Dịch: Hân Di
Chạng vạng một ngày giữa hè, cuối cùng thì tiếng ve kêu rền rĩ cả ngày cũng tạm ngừng một lát.
Hà Đại Tiến vác cuốc trên vai, rảo đôi chân trần lấm lem bùn đất băng qua con kênh về nhà. Vóc người ông gầy gò. Thật ra ông rất cao, nhưng tấm lưng đã còng xuống qua những năm tháng làm ruộng và chăm lo vườn cây ăn quả, cho nên trông ông không cao, cũng chẳng được nhanh nhẹn cho lắm.
Ông vừa ngâm nga điệu hát dân gian vừa nhanh chân trở về, rửa sạch sẽ cuốc và chân tay trong mương nước nhỏ trước nhà. Tám giờ tối, con dâu cả đã nấu cơm xong, gọi ông về ăn cơm.
Hà Đại Tiến có hai người con trai và một người con gái. Con gái lấy chồng trong thành phố, ông ở cùng gia đình người con trai cả.
Mấy năm trước, ông và cụ bà thuê ba ngọn núi nhỏ để trồng cây ăn quả. Nhưng vừa trồng cây giống xong, cụ bà đã qua đời. Con trai cả của ông bà làm việc ở công trường, con dâu cả cũng không thiết tha gì vườn cây ăn quả này, cho nên mọi việc đều do một tay ông chăm lo.
Con dâu cả xào một đĩa rau cải xanh to và kho một nồi thịt. Lúc Hà Đại Tiến ngồi vào mâm, con trai và con dâu đã ăn được một nửa.
Hà Đại Tiến chỉ ăn lưng bát cơm là xong bữa. Sau khi cơm nước xong xuôi, con dâu cả nói:
- Gần đây lại có mấy người thanh niên đến thôn chúng ta hỏi thuê nhà trọ. Ba, hay là chúng ta cũng cho thuê cái nhà hoang đằng sau đi, dù gì một năm cũng kiếm được ba trăm đồng, đỡ được tiền dầu muối.
Hà Đại Tiến cau mày hỏi:
- Họ tới thôn mình làm gì?
- Bọn họ nói là học theo Đạo gia, "Ích Cốc" gì gì đó.
Con trai cả giải thích sơ sơ:
- Có nghĩa là tuyệt thực, hấp thu tinh hoa của tự nhiên, tìm nơi rừng sâu núi thẳm an tĩnh, tâm hồn yên bình.
- Có cái rắm ấy!
Hà Đại Tiến mỉa mai:
- Đúng là một lũ trẻ ranh vô công rồi nghề. Tuyệt thực hả? Còn ăn no được thì cứ vui vẻ mà ăn đi.
Cô con dâu không quên tiền dầu muối, lập tức nói:
- Sao lại không cho thuê chứ, cũng chỉ là mấy căn phòng đất thôi mà, chẳng mấy năm nữa thì sập.
Con trai cả cũng khuyên:
- Đúng thế ba. Hơn nữa, người ta nói, nhà phải có người ở mới được lâu bền, nhà bỏ hoang không có người ở sẽ thành ổ chuột đấy.
- Thuê cái chó gì. Đó là nhà của tao và mẹ chúng mày ở ngày trước, cho người ngoài vào ở thì ra cái giống gì.
Hà Đại Tiến nói thêm:
- Chúng mày ăn no rửng mỡ nghĩ cách kiếm mấy đồng bạc này, chẳng thà đi chăm vườn cây ăn quả với tao. Tao cũng nhiều tuổi rồi, sắp không leo nổi ba ngọn núi kia, chẳng chóng thì chày cũng phải giao cho chúng mày chăm sóc.
Nhắc tới vườn cây ăn quả, con dâu cả sa sầm nói:
- Ba ơi, vườn cây này phải dựa vào ông trời kiếm cơm, còn chẳng kiếm nhanh bằng chúng con đi làm công trường.
- Làm ở công trường là làm công cho người khác. Còn vườn cây ăn quả là của mình, dù gì mình cũng làm ông chủ.
Con dâu cả cười khẩy:
- Năm ngoái thời tiết không tốt, đúng vụ quả chín rộ thì trời mưa một trận như trút nước, đào và mận bị nứt hết sạch, trời đã không thương, không cho cơm ăn thì có cố gắng mấy cũng thành công cốc thôi.
Hà Đại Tiến nghẹn họng không nói ra lời, nhưng ông vẫn không muốn từ bỏ vườn cây ăn quả của mình, ông nói:
- Ăn cơm đi, lát nữa tao còn phải mang đào qua cho cậu chúng mày.
Con trai cả nhìn qua đồng hồ treo tường, hỏi:
- Ba định vào thành phố giờ này à?
- Cậu mày thích ăn đào, giờ tranh thủ đào còn tươi tao mang qua, đợi sáng mai héo hết mất.
- Vâng. - Anh con trai lại ăn thêm một bát cơm, cũng chẳng muốn đi đưa đào thay ba.
Cháu trai ông hỏi:
- Ông nội ơi, ông đi ra ngoài buổi tối không sợ ạ? Mẹ cháu nói buổi tối ở ngoài có ma quỷ, không cho cháu ra ngoài chơi.
Hà Đại Tiến cười khà một tiếng, nói:
- Năm đó ông nội vào núi đốn gỗ, hơn nửa đêm còn đang kéo gỗ từ trong rừng ra, ông không sợ đi đường đêm.
Cô con dâu cười nhạo:
- Năm đó là năm nào? Có mà năm mươi năm trước ấy. Tuổi ba đã cao rồi, còn nói gì chuyện trước đây nữa.
Hà Đại Tiến thường xuyên bị cướp lời, ông cũng không nói tiếp sự tích anh hùng hồi đó nữa, nhưng vì không muốn bị bẽ mặt trước mặt cháu trai nên vớt vát một câu:
- Với lại ông còn có một chiếc xe ba bánh nữa.
Chiếc xe ba bánh của Hà Đại Tiến không phải xe ba bánh chạy bằng điện () mà là xe đạp ba bánh (). Sau khi ăn tối xong, ông xếp một sọt đào mới hái lên xe, chuẩn bị vào thành phố.
() xe ba bánh chạy bằng điện, xe đạp ba bánh: mời vào topic thảo luận xem ảnh minh họa.
Trước khi ông lên đường, con trai cả sực nhớ ra một chuyện, nhắc nhở:
- Ba, con nghe nói gần đây bên sông có xảy ra mấy chuyện ma quỷ, giờ này ba đừng đi qua đó nhé, nhỡ không may bị cái gì không sạch sẽ bám lấy.
- Ba có làm gì trái lương tâm đâu mà phải sợ.
Hà Đại Tiến ngồi lên xe, chân dẫm lên bàn đạp. Ông nhìn con trai lấm lem bụi bặm đã làm việc cả ngày ở công trường, khoát tay:
- Mau vào đun nước tắm đi, đun cả nước cho ba nữa, ba đưa đào cho cậu xong sẽ về liền.
- Vâng.
Anh con trai hờ hững trả lời một câu, cũng không chờ ông đi xa đã quay về nhà.
__________
Trong thành phố xe cộ đi lại như nước, vô số bánh xe ma sát trên mặt đường nóng bỏng, khiến thành phố náo nhiệt lại càng nóng bức hơn.
Tống Kim thuở nhỏ vốn là con nhà giàu, cậu ấm cô chiêu. Sau này nhà ông bị đấu tố(), phải chịu khổ mấy năm. Sau khi cả nhà vất vả thoát được, ông tự bươn chải gây dựng sự nghiệp, còn bị cha ông giận đến mức cắt hết trợ cấp. Khi đó làm gì cũng khó khăn, không dám tiêu hoang một cắc.
