Lúc chuẩn bị khởi hành, Dận Chân và Đại A Ca Dận Thì nhận được nhiệm vụ quan trọng, Vân Yên láng máng nghe thấy việc này có liên quan tới Thái tử Dận Nhưng. Bọn họ chờ một lúc, không xuất phát với đoàn người. Khang Hi cùng Thái tử, Thập Tam, Thập Tứ, Thập Ngũ, Thập Lục, hoàng tử Thập Thất và Thập Bát nhỏ tuổi uy nghiêm dẫn đầu đi về phía biên ải.
Vân Yên đợi suốt cả một ngày đến đêm Dận Chân mới trở về, luôn cảm thấy trong lòng bất an. Vùng biên ải trong tâm trí Vân Yên dường như đã trở thành nơi xảy ra rất nhiều việc. Từ sau trận chiến với đàn sói năm đó, mỗi lần đến luôn có một vụ việc đột ngột xảy ra, nếu không phải là giữa đường quay về, thì cũng là những vụ khiến lòng dạ hoang mang. Vân Yên bất giác nghĩ, lần này rốt cuộc là sao đây?
Trực giác của phụ nữ luôn chuẩn xác bất ngờ, khi Dận Chân kết thúc công vụ thì đã vào tháng tám, không kịp đi tránh nóng, nhưng vừa đúng vào mùa săn. Khi Dận Chân cùng Vân Yên lên đường đến biên ải, sắp đến Nhiệt Hà thì có thư gấp chuyển tới, khuôn mặt Dận Chân bỗng chốc biến sắc.
Trong nháy mắt Vân Yên cảm thấy da đầu mình run lên, lo lắng nhìn chàng. Ngược lại Dận Chân chỉ ôm nàng như muốn nói nàng không cần lo âu. Sau đó chàng ra lệnh cho bên ngoài dừng xe dắt ngựa tới, chuẩn bị cưỡi ngựa cấp tốc đến bãi săn. Vân Yên nghe xong, biết chắc chắn đã xảy ra chuyện lớn.
Dận Chân cũng không nói gì, trực tiếp vén rèm lên, ôm Vân Yên ra ngoài đặt lên lưng Truy Vân, xoay người trèo lên, rồi tiếp tục đi.
Vó ngựa Truy Vân phi nhanh như tên bắn, Vân Yên cũng kịp thời thích ứng. Dẫu sao tốc độ của Truy Vân đối với hai người đều đã quá quen thuộc.
Vân Yên chôn người trong lòng Dận Chân, ôm chặt lấy chàng, không còn sự khó chịu khi ngồi trên lưng ngựa trước đây, mà sự ăn ý và tin tưởng đã hoàn toàn chiếm lấy.
Chạy cả một ngày đường, cho đến khi màn đêm buông xuống, họ mới tới một nơi đóng quân gọi là Vĩnh An Bái Ngang A, lúc này đoàn người của Khang Hi dừng chân tại đó để chữa trị bệnh tình cho Thập Bát A Ca.
Dận Chân sắp xếp Vân Yên ở trong một cái lều tròn Mông Cổ, quần áo nhuốm đầy cát bụi đường dài đến thăm Thập Bát A Ca.
Hai quai hàm của Thập Bát A Ca đều sưng vù, sốt cao không giảm, luôn mồm kêu đau, bệnh có vẻ càng lúc càng nghiêm trọng. Trong lòng Khang Hi vô cùng đau xót, lệnh cho toàn bộ ngự y đi theo túc trực trong lều không được nghỉ. Các a ca cũng đi cùng, thường xuyên đến thăm hoặc canh gác trong lều. Chỉ có Thái tử Dận Nhưng rất ít khi đến.
Khi Dận Chân trở về, nghe chàng miêu tả, Vân Yên mới biết có lẽ cậu bé ấy mắc bệnh quai bị, liền an ủi Dận Chân. Mấy ngày sau, bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm, đoàn người quyết định quay trở về kinh để chữa trị tốt hơn. Nhưng tốc độ đi không thể quá mười hai ngày, sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến bệnh tình của Thập Bát A Ca.
Vào ban đêm, Vân Yên cởi áo cho Dận Chân để chuẩn bị nghỉ ngơi, bỗng nhiên nghe thấy tiếng cãi cọ ồn ào bên ngoài lều, bèn gọi người tới hỏi. Tiểu Thuận Tử vội vàng chạy vào bẩm báo hình như Thái tử gia uống rượu say, đêm hôm cưỡi ngựa giẫm chết một nô tài. Nô tài đó là tùy tùng bên trong lều của Thập Bát A Ca, lúc ra ngoài đi tiểu không biết thế nào bị Thái tử đâm vào.
