Nho Lâm Ngoại Sử

chương 45: dày hữu nghị thay anh chịu tội lỗi, bàn địa lý về quán táng song thân

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Dư Hữu Đạt đưa bức thư nhà cho Đỗ Thiếu Khanh xem. Đại khái bức thư viết: "Ở nhà vừa xảy ra một việc, em đang lo liệu. Anh nhất thiết nhớ có về. Nghe tin anh ở đấy với chú. Thiếu Khanh, em rất yên tâm. Anh cứ ở đấy và đừng có bận tâm gì hết. Khi nào thu xếp công việc xong, em sẽ đến đón anh về".

Dư Hữu Đạt hỏi:

- Có việc gì xảy ra?

Đỗ nói:

- Nếu em anh không muốn nói ra thì anh cũng không có cách gì biết được. Anh cứ ở đây rồi sẽ biết.

Dư Hữu Đạt viết thư cho em: "Có việc gì thế? Em viết tất cả cho anh biết thì anh mới yên tâm được. Em không nói chỉ càng làm anh thêm lo lắng mà thôi".

Người bán vịt mang bức thư về cho Dư Hữu Trọng. Lúc đó Hữu Trọng đang nói chuyện với một tên sai nhân ở nha môn phái đến. Hữu Trọng cầm bức thư và bảo người bán vịt về. Hữu Trọng nói với tên sai nhân:

- Tờ công văn này là để bắt tên phạm tội Dư Hữu Trọng. Nhưng tôi không bao giờ ở Vô Vi cả. Như vậy tôi đến nha môn để làm gì?

- Ai biết ông đến hay không? Tất cả công việc của bọn sai nhân chúng tôi là cứ chiếu theo công văn mà bắt người. Trong nha môn chúng tôi, khi bắt bọn ăn cắp thì đời nào chúng lại thú nhận, ngay lúc bị kìm kẹp gần chết chúng cũng chẳng nói thực bao giờ!Hữu Trọng đành phải lên nha môn với hắn. Y đến công đường gặp tri huyện, quỳ và bẩm:

- Con không bao giờ đến Vô Vi. Con không biết gì về việc này hết.

- Ta không biết anh có ở đấy hay không! Nhưng ta có một tờ công văn ở châu Vô Vi gửi đến. Anh nói không bao giờ ở châu Vô Vi hết thì hãy nhìn đây.

Tri huyện lấy một công văn có dấu son đỏ, bảo sai nhân đưa cho Hữu Trọng. Hữu Trọng đọc: "Về việc quan tri châu ở châu Vô Vi ăn hối lộ. Dự cống sinh người Ngũ Hà đã nhận của hối lộ...".

Hữu Trọng nói:

- Việc này thì ngài thấy rất rõ: Tờ công văn này nói "cống sinh Hữu Trọng". Nhưng con là tú tài, ít nhất cũng phải mười năm nữa mời là cống sinh.

Hữu Trọng nói xong trả tờ công văn và định quay đi ra. Tri huyện nói:

- Ông Dư! Đợi một lát đã! Tôi hiểu lời của ông! Cái đó có thể rõ ngay.

Và quay hỏi người thơ lại:

- Trong huyện có ai là cống sinh Dư Hữu Trọng không?

- Gia đình ông Dư có một người đỗ cống sinh nhưng không phải tên là Hữu Trọng.

Hữu Trọng nói:

- Như thế thật là tờ công văn này nói vu vơ không vào đâu! Hữu Trọng lại đứng dậy định đi ra. Tri huyện nói:

- Ông Dư! Ông về nhà viết một tờ trình nói rõ mình vô tôi. Sau đó tôi sẽ trả lời hộ ông.

Hữu Trọng vâng dạ đi ra. Y cùng với tên sai nhân ra khỏi nha môn vào một tiệm trà để uống trà. Hữu Trọng đứng dậy định đi thì sai nhân nói:

- Ông đi đâu thế? Tôi theo ông từ nhà đến nha môn suốt cả buổi sáng mà chưa hề có cơm nước gì cả. Mặc dầu đấy là việc của triều đình, nhưng ông cũng phải nể tôi thế nào chứ? Tôi giờ hơi sức đâu đi mãi với ông được nữa.

