Ba tháng sau đó, trong hoàng cung Đại Sở xuất hiện một Thuận Thiên đạo sĩ thường hay mặc áo bào xanh, cầm phất trần và am hiểu luyện đan. Người này được Hoàng đế Đại Sở đặc cách ở trong cung điện kế bên Ngự Thư Phòng để luyện chế đan dược trường sinh.
Biết được tin này, Thẩm Nguyệt ngửi ra mùi âm mưu nhưng nàng lại không đoán được ra ai là kẻ đứng sau, vì theo những gì nàng biết, đạo sĩ Thuận Thiên này do cận thần của Hoàng đế tiến cử với lý do là cầu cho quốc thái dân an, cận thần kia lại là kẻ nịnh nọt, trước giờ chỉ nghe theo lệnh Hoàng đế, không hề giao du thân thiết với quan viên thuộc phe phái nào, bất kể là tiền triều, hoàng tử hay thái tử. Vậy nên nàng không cách nào xác nhận được đây là tốt hay xấu? Thôi cứ bình tĩnh quan sát tiếp vậy.
Trong một tháng tiếp theo, sắc mặt Hoàng đế đúng là trở nên hồng hào hơn, da mặt cũng căng tràn sức sống, trông ông ta như trẻ ra tận hai mươi tuổi, điều này nhanh chóng làm quần thần tin tưởng vào tài năng của Thuận Thiên đạo sĩ, riêng Hoàng đế thì lại càng tin chắc mình chính là minh quân được trời cao lựa chọn, ông ta bắt đầu thường xuyên dùng đan dược hơn, chẳng màng những lời cảnh báo của quần thần lẫn thái y viện.
Việc này kéo dài nửa năm, Hoàng đế trở nên mạnh khỏe, người cũng trẻ ra, ông ta tuyển thêm không ít nữ nhân vào cung, điều này làm các hoàng tử lẫn thái tử bắt đầu bất an.
Vào một đêm tối trời mùa thu, tiếng hét thê thảm chói tai xé rách màn đêm vang lên trong tẩm cung Hoàng đế, người hầu, thái giám vội vã chạy vào thì thấy Hoàng đế đã gục trên người cung phi kia.
Giữa khuya, thái y vội vã chạy tới, sau khi thăm khám, họ xác nhận Hoàng đế chết vì thượng mã phong. Việc này nhanh chóng đến tai thái tử và các hoàng tử, đám người mau chóng vào cung, yêu cầu điều tra cái chết của Hoàng đế.
Sau quá trình điều tra, Hình bộ xác nhận là cung phi đã cho Hoàng đế uống thuốc gia tăng kh0ái cảm theo lệnh của Tứ hoàng tử, cung phi này lại là người của Nhị hoàng tử nên Tứ hoàng tử không ngừng kêu oan, thái tử thừa cơ phế truất hai vị hoàng đệ, quyết định xử trảm theo luật vì tội giết người và tạo phản, còn lại Tam hoàng tử lại bị khuyết tật ở mắt nên đã bị Hoàng đế ban đất phong đày tới vùng xa xôi biên cương, cuối cùng thái tử là người giành chiến thắng.
Chính biến cung đình xảy ra và kết thúc quá nhanh làm mọi người không kịp trở tay, chỉ có thể bị động tiếp nhận ngôi vị của tân hoàng, nhưng ai mà ngờ được chuyện này vẫn chưa kết thúc…
Trong quá trình điều tra hoàng tử và phi tần hậu cung, Hình bộ phát hiện ra chuyện Thái tử là giả, theo lời khai của cung nhân lão làng tại Đông Cung, ngày xưa hoàng hậu sinh ra tử thai, sợ mất sủng nên cấu kết với nhà mẹ đẻ, đổi cháu trai thân thích vào cung làm Thái tử.
Điều này dậy sóng triều cương, quần thần có thể nhẫn nhịn việc chính biến, ít nhiều gì huyết mạch hoàng gia vẫn là người thừa kế ngai vị, nhưng họ không thể chấp nhận nổi việc một đứa ất ơ nào đó đứng trên đầu sai phái, thậm chí là quyết định chuyện sống chết của mình, nhất là những thế gia vọng tộc lâu đời.
Cuối cùng, qua nhiều biến cố, dưới sự bí mật dẫn dắt của Tô Vũ và công khai dẫn đường của Hạ Du, huyết mạch hoàng thất tiền triều được nhắc tới – Tĩnh Nguyệt công chúa và con trai nàng.
Đến lúc này, Thẩm Nguyệt cũng không ngồi yên nữa, nàng biết cơ hội đã tới, vận dụng quan hệ và danh tiếng trong dân gian, nàng thuận lợi đưa con trai mình lên ngôi, bản thân thành Thái hậu, chẳng những thế, Thẩm Nguyệt còn phong Tô Vũ thành Đế sư, Hạ Du thành thừa tướng, phò trợ và dạy dỗ con trai khi chưa tới tuổi xử lý chính sự.
…
Mười lăm năm sau, đế vương Thẩm Thiên, biệt danh Bắp Chân, tên gọi khác là Tô Tiễn mặc thường phục đứng ở cổng thành tiễn Đế sư và Thái hậu, cũng chính là cha mẹ ruột của mình đi ngao du nhân gian, dưới ánh hoàng hôn, cặp tình nhân sóng bước bên nhau, vai kề vai tạo thành một cái bóng thật dài, gắn bó không chia lìa.