Dưới tháp Đại Yên ở Tây Kinh có một thôn cái tên lạ lùng gọi là Hào Bảo, người trong thôn ai ai cũng biết đánh trống. Tương truyền, tổ tiên của Hào Bảo là một người đánh trống nổi tiếng trong quân vua Tần, sau đó về sống ở đây. Để ghi nhớ công đức của tổ tiên, cũng là để đoàn kết họ hàng, con cháu của người đánh trống đã luôn luôn lấy trống truyền đời, dàn dựng biểu diễn nhạc trống "Vua Tần phá trận". Trong phong tục xưa nay, mồng hai tháng hai là ngày rồng ngẩng đầu, song ở thôn Hào Bảo lại là ngày lễ đánh trống của họ, thông thường là có một lá cờ màu vàng hơi đỏ do một ông già làng giơ lên làm hiệu, hàng trăm người xếp thành hàng ngũ đánh trống đi vào đại lộ trong thành phố oai phong lắm. Lúc đó các cửa hiệu muốn may mắn tốt lành, đội trống đi đến đâu, liền buộc sợi lĩnh đỏ dài ba thước ba tấc lên đầu người cầm cờ, hàng ngàn hàng vạn quả pháo rạ nổ tới mức rung trời chuyển đất. Bước sang những năm này tình hình thay đổi, song người Hào Bảo vẫn đánh trống, nhưng đã lấy nhạc trống để làm ăn sinh sống. Các xí nghiệp kinh doanh của vùng ngoại ô phía nam thành phố, mỗi khi có sản phẩm mới khai phá cần tuyên truyền quảng cáo, đột phá bao nhiêu vạn đồng cần báo hỉ, liền mời nhạc trống của người Hào Bảo. Cho nên thị dân đến trong phạm vi tường thành không chỉ đông nghìn nghịt trên đường phố vào ngày hai tháng hai, mà ngày thường hễ nghe có tiếng trống, liền biết ngay nông dân ngoại thành lại ăn nên làm ra, có tiền đi vào thành phố khoa trương, liền đổ ra đường xem như nước thuỷ triều lên. Hôm nay chủ nhật, nhạc trống lại nổi lên trên phố, thanh thế lớn hơn trước kia nhiều. Đầu tiên Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt ở nhà cuốn dây len, tiếng trống làm cho hai người háo hức. Liễu Nguyệt hai tay cầm cuộn len mà thỉnh thoảng như người mất hồn, Ngưu Nguyệt Thanh liền mắng một câu: "Con ranh cứ nhấp nha nhấp nhổm không ngồi yên được hả?", rồi thu sợi len, sai Liễu Nguyệt đi lấy giày cao gót để cùng nhau đi xem. Hai người liền sửa sang đầu tóc và đi ra phố. Trên phố người đông như kiến cỏ không sao đi được. Liễu Nguyệt liền dắt tay Ngưu Nguyệt Thanh vượt qua lan can đường dành cho người đi bộ, sang đường dành cho người đi xe đạp vừa tránh xe vừa di vượt lên trước. Ngưu Nguyệt Thanh gỡ khỏi tay kéo dắt của Liễu Nguyệt, chê làm thế không hay, song lại nói:
- Liễu Nguyệt, đi đâu mà nhanh thế, vội lên kiệu đấy hả?
Ngưu Nguyệt Thanh cứ tưởng Trang Chi Điệp bực tức bỏ nhà sang ở bên hội văn học nghệ thuật một hai hôm lại về, nào ngờ đã lâu lắm không thấy bóng dáng đâu, cũng có phần mềm lòng, song với cái thế của bậc phu nhân, chị cố ra vẻ cứng rắn không sang đấy. Như vậy ngồi ở nhà buồn bực, cũng nhớ lại trước đây anh ấy đã từng chê mình không chú ý sửa sang ăn diện, liền mua mấy cái áo mới, đem số áo còn mới rung rúc mặc ngày thường cho Liễu Nguyệt bằng hết, hôm nay đi ra phố xem nhạc trống đã đi một đôi giày da cao gót mũi nhọn, đi được một quãng, đã cứa đau cả chân, đành hận Liễu Nguyệt đi nhanh quá. Liễu Nguyệt quay lại, đành phải đi chậm hơn. Liễu Nguyệt nói:
- Em chưa nhìn thấy đội nhạc trống này bao giờ, nhưng đâu chỉ có xem nhạc trống, còn phải xem người xem đánh trống mới có ý nghĩa chứ?
