Những Bông Hồng Trong Thung

chương 8

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Những cây hoa anh đào đã bắt đầu nở hoa. Những bông hoa màu hồng tím nhạt báo hiệu cuối đông. Nguyên khoe:

- Trong trường đại học có con đường tên là đường hoa anh đào, mùa này anh đào nở nhiều hoa lắm, anh Quân đi xem không?

- Ừ, anh có nghe trường có con đường sầu đông, đường hàng tùng, đường thông reo. Năm nay hoa anh đào nở rộ đẹp ghê! Thường thì anh thấy vài năm mới có một lần hoa anh đào nở rộ.

Nguyên đi một mình vì tôi không theo em vào trường. Những cây hoa anh đào mọc phía trên triền thung lũng thông đầy cỏ trong trường mùa này phủ đầy màu hoa. Nhìn lên cao, những tán hoa anh đào lẫn trong màu thông xanh đẹp đến nao lòng. Thung lũng dẫn xuống cái hồ nhỏ xíu phía dưới, ở đó có con cá màu đỏ nhỏ tí tôi từng nhìn thấy bơi tung tăng dưới đám hoa súng cũng nhỏ như những ngón tay. Cách đây năm năm, mùa đông, tôi xuống thung lũng ấy. Cỏ xanh, lá thông xanh và màu hoa đào làm tôi muốn bật khóc với số phận của mình. Năm ấy hoa đào cũng nở hồng phố núi.

Khi tôi ra bờ hồ với con Phi, cây phượng tím đã có một chùm hoa lẫn trong đám lá xanh. Khi cây phượng tím già nhất Đà Lạt nằm ở con đường dẫn vào chợ nở bùng lên những bông hoa tím nhạt và chẳng còn thấy lá đâu, đó là vào mùa xuân.

Buổi sáng nào tan lớp tập về Nguyên cũng đi cùng tôi đoạn đường chung ngắn ngủi, trò chuyện với tôi về những câu chuyện con con hoặc về những công việc trong cơ quan. Nguyên không thích sự cứng ngắc trong cơ quan.

- Em thích ở Đà Lạt anh Quân ạ, nhưng mà ở trên đây khó có một công việc thú vị. Thành phố hoa sống cứ như trong cõi mơ, thụ động ghê!

- Cũng còn hơn bọn anh mà.

- Nếu được chọn thì em thích giống như bọn anh hơn.

- Không có đâu, Nguyên nói vậy thôi.

- Thật mà, sống như thế tự do, thoải mái hơn.

Tôi nhớ lúc Nguyên đàn. Em vốn mang trong mình tính cách của nghệ sĩ, còn bọn tôi làm nghề này vì mưu sinh, tâm hồn không thể bay lên được như Nguyên tưởng. Tôi rất muốn nói với Nguyên rằng em hãy cố lên, rồi sẽ tìm được một công việc như ý thích thôi. Anh tin là em sẽ làm được mà. Rồi lại nghĩ Nguyên mạnh mẽ hơn mọi người con gái khác, đâu phải là cô gái mè nheo yếu đuối thích nghe những lời động viên của tôi.

Mùa giáng sinh qua không lạnh nhiều, đợt lạnh đổ vào đầu xuân. Buổi sáng tan lớp, Nguyên mở ba lô lấy một cái khăn quàng cổ bằng len màu xanh thẫm đưa cho tôi:

- Anh xem có đẹp không?

Cái khăn hơi lạ vì tôi thường nhìn thấy những cái khăn len đan. Nguyên nói:

- Em không biết đan len, cái khăn này em móc đó.

Nhìn nụ cười hồn nhiên của Nguyên, tôi vui vui vì không ngờ em cũng khá khéo tay.

- Sao em không chọn màu nào sáng hơn một chút?

- Tại vì em làm cho anh mà.

Tôi bất ngờ nhìn Nguyên. Em cười, đôi mắt như hát. Tôi vui vui và lúng túng hẳn. Em lúc nào cũng là một cô gái tốt bụng và hay quan tâm đến người khác. Nguyên lấy cái khăn từ tay tôi cuộn lại:

- Mới tập xong nóng lắm, em không có bắt anh mang lên cổ đâu mà lúng túng dữ vậy. Để em cuộn lại cho. Anh đem về, cái này chỉ dành lúc ra hồ thôi. Buổi tối ngoài ấy em thấy lạnh lắm đó, toàn gió không à.

- Ừ. Cảm ơn Nguyên nha!

- Lẽ ra em phải đưa anh lúc đầu đông nhưng tại em cũng chỉ mới móc xong, với lại hồi ấy anh em mình chưa thân như bây giờ, sợ tặng anh anh không thèm nhận. Bây giờ Nguyên tặng anh rồi, anh mang nó hay không tùy ý anh, em không có bắt đâu à nghe.

Nguyên nói chơi sao Nguyên, tôi mừng muốn chết đây nè. Mẹ tôi vẫn bắt tôi mặc vài ba lớp áo, cuốn cái khăn len mẹ đan màu nâu quanh cổ, nhưng có thêm cái của em tôi sẽ ấm áp lắm, dù tôi biết em chỉ xem tôi như một người anh trai. Tệ hại hơn là một người anh chẳng bảo vệ được cô em gái vì cô ấy còn mạnh mẽ hơn cả tôi.

- Anh lên Langbian với em không? Em định hôm nay leo lên núi xem thử, em chưa lên bao giờ.

- Em đi với ai nữa?

- Em đi một mình, nếu anh rảnh thì đi chung với em cho vui. Em nghe nói đường đi cũng không khó lắm vì có sẵn đường rồi phải không anh?

Thời học sinh tôi đã đến LangBian hai ba lần. Đường lên đỉnh núi Bà có sẵn một con đường trải nhựa lên gần đến đỉnh. Nếu muốn leo lên đỉnh phải cần dùng dây leo lên những đường mòn nhỏ và dốc dựng đứng. Nếu theo con đường nhựa sẽ rẽ trái và lên đỉnh thấp hơn. Dãy Langbian nhìn từ xa như ngực người đàn bà nằm ngửa. Truyền thuyết đó là nàng Bian nằm chết bên người yêu. Chàng Lang bị hại để không có thể lấy được người con gái khác tộc chàng yêu. Ở cách dãy Langbian mấy chục km, đàn voi kéo nhau đi dự đám cưới hai người, nghe tin cả hai đã chết liền rống lên và gục xuống hóa thành dãy núi voi.

Tôi rất muốn đi với Nguyên nhưng em hỏi đột ngột quá, tôi chưa kịp thu xếp. Nguyên lúc nào cũng nhanh nhẹn, không thích lừng khừng. Đi hay không đi, vậy thôi!

- Hôm nay anh không đi được rồi, hôm khác được không em?

- Hôm khác là khi nào hả anh?

Nguyên nhìn xoáy vào mắt tôi. Tôi không kịp nghĩ ra ngày nào, em đã cười:

- Thôi, em xin lỗi nhe, anh còn phải có công việc hàng ngày nữa, em quên mất. Một dịp nào đó anh em mình sẽ cùng lên Langbian cho biết.

Nói vậy, tưởng vậy mà không phải vậy. Sáng hôm sau không thấy Nguyên đến lớp, tôi nóng ruột ngóng lên ngóng xuống. Sư phụ hỏi:

- Sao Nguyên hôm nay không đến lớp?

Tôi nói Nguyên không nói gì trước nên tôi không biết. Sư phụ vẻ mặt không vui.

- Nguyên bị sao mà không đến lớp tập vậy anh?

Vũ hỏi. Tôi cười mà như khóc:

- Anh cũng không biết nữa. Chắc là Nguyên ngủ quên?

- Có bao giờ em thấy Nguyên bỏ buổi tập nào đâu. Hay là Nguyên bệnh?

Tôi lắc đầu không biết. Ngay sau khi đưa mẹ đến cổng trường với những xô đựng hoa hồng, tôi hướng con Phi về phía nhà chú Nguyên. Đó là một ngôi nhà nhỏ kiểu xưa của Đà Lạt, đám dây leo nở đầy trên vách, trên nóc nhà, đỏ hồng màu hoa giấy lẫn trong màu cam xác pháo phủ trên nóc nhà.

Một đứa bé chắc là em họ Nguyên đang chuẩn bị đi học chạy vào trong gọi Nguyên giùm tôi. Nguyên ra, ngơ ngác:

- Có chuyện gì mà sư huynh tới tận nhà kiếm em vậy?

- Sáng nay Nguyên không đến lớp, mọi người nghĩ là em bệnh. Em bị đau hả?

- Đâu có! - Nguyên cười khì - Em bình thường à. Mọi người quan tâm đến em quá, làm em xúc động thật sự đấy.

- Vậy sao sáng nay em nghỉ tập?

- Tại hôm qua em đi lên Langbian, mãi đến tối muộn em mới về đến nhà. Chân em mỏi nhừ không tập nổi nữa, với lại sáng nay em cũng ngủ quên.

Trời ạ, vậy là Nguyên vẫn lên Langbian. Người này làm gì cũng theo hứng.

- Em lên Langbian với ai?

- Em đi một mình à. Em lên được đến đỉnh bên trái. Thôi để bữa nào em kể cho huynh nghe, bây giờ huynh đi làm đi, em cũng chuẩn bị đi làm.

Khi tôi chuẩn bị đi, Nguyên phấn khởi nói với theo:

- Em sẽ kể cho anh nghe mùa xuân trên đỉnh Langbian đẹp như thế nào.

Con Phi đủng đỉnh chạy như muốn bảo tôi rằng: Nguyên là vậy đó, cô ấy không yếu mềm như những phụ nữ khác đâu nghe.

Tôi không biết mùa xuân trên núi đẹp như thế nào, nhưng những đám hồng trong thung của tôi đã bắt đầu trổ nụ. Những nhánh hồng mập mạp mạnh khỏe với những nụ hoa nho nhỏ vươn mình kiêu hãnh. Mẹ tôi nhìn xuống thung lũng hoa hồng, ánh mắt nửa vui nửa buồn. Ba tôi đã không kịp trồng cho bà một vườn hoa. Có bao nhiêu điều mình muốn làm cho người thân yêu mà không được?

Mùa xuân trên đỉnh Langbian của Nguyên không đẹp như tôi tưởng. Em mặc áo phong phanh leo lên núi một mình. Lối mòn nhỏ heo hút đi vòng trên núi, dẫn ngang qua một khe nước trong vắt. Nắng óng ánh như pha lê. Hơi lạnh thấm vào da thịt. Em tìm những lá thông khô gom lại, đốt một ngọn lửa nhỏ. Khói trắng bay lên lẫn vào sương mù. Lời cầu mong bay theo gió hút về rừng già. Nỗi đau tưởng như sẽ phôi pha một lần nữa lại gặm nhấm như hơi lạnh làm tê buốt trái tim. Tôi không biết gì về nỗi buồn của em. Nguyên không kể về điều ấy. Tôi chỉ biết em đã thả kỷ vật và nỗi đau của mình xuống lòng hồ Tuyền Lâm khi mới lên lại Đà Lạt, nhưng tất cả lại trào dâng khi em lên đỉnh núi vào mùa xuân. Dường như em chỉ muốn ôm nỗi đau cho riêng mình. Ai cũng có một nỗi đau riêng. Và tôi có tới hai nỗi buồn không thể chia sẻ cùng em.

Nguyên bảo, những nỗi buồn rồi sẽ qua đi. Tôi hình dung em đang dang tay mặc cho vòng xoáy cuộc đời cuốn em trôi, vẫn mở to đôi mắt rất buồn, không khóc, không cười, nét mặt rất bình thản. Tôi hình dung em nằm im nhắm mắt bên một gốc cây to, trên một lớp lá vàng êm mềm, mặc cho những cánh lá rơi trên người.

Tôi hình dung Nguyên như là sương bay ngang qua đám rừng thông, như là cỏ dại ướt mềm trong sương sớm. Đôi khi, tôi thấy em hóa thành đóa hồng trong thung, và hốt nhiên thấy em xa tít tắp. Tôi vội chạy xuống thung. Những nụ hoa đã cựa quậy muốn hé nở. Rồi Nguyên sẽ hiểu tôi khi em đến thung lũng, rằng tôi yêu em như thế nào.

Một lần, em đi cùng hai đứa trẻ con chừng hơn mười tuổi ra chỗ anh em tôi. Nhìn thoáng qua tôi cũng nhận ra chúng là những trẻ bụi đời lang thang ngoài chợ Âm Phủ. Bọn trẻ thường mặc tất cả áo ấm chúng có lên người, nhận bưng bê cho mấy bàn ăn trong chợ Âm Phủ và kiếm thức ăn thừa. Ban đêm, bọn chúng khoanh tròn ngủ trong những hốc trống dưới sạp hàng. Đà Lạt là xứ lạnh nên nhìn những đứa bé bụi đời không đến nỗi nhem nhuốc bẩn thỉu. Hai đứa bé đứng sau Nguyên nhìn chúng tôi với con mắt xa lạ, ngờ vực. Nguyên nói:

- Hai bé này muốn xem thử những chiếc xe thổ mộ thật gần, em dẫn đến xin các anh cho xem một chút có được không ạ?

Tất nhiên là không ai từ chối. Tôi hơi lạ lạ vì tại sao chúng lại đến đây chỉ để xem những chiếc xe thổ mộ? Nguyên đến gần tôi nói nhỏ:

- Anh Quân à, em vừa nói chuyện với tụi nhóc, em đang muốn thuyết phục chúng quay về nhà hoặc vào trung tâm bảo trợ xã hội để người ta chăm sóc chúng. Anh giúp em được không?

Tôi gật đầu rất nhanh:

- Được mà, nhưng anh phải làm gì?

- Anh cho bọn trẻ leo lên xe được không? Cho chúng cầm dây cương thử, chỉ thử thôi, không có chạy đâu.

Tôi đồng ý mà không khỏi thắc mắc làm sao mà thuyết phục được tụi nhóc cứng đầu này. Nguyên nói chuyện với hai đứa bé với những lời nhẹ nhàng và chúng nhe răng cười phấn khởi nhảy ngay lên xe. Tôi đoán chúng sẽ nghịch như quỷ sứ và con Phi sẽ rất khó chịu. Nhưng chúng chỉ loay hoay và hét với nhau nho nhỏ, tôi nghe loáng thoáng là không được làm cô Nguyên buồn, cô Nguyên giữ lời thì tụi mình cũng phải giữ lời. Tôi tò mò:

- Em quen với tụi nhóc lâu chưa?

- Em mới quen lúc đi ngang chợ Âm Phủ.

- Làm sao em quen được hay vậy?

- Đâu có gì đâu anh, tụi nó đang chạy rượt giỡn nhau, em bắt chuyện, lúc đầu hơi khó một chút nhưng sau thì không có gì hết.

Một thằng nhóc nhảy xuống ôm cổ con Phi vuốt vuốt bờm của nó. Con Phi hiền lành ngúc ngoắc đầu với đứa trẻ lạ. Nguyên cười rất hồn nhiên:

- Anh thấy tụi nó dễ thương không? Em đang kêu tụi nó về trung tâm đó.

- Em cũng tham gia hoạt động trong trung tâm à?

- Không, em chỉ biết ở đó người ta nhận nuôi mấy đứa trẻ bụi đời, cho chúng nó ăn học. Em có đến chơi một lần, thấy như thế thì quá tốt cho bọn trẻ rồi. Bữa nay tình cờ gặp hai đứa nhỏ, em thử thuyết phục vậy thôi.

- Chúng có vẻ quý em đấy.

Nguyên cười, đôi mắt đầy tình cảm:

- Em hy vọng tụi nó sẽ nghe em để về trung tâm.

Chơi một lúc, ba cô cháu kéo nhau đi chơi tiếp. Tôi lo lắng không biết Nguyên sẽ như thế nào. Lúc nào em cũng sống hết mình với mọi người. Nguyên lại nhạy cảm, vui hay buồn rất mong manh.

Ngày hôm sau gặp tôi, khuôn mặt Nguyên thiếu hoạt bát vì thiếu ngủ. Nguyên cười khoe đến gần nửa đêm thì bọn nhỏ đã nghe Nguyên về trung tâm.

- Em tém mùng cho chúng trước khi về. Bọn chúng cứ dặn em rảnh nhớ ghé thăm. Bọn nhỏ tình cảm ghê anh à!

Tôi xót xa nghĩ đến đêm qua Nguyên đội sương đêm đi về một mình từ trung tâm bảo trợ xa lắc. Nếu đêm qua bọn trẻ thân thiện hơn với tôi, tôi đã đi cùng với Nguyên và bọn chúng. Nhưng đúng là chỉ có Nguyên mới có thể làm cho người ta cảm giác yên tâm, gần gũi như đã thân quen và tin nhau từ lâu lắm. Bọn trẻ lảng ra khi tôi có ý muốn đến gần hỏi chuyện. Có lẽ tôi không chân thành bằng Nguyên, mà điều đó không sai. Tôi làm sao đáng yêu như Nguyên được?

Từ đó thỉnh thoảng Nguyên lại lên thăm những đứa trẻ. Em kể lại cho tôi nghe về bọn chúng, nét mặt em thánh thiện như thiên thần khi kể về những hạnh phúc mới của hai đứa nhỏ. Chúng vui một, tôi biết Nguyên vui gấp nhiều lần. Đó là những hạnh phúc thật sự chứ không phải người ta cứ hy sinh cho nhau hoài, cố tạo ra sự bình yên mà thật ra trong lòng dằn vặt khôn nguôi. Sự dằn vặt ấy luôn có trong tôi, và tôi cũng nhìn thấy nó qua đôi mắt buồn của mẹ tôi. Song chúng tôi đã không đối diện với nó. Cả hai mẹ con tôi có một sự bình yên và niềm vui không có thật.

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio