bác sĩ để trừng trị vì phạm tội đánh bạc. Sai nhân để anh ta ngồi trong nhà người giữ cổng rồi vào báo với Ngu bác sĩ.

- Thưa ngài! Nên khóa anh ta ở đâu?

- Hãy mời anh ta vào đây!

Anh giám sinh này họ Đoan người ở nhà quê lên. Anh ta bước vào, nước mắt đầm đìa vội vàng quỳ xuống đất kêu oan. Ngu bác sĩ nói:

- Ta biết cả rồi.

Ngu bèn giữ y ở lại thư phòng, ngày ngày cùng ăn cơm uống rượu, lại đem chăn đệm của mình trải cho y ngủ. Hôm sau Ngu đến nha môn quan phủ doãn minh oan cho anh ta rồi tha cho về.

Anh giám sinh cúi đầu lạy tạ nói:

- Dù tan xương nát thịt con cũng không làm sao báo đáp được ơn thầy.

- Đó là việc thường! Anh oan uổng thì tôi phải minh oan cho anh chứ có gì đâu!

- Minh oan cố nhiên là ơn của thầy. Lúc đầu bị đưa đến đây trong lòng con phân vân không hiểu thầy sẽ xử trí với con như thế nào, người sai nhân sẽ đòi con bao nhiêu tiền hay con sẽ bị giam vào nơi nào. Không ngờ thầy lại đối đãi với con như đối với một người khách quý! Không những con không bị xử phạt gì hết, trái lại con lại được sống hai ngày sung sướng nhất trong đời. Cái ơn sâu ấy con trả bao giờ cho hết!

- Anh đã bỏ phí mất bao nhiêu ngày trời vào cái việc này rồi. Thôi mau mau về nhà đừng nói dông dài làm gì nữa.

Người giám sinh từ biệt ra về.

Vài hôm sau, người giữ cửa đưa vào một tờ danh thiếp lớn màu đỏ ở trên viết: Trì Hành Sơn, Mã Thuần Thượng, Quý Vi Tiêu, Cừ Dật Phu, Vũ Thư, Dư Hòa Thanh và Đỗ Thiếu Khanh cùng đến chào.

Ngu hỏi:

- Họ đến đây có việc gì?

Bèn vội vàng chạy ra tiếp.

Chỉ nhân phen này khiến cho:

Đền Tiên Thánh được xem đại lễ, một việc vinh quang

Quốc Tử Giám làm chủ tư văn, mọi người kính phục

Muốn biết những người này đến đây có việc gì hãy xem hồi sau phân giải.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio