Những Tháng Năm Hổ Phách

quyển 2 chương 38

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Giữa tháng Tám, mẹ gọi điện báo cho Tần Chiêu Chiêu tin nhà cũ sắp bị dỡ bỏ, cô liền xin nghỉ phép để về nhà. “Nhà có chuyện vô cùng quan trọng, nhất định phải về một chuyến.”

Từ lúc đăng ký mua nhà đến khi nhà mới sửa sang, trang hoàng xong xuôi, cô vẫn chưa về, chỉ gửi ba vạn đồng, mọi chuyện đều để ba mẹ lo liệu. Tòa nhà do Trường Cơ huy động vốn xây dựng đã xong từ cuối năm ngoái, cô về nhà ăn Tết cũng chỉ qua thăm một lần.

Căn nhà gia đình cô mua là căn nhà cỡ nhỏ, tổng diện tích chưa tới chin mươi mét vuông, diện tích sử dụng chỉ hơn bảy mươi mét vuông, ba phòng hai sảnh bố trí vô cùng khéo léo. Đối với vợ chồng Tần thị sống trong căn nhà cấp bốn lụp xụp mấy chục năm thì như thế là mãn nguyện lắm rồi. Có điều, nhà xây xong phát sinh chi phí cao hơn dự tính, trước kia nhân viên Trường Cơ tính toán mỗi mét vuông chỉ khoảng bốn, năm trăm đồng, nhà làm xong liền vọt tới gần bảy trăm đồng một mét vuông. Trong khoản này rõ ràng có trò mờ ám nhưng biết làm sao đây? Mọi người hùng hổ chửi mắng một phen, cuối cùng vẫn giao tiền nhận nhà.

Giá cả thêm các thứ trang bị điện nước hết gần bảy vạn đồng, họ mua lầu sáu, trên cùng, giá rẻ nhất.

Tiền mua nhà đã vượt quá khả năng, tiền trang trí nhà cửa lại càng eo hẹp. Tần Chiêu Chiêu dặn ba mẹ không cần phải trang hoàng quá tốt, nhẹ nhàng giản dị là được rồi. Ba cô nói: “Ít nhất cũng phải mất mấy vạn đồng nữa, chỉ có mua xi măng, cát, dây điện, ống nước, gạch lát nền, sơn… cũng mất không ít tiền. Hơn nữa còn phải thuê thợ, lát nền nhà xong xuôi cũng tốn cả vạn đồng. Hơn nữa, mua một bộ tủ bếp đầy đủ cũng hơn một ngàn, ba cái tủ áo trong ba phòng ngủ chắc cũng mất mấy ngàn, đồ gia dụng bàn ghế ít cũng bảy, tám ngàn đồng, đồ điện cũng bảy, tám ngàn nữa. Tính ra cũng mất ba, bốn vạn!”

Mẹ cô lại bổ sung: “Còn phải mua sắm đèn đuốc, rèm cửa, chăn màn giường chiếu, nồi niêu bát đĩa, đồ trang trí nữa. Sống nửa đời người giờ mới mua được ngôi nhà mới, mẹ muốn dùng đồ mới hết. Đồ đạc cũ cứ để bên nhà cũ, dù sao ba mẹ cũng vẫn ở bên đó.”

Vợ chồng Tần thị không hề có ý định dọn sang nhà mới. Ở nhà trệt quen rồi, còn có bà con hàng xóm chuyện trò rôm rả, giờ chuyển sang nhà cổng riêng thấy cô đơn quạnh quẻ. Vì thế, hai người quyết định làm xong nhà mới cùng lắm thì ban đêm sang ngủ, còn cơm ăn ba bữa vẫn ở bên nhà cũ.

Lúc trang trí nhà mới, Tần Chiêu Chiêu ở Thâm Quyến xa xôi không đỡ đần gì được, chỉ có thể nghe ba mẹ gọi điện kể lại tiến triển.

“Hôm nay nhà lắp xong hết đèn đóm rồi, ba con nhờ người tới lắp. Có điều ông ấy lại sợ thợ lắp đèn trong phòng ăn chưa chắc chắn, thế là thợ đi rồi lại lọ mọ trèo lên lắp lại.”

“Chiêu Chiêu, hôm nay mẹ lên phố đặt làm rèm cửa rồi. Tất cả rèm phòng khách, phòng ngủ đều cùng màu, cùng hoa văn, phong cách trong rất Tây. Vốn giá hai mươi đồng một mét, mẹ kì kèo mãi, cuối cùng cũng giảm xuống được mười tám đồng một mét!”

Ba mẹ giống như đôi chim én già, không ngại khổ cực mà góp nhặt từng cọng cỏ về xây tổ, cố gắng hết sức tận dụng số tiền có hạn để trang trí nhà chỉn chu nhất. Trong điện thoại, ba mẹ nói nhà mình giờ càng lúc càng đủ da đủ thịt, nhưng trong ấn tượng của Tần Chiêu Chiêu, ngôi nhà kia vẫn chỉ là một căn nhà mới xây xong, bốn vách trống trơn mà cô thấy lúc về quê ăn Tết. Nhắc tới nhà, cô vẫn nghĩ ngay tới ngôi nhà ngày trước. Ngôi nhà cũ kĩ, bị năm tháng nặng nề tàn phá tới khó tả.

Đến lúc nhà cũ sắp phải dỡ bỏ, cô không nghĩ ngợi ngay lập tức xin phép về nhà. Cô phải về, về để nhìn ngắm ngôi nhà cũ nát mà mình đã sống mấy chục năm lần cuối. Lần này không đi, sau này cô vĩnh viễn không có cơ hội thấy lại nó nữa.

Lúc Tần Chiêu Chiêu về đến nơi, khu nhà cũ ở Trường Cơ đã thành một cảnh tượng tan hoang. Chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn dỡ nhà, mọi người đang tất tả thu dọn đồ đạc chuyển đi. Rất nhiều đồng nát ve chai nghe tin liền chạy tới, thu mua ngay tại chỗ, việc mua bán vô cùng náo nhiệt.

Suốt ba ngày, Tần Chiêu Chiêu giúp ba mẹ dọn dẹp đồ đạc. Đồ nào nên giữ lại, đồ nào nên bỏ thực ra rất dễ xác định. Có ích giữ lại, vô dụng loại ra; tuy vậy, vẫn có nhưng món đồ chơi tuy đã cũ kĩ, nhiều năm không động tới, chẳng còn tác dụng gì nhưng người ta vẫn không nỡ vứt.

Ví như mở một đống đồ lặt vặt bỗng thấy con lật đật đỏ sọc trắng Tần Chiêu Chiêu vẫn hay chơi ngày trước, giờ đã cũ bẩn lắm rồi. Còn nhớ đây là món đồ chơi đầu tiên cô có, ngày ấy cô thích nó lắm, đi ngủ vẫn ôm khư khư trong lòng. Sau này lớn lên rồi không còn thích nó nữa, lúc nóng lòng đi chơi cùng chị Tiểu Đan không biết đã tiện tay bỏ nó ở đâu. Thật không ngờ, hai mươi mấy năm sau nó lại xuất hiện giữa đống đồ lặt vặt. Cầm con lật đật ngày bé vẫn ôm ấp trong lòng, Tần Chiêu Chiêu không nén nổi nước mắt, cô lấy nước rửa sạch sẽ con lật đật, lưu giữ một phần ký ức đẹp đẽ thuở ấu thơ.

Trên nóc tủ trong phòng ba mẹ có một chiếc rương gỗ kiểu cũ, trong rương sếp vài bộ quần áo cũ không mặc được nữa. Mẹ cô luyến tiếc không nỡ bỏ đi. “Đây là cái hòm ba con tự làm hồi ba mẹ mới lấy nhau. Đây là cái áo đỏ mẹ mặc ngày lấy chồng, bộ quần áo sơ sinh này là đồ bà con làm cho con, đôi giày nhỏ này cũng thế. Đây là cái áo bông hồi còn sống bà ngoại con vẫn mặc, bà mất rồi nhưng mẹ vẫn giữ lại làm kỷ niệm…”

Khỏi cần nói cũng biết chiếc hòm cũ kĩ và những thứ cất giữ bên trong không thể bỏ đi được. Nếu xét trên phương diện giá trị thì những món này không đáng mấy đồng, nhưng chúng mang trên mình những kỷ niệm, tình cảm gia đình nồng ấm.

Dọn hết đồ đạc trong phòng, Tần Chiêu Chiêu lật ra rất nhiều đồ cũ thời đi học: thư từ, sổ chép bài hát, bưu thiếp, thiệp mừng năm mới…

Sổ tay bài hát vốn là cuốn sổ ghi chép thời tiểu học của cô, mở ra nhìn thấy rất nhiều ảnh của nhóm Tiểu Hổ nổi tiếng nhất ngày ấy, hơn nữa cô còn dùng bút dạ tô vẽ rất nhiều tranh. Những bức tranh cũ kĩ cùng nét chữ thật ngây thơ. Bỗng chốc, một cảm giác có phần ngây ngô trẻ con phả tới, khiến lòng cô vừa ấm áp lại vừa ảo não.

Đa số bưu thiếp là do các bạn tiểu học tặng, những nét chữ ngây ngô đã phai nhạt theo năm tháng, tới giờ mờ mịt không nhìn rõ nữa. Ngẫu nhiên còn thấy một, hai cái tên vẫn in rõ nét trên thiệp, nhưng bất kể lục tìm thế nào trong trí nhớ vẫn không thể nhớ ra gương mặt chủ nhận của chúng. Bao nhiêu năm trôi qua, cô thật sự không còn nhớ nổi hình dáng họ nữa.

Thiệp năm mới còn giữ lại đa số đều do bạn thời trung học tặng. Cô cẩn thận mở xem từng tấm thiệp, nhắc tên còn có chút ấn tượng, nhưng rất nhiều người không thể nhỡ rõ được nữa rồi. Riêng một tấm thiệt chưa kịp mở đã thấy một mảnh giấy nhỏ rớt ra, cô đưa tay nhặt lên xem. Mảnh giấy không có tên người gửi, chỉ có một câu không đầu không cuối:

“Vậy tôi về đây, cậu cẩn thận dưỡng thương. Mong cậu sớm hồi phục.”

Cô giật mình, tiếp tục quay lại xem tấm thiệp mừng. Đó là một tấm thiệp vô cùng tinh xảo, hình in nổi D, tiếng nhạc du dương, được ướp nước hoa. Trên thiệp ký tên người tặng: Lâm Sâm.

Đây là tấm thiệp Lâm Sâm tặng cô, cô nhớ ra tờ giấy kia cũng do cậu viết. Năm cấp ba có lần cô vô tình bị bỏng, phải xin nghỉ ở nhà, cậu lo lắng nên lén tìm tới cửa sổ nhà cô. Cô nhận ra liền viết một mảnh giấy nhỏ dặn cậu mau đi, tránh bị mọi người hiểu nhầm là trộm, cậu gửi lại cho cô tờ giấy này. Cô đã kẹp tờ giấy này trong thiệp từ lúc nào? Bản thân cô cũng không nhớ rõ nữa.

Trong tủ còn có chiếc ba lô cún con mà Lâm Sâm tặng ngày trước. Tuy lâu rồi cô không dùng nó nữa nhưng vẫn giặt sạch sẽ và cất trong tủ quần áo. Kéo khóa ra vẫn thấy chiếc đài chạy băng cậu mua đền năm xưa nằm im lìm trong ba lô. Năm thứ ba đại học, cô vô tình làm hỏng chiếc đài chạy băng này, không sửa lại được nữa. Đến kỳ nghỉ, cô lặn lội ngàn dăm xa xôi mang nó về nhà, cất trong chiếc ba lô cún con.

Còn có một món đồ gắn với Kiều Mục. Ngày ấy, sau khi Kiều Mục chuyển tới Thượng Hải, cô từng lén giữ lại cây bút cậu để quên trong ngăn bàn. Đến giờ cây bút bi đã cạn khô mực, không viết được nữa.