Dận Chân nghe xong cau chặt mày, sắc mặt trầm xuống. Vân Yên bắt đầu đóng cúc áo lại cho chàng, sửa sang tươm tất. Dận Chân nhanh chóng ra ngoài. Lần này đi đến tận nửa đêm vẫn chưa thấy về.
Vân Yên vẫn không ngủ bất an chờ chàng về, cho đến khi không chịu được nữa nàng mới ra ngoài gọi Tiểu Thuân Tử đến hỏi. Tiểu Thuận Tử nhìn bốn phía xung quanh, kéo Vân Yên vào trong lều nhỏ giọng nói bên tai Vân Yên rằng xảy ra chuyện lớn rồi, sau khi Thái tử gia giẫm chết nô tài đó vẫn tiếp tục uống say cãi vã với Vạn Tuế Gia. Vạn Tuế Gia lửa giận ngùn ngụt, Thập Bát A Ca không nhìn thấy nô tài bên người mình, khóc om sòm không ngừng, sau đó đoán được việc xảy ra thì càng khóc dữ hơn, khóc đến nỗi ngất lịm đi, hiện giờ vừa mới tỉnh lại, gào khóc đến váng đầu xé tim xé phổi, bệnh tình lại trở nặng hơn. Gia chúng ta và các a ca khác đều ở trong đó, chỗ của Vạn Tuế Gia.
Vân Yên nghe xong, tim đập mạnh hơn. Thảo nguyên trong màn đêm mênh mông nhưng đáng sợ, khiến con người không biết xoay sở ra sao.
Sáng sớm ngày hôm sau, Dận Chân mới mệt mở trở về lều của mình. Vân Yên vội vàng đỡ chàng ngồi xuống, cầm khăn nóng lau mặt cho chàng. Hai mắt chàng đỏ ngầu chứng tỏ đêm qua không ngủ. Vân Yên sờ từ trán xuống hàm, rồi bảo chàng nằm ngủ một lát.
Dận Chân ngước đầu lên nhìn nàng, rồi ôm nàng vào trong lòng. Hỏi có phải đêm qua nàng cũng không ngủ phải không? Vân Yên trả lời không sao đâu ạ.
Dận Chân hôn lên đỉnh đầu Vân Yên, nói chúng ta cùng ngủ một lát. Lát nữa tỉnh dậy ta sẽ lại qua đó. Vân Yên đáp vâng, rồi cúi người cởi giầy cho chàng.
Dận Chân ôm lấy cẳng chân Vân Yên, tay trái tìm đến mắt cá chân nàng, cởi đôi giày thêu trên chân rồi đặt xuống đất, ôm nàng cùng nằm trên giường, áp mặt vào trong ngực nàng. Quần áo mỏng manh, hai người đơn giản chỉ da thịt liền kề như thế, ôm chặt lấy nhau không buông. Họ đều mệt mỏi nhưng lại thấy an tâm, nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Ngủ chưa đến buổi trưa, Vân Yên đã tỉnh lại trong lòng Dận Chân, nàng xoay người lại nhìn kĩ khuôn mặt chàng. Gỡ xuống lớp biểu cảm, trên khuôn mặt chàng là vẻ tuấn tú kỳ lại. Hàng mi dày rõ ràng, rọi bóng xuống sống mũi hơi hẹp, làn da sạch sẽ và nhẵn nhụi, quả thật quyến rũ người khác muốn đến gần.
Đang nhìn, thì đôi mắt đen sâu không thấy đáy từ từ mở ra, mang theo nét cười dí dỏm. Đôi môi mỏng bỗng nhiên thốt ra:
- Nhìn rồi có thấy hài lòng không?
Mặt Vân Yên đỏ rực, muốn ngồi dậy. Dận Chân kéo nàng xuống, hôn nàng một cái thật sâu mới xuống giường.
Tay chân Vân Yên nhanh chóng mặc quần áo cho cả hai người, sau đó lại sắp cơm cho chàng ăn. Dận Chân vội vã ăn mấy miếng rồi ra ngoài.
Rạng sáng ngày mùng bốn tháng chín, bệnh quai bị của Thập Bát A Ca dường như đã chuyển biến nặng thành viêm màng não, tờ mờ sáng, khi mặt trời sớm mai còn chưa ló rạng, Thập Bát A Ca qua đời, khi ấy chỉ mới tám tuổi.
Khang Hi vô cùng thương tâm, mấy lần ngất đi rồi tỉnh lại. Trong lều hoảng sợ rối loạn. Các hoàng tử a ca cũng rất đau lòng, họ đều tập trung hầu hạ trước vua, chỉ có Thái tử lững thững đến muộn, sắc mặt sầu bi. Khang Hi vừa mới tỉnh lại tức giận quát tháo anh ta.
Có lẽ tất cả mọi người đều có thể cảm thấy nguy hiểm manh nha trong chuyến đi này, chỉ có điều không biết nó sẽ bùng nổ khi nào ở đâu, đành phải chịu đựng quay trở về kinh thành.
Thế nhưng “sự dữ nguyện vỹ, họa vô đơn chí” (), lúc này lại đồng thời xảy ra một việc lớn khác, hoàn toàn lật đổ thế cục bình yên ban đầu.
Ban đêm Khang Hi phát hiện ra Thái tử Dận Nhưng không chấp hành lệnh cấm túc, không chỉ nhiều lần đến gần lều của ông ta, mà còn dùng dao găm rạch mở cửa lều, từ kẽ hở dòm ngó bên trong. Chuyện này xảy ra, quả thật là “đất bằng nổi sóng”.
Hành động này gắn liền với mấy chữ bất hiếu, giết vua, nghe đến là xương sống lạnh buốt. Có lẽ nghi ngờ của tất cả mọi người đều không có cơ sở, nhưng Khang Hi đã nghi ngờ rồi, ông ta tức giận không nguôi, vô cùng đau đớn, lập tức hạ lệnh, giam giữ Dận Nhưng.
Ngày hôm sau, khi tới hành cung Bố Nhĩ Cáp Tô Đài, Khang Hi triệu tập tất cả vương công, đại thần, tùy tùng, văn võ bá quan tới trước hành cung. Ông cho người mang Thái tử Dận Nhưng tới quỳ xuống trước mặt, vừa kể tội Dận Nhưng, vừa đau khổ khóc, như sắp ngã vật xuống đất. Nét mặt ông ta mệt mỏi thê lương, hạ lệnh “lập tức tử hình” hai con trai của Sách Ngạch Đồ - người cầm đầu Thái tử đảng là Cách Nhĩ Phân, A Nhĩ Cát Thiện cùng với đám tùy tùng đi theo Dận Nhưng là Nhị Cách, Tô Nhĩ Đặc, Cát Thập Thái, Tát Nhĩ Bang A...
Khang Hi là một ông vua vĩ đại nhưng cũng chỉ là một ông bố, trong mấy ngày liền, tội mưu sát vua và em trai của Thái tử, đứa con ông ta thương yêu nhất như một cuộc tập kích thiêu hủy tất cả, chưa về đến cung nhưng ông ta đã hôn mê bất tỉnh.
Khi Khang Hi tỉnh lại trong cơn sốc, dường như đã hạ quyết tâm. Ông ta lo di hài Thập Bát A Ca bị hư hại, hạ lệnh tăng tốc quay trở về. Sau đó, Khang Hi bắt đầu ít triệu người vào gặp, chỉ ở một mình, bỗng chốc già đi mười tuổi.
Dận Chân đau lòng vì chuyện này, trong lòng Vân Yên đều hiểu rõ. Chàng mỗi đêm không ngại mưa gió đều đến thỉnh an theo lệ cũ, cho dù không gặp được Khang Hi. Vân Yên không khuyên nhủ chàng, đêm đêm đều im lặng tiễn chàng đi, rồi lại đứng bên lều chờ chàng về.
Mùng bảy tháng chín, Khang Hi hạ chỉ cho Bát Bối Lặc Dận Tự ở kinh thành thay quyền làm tổng quản phủ nội vụ. Hành động khó hiểu này đã làm xáo động toàn triều, ông ta bỗng nhiên tín nhiệm và trọng dụng Bát A Ca đang ở trong kinh thành.
Ngày mười sáu tháng chín, chuyến đi đầy khó khăn cuối cùng cũng tới kinh thành. Có lẽ không có chặng đường nào gian nan hơn chặng đường này, trong biến động bất ngờ, nhân gian đã thay đổi.
Vừa chạm chân tới Tử Cấm Thành, Khang Hi lệnh cho Thượng Tứ Viện phụ trách nuôi ngựa trong hoàng cung làm một cái lều bằng vải nỉ, đưa Dận Nhưng vào trong đấy, lại lệnh cho Hoàng Tứ Tử Dận Chân và Hoàng Trưởng Tử Dận Thì cùng canh gác. Còn tất cả gia nhân cung nhân trong phủ Thái Tử đều bị giam cầm trong phủ, không được phép bước khỏi cửa cung nửa bước.
