Khi đi tới bờ sông, thuyền đã chờ ở đó từ lâu. Dận Chân vẫn không nói gì, ôm Vân Yên lên thuyền, rồi sau đó vào tiền sảnh trước khoang thuyền.
Hóa ra khu vực Sơn Đông, An Huy, Tô Bắc bỗng nhiên bắt đầu những trận mưa lớn, đê của một số địa phương đã bị vỡ, không chỉ như thế, trên đường đoàn người Khang Hi tới Nhiệt Hà bất ngờ bị tập kích, may mắn ngự giá không làm sao, không gặp nguy hiểm. Tên tập kích là dư đảng của Chu Tam thái tử thời Minh, quả là gan to bằng trời, khiến long nhan Khang Hi phẫn nộ.
Sau kh thuyền đi được khoảng một canh giờ, thì tốc độ dần dần chậm lại, thấy một con thuyền khác đi sát bên.
Vân Yên đứng trong khoang thuyền nhìn ra ngoài, thấy bóng hình khôi ngô trên con thuyền đối diện nhìn hơi quen, y nhẹ nhàng nhảy lên thuyền Dận Chân, quỳ một đầu gối xuống, dập đầu hành lễ đúng chuẩn.
- Nô tài Niên Canh Nghiêu thỉnh an Tứ gia! Tứ gia cát tường!
Dận Chân ngồi trong khoang thuyền xua tay bảo y vào, y đứng lên rồi đi vào. Con thuyền phía sau chầm chậm tách ra, rời khỏi.
Hóa ra Niên Canh Nghiêu này dưới sự dìu dắt của Dận Chân đã trở thành Hàng Châu tướng quân ở thành Hàng Châu, lần này Dận Chân gửi thư gọi y tới, y liền phi ngựa không kể ngày đêm.
Bọn họ ở trong tiền sảnh nói chuyện một hồi lâu, cho đến khi sẩm tối, Vân Yên mới bước vào mời cơm. Niên Canh Nghiêu nhìn Vân Yên, ánh mắt dừng lại trên bả vai nàng chừng hai giây rồi quay đi, lịch sự gật đầu.
Do sáng sớm ngày hôm sau mới đến phủ Giang Ninh, trên thuyền lại nhỏ, một con thuyền nhỏ khác đã đủ cho hai cận vệ, nên Niên Canh Nghiêu thừa ra đành phải ở tạm trong tiền sảnh một đêm, dù sao cũng rộng hơn so với trong khoang thuyền.
Vân Yên không dễ gì mới tìm được tấm chăn nhỏ cuối cùng trong thuyền, ôm tới đưa cho y. Dận Chân đã trở về khoang thuyền, Niên Canh Nghiêu vội vàng nhận lấy, khuôn mặt lạnh nhạt với đôi mắt sâu không nhìn ra biểu cảm gì, người này so với một năm trước rõ ràng hờ hững hơn. Vân Yên cũng không để ý, xoay người trở về khoang thuyền.
Ngày hôm sau, bọn họ cập bến tới nhà trọ phủ Giang Ninh nghỉ ngơi. Mưa càng ngày to hơn, họ thu dọn đồ đạc, đoàn người cưỡi ngựa liên tục mạu chóng quay lại. Đi lên hướng Bắc, mưa càng ngày càng dữ dội.
Lần quay trở này về rất gấp gáp, so với lúc đi thì vất vả cực nhọc hơn rất nhiều. Trên đường đi Dận Chân bắt đầu kiểm tra tu sửa lại đê sông, gom góp tiền bạc cứu nạn. Niên Canh Nghiêu đi bên cạnh Dận Chân, phía trước phía sau là các tùy tùng thị vệ, tuy rằng ít nói nhưng vô cùng tận tâm. Bản lĩnh làm việc và tài năng trí tuệ của y cũng được thể hiện rõ ràng.
Do mưa to nguy hiểm, gió lại lạnh, Dận Chân khi đi ra ngoài làm việc thường không đưa Vân Yên đi theo, chỉ mang theo Niên Canh Nghiêu và một vài thị vệ. Vân Yên thường chờ ở chỗ trọ, cũng không đòi đi theo, ngộ nhỡ bị trúng gió còn khiến cả đoàn phải mệt thêm. Mưa to xối xả, trong lòng nàng nóng như lửa đốt, thường nửa đêm mới chờ được chàng về. Mỗi ngày đều mệt mỏi, cả ngày đều bôn ba trên đường, Dận Chân cũng ít khi trò chuyện được với Vân Yên.
Khoảng thời gian này thật sự rối ren hỗn loạn, vùng ngập lụt sông Hoàng Hà mênh mông trong biển nước, Khang Hi tại hành cung Nhiệt Hà cũng vô cùng bất an, manh nha phản Thanh phục Minh như tro tàn lại cháy.
Trong thời gian đó, khi đến khu vực Trực Lệ, trên đường đi đoàn người Dận Chân còn cứu được một cô gái. Vân Yên chưa từng gặp nàng ta, nhưng khi thị vệ đưa nàng ta đến bên xe ngựa, liếc mắt nhanh một cái, dung nhan tuyệt sắc ấy hình như đã gặp ở đâu rồi. Còn Dận Chân không nhắc tới một chữ về chuyện này.
Khi xe ngựa tới Kế Huyện, Vân Yên mới nhận ra bọn họ không quay trở về kinh thành, mà trực tiếp đi tới sơn trang tránh nóng Nhiệt Hà. Quãng đường không xa, nhưng khi đến sơn trang thì người kiệt sức, ngựa hết hơi.
Dận Chân vừa mới đặt chân xuống, liền định đi bái kiến Khang Hi, chàng hơi ngừng lại, vẫn mang theo Niên Canh Nghiêu cùng vào thiên điện chờ đợi.
Nhóm người Vân Yên nghỉ chân trong một góc ở sơn trang chờ lệnh, nàng lúc này mới có thời gian ngắm nhìn ly cung nguy nga trang nghiêm của hoàng gia. Những tiểu thái giám phụ trách tiếp đãi bọn họ trong sơn trang cũng rất nhiệt tình giới thiệu tình hình vị trí ở đây.
Khu cung điện qua vài năm thi công cuối cùng đã thành hình, tổng cộng có bốn nhóm kiến trúc, là Chính Cung, Đông Cung, Vạn Hác Tùng Phong và Tùng Vạn Trai. Phía bắc cung điện là hệ thống các hồ rộng mênh mông, các đảo trên hồ được bố trí dày đặc, chia thành các khu vực to nhỏ không giống nhau, có thứ tự rõ ràng, cồn đảo đan xen, sóng biếc dập dờn, đẹp không bút nào tả được. Góc đông bắc còn có suối Nhiệt Hà nổi tiếng. Ở dưới chân núi phía bắc khu vực hồ là khung cảnh đồng bằng thẳng cánh cò bay, đất đai rộng lớn, thảm cỏ xanh mát, rừng cây rậm rạp, thảo nguyên mênh mông. Từ phía tây bắc sơn trang nhìn ra, là phong cảnh khiến lòng người ngất ngây như dãy núi nhấp nhô lên xuống, các khe rãnh ngang dọc đan xen vào nhau...
Một lát sau, Dận Chân vẫn chưa trở về, ngược lại có một thái giám tổng quản khuôn mặt tròn tròn mặc trang phục hoa mỹ dẫn theo hai thái giám khác vào. Ông ta vừa tiến vào, các tiểu thái giám xung quanh đều cung kính hành lễ: “Bái kiến Lương Tổng quản.”, Vân Yên cũng làm theo. Hóa ra người này chính là thái giám tổng quản tiếng tăm lừng lẫy, đi theo phục vụ vua Khang Hi từ nhỏ, Lương Cửu Công.
Tướng mạo của Lương Cửu Công mập mạp tròn xoe, đặc biệt là đôi lông mày chữ bát (八) hơi rủ xuống rất dễ làm người khác chú ý. Ông ta hơi hắng giọng, nói:
- Hoàng thượng ban cho Tứ Bối Lặc ở tại Sư Tử Viên.
