Nữ Hộ

chương 13: học trò

Truyện Chữ
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ

Chỉ bằng vào việc Trình lão thái công có thể kể vanh vách những điều mà Tô tiên sinh vừa trải qua như đã nằm lòng từ lâu, đã thấy rõ lời “Đất này tin tức linh thông” mà ông từng nói với Lâm lão an nhân không sai tý nào.

Tô tiên sinh tên Chính, tự Trường Trinh, đọc sách từ nhỏ, sách trăm nhà ngàn tác giả đã đọc không sót quyển nào, từ chiêm tinh cho đến chuyện vặt không gì không rõ, mới ngoài hai mươi đã trở thành bảng nhãn. Năm thầy đậu tiến sĩ, trạng nguyên mũi thẳng miệng rộng, thám hoa tuấn tú điềm nhiên, bảng nhãn mặt mày dễ nhìn…

Thấm thoát hai mươi năm trôi qua, trạng nguyên đã thành Tể tướng, thám hoa yên vị Thượng thư, chỉ có người anh em bảng nhãn này cứ đảo vòng quanh mấy chức quan tứ, ngũ phẩm. Nghe đồn trình học của thầy cao nhất, có bản lĩnh xem qua là nhớ, lại phụng mệnh kèm Thái tử học hành, nếu không xảy ra việc gì ngoài ý muốn, tương lai sáng lạng không chạy đi đâu được. Hư là hư ở chỗ tính cách quá ngay thẳng. Thái tử hơi lười một chút, thầy đã nghiêm khắc can gián, gia pháp triều này trọng đại thần, Thái tử luôn miệng nhận “xin chừa”, bị chỉnh đến khổ chẳng biết kêu ai, nhưng cũng hiểu thầy có ý tốt.

Thái tử đăng cơ thành Quan gia, thầy lên ngũ phẩm, nhưng vì số lần Quan gia diện kiến mẹ cả không nhiều bằng số lần Ngài gặp mẹ ruột, bị thầy can gián, thế là sượng mặt, trì trệ đường thăng quan của thầy. Ngày mẹ ruột Quan gia hoăng thệ, vì có thầy ở đấy nên không dám cử hành lễ tang quá long trọng, chỉ có Hoàng thái hậu rất thích thầy, dốc sức vớt lên tam phẩm, cũng chính do phẩm cấp ấy mà lần Trình Chí trúng cử nhân, thầy được làm giám khảo. Cũng chỉ có một lần đó là tam phẩm, sau đó, vì Hoàng thái hậu đưa cháu gái vào hậu cung, quyền át Hoàng hậu mà thầy nghiêm khắc tấu lên một bản, Quan gia vui vẻ nhưng Hoàng thái hậu thì không, thầy lại bị giáng xuống tứ phẩm.

[Chỗ này tác giả để là tứ phẩm, nhưng theo mình thì không hợp lý lắm nên mạn phép sửa lại.]

Hoàng hậu nguyên phối của Quan gia qua đời, Hoàng thái hậu muốn tôn Thục phi cháu ruột của mình làm hậu, bị một câu “Gầm trời thục nữ vô số, sao phải tấn thiếp thành thê” của thầy chặn ngang họng. Buộc phải lập một đứa cháu gái khác của Hoàng thái hậu làm hậu. Lớn làm phi, nhỏ thành hậu, sao có thể hòa thuận? Hoàng thái hậu bực mình vô cùng, thầy lại xuống ngũ phẩm.

Quan gia ưu ái thầy, chẳng bao lâu sau lại nâng lên tứ phẩm, nhưng thầy không hứng thú lắm, lại tham tấu việc phạm pháp của nhà mẹ đẻ Quan gia, Quan gia vô cùng đau đầu. Sau đó xảy ra thêm rất nhiều việc như kế hậu sinh con trai, Hoàng thái hậu sủng ái, quần là áo lượt trong kinh vân vân, phẩm cấp của thầy cũng lên lên xuống xuống.

Việc lần này có liên quan đến nền tảng quốc gia. Trên đời đàn bà góa nhiều hơn hẳn đàn ông, vì sao? Hẳn là do đàn ông góa lấy vợ mới nhiều hơn hẳn đàn bá góa gả chồng, đặc biệt là Hoàng đế, mình không vội đã có người thúc giục cưới thêm vợ, cứ thế, hai đời Hoàng hậu xuất hiện, nếu chỉ một có con trai thì chẳng nên chuyện, còn cả hai đều sinh con trai á, cả hai đều là dòng chính cả. Cùng một mẹ chưa chắc đã hòa thuận, huống hồ khác mẹ?

Kế hậu Trần thị là cháu gái của Hoàng thái hậu, lại sinh ra Lỗ vương chỉ kém Thái tử ba tuổi. Ngôi cửu ngũ rõ chẳng như gia nghiệp nhà dân, Trần thị xuất thân danh môn, ắt lại thêm một tầng lớp thích Lỗ vương. Giữa cơn rối ren, Tô tiên sinh lại dâng tấu, bảo Lỗ vương đã mười ba rồi, nên xuất cung xây phủ.

Trước kia thầy tấu trong kinh có tay ăn chơi nổi danh quần là áo lượt, vung tiền như nước, không hòa thuận với mẹ kế là bất hiếu; khiến Hoàng thái hậu cho rằng thầy hẳn đứng về phía Lỗ vương, ai ngờ thầy lại đạp cho một phát, vui giận đan xen, may mà không tức chết.

Giằng co một hai năm, Lỗ vương nạp phi xuất cung, Tô tiên sinh cũng đắc tội đến nỗi khiến Hoàng thái hậu phải phán tội chết. Vì việc có liên quan đến Đông cung, lại lôi thôi rầy rà, nơi người ngược xuôi như Giang Châu cũng bắt được tý phong thanh. Tầng lớp thanh lưu dù vô cùng sùng bái thì cũng chỉ bảo vệ được mạng của Tô tiên sinh, Hoàng đế bất đắc dĩ điều thầy xuất kinh, không cho làm quan nữa, dằn cơn giận của Hoàng thái hậu xuống.

Vị Tô tiên sinh này cũng chẳng do dự, dập đầu ba cái trước cửa cung, nói một câu: “Quốc tảng đã vững, thần không lo, không tiếc, không thẹn với tiên đế!” rồi xoay người rời đi. Về phần vợ con, khắc sẽ có bạn cũ của thầy chăm nom.

Tô tiên sinh cái gì cũng tốt, chỉ có một tánh kỳ, chả biết nói là tốt hay xấu: Người này ham học đến chẳng biết chán. Đi trên đường, thấy gì mới mẻ cũng sẽ đeo theo nghiên cứu rõ ngọn ngành, vì thế mà thường “Lạc bước rừng sâu” —– Muốn tìm thầy không dễ. Bản thân thầy cũng vậy, ngẩng đầu lên chả biết mình vừa đến chỗ nào, bấy giờ ưu điểm xem qua là nhớ cũng phải bỏ xó, thường phải để người khác tìm mình. Sai vặt nhà họ Tô thông thuộc đường đi nước bước trong kinh, thầy góp công không nhỏ.

Xuất kinh, thầy có bạn cũ chỉ đường, cho lộ phí, vừa hay có thể “vui vầy núi non”, chỉ quan tâm mỗi việc tìm vui, lạc tới lạc lui, lạc tới tận thành Giang Châu. Thấy mình cũng thăm thú được kha khá rồi, lại “thân tại giang hồ nhưng ưu vì nước”, sợ kinh thành có chuyện, nơi này là mạch đường trọng yếu, tin tức linh thông, chi bằng ở lại. Thuê nhà thuê bàn ghế, mua bút nghiên, dựng sạp bói —– Thầy tự dưng lại có hứng thú với “Dịch”.

[Ý chỉ Kinh Dịch, bộ sách ban đầu được coi là một hệ thống bói toán, thầy Tô bỗng chuyển nghề làm thầy bói.]

•••••

Lại nói vị Tô Trường Trinh này bị Trình lão thái công dụ về nhà làm thầy dạy học, vì Ngọc Tỷ thông minh, thầy cũng chẳng nuối tiếc gì. Nghĩ mình bây giờ cũng nên khiêm nhường một chút mới tốt, dạy một trò nữ, vừa khéo. Mà thầy tài giỏi hơn người, đọc sách không tốn nhiều sức, khi trước dạy một học trò duy nhất lại có tư chất bình thường, ngày ngày khiến thầy thở dài, ép học trò phải cặm cụi cực khổ, làm Quan gia hôm nay nghĩ lại mà muốn đập đầu vào tường. Học trò cực khổ, thầy cũng có vui vẻ gì, thề sau này không dạy trò đần nữa. Cần chi để ý trai hay gái? Đừng ngu như ai kia đã nên kính một nén nhang rồi.

[Ai kia chính là Quan gia đó mấy bạn. Thầy Tô trước giờ chỉ có mỗi một học trò là Thái tử – tức Hoàng thượng bây giờ.]

Tô Trường Trinh tự an ủi mình “Tình thế buộc người “, “Nhà người ta cũng khổ, mình vì thương tình mà yếu lòng”, “Bá Nhạc không dễ kiếm” vân vân, vất vả lắm mới quyết tâm nhận lời dạy, tới mùng năm làm lễ bái sư. Trong năm ngày ngày, Trình lão thái công dù biết Tô Trường Trinh là quân tử giữ chữ tín nhưng vẫn sợ thầy đổi ý, ngày ngày đều đến uống rượu tán gẫu với thầy, lại sợ người nhà nhỡ miệng nên không đưa ai đi cùng, chỉ thỉnh thoảng dắt Ngọc Tỷ lại chào Tô Trường Trinh, lời trẻ con nghe vui tai lắm.

[Ý chỉ tích Bá Nhạc Tử Kỳ tri âm.]

Trong năm ngày này, ở phủ Giang Châu lại xảy ra một việc không lớn không nhỏ, chỉ khiến người người bàn tán —– Trong thành có một phú ông mới chết, con trai trưởng đuổi mẹ kế và em nhỏ ra khỏi nhà, bây giờ đang ồn ào ngoài phố. Phú ông họ Du, là nhà giàu số một số hai ở Giang Châu, có không ít người nhà, việc ầm ĩ to, khiến Tô Trường Trinh ra ngoài giải sầu nghe đến say mê, lòng phán cho vài bản án từ lễ tới luật thậm chí cả hình. Thầy một khi thất thần thì dễ đi lạc, làm Bình An sợ tới mức đổ mồ hôi cả người, xém cho rằng thầy mất tích.

Vụ tranh chấp tài sản của nhà họ Du vẫn chưa kết thúc, ngày lành bái sư đã tới. Cử hành lễ bái sư, mặt Tô tiên sinh xụ xuống, chỉ hận quân tử phải giữ chữ tín, đã đồng ý thì không thể hối hận.

Hôm đầu lên lớp, tuy ông Trình đã dặn người nhà từ sớm: “Phải giả đò không biết lai lịch của Tô tiên sinh.” Trình Khiêm lại khăng khăng muốn xem bản lĩnh của vị Tô tiên sinh này, Trình Tú Anh thì lo cho Ngọc Tỷ, nài nỉ xin nghe thử một buổi. Trình Tú Anh mau mồm lẹ miệng: “Con bé ngày nào cũng bên cháu, trong một chốc không dứt ra nổi, cháu chỉ vào cùng một hôm thôi, để con bé đỡ lạ người, sau chuyên tâm hơn.” Trình Khiêm chỉ im lặng.

Tô tiên sinh nói: “Được thôi.” Dứt lời phất tay áo, Trình lão thái công liếc hai vợ chồng kia sắc lẹm, đành phải đi dàn hòa.

Ngọc Tỷ hôm nay không mặc áo nữ nữa mà khoác áo dành cho nam. Đầu buộc hai búi nhỏ, cài trâm ngọc cũng nhỏ nốt, áo lụa xanh, không trang sức, chỉ đeo một cái kiềng vàng trên cổ. Ngồi ngay ngắn nghiêm chỉnh, thầm bảo ông thầy này không như nhà mình, khẩu âm khác, ngữ điệu cũng khác.

Về phần cha mẹ ông cố, Ngọc Tỷ thường quây quần bên họ nên không đến nỗi bối rối. Thấy bé như thế, Tô tiên sinh mới dịu đi đôi chút. Hỏi: “Trò có biết cái gì gọi là hiếu không?”

“Thảo với cha mẹ bề trên.”

“Ừ, có biết điển cố nhị thập tứ hiếu không?”

Ngọc Tỷ đăm chiêu một chốc mới hiểu cái gì gọi là điển cố, gật đầu đáp: “Biết ạ.”

“Nói thử xem.”

“Một hiếu cảm trời xanh, hai đùa vui cha mẹ, ba sữa hươu nuôi Người, bốn vác gạo trăm dặm, năm cắn tay đau xót, sáu áo thô vâng mẹ, bảy vì Người nếm thuốc, tám nhặt dâu cho mẹ…”

[Là tám trong hai mươi bốn tấm gương hiếu thảo của bề con do Quách Cư Nghiệp thời Nguyên biên soạn.]

Nghe Ngọc Tỷ đáp chẳng sai chút nào, Trình lão thái công hơi hơi tự hào, Tú Anh cũng vui mừng không ngớt. Tô tiên sinh hít sâu: “Thế nào là hiếu cảm trời xanh?”

“Là về Đế Thuấn…”

“Thế nào là áo thô vâng mẹ?”

“Là về Mẫn Tổn…”

“Thế nào là nằm băng chờ cá?”

“Là về Vương Tường…”

“Trò hiểu thế nào?”

“Dạ?” Ngọc Tỷ đọc điển cố làu làu, nghe thầy tự dưng hỏi thì thành vịt nghe sấm, ông Trình chêm vào: “Thầy hỏi cháu nghĩ gì khi đọc những câu chuyện ấy.”

Ngọc Tỷ suy nghĩ rồi đáp: “Mẹ kế ác quá.”

Tô tiên sinh vuốt ngực, nhìn người nhà họ Trình, giọng hơi cứng, hỏi: “Trò tự nghĩ thế?”

Ngọc Tỷ gật đầu: “Dạ.”

“Giảng hiếu, là nói mẹ kế cũng như cha, sao không hiếu kính cho được? Tại sao trò không thích mẹ kế?”

Ngọc Tỷ bẻ tay nói: “Mẹ kế mùa đông bắt người ta nằm băng ngủ chuồng bò, phóng hỏa thiêu người, chôn sống người, ác thế cơ mà.”

Tô tiên sinh tức cười, hồi lâu mới nói: “Vì thế mới phải thành tâm, một lòng hướng thiện. Con xem mẹ kế của Đế Thuấn và Mẫn Tổn, họ đều phục thiện.”

Ngọc Tỷ đáp: “Người không tốt với con, sao con phải tốt với họ? Mẹ ruột nhất định sẽ không đốt chết con mình, đối tốt với kẻ xấu, mẹ ruột trên trời thấy được sẽ đau lòng đến nhường nào.” Nói đoạn đầm đìa nước mắt nhìn Trình Tú Anh.

Tô tiên sinh chỉ biết chớp mắt.

