CON BÉ OAN GIA NÀY THÌ HAY RỒI, VUNG TIỀN NHƯ RÁC MÀ CHẲNG THU LẠI ĐƯỢC GÌ.
Từ sau buổi tiệc thọ của Triệu lão an nhân nhà sát vách, chưa đến một tháng đã tới lượt Trình lão thái công tổ chức mừng thọ. Lúc ông Trình lừa thầy Tô về nhà đã mượn cái cớ này, khéo sao ông sinh ngay cuối tháng mười, có điều không phải bảy mươi, người bảy mươi phải là bà Lâm cơ, ông Trình lớn hơn bà ba tuổi, năm nay đã bảy mươi ba rồi.
Tô tiên sinh là chính nhân quân tử, không liệu được cái mánh này, Trình lão thái công làm tới bến, chỉ một câu thôi đã khơi được lòng trắc ẩn của thầy Tô: “Bảy mươi ba, tám mươi tư, Diêm Vương không đón cũng tự đi. Chẳng biết còn bầu bạn với thầy được mấy ngày.” Khiến thầy Tô vô cớ thở dài bao nhiêu lần.
Gần đến ngày mở tiệc, không thiếu được chuyện phải đến quán rượu hàng ăn đặt vài bàn, mua mấy vò rượu ngon, lại viết thiếp mời hàng xóm láng giềng chỗ thân bạn cũ. Trình lão thái công có vài người bạn già ở thành Giang Châu, bên mẹ đẻ của Lâm lão an nhân cũng có hai nhà thân thích, đều biết gia cảnh nhà ông, đến để giữ thể diện cho.
Tuy cùng sống ở thành Giang Châu nhưng Ngọc Tỷ không thân thiết gì với họ hàng bên mẹ của Lâm lão an nhân, bà nghĩ Trình gia không có thân tộc, luôn muốn kéo gần khoảng cách giữa Tố Tỷ Tú Anh với nhà mẹ đẻ của mình, để sau này tiện bề đỡ đần nhau. Lại không ngờ Tố Tỷ yếu đuối, Tú Anh lại quá mạnh mẽ, hai bên chưa từng quá thân thiết. Bà Lâm thấy thế thì sốt ruột lắm, sợ rằng một khi mình nằm xuống rồi, bên mẹ không ai chịu chống lưng cho con cháu nhà mình.
Trước mắt có cơ hội như thế, bà Lâm đặt hy vọng vào Ngọc Tỷ. Lại nói, Ngọc Tỷ từ sau hôm dự tiệc ở nhà họ Triệu về, lúc nào cũng theo sát bên thầy Tô mà học, đến cửa nhà cũng không bước chân ra. Bé từ nhỏ đã được bề trên yêu thương chăm sóc, ngày thường chẳng qua cũng chỉ chạy chơi sang nhà hàng xóm, nhưng gần đây trời trở lạnh, Tú Anh vẫn còn đang bực mình vụ Triệu gia, Ngọc Tỷ càng không dám đòi ra ngoài. Nên nghe có người đến chơi nhà mình, Ngọc Tỷ mừng lắm.
Vì thế, khi Lâm lão an nhân đẩy bé đến chơi chung với vài cô bé nhà họ Lâm, Ngọc Tỷ cười đến là ngọt ngào. Bà Lâm là em út, nên những người bằng vai với Ngọc Tỷ ở nhà họ Lâm đều đã thành gia lập nghiệp cả, có thể chơi cùng với bé, đa số là vai dưới cả. Lâm gia và Trình gia cũng có thể xem là môn đăng hộ đối, tuy không sang quý lắm nhưng cũng có của ăn của để. Trong trường hợp đó, nhà đông con thì món ngon đến tay cũng ít hơn, không sánh nổi với Ngọc Tỷ là dòng duy nhất của Trình gia, cái gì tốt đều dồn hết cho một mình bé cả.
Đám nhóc bốn năm tuổi, đúng vào độ tuổi ngây thơ hồn nhiên, nghĩ gì nói đó. Ngọc Tỷ tuy còn nhỏ, không được mang nhiều trang sức nhưng tay cũng đeo hai bộ vòng, người mang vài miếng ngọc bội, trong phòng lại có quà vặt, đồ chơi. Đám nhóc mồm năm miệng mười toàn lời ngưỡng mộ: “Phòng lớn hơn phòng cháu nhiều.”, “Cái lọ đó trong phòng cha mẹ cháu mới được bày, chứ phòng cháu không có đâu.”, “Đây là điểm tâm của tiệm Trương Ký ngoài kia, ngon quá.”, “Cái vòng này đẹp ghê.”
[Như tác giả đã đề cập đến ở trên, chơi chung với Ngọc Tỷ đa số là vai nhỏ, nên ở đây xưng “cháu”.]
Ngọc Tỷ nghe thế cũng hơi hả dạ: “Cứ tự nhiên như ở nhà mình.” Câu này bé bắt chước ông Trình đấy, lúc ông nói chuyện với thầy Tô, cũng là câu này. Đám trẻ nghe vậy, mừng biết bao.
Đã là bề trên thì Ngọc Tỷ phải có dáng vẻ của bề trên, xưa nay đều là Ngọc Tỷ tròn mắt long lanh nhìn người, nhìn đến độ người ta cầm lòng không đậu, bé muốn làm gì thì làm thế, trăm lần thành công. Giờ đây bị một đám nhóc vai dưới tròn mắt mình, chia quà vặt đồ chơi, tặng cửu liên hoàn cho một đứa cháu gái, bóng bay bị một đứa cháu trai xin mất, trên người cũng ít đi một miếng ngọc bội Lam Điền, bé vẫn thấy vui như cũ.
[Là trò giải móc khóa IQ của con nít ấy.]
Đến tối, tan tiệc ngoài kia, Tú Anh về chăm con gái, có vẻ không nói nên lời: “Mẹ mạnh mẽ thế này, sao lại chăm ra con bé khờ như con chứ?”
Trình Khiêm không nỡ nhìn con gái bị quở, bèn đỡ lời thay: “Ai bảo con bé là bề trên đây? Hai năm trước còn nhỏ, nói chưa rành rọt, nay tặng quà gặp mặt, cũng chẳng có gì quá đáng. Ai bảo không lợi lộc gì, nàng tưởng người được tặng là chúng ta à, tụi trẻ sẽ đối xử tốt với Ngọc Tỷ thôi.”
Tú Anh bận rộn cả ngày, bực mình nói: “Có cho cũng phải nhắm người mà cho, không nên dùng bánh bao thịt để đánh chó, chọn thứ có thể cho càng tốt. Con bé oan gia này thì hay rồi, vung tiền như rác mà chẳng thu lại được gì, vậy mà còn hả hê tới vậy.”
Ngọc Tỷ nghe mà tủi thân: “Ai nên tặng? Ai lại không nên? Chơi chung cả mà.”
Tú Anh dại mắt ra: “Tạo nghiệp rồi! Sao tôi giống bà, còn cô thì giống mẹ tôi thế? Thôi tôi chả thiết sống nữa rồi!”
Trình Khiêm vốn muốn bảo, con gái ta sao lại yếu đuối như nhạc mẫu được, chợt thấy Tú Anh hơi lạ, bèn nuốt lời này xuống: “Mẹ con mệt rồi nói mê một tý, Ngọc Tỷ mau gọi mợ Lý chăm cho mà ngủ, sáng mai thức dậy mẹ con lại đến chuộc lỗi với con sau.”
Tú Anh định nói tiếp lại bị Trình Khiêm trừng mắt, bèn trừng lại chàng, gạt Ngọc Tỷ sang một bên. Ngọc Tỷ ủ rũ, cũng không gọi mợ Lý, mà tự mình cúi đầu đi ra ngoài. Trình Khiêm không nỡ, bước tới bế bé lên, đích thân đưa vào sương phòng, vừa đi vừa nói: “Mẹ con sợ con cho người ta đồ rồi, mình lại không còn gì nữa. Mẹ ruột mới xót con như thế, đổi lại là người ngoài thì chẳng ai thèm quan tâm đến con đâu, dù con có cho ai cái gì cũng chẳng tiếc của hộ con. Mà lỡ con cho người ta quen rồi, họ sẽ nghĩ con khờ, một hồi hai bận lại đến đòi, con cho không đồ, còn khiến người ta coi thường nữa…”
Ngọc Tỷ được Trình Khiêm dỗ thì xoay người lại, xoa xoa mặt chàng: “Con không buồn nữa, cha, mặt cha cóng cả rồi này, đi nghỉ đi ạ.”
Trình Khiêm xoa đầu bé: “Rửa ráy rồi ngủ sớm nhé, sáng mai còn phải đi học đấy.”
Trình Khiêm về phòng, nói với Tú Anh: “Nàng bảo xem, nhà mình thường quyên cháo lễ Phật, có tiếng là hay làm việc thiện, bình thường ai cũng khen. Lần trước ra ngoài thành thu tiền thuê, xe gãy trục, may mà thường ngày kết thiện duyên, có người đỡ xe giúp, lại gọi thợ mộc đến sửa hộ.”
“Cũng không nên phân phát tứ tung như vậy. Con nó phải biết, cho gì cũng phải chú ý! Mẹ em lúc trước…”
Phàm là chuyện có dính đến Tố Tỷ đều không cần kể đoạn sau, Trình Khiêm đã biết vị nhạc mẫu này lại trở thành tấm gương xấu rồi, có khi bà ấy đã vung tiền như rác rất nhiều lần, vậy mới khiến vợ mình nóng lòng như thế, sợ Ngọc Tỷ học phải thói xấu.
Trình Khiêm thoáng nghĩ, nói: “Vậy nàng cứ dạy bảo con bé đi.”
“Còn cần chàng nói chắc, tối nay đã tính dạy nó rồi, em dắt tay nó tiến về phía trước, chàng lại kéo chân nó lùi lại đằng sau!”
Trình Khiêm dứt khoát ngậm miệng.
Sáng hôm sau, Tú Anh lạnh lùng đưa cho Ngọc Tỷ một cái hộp: “Con cũng từ từ lớn rồi, chơi với người khác, phải có chút gọi là biếu tới tặng lui. Tự mình giải quyết đi, lại còn cho không người ta, xem mẹ xử con thế nào. Cần dùng thì dùng, còn lúc không cần thì là phí phạm, tới lúc cần lại chẳng có mà dùng. Con cứ qua lại đi, sau này mới biết ai tốt, ai xấu.”
Ngọc Tỷ vẫn còn lờ mờ, nhìn trái ngó phải, không ai đón lời đành bước lên nhận hộp, khẽ dạ một tiếng, thực sự không rõ mẹ mình có ý gì. Đến tận Tết mới ngộ ra.
•••••
Ngọc Tỷ thường ngày ít khi ra khỏi cửa, sau lễ mừng thọ của Trình lão thái công, bé lại ở nhà bám thầy Tô dùi mài kinh sử. Vì sắp đến cuối năm, tiết trời lại lạnh, nương tử các nhà không muốn đi xa, lại chê ở nhà bí bách, đến thăm nhà nhau trái lại có vẻ thư thả hơn nhiều. Ngọc Tỷ sáng thì đi học, chiều hoặc luyện chữ hoặc tiếp thím bác các nhà, chơi với với các cô cậu bé đến cùng, dần dần cũng có màn tặng quà qua lại.
Từ khi Ngọc Tỷ nhận cái hộp mà Tú Anh cho, lúc mở ra thì thấy bên trong có vài món đồ chơi tinh xảo, mấy mặt dây chuyền bằng bạc, còn cả vài hạt châu lưu ly, thường đem ra chơi cùng với các bạn. Thoáng chốc đã qua hai tháng, Ngọc Tỷ đã vỡ vạc ra hàm ý của Tú Anh. Có đứa gặp bé chỉ nhìn chằm chằm đồ trong tay bé, luôn đòi sờ, còn quá quắt tới độ im hơi lặng tiếng lấy mất. Cũng có đứa thoải mái đòi quà, một lần không cho lần sau vẫn đến. Nhưng lại có bạn không đòi đồ của bé, ngược lại còn tặng đồ chơi cho. Và còn cả bạn đem đồ của mình đến chơi chung với bé.
Những đứa đòi quà, quá lắm là cho nó một hai lần, sau không cho dễ dàng thế nữa. Nếu có đóng góp, thì vẫn chơi cùng. Còn những bé có qua có lại, cứ thành một nhóm là tốt nhất. Lại sợ không nhớ được ai với ai, bèn bắt chước Tú Anh, lấy giấy liệt kê “tình qua nghĩa lại”. Lâm Nguyệt Tỷ nhà họ Lâm, Nga Tỷ nhà Kỷ chủ bộ, Lý Tam Tỷ nhà lý chính là những người tốt với bé nhất.
Mỗi lần Tú Anh thấy bé nằm bò ra giường, cau mặt gẩy gẩy hộp thì bật cười: “Những thứ này nhà mình kham nổi, con lại bày ra vẻ già trước tuổi này, dẹp đi thôi. Sang năm mẹ mua hai nha đầu cho con, cũng dần phải học cách ra lệnh cho người dưới rồi.” Từ khi Tú Anh còn nhỏ, bà Lâm thấy không thể trông cậy vào Tố Tỷ, bèn chuyển sang dạy dỗ nàng, giờ nàng cũng áp dụng vào Ngọc Tỷ.
Đến cuối năm, Ngọc Tỷ đã thuộc hơn mười bài thơ mới, đọc được một quyển sách, biết được vài trăm từ mới, cũng quen được vài người bạn. Tô tiên sinh tim nát lực tàn, cho bé nghỉ lễ. Lại tìm Trình lão thái công: “Sang năm Ngọc Tỷ học vẽ được rồi, giờ trời lạnh, màu dễ đông, vào xuân ấm hơn sẽ dạy.”
Ông Trình thì không có ý kiến gì cả, nhưng thấy thầy Tô quả thật đã bị Ngọc Tỷ tra tấn nặng nề, áy náy nói: “Con nít vô phép, thầy chịu khổ rồi.”
Tô tiên sinh đáp: “Con bé nên lanh lợi thế mới tốt, bụng dạ ngây thơ, cũng đã khai sáng cho ta đôi điều.”
Ông Trình nói: “Lúc còn bé thì cũng ngoan ngoãn, trước mặt tôi thì khá dễ bảo, ai mà ngờ lại nghịch ngợm đến vậy. Vậy đi, để tôi bảo cha nó mỗi ngày trông nó học, cha nó mới quản được nó thôi.”
Thầy Tô mở miệng, cả buổi cũng chả biết phải nói gì, cuối cùng hỏi: “Không ổn lắm?”
Ông Trình đáp: “Ổn mà, ổn mà. Con bé cũng phải nhã nhặn một chút, con gái mà mở mồm nói chuyện dọa người ta sợ thì không được. Vả lại, cha nó cũng là một đứa hiếu học, con gái cứng cỏi thì ích gì? Chi bằng cha nó cứng cỏi, nó cũng có chỗ để mà dựa vào. Chẳng mấy năm nữa thì cha nó quy tông, nếu may mắn thì đậu tú tài, Ngọc Tỷ của tôi mới có thể mặc áo gấm.”
Trước mắt Tô tiên sinh thấp thoáng một cái hố to từ trên trời giáng xuống, nhảy thì không ổn, không nhảy lại không xong.
“Trong hai ba tháng nay, tôi quan sát khách quan thì thấy thầy là người học rộng, vì thương cho gia cảnh nhà tôi mới chịu dạy một con bé tinh quái như vậy, nó không thể thi, càng không làm quan nổi, tủi thân thầy rồi. Con nít như nó, cần gì cao minh dạy? Là tôi không nỡ rời thầy, mới cố chấp giữ lại bồi con nhóc ấy, lòng cũng không yên, xin lỗi thầy nhiều.”
Trình lão thái công lại cho thêm một mồi lửa, dốc sức ca ngợi nhân phẩm đáng quý của Trình Khiêm: “Trước kia tôi cũng có kén một thằng rể, ăn uống tiêu tiền thì thôi, lại còn giấu tiền riêng. Thằng nhóc này thì khác, chỉ cầm tiền công, sổ sách trước nay rõ ràng, chẳng có ý bám lấy tôi. Lại thường nhớ cha thương mẹ, không chịu ở mãi nhà tôi, lại hiếu học chịu cực được việc… Tốt xấu gì cũng là người trưởng thành, nói chuyện giải sầu với thầy cũng tạm. Nếu thầy không muốn nhận học trò tuổi này thì cứ xem thằng bé đến kèm con học.”
Tô tiên sinh hơi vểnh tai lên: “Cháu rể nhà cụ, nghe nói hình như là người đất bắc? Cha mẹ đều mất?”
Ông Trình đáp: “Ừ, gặp họa, là tôi đã nhặt được báu vật.”
Tô tiên sinh chưa đồng ý ngay: “Ta phải gặp cậu ta đã.”
Ông Trình thay vẻ mặt ưu sầu bằng nụ cười hớn hở: “Được, được, để tôi đi tìm nó.”
Nhiệt huyết của Trình lão thái công đang sôi sùng sục, không ngờ lại thấy Trình Khiêm chẳng mặn mà gì, lòng ông không khỏi nguội hơn phân nửa: “Sao thế cháu?” Trình Khiêm đáp: “Với việc học thì cháu không có thiên phú gì.”
Ông Trình nói: “Cứ đến nghe thử, nghe thử thôi, cháu xem, người ta chưa chắc đã nhận, chi bằng cháu đến gặp thử. Người không có công danh, chưa qua bảy mươi thì không được mặc áo gấm, ông chết rồi thì ngoài bà ngoại ra, còn lại đều phải mặc vải thô. Cháu nỡ để Ngọc Tỷ chịu khổ sao? Cháu chịu đấu tranh, nó mới được sống những ngày an lành.” Ông Trình biết tỏng Trình Khiêm cưng Ngọc Tỷ, bởi thế mới lấy bé làm cớ.
Trình Khiêm cúi đầu, hồi lâu nói nói: “Cháu mà đến gặp thầy, thầy cũng không nhận đâu.”
Ông Trình đáp: “Cháu là người tài, thầy hẳn sẽ thích.”
Chẳng hay Trình Khiêm và Tô tiên sinh đóng cửa bảo nhau thế nào, đến lúc cửa mở ra, Trình Khiêm đã lựa được vài quyển sách để đọc.