Một thái giám trẻ tuổi sáng sủa đứng sau ông ta rất ôn hòa tiếp lời:
- Vậy phiền chư vị trước tiên đi theo chúng tôi.
Sư Tử Viên nằm bên kênh Sư Tử dưới chân ngọn núi Sư Tử phía tây bắc sơn trang. Nơi đây có núi cao chót vót, suối trong như ngọc bích, cây cối hoa lá tốt tươi, chim hót ngân nga, cảnh sắc vô cùng tuyệt đẹp
Thái giám trẻ tuổi sáng sủa ấy tên là Lý Đức Toàn, một thái giám vóc người nhỏ bé khuôn mặt lanh lợi khác tên là Ngụy Châu. Hai người bọn họ đều là tâm phúc của Lương Cửu Công, đến sắp xếp phòng cho hạ nhân của Tứ Bối Lặc ở Sư Tử Viên, rõ ràng là đối xử ưu ái có thừa, khiến Vân Yên và Tiểu Ngụy Tử bỗng nhiên cảm thấy sợ hãi khi mình được đối đãi tử tế.
Sau khi bọn họ rời khỏi, Vân Yên, Tiểu Ngụy Tử cùng vài thị vệ khác mới thở phào một hơi, bắt đầu đi thu dọn.
Tiểu Ngụy Tử giương mắt nhìn phía ngoài cửa sổ, Vân Yên liền hỏi y sao vậy. Tiểu Thuận Tử gãi đầu nói, quê chúng tôi ở Thừa Đức, mấy năm rồi chưa có dịp quay về.
Hai người nói chuyện một lúc, Vân Yên mới phát hiện ra mấy năm này sống trong Tứ phủ, nàng ít khi hỏi thăm, ít khi nói chuyện với người khác, thiếu những nguyên tắc đối nhân xử thế cơ thể, những gì nàng biết về những người bên cạnh lại rất ít. Ví dụ như, hôm nay Vân Yên mới biết Tiểu Thuận Tử vốn họ Tô, Tiểu Ngụy Tử vốn họ Trương. Vân Yên cảm thấy xấu hổ, Tiểu Thuận Tử vội nói, người biết trong phủ không nhiều đâu, đến cả bản thân y cũng sắp quên mình họ gì rồi.
Vân Yên đi vào căn phòng chính thu dọn một lượt, rồi tắm rửa. Nàng xõa mái tóc vừa mới gội xong vẫn còn ẩm ngồi xuống chiếc giường nhỏ, mở cửa sổ có song cửa chạm hoa tinh xảo ra, tiếng chim hót và hương hoa thơm ngát tràn ngập trong sân, bầu trời sáng sủa trong xanh.
Đã bao lâu rồi nàng chưa thấy bầu trời trong xanh thế này nhỉ? Rời khỏi Ô Trấn, rời khỏi Hoằng Huy đã hơn nửa tháng rồi. Trong đầu nàng chợt lóe lên, hình ảnh Hoằng Huy mở to đôi mắt hỏi ý nghĩ của chữ yêu là gì, hình ảnh Dận Chân đứng bên bờ sông cúi người thả đèn hoa lan xuống, hình ảnh khuôn mặt xinh đẹp như hoa ấy khi rèm xe ngựa bị gió thổi lên... hình ảnh Dận Chân đứng ở đầu thuyền, nhẹ nhàng vỗ tay...
Vân Yên cố gắng ngước đầu lên nhìn những đám mây trắng trên bầu trời, bầu trời vùng tái ngoại () luôn có màu xanh đặc biệt, mặc cho chua sót khổ sở trong tim nàng đang dần dần lan ra, đến thẳng trăm xương tứ chi.
() Tái ngoại: chỉ khu vực phía bắc Trường Thành Trung Quốc, bao gồm Nội Mông Cổ, Cam Túc, Ninh Hạ, Hà Bắc...