Lúc này Liễu Nguyệt mới để ý người đi trên đường phố sao mà đông đến thế, ai ai cũng mặc quần áo rực rỡ. Cô phát hiện ra ngay có nhiều người đang nhìn mình, bèn cất tiếng:
- Chị cả ơi, chị đẹp lắm, ai cũng đang ngắm nhìn chị đấy!
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Ngắm nhìn chị làm gì, già khú đế rồi, ai mà nhìn, họ đang ngắm nhìn em thì có!
Liễu Nguyệt tuy mặc quần áo cũ của phu nhân cho, nhưng cô là cái giá quần áo, người lại trẻ, mặc vào không thấy cũ, mà nom còn vừa vặn hơn quần áo mới may. Nghe phu nhân nói vậy, biết người trên phố đang nhìn mình, liền ngẩng cao đầu, không ngó bên này nghiêng bên kia, chỉ đưa ánh mắt quan sát động tĩnh ở hai bên và ưỡn thẳng bộ ngực ra. Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Đừng ưỡn ra như thế Liễu Nguyệt.
Liễu Nguyệt cười hì hì. Khó khăn lắm mới len tới dưới lầu chuông, thì đội trống từ đại lộ Đông đi tới, người xúm tới xem càng đông. Hai chị em liền nhảy lên bệ đá phun nước trước cửa một khách sạn, nhìn thấy ba cái xe ba bánh sóng hàng ngang đang đi một tấm biển khổng lồ đặt ngang trên chiếc xe ba bánh. Trên biển viết phấn vàng dòng chữ "Giám đốc nhà máy thuốc Bảo vệ thực vật Hoàng Hồng Bảo xin kính chào nhân dân toàn thành phố". Đằng sau ba chiếc xe ba bánh, có một người đàn ông béo đen đang đứng trên một chiếc xe ba bánh tươi cười hớn hở, liên tục vẫy tay chào dòng người hai bên đường. Đằng sau nữa là bốn hàng dọc xe ba bánh, trên xẻ ở hàng hai bên là những tay đánh nạo bát, cầm hai chiếc nạo bát bằng đồng vàng buộc dây vàng, trên xe hai hàng ở giữa, mỗi hàng một cái trống cái, vành trống màu đỏ, đinh đai trống đen sẫm, còn ai nấy người nào cũng đeo một dải lụa đỏ rìa vàng từ vai phải vắt chéo sang hông trái, bên trên có mấy chữ "Đội báo hỉ của nhà máy thuốc bảo vệ thực vật ".
Dưới ánh nắng mặt trời, những chiếc nạo bát ở hai bên vỗ vào nhau ba cái thật mạnh trong tay chợt một tiếng kêu, hai tay giơ cao rồi tách nạo bát ra, một luồng ánh sáng chói loà phát ra cùng một lúc thì những người đánh trống liền đánh ở giữa trống ba cái và gõ vào tang trống ba cái, vung thành vòng trong không trung, dùi này gõ xuống thì dùi kia đưa lên. Hàng trăm người cùng làm động tác một lúc như thế, tiếng trống, tiếng nạo bát đan xen vào nhau, rất giòn rất ăn nhịp, được người xem ở hai bên đường đồng thanh khen hay, vỗ tay hoan hô không ngớt. Ngưu Nguyệt Thanh xem được một lát, đột nhiên nói:
- Nhìn người đàn ông đen sạm xấu xí kia, chẳng khác gì Mao chủ tịch kiểm duyệt đội ngũ, bây giờ có tiền muốn làm kiểu gì cũng được. Chị biết ông ta, ông ta đã từng đến nhà mình.
Liễu Nguyệt nói:
- Thảo nào em thấy quen quen. Em nhớ ra rồi, trông ông ta oách như thế, song đến nhà mình lại khúm na khúm núm trước thầy Điệp!
Bỗng dưng Liễu Nguyệt kêu toáng lên:
- Á à!
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Kêu lung tung cái gì vậy, sao lại hét tướng lên như thế?
Liễu Nguyệt đáp:
- Chẳng phải Đường Uyển Nhi ở chỗ kia là gì?
Ngưu Nguyệt Thanh nhìn theo, thì đúng là Đường Uyển Nhi và Hạ Tiệp đang ở giữa đám đông. Hai người mặt tươi roi rói, ăn diện rất mốt, nổi bật hẳn lên trong dòng người. Nghe thấy tiếng kêu, Đường Uyển Nhi quay đầu nhìn bốn chung quanh như một cái trục quay, cuối cùng đã nhìn thấy Liễu Nguyệt và gọi:
- Liễu Nguyệt ơi, em và cô Thanh cũng đi xem đấy à? Thầy Điệp có đến không?
Đường Uyển Nhi và Hạ Tiệp chen đến, nhảy lên sàn đá, nắm tay chen vai, vui cười hớn hở. Ở bên này vốn là những bông hoa rực rỡ, tiếng cười lại dịu ngọt, nên từ lâu đã được mọi người để ý đến, ngay tức khắc có một tốp những kẻ lang thang tại chỗ đưa mắt nhìn sang cười với họ. Bốn người vội quay mặt đi, thì nghe thấy một cậu nói:
- Tiểu Thuận ơi Tiểu Thuận, cậu không nghe thấy gì à? Mất vía rồi hả?
Một cậu khác lại bảo:
- Bốn quả bom, nhìn kìa.
Liễu Nguyệt đã nghe rõ, khẽ hỏi Hạ Tiệp:
- Bom là gì hả chị?
Hạ Tiệp đáp:
- Họ bảo em có thể làm cho họ ngất xỉu đó mà.
Liễu Nguyệt bèn hích vào eo Đường Uyển Nhi nói:
- Chị mới là bom chứ! Hôm nay chị diện thế, định cho ai nhìn vậy, đẹp chết ngất mất thôi!
Nói rồi đưa tay rút một cái kẹp tóc trên đầu Đường Uyển Nhi cài sang đầu Ngưu Nguyệt Thanh.
Ngưu Nguyệt Thanh lấy xuống xem thì là một chiếc cặp tóc ngà voi có tua, liền bảo:
- Chu Mẫn cũng mua cho em chiếc cặp tóc này hả Uyển Nhi?
Đường Uyển Nhi đỏ mặt đáp một tiếng "vâng".
Ngưu Nguyệt Thanh nói tiếp:
- Em cặp cái này đẹp. Năm kia thầy Điệp của em đi họp ở Đại Lý, cũng mua cho chị một cái, trắng quá to quá chị không thể dùng được, vẫn luôn luôn để trong hòm. Chị cứ tưởng ở Đại Lý mới có thứ hàng này, thì ra ở Tây Kinh cũng có bán ư?
Nói xong liền cặp lên đầu Đường Uyển Nhi, Đường Uyển Nhi đưa chân đá Liễu Nguyệt một cái. Liễu Nguyệt nhảy từ sàn đá xuống, không đứng vững bị ngã quay lơ ra đất, chiếc quần củ cải trắng xám bám đầy đất bẩn, liền đứng dậy phủi thật mạnh, rồi lại nhảy lên. Đường Uyển Nhi nói:
- Cô em hào phóng thế, rơi xuống nhiều thứ thế kia cũng không buồn nhặt lên hả?
Liễu Nguyệt nhìn xuống đât hỏi:
- Thứ gì vậy? Đâu có?
Đường Uyển Nhi đáp:
- Bao nhiêu là con ngươi mắt bám trên quần, em đã phủi đi hết rồi.
Ba người ngớ ra một lát rồi cùng cười. Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Con ranh ngứa nghề Uyển Nhi này, nghĩ gì mà lạ lùng thế. Hôm nay có lẽ Uyển Nhi được mọi người để ý đến nhiều nhất.
Giữa lúc ấy đột nhiên dừng lại. Tờ quảng cáo giới thiệu sản phẩm bay phơi phới như hoa tuyết trên đầu mọi người ở phía kia, những bàn thấy như rừng ở đấy giơ lên không trung bắt chộp lấy, Liễu Nguyệt liền chạy đi nhặt. Chợt nhìn thấy những người trong đội trống đột nhiên đeo mặt nạ lên, cái thì con rệp, cái thì con bọ xít, cái thì con bươm bướm, cái thì con ruồi, hình thù quái dị, trông sởn gai ốc, tất cả cùng cất tiếng hát:
Chúng tôi là sâu bọ. Cúng tôi là sâu bọ
Thuốc đã giết chết chúng tôi, đã giết chết chúng tôi!
Giết chết! giết chết!
Hát xong, nhạc trống lại nổi lên dồn dập. Cứ thế hát rồi gõ trống, gõ trống rồi hát, người trên đường phố hoan hô rầm rầm, chen nhau đổ xô về phía trước. Bỗng chốc đám đông lộn xộn, rối tung rối mù cả lên, rồi nghe thấy đàn bà buột mồm chửi to:
- Thằng khốn nạn nào móc trộm ví tiền của tôi? Đồ ăn cắp, đồ ăn cắp! Mày cứ tưởng người nhà quê ai cũng có tiền hả? "" có tiền, chứ tao làm gì có, có mỗi năm mươi đồng vào thành phố chi tiêu mà mày cũng nhòm ngó đến hả? Người thành phố, mày ăn cắp tiền của tao mày sẽ chết khổ chết sở cho mày xem!
Có người cất tiếng hỏi:
- Kẻ cắp móc trộm, sao bà lại chửi người thành phố hả bà?
Người đàn bà kia lại chửi:
- Kẻ cắp trong thành phố kia, mày ăn cắp tiền của tao mày mua thức ăn ngon, mày mua đồ uống ngọt, thì vợ mày ăn vào không sinh đẻ được, chó nhà mày uống vào không đẻ ra chó con!
Có người cất tiếng:
- Thế thì tốt, bà đã cho nó sinh đẻ có kế hoạch rồi đấy. Trong thành Tây Kinh trộm cắp như rươi, ai bảo bà không cất tiền cẩn thận vào?
Người đàn bà đáp:
- Tôi đâu có không cất cẩn thận cơ chứ? Tôi ở giữa đám đông, có mấy đứa choai choai chen đằng trước đẩy đàng sau, cứ ngực tôi nó bóp. Tôi cứ tưởng đồ trẻ ranh chưa nhìn thấy thứ đó bao giờ, bóp đi cứ để cho mày bọp tao là gái đã có ba con, cũng chẳng phải vú vàng vú bạc! Nào ngờ đồ chết chém chết đạn ấy không chỉ bóp vú tôi mà còn móc hết tiền của tôi kia chứ!
Mọi người chung quanh cười ầm cả lên, người đàn bà kia nói tiếp:
- Tôi bực tức hoá lẩn thẩn mất rồi, tôi đã nói những gì ấy nhỉ?
Nói rồi chị ra co rụt người giữa đám đông, dòng người lại cuồn cuộn như thác lũ. Hạ Tiệp bảo Đường Uyển Nhi:
- Em phải rút bài học kinh nghiệm nhé, hôm nay lại không đeo xu chiêng à?
Đường Uyển Nhi đáp:
- Mùa hè em đeo nóng lắm!
Liễu Nguyệt chạy đến gần bảo:
- Chị cả ơi, trên này có bài viết của thầy Điệp.
Đường Uyển Nhi chộp luôn tờ giới thiệu sản phẩm nói:
- Đưa chị xem, thầy Điệp viết thế nào? – nói rồi đọc to lên.
Ngưu Nguyệt Thanh gàn luôn:
- Đừng đọc nữa, in tên thầy Điệp của em lên đây là mất tín nhiệm lắm đấy, cái thằng chó họ Hoàng kia chắc chắn chưa xin ý kiến đâu!
Nghe nói như vậy, ở bên cạnh liền có người chỉ trỏ xì xào với nhau. Ngưu Nguyệt Thanh loáng thoáng nghe thấy một người đàn ông nói với người đứng cạnh:
- Nhìn thấy không, đó là một tốp phu nhân của nhà văn.
Mấy tiếng cùng hỏi:
- Người nào? Người nào?
Người đàn ông đáp:
- Phu nhân của Trang Chi Điệp mặc áo dài màu xanh đứng ở giữa.
Ngưu Nguyệt Thanh chột dạ, nghĩ bụng người đó chắc hẳn biết mình, sao mình lại không nhận ra anh ta? Nếu anh ta biết mịnh theo lẽ thường cũng nên đến chào mình một tiếng, song anh ta đã không đến chào, chỉ đứng đó nói dông dài, là có ý gì vậy? hay là đã biết mình và Trang Chi Điệp đang có mâu thuẫn, cố ý chê cười mình? Ngay lập tức chị giục ba người kia:
- Bọn mình đi đi, ở đây đông người không tiện.
Bốn người bước xuống sàn đá, đi theo đại lộ Nam. Hạ Tiệp bảo:
- Đã không xem nữa, mà ở đây cách nhà mình không xa, xin mời vào đấy chơi bài.
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Tôi và Liễu Nguyệt phải về, đi chơi đã lâu rồi.
--- ------ BỔ SUNG THÊM --- ------
Hạ Tiệp bảo:
- Chính là vì chị tôi mới nói thế. Thường ngày chị vất vả như thế thường là bận mãi không đi đâu được. Hôm nay có thời giờ đi dạo phố, sao không vào nhà tôi hả? Uyển Nhi, Liễu Nguyệt, hai em hãy trói chị ấy lại, cần khiêng thì cũng phải khiêng đi.
Ngưu Nguyệt Thanh liền cười bảo:
- Thôi được không về nữa, đi thì đi, chơi cho hết một ngày.
Bốn người ào ào như gió lướt trên mặt nước, ngoặt qua mấy ngõ phố, đi đến nhà Mạnh Vân Phòng. Bốn người vào nhà rửa mặt lau mồ hôi. Đường Uyển Nhi lại lấy đồ mỹ phẩm của Hạ Tiệp bôi môi, kẻ lông mày, sau đó kê bàn, bắt cái, xác định vị trí, ngồi xuống chơi mạt chược. Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Anh Vân Phòng đâu? Lại đi luyện khí công ở chùa Dựng Hoàng rồi hả?
Hạ Tiệp đáp:
- Có ma mới biết được! Bây giờ suốt ngày suốt đêm nghiên cứu Thiệu Ông. Một mắt bị mù rồi, còn định mù nốt mắt kia.
Mạnh Vân Phòng bị mù một mắt thì ai cũng đã biết, liền nói đùa nếu mù cả hai mắt, thì lấy ai để ngắm nhìn cái dáng rất đường nét của chị Hạ Tiệp.
Hạ Tiệp liền cho một câu:
- Mù cả hai mắt, tôi dẫn đàn ông hoang về nhà, anh ấy không nhìn thấy lòng không buồn.
Hạ Tiệp nói bạo mồm bạo miệng đến mức ai cũng im như thóc, không biết đối đáp ra sao. Ngưu Nguyệt Thanh chợt nghe có tiếng rao bán sữa tươi ở ngoài cổng liền bảo:
- Liễu Nguyệt ơi, tiếng ai như tiếng chị Lưu, em thử chạy ra xem có phải chị ấy không?
Liễu Nguyệt ra đến cổng thì chị Lưu dắt con bò đang đứng ở đó. Liễu Nguyệt hỏi:
- Chị Lưu ơi, bây giờ mà chị còn bán sữa à?
Chị Lưu hỏi:
- Cô chẳng phải Liễu Nguyệt đó sao, cô làm gì ở đây thế? Hôm nay đưa sữa tươi đến đại lộ Bắc, lúc trở về bị tắc đường, không làm sao đi nổi.
Liễu Nguyệt giục:
- Chị buộc bò vào đây nhanh lên, mời chị vào trong này, chị cả nhà em cũng chơi bài ở đây.
Không cho giải thích lôi thôi, Liễu Nguyệt buộc luôn bò vào gốc cây hoè tía, rồi kéo chị Lưu vào trong nhà. Ngưu Nguyệt Thanh, Đường Uyển Nhi và Hạ Tiệp cùng chào hỏi mời ngồi. Chị Lưu nói:
- Người tôi thế này sao ngồi vào chỗ các chị được?
Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Đây là gia đình bạn của bọn tôi, không sao đâu. Thường ngày vẫn uống sữa bò của chị bán, hôm nay đã muộn thế này, thì cũng không vội về nữa, cứ ở đây chơi, chúng ta sẽ ăn cơm trưa ở đây, không sợ chị ấy nghèo đi đâu.
Nói rồi cứ ấn chị Lưu ngồi xuống. Thường ngày chị Lưu cũng là người ham chơi bài trong làng. Hôm nay thấy các phu nhân ở thành phố mời chị chơi bài, chị cũng sẵn sàng chơi cho vui, càng cảm thấy hãnh diện. Nhưng không biết họ chơi giá bao nhiêu, liền nắn nắn số tiền lẻ để ở trong túi áo sát người, chỉ sợ thua sạch sẽ mất trắng một chuyến đi, càng ngại mắc nợ, người ta sẽ chê cười, nên chị không chơi. Ngưu Nguyệt Thanh đã hiểu ý chị Lưu, liền nói:
- Không bao nhiêu đâu mà, năm hào một đồng thôi, chị đánh thay tôi nhé, thắng thì của chị thua tôi trả.
Đường Uyển Nhi nói:
- Cô Thanh có tiền, hôm nay chúng mình sẽ thắng cô ấy.
Chị Lưu đành phải ngồi vào. Chị nói:
- Vậy thì tôi đánh thay chị, tay tôi có mùi, tôi đánh tồi lắm, tôi đánh một lượt rồi chị đánh thế.
Liễu Nguyệt thấy Ngưu Nguyệt Thanh đứng bên cạnh liền bảo:
- Chị cả ơi, chị đánh nhé, em phải về bên hội văn học nghệ thuật nấu cơm cho thầy Điệp.
Đường Uyển Nhi cố làm ra vẻ hồ đồ, hỏi:
- Gần đây thầy Điệp ở bên hội văn học nghệ thuật ư?
Ngưu Nguyệt Thanh không trả lời Đường Uyển Nhi, chỉ bảo Liễu Nguyệt:
- Kệ anh ấy, anh ấy đi suốt ngày suốt buổi, bảo về cũng xong, bảo không về cũng xong, anh ấy cứ tưởng chúng mình không biết gì.
Đường Uyển Nhi liền hỏi Liễu Nguyệt:
- Hai người mâu thuẫn, mỗi người ở một nơi à?
Liễu Nguyệt khẽ đáp:
- Đâu có.