Ngọc Tỷ thấy thầy không nói gì, hơi cuống: “Người tốt không thay lòng, kẻ xấu mới mềm nắn rắn buông. Đế Thuấn không lên ngôi vua, mẹ kế của ông chưa chắc đã ngừng tay. Nếu cha Mẫn Tổn không từ mẹ kế, mẹ kế sẽ không đối tốt với ông. Mẹ kế của Vương Tường, chẳng ai từ bà ta, Vương Tường lại không phải Quan gia, chẳng thấy ai bảo mẹ kế ông ta phục thiện cả. Đều sợ mà buông, đâu phải người tốt? Xấu lộ luôn!” Bé mới tý tuổi đầu đã hiểu rất kỹ gia pháp nhà họ Trình, ông Trình ngày ngày bế bé, ngoài dạy chữ còn dạy bé thế nào là “Thẳng tay báo oán”, chẳng ngờ một đứa trẻ mới tý tuổi đầu, trời sinh rất mẫn cảm với thiện ác, thế mà nói được lời này.

Ba chữ cuối cùng rất hùng hồn, Tô tiên sinh ngã từ trên ghế xuống lại bò lên. Nói: “Mẹ của đương kim Lương tướng hiện nay là mẹ kế, nuôi nấng chăm sóc, nhìn như thân sinh. Cưới vợ cho ông, bán của hồi môn lấy tiền để tang. Cả nhà Lương thị hòa thuận, mẹ kế chưa hẳn đã không tốt.”

Trình lão thái công biết Tô tiên sinh vì tranh cãi thay Thái tử mà phạm tội, ông cũng học rộng hiểu nhiều, bèn góp lời: “Thường nghe khắt khe với con vợ trước, mấy ai được như Lương phu nhân? Trái lại chỉ nghe mẹ kế không hiền. Hiếu thảo vì lễ, đích thứ lớn nhỏ gì cũng là lễ. Con cái hiếu, cha mẹ cũng phải hiền. Càng là con cái Thánh nhân, có mẹ kế thì chẳng bớt được một lần kham khổ. Dù là tiên hiền thánh vương, có mẹ kế lẫn em trai khác mẹ, chết cũng vô số. Nếu không được trời cao thương xót, chết chẳng ai hay. Mẹ kế không hiền vẫn là chuyện nhỏ, ác độc hơn là còn chia rẽ tình cảm cha con, Vương Tường có ‘mẹ kế Chu thị chẳng lành, đánh tiếng gièm pha, vì thế mới không được cha ưu ái’, là một bằng chứng.” Lại đưa mắt nhìn Trình Khiêm.

Tô tiên sinh nhìn sang, Trình Khiêm vẫn ngậm mồm không nói. Trái lại Tú Anh thấy chồng như thế, đáp thay: “Đúng là như vậy! Có mẹ kế sẽ có cha dượng, vợ bé vào cửa, sinh được con trai, nhất định sẽ cất nhắc nó, làm gì còn thừa hơi cho con ghẻ? Nhìn vị Mẫn Tổn kia mà xem, ngày đông giá, con trai than lạnh, làm cha không đau lòng mà còn dùng roi ngựa quật, vì sao? Là ai giở trò? Từ khi mẹ ruột chết đến lúc mẹ kế vào nhà rồi có thêm một đứa em trai, hẳn phải ngoài năm năm, ông ấy kham khổ áo thô đâu chỉ một năm chứ? Hằng năm cứ vậy, con trai lạnh người, một hai năm cha ruột không biết, lòng cũng lạnh theo. Vị mẹ kế này thế là còn khờ đấy, còn có cách thông minh hơn để chỉnh người cơ.”

Tô tiên sinh kinh ngạc, ý của thầy đâu phải thế này, Trình lão thái công cũng nghĩ sai rồi, trong lòng Tô tiên sinh, mẹ kế cũng là mẹ, có dính líu gì đến việc nước đâu? Thầy chỉ đang giảng về chữ hiếu. Nhưng lời của Tú Anh lại khiến thầy thấy mới mẻ —– Chẳng ngờ lại có cách giải thích như vậy, bèn mặc kệ ông Trình, không đáp Ngọc Tỷ, chỉ hỏi Tú Anh: “Lời của nương tử, là thật?” Nhà thầy chỉ đủ ăn đủ mặc, lại là người đọc sách, chuyện nhà chuyện cửa không rõ nhiều điều, những thứ vỡ vạc ra chỉ nhờ đọc mấy chuyện như nhị thập tứ hiếu, cũng chỉ “theo lễ mà làm” thôi.

Trình Tú Anh đáp: “Lại còn không? Hiện quan chẳng bằng hiện quản, dẫu đàn ông thương con cũng có ngày ngày trôm nom nó được đâu? Còn chẳng do đàn bà ở nhà chăm sóc? Sai bảo kẻ dưới, chủ chỉ liếc mắt nhìn ai, khắc có người thay phiên dạy dỗ, cần gì tự ra tay hay hạ lệnh? Chúng nói xấu ai, thấy chủ không ngăn, khắc hiểu ý rồi, chuyện chắc chắn sẽ được truyền đến khi khắp nhà đều biết, thối um đến tận ngoài đường luôn ấy chứ —– Mặc xác lời đồn là thật hay giả.”

[Ý chỉ có chức danh chưa chắc đã bằng người có thực quyền.]

Tô tiên sinh lúng túng đáp: “Ra vậy, ra vậy,” lại nghiêm mặt nhìn Trình lão thái công rồi đám Trình Khiêm, “Ta đã nhận trò, nhất định sẽ dạy dỗ đàng hoàng. Còn que tính, la bàn, thuốc màu các loại, cung tên trẻ con dùng…” Lại liệt kê một chuỗi đồ, lệnh chuẩn bị.

Ông Trình cả mừng, tiên sinh thời này, hễ được gọi là “tiên sinh”, không thể nào chỉ biết châu đầu đọc sách. Khổng thánh nói: Quân tử lục nghệ. Lễ nhạc xạ ngự thư số, nhất định phải tỏ tường, ngoài ra còn làm thơ vẽ tranh đấu kiếm vân vân đều phải luyện, có cả vài thư sinh am hiểu cả y thuật dược lý, chẳng hiếm lạ gì. Tô tiên sinh bảo thế, hẳn sẽ thực lòng dạy dỗ, sẽ không qua quýt vài con chữ đối phó thôi. Nếu thầy đã vừa lòng, ông lại vun vào vài lời khen ngợi Trình Khiêm, thế là cũng được theo học.

[Sáu môn mà người trí thức xưa phải am hiểu: lễ nghi, âm nhạc, bắn tên, đánh xe, đọc sách, tính toán.]

Tác giả có lời muốn nói: Mẹ kế con riêng, mãi sẽ là chủ đề người bàn không ngớt. Có mẹ kế tốt, càng có mẹ kế hỏng. Con riêng cũng vậy. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Mà bậc trí thức cổ đại, quả rất giỏi giang. Lễ, nhạc, xạ, thư, tôi không nhiều lời nữa. Còn ngự là đánh xe, nhưng ở thời Khổng Tử, binh lực chiến tranh tính bằng xe tứ mã, ngự, là dạy bạn lái xe tăng đó…! Còn số, không chỉ là số học, mà xem lịch, thiên văn, địa lý gì cũng là “số” cả. Nguồn gốc của số là từ Lạc thư Hà đồ, tự hào.

[Theo truyền thuyết xưa của Trung Quốc, trên sông Hoàng Hà đã từng xuất hiện con long mã trên mình có đồ (đường vẽ ngoằn nghoèo) gọi là Hà đồ và trên sông Lạc Thủy xuất hiện con thần quy, trên lưng có thư gọi là Lạc thư. Do đó mà người ta đặt ra bát quái và cửu chương. – wiki.]

Truyện Chữ
logoLẤY MÃ NGAY
logo
Truyện ChữTruyện Audio