() đấu tố: dùng lí lẽ và bằng chứng để vạch tội và đánh đổ cường hào, địa chủ trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân (từ thường dùng trong cuộc vận động cải cách ruộng đất trước đây)
Về sau, ông làm ăn lớn hơn, có tiền rồi nên không tiết kiệm nữa, có khi còn hơi hoang phí.
Nhưng tối nay, ông lại cho người giúp việc tắt hết điều hòa.
Vì vậy, trong ngày hè nóng nực, cả nhà đều phải chịu nóng ăn một bữa cơm nặng nề tới chết người với ông, cộng thêm hôm nay người giúp việc nấu canh nóng, uống mấy hớp nóng đến mức cả người bốc khói, ai nấy đều cầm khăn lau mồ hôi liên tục.
Mặc dù bây giờ Tống Kim đã già cả, nhưng trước kia, thời còn trẻ ông cũng là một anh chàng đẹp trai, mày kiếm mắt sáng. Sau này không được đẹp trai như lúc trẻ nhưng mọi cử chỉ vẫn rất lịch thiệp. Cho dù bây giờ mồ hôi túa ra như tắm, nhưng tư thế ngồi của ông vẫn ngay ngắn, không hề có cảm giác tay yếu chân run.
Nhưng những người cùng ăn đã nhấp nhổm không yên.
- Mẹ ơi, con nóng!
Cháu trai nhỏ của Tống Kim không chịu nổi kêu lên, Tống Kim lờ đi không để ý. Một lúc sau cậu bé lại than:
- Mẹ ơi, con nóng!
Mẹ cậu bé còn chưa lên tiếng, Tống Kim đã trợn mắt mắng:
- Chịu khó đi. Ăn không nói, ngủ không nói. Quên hết phép tắc ăn cơm rồi à?
Cháu trai mới có chín tuổi đầu bị ăn mắng, chưa gì đã cay cay sống mũi. Cậu bé cầm đũa, nước mắt tí tách rơi nhưng không dám khóc thành tiếng.
Anh con trai út thấy con trai mình bị mắng, nói:
- Ba, chúng con cũng nóng nhưng có thể chịu đựng, còn bọn trẻ sao chịu đựng được chứ? Đến con cũng không muốn ở đây chịu nóng như lồng hấp, nói gì đứa trẻ con. Bây giờ có điều kiện, tại sao phải chịu khổ chứ?
- Con người phải chịu được khổ mới có tuơng lai!
- Phải chịu được khổ, nhưng cũng không cần chịu những nỗi khổ không cần thiết chứ.
Anh con trai út thấy ông tiếp tục ăn cơm, nói luôn:
- Vậy ba ra ngoài đừng ở khách sạn năm sao, ở khách sạn nhỏ đi. Cũng đừng ăn thịt nữa, ăn chay đi. Sao ba không chịu những nỗi khổ này chứ?
- Tiền của tao, tao thích dùng thế nào thì dùng!
- Vâng, ba nói gì cũng đúng.
Anh con út vừa nói vừa nhìn quanh bàn, phát hiện bao nhiêu người đều im thít, không một ai bênh vực cho mình, âm thầm thở dài một hơi.
Chỉ có anh không sợ chết, dám cãi lời ma vương.
Quả nhiên Tống Kim nổi giận, chợt vỗ bàn quát:
- Đủ lông đủ cánh rồi hả! Mới cho chúng mày chút cổ phần đã dám lên mặt với tao!
Ba người con trai cùng dừng lại, thả đũa xuống nói:
- Ba nói lời này hơi khó nghe.
- Khó nghe à? Lúc cầm cổ phần của tao sao không thấy chúng mày nói tao nói chuyện khó nghe?bg-ssp-{height:px}
Ba người không nói gì nữa, bầu không khí trở nên căng thẳng. Con dâu thứ hai nhìn bầu không khí lúng túng, cười cười nói:
- Ba à, mấy ngày nữa là sinh nhật Tiểu Thất, hay là chúng ta tổ chức một buổi tiệc sinh nhật ở nhà đi.
Tống Kim nghe xong gắt:
- Tiệc sinh nhật? Một đứa trẻ con cần gì tổ chức tiệc sinh nhật? Mẹ chúng mày còn chẳng có ngày sinh nhật nào tốt đẹp.
Con dâu hai mất hứng, ba người con trai rốt cuộc mất hết kiên nhẫn, đặt đũa xuống, đưa vợ con đi. Trong chốc lát, trên bàn ăn chẳng còn một ai ngoài Tống Kim.
Ông nhìn phòng ăn vắng vẻ, bàn ăn trống trải, chợt cảm thấy không thoải mái. Ông ném đôi đũa xuống đất, quát lên như sấm:
- Bất hiếu!
Bà giúp việc đứng ở xa muốn nói lại thôi. Tính tình độc đoán chuyên quyền này giống y như Tần Thủy Hoàng, ba vị thiếu gia chẳng ai chịu nổi.
Tống Kim cũng chẳng còn khẩu vị gì, gọi điện bảo tài xế đánh xe ra.
Chờ tài xế lái xe tới, Tống Kim bảo anh ta xuống xe. Người tài xế ngập ngừng một chút, rồi hỏi:
- Ông chủ, ông muốn tự lái xe sao ạ? Giờ đã tối rồi...
Tống Kim thở hổn hển nói:
- Tôi mới bảy mươi hai tuổi đã không thể lái xe sao hả? Tôi lái được! Tôi còn chưa già!
Tài xế rùng mình một cái, vội vàng nhường lại vị trí ghế lái cho ông, trơ mắt nhìn Tống Kim lái xe đi. Một lát sau, bà giúp việc nghe tiếng động chạy ra, hốt hoảng nói:
- Ôi trời! Gần đây mắt ông chủ không được tốt cho lắm.
- Ông ấy muốn tự lái, tôi còn biết làm gì nữa? Ông ấy bị cái gì kích thích thế?
Bà giúp việc nói:
- Vừa tranh cãi với các cậu chủ, tối nay tính tình ông ấy vô cùng kém. Ông ấy vô cùng soi mói, lại còn chỉ trích các cậu chủ một cách vô lý nữa.
- Tình tình vô cùng xấu? Soi mói?
Người tài xế làm việc cho Tống Kim hơn hai mươi năm bỗng nghĩ tới điều gì đó, bật thốt:
- Hôm nay là ngày giỗ của bà chủ.
Bà giúp việc chợt hiểu ra.
Ngày giỗ của bà chủ, nhưng các con không một ai nhớ tới.
Không thể trách được ông Tống giận giữ, muốn gây gổ, vừa nghe nhắc tới chuyện tổ chức sinh nhật đã quát tháo như sấm.
Tất cả những người được gọi là người thân đều cảm thấy ông ấy không đúng, nhưng chẳng một ai suy xét tới nguyên nhân thật sự.
Ông Tống thật đáng thương.
Xe đã đi xa, chiếc xe màu đen chìm vào trong màn đêm rực rỡ ánh đèn. Tống Kim cũng chẳng biết mình muốn đi đâu.
Ông bình tĩnh nhìn lối rẽ trước mặt, rẽ trái là đi tới đường cao tốc, rẽ phải là đường đi tới ngoại ô.
Ông suy nghĩ một chút, rẽ vào con đường bên phải. Tới ngoại ô đi, ít nhất còn được yên thân.
Nghe tiếng dế kêu cũng tốt, ít nhất bọn dế sẽ không gây sự với ông.
___________
Ngồi thừ trong bệnh viện nửa ngày mời lấy lại sức đứng dậy đi ra đường, Đường Tam Bàn nhìn con phố đèn hoa rực rỡ bên ngoài, trong đôi mắt lại tràn ngập sự u ám.
Ông nhìn lại quyển sổ khám bệnh, không, là lá bùa đòi mạng, một lần nữa.
- Thời kỳ cuối à...
Ông lão to béo than thở một câu, không có chút sức lực nào.
Ông Đường Tam Bàn bảy mươi hai tuổi. Ở tuổi này, ông đã chẳng còn sợ điều gì nữa. Ông cũng có chút tiếc nuối những chuyện cả đời này chưa thể làm, nhưng dù sao đó cũng là chuyện của năm mươi năm trước rồi, cũng không còn quá tiếc nuối.
Không có cha mẹ già, chẳng có con nhỏ, không có nhà, cũng chẳng có xe. Ông lão Đường Tam Bàn "bốn không" cảm thấy chẳng có gì phải lo lắng cả. Ông nhét cuốn sổ khám bệnh vào túi, quyết định chết thì chết.
Muốn chết có rất nhiều cách, ông Đường Tam Bàn sợ đau, không dám cắt cổ tay, cũng không tính chuyện đốt than sợ gây phiền toái cho chủ nhà. Nhảy lầu thì ông không dám, sợ máu me dây ra đầy đất, khi lên báo đài quá khó coi, bị người khác nhìn thấy.
Vì vậy, ông tìm một cách chết không tệ, lại khó bị người khác tìm thấy: nhảy sông.
Ông tìm một con sông vừa sâu vừa chảy xiết trong thành phố, cuối cùng quyết định chọn con sông Trường Sinh.
Có chút châm chọc.
Sông Trường Sinh ở ngoại ô, cách thành phố hơi xa, đi xe tới cũng mất khoảng nửa giờ. Nhưng hơn nửa đêm tới chỗ đó, kiểu gì tài xế cũng hỏi nhiều, nếu gặp phải tài xế tốt bụng có khi còn nhất định quay xe chở ông về, vậy thì ngại lắm. Đường Tam Bàn quyết định lái chiếc xe đạp điện nhỏ của mình tới.
Vừa mới mở khóa chiếc xe đạp điện, ông đã ngửi thấy mùi thức ăn thơm lừng từ đâu bay tới. Mùi thịt và mùi cay cay bay từ xa tới, ông lão Đường Tam Bàn có thâm niên lê la hàng quán hít một hơi thật sâu, chân tự động rẽ phải.
Trước khi chết, ông phải ăn một bữa thật ngon mới được, nhất quyết không làm một con ma đói hơn ba trăm cân()!
()cân Trung Quốc: cân = ,kg.
_______________
Đêm dài miên man, rời khỏi thành phố, nhiệt độ trên mặt đường bỗng giảm đi trông thấy. Đường Tam Bàn lái con xe đạp điện chậm rãi ra khỏi thành phố, đi về phía ngoại ô.
Xa xa có tiếng nước chảy ầm ì. Ông ở trên bờ dõi mắt nhìn dòng sông mênh mông, nước chảy cuồn cuộn.
Đây chính là dòng sông Trường Sinh, ít phút nữa thôi, dòng sông này sẽ thu nhận thân xác to béo của ông.
Ông dừng xe, còn chu đáo dắt xe vào vệ đường để không ngáng đường xe khác. Ông băng qua bãi cỏ xanh rì trên dốc đê, chậm rãi đi xuống. Tới bờ sông, ông lặng nhìn tấm biển cảnh báo: "Nước sâu nguy hiểm" một lát.
Rồi ông hít một hơi thật sâu, chạm tay vào làn nước. Trong đêm hè nóng như thiêu như đốt, không hiểu sao dòng nước mát mẻ khiến ông không còn sợ cái chết như trước nữa, ngược lại còn sinh ra cảm giác sảng khoái khi được giải thoát.
...
- A... í... a... i... à... ì... a....
Hà Đại Tiến vừa đạp xe ba bánh vào thành phố chở đào cho cậu em vợ, vừa ngâm nga hát. Đi tới đoạn đường bên bờ sông, bỗng ông nhìn thấy một chiếc xe đạp điện nhỏ dừng bên vệ đường. Theo bản năng, ông nhìn ra sông, thấy trên mặt sông có nửa bóng người đang nhấp nhô, ông sợ thắt cả ruột.
Không biết có phải quỷ nước mà con dâu nói không đây.
Hà Đại Tiến vội vàng đạp xe, nhưng đạp được hai vòng, ông khựng lại.
Không đúng, làm gì có con quỷ nước nào đi xe đạp điện!
Ông đột nhiên ý thức được có điều gì không đúng, nhìn lại mặt sông lần nữa, thấy bóng người kia chỉ còn một phần ba.
Rõ là người này muốn nhảy sông tự sát!
- Ê! Ê!!!
Hà Đại Tiến hô to, nhưng vì khoảng cách quá xa nên người đó không hề nghe thấy gì. Hà Đại Tiến vội vàng nhảy xuống xe, chạy như bay xuống bờ sông.
....
Ban đêm không có tiếng ve sầu, nhưng lại có tiếng dế mèn kêu rả rích. Tống Kim vừa lái xe vừa hạ kính xuống để nghe bản hòa nhạc từ thiên nhiên. Tâm trạng ông vừa mới tốt hơn, lại trông thấy trước mặt có một con xe ba bánh chắn đường.
Thật hết sức cáu tiết.
Ông xuống xe, mắng:
- Xe của ai đây? Ai lại thất đức dựng xe chình ình giữa đường thế này?
Ông mắng vốn mấy câu, giọng cũng khá lớn, nhưng không thấy ai xuất hiện. Ông tức giận muốn dắt xe ra chỗ khác, nhưng ai ngờ chiếc xe này phanh không ăn. Trong tích tắc, bánh xe nghiêng xuống con dốc, sọt đào để trên xe cũng bị nghiêng theo, cả cái xe bị mất thăng bằng cùng đổ xuống dốc. Tống Kim không đủ sức kéo chiếc xe lại, trơ mắt nhìn nó lăn xuống sườn dốc, đào cũng bị rơi ra lông lốc.
- Đào!
Tống Kim vội vàng đuổi theo, thiếu chút nữa rơi xuống sông cùng với mấy quả đào.
Đào rơi tứ tung trên mặt cỏ xanh, bị dập nát nhiều. Tống Kim cau mày, thật là xui xẻo. Ông đang định để lại số điện thoại cho người chủ chiếc xe, bỗng nghe thấy tiếng kêu cứu trên sông.
Ông nhìn qua, thấy hai bóng người nhấp nhô lúc ẩn lúc hiện trên mặt sông, vội vàng vứt quả đào trong tay, chạy ngay tới.
Hà Đại Tiến khá cao nhưng gầy gò như cây sào trúc, không tài nào kéo nổi Đường Tam Bàn như cái cối xay. Đường Tam Bàn bị sặc nước nên dùng hết sức vùng vẫy, suýt nữa thì lôi cả Hà Đại Tiến xuống sông.
Trong lúc Hà Đại Tiến cân nhắc có nên bỏ lại ông ta hay không, thì bỗng có một ông già mặc Âu phục từ đâu chạy tới, đưa tay ra:
- Mau cầm lấy tay tôi, tôi kéo hai người lên!
Hà Đại Tiến túm ngay lấy tay người này. Ai dè, Đường Tam Bàn bị sặc nước, thân thể như con cá chép lớn, xoay người đạp nước một cái. Tống Kim đang kéo người lên lại bị ông ta kéo, rơi tòm xuống nước.
Tống Kim sửng sốt, chợt nhớ ra mình không biết bơi, sợ hãi kêu to:
- Cứu! Cứu với! Cứu tôi với!
Ba ông lão cộng lại hơn hai trăm tuổi vùng vẫy trong nước cả nửa ngày trời, uống một bụng nước, dần dần đuối sức, dần dần mất ý thức.
Trên bầu trời tối đen bỗng một tia chớp lóe lên, giống như con rồng lửa xé toạc bầu trời, bổ ra một vùng xanh thăm thẳm.
Trong lúc sắp ngất đi, ba người dường như đã nhìn thấy cảnh tượng rực rỡ nhất mùa hè.
Xa xa có người kêu lên, có người gọi điện thoại, có người đi về phía này.
Ba người chậm rãi nhắm mắt lại, hoàn toàn ngất đi.