Tất cả đều là những vật cũ chẳng còn tác dụng gì nữa nhưng thật sự cô không nỡ ném bỏ! Năm tháng càng trôi xa, hoài niệm càng sâu đậm. Những đồ vật bé nhỏ tưởng chừng vô giá trị này lại chứa đựng biết bao tình cảm và tháng ngày xưa cũ, vì vậy Tần Chiêu Chiêu mới yêu quý, trân trọng giữ chúng lại.

Trừ đêm người ta dỡ bỏ, Tần Chiêu Chiêu vẫn ở lại ngôi nhà cũ. Đêm đó, cô trằn trọc không sao ngủ được, nghĩ đến việc đây là lần cuối được ở trong căn nhà mình đã sống suốt hơn hai mươi mấy năm, lòng cô ngổn ngang trăm mối cảm xúc.

Nửa đêm, cô thức dậy bật đèn. Vẫn là chiếc đèn bàn năm đó, giờ đèn đã cũ lắm rồi, nút chỉnh sáng tối đã hỏng từ lâu, muốn bật tắt phải cắm hay rút phích điện; chỉ có ánh sáng đèn thì vẫn như ngày nào – vẫn một quầng sáng vàng cam ấm áp hắt trên người cô.

Ngơ ngẩn một lát, cô nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng khách, mơ màng dựa cửa sổ nhìn ra ngoài. Giữa bóng đêm thăm thẳm vẫn lờ mờ thấy được khu “Trung Nam Hải” cách đó không xa, nơi đó từng là nhà của Kiều Mục. Thuở còn thiếu nữ, cô đã bao nhiêu lần tựa cửa nhìn về phía đó? Bao nhiêu lần lắng tai nghe tiếng nhạc du dương từ bên kia vọng tới? Chính cô cũng không nhớ nổi nữa.

Đứng lặng bên cửa sổ phòng khách thật lâu, trở lại phòng mình, ánh mắt cô ngưng lại nơi phiến cửa sổ gần bàn học. Đêm vẫn còn sâu lắm, ngoài kia vạn vật im lìm, chỉ thi thoảng một làn gió nhẹ vi vu xao động lá cành. Vài câu chuyện cũ theo gió len lỏi vào đáy lòng cô, không kìm nén được tình cảm, cô đưa tay ra, mười ngón tay mơn man trên tấm kính cửa sổ, đầu ngón tay khẽ gõ, âm thanh đều đều như tiếng vó ngựa vang lên, nhẹ nhàng mà vang vọng giữa đêm khuya tĩnh mịch.

Nước mắt mặn chát lặng lẽ lăn dài trên má Tần Chiêu Chiêu.

Hai ngày nữa là hết kỳ nghỉ, Tần Chiêu Chiêu dành chút thời gian tới thăm trường trung học thực nghiệm. Từ ngày tốt nghiệp, đây là lần đầu tiên cô quay lại trường cũ. Giờ đây, khi nhà cũ sắp bị dỡ bỏ, sắp xếp lại đồ đạc, thấy lại rất nhiều đồ đạch từ thuở học trò, cô đột nhiên muốn quay lại, ngắm nhìn một chút ngôi trường đã từng gắn bó với mình suốt thời niên thiếu.

Trường không thay đổi nhiều, ngoài mấy dãy nhà mới xây, mọi thứ vẫn như xưa. Trở lại chốn cũ, phong cảnh vẫn như năm ấy. Mặt trời rực rỡ, mây trôi lững lờ, cây cỏ sum sê, những phòng học thấp thoáng sau những bóng cây, con đường nhỏ dưới tán lá xanh rì… tất cả vẫn như xưa. Vậy mà ngày ấy và bây giờ đã cách biệt gần mười năm. Vườn trường vẫn là vườn trường năm ấy, mà đám học sinh tung tăng giữa sân trường năm ấy giờ đã mỗi người một phương. So sánh cũ mới, một chút cảm giác cảnh còn người đâu thấy lại trào lên trong lòng.

Phòng học lớp . năm đó nằm trong dãy nhà phía đông của trường, cô tìm theo thói quen, đáng tiếc phòng học đã khóa kín, không thể vào bên trong, đành ngắm nhìn qua một lớp kính cửa sổ. Từng dãy bàn kê ngay ngắn trong phòng, bộ bàn nào mới là chốn mình đã ngồi năm ấy?

Không vào được phòng học, cô đành đứng ở ban công ngắm nhìn một lúc. Ngày đó cô thầm thích Kiều Mục, thường xuyên đứng trên ban công giả vờ ngắm cảnh nhưng thực chất là âm thầm tìm bóng dáng cậu trên con đường trước dãy nhà. Mỗi lần thấy bóng cậu xuất hiện là tim cô lại rạo rực không yên. Đến nay, một lần nữa đứng ở chốn này, nhìn xuống con đường vắng lặng bên dưới, trong lòng lại thấy ngẩn ngơ.

Rời phòng học, cô vô tình đi qua sân thể dục. Ba năm trung học, trừ những ngày mưa, hôm nào học sinh cũng phải tập trung ở đây để tập thể dục giữa giờ. Vừa nghĩ tới tập thể dục giữa giờ, cô lại nhớ Lâm Sâm thường lợi dụng dịp này để ăn trộm cơm của mình. Cậu đã ăn không biết bao nhiêu quả trứng chiên của cô, hồi đó cô giận muốn chết, đến giờ nhớ lại thấy khóe môi phảng phất nét cười.

Đứng trên sân thể dục, cô lại nhớ cái đêm trăng mơ hồ năm đó, là đêm Lâm Sâm gọi cô ra sân có chuyện cần nói. Cậu nói gì nhỉ? Nhắm mắt lại vẫn nghe thấy câu nói kia nhẹ nhàng văng vẳng bên tai như vượt mọi thời gian: “Tần Chiêu Chiêu…Thực ra tôi cũng thích cậu.”

Thuở ấy ngây thơ không hiểu, đến giờ phút này, đã hiểu sâu sắc được cái gọi là chân tình đáng quý, cô mới nhận ra rằng chàng trai mười bảy ngượng ngùng thổ lộ tình cảm năm đó có lẽ là tình yêu thuần khiết đầu tiên và cuối cùng mà đời này cô có được.

Hôm nay Tần Chiêu Chiêu một mình bồi hồi trong sân trường. Trường trung học thực nghiệm ngày hè thật vắng lặng, vừa khéo tạo điều kiện cho cô hoài niệm lại những năm tháng trước kia. Từng cành cây, ngọn cỏ, đóa hoa, từng khung cửa sổ, từng con đường nhỏ nơi này đều gắn bó với thời niên thiếu khờ khạo của cô. Cô theo hoài niệm mà tới, cảnh sắc quen thuộc gợi cho cô nhớ lại vô số chuyện xưa. Thật lâu thật lâu, cuối cùng vẫn không nỡ rời đi.

Một giáo viên đi tới từ góc ký túc xá giáo viên, khoảnh khắc đối mặt với người đó, Tần Chiêu Chiêu cảm thấy gương mặt này thật thân quen. Bốn mắt nhìn nhau, hai bên đều giật mình. Cô nhanh chóng nhận ra đây chính là giáo viên chủ nhiệm của mình ngày trước. Bao nhiêu năm không gặp, cô đã mập lên nhiều, mặt cũng thêm vô số nếp nhăn.

Cô chủ nhiệm cũng nhận ra cô. “Tần Chiêu Chiêu, là em phải không? Em vẫn chẳng khác xưa nhỉ, vẫn giống hệt cô học trò ngày trước, có điều xinh đẹp hơn nhiều rồi!”

Hai người nói chuyện chừng mươi phút. Cô chủ nhiệm đến giờ vẫn là chủ nhiệm lớp, mỗi năm mỗi khóa lại đón đưa thêm một lớp học sinh. Con gái cô cuối năm nay cũng tốt nghiệp đại học, sáu tháng cuối năm sẽ tới Thâm Quyến thực tập. Tần Chiêu Chiêu nghe vậy liền vội vàng đưa số điện thoại của mình cho cô. “Em làm việc ở Thâm Quyến, nếu con gái cô qua Thâm Quyến có việc gì cần giúp thì cứ liên lạc với em. Chỉ cần giúp được, em nhất định sẽ không từ chối!”

Cô chủ nhiệm vô cùng vui vẻ. “Tần Chiêu Chiêu, vậy cảm ơn em trước nhé!”

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio