Trong dân gian lưu truyền câu chuyện về ba người Mỹ từ bang Los Angeles tới Trung Quốc du lịch. Đó là lần đầu tiên họ tới Trung Quốc. Người Mỹ đầu tiên đi du lịch ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Hồng Kông. Ông ta nhận xét rằng: Trung Quốc có các thành phố hiện đại, những khách sạn sang trọng, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đời sống cao, là một quốc gia phát triển, so với San Francisco, Los Angeles, Tokyo, London, Paris cũng không có gì khác nhau. Người Mỹ thứ hai đi tham quan Hà Nam, Sơn Tây, Thiểm Tây, Tân Cương và khu vực Đông Bắc, ông ta còn tới vài thành phố nữa, sống ở đó vài hôm. Trong mắt ông ta, Trung Quốc là một quốc gia có mức thu nhập trung bình. Người Mỹ thứ ba thích du lịch ở các vùng nông thôn, ông ta đi qua các vùng như Cam Túc, Quý Châu, Thanh Hải, Nội Mông, cảm nhận cuộc sống dân dã ở vùng nông thôn. Kết luận của ông ta là Trung Quốc là một nước đang phát triển lạc hậu. Không thể phủ nhận rằng, những gì mà ba người Mỹ này nhìn thấy đều là sự thực, nhưng họ chỉ có cái nhìn phiến diện nên khó tránh khỏi việc đưa ra những nhận xét sai lầm. Bộ mặt thật của Trung Quốc phải là sự tổng hòa của cả ba nhận xét trên. Ba người Mỹ này đã cùng nhau viết nên câu chuyện “Thầy bói xem voi” thời hiện đại.
Chuyến đi xa nhà làm thuê của Cùng Hoa lần này còn thu được những trải nghiệm sâu sắc và toàn diện hơn ba người Mỹ trên. Cô cùng Đại Xuân và Viên Quế Hương bình an đi tới nơi cần đến. Trong cuộc hành trình dài hơn hai mấy tiếng đồng hồ này, họ đã từng ngồi xe kéo, xe khách đường dài, xe lửa chạy bằng khí đốt, xe lửa điện khí hóa, đoạn đường cuối cùng, họ đi bằng tàu điện ngầm. Bọn họ đã cảm nhận được sâu sắc sự khác biệt về giao thông giữa nơi tiên tiến nhất và nơi lạc hậu nhất. Về mặt địa lí, họ đã vượt qua khu vực lạc hậu nhất Trung Quốc, khu vực có thu nhập trung bình và cả khu vực có nền kinh tế phát triển. Chỉ trong một đêm, Cùng Hoa gần như đã vượt qua khoảng thời gian năm mươi năm phát triển trong lịch sử của đất nước Trung Hoa hiện đại.
Đại Xuân và Viên Quế Hương dẫn Cùng Hoa đi ra khỏi ga tàu điện ngầm bằng thang máy tự động. Họ đi tới khu biệt thự ở phía đông, nơi mà Đại Xuân và Viên Quế Hương làm việc. Khu biệt thự phía đông là một tiểu khu có phong cách kiến trúc mang đậm nét châu Âu, khu vực này dựa lưng vào ngọn núi phía đông thành phố, mặt nhìn ra hồ Đông, là một vùng đất lành mà theo phong thủy gọi là “đội sơn đạp thủy”. Dọc hai bên hồ, người ta cho xây mấy chục căn biệt thự liền kề và biệt thự riêng, phía sau các ngôi biệt thự là gần tòa nhà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu. Trong khu có đủ các loại “kì hoa dị thảo” và những cây cổ thụ mà người ta chuyển từ trên núi về. Ngoài ra còn có bể bơi, sân bóng chuyền, sân tập golf mini, phòng tập thể hình, hội trường lớn…; những bức tượng điêu khắc bằng bạch ngọc của phương Tây được sắp xếp ở những vị trí quan trọng nhất trong khu; những chiếc máy phát thanh được giấu khéo léo trong các lùm hoa vang lên những bản nhạc cổ điển của phương Tây. Mọi thiết bị ở đây đều khiến người sống trong đó mỗi giây mỗi phút được đắm mình trong không khí văn hóa của phương Tây. Người thiết kế khu vực này đã rất thông minh và khéo léo khi dùng văn hóa và lối kiến trúc châu Âu để thu hút ánh mắt của người Trung Quốc. Họ không có cách nào chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu sinh sống, bởi vậy họ bèn đưa châu Âu vào Trung Quốc.
Cùng Hoa vừa bước chân vào cánh cổng to lớn và đẹp đẽ của khu biệt thự đã hoàn toàn mê mẩn. Cô không thể tưởng tượng nổi người sống ở một nơi sang trọng, thoải mái và yên tĩnh như thế này là người ở đẳng cấp nào, cao quý ra sao. Nếu nơi đây là thiên đường thì cái nhà tranh dột nát của cô ở quê chính là địa ngục!
Viên Quế Hương đưa Cùng Hoa đi qua khu trung tâm của tiểu khu, tới một cái nhà để xe dưới mặt đất mà cô và Đại Xuân cùng ở.
Mỗi khu biệt thự trong tiểu khu đều có nhà để xe riêng, các hộ sống trong khu chung cư cao cấp đằng sau thì sử dụng nhà để xe công cộng dưới tầng hầm của tòa nhà. Vì là ban ngày nên bãi để xe trống không, chỉ có vài chiếc xe con còn đậu lại.
Khoảng trời riêng của Viên Quế Hương nằm ở một góc phía đông bắc của tầng hầm, là một căn phòng nhỏ rộng khoảng mười hai, mười ba mét vuông được ngăn bằng một tấm ván mỏng. Trên trần nhà phía đông, chỗ sát với mặt đất có một cái cửa thông gió, trên đó là hai tấm kính vuông rộng khoảng một thước, từ cửa thông gió hắt vào một chút ánh sáng, không đủ cho căn phòng sáng hơn, bởi vậy khi Viên Quế Hương mở cửa căn phòng ra, ngoài một mùi mốc meo xộc vào mũi, trước mắt Cùng Hoa là một cảnh tượng mờ mờ ảo ảo. Viên Quế Hương sờ thấy công tắc đèn, “tách” một cái, căn phòng lập tức tràn ngập ánh sáng. Lúc này Cùng Hoa mới nhìn rõ toàn bộ căn phòng nhỏ. Sát vách tường là một chiếc giường đôi, chiếc giường được kê bằng bốn viên gạch ở bốn góc. Bên cạnh giường có hai cái bàn cũ, chắc là đồ người ta đã vứt đi, Viên Quế Hương nhặt về để dùng. Trên một cái bàn đặt một cái ti vi cũ và mấy đồ lặt vặt, cái bàn còn lại để đầy nồi niêu xoong chảo. Một góc khác của căn phòng có một can dầu và một cái bếp dầu. Dưới đất chen chúc mấy cái va li được che bằng giấy bìa, chắc là chỗ Viên Quế Hương và Đại Xuân để quần áo và các vật dụng khác. Tất cả những thứ này là toàn bộ gia sản của nhà họ. Trong lòng Cùng Hoa nghĩ: Xét về điều kiện thì căn phòng nhỏ này của Viên Quế Hương rất giống cái nhà tranh của cô ở quê, điểm khác biệt duy nhất là cái can dầu và bếp dầu, dù sao có nó rồi thì cũng không phải nấu nướng bằng than, bằng củi nữa, như vậy căn phòng sẽ không bị chìm trong khói. Cô hơi thất vọng trước căn phòng của Viên Quế Hương, chút hứng thú vừa có khi bước chân vào tiểu khu đã hoàn toàn biến mất.
Đại Xuân đặt va li hành lí xuống, gọi Cùng Hoa tới bên giường ngồi. Viên Quế Hương xách một cái ấm ra ngoài lấy nước.
Cùng Hoa hỏi Đại Xuân:
- Hai người sống ở chỗ này hả?
- Bọn anh không ở đây thì ở đâu? Em vừa mới tới, chưa hiểu hết tình hình ở thành phố lớn. Giá một căn phòng ở thành phố bây giờ ít cũng phải mấy chục vạn, nhiều thì mấy trăm vạn, chúng ta có đi làm thuê cả đời cũng không mua nổi một căn nhà nhỏ. Đừng nói là mua nhà, ngay cả tiền thuê một căn nhà nhỏ nhất gần đây cũng phải một nghìn tệ. Nếu anh với Quế Hương ra ngoài thuê nhà ở, tiền lương của bọn anh sau khi đóng tiền thuê nhà, tiền điện nước thì không còn tiền mà ăn nữa, chỉ ngồi hít không khí thôi. Cứ cho là hít không khí cũng no được thì giờ không khí cũng ô nhiễm cả rồi.
- Anh Đại Xuân, hồi em ở nhà tưởng anh chị sống trên thành phố sung sướng lắm, giờ xem ra em nghĩ sai rồi.
- Cùng Hoa, không thể nói thế được. Nhìn điều kiện của anh với Quế Hương hiện nay không ra sao, cũng tương tự như thôn Hạo Sơn, nhưng tiền kiếm được mỗi tháng ở đây làm sao kiếm được nếu ở thôn Hạo Sơn. Người nhà quê chúng ta lên thành phố, không phải để hưởng phúc mà là để cố gắng kiếm mấy đồng tiền xương máu, nếu không thì làm gì có nhiều người nhà quê lên thành phố làm việc như thế?
Đang nói thì Viên Quế Hương đi lấy nước về. Cô đặt ấm nước lên trên cái bếp dầu rồi châm lửa:
- Cùng Hoa, chờ nước sôi thì em đi rửa mặt rồi uống ngụm nước, sau đó bọn chị đưa em ra phố xem, nhân tiện mua bàn chải, kem đánh răng… Mua xong thì mình ra quán ăn cơm.
Cùng Hoa hỏi Viên Quế Hương:
- Hôm nay không ăn cơm ở nhà hả?
- Hôm nay bọn mình vừa về, ở nhà chẳng có chút thức ăn nào, giờ đi mua rồi mới về làm phiền phức lắm. Hôm nay em là khách, nói gì thì nói, anh chị cũng phải mời em một bữa.
- Em thì có gì mà khách? Đều là người một nhà, không cần phải khách khí.
Viên Quế Hương nói:
- Được, người một nhà thì không khách khí với nhau, chị chỉ khách khí một lần hôm nay thôi, từ ngày mai em cứ coi đây là nhà mình, không ai khách khí với ai nữa, như thế cho đỡ xa lạ.
Trong khoảng thời gian chờ nước sôi, Cùng Hoa hỏi Viên Quế Hương:
- Anh chị đi nhà xí thì làm thế nào?
- Trong tiểu khu có nhà vệ sinh công cộng, đại tiểu tiện đều giải quyết ở đó. Nhà vệ sinh công cộng phải thu tiền, người nào không sống trong tiểu khu này đều phải nộp, mỗi lần ba hào. Anh chị đi thì không mất tiền.
- Thế lúc nửa đêm cần thì làm thế nào?
- Dùng cái này. - Viên Quế Hương chỉ vào góc tường, chỗ đó có một cái bô bằng sứ.
Nói vài câu thì nước sôi. Đại Xuân lấy ra ba cái cốc thủy tinh tráng qua bằng nước nóng rồi cho lá trà vào cốc, đổ nước vào. Viên Quế Hương lại lấy một cái xô nhựa ngày trước đựng sơn ra, lên trên lấy một xô nước máy. Ba người rửa mặt qua loa, uống hết cốc trà rồi đi ra phố.
Khu biệt thự phía đông nằm cạnh khu tường thành cũ, đi ra khỏi cổng thành là khu phong cảnh núi Đông. Chỉ tiếc là cổng thành cũ đã bị phá đi sau khi nước Trung Quốc mới thành lập, chỉ có ở khu phong cảnh núi Đông là vẫn còn dấu vết của một đoạn tường thành xưa cũ. Đoạn tường thành cổ này giống như một người già cằn cỗi, lặng lẽ sống nốt những ngày tháng cuối cùng.
Đối diện với khu biệt thự phía đông là một siêu thị lớn, ba người Đại Xuân vào siêu thị nhanh chóng chọn cho Cùng Hoa mấy món đồ cần thiết. Bọn họ tìm một quán ăn nhỏ tương đối sạch sẽ và ngồi lại. Nhân viên phục vụ quán cơm sau khi mang trà lên bèn đưa thực đơn cho họ. Đại Xuân chọn mấy món ăn tương đối rẻ: đậu phụ sốt, cơm cháy, khoai tây xào và canh trứng gà cà chua. Trong lúc chờ thức ăn mang lên, Đại Xuân nói:
- Cùng Hoa, mai anh đi làm, không có thời gian. Ngày mai em tự đi loanh quanh ở đây cũng được, giúp Quế Hương làm ít việc cũng được. Ngày kia anh đổi ca rồi đưa em tới chợ người tìm việc.
Cùng Hoa hơi khó hiểu:
- Tới chợ người tìm việc?
- Chợ người chính là nơi giới thiệu cho nông dân bọn mình tìm việc làm. Các ông chủ cần người làm sẽ tới đó gọi, những người muốn tìm việc thì tới đó đăng kí. Thế là được.
Lúc này Cùng Hoa đã hiểu:
- Ừ. Mai em sẽ giúp Quế Hương làm việc.
Nhân viên quán ăn nhanh chóng mang cơm lên. Món ăn đầu tiên là cơm cháy. Trong một cái đĩa rất lớn là cơm cháy vừa tới, cơm cháy có màu vàng, mùi thơm nức mũi. Nhân viên lại rưới nước canh lên đĩa cơm cháy, cơm cháy lập tức vang lên những tiếng xèo xèo rất khẽ. Cùng Hoa hỏi:
- Đây là món gì?
Đại Xuân nói:
- Món này là cơm cháy. Ngày trước anh ăn rồi, mùi vị ngon lắm, cơm cháy vừa giòn vừa thơm lại no, bởi vậy hôm nay anh lại gọi món này. Nghe nói năm xưa khi hoàng đế Càn Long xuống Giang Nam cũng từng ăn món này, cảm thấy mùi vị, màu sắc và hương thơm đều tuyệt nên gọi món này là “thiên hạ đệ nhất cơm”.
Cùng Hoa gắp một miếng cơm cháy lên nếm thử, đúng là vừa giòn lại vừa thơm:
- Hôm nay em cũng được ăn món ăn của hoàng đế.
Nhân viên mang hết thức ăn lên, ba người im lặng cắm cúi ăn.
Ba người ăn xong, Quế Hương tính tiền. Nhân viên nói tổng cộng hết bốn mươi hai tệ, hai tệ lẻ thôi không cần nữa, chỉ lấy bốn mươi tệ thôi. Quế Hương trả tiền. Cùng Hoa thấy ăn có một bữa cơm mà mất tận bốn mươi tệ thì xót ruột:
- Anh Đại Xuân, một bữa cơm như thế mà hết tận bốn mươi tệ, đắt quá. Em vào thành phố chưa kiếm được đồng nào mà đã tiêu mất bốn mươi tệ.
Đại Xuân nửa đùa nửa thật:
- Sao lại không đáng? Hưởng thụ bữa ăn của hoàng đế sao lại không đáng bốn mươi tệ sao? Cùng Hoa, em chỉ cần ở thành phố vài ngày là biết, những người bán sức lao động trong thành phố kiếm tiền không dễ dàng, nhưng tiêu tiền thì nhanh lắm. Ở chỗ này không bằng thôn Hạo Sơn chúng ta, sáng sớm vừa mở mắt ra đã phải tiêu tiền rồi, ví dụ như mua đồ ăn sáng, bắt xe buýt đi làm cũng phải mất tiền.
Cùng Hoa chưa bao giờ làm vợ, sau bữa cơm này mới cảm nhận được “làm vợ là phải lo tới dầu mắm, dưa hành”, quả là đúng.
Tối hôm đó, Đại Xuân ở trong kí túc tập thể của công ty bảo vệ, nhường căn phòng nhỏ lại cho Quế Hương và Cùng Hoa.
Hôm đó Cùng Hoa ngủ không ngon. Không phải vì cô không thích nghi được với môi trường mới mà vì sau nửa đêm, các chàng trai, cô gái của tiểu khu lục tục kéo nhau về sau những bữa tiệc đêm, thi thoảng trong nhà xe lại vang lên tiếng ô tô rồi những tiếng huyên náo khác, khiến cô không thể nào ngủ được. Cô bắt đầu thấy nhớ những buổi đêm yên tĩnh ở thôn Hạo Sơn, mặc dù thôn của cô không có sức sống, nhưng nó cho phép người ngủ có một giấc mơ đẹp. Hôm nay cô muốn nằm mơ, chỉ sợ ngay cả quyền mơ thấy ác mộng cũng bị cướp mất. Mãi tới hai, ba giờ sáng, ô tô ra vào bãi để xe ít đi, Cùng Hoa mới mơ màng chợp mắt. Quế Hương đã sớm quen với những tiếng ồn này nên nằm xuống không lâu đã vang lên những tiếng ngáy nhỏ đều đều.
Sáng sớm hôm sau, khi Cùng Hoa tỉnh dậy, Quế Hương đã đi làm. Cùng Hoa rót một ít nước nóng trong phích ra rồi rửa mặt, sau đó đi lên mặt đất tìm Quế Hương. Cô tìm khắp hai tòa nhà chung cư ở tiểu khu mới thấy Quế Hương đang ra sức kéo một cái thùng rác lớn về phía xe rác để đổ. Cùng Hoa vội vàng giúp cô một tay, đổ rác vào trong xe, một mùi hôi thối xông lên, sau đó là những hạt cát dính trong đó bay lên. Cùng Hoa không quen với mùi này, thấy bụng quặn lên khó chịu, nhưng muốn nôn mà không nôn được. Bất giác cô thầm nghĩ: Làm nhân viên quét dọn cũng chẳng dễ dàng gì. Nhìn Quế Hương, cô âm thầm cảm nhận thấy, từ sau khi cô quyết định vào thành phố làm thuê, những ngày tháng nhàn nhã ở thôn Hạo Sơn đã không bao giờ quay lại nữa.
Lúc này trời đã sáng hẳn, cả tiểu khu bắt đầu tỉnh giấc. Người công nhân đưa sữa đặt những chai sữa đã tiệt trùng vào từng thùng đựng sữa của các nhà. Những người thích tập thể dục buổi sáng cũng bắt đầu vận động, có người tập Thái cực quyền, có người chơi bóng chuyền, cũng có người tập bằng máy tập thể dục. Những con chó cảnh bị chủ nhân nhốt trong nhà, lúc này bắt đầu cất tiếng sủa, hình như lũ chó cũng đang kể chuyện cho nhau nghe.
Vì có Cùng Hoa giúp đỡ nên công việc của Quế Hương hôm nay nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Hai người nhanh chóng đổ sạch từng thùng rác vào xe rác. Các loại túi ni lông, vỏ nhựa có thể bán lấy tiền thì được Quế Hương nhặt lại rồi nhét vào một bao tải. Quế Hương ở phía trước nắm chặt tay kéo xe rác, Cùng Hoa ở phía sau ra sức đẩy, hai người hợp lực lại đẩy xe rác ra điểm thu gom tập trung.
Từ khu nghỉ mát phía đông tới điểm thu gom rác thải có lẽ dài khoảng một kilômét, đều là đường nhựa phẳng lì. Cùng Hoa cảm thấy đẩy xe rác cũng không mệt lắm, nhưng những chiếc ô tô con thi thoảng lại lướt qua xe rác của họ khiến cô vô cùng căng thẳng, cô chỉ sợ chiếc ô tô nào đó lái nhanh quá rồi nghẹo đầu, đâm thẳng vào xe rác. Quế Hương hình như đã quen với việc này, cô vẫn bình tĩnh đi đằng trước.
Đi được khoảng hai mươi phút, Quế Hương và Cùng Hoa đưa xe rác tới điểm thu gom. Sau khi họ đổ rác trong xe vào rãnh thu rác, bèn kéo chiếc xe không quay về. Cùng Hoa thấy những chiếc xe con, xe to, còn có cả những chiếc xe Jeep kiểu hiện đại, giống như những con châu chấu đậu đầy hai bên đường, nhìn mãi không hết. Cô hỏi Quế Hương:
- Thành phố lấy đâu ra mà nhiều xe thế? Ở quê em cả năm cũng chẳng nhìn thấy cái ô tô nào. Nếu xe nhiều như thế sao người thành phố không xây thêm vài con đường? Đường đã ít mà mua xe lắm làm gì nhỉ?
Câu hỏi của Cùng Hoa có vẻ rất đơn giản nhưng muốn nói cho rõ ràng lại không phải việc dễ. Câu hỏi này cũng là vấn đề mà các chuyên gia, học giả trong nước vẫn còn đang tranh cãi, tới ngày nay vẫn chưa ai đưa ra một đáp án thuyết phục. Quế Hương chỉ là một cô gái từ Quý Châu lên đây làm thuê, đương nhiên là không có đáp án:
- Chị cũng không biết.
Đối với Cùng Hoa vừa mới tới thành phố mấy ngày mà nói, những chuyện cô muốn biết quả thực rất nhiều, những nghi vấn ở trong lòng cũng nhiều không kém. Bây giờ điều cô muốn biết nhất là: Ngày mai Đại Xuân và cô tới chợ người sẽ có một kết quả như thế nào đang chờ cô?
Trên đường quay về, Quế Hương tìm một điểm thu mua phế liệu, bán hết những thứ đựng trong cái bao tải, rồi lại ra chợ mua một cân mì và mấy mớ rau cải, về nhà nấu một nồi mì rau cải. Quế Hương và Cùng Hoa ăn một bữa cơm chẳng phải bữa sáng mà cũng không phải bữa trưa.
Ăn cơm xong, hai người lại bắt đầu bận rộn. Quế Hương đi quét dọn hành lang và cầu thang, Cùng Hoa cầm khăn và xách một xô nước sạch đi lau các lan can, tay vịn cầu thang và cửa sổ ở các tầng. Khi mọi công việc trong ba tòa nhà chung cư mà Quế Hương phụ trách đã xong xuôi, hai người vội vàng đi quét đường lần hai, Cùng Hoa giúp Quế Hương nhặt rác, mẩu thuốc lá hay các chai nhựa rỗng mà người ta vứt trên bãi cỏ. Hai người bận rộn tới lúc trời sắp tối mới xong. Cùng Hoa nghĩ tới việc hồi còn ở quê, Đại Xuân nói Quế Hương ngày nào cũng bận từ sáng sớm tới tối mịt, đúng là không ngoa. Người nhà quê muốn kiếm được miếng ăn ở thành phố thực sự phải có tinh thần “một không sợ khổ, hai không sợ chết” thì mới được.
Làm việc xong, quay về căn nhà nhỏ dưới hầm để xe, Quế Hương và Cùng Hoa vừa mệt vừa đói, định nấu lại chỗ mì còn thừa lúc trưa lên ăn. Đúng lúc đó thì Đại Xuân cũng tan làm, anh đưa cho Cùng Hoa một hộp cơm mà công ty bảo vệ phát cho, nói là để anh với Quế Hương ăn chỗ mì còn thừa. Cùng Hoa kiên quyết không chịu. Quế Hương đứng cạnh cũng nói Cùng Hoa ăn hộp cơm đó đi, nhưng mãi Cùng Hoa vẫn không nghe. Cuối cùng Cùng Hoa đề nghị, chia hộp cơm làm ba phần, ba người cùng ăn, chỗ mì còn lại ba người cũng chén sạch.
Ăn cơm xong, Quế Hương mang bát đũa đi rửa. Đại Xuân nói với Cùng Hoa:
- Ngày mai anh đổi ca, hai anh em mình sáng mai tới chợ người xem có gặp may không?
Cùng Hoa hỏi:
- Đi tìm việc mà sao lại bảo là có gặp may không?
- Bây giờ nông dân lên thành phố tìm việc làm thuê nhiều lắm, số lượng người mà các doanh nghiệp cần ít hơn rất nhiều so với số người cần tìm việc, thế này gọi là cung lớn hơn cầu, do đó người ta chọn mình, chứ không phải mình chọn người ta. Thông thường đi tìm việc, tới chợ người một, hai lần chưa chắc đã được đâu, chẳng phải xem có gặp may không thì là gì? Ngày mai anh đưa em đi tìm việc cũng chưa chắc đã được, ngộ nhỡ mai mà không được thì em đi một lần rồi, ít nhiều gì cũng đã biết đường, biết ngồi tuyến xe buýt nào thì tới nơi, lần sau em tự đi là được, không cần ai đi cùng nữa.
Cùng Hoa nghĩ một lúc thấy những lời Đại Xuân nói quả là chí lí:
- Gặp may thì gặp may! Ngày mai anh em mình đi xem có gặp may không, hi vọng là gặp vận may lớn!
Quế Hương rửa bát đũa xong xuôi, lại đặt một ấm nước lên bếp dầu đun sôi. Mọi người cùng ngồi xem ti vi.
Ti vi vừa bật lên đúng tới đoạn đài truyền hình của thành phố phát chương trình “Tin tức”. Phóng viên đang thông báo về tin tức các công nhân ở một công trình kiến trúc nào đó của thành phố tập trung lại đòi tiền lương.
Cùng Hoa xem xong tin này bèn chìm vào suy nghĩ, tin tức tiếp theo nói cái gì, cô không nghe rõ. Cô vừa mới bước ra từ một thế giới khép kín, trong phút chốc rơi vào một thế giới phồn hoa hoàn toàn khác khiến sự yên tĩnh trong tâm hồn cô hoàn toàn bị đảo lộn. Cô đã nhìn thấy vẻ đẹp của thế giới trước mặt, cũng nhìn thấy cuộc sống vất vả của Quế Hương, hôm nay lại thấy nỗi khổ của những người nhà quê ra thành phố làm thuê mà không được trả lương, cô không biết đi tìm việc sẽ có kết quả như thế nào. Giấc mộng về thành phố của cô khác quá xa so với hiện thực.
Bởi vì ngày mai vẫn phải dậy sớm nên Quế Hương xem ti vi một lát rồi chuẩn bị đi ngủ. Đại Xuân cũng đã đi, trở về khu tập thể của anh.
Sau khi tắt đèn, Cùng Hoa nằm trên giường nghĩ về thầy cô, một mình ông ở lại thôn Hạo Sơn có được không? Kim Hoa mấy hôm nay có thường xuyên về thăm thầy không? Có lẽ ban ngày làm việc mệt quá nên nghĩ ngợi được một lúc, Cùng Hoa đã thiếp đi.
Đêm đó cô ngủ rất say, hoàn toàn không nghe thấy bất cứ tiếng ồn nào nữa.
Sáng sớm hôm sau, Viên Quế Hương vẫn tiếp tục công việc của mình như cũ.
Đại Xuân và Cùng Hoa sau khi ngủ dậy ra đi. Hai người ăn hai cái bánh rán bán dọc đường, mỗi người lại uống một bát tào phớ. Cùng Hoa thấy ăn như vậy là đã no, Đại Xuân thì mới lưng lửng bụng, nhưng vì hôm nay vẫn còn việc phải làm nên anh cũng không nấn ná thêm, vội vàng kéo Cùng Hoa đi về phía chợ người ở Nam Đức Môn lớn nhất thành phố.
Hai người cùng bắt xe buýt số , sau đó đổi xuống đi tàu điện ngầm để đến Nam Đức Môn.
Dọc đường, thi thoảng Đại Xuân lại giới thiệu cho Cùng Hoa các công trình kiến trúc nổi tiếng của thành phố cùng với tên các bến xe buýt. Đại Xuân nói với Cùng Hoa, chỉ cần nhớ các công trình kiến trúc nổi tiếng và tên các bến xe buýt thì lần sau cô có đi một mình cũng không sợ lạc đường nữa. Cùng Hoa vốn thông minh nhanh nhẹn, Đại Xuân chỉ cái gì là nhớ cái nấy. Đại Xuân còn dặn Cùng Hoa, bình thường ra khỏi nhà thì chuẩn bị thêm ít tiền xu, trên những tuyến xe buýt không có người phụ xe thì không được trả lại tiền lẻ, cho dù có nhét đồng mười tệ vào hòm cũng không được trả lại, như vậy thì sẽ lỗ to.
Ngồi tàu điện ngầm đi tới ga Nam Đức Môn chỉ mất có hai mươi phút. Đại Xuân dẫn Cùng Hoa ra khỏi ga tàu, phía đối diện chính là chợ người Nam Đức Môn. Chính quyền thành phố đặt chợ người này ở đây là vì muốn lợi dụng khoảng đất trống ở gần quảng trường Nam Đức Môn. Khoảng đất trống này vốn dĩ có một chủ đầu tư dự định xây tòa nhà cao nhất Trung Quốc. Nhưng sau khi nhà đầu tư này mua được mảnh đất trong cuộc bán đấu giá, đã quy hoạch hai năm mà vẫn chưa khởi công, ngay cả tiền mua đất cũng không trả đủ, thành ra suốt hai năm ròng, trên mảnh đất mọc toàn cỏ dại. Năm nay chính quyền thành phố thấy nhà đầu tư này vẫn không có động tĩnh gì, mới quyết định thu hồi lại mảnh đất. Chính quyền trước khi tìm được một người sẵn sàng mua mảnh đất này, bèn lợi dụng nó để dựng lên một chợ người. Vì chợ người này chỉ có tính chất tạm thời nên việc xây dựng vô cùng đơn giản, ngoài mấy cái nhà mái bằng dành cho nhân viên làm việc của chợ, những kiến trúc khác đều là các túp lều tạm. Nóc lều trông giống như vòm cong của sân vận động.
Tết vừa mới qua, thời gian này là thời kì cao điểm để các nông dân lên thành phố tìm việc, không những giao thông khu vực này rất hỗn loạn mà người trong chợ người cũng đã lố nhố đứng đầy. Các loại người trong chợ rất rõ ràng, chỉ cần nhìn quần áo của họ là có thể phân thành hai loại. Những người ăn mặc sạch sẽ là các ông chủ cần người làm, những người còn lại là các công nhân muốn bán sức lao động. Mác nói, sức lao động là một loại hàng hóa đặc biệt, bởi vậy chợ người với chợ rau cũng chẳng có gì khác nhau.
Các lao động ở chợ người cũng được chia thành nhiều khu vực khác nhau. Những người làm cùng một công việc sẽ tập trung ở một khu vực. Những lao động làm các việc có liên quan tới xây dựng, kiến trúc đều đeo trước ngực một tấm giấy trắng, trên đó có mấy chữ viết láu đánh dấu thợ mộc, thợ điện, thợ sơn… để người đến tìm dễ bề lựa chọn. Bọn họ ngồi xổm trên đất chờ các ông chủ tới thuê, trông giống như khoai tây, rau cải bày ở chợ rau.
Các phụ nữ tới tìm việc ở chợ người đa số đều muốn làm ôsin, họ tập trung ở một góc khác phía trong. Nghe tiếng nói thì có thể đoán ra, có người tới từ Tứ Xuyên, Hồ Nam, An Huy… Giọng địa phương của họ đều rất nặng. Có người còn ra giá với người chủ, hi vọng bán được sức lao động của mình với giá cao hơn.
Cả Đại Xuân và Cùng Hoa đều là lần đầu tiên tới chợ người. Trong biển người chen chúc nơi đây, họ không biết phải bắt đầu như thế nào. Đại Xuân nhìn thấy trước cửa một căn nhà mái bằng cách đó không xa có treo tấm biển Tư vấn lao động, bèn kéo Cùng Hoa sang đó. Anh nghĩ cứ nghe người ta tư vấn trước rồi quyết định sau cũng được.
Những người đang chờ trước bàn tư vấn rất đông, Đại Xuân và Cùng Hoa xếp hàng chờ suốt nửa tiếng đồng hồ mới tới lượt. Người tiếp đón họ là một phụ nữ trung niên. Người phụ nữ trung niên này cả ngày phải trả lời các câu hỏi của những người lên thành phố làm thêm, tỏ rõ vẻ mệt mỏi. Bà hỏi Đại Xuân:
- Anh chị có giấy chứng minh ra ngoài làm việc không?
Đại Xuân và Cùng Hoa đưa hai tờ giấy chứng minh đã xin ở ủy ban xã ra:
- Dạ có. Đây ạ.
Người phụ nữ trung niên nhận hai tờ giấy lướt qua rồi lại nhìn Cùng Hoa:
- Giấy tạm trú của cô ấy đâu?
- Dạ, còn chưa kịp làm.
- Vậy thì hôm nay anh chị uổng công tới đây rồi. Không có giấy tạm trú thì không đăng kí làm việc được. Anh chị mau về nhà, tới công an phường nơi tạm trú làm giấy đăng kí tạm trú đi. Hôm nay anh chị cứ mang giấy đăng kí về điền hết đi. Lần sau tới đây chỉ cần mang giấy đăng kí tạm trú với giấy đăng kí xin việc là có thể lập tức sang đăng kí làm việc ở bàn bên cạnh. - Nói xong bà đưa hai tờ giấy cho họ, điều này có nghĩa là thời gian tư vấn ngắn ngủi của Đại Xuân và Cùng Hoa đã kết thúc.
Cùng Hoa cầm tờ giấy chứng minh và giấy đăng kí lên. Mặc dù trước khi tới đây Đại Xuân đã nói trước với cô, nhưng hôm nay vừa mới đi làm đã không thuận lợi nên trong lòng vẫn cảm thấy có chút thất vọng:
- Hôm nay tìm việc thế là xong rồi hả? Sau đây thì làm gì?
Đại Xuân thấy Cùng Hoa có vẻ buồn bèn an ủi cô:
- Em đừng sốt ruột. Tìm được công việc ưng ý ở thành phố không dễ dàng đâu, trong một, hai ngày không tìm thấy việc cũng là chuyện thường. Phương đông không sáng, phương tây sáng, chúng ta cứ vào chợ xem sao. Nói không chừng có ông chủ tư nhân nào đó cần tìm công nhân. Hôm nay đã tới rồi, cho dù có tìm được việc hay không thì thăm dò tình hình cũng được.
Đại Xuân dẫn Cùng Hoa chen vào với đám phụ nữ nông thôn cũng đi tìm việc, đoán rằng những bà cô này cũng phải tầm bảy, tám trăm người. Mấy cô gái trẻ tuổi và có vài phần sắc đẹp từ nông thôn ra không cần phải tới chợ người để tìm việc. Họ lập tức có thể xin được vào làm ở những khu vui chơi giải trí. Tất cả những người phụ nữ nông thôn tới chợ người tìm việc đều là những người không được chọn vào các khu vui chơi còn sót lại. Họ không phải nếu đã lớn tuổi thì cũng là những người có nhan sắc trung bình. Bởi vậy Cùng Hoa với vẻ xinh đẹp trẻ trung của mình xuất hiện giữa đám người đó bỗng dưng trở nên nổi bật, thu hút ánh nhìn của người khác.
Một người đàn ông trung niên tới gần. Vừa nhìn là biết ngay ông ta là người thành phố, trông có vẻ lịch sự, nho nhã. Ông ta hỏi:
- Xin hỏi cô tới đây tìm việc phải không? Cô có chấp nhận làm ôsin không?
Đại Xuân trả lời:
- Đúng là cô ấy đang tìm việc. Nếu được làm ôsin ở nhà thích hợp thì cũng được. Nhà ông cần tìm ôsin sao?
- Đúng là nhà tôi đang cần tìm ôsin /, nói một cách chính xác thì là tìm một ôsin cho bố tôi. Mẹ tôi qua đời đã nhiều năm, bố tôi bây giờ mới hơn sáu mươi tuổi, sau khi về hưu phải sống một mình, cuộc sống rất cô độc. Mấy anh chị em chúng tôi đều có gia đình riêng của mình, công việc lại bận rộn nên không có thời gian chăm sóc bố, cũng không thể nào chăm sóc cho cuộc sống của ông, bởi vậy muốn tìm một ôsin ở lại nhà chăm sóc bố tôi cả ngày, để ông đỡ buồn.
Đại Xuân vừa nghe yêu cầu tuyển dụng của người ta, cảm thấy Cùng Hoa tới làm ôsin nhà này rất hợp lí. Cùng Hoa chỉ cần hầu hạ một ông già, không những công việc không nhiều mà quan hệ giao tiếp cũng đơn giản. Quan hệ giao tiếp là một loại học vấn vô cùng huyền diệu của người Trung Quốc. Nếu nhà chủ quá đông người, lại nhiều người khó tính, vậy thì muốn làm một ôsin tốt quả là việc khó khăn.
Đại Xuân có ý định bàn tiếp công chuyện, bèn tìm hiểu thêm về ông già:
- Bố ông trước khi nghỉ hưu làm gì?
- Bố tôi làm trưởng phòng trong một cơ quan nhà nước.
Đại Xuân nghe nói bố người ta làm trưởng phòng, trong lòng nghĩ chắc chắn điều kiện ăn ở không tồi:
- Nhà bố ông có phòng riêng cho ôsin không?
- Nhà bố tôi ở là một căn hộ ba phòng, một mình ông ấy làm sao ở hết được nhiều phòng như thế? Nhà tôi đương nhiên là có phòng riêng cho ôsin rồi, hơn nữa mỗi phòng đều có điều hòa và ti vi màu. Trong nhà có đầy đủ máy giặt, bình nóng lạnh, máy hút bụi, các loại đồ dùng trong nhà bếp. Công việc ôsin không vất vả quá đâu.
Đại Xuân rất hài lòng với việc có phòng riêng cho ôsin. Cùng Hoa là con gái mới lớn, không có phòng riêng không những cuộc sống không thuận tiện mà cũng không mấy an toàn. Bước tiếp theo anh quan tâm tới tiền:
- Tiền lương mỗi tháng ông định trả bao nhiêu?
- Lương cứng là một nghìn tệ.
Đại Xuân vừa nghe nói được một nghìn tệ, trong lòng thầm nghĩ: Thông thường làm ôsin, bao ăn bao ở, tiền lương chỉ được khoảng sáu, bảy trăm tệ, tại sao nhà này lại trả nhiều hơn những nơi khác? Là vì nhà người ta có quá nhiều tiền? Hay là nhà người ta quá rộng rãi? Anh lo lắng cái bánh ngon có vẻ hấp dẫn này không phải dễ ăn, bèn hỏi tiếp:
- Sao tiền lương cho ôsin lại là lương cứng?
- Lương cứng là tiền lương trả cho ôsin làm việc nhà. Nếu có thể giúp bố tôi giải tỏa được nỗi cô đơn thì tiền này tính vào khoản khác, tính theo ngày hay theo tháng đều được.
Bây giờ thì Đại Xuân hiểu rồi, con người trông có vẻ lịch sự này nói về “ôsin /”, “lương cứng” hay gì gì đó, chủ yếu là vì muốn ôsin “giải tỏa cô đơn” cho ông già. Ông ta dùng những lời lẽ lịch sự, dễ nghe và hiện đại nhất để nói ra cái ý bẩn thỉu nhất. Cái gã này muốn Cùng Hoa lên giường với bố ông ta, vì chỉ có cách này mới có thể giúp ông già giải tỏa được sự cô đơn.
Đại Xuân giận quá, dứ nắm đấm vào mặt ông ta, gắt gỏng:
- Chúng tôi không thèm làm ôsin nhà ông. Ông là thằng khốn nạn, súc sinh! Cút mau!
Người đàn ông đó sợ quá:
- Buôn bán không thành thì thôi, việc gì anh phải như thế? - Nói xong vội vàng chuồn mất.
Đại Xuân kéo Cùng Hoa đi thẳng ra khỏi chợ người.
Đại Xuân và Cùng Hoa thất vọng trở về tiểu khu phía đông. Buổi chiều, anh và Cùng Hoa tới công an phường làm đăng kí tạm trú. Tối hôm đó Đại Xuân ăn cơm xong rồi vội vàng đi làm. Hôm nay anh trực cùng ca với Lão Lưu. Lão Lưu năm nay ngoài năm mươi tuổi, từ Đông Bắc tới thành phố này làm việc đã hai mấy năm, cũng được coi như một nửa là người bản địa. Lão Lưu khi còn trẻ không may gặp đúng thời kì “cách mạng văn hóa” của giai cấp vô sản. Cuộc cách mạng đã khiến anh chàng Tiểu Lưu làm cách mạng phải về nông thôn rồi phải nhận giáo dục cải tạo mất mấy năm. Mãi tới năm , cả nước khôi phục lại kì thi đại học, Tiểu Lưu mới thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng, sau khi tốt nghiệp được phân tới làm việc ở một doanh nghiệp điện tử lớn của thành phố này. Lão Lưu vốn tưởng rằng cuộc đời mình như thế là thay đổi, nhưng ông không ngờ rằng, từ sau khi Trung Quốc nhập khẩu chiếc ti vi màu đầu tiên, ngành điện tử của Trung Quốc càng ngày càng đi xuống, cuối cùng không địch nổi với công nghệ và kĩ thuật của các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp điện tử trong nước đua nhau phá sản, trong chớp mắt, Lão Lưu trở thành công nhân thất nghiệp. Mấy năm sau khi thất nghiệp, chính quyền thành phố lại phát động phong trào tạo công ăn việc làm cho , (nữ công nhân bốn mươi tuổi và nam công nhân năm mươi tuổi), Lão Lưu vốn là một sinh viên chất lượng cao tốt nghiệp ở trường đại học danh tiếng, nay may mắn được vào làm bảo vệ trong tiểu khu này. Tính tình Lão Lưu vui vẻ, thoải mái nên thường tự chế nhạo mình là: cán bộ hết thời. Nói xong ông còn cười lớn, cứ như thể đang kể chuyện về người khác.
Sau giờ tối, cánh cổng điện của tiểu khu tự động đóng lại, chỉ để một con đường nhỏ cho mọi người đi lại. Chỉ khi có ai lái xe ra hay vào mới tạm thời mở cổng cho đi qua. Đại Xuân và Lão Lưu ngồi trong phòng bảo vệ ngay trước cổng vừa trực vừa nói chuyện. Đại Xuân bèn kể cho Lão Lưu nghe chuyện sáng nay đưa Cùng Hoa vào chợ người tìm việc, khi kể tới chuyện người kia đi tìm ôsin lên giường, Đại Xuân nghiến răng chửi mười tám đời nhà ông ta lên.
Lão Lưu dù sao cũng là người có văn hóa, bình thường thích đọc sách báo, kiến thức rộng rãi, tin tức về “ôsin lên giường” cách đây không lâu ông cũng từng đọc trên báo. Đối với việc này, cái nhìn của ông đương nhiên là khác người:
- Đại Xuân, mặc dù cậu trẻ tuổi hơn tôi, nhưng quan niệm của cậu lạc hậu quá. “Ôsin lên giường” là một công việc mới của nghề ôsin, ôsin ban ngày làm việc nhà, buổi tối cùng chủ nhà lên giường ngủ, bởi vậy mới gọi là ôsin /. Cậu hiểu chưa hả? Làm ôsin / có cái lợi mà cũng có cái hại: Nếu xét về cái lợi, ôsin / giúp người làm thuê có thêm thu nhập, cuộc sống được cải thiện; người chủ tìm được niềm vui từ ôsin của mình, cũng có lợi cho sức khỏe. Nếu xét về cái hại, nếu ôsin đó không cam tâm tình nguyện lên giường, vậy thì cũng giống như bán dâm, người ôsin mất đi nhân cách của mình; đối với người chủ mà nói, lên giường với ôsin cũng có nguy hiểm nhất định. Nếu ôsin đó là một người đàn bà thủ đoạn, tính toán, cô ta sẽ lấy đó làm lí do để lừa gạt tiền tài của chủ. Khi mà việc làm ám muội này lộ ra ngoài, đa số các ông chủ đều mất rất nhiều tiền bạc. Bởi vậy khi ông chủ muốn dùng “ôsin lên giường” càng phải thêm thận trọng.
Lời nói của Lão Lưu khiến Đại Xuân lĩnh ngộ ra nhiều điều. Nhưng Đại Xuân chỉ quan tâm tới mặt xấu của “ôsin lên giường”:
- Những chuyện như thế này không có ai quản lí sao?
- Một triết gia người Đức từng nói: Tồn tại chính là hợp lí. Cậu nói quản như thế nào? Người ta là Chu Du đánh Hoàng Cái, một người muốn đánh, một người chịu đòn, cậu quản được sao? Với lại những chuyện này là hai người đóng cửa lại làm với nhau, cậu bảo cảnh sát nửa đêm canh ba còn tới nhà người ta khám xét à? Cứ cho là phát hiện ra thì làm gì được? Chỉ cần hai người sẵn sàng làm, cảnh sát cũng chẳng quản được. Chẳng phải cậu cũng sống chung với Quế Hương còn gì? Cảnh sát có thể bắt cô cậu tới đồn được không?
Đại Xuân thấy Lão Lưu lại nói dẫn sang cả mình, bắt đầu bực bội:
- Quế Hương đâu phải “ôsin lên giường”, bọn cháu đều đi làm thuê, mời sao được ôsin.
Lão Lưu nói tiếp:
- Không phải tôi nói Quế Hương là “ôsin lên giường”, xã hội bây giờ khoan dung với đời tư của người khác lắm. Quan hệ nam nữ là đời tư cá nhân, xã hội và người khác không có quyền can dự vào. Bởi vậy cậu có thể cùng Quế Hương thoải mái làm… (cười đểu). Cậu cứ yên tâm đi, chuyện của cậu với Quế Hương chẳng ai thèm lo cả.
Dù sao Lão Lưu cũng là người học rộng biết nhiều, thấy Đại Xuân nghĩ mãi không ra, bèn giải thích với anh rằng: Sự tồn tại luôn có những chỗ hợp lí của nó, bởi vì xã hội của chúng ta hiện nay đang ở trong giai đoạn chuyển đổi, hệ thống đạo đức đang dần dần mất đi, giá trị quan cũng trở nên đa nguyên hóa, hệ thống đánh giá của xã hội vô cùng rối loạn, các quan điểm và hành vi đều có người lí giải, thậm chí là ủng hộ. Lão Lưu vốn là người từng đọc sách, sau khi nghỉ hưu không có việc gì để làm, sợ nhàn nhã quá sinh bệnh nên mới tìm một việc làm cho đỡ buồn. Những lời ông nói ra, Đại Xuân còn rất mơ hồ, Lão Lưu cũng không giải thích thêm nhiều.
Đại Xuân nói:
- Bây giờ thực sự có người sẵn sàng làm “ôsin lên giường” sao?
- Rừng rộng thì loài chim nào cũng có. Đương nhiên là có người chịu làm “ôsin lên giường” rồi. Ở các quán bia quán rượu thì có gái ôm, ở nhà chủ thì có “ôsin lên giường”. Động cơ của họ chỉ có một: Đó là tiền. Nhưng hai loại người này cũng có sự khác nhau, người làm gái ôm thì vì muốn giàu có, còn người làm “ôsin lên giường” là vì sự sinh tồn của mình. Sinh tồn là quyền cơ bản nhất của con người. Con người trước tiên phải sống, sau đó mới bàn tới tôn nghiêm.
Với trình độ học vấn của Đại Xuân thì anh không thể nào tranh luận được với Lão Lưu, mặc dù anh không biết triết gia Đức mà Lão Lưu nói là ai, nhưng nếu “tồn tại là hợp lí” thì anh cũng không cần phải lo lắng thừa cho những “ôsin lên giường”, chỉ cần Cùng Hoa không tham dự vào những “hành vi thị trường” này là được, nếu không sau này anh chẳng còn mặt mũi nào mà gặp chú anh, Ngô Giải Phóng nữa. Anh nói:
- Người khác làm thế nào cháu không quan tâm, nhưng Cùng Hoa tuyệt đối không được làm “ôsin lên giường”. Cho dù Cùng Hoa muốn làm cháu cũng không đồng ý.
Lão Lưu nói:
- Đương nhiên rồi. Người ta không tới mức vạn bất đắc dĩ thì không làm nghề này đâu. Có điều Cùng Hoa nếu muốn làm ôsin thì không thể tới chợ người được, phải đi đường chính.
- Đường chính là thế nào?
- Ví dụ tới các công ty, trung tâm giới thiệu việc làm hay Hội Phụ nữ là đường chính.
Tin tức mà Lão Lưu cung cấp cho Đại Xuân vô cùng hữu dụng, anh lập tức hỏi rõ hơn:
- Chú có biết trung tâm giới thiệu việc làm ở đường nào không? Có tuyển người tỉnh lẻ không?
- Địa chỉ của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố dễ tìm lắm, ở đường Trung Sơn. Có tuyển người tỉnh lẻ hay không thì tôi không biết, tôi nghĩ chắc không có vấn đề gì, Hội Phụ nữ chuyên bồi dưỡng cho các phụ nữ Trung Quốc, mà phụ nữ Trung Quốc thì còn phân biệt là phụ nữ thành phố hay tỉnh lẻ sao?
- Cháu cũng mong là không phân biệt, như vậy thì Cùng Hoa mới có cơ hội. Sáng mai cháu tan ca, bảo Cùng Hoa đi tới đó xem thế nào.
Sau đó Lão Lưu và Đại Xuân chuyện trò dăm ba câu chuyện nữa, còn kể cả mấy chuyện cười bậy bạ mà gần đây người ta hay kể cho nhau nghe để giết thời gian.