- Quan huyện bảo tôi về nhà viết một tờ trần tình.

- Ở công đường, ông vừa nói rằng ông là tú tài. Nhưng tú tài thì suốt năm viết đơn hộ người khác, còn về đơn của mình lại phải nhờ người khác viết hộ. Bên kia đường sau tiệm trà là chỗ cho các ông tú tài viết đơn. Ông vào đấy mà nhờ người ta viết.

Hữu Trọng và tên sai nhân vào một cái nhà sau tiệm trà. Tên sai nhân nói với một người ngồi đấy:

- Ông Dư muốn viết một cái đơn, anh viết giúp, ông Dư sẽ viết bản nháp và anh chép lại. Nếu ông ta mà không trả tiền cho anh thì thật lại nguy cho tôi. Tôi còn phải đến hàng cơm tìm cái thằng bị nhốt hôm qua, rồi tôi sẽ trở lại đây.

Hữu Trọng vái chào người viết hộ.

Người kia ngồi cái ghế ở bên bàn, đầu đội mũ rách, mặc áo cánh rách, đi đôi giày long cả đế. Hữu Trọng nhận ra là Đường Tam Đàm, một người bạn ở trong huyện, vốn là một người gây kiện tụng, lừa đảo. Đường Tam Đàm thấy Hữu Trọng liền nói:

- Ông Dư! Mời ông ngồi!

- Ông Đường! Ông đến đây sớm thế?

- Nào có sớm gì đâu! Sáng sớm tinh mơ, tôi ăn miến ở nhà ông Phương thứ sáu. Sau khi tiễn ông ta ra khỏi thành tôi mới đến đây. Việc ấy tôi biết cả rồi.

Y kéo Hữu Trọng ra một phía và nói thầm:

- Này ông hai! Việc này tuy không phải là án quan trên đưa xuống, nhưng cũng gần như là án quan trên đưa xuống. Ai lại không biết ông anh của ông hiện nay đang ở Nam Kinh sao? Nhưng trong những việc như thế này, điều quan trọng nhất vẫn là việc xét xử của quan huyện ở đây.

Mà quan huyện ở đây thì họ Bành nói gì là quan làm nấy. Như vậy, ông nên mau mau đến gặp ông Bành thứ ba để bàn bạc. Tất cả gia đình họ Bành đều dữ tợn như sói như cọp cả. Chỉ có ông Bành thứ ba là người tốt mà thôi. Nếu nhờ ông ta giúp đỡ trong lúc nguy cấp thì có lẽ ông ta cũng chẳng nghĩ gì đến việc trước đây anh không đi lại với ông ta. Ông ta là người nhân đức độ lượng, anh không sợ gì hết. Nếu như anh muốn, tôi sẽ cùng đi với anh. Thực ra hằng ngày phải năng lui tới với những người thân sĩ như thế. Tất cả chỉ vì ông anh của anh quá kiêu ngạo. Bây giờ, gặp phải việc này, anh biết nhờ vả vào ai.

- Cám ơn anh có lòng săn sóc đến tôi. Nhưng vừa rồi quan huyện bảo tôi viết tờ trình để cho ngài trả lời hộ. Còn việc kia xin cho tôi suy nghĩ sau.

- Cũng được! Tôi xem anh viết như thế nào.

Dư viết ngay tờ trình và nộp cho tri huyện, tri huyện bảo thư biện căn cứ vào đó viết công văn trả lời cho châu Vô Vi. Và cố nhiên thư biện không quên đòi tiền giấy bút. Nửa tháng sau, một công văn khác lại đến. Lần này viết rõ ràng hơn: "Phạm nhân Dư Hữu Trọng là cống sinh ở Ngũ Hà, người tầm thước, mặt trắng và lún phún râu trạc độ năm mươi tuổi. Ngày mồng tám tháng tư, hắn đến châu Vô Vi gặp Phong Ảnh trong miếu Thành Hoàng để dập tắt một vụ án mạng. Ngày mười một, hắn đến nha môn Vô Vi để xin xỏ, ngày mười sáu sau khi thẩm cung ở châu, Phong Ảnh sửa soạn một bữa tiệc đưa đến miếu Thành Hoàng, Phong Ảnh đưa ra bốn trăm lạng chia cho ba người. Dư Hữu Trọng lấy một trăm ba mươi ba lạng về phần mình. Ngày hai mươi hắn rời khỏi nha môn đi Ngũ Hà theo đường qua Nam Kinh. Chúng tôi có những chứng cớ rõ ràng về việc hắn đã nhận số tiền hối lộ. Tại sao lại nói không có người như thế? Đây là một vụ án mạng và luật pháp bị vi phạm. Phiền quí huyện tra xét việc này và giải ngay phạm nhân đến châu chúng tôi để có thể xét xử cho ra manh mối. Việc gấp".