Nói rồi tỉnh bơ. Đường Uyển Nhi ranh ma lắm, không biết vợ chồng Trang Chi Điệp rút cuộc như thế nào, thấy Liễu Nguyệt như vậy, có phần bực tức, song không biểu lộ trên nét mặt, vừa chơi bài vừa đoán thầm hai vợ chồng nhà này rút cuộc thế nào, liền đánh ra một con bài không nên đánh, Liễu Nguyệt vui vẻ ăn luôn, cô nhặt con bài lên, hôn một cái rất kêu. Đường Uyển Nhi nói:
- Mình quả là một người giỏi chăn nuôi.
Nói rồi đứng dậy bảo phải ra nhà vệ sinh thải độc, để Ngưu Nguyệt Thanh chơi thay. Ra khỏi cổng, nhìn thấy con bò sữa nằm đấy như hòn đá, chỉ có cái đuôi ve vẩy đuổi ruồi nhặng, liền ngấm ngầm hỏi quẻ: Trang Chi Điệp luôn luôn nhắc mình chờ đợi anh ấy, anh ấy đã thật sự tìm thời cơ gây mâu thuẫn, hay chỉ là cãi cọ thường ngày? Nếu là vì mình thì con bò này sẽ rống lên một tiếng, nếu không phải vì mình, thì con bò này sẽ nằm yên. Nhìn nó một lúc, thì hai tai bò dỏng lên, mũi thở phì một cái rõ to, song không rống. Đường Uyển Nhi cũng không dám chắc là vì mình hay không vì mình, ngượng ngùng tê tái quay vào nhà, bước vào cửa, đột nhiên reo lên the thé:
- Ái à thầy Điệp, sao thầy cũng đến đây ư? Quả thật núi không chuyển thì đường chuyển, tất cả lại gặp nhau ở đây.
Ở trong nhà nghe nói Trang Chi Điệp đến, Ngưu Nguyệt Thanh vội vàng đẩy bài, nói:
- Đừng nói có tôi ở đây.
Nói xong lánh vào nhà trong, buông rèm xuống. Sớm nhìn thấy động tĩnh của Ngưu Nguyệt Thanh, Đường Uyển Nhi hiểu ra ngay hai người đã sống riêng thật, càng tỏ ra đắc ý, vừa cười xua xua tay với ba người kia, vừa nói:
- Thầy giáo Điệp thầy ngồi xuống đây. Cô Thanh cũng trong này, cô Thanh đâu rồi nhỉ?
Mọi người thấy Đường Uyển Nhi làm thế, cũng vào hùa trêu theo chị ta nói:
- Cô Thanh biết thầy đến, đang ở trong kia đàn bà trang điểm vì người tri kỷ đấy ạ!
Họ bấm bụng nín cười, Đường Uyển Nhi cũng cố nhịn nói:
- Sao thầy lại bỏ đi? vừa nghe nói cô ở đây thầy đã bỏ đi rồi ư?
Nói xong liền bước ra sân, lại đẩy cổng một cái thật mạnh. Chợt nghe thấy Ngưu Nguyệt Thanh đang mắng trong nhà:
- Đừng ai ngăn lại, cứ để cho anh ấy đi. Anh ấy không muốn gặp tôi, thì vĩnh viễn không phải gặp tôi nữa.
Trong tiếng la mắng lại có cả tiếng nức nở. Mọi người cười ầm lên, Hạ Tiệp và Liễu Nguyệt chạy vào nhà trong kéo Ngưu Nguyệt Thanh ra và bảo:
- Toàn là trò tai quái, Đường Uyển Nhi bày đặt ra đấy, làm gì có chuyện Trang Chi Điệp đến cơ chứ. Uyển Nhi sao không mau mau cúi đầu xin lỗi cô Thanh đi hả?
Đường Uyển Nhi sung sướng lắm, loạng choạng bước đến. Song đã thật sự quỳ xuống trước mặt Ngưu Nguyệt Thanh. Ngưu Nguyệt Thanh vừa tức vừa buồn cười, véo luôn mồm Đường Uyển Nhi mắng:
- Con ranh ngứa nghề này, thật đúng là câu hát trên đường phố "chúng tôi là sâu bọ", dùng thuốc giết chết mi đi!
Chơi được bốn lượt bài, thì Mạnh Vân Phòng đi đâu về, dẫn theo một thằng bé, nó chính là Mạnh Tẫn, con trai của vợ trước. Mạnh Vân Phòng sai con đến lần lượt chào từng thím, Mạnh Tẫn mắt không nhìn vào ai, mồm chỉ hé ra "Cháu chào thím Thanh, cháu chào thím Nhi", rồi chuồn vào phòng sách của Mạnh Vân Phòng mở sách cầm bút. Nét mặt Hạ Tiệp nhăn nhó, song không nói gì, Mạnh Vân Phòng liền vui vẻ xuống bếp nấu cơm, anh tuyên bố không được để ai đi đâu cả. Chị Lưu thấy khó xử, liền cầm năm cái ca đi vắt sữa bò, mỗi người một ca. Ngưu Nguyệt Thanh bảo chị không uống sữa sống, nhường cho cháu Mạnh Tẫn. Mạnh Tẫn uống một hơi hết nhẵn. Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Thằng bé lớn tướng rồi, một Mạnh Vân Phòng con y hệt.
Hạ Tiệp khe khẽ bảo:
- Vì việc này mà tôi và anh Vân Phòng giận nhau luôn. Cái năm cưới nhau tôi đã hẹn trước ba điều quy ước, điều thứ nhất đứa con phải do vợ cũ của anh nuôi, anh có thể chăm sóc con, nhưng không được dẫn đến nhà này. Lúc đó anh ấy chấp thuận răm rắp, nhưng bây giờ lại thường hay dẫn Mạnh Tẫn về nhà. Tôi đã nhắc nhở, anh ấy mồm thì bảo từ nay về sau không đưa về nữa, nhưng hễ tôi ra khỏi cửa, là lại đưa về cho ăn uống tử tế. Hôm nay anh ấy cứ tưởng tôi lại đi vắng đã dẫn về.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Xét cho cùng thì cháu là con trai của Mạnh Vân Phòng, dẫn về thì dẫn về, một đứa trẻ có thể ăn được bao nhiêu kia chứ!
Hạ Tiệp đáp:
- Tôi đâu có cấm thằng bé ăn uống tốn kém, chỉ có điều tôi bỏ chồng trước, đứa con của tôi toà xét xử sống theo mẹ, Mạnh Vân Phòng vốn chỉ yêu con tôi ngoài miệng, chứ không yêu thật lòng, nếu lại dẫn một đứa nữa về, anh ấy chỉ quý cháu Mạnh Tẫn, lạnh nhạt với tôi, càng đáng thương cho đứa con của tôi hơn.
Trong chốc lát, Ngưu Nguyệt Thanh không biết nói thế nào hơn, liền khuyên:
- Chị cứ giữ sao cho đồng cân thăng bằng là được, còn phía Vân Phòng, tôi sẽ nói với anh ấy. Bây giờ đã là người trong một nhà, thì con cái của hai bên đều là con của mình, chớ có nặng đứa này nhẹ đứa kia!
Thấy hai người nói chuyện thân mật, Đường Uyển Nhi cũng ngồi xuống nghe. Hai người liền lảng sang bàn chuyện thời tiết.
Lúc ăn cơm Liễu Nguyệt vẫn còn băn khoăn lo cho Trang Chi Điệp. Cô bảo:
- Không biết bữa này thầy Điệp ăn gì?
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Anh ấy hả, có chỗ ăn ngon rồi. Trưa nay tôi gặp anh ấy ngoài phố, anh ấy bảo đi toà sọan tạp chí, đến đó không phải anh ấy mời người ta, thì người ta mời anh ấy.
Ăn cơm xong, chị Lưu bảo bụng chị đã no, bụng bò vẫn còn đói, chị phải mau mau đi về. Chị Lưu đi rồi, Mạnh Vân Phòng lại cùng với chị em đánh bốn ván bài nữa mới giải tán.