Hôm đó, Khang Hi triệu tập các chư thần vào trong Ngọ Môn, nói về chuyện Thái Tử phạm tội, phế bỏ chức Thái Tử.
Ông ta nói rằng: “Khi Dận Nhưng còn nhỏ, trẫm đích thân dạy đọc sách, sau đó ủy nhiệm cho đại học sĩ Trương Anh dạy, lại lệnh cho Hùng Tứ Lữ lấy đạo đức làm tiền đề dạy học, cũng lệnh cho các quan lão thành trong viện Hàn Lâm đi theo, sớm chiều dạy bảo, nên không thể nói không biết đạo lý. Hơn nữa cưỡi ngựa bắn cung, văn học, thi ca lại không bằng với người khác, nay dựa vào ma quỷ, che giấu bản tính, kích động làm loạn, hành động lời nói khác thường, không biết yên phận, chuyển nhà nhiều lần, ăn nhiều mà không biết no, uống nhiều mà không biết say. Đặc biệt, sau khi tra hỏi kĩ càng, phát hiện ra nhiều chuyện kinh sợ hơn. Quan sát thấy, trừ phi là bệnh điên mới làm ra được chuyện này. Vài ngày nữa trẫm lập tức bố cáo với trời đất, thái miếu, xã tắc, phế bỏ Thái Tử, cấm túc cả đời.”
Sau đó, Khang Hi tự tay viết cáo trạng, ngày mười tám bố cáo với trời đất, thái miếu, xã tắc. Hoàng Thái Tử bị phế bỏ được giam trong cung Hàm An, ngày hai mươi bốn, thông báo tới toàn thiên hạ.
Dận Chân và Đại A Ca Hoằng Thì phụng mệnh coi giữ Thái Tử bị phế Dận Nhưng trong cung Hàm An, Vân Yên muốn đi theo Dận Chân vào cung để hầu hạ, nhưng Dận Chân cân nhắc nói trong cung Hàm An đều là thị vệ binh lính, Phế Thái Tử đêm ngày gào thét không ngừng, trong cung rối ren, không yên tâm để Vân Yên đi theo. Nên chọn Tiểu Thuận Tử đi cùng. Vân Yên cảm thấy lo lắng, hai người thân mật với nhau một lúc mới rời.
Trong mấy ngày này, Dận Chân và Dận Thì luân phiên gác đêm, cũng trở về nhà được hai lần. Mỗi lần về nhà, hai người đều cảm thấy một ngày không gặp như cách xa ba thu. Mỗi giây phút ở nhà đều nắm chặt tay không buông.
Lúc Dận Chân ôm lấy đầu gối Vân Yên, chàng tháo chiếc lệnh bài bằng ngọc Dương Chỉ trên eo xuống, trên đó chạm rỗng một chữ “Chân”. Chàng đặt lệnh bài bằng ngọc vào tay Vân Yên, nói, nhìn thấy lệnh bài này chính là nhìn thấy ta. Rồi ngừng một lát, nói tiếp, nếu như có chuyện gì, nàng chỉ cần giơ nó lên là được. Vân Yên nắm chặt lệnh bài bằng ngọc nóng rực trong tay, gật đầu.
Trong phủ cũng đều hoang mang (), Dận Chân giao cho Đích phúc tấn Na Lạp thị quản lý chỉnh đốn trong phủ, tuyệt đối không được xảy ra rắc rối gì. Na Lạp thị cũng vô cùng cung kính nghiêm cẩn nghe theo.
Mỗi lần đưa Dận Chân ra khỏi cửa, Vân Yên đều luôn dõi theo cho đến khi bóng lưng chàng biến mất, luôn có cảm giác không biết lúc nào mới có thể gặp lại nhau.
Nhưng, buổi tối ngày hai mươi hai tháng chín, vốn dĩ Dận Chân thay ca trực có thể về nhà, chàng lại không trở về.
() Sự dữ nguyện vỹ, họa vô đơn chí: kết quả sự việc trái với ý muốn ban đầu, họa dồn dập kéo đến.
() Nguyên văn là “草木皆兵”: Có nghĩa là cây cỏ đều là binh lính. Phù Kiên thời tiền Tần dẫn binh tấn công Đông Tấn, tiến đến lưu vực sông Phì Hà, leo lên thành Thọ Xuân nhìn ra xa, thấy quân Tấn đội hình chỉnh Tề, lại nhìn ra núi Bát Công xa xa, thấy cỏ cây trên núi lại tưởng là quân Tấn, cảm thấy sợ hãi. Sau này thành ngữ này còn dùng để chỉ lúc hoang mang, trông gà hóa cuốc.