Tri huyện lại bảo sai nhân đến tìm Hữu Trọng. Hữu Trọng nói:

- Việc này rõ ràng lắm rồi. Để tôi viết một cái đơn khác, xin quan xét giúp cho.

Sau đó, Hữu Trọng về nhà viết một cái đơn khác. Người em vợ là Triệu Lâm Thư nói:

- Anh không nên làm thế. Rõ ràng là ông anh của anh can vào việc ấy! Ngày nay công văn về tới tấp. Anh còn chuốc lấy tội vào thân làm gì? Anh nên trình bày sự thực đi, và nói toạc ra rằng người anh của anh hiện nay ở Nam Kinh, để họ viết công văn đến đó bắt. Như thế là anh vô sự "Con nít không khóc thì bao giờ mẹ cho bú". Rước quan tài người ta về khóc lóc để làm gì?

- Việc của anh em tôi, tôi sẽ có cách, cậu không phải lo.

- Nếu không phải tôi thì ai nói thế làm gì! Anh xem, tính khí ông anh của anh thật là ngang ngược, cứ sinh sự với người ta. Ông Phương thứ ba ở hiệu "Nhân xương" và ông Phương thứ sáu ở hiệu "Nhân đại" là hai hương thân khét tiếng ở Ngũ Hà. Họ chơi với quan huyện Vương thân nhau như ruột thịt. Thế mà ông anh của anh lại gây chuyện với họ. Cách đây một hai ngày, con ông Phương thứ hai kết hôn với con gái ông Bành thứ năm. Ông Bành thứ năm lại vừa đỗ tiến sĩ. Tôi nghe nói ông huyện Vương làm mối và đám cưới định vào ngày mồng ba tháng sau. Trong đám cưới thế nào người ta cũng bàn chuyện này. Ông Bành thứ năm không cần nói nhiều về những tật xấu của ông anh anh. Ông chỉ cần nói bóng một câu là quan huyện hiểu. Lúc ấy quan huyện nổi giận cho là anh đã giấu ông ta thế là anh đủ chết. Anh phải nghe tôi mới được.

- Tôi hãy viết tờ trình một lần nữa, nếu quan thúc bách riết lắm, tôi sẽ nói thật cũng chưa muộn.

- Anh có thể nhờ ông Bành thứ năm giúp cho.

- Cái đó hãy khoan!

Triệu Lâm Thư thấy Hữu Trọng không nghe mình, liền bỏ đi. Hữu Trọng viết một tờ trình khác đưa lên huyện. Quan huyện căn cứ theo tờ trình, viết công văn trả lời như sau: "Tờ công văn của quí châu bảo phải bắt phạm nhân Dư Hữu Trọng, cống sinh ở Ngũ Hà, dáng người tấm thước, có râu lún phún, năm mươi tuổi, da mặt trắng, mồng tám tháng tư hắn ở Vô Vi, gặp Phong Ảnh trong miếu Thành Hoàng bàn việc dìm vụ án mạng. Ngày mười một, hắn đến nha môn châu Vô Vi để xin xỏ. Sau khi vụ án đã xét xong, ngày mười sáu Phong Ảnh có làm một bữa tiệc đưa đến miếu Thành Hoàng. Phong Ảnh đưa ra bốn trăm lạng bạc chia đều cho ba người. Hữu Trọng được một trăm ba mươi ba lạng. Ngày hai mươi tám, hắn rời khỏi Vô Vi về Ngũ Hà theo đường qua Nam Kinh. Có những chứng cớ rõ ràng về việc hắn nhận số tiền hối lộ. Sao lại nói là không có con người nào như thế? Đay là vụ án mạng và luật pháp bị vi phạm... Khi chúng tôi nhận được công văn thì lập tức cho người bắt Hữu Trọng. Theo trong lời khai: Hữu Trọng dáng người tầm thước, mặt rỗ, râu lún phún, bốn mươi tư tuổi là một lẫm sinh chưa phải là cống sinh. Ngày mồng tám tháng tư; quan chủ khảo đến Phụng Dương, mồng chín quan hành hương, mồng mười treo bảng, mười một thí sinh tám huyện đều thi. Dư Hữu Trọng cũng đi thi. Ngày mười lăm, công bố kết quả. Hữu Trọng đỗ. Ngày mười sáu Hữu Trọng thi Phúc Thí, đỗ thứ hai trong hàng thứ nhất. Ngày hai mươi tư, Hữu Trọng tiễn quan chấm thi lên đường rồi trở về nhà. Như vậy làm thế nào một người đồng thời thi ở Phụng Dương, đồng thời lấy tiền hối lộ ở Vô Vi? Huyện tôi sau khi hỏi, có đem sổ sách nhà trường ra xem thì quả là y có thi ở Phụng Dương, vì vậy không thể nào đến Vô Vi lấy tiền hối lộ cho nên không thể bắt y được. Chúng tôi nghĩ rằng có tên vô lại nào mạo danh Dư Hữu Trọng báo với ngài như vậy để trốn tránh tội của mình".

Sau khi tờ công văn gửi đi, không thấy hỏi han gì nữa. Hữu Trọng như người cất được gánh nặng, viết thư cho anh về nhà. Hữu Đạt về nhà hỏi tỉ mỉ xem công việc như thế nào, nói:

- Tất cả thật là đều nhờ ở em hết. Và nói:

- Em tiêu ở nha môn mất bao nhiêu tiền?

- Việc đó anh hỏi làm gì? Nay anh có tiền đem về đây, chúng ta lo việc chôn cất cho cha mẹ.

Vài ngày sau, hai người bàn với nhau đến nhà thầy phong thủy là Trương Vân Phong. Vừa lúc ấy có một người bà con mời hai người đến nhà uống rượu. Sau khi đến thăm Trương Vân Phong, hai người đến nhà người bà con. Ở đấy không có người khách nào, ngoài hai người anh họ là Dư Phu và Dư Ân. Thấy Hữu Đạt và Hữu Trọng đến, hai người ra chào. Mọi người ngồi nói chuyện. Dư Phu nói:

- Hôm nay quan huyện Vương uống rượu ở nhà ông Bành thứ hai.

Người chú nói:

- Quan huyện Vương chưa đến đâu, quan vừa sai thầy bói cầm danh thiếp đến đây.

Dư Ân nói:

- Ông Bành thứ tư lần này làm chủ khảo. Hôm trước tôi nghe nói khi ông ta ở triều ra đi, ông có một câu gì sai nên bị nhà vua tát một cái.

Hữu Đạt cười, nói:

- Không biết ông ấy có nói gì sai không? Nhưng nếu ông ta có nói sai thì nhà vua ở xa làm sao mà tát được?

Dư Ân đỏ mặt nói:

- Không phải thế! Nay ông ta làm quan to, làm hàn lâm viện đại học sĩ. ngày nào ông ta cũng ở trong nội các bàn bạc. Nếu ông ta có nói cái gì sai thì chắc là bị nhà vua đánh. Không có lẽ nhà vua lại sợ ông ta?

Người chủ nói:

- Anh Hữu Đạt, trước đây ở Nam Kinh, anh có nghe quan phủ Ứng Thiên đổi về kinh không?

Dư Ân chưa trả lời, thì Dư Phu đã nói:

- Việc này cũng do ông Bành thứ tư đấy. Một hôm nhà vua hỏi ông ta có nên thay người khác làm tri phủ Ứng Thiên không? Ông Bành muốn tiến cử người bạn học của mình là Thang Tấu liền tâu với vua xin đổi. Ông lại muốn tránh tiếng nên viết một bức thư dặn quan Phủ Doãn lên kinh bệ kiến. Vì vậy cho nên quan Phủ Doãn phải lên kinh.

Hữu Trọng nói:

- Viện hàn lâm không lo việc thuyên chuyển quan lại. Chưa chắc việc này đã đúng!

Dư Ân nói:

- Đó là chính miệng quan huyện Vương hôm trước nói ở bữa tiệc trong hiệu Nhân Đại, không đúng sao được?

Đang nói chuyện thì tiệc rượu bưng lên. Có chín đĩa: thịt xào rau, cá chiên, gà nấu miến, trứng, tôm xào hành, một đĩa hạt dưa, một đĩa sâm, một đĩa lựu, một đĩa đậu phụ khô. Lại có một vò rượu nóng đậy kín mít. Họ uống rượu một lát, người chủ vào phòng lấy ra một cái bao bằng vải đỏ, ngoài buộc sợi dây đỏ, có mấy cục đất. Y hỏi Dư Phu và Dư Ân:

- Hôm nay tôi mời hai ông đến muốn nhờ hai ông xem hộ cái đất này ở trên núi có thể dùng được không?

Hữu Trọng hỏi:

- Đất này lấy lúc nào?

- Lấy hôm kia.

Dư Phu muốn mở túi ra xem hòn đất thế nào. Dư Ân tranh lấy và nói:

- Để tôi xem đã.

Y giật lấy móc hòn đất ra đặt trước mặt, hết nghiêng đầu về bên phải, lại ngả đầu về bên trái để nhìn, cuối cùng bẻ hòn đất ra, bỏ vào miệng nhai lấy nhai để. Nhai một hồi, Dư Ân đưa hòn đất cho Dư Phu và nói:

- Anh Bốn, anh xem đất này như thế nào?

Dư Phu cầm hòn đất để dưới đèn hết quay bên nọ lại quay bên kia rồi bỏ một miếng vào miệng nhai chầm chậm, mắt nhắm tít, miệng ngậm lại . Nhai một hồi lâu mới mở mắt ra và hít cục đất một lát rồi nói:

- Đất này không ra gì thực!

Người chủ hoảng hốt:

- Có thể chôn cất được không?

Dư Ân nói:

- Đất này không thể chôn cất được. Nếu chôn vào đấy thì gia đình nghèo đói ngay lập tức.

Dư Hữu Đạt nói:

- Tôi xa nhà đã mười mấy năm, không ngờ ngày nay hai em lại tinh thông phong thủy như vậy.

Dư Phu nói:

- Không giấu gì anh, đất nào hai anh em tôi đã xem thì không có ai trách vào đâu được nữa.

Dư Hữu Đạt hỏi:

- Đất này lấy ở núi nào?

Dư Hữu Trọng chỉ người chủ nhà nói:

- Đây là đất lấy ở mộ chú Tư. Họ đang làm việc dời mả đấy.

Dư Hữu Đạt tính đốt ngón tay nói:

- Chú Tư chết đến nay đã hai mươi năm, cả gia đình đều bình yên, dời đi làm gì?

Dư Ân nói:

- Sao anh lại nói như vậy? Đất này nước ngấm vào, lại bị mối ăn, làm con cháu mà để cha nằm ở nơi nước ngấm vào, bị mối ăn không dời đi sao còn là người được?

Dư Hữu Đạt nói:

- Bây giờ tìm đất mới ở đâu?

Dư Ân nói:

- Đất này không phải tôi tìm, đất chúng tôi tìm là ở đỉnh núi Tam Tiên. Để tôi nói cho anh biết kiểu đất ấy như thế nào?

Bèn cất hai đĩa ở trên bàn đi, chấm ngón tay vào rượu, vẽ một vòng lên bàn và nói:

"Này anh xem, đây là đỉnh Tam Tiêm mạch bắt đầu từ núi Phố Khẩu chạy xuống, cứ một cồn to lại một cồn nhỏ, ngoằn ngoèo quanh lượn đi mãi, dồn đến gò Chu Gia Cương trong huyện, "long thần" uốn khúc đi qua, rồi lại một cồn to, một cồn nhỏ, lô nhô mấy mươi cái cồn đi thẳng xuống, kết thành một cái huyệt tình. Huyệt tình này gọi là "hoa sen mặt nước".

Đang nói chuyện thì người đầy tớ đem vào năm bát miến. Chủ nhà đổ đĩa thịt xào vào bát miến, tưới dấm, rồi mời mấy người ăn, mọi người cầm đũa, bắt đầu ăn. Dư Ân ăn xong lấy ra hai sợ miến đặt nằm ngoằn ngoèo trên bàn giống như con rồng rồi mở tròn đôi mắt mà nói:

- Đất tôi chọn thì phải đỗ trạng nguyên. Nếu đã chôn vào đấy mà đỗ bảng nhãn thì cứ móc mắt tôi đi.

Người chủ hỏi:

- Ông có chắc là chôn ở đây thì phát không?

Dư Phu nói:

- Sao lại không? Phát chứ lỵ! Không phải đợi đến ba bốn năm đâu!

Dư Ân nói:

- Chôn cất xong là phát liền. Ông cứ đem đến đấy thì biết ngay.

Dư Hữu Đạt nói:

- Trước đây, ở Nam Kinh, tôi nghe mấy người bạn nói việc chôn cất chỉ cốt yên lòng cha mẹ, còn việc con cháu phát đạt là việc hoang đường.

Dư Phu nói:

- Không phải thế đâu! Cha mẹ được yên thì con cháu sẽ phát đạt chứ!

Dư Ân nói:

- Đúng thế! Cứ xem mộ của nhà họ Bành thì biết! Móng con rồng vừa nằm ngay vào phía tay trái của ông thân sinh ra ông Bành, vì vậy, nên ông Bành thứ tư bị vua tát đấy. Ông có thể chối không phải là móng con rồng được không? Này anh! Nếu anh không tin, ngày mai tôi sẽ đưa đến mộ xem thì anh thấy ngay.

Uống vài chén rượu nữa, mọi người đứng dậy ra về. Một người đầy tớ mang đèn lồng đưa họ về đường Dư Gia. Mọi người về nhà ngủ.

Hôm sau Hữu Đạt nói với em:

- Theo ý em thì hai người em họ của chúng ta nói như thế nào?

- Nói thì hay lắm nhưng học không đúng thầy. Chúng ta đến mời ông Trương Vân Phong thì hơn.

- Nói như vậy đúng đấy.

Hôm say hai người sửa soạn bữa cơm, mời Trương Vân Phong đến. Trương Vân Phong nói:

- Ngày thường tôi nhờ vả các ông rất nhiều. Bây giờ các ông có việc đại sự tôi xin hết lòng.

Dư Hữu Đạt nói:

- Anh em tôi là học trò nghèo, được ông thương đến, có việc gì thất lễ xin ông bỏ qua cho.

Hữu Trọng nói:

- Chúng tôi chỉ muốn chôn cất cha mẹ cho phải phép, nên đến đây nhờ ông. Chúng tôi không mong phú quí, chỉ mong có chỗ đất khô ráo, ấm áp, không có gió, không có mối như thế là chúng tôi cám ơn ông hết sức.

Trương nhận lời, vài hôm sau Trương tìm được một miếng đất ở bên cạnh mộ tổ. Hữu Đạt và Hữu Trọng cùng Trương Vân Phong đến đây xem. Hữu Đạt đưa ra hai mươi lạng bạc để mua miếng đất, nhờ Trương Vân Phong chọn ngày tốt. Hôm ấy, trước khi chọn được ngày tốt Hữu Đạt ở nhà sảnh, mua hai chai rượu, làm sáu, bảy đĩa nhắm định mời em đến nói chuyện. Vừa lúc ấy vào buổi chiều có tờ danh thiếp đưa đến, viết:

"Chiều nay ở nhà em có bữa cơm rau, mời hai Anh đến chơi, nói chuyện, xin đừng chối từ.

- Ngu Lương".

Hữu Đạt xem danh thiếp, nói với người đầy tớ.

- Tôi biết rồi, về nói với ông chủ rằng chúng tôi sẽ lại.

Người đầy tớ vừa đi khỏi, thì có một người ở Tô Châu mở hàng rượu cho người mời Hữu Đạt và Hữu Trọng đến nhà để tắm. Hữu Đạt nói với Hữu Trọng:

- Thế nào ông Lăng Phong cũng mời chúng ta đến uống rượu. Chúng ta đến đó trước rồi hãy đến nhà ông Ngu.

Hai anh em đến nhà Lăng Phong. Vừa mới bước vào cửa thì đã nghe thấy tiếng ồn ào. Vì gia đình Lăng Phong không ở đấy nên y có thuê hai cô gái chân to làm việc. Đàn ông ở Ngũ Hà đều thường ngủ với hai cô này. Ngay trong những bữa tiệc của những gia đình lớn, mọi người đều đem việc này ra nói, cười lăn cười lóc, cho đó là vui và chẳng lấy thế làm xấu hổ gì cả. Hai cô gái này ở nhà họ Lăng, ngờ vực lẫn nhau. Người này nghi người kia, lấy được nhiều tiền của chủ, nên mắng mỏ nhau và đánh lẫn nhau. Trong lúc mắng nhau, hai người lại bới móc nhau rằng họ ngủ cả với người thư ký trong hiệu, cho nên người thư ký chạy vào cãi nhau với hai người này. Sau khi đã đập vỡ cả chén đĩa, họ đập vỡ luôn cả thùng nước tắm. Hai anh em họ Dư đến đấy đã không được uống rượu, không được tắm lại phải dàn xếp đến nửa ngày mới xong. hai người cáo từ chủ nhà ra về. Chủ nhà bẽ mặt, cứ xin lỗi hoài và mời hôm sau đến. Hai người ra khỏi nhà Lăng đến nhà Ngu, thì thấy tiệc rượu đã tàn, cổng đã đóng. Hữu Đạt cười, nói với em:

- Thôi chúng ta về nhà ăn tiệc của chúng ta đi.

Dư Hữu Trọng cười, cùng anh về nhà bảo lấy rượu ra uống không ngờ hai chai rượu và sáu bảy đĩa nhắm đã được hai bà vợ dùng hết, giờ chỉ còn trơ lại có chai không, và mấy đĩa không. Dư Hữu Đạt nói:

- Hôm nay chúng ta có ba bữa rượu, rốt cục chả còn bữa nào. Mới biết đến cả việc ăn uống cũng là do trời định trước!

Hai người cười vang, lấy cơm rau ra ăn. Ăn xong, uống vài chén trà, hai người lại trở về phòng ngủ.

Đến canh tư, ở ngoài cửa có tiếng ồn ào. Hai người kinh ngạc nhìn ra thì thấy cửa sổ đỏ rực, mới biết nhà trước mặt bị cháy, hai người vội vàng mang quần áo chạy ra, gọi người láng giềng mang giúp quan tài của cha mẹ ra ngoài đường. Hai cái nhà bị cháy mãi đến sáng mới dập tắt được ngọn lửa. Quan tài vẫn để ngoài đường. Theo như tục lệ Ngũ Hà, nếu quan tài đưa vào nhà thì nhà sẽ nghèo túng. Vì vậy bạn hữu giục Hữu Đạt và Hữu Trọng mang đi và chọn ngày để chôn cất. Hữu Đạt nói với em:

- Theo ý anh thì ta cứ khiêng quan tài vào nhà rồi chọn ngày chôn cất sau.

- Anh nói thế là phải, nếu có nghèo thì cũng chỉ trong hai anh em ta thôi.

Mọi người đều khuyên bảo nhưng họ không nghe, gọi người khiêng quan tài vào nhà, đợi Trương Vân Phong chọn ngày tốt đem chôn theo đúng nghi lễ. Hôm ấy cũng có nhiều người ở Ngũ Hà đi đưa. Gia đình họ Đỗ ở Thiên Trường cũng có mấy người đi. Từ đấy đâu đâu cũng nghe nói đến câu chuyện ấy. Họ cho là anh em họ Dư càng ngày càng ngu ngốc toàn gây những việc rắc rối.

Chỉ nhân phen này khiến cho:

Trong nơi thói xấu phong trần, cũng còn người giỏi;

Ngoài việc tính cơm lường củi, lại có kinh luân.

Muốn biết việc sau như thế nào hãy xem hồi sau phân giải.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio